I - TIỂU DẪN
1 - Trước hết, chúng tôi coi năm 179 trước công nguyên là năm mở đầu và năm 905 là năm kết thúc của thời kì Bắc thuộc. Trong khoảng thời gian hơn một ngàn năm đó, cũng có lúc nhân dân ta đã giành được độc lập, nhưng đó chỉ là nền độc lập rất yếu ớt và tạm thời, cho nên, toàn bộ khung thời gian tử năm 179 trước công nguyên đến năm 905 đều thuộc về thời Bắc thuộc.
2 - Xét chính quyền đô hộ của các triều đại phong kiến Trung Quốc, chúng tôi thấy có sự khác biệt giữa danh nghĩa và thực chất. Về danh nghĩa, mỗi quan đô hộ đều nhận phẩm tước của một triều đình cụ thể nào đấy, nhưng về thực chất, có những quan đô hộ làm việc cho hai triều đại khác nhau, lại cũng có những quan đô hộ âm thầm xây dựng cho mình cả một hệ thống chính quyền cát cứ riêng. Nhiều nhà nghiên cứu gọi đó là lực li tâm chính trị. Bởi thực tế đó, bảng thế thứ thời Bắc thuộc chỉ có một ý nghĩa rất tương đối mà thôi.
3 - Về danh mục các quan đô hộ của các triều, sử cũ chép không rõ ràng, đó là chưa nói có sự sai biệt lẫn nhau. Có những quan, tiếng là đô hộ toàn cõi nước ta nhưng thực thì họ chưa từng tới nước ta. Có những quan, tiếng là đô hô trong phạm vi một quận, nhưng thực thì quyền hành của họ gần như toả rộng khắp toàn cõi.
Trước tình hình đó, chúng tôi chép ra đây tất cả những quan đô hộ nào được sử cũ nhắc tới, không phân biệt đó là thứ sử hay thái thú.
4 - Sách này trình bày thế thứ các triều vua Việt Nam, do vậy, phần thế thứ thời Bắc thuộc, chúng tôi trình bày lướt qua, cốt để cung cấp một ý niệm ban đầu hơn là cung cấp những tư liệu lịch sử đầy đủ về thời Bắc thuộc.
II - THẾ THỨ CHÍNH QUYỀN ĐÔ HỘ CỦA NAM VIỆTNăm 208 trước công nguyên, nhân nhà Tần sụp đổ, một viên tướng trong đạo quân nam chinh của nhà Tần là Triệu Đà đã chiếm cứ vùng Lĩnh Nam (Trung Quốc) và sau đó lập ra nước Nam Việt. Ngay khi vừa mới lên ngôi, Triệu Đà đã nhiều lần xua quân sang tấn công xâm lược Âu Lạc. Nhưng tất cả những cuộc tấn công đó đều bị quân đội của An Dương Vương đẩy lùi. Sau, Triệu Đà dùng kế hôn nhân, cho con trai là Trọng Thuỷ lấy con gái của An Dương Vương là Mỵ Châu và cho Trọng Thuỷ ở rể tại Âu Lạc. Từ đó, An Dương Vương mất cảnh giác, rốt cuộc, bị Triệu Đà bất ngờ đánh bại và cướp nước kể từ năm 179 trước công nguyên.
1 - TRIỆU VŨ ĐẾ (206 đến 137 trước công nguyên)
Họ, tên: Triệu Đà.
- Nguyên quán: Chân Định (Hà Bắc, Trung Quốc).
- Thống trị nước ta 42 năm (từ năm 179 đến năm 137 trước công nguyên).
- Mất năm Giáp Thìn (137 trước công nguyên), thọ 120 tuổi (1).
- Không thấy sử chép việc Triệu Đà đặt niên hiệu.
2 - TRIỆU VĂN VƯƠNG (136 đến 125 trước công nguyên)
- Họ, tên: Triệu Hồ (con của Trọng Thuỷ, cháu nội của Triệu Đà).
- Lên ngôi năm Ất Tị (136 trước công nguyên).
- Ở ngôi (và thống trị nước ta) 11 năm, từ năm 136 đến năm 125 trước công nguyên.
- Mất năm Bính Thìn (125 trước công nguyên), thọ 51 tuổi.
- Không thấy sử chép việc Triệu Hồ đặt niên hiệu.
3 - TRIỆU MINH VƯƠNG (124 đến 113 trước công nguyên)
- Họ, tên: Triệu Anh Tề (con trưởng của Triệu Hồ).
- Ở ngôi (và thống trị nước ta) 11 năm, từ năm 124 đến năm 113 trước công nguyên.
- Mất năm Mậu Thìn (113 trước công nguyên).
- Không thấy sử chép việc Triệu Anh Tề đặt niên hiệu.
4 - TRIỆU AI VƯƠNG (112 trước công nguyên)
- Họ, tên: Triệu Hưng (con thứ của Triệu Anh Tề).
- Ở ngôi (và thống trị nước ta) năm Kỉ Tị (112 trước công nguyên).
- Chết vì bị quan tể tướng là Lữ Gia giết.
5 - THUẬT DƯƠNG VƯƠNG (111 trước công nguyên)
- Họ, tên: Triệu Kiến Đức (con trưởng của Triệu Anh Tề, anh của Triệu Hưng, mẹ là người Việt nhưng không rõ họ tên).
