Người kể chuyện sử làng Vũ Đại nhấn giọng:
- Thưa đồng chí nhà báo, câu chuyện này kể ra có pha hương vị máu. Nhưng, phải thành thật mà nói, cho đến tận bây giờ, mẹ Âu Cơ vẫn chưa hết sợ khi nhớ về hắn. Chí là ai? Người hay quỷ? Người lỗi lạc, hay quỷ thần cô đơn, hay một danh nhân độc ác, hoặc thậm tệ hơn thế.
Khi mới lên lãnh đạo, hắn luôn mồm báo cáo với thiên hạ rằng: Hắn có công trình khoa học thế kỷ. Tinh thần của công trình đó khi chui vào đầu, vào bụng thiên hạ sẽ trở thành sức mạnh ghê gớm, làm rung chuyển đất nước. Ai đi theo, làm theo nhất định sẽ được sung sướng đời đời. Đó là công trình tiêu diệt cường hào, ác bá, chia đều ruộng đất về cho dân nghèo. Hắn nói hay quá! Thích quá! Người theo hắn ầm ầm và quả hắn đã làm nên chuyện rung trời, chuyển đất.
Mẹ Âu Cơ - Người của thời đẻ ra người còn nằm trong bọc, chỉ hiểu một cách lờ mờ. Nhưng nghe mục đích của hắn sẽ làm cho dân làng Vũ Đại bao đời lầm than sẽ được sung sướng thì khó khăn gì, chịu đựng gì mẹ cũng giúp hắn. Mẹ đã giúp hắn và hắn đã thành công. Rồi mẹ trao toàn quyền cho hắn thiết kế xây dựng làng Vũ Đại cho đến bến bờ hạnh phúc.
Nhưng rồi, thời gian trôi đi, mẹ cứ cảm thấy thế nào. Nghe hắn nói thì hay lắm. Nhưng việc hắn làm, ngẫm ra chỉ được có ba mà mất tới bảy. Lấy của nhà giàu, chia cho người nghèo thì tuyệt quá rồi. Nhưng mà chia ruộng cho dân, chỉ nhoàng một cái lại thu về, thì thật khó hiểu. Nhưng, chuyện đất đai sông núi cứ luẩn quẩn từ người dân Vũ Đại này sang người dân Vũ Đại khác, thì sao mà chẳng được. Nhưng có việc hắn làm cho đến nay, mẹ vẫn chưa hiểu được. Thứ nhất: Hắn phát động toàn dân phá chùa chiền, miếu mạo, cấm cúng bái, giỗ chạp, cưới xin linh đình, cấm hội họp bàn chuyện tự do; Thứ hai: Giết hoặc bỏ tù người có học; Thứ ba: Bắt toàn dân tập trung cày cấy gặt hái trong một thửa ruộng; Thứ tư: Mọi của cải làm ra tập trung về một kho; Thứ năm: Ai làm gì, đi đâu, ăn gì, ăn bao nhiêu đều không được tùy ý; Thứ sáu: Cấm người giầu, người có chữ nghĩa làm lãnh đạo; Thứ bảy: Phàm là thằng Chí, họ hàng, anh em đồng chí với thằng Chí đã làm là không sai, đã nói là phải đúng. Nếu không chảy máu tươi ngay.
Hắn nói với mẹ Âu Cơ rằng phải làm như vậy thì dân Vũ Đại mới chóng đổi đời. Chỉ vài ba chục năm nữa thôi, làng Vũ Đại sẽ thành thiên đường hạnh phúc ở chốn trần gian.
- Rồi mẹ xem, cả làng sẽ hát đồng ca: Ta đứng đây là những ngày đẹp hơn tất cả, dù mai sau có vạn lần hơn. Ta hát vang bài ca hạnh phúc. Đường chúng ta đi: Sữa để em thơ, lụa tặng già; sỏi đá cũng thành sắn, gạo; hóa cát thành vàng; hóa sông, suối thành sông đường, suối rượu…
Mẹ Âu Cơ thích quá, cười như ngàn năm chưa được cười! Hắn đã muốn thế, quyết tâm thế, mẹ còn lo gì nữa. Mẹ thỏa mãn, chìm vào giấc ngủ dài.
