Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Đàn cầm duyên tơ

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 18273 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Đàn cầm duyên tơ
Khánh Vân

Chương 6

Chợ ở thị xã không sầm uất lắm nhưng cũng khá đông người. Thuý An nhẹ nhõm khi điều đình được với dì Biên là dì mua thức ăn còn cô được tự do dạo một vòng với điểm hẹn là bưu điện đầu chợ.
Vào bưu điện mua mấy tờ báo theo lời dặn của dì Năm xong, cô qua quầy điện thoại ngay.
Hồi hộp đếm số và đợi từng tiếng reo dai dẳng, cô muốn oà khóc ngay khi nghe giọng ồm ồm trịch thượng của anh Hai vang lên trong ống nghe:
− Alô! Ai đó?
Thuý An run giọng vì xúc động:
− Anh Hai … là em đây.
Bên kia đầu dây, Liêm dừng một giây rồi kêu lên:
− Ê nhỏ An đó hả? Phải mày không?
− Dạ, là em
− Ha, biết gọi điện về nữa ta – Anh Liêm cười hà hà, giọng chế nhạo quen thuộc vang vang – Sao? Mấy ngày dưới đó có vui không? Bị bà ngoại dũa trận nào chưa? Cỡ mày thì chui xó bếp thút thít, tối nằm đập muỗi mà khóc sướt mứơt quá.
Có tiếng rọt rẹt ở đường dây rồi ai nói gì cũng nghe xa xăm, đầu dây bên kia lại đổi thành giọng nghiêm trang của bà Hạnh:
− Là con An hả? Con gọi về từ đâu vậy?
− Dạ ở bưu điện
− Bưu điện nào?
Thuý An ngẩn người:
− Dạ bưu điện thị xã đó. Phải qua đò….
Ngắt lời cô, giọng má càng nghiêm hơn:
− Nghe nè An, ai cho con bỏ đi chơi đó? Má đã nói con phải ở lại với ngoại rồi mà sao không nghe lời?
Thuý An kinh ngạc:
− Bỏ đi? Dạ con đâu có bỏ đi?
− Vậy … chứ sao con bỏ qua thị xã?
− Dạ con đi chợ với dì Biên mà má. Con có xin phép ngoại với dì Năm đàng hoàng mà.
Ngưng mất mấy giây bà Hạnh dịu giọng:
− Là đi chợ à? Vậy thì được.
Bà hắng giọng:
− Mà con gọi về có gì không?
Thuý An ngắc ngứ như không biết trả lời sao với câu hỏi của má. Cảm giác bồi hồi thương nhớ mấy ngày qua đã bay biến đi đàng nào
− Sao An, có chuyện gì không? – Má lập lại câu hỏi với vẻ sốt ruột:
− Dạ… không, con… buồn nên xin theo dì Biên qua đây gọi điện về nhà mình thôi. Nhà mình … ai nấy đều khoẻ hả má?
− Tất nhiên là khoẻ rồi. Con cũng khờ quá. Ở dưới chừng 1, 2 tháng thôi mà, buồn cái gì. Có buồn thì đi dạo hoặc học hành, vẽ vời gì đó chơi. Ngoại cần người thì cũng sai vặt thôi chứ dưới đó có vậy gì nặng nhọc đâu, phải không?
Thuý An lựng khựng với những câu trả lời. má cô hỏi thêm qua loa về ngoại rồi chuyện dưới quê rồi cuối cùng hắng giọng:
− Thôi đừng buồn, cứ ở dưới phụ giúp ngoại với dì Năm nghe An. Dì Năm chỉ đi thăm bạn bè 1,2 tháng thôi. Chừng nào dì về má sẽ xin ngoại cho con trở lên. Con còn học ôn thi đại học nữa, đâu phải ở dưới luôn đâu. Thôi nghe, má tới giờ mở hụi rồi. Thỉnh thoảng có qua thị xã thì gọi điện vê cũng được.
Thuý An dạ nhỏ trước khi nghe tiếng gác máy khô khan. Cô thừ người trước điện thoại một lúc đến khi cô gái trực bên quầy nhắc khẽ cô mới sực tỉnh lấy tiền trả.
Định gọi thêm cho Vũ và vài người bạn thân nhưng nghĩ sao cô lại thôi. Biết nói chuyện gì với Vũ đây. Chẳng lẽ lại than thở với anh chuyện buồn vẩn vơ của mình? Lúc đó không chừng anh lại lắc đầu mà nói: “ Em con nít quá, ở dưới phụ việc nhà một vài tháng, coi như nghỉ hè, có gì mà lo, có gì mà buồn”. Còn bạn bè thì cũng biết nói gì ngoài câu thông báo mình đang ở quê?