- Ở ngôi (và thống trị nước ta) năm Canh Ngọ (111 trước công nguyên).
- Bị nhà Tây Hán đánh đổ năm 111 trước công nguyên, sau sống chết thế nào không rõ.
- Không thấy sử chép việc Triệu Kiến Đức đặt niên hiệu.
III - THẾ THỨ CHÍNH QUYỀN ĐÔ HỘ THỜI LƯỠNG HÁN1 - Vài nét về lãnh thổ và dân cư của nước nhà thời bị nhà Hán đô hộ
Thời cổ đại, Trung Quốc có đến hai triều Hán khác nhau. Một là Tiền Hán (hay Tây Hán), khởi đầu là Lưu Bang (Hán Cao Tổ) tồn tại từ năm 206 trước công nguyên đến năm thứ 8 sau công nguyên. Hai là Hậu Hán (hay Đông Hán), khởi đầu là Lưu Tú (Hán Quang Võ) tồn tại từ năm thứ 25 đến năm 220 sau công nguyên. Giữa hai triều Tây và Đông Hán là triều Tân (từ năm thứ 8 đến năm thứ 25 sau công nguyên). Do dấu ấn của nhà Tân rất mờ nhạt, các nhà nghiên cứu thường gọi chung toàn bộ khoảng thời gian lịch sử từ năm 208 trước côug nguyên đến năm 220 sau công nguyên là thời lưỡng Hán.
Nội thân lịch sử Trung Quốc thời lưỡng Hán có rất nhiều biến cố lớn uhỏ khác nhau, nhưng đối với nước ta mưu đồ chung của chủ nghĩa bành trướng đại Hán vẫn không hề thay đổi.
Tây Hán cũng như Đông Hán đều coi nước ta là một bộ phận lãnh thổ của Trung Quốc và chia nước ta làm ba quận: Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam. Sau đây là vài con số về dân cư của nước ta theo thống kê của sử sách Trung Quốc.
a - Dân số nước ta thời Tây Hán (theo Tiền Hán thư)
Tên quận |
Tổng số hộ |
Tổng số dân |
Giao Chỉ |
92 440 hộ |
746 237 người |
Cửu Chân |
35 742 hộ |
166 113 người |
Nhật Nam |
15 460 hộ |
69 485 người |
b - Dân số nước ta thời Đông Hán (theo Hậu Hán thư)
Tên quận |
Tổng số hộ |
Tổng số dân |
Giao Chỉ |
Không giấy phép |
Không giấy phép |
Cửu Chân |
46 513 hộ |
209 894 người |
Nhật Nam |
18 263 hộ |
100 676 người |
Con số thống kê trên đây tất nhiên là không đầy đủ, bởi lẽ chính quyền đô hộ phải tiến hành điều tra dân số trong điều kiện nhân dân ta liên tục nổi dậy đấu tranh dưới nhiều hình thức và quy mô khác nhau.
Có lẽ vào đầu công nguyên, dân số nước ta áng chừng hơn một triệu người.
2 - Danh sách quan đô hộ của Trung Quốc ở nước ta thời lưỡng Hán
Ba bộ sử cổ nhất của nước ta có chép danh sách quan đô hộ của Trung Quốc ở nước ta là An Nam chí lược (quyển 7), Đại Việt sử lược (quyển 1) và Đại Việt sử kí toàn thư (ngoại kỉ, quyển 3, 4 và 5). Trong ba bộ sử nói trên, An Nam chí lược là bộ ghi chép nhiều hơn cả. Dưới đây là danh sách tổng hợp từ ba bộ sử nói trên.
01 - Thạch Đới
02 - Chu Chương
03 - Ngụy Lãng
04 - Đặng Huân
05 - Ích Cư Xương
06 - Đặng Nhượng
07 - Tích Quang
08 - Nhâm Diên
09 - Tô Định
10 - Mã Viện
11 - Lý Thiện
12 - Trương Khôi
13 - Hồ Cống
14 - Phàn Diễn
15 - Trương Kiều
16 - Chúc Lương
17 - Chu Xưởng
18 - Hạ Phương
19 - Dương Phò
20 - Ngô Thức
21 - Ngụy Lãng (?)
22 - Chúc Điềm
23 - Cát Kỳ
24 - Đinh Cung
25 - Ngu Thiều
26 - Lưu Tháo
27 - Chu Ngung
28 - Chu Tuấn
29 - Giả Tông
30 - Chu Thặng
31 - Kiến Lan
32 - Lại Tiên
33 - Hoàng Cái
34 - Đam Manh
35 - Chu Phù
36 - Trương Tân
37 - Lại Cung
38 - Ky Vô Hạp
39 - Chu Trị
40 - Sỹ Nhiếp
41 - Sỹ Huy
42 - Trần Thời
Trong danh sách 42 quan đô hộ nói trên, có Ngụy Lãng thấy chép hai lần, trước sau cách nhau gần hai trăm năm, có thể là do tình cờ trùng tên chăug? Rất tiếc là sử Trung Quốc chép việc này cũng rất tản mạn, khó kiểm chứng một cách chính xác Cũng cần nói thêm rằng, danh sách trên vừa có thứ sử lẫn thái thú. Thứ sử là chức trông coi cả ba quận, danh tuy lớn mà quyền lực thực tế lại không bao nhiêu. Ngược lại thái thú là quan coi một quận, nhưng quyền hành rất lớn, đôi khi còn vượt ra khỏi phạm vi của quận. Ngoài ra, cũng có quan đô hộ tiếng là được sang cai trị nước ta, nhưng vì nhiều lí do khác nhau, chúng chưa hề đặt chân lên đất nước ta. Một lần nữa, chúng tôi xin được lưu ý rằng, danh sách này chỉ có ý nghĩa hết sức tương đối mà thôi.