Cho đến một ngày, núi sông chao đảo, tiếng kêu ngẹn tắc dậy bên tai làm mẹ thức giấc. Đảo mắt nhìn quanh, thấy hàng nghìn người từng tốp đang quỳ mọp xung quanh mẹ. Trông họ, người không ra người, ma không ra ma. Mặt người nào cũng gầy guộc, tím tái. Họ chẳng khác những con ma đói. Tất cả đều giương đôi con ngươi long sòng sọc nhìn mẹ trừng trừng. Nhưng họ diường như bị mù cả. Tiến về phía mẹ mà hai tay cứ xua xua, giống một đám ăn mày đang hành khất. Lại thấy trong đó có tốp người chân tay đều bị trói chặt, mồm miệng luôn ú ớ, chừng như họ không có lưỡi. Tất cả họ đang xô đẩy một người, mặt mày cũng tím tái, trên cổ còn lủng lẳng sợi dây thừng buộc trâu. Thoáng qua, mẹ cũng nhận ra người đó chính là anh cu Tĩn - tay chân đắc lực của thằng Chí. Mẹ đưa tay vẫy họ lại. "Mẹ là mẹ của các con cả đây". Tĩn tiến lại gần mẹ, rồi vội vàng quỳ xuống, vái mẹ lia lịa, miệng lắp bắp:
- Thưa mẹ Âu Cơ đáng kính. Con làm gì để đến nông nỗi này? Con là kẻ ngoan ngoãn, trung thành nhất của sự thay đổi vĩ đại. Nhà con lương thiện đã quá bốn đời, thế mà khổ vẫn hoàn khổ. Con chẳng hề chống đối cụ Chí một cái gì. Cụ Chí bảo con cầm búa phá chùa, con đi liền. Cụ Chí bảo con cầm súng bắn bà Ba, con cũng vác súng đi liền. Cụ Chí bảo con nộp trâu bò, cày bừa để cày bừa, cấy hái chung trên một thửa ruộng, con cũng đầu tầu. Cụ Chí bảo gì, con làm nấy. Thế mà đời con vẫn nghèo, vẫn khổ, đến mức không lần ra cái ăn phải thắt cổ tự tử cho xong chuyện.
- Con bị đói ăn, đến nỗi phải thắt cổ chết ư? Mẹ Âu Cơ chừng như còn ngái ngủ, hỏi:
- Thưa vâng. Ruộng đất cụ Chí tập trung lại. Ai làm gì do cụ ấy phân công. Đến mùa thu hoạch, sản phẩm chất vào kho. Ai được phần bao nhiêu đều do cụ Chí quyết cả. Con năm nào cũng nai lưng ra làm mà phần chia bao giờ cũng được ít hơn. Cụ Chí và người anh em của cụ Chí, chẳng làm gì, lãnh đạo lăng nhăng thì mặc sức thu vén. Làng Vũ Đại từ hồi làm ăn chung, người thì đông dần lên mà của cải làm ra thì ít dần đi. Đấy mẹ xem, người nghèo đói như con cả làng đông lắm. - Tĩn đưa tay chỉ. Mẹ Âu Cơ nhắm nghiền mắt lại, rùng mình. "Dân Vũ Đại đến nông nỗi này rồi ư?". Chợt mẹ nhớ đến lời hắn:
- Sao con không ra đồi, rừng? Ngoài đó có sỏi, đá, hẳn nay đã thành sắn, gạo?
- Mẹ ơi! Mẹ ngủ li bì mấy chục năm nay, không còn biết gì nữa. Cái đồi của mẹ, trước đây còn có cây, có cảnh, nay chỉ còn là những quả đồi trơ trụi, sỏi đá, đến chó dại cũng không buồn đến để "bậy" nữa là!
- Sao con không chịu khó ra sông, ra suối? Ở đó có đường, có rượu cho con đỡ lòng?
- Ối, Mẹ ơi! - Người có sợi thừng trâu quấn quanh cổ, gào lên:
- Sông đường, suối rượu nào? Mẹ bị cụ Chí lừa rồi! Cụ lừa người ta cứ làm chung, ăn chung, của cải nộp chung vào kho. Ai giữ chìa khóa kho? Bè lũ cụ Chí cầm cả. Cho nên anh em của cụ, nay có cụ nào không giầu nứt đố đổ vách đâu? Mà từ nghèo, bỗng dưng được vận làm giầu, các cụ ấy tham lam lắm, Mẹ ơi! Mẹ không tỉnh dậy, thì dân Vũ Đại tắt thở hết đến nơi rồi!