Thuý An thở dài. Thấp thỏm mãi mấy ngày trời về giây phút gọi điện về nhà, vậy mà xong cú điện thoại, không hiểu sao cô có cảm giác buồn hơn. Dường như có điều gì đó như hụt hẫng. Mình có phải là một thành viên trong nhà không nhỉ? Ý nghĩ chua chát đó vừa đến cô đã vội xua đi ngay. Những lúc hoang mang tủi thân cô hay nảy ra những ý nghĩ vẩn vơ và ngốc nghếch như vậy đấy, chứ tình thật cô cũng họ Phạm như anh Liêm chị Diễm mà. Má vốn nghiêm khắc vậy thôi, chứ nếu là ba, có lẽ nãy giờ là những lời an ủi trìu mến hơn nhiều rồi.
Mình sẽ gọi về nữa. Thuý An thầm nhủ như tự động viên mình. Lần sau có lẽ sẽ được nghe giọng hiền hiền của ba. Mãi suy nghĩ, cô không biết là mình cứ đứng thừ bên quầy đến bao giờ. Cho đến khi khách vào và cô nhân viên nhắc chừng lần nữa bằng cái giọng phiền hà, cô mới sực nhớ tránh qua một bên.
Cái hứng thú đi thăm chợ không còn, Thuý An đành bước qua quầy sách báo, thờ ơ chọn những tờ báo quen mắt. Báo Tiếp Thị, Tuổi trẻ, Phụ nữ, Mực tím, lại có cả tạp chí Thuốc và Sức khoẻ, cái gì cô cũng lấy một tờ bất kể cũ hay mới.
Thò tay vào túi sau quần jean để lấy ví tiền, cô giật mình nhảy nhổm vì cùi tay thúc phải một người nào đó phía sau:
− Xin lỗi anh – Cô nói theo quán tính.
Cú thúc có lẽ khá đau vì người thanh niên nhăn mặt:
− Tôi xin lỗi, anh có sao không? – Thuý An bặm môi áy náy – Không ngờ anh đứng sát đằng sau tôi….
Người kia lắc đầu vẻ bực dọc. Anh nhìn cô bỗng dưng nét cau có trên mặt bỗng giãn đi.
Thuý An vội trả tiền rồi ôm xấp báo đến băng ghế gần cửa. Cô chắc lưỡi thở ra. Sáng hôm nay không hay chút nào. Gọi điện về nhà cũng không vui, mua báo lại thúc vào sườn người ta. Lãng nhách thật.
Một người ngồi xuống bên cạnh. Thuý An lơ đãng nhìn rồi nhướng mày ngạc nhiên. Chẳng ai xa lạ, đó là người xui xẻo bị cô thúc cho một cái vì tội đứng quá gần.
Đã xin lỗi rồi, Thuý An tất nhiên không thấy mình cần phải dài dòng gì nữa. Nhưng vừa quay đi, cô ngờ ngợ điều gì vội đưa mắt nhìn lại lần nữa.
Một khuôn mặt lạ. Hình như vậy.
Thuý An cố lục trí nhớ nhưng không biết được ở anh ta có nét gì đó làm mình ngỡ như đã gặp qua rồi. Cô nhăn nhăn trán, kín đáo quan sát anh ta. Da ngăm đen, hơi dữ với cặp mắt sáng và đôi mày rậm, mặt mũi ấn tượng như vậy đúng là đã gặp rồi thì phải? Ở đâu nhỉ? Xứ này cô đâu đã quen biết ai?
Cảm nhận được ánh mắt thỉnh thoảng lén nhìn của cô, người thanh niên cũng quay lại, một bên chân mày khẽ nhướng lên như dấu hỏi. Thuý An đành ấp úng một câu thành thật:
− Xin lỗi anh, tôi hơi kỳ cục nhưng tôi cứ nghĩ hoài không nhớ ra, mình … có gặp nhau rồi phải không ạ?
Câu hỏi lễ phép của cô làm người thanh niên phì cười. Nhưng nụ cười mau chóng tắt, anh ta im lặng một giây rồi ngắn gọn:
− Tôi tên Quang.
Thuý An trố mắt. Đó chẳng phải là cái tên cô nghe rồi sao? Quang hả? Cô buột miệng:
− Anh là Hai Quang? Phải hôm trước ở bến đò….
Quang gật đầu. Thuý An ngẩn người. Trời, nghe cách dì Biên gọi, cô tưởng ông Hai Quang tốt bụng nào đó ít nhất cũng cỡ dì Biên, dì Năm, thì ra anh ta chỉ trạc tuổi anh Liêm thôi.
Liếc mắt nhìn anh ta lần nữa, cô nhận được ánh mắt quan sát ngược lại. Ồ, phải rồi. Hình như hôm đó trên đò, cũng ánh mắt này đây cứ nhìn chằm chằm cô, y như bây giờ vậy.
À không, ánh mắt lúc đó chỉ tò mò thôi, còn ánh mắt hôm nay dường như lại dò xét đánh giá.