IV - THẾ THỨ CHÍNH QUYỀN ĐÔ HỘ CỦA PHONG KIẾN TRUNG QUỐC THỜI THUỘC NGÔ1 - Nhà Ngô thay nhà Hán thống trị nước ta
Cuối thế kỉ thứ II, nhà Đông Hán sụp đổ, Trung Quốc bước vào thời kì hỗn chiến rất tương tàn, sử gọi đó là thời Tam Quốc. Trong thời hỗn chiến Tam Quốc (Ngô, Thục và Nguỵ), nhà Ngô thống trị nước ta. Nhà Ngô đổi gọi nước ta là Giao Châu và trên danh nghĩa, chính quyền đô hộ của nhà Ngô kéo dài từ năm 220 đến năm 280.
Theo quy luật tăng trưởng tự nhiên, dân số nước ta thời thuộc Ngô đông hơn thời thuộc Hán, nhưng đó chỉ là suy luận Tài liệu quan trong nhất viết về thời thuộc Ngô là Tam Quốc Chí, phần Ngô Chí của Trần Thọ (Trung Quốc). Tiếc thay, ghi chép của Trần Thọ về vấn đề này rất tản mạn và không rõ ràng nên chúng tôi chưa thể nắm được dân số cụ thể của nước ta thời thuộc Ngô.
2 - Danh sách quan đô hộ thời thuộc Ngô 01 - Đới Lương
02 - Bộ Chất
03 - Lữ Đại
04 - Tiết Tông
05 - Lục Dận (tức Lục Doãn)
06 - Đặng Tuân
07 - Lữ Hưng
08 - Ngô Hưng
09 - Hoắc Dặc
10 - Mã Dung
11 - Tôn Tư
12 - Trần Tập
13 - Ngu Phiếm
14 - Cốc Lăng
15 - Ky Vô Hậu
16 - Tu Tắc (tức Dương Tắc)
17 - Lưu Tuấn
18 - Hấn Tông
19 - Mao Quýnh
20 - Đổng Nguyên
21 - Soán Cốc
22 - Mạnh Cán
23 - Đào Hoàng
24 - Ngô Ngạn
25 - Cố Bí
26 - Cố Sâm
27 - Cố Thọ
28 - Đào Oai
29 - Đào Thục
30 - Đào Tuy
31 - Đào Khản
Trong danh sách 31 người nói trên có hai dòng họ nối nhau làm quan đô hộ, đó là họ Cố và họ Đào. Danh nghĩa, họ là quan của nhà Ngô, nhưng thực chất, họ là những người đã âm thầm xây dựng cơ đồ cát cứ riêng.
V - THẾ THỨ CHÍNH QUYỀN ĐÔ HỘ CỦA PHONG KIẾN TRUNG QUỐC THỜI THUỘC TẤN1 - Nhà Tấn thay nhà Ngô thống trị nước taCuối thế kỉ thứ III, nhà Tấn thống nhất được Trung Quốc và thay nhà Ngô thống trị nước ta. Cũng như nhà Ngô, nhà Tấn gọi nước ta là Giao Châu.
Theo Tấn thư, đất Giao Châu thời thuộc Tấn có tất cả 25 600 hộ. Tấn thư chỉ ghi số hộ chứ không ghi số người, và theo chúng tôi, con số nói trên có lẽ còn nhỏ hơn nhiều so với số hộ thực tế.
Trên danh nghĩa, nhà Tấn thống trị nước ta từ năm 280 đến năm 420.
2 - Danh sách quan đô hộ của phong kiến Trung Quốc thời thuộc Tấn 01 - Vương Đôn
02 - Vương Cơ
03 - Lương Thạc
04 - Vương Lượng
05 - Biện Triền
06 - Chử Đào
07 - Trương Liễn
08 - Nguyễn Phóng
09 - Hạ Hầu Lãm
10 - Chu Phiên
11 - Dương Bình
12 - Nguyễn Phu
13 - Ôn Phóng Chi
14 - Đỗ Bảo
15 - Đằng Hàm
16 - Cát Hồng
17 - Lý Tốn
18 - Phó Vĩnh
19 - Đỗ Viện
20 - Đỗ Tuệ Độ
21 - Đỗ Hoành Văn
22 - Đằng Tốn
VI - THẾ THỨ CHÍNH QUYỀN ĐÔ HỘ CỦA PHONG KIẾN TRUNG QUỐC THỜI THUỘC NAM TRIỀU1 - Nam Triều thay thế nhà Tấn thống trị nước ta
Đầu thế kỉ thứ V, Trung Quốc lại bị loạn lạc. Một cục diện cát cứ nguy hiểm mới đã xuất hiện, sử gọi đó là thời Nam Bắc Triều. Thời này, Nam Triều thống trị nước ta. Trên danh nghĩa, Nam Triều (gồm: Tống, Tề, Lương và Trần) tồn tại từ năm 420 đến năm 589. Tuy nhiên, đó chỉ là danh nghĩa, và ở nước ta quyền thống trị của Nam Triều đã bị xoá bỏ kể từ năm 542 bởi thắng lợi của cuộc khởi nghĩa do Lý Bôn lãnh đạo.