Mẹ Âu Cơ đưa con mắt "hạt na" đen lay láy đảo qua lượt nữa đám nhân dân kỳ dị kia. Mẹ thở dài. Nước mắt mẹ ứa ra. "Đến nông nỗi này rồi ư?". Đưa tay tung tấm long bào đang đắp trên người, mẹ ngồi dậy. Theo tấm vải, gió bỗng nổi lên thổi vù vù, bụi bay mù mịt. Cùng lúc ấy, vầng dương phía đông chợt hừng sáng.
"Hắn nói láo thật ư? Hắn lừa mẹ thật ư?". - Mẹ tiến tới bàn thờ tổ tiên, thắp hương khấn trời đất linh thiêng đưa hắn về để mẹ tra hỏi.
Tay Chí xuống. Mẹ nhìn hắn thoáng rùng mình. Sao hồi này hắn khác thế. Hai má hắn hồng hồng, phinh phính. Bụng hắn giờ đã to như bụng ông Hộ Pháp. Trông hắn khác hẳn đám đông người kia. Mẹ hỏi hắn:
- Làng Vũ Đại bây giờ đang làm gì?
- Thưa mẹ! Làng đang hát đồng ca.
- Sỏi đá, bây giờ thế nào?
- Thưa mẹ! Sỏi đá đang làm nhà, làm đường, xây cầu, xây cống.
- Sông đường, suối rượu đâu?
- Sông nước bây giờ để làm thủy điện, lợi hơn. Lấy nước làm ra ánh sáng, thay mặt trời chiếu sáng cho dân ạ.
- Sao lại để dân đói, dân lầm than?
- Ai đói, ai lầm than? - Tay Chí hỏi lại.
- Còn chối ư? - Mẹ Âu Cơ nghiêm mặt.
- Đói gì chúng nó. Chúng nó làm không chịu làm, ăn không chịu ăn, suốt ngày cờ bạc, trai gái, chích choác. Chúng thế, làm gì mà không khổ, không lầm than?
- Thế anh cu Tĩn ra sao? Tay chân đắc lực của anh kia mà?
- Ôi! Mẹ ơi! Nói gì cái thằng ấy. Nó là loại ngu lâu khó đào tạo. Con bố trí cho nó làm thủ kho giữ của cải của cả làng, có thiếu thứ gì đâu. Thế mà nó vẫn kêu đói. Chuột sa chĩnh gạo rồi mà nó không biết tìm ăn, con cũng đành chịu. Con đưa nó lên làm lãnh đạo, nó kêu khổ hơn. Nó bảo, không có chữ, có nghĩa, không thể làm lãnh đạo được. Con có cần cái chữ nghĩa của nó đâu. Đưa nó lên là giải quyết đời sống khó khăn cho nó đấy chứ. Nó bảo, nó chỉ phù hợp với nghề gác cổng thôi. Đã thích thì con chiều. Đến khi thấy con, thấy lãnh đạo nào cũng giầu có thì không chịu được hắn mới thắt cổ mà chết đấy chứ!
- Cây tơ hồng hồi này phát triển thế nào?
- Cũng tốt ạ. Nó là loại cây thuốc độc đấy ạ. Nó chỉ chữa được bệnh liệt Bá ở làng thôi ạ. Từ hồi khỏi bệnh, lão Bá vênh vang lắm ạ! Cầu mẹ cho lão Bá câm, mù, điếc trở lại đi. Lão Bá có chữ, mắt sáng, tai tinh thông, kiểu gì rồi nó cũng quấy phá sự nghiệp vĩ đại của con thôi.
- Hử. Anh thù địch với người có chữ hử?
- Vâng! Cái bọn ấy là bất trị nhất ạ. Chuyện nhỏ, nó xé thành to. Chuyện to, nó làm cho nhỏ lại. Linh tinh lắm ạ!
- Cái gương soi ở dưới cầu Rồng thế nào?
- Ngày một chói sáng hơn ạ. Cái con Cúc hồn nó thiêng lắm! Nó còn hận con, oán làng Vũ Đại, chưa chịu về tiên cảnh. Cầu mẹ, gọi nó về ngục phủ đi. Nó còn ở trên trần, thì nó còn lang thang, biến thành cô Thơ, cô Văn, lừa đám trai tráng ở làng mãi thì cũng khốn. Hồn tình của nó thiêng lắm ạ.