Các sách của Trung Quốc như Tống thư, Nam Tề thư… đều có chép về dân số nước ta thời thuộc Nam Triều, nhưng tài liệu tản mạn và không đầy đủ, bởi vậy, chúng tôi không giới thiệu ở đây.
2 - Danh sách quan dô hộ của Trung Quốc thời thuộc Nam Triều
01 - Vương Huy Chi
02 - Lưu Nghĩa Khang
03 - Nguyễn Di Chi
04 - Lưu Mục
05 - Lưu Bột
06 - Lý Trường Nhân
07 - Lý Thúc Hiến
08 - Thẩm Hoán
09 - Nguyễn Phiên
10 - Trương Mục Chi
11 - Đàm Hoà Chi
12 - Hoàn Hoằng
13 - Phòng Pháp Thừa
14 - Phục Đăng Chi
15 - Lưu Khải
16 - Lý Nguyên Khải
17 - Lý Tắc
18 - Vương Nhiếp
19 - Tiêu Tư
20 - Dương Phiêu
21 - Trần Bá Tiên
22 - Lưu Phương
23 - Âu Dương Hột
24 - Dương Tấn
25 - Dương Hưu Phố
VII - THẾ THỨ CHÍNH QUYỀN ĐÔ HỘ CỦA PHONG KIẾN TRUNG QUỐC THỜI THUỘC TUỲ VÀ ĐƯỜNG
1 - Vài nét về đất nước thời thuộc Tuỳ và ĐườngNăm 581, nhà Tuỳ thống nhất được Trung Quốc, chấm dứt thời kì hỗn chiến Nam Bắc Triều. Mười ba năm sau (năm 602), nhà Tuỳ cho quân sang xâm lược nước ta. Cuộc kháng chiến chống quân Tuỳ do Lý Phật Tử lãnh đạo nhanh chóng bị thất bại. Nhà Tuỳ thống trị nước ta kể từ đó. Theo thống kê của Tuỳ thư, dân số nước ta thời thuộc Tuỳ (từ năm 602 đến năm 618) như sau:
- Quận Giao Chỉ : 30 056 hộ.
- Quận Cửu Chân: 16 135 hộ.
- Quận Nhật Nam: 9 915 hộ.
Cộng 56 106 hộ.
Từ con số trên, chúng ta có thể ước tính rằng dân số nước thời thuộc Tuỳ khoảng gần hai triệu rưỡi. Cũng có thể, đó là con số còn ít hơn thực tế. Năm 618, nhà Đường lật đổ nhà Tuỳ thay nhà Tuỳ thống trị cả Trung Quốc và nước ta. Năm 678, nhà Đường lập ra An Nam đô hộ phủ. Sử Trung Quốc quen gọi ta là An Nam kể từ đó. Thời Đường, nước ta có 12 châu ở vùng đồng bằng và trung du, 41 châu ki mi (châu ràng buộc lỏng lẻo) ở vùng rừng núi. Đường thư có nói đến dân số của nước ta nhưng tư liệu vừa tản mạn, vừa không nhất quán nên chúng tôi không giới thiệu ở đây.
Nhà Đường thống trị nước ta từ năm 618 đến năm 905.
2 - Danh sách quan lại đô hộ của Trung Quốc thời thuộc Tuỳ và Đường 01 - Lý (không rõ tên)
02 - Khâu Hoà
03 - Lý Đại Lượng
04 - Lý Thọ
05 - Lư Tổ Thượng
06 - Lý Đạo Hưng
07 - Lý Đạo Ngạn
08 - Lý Giám
09 - Liễu Sở Hiền
10 - Đỗ Chính Luận
11 - Đậu Đức Minh
12 - Ninh Đạt
13 - Chử Toại Lương
14 - Sài Triết Uy
15 - Lang Dư Khánh
16 - Lưu Diên Hựu
17 - Khúc Lãm
18 - Trương Thuận
19 - Trương Bá Nghi
20 - Lưu Hựu
21 - Quang Sở Khách
22 - Tống Chi Đễ
23 - Đỗ Minh Cử
24 - Hà Lý Quang
25 - Trương Khiêm
26 - Khang Khiêm
27 - Triều Hoành
28 - Phụ Lương Giao
29 - Cao Chính Bình
30 - Trương Ứng
31 - Triệu Xương
32 - Bùi Thái
33 - Trương Châu
34 - Mã Tổng
35 - Triệu Quân
36 - Lý Tượng Cổ
37 - Lý Nguyên Hỷ
38 - Lý Nguyên Gia
39 - Quế Trọng Vũ
40 - Bùi Hành Lập
41 - Lý Nguyên Thiện
42 - Hàn Ước
43 - Mă Thực
44 - Vũ Hồn
45 - Bùi Nguyên Hựu
46 - Điền Tảo
47 - Vương Thức
48 - Thôi Cảnh
49 - Điền Tài Hựu
50 - Chu Nhai
51 - Lý Trác
52 - Lý Hộ
53- Vương Khoan
54 - Sái Tập
55 - Sái Kinh
56 - Tống Nhung
57 - Cao Biền
58 - Cao Tầm
59 - Tăng Cổn
60 - Trương Nhẫn
61 - Kính Ngạn Tông
62 - Thôi Lập Tín
63 - Chu Toàn Dục
64 - Độc Cô Tổn
Trong danh sách kể trên có Triều Hoành là người Nhật Bản.
VIII - THẾ THỨ CÁC CHÍNH QUYỀN TỰ CHỦ ĐƯỢC THÀNH LẬP TRONG CÁC CUỘC KHỞI NGHĨA CHỐNG BẮC THUỘCTừ năm 179 trước công nguyên đến năm 905 sau công nguyên, trong số những dòng phát triển khác nhau của lịch sử, có hai dòng đối nghịch, luôn luôn diễn ra một cách quyết liệt trên đất nước ta, đó là Bắc thuộc và chống Bắc thuộc. Dòng Bắc thuộc được thể hiện rõ nét nhất qua việc thiết lập và không ngừng củng cố hệ thống chính quyền đô hộ ngoại bang. Ngược lại, dòng chống Bắc thuộc được thể hiện tập trung nhất qua hàng loạt những cuộc công phá chính quyền đô hộ ngoại bang, nhằm thiết lập hệ thống chính quyền độc lập và tự chủ. Sau hơn một ngàn năm đối đầu không khoan nhượng, cuối cùng, dòng thứ hai – dòng chống Bắc thuộc – đã thắng.
Thắng lợi của dòng thứ hai là thắng lợi của cả một quá trình lâu dài và gian khổ. Trong suốt quá trình đô, không ít các hệ thống chính quyền với những quy mô và tính chất khác nhau đã được lập ra. Gọi đó là Triều vua (gồm nhà vua và những thiết chế chính trị do vua lập ra) theo đúng nghĩa của từ này, thì hẳn nhiên là còn có những điều cần phải cân nhắc, nhưng rõ ràng, tất cả những hệ thống chính quyền ấy đều là thành tựu tuyệt vời của cuộc chiến đấu một mất một còn, đều thực sự là tinh hoa của ý chí độc lập và tự chủ của dân tộc ta. Xuất phát từ nhận thức ấy, chúng tôi trân trọng giới thiệu một số chính quyền tiêu biểu nhất (dẫu người đứng đầu chưa xưng tước hiệu gì rõ ràng) được thành lập trong hoặc sau những cuộc khởi nghĩa chống Bắc thuộc.
1 - Chính quyền Trưng Nữ Vương (40-43)- Huý là Trưng Trắc, con gái của Lạc tướng Mê Linh. (Đất Mê Linh nay thuộc vùng giáp giới giữa Hà Tây với Vĩnh Phúc và ngoại thành Hà Nội).
- Thân sinh mất sớm, Trưng Trắc và em gái là Trưng Nhị được thân mẫu là bà Man Thiện (cũng có truyền thuyết nói là bà Trần Thị Đoan) nuôi dưỡng.
- Hiện chưa rõ Trưng Trắc sinh năm nào, chỉ biết khi Tô Định được nhà Đông Hán sai sang làm thái thú ở Giao Chỉ (năm 34), thì Trưng Trắc đã trưởng thành và kết hôn với con trai của Lạc tướng Chu Diên là Thi Sách (Đất Chu Diên nay là vùng giáp giới giữa Hà Tây với Hà Nam).
- Bấy giờ, nhân lòng căm phẫn của nhân dân ta đối với chính sách thống trị tàn bạo của nhà Đông Hán, lại cũng nhân vì Thi Sách bị thái thú Tô Định giết hại, Trưng Trắc đã cùng em là Trưng Nhị và nhiều bậc hào kiệt khác, phát động và lãnh đạo cuộc khởi nghĩa có quy mô rất lớn.
- Khởi nghĩa bùng nổ vào cuối năm 39 đầu năm 40 và nhanh chóng được nhân dân cả nước nhất tề hưởng ứng. Tô Định phải hốt hoảng bỏ chạy về nước.
- Khi quân đô hộ đã bị quét sạch khỏi bờ cõi, Hai Bà Trưng đã thành lập một hệ thống chính quyền độc lập và tự chủ, sử gọi đó là chính quyền Trưng Nữ Vương.
- Chính quyền Trưng Nữ Vương tồn tại được trong khoảng gần ba năm (từ đầu năm 40 đến cuối năm 42, đầu năm 43). Sử gia Lê Văn Hưu (1280 - 1322) viết: “Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà mà hô một tiếng cũng có thể khiến được các quận: Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam và Hợp Phố cùng 65 thành ở Lĩnh Ngoại hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay. Xem thế cũng đủ biết hình thế đất Việt ta có thể dựng được nghiệp bá vương”.
- Nhà Đông Hán đã phải cử tên lão tướng khét tiếng tàn bạo và dày dạn kinh nghiệm trận mạc là Mã Viện sang đàn áp mới tiêu diệt được lực lượng và chính quyền của Hai Bà Trưng.