- Cái đồng hồ "quạ mổ" có còn chạy không?
- Vẫn tốt ạ.
- Sao để cho Võ Đức Nội, ngoài bảy mươi tuổi rồi, còn phải ăn khoai khô nấu khô, làm ông ta suýt chết vì tắc nghẹn? Sữa để em thơ, lụa tặng già đâu? Sao không san sẻ cho nhau một ít? Cái nền công nghiệp vĩ đại của con đâu, mà lại để ông ta đẽo cày chìa vôi kế thừa cho con cháu? Mà đã để cho ông ta làm cày chìa vôi, thì phải biến đổi cái đít con trâu đen xì đi chứ. Để mãi vậy, khó coi lắm!
- Sao lại có thể đổi được? - Hắn cãi lại. - Trời sinh ra thế. Xưa thế, thì nay sao có thể đổi khác đi được? Con đưa máy cày, máy kéo về biến cả làng thành công nhân, họ không chịu. Họ thích con trâu đi trước, cái cày đi sau, thì cái đít con trâu phải đen chứ. Mà đã thích đít trâu đen, thì bảy mươi, tám mươi ăn khoai khô nấu khô, tắc ở cổ họng cũng là điều tất nhiên. Sao mẹ lại có thể trách con được.
- Mồ mả cụ tổ thế nào? Sao anh lại san bằng đi?
- Tại hai cái thằng Võ Đức và Lê Cường ấy. Nó cậy, nó kinh qua chiến tranh, giỏi nghề giết, phá. Đụng cái gì mắc mớ, khó khăn là nó đòi đem vũ khí ra để giải quyết. Hắn mới phá cái mộ tổ, con còn đang lo sau này nó điên lên còn muốn phá cả làng. Nó là anh em với con, nói đ. được. Cầu mẹ trị tội nó.
Mẹ Âu Cơ còn đối thoại với hắn nhiều nữa. Nhưng chuyện trên trời, dưới biển, chuyện ở giữa làng Vũ Đại hắn cũng không chịu nhận có sai lầm gì. Làng Vũ Đại vẫn cứ phải quyết tâm theo hắn xây dựng xã hội mới. Mẹ Âu Cơ biết thế, lòng thổn thức không yên. Bây giờ mẹ đã nhận ra, làng Vũ Đại, từ khi mẹ đưa tay Chí lên làm lãnh đạo, toàn xẩy ra chuyện tai ương, nghịch lý. Anh em, đồng chí dù chức này, chức nọ, đụng đến việc cũng đều giải quyết na ná như tay Chí cả. Làng mà nhân cốt toàn những người như vậy, làm sao bình yên, no ấm được.
Cái vị trí kiến trúc sư mẹ trao cho hắn, đến hồi hỏng to rồi. Phải "rút phép thông công", lúc nào cũng đòi trị tội người khác của hắn lại. Mẹ Âu Cơ đã quyết. Mẹ gọi tay Chí lại, dụ dỗ:
- Con giỏi lắm! Dưới sự dẫn dắt của con, làng Vũ Đại vẫn nguyên làng Vũ Đại; sông nước, núi non làng Vũ Đại vẫn nguyên sông nước núi non làng Vũ Đại. Chẳng có ai tài năng bằng con đâu. Mẹ thưởng cho con một chuyến du lịch về cội nguồn thăm tổ tiên.
Hắn ngoan ngoãn đồng ý. Mẹ biết, đưa hắn về cội nguồn, lòng mẹ lại thêm đau đớn một lần nữa.
Đó là một đêm bão giông dữ dội. Mẹ Âu Cơ đứng trước bàn thờ thành kính khấn vái trời, đất. Mẹ Âu Cơ lầm bầm cầu khấn cho gió to đừng quật đổ những ngôi nhà của làng Vũ Đại. Còn hắn loanh quanh, nhăng nhít trước bàn thờ như một con chó điên. Mẹ hắn bảo cởi quần áo ra, và thổi hắn lên bàn thờ. Hắn cười khanh khách trên bàn thờ, ra điều đắc ý lắm. Từ trên cao nhìn xuống, hắn quát:
- Mẹ là gì?
Mẹ Âu Cơ âu yếm trả lời:
- Con ơi! Mẹ là mẹ của con.