2 - Chính quyền của Bà Triệu (248)- Bà Triệu (Triệu Thị Trinh) người đất Quân Yên (nay thuộc huyện Thiệu Yên, tỉnh Thanh Hoá) sinh năm nào chưa rõ, chỉ biết khi cùng anh là Triệu Quốc Đạt khởi xướng và lãnh đạo cuộc chiến đấu chống ách đô hộ của quân Đông Ngô (năm 248), Bà đã là một cô gái ở độ tuổi khoảng trên dưới hai mươi. Bấy giờ, nhiều người khuyên Bà nên lập gia đình, xây dựng hạnh phúc riêng, nhưng Bà đã khảng khái trả lời: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp ngọn sóng dữ, chém cá tràng kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, cởi ách nô lệ cho nhân dân chớ không chịu khom lưng làm tì thiếp người ta”. Sau câu nói bừng bừng khẩu khí anh hùng đỏ, Bà đã quả cảm phát động khởi nghĩa.
- Quân Ngô sau nhiều phen thất bại, đã tìm đủ mọi thủ đoạn xảo quyệt, thậm chí đã dùng cả tước hiệu Lệ Hải Bà Vương để chiêu dụ Bà, nhưng ý chí của Bà trước sau vẫn không hề bị lung lạc.
- Cuối cùng, nhà Ngô đã phải sai viên tướng lừng danh là Lục Dận đem đại binh sang đàn áp. Bà Triệu cùng hàng loạt nghĩa binh đã anh dũng hi sinh vào năm 248.
- Về thực chất, bộ chỉ huy khởi nghĩa do Bà Triệu cầm đầu cũng là một guồng máy chính quyển. Bà Triệu chưa xưng đế hay xưng vương, cũng chưa đặt quốc hiệu hay niên hiệu, nhưng rõ ràng, guồng máy chính quyền sơ khai do Bà Triệu lập ra, hoàn toàn biệt lập và đối nghịch sâu sắc với chính quyển đô hộ của quân Ngô.
3 - Thế thứ chính quyền nhà Tiền Lý (542-602)- Năm Nhâm Tuất (542), Lý Bí (còn có tên gọi khác là Lý Bôn) đã lãnh đạo nhân dân vùng dậy lật nhào ách đô hộ của nhà Lương (một triều đại của Nam Triều ở Trung Quốc thời Nam – Bắc triều). Chỉ trong một thời gian rất ngắn, Lý Bí đã giành được thắng lợi và thiết lập một hệ thống chính quyền độc lập, tự chủ riêng.
- Nhiều bộ sử cũ vẫn gọi khoảng thời gian từ năm 542 đến năm 602 là thời Tiền Lý, dẫu thực tế không hoàn toàn như vậy. Xét rằng, các chính quyền khác xuất hiện trong khoảng thời gian nào, tuy không đúng là của nhà Tiền Lý nhưng lại được xây dựng trên cơ sở thắng lợi của nhà Tiền Lý, cho nên, chúng tôi cũng gộp chung mà gọi là thời Tiền Lý.
- Thời Tiền Lý có mấy hệ thống chính quyền sau đây:
a - Lý Nam Đế (542-548)
- Họ và tên: Lý Bí (còn có tên khác là Lý Bôn).
- Nguyên quán là đất Thái Bình (đất này nay thuộc vùng tiếp giáp giữa huyện Thạch Thất và thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây).
- Hiện chưa rõ năm sinh.
- Năm 542, Lý Bí phát động khởi nghĩa và chỉ trong vòng ba tháng đã quét sạch quân Lương ra khỏi bờ cõi. Năm Giáp Tí (544), Lý Bí lên ngôi hoàng đế, xưng là Lý Nam Đế, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân, niên hiệu là Đại Đức (cũng có thư tịch cổ chép là Thiên Đức).
- Liên tục trong hai năm (545 và 546), nhà Lương cho quân sang đàn áp. Sau trận thất bại ở hồ Điển Triệt (thuộc Vĩnh Phúc ngày nay), Lý Nam Đế giao quyền bính lại cho Triệu Quang Phục rồi tạm lánh vào động Khuất Lão (thuộc Phú Thọ ngày nay) và mất ở đấy vào năm 548.
- Do chưa rõ năm sinh nên chưa rõ Lý Nam Đế thọ bao nhiêu tuổi.
b - Triệu Việt Vương (546-571)
- Họ và tên: Triệu Quang Phục.
- Nguyên quán: phủ Vĩnh Tường. Phủ này, nay là vùng giáp giới giữa Hà Tây với Vĩnh Phúc.
- Khi Lý Bí phát động khởi nghĩa, Triệu Quang Phục và cha là Triệu Túc cùng hưởng ứng. Khi Lý Bí xưng là Lý Nam Đế, Triệu Quang Phục được phong tới chức Tả Tướng.
- Năm 546, sau thất bại trong trận đánh ở hồ Điển Triệt, Triệu Quang Phục được Lý Nam Đế uỷ thác quyền trông coi nghĩa binh. Triệu Quang Phục đã đưa lực lượng về đầm Dạ Trạch (đầm này nay thuộc Châu Giang, Hưng Yên) và tổ chức chiến đấu tại đây.
- Năm 548, sau khi nghe tin Lý Bí đã qua đời, Triệu Quang Phục xưng là Triệu Việt Vương.
- Năm 557, Triệu Việt Vương đã đánh tan lực lượng đi càn quét của nhà Lương, giành lại quyền tự chủ cho đất nước, đồng thời, thành lập một guồng máy chính quyền độc lập do ông đứng đầu.
- Năm 571, do bị Lý Phật Tử tấn công bất ngờ, Triệu Việt Vương thua trận và bị giết.
- Do chưa rõ năm sinh nên chưa rõ Triệu Việt Vương thọ bao nhiêu tuổi.
c - Lý Phật Tử (555-602)- Năm 546, khi thua trận ở Điển Triệt, lực lượng của Lý Nam Đế bị chia làm hai. Bộ phận thứ nhất do Triệu Quang Phục (người về sau xưng là Triệu Việt Vương) cầm đầu. Triệu Quang Phục là vị tướng được Lý Nam Đế tin cậy mà uỷ thác mọi quyền bính. Bộ phận thứ hai do tướng Lý Phục Man cầm đầu. Lý Phục Man họ tên gì chưa rõ, ông vì có công chinh phục người man, được Lý Nam Đế yêu quý mà đặt tên là Phục Man. lại cho được lấy họ Lý. sử nhân đó gọi là Lý Phục Man. Ông người làng Yên Sở. Làng này nay thuộc huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây.
- Cũng năm 546, nếu Triệu Quang Phục bám trụ ở đầm Dạ Trạch và chiến đấu ngoan cường với quân nhà Lương, thì Lý Phục Man đã đem lực lượng chạy vào vùng phía tây Thanh Hoá ngày nay.
- Năm 555, Lý Phục Man mất, một vị tướng người cùng họ với Lý Nam Đế là Lý Phật Tử lên thay.
- Năm 557. khi Triệu Việt Vương đánh tan quân nhà Lương thì Lý Phật Tử cũng lập tức đem quân đánh Triệu Việt Vương để giành quyền bính.
- Sau nhiều trận không phân thắng bại hai bên tạm lấy vùng đất tương ứng với huyện Từ Liêm (Hà Nội) ngày nay làm ranh giới. Từ đất này trở về Nam thì do Lý Phật Tử cai quản. trở ra Bắc thì do Triệu Việt Vương cai quản.
- Lý Phật Tử cho con trai là Nhã Lang kết hôn với con gái của Triệu Việt Vương là Cảo Nương, mượn danh nghĩa thông gia để làm cho Triệu Việt Vương mất cảnh giác.
- Năm 571, Lý Phật Tử bất ngờ cho quân đánh úp, khiến Triệu Việt Vương bị đại bại và bị giết. Lý Phật Tử thâu tóm mọi quyền hành. Sử cũ gọi đó là nhà Hậu Lý Nam Đế.
- Năm 581, nhà Tuỳ được dựng lên. Sau một thời gian lo củng cố quyền thống trị ở Trung Quốc, năm 602, nhà Tuỳ liền dùng áp lực quân sự, khiến Lý Phật Tử phải đầu hàng. Không thấy sử cũ ghi chép gì về số phận của Lý Phật Tử sau khi đầu hàng.
- Chưa rõ năm sinh và năm mất nên chưa rõ Lý Phật Tử thọ bao nhiêu tuổi.
4 - Chính quyền Đinh Kiến (687)- Từ năm 618 đến năm 905, đất nước ta bị nhà Đường đô hộ. Năm 679, nhà Đường lập ra An Nam Đô Hộ Phủ. Sử Trung Quốc bắt đầu gọi ta là An Nam kể từ đó.
- Năm 687, quan cai quản An Nam Đô Hộ Phủ của nhà Đường là Lưu Diên Hựu thu thuế rất tham tàn, khiến cho nhân dân ta rất căm phẫn. Nhân cơ hội đó, một vị hào trưởng là Lý Tự Tiên (nay vẫn chưa rõ quê quán) đã bí mật tồ chức một cuộc khởi nghĩa lớn. Nhưng, cơ mưu bị bại lộ, Lý Tự Tiên bị Lưu Diên Hựu giết chết.
- Tiếp nối sự nghiệp của Lý Tự Tiên, một vị hào trưởng cũng là một thuộc tướng của Lý Tự Tiên đã lãnh đạo nhân dân vùng dậy. Vị hào trưởng ấy là Đinh Kiến.
- Ngay trong năm 687, Đinh Kiến đã giết chết được Lưu Diên Hựu và chiếm được phủ đô hộ là thành Tống Bình (tức Hà Nội ngày nay), đồng thời, nhanh chóng thiết lập một hệ thống chính quyền do ông đứng đầu.
- Đinh Kiến chưa xưng đế hay xưng vương, cũng chưa đặt quốc hiệu hay niên hiệu, nhưng chính quyền do ông đứng đầu thực sự là chính quyền độc lập và tự chủ.
Hiện vẫn chưa rõ quê quán cũng như năm sinh và năm mất của Đinh Kiến.
5 - Chính quyền Mai Hắc Đế (722)
- Họ và tên: Mai Thúc Loan (còn có tên khác là Mai Huyền Thành).
- Sinh quán: huyện Thiên Lộc (nay đất sinh quán của ông thuộc Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Sau, gia đình ông di cư về vùng Ngọc Trường (vùng này, nay thuộc huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An).