- Đúng có một nửa. Mẹ còn là đàn bà, con gái.
Mẹ Âu Cơ vẫn nhẹ nhàng:
- Đúng, mẹ là đàn bà, con gái. Nhưng mẹ là mẹ của con. Từ xưa, con chỉ là một đứa trẻ sinh nằm trên cỏ…
Hắn cướp lời:
- Đàn bà cũng có lúc làm vua đấy, thống trị cả xã hội đấy.
Dưới ánh đèn lù mù, nhìn lên hắn, mẹ Âu Cơ thấy hắn vẫn còn to béo lắm. Mẹ trả lời hắn:
- Đàn bà cũng có nhiều người giỏi lắm con ạ.
- Không! Không! Không! - Hắn trợn mắt lên quát:
- Con nghe mẹ đưa cái Tèo lên làm lãnh đạo, ai cũng chê, ai cũng chửi. Cái thời mẫu hệ qua rồi - Vừa nói, hắn vừa khua khua cây đèn thờ. Mẹ Âu Cơ dù biết hắn đang trở về đâu, cũng có phần lo sợ. Thực mẹ cũng không hiểu hắn định ám chỉ gì, chỉ gật đầu cho qua chuyện. Được thể, hắn lại hỏi tiếp:
- Con là gì?
- Con là do mẹ đẻ ra, nuôi nấng nên người, cho sự nghiệp.
Nghe thế, tự nhiên hắn rống họng lên, cắt lời mẹ:
- Đúng chỉ có một nửa. Con là đàn ông.
- Đúng. Con là đàn ông, là con trai của mẹ. Ngày trước, con đã cầu xin mẹ cho con được thành công, được làm kiến trúc sư xây dựng xã hội mới, được độc quyền tính toán, chỉ huy…
- Không phải thế. Là đàn ông, con là cái gì trong nhà này kia?
Nghe hắn hỏi thế, mẹ Âu Cơ tăng thêm phần lo lắng. Cặp mắt đen láy đã trở nên mờ đục tự khi nào, ngước lên, nhìn trân trân vào hắn mà như không thấy gì nữa. Lưỡi mẹ chừng như cứng lại. Mẹ như mơ, thoảng trong gió bão nghe những lời vô luân mênh mông:
- Thời làm vua của đàn bà các ngươi đã qua từ lâu rồi. Nó chỉ tồn tại lúc loài người chưa văn minh. Còn bây giờ, xã hội do bọn đàn ông chúng tao đảm nhận. Âu Cơ, người hãy nghe đây:
- Trong xã hội nhà ta, con là đàn ông, con là vua. Mẹ là đàn bà, mẹ là bầy tôi.
Mưa gió vẫn đầy trời. Càng về sáng, gió như càng mạnh hơn. Cột nhà nhà mẹ thỉnh thoảng lại rung lên răng rắc. Không biết trong cơn phong ba, làng Vũ Đại còn bao nhiêu ngôi nhà không bị đổ? Mẹ Âu Cơ lo buồn. Khó nhọc lắm mẹ mới đưa được yết hầu lên nuốt sự ấm ức từ hắn ngày càng dâng lên trong lòng mẹ. Mẹ Âu Cơ nghĩ: Đã từ lâu các bà mẹ làng Vũ Đại đã như bầy tôi của nó rồi còn gì! Từ lâu, các bà mẹ đã hy sinh vì nó. "Trời ơi! Sự hy sinh, nhẫn nhục mấy chục năm của các bà mẹ để giờ đến nông nỗi này ư? Mẹ là người có lỗi chăng? Hắn thích quyền, thích trị tội người khác, mẹ đã cho nó được quyền. Hắn thích cách mạng, mẹ đã cho hắn làm cách mạng. Hắn thích độc quyền như vua chúa ngày xưa, mẹ cũng chiều hắn. Mẹ đã vì nó mà hủy hoại cả đời thằng nhì, thằng ba. Hắn làm không nổi là do chính hắn không làm nổi. Các mẹ ở làng Vũ Đại không thể chịu trách nhiệm". Mẹ Âu Cơ khóc. Những giọt nước mắt của mẹ trong đêm bão giông chảy thành dòng tuôn xuống mặt đất. "Ôi! Lạc Long Quân! Ôi! Lạc Long Quân!". Đêm bão giông đã "nuốt