- Mai Thúc Loan sinh trưởng trong một gia đình nghèo, bản thân ông luôn bị quan lại nhà Đường bắt phải đi phu, phục dịch rất vất vả.
- Năm 722, ông phát động và lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa lớn. Cũng ngay năm này, Mai Thúc Loan đã cho xây dựng đại bản doanh tại Hùng Sơn (tục danh là Núi Đụn) và lập căn cứ dọc theo bờ sông Lam (Nghệ An). Đồng thời, để quy tụ lòng người, ông đã lên ngôi hoàng đế, xưng là Mai Hắc Đế (ông vua người họ Mai, da đen). Mai Hắc Đế đã lãnh đạo nghĩa quân, đánh cho quan đô hộ của nhà Đường lúc ấy là Quang Sở Khách phải hốt hoảng tháo chạy về nước.
- Nhà Đường đã phải huy động một lực lượng lớn mới đàn áp được Mai Hắc Đế và nghĩa sĩ của ông.
- Mai Hắc Đế mất năm 722, do chưa rõ năm sinh nên chưa rõ thọ bao nhiêu tuổi.
6 - Chính quyền họ Phùng (?-791)
a - Bố Cái Đại Vương (?-789)- Họ và tên: Phùng Hưng, tự là Công Phấn.
- Nguyên quán: Đường Lâm, Phong Châu (đất này nay thuộc huyện Ba Vì – Hà Tây).
- Phùng Hưng sinh trưởng trong một gia dình đời đời làm quan lang của vùng Phong Châu.
- Bấy giờ, nhà Đường đô hộ nước ta. Quan đô hộ là Cao Chính Bình khét tiếng tham lam và tàn bạo, khiến cho nhân dân ta căm phẫn, đồng thời, binh lính của Cao Chính Bình cùng chống đối quyết liệt. Nhân cơ hội đó, Phùng Hưng phát động khởi nghĩa. Hiện chưa rõ khởi nghĩa bùng nổ vào năm nào. Các nhà nghiên cứu cho rằng, Phùng Hưng phát động khởi nghĩa trong khoảng từ năm 766 đến năm 779.
- Chỉ trong vòng một thời gian ngắn, Phùng Hưng đã chiếm được thành Tống Bình. Sau đó, ông tiến đánh các lực lượng còn lại của nhà Đường ở trên đất nước ta, đồng thời thiết lập một bộ máy chính quyền do ông đứng đầu.
- Khoảng 7 năm sau khi cầm đầu guồng máy chính quyền này, Phùng Hưng qua đời (năm 789).
- Sau khi mất, ông được truy tôn là Bố Cái Đại Vương. Do chưa rõ năm sinh nên chưa rõ ông thọ bao nhiêu tuổi.
b - Phùng An (789-791)- Con của Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, không rõ sinh năm nào.
- Nối nghiệp cha, cầm đầu guồng máy chính quyền độc lập và tự chủ kể từ năm 789.
- Năm 791, nhà Đường cử viên tướng nổi tiếng xảo quyệt là Triệu Xương sang đàn áp. Phùng An đầu hàng. Sau, không rõ số phận của Phùng An ra sao.
7 - Chính quyền Dương Thanh (819-820)- Dương Thanh là một vị hào trưởng của đất Hoan Châu (đất này nay thuộc Nghệ An) và cũng là người được nhà Đường cho làm Thứ Sử của châu này.
- Biết Dương Thanh là người giàu lòng yêu nước, quan đô hộ của nhà Đường là Lý Tượng Cổ đã dùng mưu kế để làm giảm uy tín của ông, đồng thời, tách ông ra khỏi dân châu Hoan.
- Năm 819, Dương Thanh đã phát động cuộc khởi nghĩa lớn, giết được Lý Tượng Cổ, đồng thời thiết lập được hệ thống chính quyền tự chủ do ông đứng đầu.
- Sau nhiều phen đàn áp nhưng bị thất bại, nhà Đường đã dùng kế li gián để chia rẽ lực lượng của Dương Thanh. Ông bị cô lập dần, để rồi cuối cùng, bị tru di tam tộc vào năm 820. Hiện chưa rõ năm sinh nên chưa rõ ông thọ bao nhiêu tuổi.
- Cũng như nhiều vị thủ lĩnh kiệt xuất khác, Dương Thanh không xưng đế hay xưng vương, chưa đặt quốc hiệu và niên hiệu, nhưng chính quyền do ông thiết lập ra thực sự là chính quyền độc lập và tự chủ.
*
* *
Trên đây là những hệ thống chính quyền tiêu biểu nhất, được thành lập trong hoặc sau thắng lợi của các cuộc khởi nghĩa chống Bắc thuộc, gồm nhiều quy mô và tính chất khác nhau. Hẳn nhiên, đó chưa phải là tất cả, nhưng, dẫu nhìn từ bất cứ góc độ nào thì đó cũng thực sự là tinh hoa của lịch sử chống xâm lăng thời Bắc thuộc.
Chú thích
(1) Tuổi thọ của Triệu Đà thật đáng nghi ngờ. nhưng hiện tại, chúng ta chưa có tài liệu đáng tin cậy nào để kiểm tra lại.