chửng" những tiếng gào rên xiết của mẹ. Hy vọng của mẹ về một xã hội có sỏi đá biến thành sắn, gạo; sông suối thành sông đường, suối rượu đã hoàn toàn tiêu tan. Lần đầu tiên trong hành trình lịch sử ngàn năm, mẹ gọi đến Lạc Long Quân. Mẹ ngước mắt lên nhìn hắn. Toàn thân hắn đang bốc khói mù mịt. Tóc hắn từ màu đen đang ngả dần sang màu bạc. Đôi mắt đen có ánh lửa từ từ chuyển sang màu hạt dẻ. Da hắn bợt bạc dần. Những cái sương sườn lộ dần ra. Xương ngực hắn cũng dần nhô lên. Bây giờ, trông hắn giống một tượng Phật khổ hạnh. Thương hắn quá! Sự minh mẫn của mẹ mờ dần đi:
"Biết đâu, sự thành công trong chế độ hắn xây dựng sắp đến lúc hoàn thành? Thánh đã nhập vào người hắn. Nếu như vậy thật thì có thể thông cảm được. Ở xã hội có đạo coi thế là hỗn, nhưng xã hội tự do coi thế là chuyện bình thường. Người trần coi các mẹ như bầy tôi, thế là hỗn. Biết đâu hắn là vĩ nhân thật sự?". Nghĩ thế, mắt mẹ như mở rộng hơn ra, nhìn hắn một cách chăm chú. Thấy thế, hắn mở miệng nở nụ cười mãn nguyện. Hắn lại khua khua hai cây đèn thờ. Linh thiêng quá! Mẹ Âu Cơ hét lên:
- Lạc Long Quân. Đúng thật rồi! Xin ông! Xin ông phù hộ độ trì cho dân làng Vũ Đại.
Bỗng mẹ lại nghe tiếng quát:
- Này! Bầy tôi là mẹ kia, vợ là gì?
- Thưa vĩ nhân! Vợ là người đàn bà có chồng.
- Hoan hô mẹ. Đúng lắm. Tiếp đi. Chồng là gì?
- Thưa vĩ nhân! Chồng là người đàn ông khi có vợ.
- Hoan hô mẹ! Đúng tuyệt đối. Trong nhà này, ta là đàn ông, mẹ là đàn bà. Vậy, con là gì? Mẹ là gì?
- "Trời ơi! Con ơi! Chí ơi! Phạm điều loạn luân đấy. Khổ thân tôi quá! Hắn không còn biết mẹ hắn với người đàn bà khác là khác nhau".
- Trời đất, quỷ thần ơi, làng Vũ Đại ơi, cứu tôi với!
Sau lời kêu cứu của mẹ, trời đất bỗng lóe sáng. Gió chợt ngừng thổi một tích tắc, rồi lại bùng lên dữ dội hơn. Sau này, làng Vũ Đại nhiều người biết: vào cái giờ phút đồi bại nhất ấy, nhiều người bị mất cảm giác thăng bằng. Trong gió rít ầm ào, họ thấy mọi vật đều chổng ngược lên. Mẹ Âu Cơ cũng bị hoảng loạn. Trong lúc hoảng loạn đó, mẹ cũng hầu như không còn biết gì nữa, đầu cũng chúi xuống đất, bổ nhào. Rất may mắn ở giờ phút chổng ngược đó, khi đầu mẹ sắp chạm đất đã được đổi chiều, quay ngược trở lại. Bởi thế mà mẹ không biết gì, vẫn được sống cho đến hôm nay.
Tay Chí, lúc đó đang ngồi chễm chệ trên bàn thờ, bị bàn thờ hất chổng ngược xuống đất. Hai cây đèn thờ cổ hắn đang cầm bật khỏi tay hắn văng ra ngoài, bị gió cuốn đi mất tích. Bởi lúc ấy cái gì cũng bị chổng ngược, nên đầu hắn đang hướng lên trời bị đảo lại, lao chúi xuống đất. May mà nền đất trong đêm bão giông còn ướt, nên đầu hắn giáp đất, chỉ nghe "bụp" một cái, miệng hắn chỉ méo xệch đi vài giây, rồi trở lại trạng thái bình thường.
Khác với lúc trên bệ thánh, không biết ngượng là gì, nói năng lung tung, gàn dở, hắn nhận ra toàn thân hắn đang trần như nhộng, vội đưa tay che bộ hạ và lủi ngay vào nhà trong. Chỉ ít phút sau, hắn đi ra với bộ quần áo mới tinh tươm, bộ dạng hớn hở như trẻ nhỏ. Cái vết sẹo còn đỏ hoẻn trên má hắn giật giật. Bão bắt đầu lặng dần. Như một đứa trẻ ngoan, hắn khúm núm đến với mẹ Âu Cơ, giọng líu ra, líu ríu:
- Con xin lỗi mẹ. Tại cái làng Vũ Đại còn nhiều đứa không nghe lời con nên công trình vĩ đại của con mới kết cục không có hậu như vậy. Nhưng mà mẹ ơi, sao mẹ lại để cho con có phía trước mà lại không có phía sau, có cách mạng mà không có bảo tồn. Mẹ có biết không, từ khi mẹ cho con được độc quyền, bỏ tù thằng nhì, thằng ba thì thân con chỉ còn có một nửa. Con thành người cô đơn, không còn biết lấy ai để soẫnét lại mình. Đến ba đứa vợ của con mẹ cũng bắt phải chia tay sớm. Lỗi đó cũng là do lỗi của mẹ gây ra; do làng Vũ Đại ngu si không chịu đấu tranh nên mới ra nông nỗi ấy. Phép biện chứng của cụ tổ Mác-Lê Nin đã chỉ ra rằng: Một sự vật phải có các mặt đối lập. Các mặt đó, vừa thống nhất, vừa đấu tranh chuyển hóa cho nhau nhằm phát triển tới sự vật có sự sống cao hơn, hoàn thiện hơn. Đằng này, ngoài mẹ ra, mà mẹ thì ngủ li bì, con chẳng còn ai để mà cạnh tranh sự đúng, sai của cái công trình khoa học vĩ đại đó. Cho nên, con nhăng cuội thế nào cũng được. Cái sự vật không hoàn thiện đó đã biến người thành ngợm, đã đến ngày phải bỏ đi. Cảm ơn mẹ đã hóa thân trở lại cho con.
Tay Chí thành tâm thế. Mẹ Âu Cơ nghe chỉ thở dài thườn thượt. Mẹ cũng thấy thương hắn. Hắn cũng chỉ là một con người, có cái tốt, cái xấu. Nó cũng chỉ là một mặt của sự vật. Đáng lẽ, mẹ phải để cho thằng nhì, thằng ba cùng lãnh đạo với hắn, đấu tranh với hắn thì rồi kiểu gì hắn cũng vẫn là con người. Nhưng điều đó, bây giờ khó làm quá rồi. Hắn một nửa đã hóa thành quỷ, một nửa đang thối rữa. Mẹ phải chữa bệnh cho hắn đã. Phải mất nhiều năm nữa hắn mới hoàn hồn trở lại người bình thường.
Bão lặng dần, lặng dần. Khi trời sáng thật rõ, người dân Vũ Đại không thấy đền thờ giáo chủ ở giữa làng nữa. Cùng với đền thờ, đêm qua mẹ Âu Cơ đã đem tay Chí về trời. Tay Chí đã hóa thánh thật. Làng Vũ Đại, con cháu tay Chí chôn tay Chí chỉ là chôn cái phần xác mà thôi.
Đám đất dựng đền thờ đó, không biết có ai dũng cảm khai phá để trồng ngô xanh, lúa xanh?
HếtNhà xuất bản Thanh Hóa
248 - Trần Phú - P. Ba Đình - TP. Thanh Hóa
ĐT: (037) 852.281 - 720.399 - 722.347 - 853.548
Fax: (037) 720.399
E-mail:
nxbthanhhoa@yahoo.comHậu chí phèo
Chịu trách nhiệm xuất bản
Bùi Cao Tiêu
Biên tập: Lê Dậu
Vẽ bìa: Nguyễn Xuân Loan
Sửa bản in: Hoàng Vân
Trình bày: Thanh Tuấn - Bích Huệ
Chế bản tại phòng vi tính Nhà xuất bản Thanh Hóa
In: 1000 cuốn, Khổ 14,5 x 20,5 cm, Tại xưởng in Nhà máy thuốc lá Thanh Hóa. Số ĐKKH: 181-2006/CXB/41-10/ThaH, ngày 10 tháng 3 năm 2006.
In xong và nộp lưu chiểu quý II năm 2006.