Thuý An ngập ngừng. Tuy không thích ánh mắt của anh ta lắm nhưng cô cũng gạt đi sự khó chịu của mình để hắng giọng nhỏ nhẹ:
− Xin lỗi tôi vẫn chưa có dịp cảm ơn anh
− Về chuyện gì?
Vẻ mặt kín bưng của anh ta làm Thuý An hơi lấy làm lạ. Không giống phong cách phóng khoáng, hiếu khách của người miền Tây mà cô từng nghe chút nào. Có chút quen biết mà vẫn lạnh như tiền vậy sao? Không galant bằng đàn ông con trai thành phố nữa. Nén bất mãn, cô nói:
− Dạ thì chuyện anh đưa tôi vô nhà bà ngoại dùm đó. Bữa đó thật tình tôi…
− Không có gì đâu - Hai Quang quay đi nói gọn.
Lần này thì Thuý An cụt hứng thật sự. Cô tần ngần rồi đành… im lặng. Người ta không muốn nhắc đến, không muốn được cảm ơn thì phải. Vậy mà cô lại định huyên thuyên.
Lặng thinh nhưng Thuý An vẫn ngấm ngầm hiếu kỳ. Anh ta ngồi yên không nhìn cô. Vẻ mặt như đang nghĩ ngợi điều gì. Anh ta vào bưu điện nhưng không gởi thư, không mua sách báo, không gọi điện thoại. Ừ, nãy giờ anh ta chẳng làm gì cả. vậy anh ta vào đây để làm gì nhỉ? Chẳng lẽ chỉ để ngồi cạnh cô và giương gương mặt cứng nhắc như đá không thèm đếm xỉa đến ai? Để làm gì?
Thuý An lắc đầu nhè nhẹ. Thật khó hiểu.
Cô có đọc ở đâu đó rằng người có đôi lông mày rậm rì mà cứ chau lại là cộc tính lắm. Còn nữa, người thanh niên ở trước mặt cô ít nói thì thôi chứ, anh ta lại có giọng nói cộc lốc và… lạt lẽo khó gần quá chừng. Anh ta dị ứng câu cảm ơn hay anh ta không hài lòng với cách cảm ơn qua quýt của cô?
Chắc đó là do bản tính của anh ta. Thuý An nhủ thầm. Thôi kệ vậy. Gặp mặt, cô cũng dã cảm ơn rồi, vậy chắc cũng đã đủ. Muốn nói chuyện xã giao thêm tí chút mà anh ta cứ hình sự kiểu này hoài chắc ngạt hết thở nổi luôn.
Mất hứng đối thoại Thuý An cụp mắt ngó xuống chân, nhờ vậy mà cô sực nhớ một chuyện cần làm khi nhìn thấy đôi sandal dính đầy bùn đất của mình.
Vừa lúc người thanh niên có tên Hai Quang đứng lên đến bên quầy điện thoại, Thuý An âm thầm rời khỏi bưu điện.
Bước qua đường, cô tần ngần giây lát trước sự tấp nập của khu chợ thị xã. Chợ cũng đông đúc quá chừng. Cơn mưa sáng sớm như làm sình lầy chật chội khó đi hơn.
Thuý An chân một người đàn bà mặc áo bà bà in hoa đang rời sạp rau nhỏ nhẹ hỏi:
− Chị ơi, nhờ chị chỉ dùm em sạp giày dép nằm ở đâu ạ?
Người phụ nữ ngạc nhiên lia mắt nhìn cô. Dường như bộ dáng của Thuý An có vẻ ngớ ngẩn, khác thường lắm hay sao đó, nên cô phải lập lại câu hỏi lần thứ 2, chị mới chỉ tay bâng quơ ra phía tay trái:
− Cám ơn chị - Thuý An đáp mà không khỏi lạ lùng với ánh mắt hiếu kỳ kia.
Tính hỏi thêm người nữa thì có giọng vang lên bên tai cô:
− Định tìm mua gì vậy?
Thuý An quay lại ngạc nhiên quá xá khi nhận ra người thanh niên khô khan khó gần ở bưu điện khi nãy. Chẳng biết vì sao anh ta cũng có mặt ở đây. Hơi mừng vì cũng là người quen tí xíu, cô nói ngay:
− Anh biết hàng giày dép ở đâu không? Nhờ anh chỉ giúp.
Anh ta gật đầu:
− Em theo tôi.
Theo sát Hai Quang đi loanh quanh mấy sạp chất đầy vật dụng nhà bếp, cuối cùng cô cũng đến được mấy quầy giày dép.
Lựa chọn một lúc để mua đôi dép nhựa màu trắng trong vừa cỡ chân, cô trả tiền xong quay qua mới phát hiện từ nãy giờ Hai Quang vẫn kiên nhẫn đứng cạnh. Cô ngạc nhiên cười xoà:
− Quên cảm ơn anh. Anh cũng mua gì à?
− Không, tôi đợi dẫn em ra, chợ không lớn nhưng đi loanh quanh cũng dễ lạc lắm.
Chà, chu đáo dữ. Đây mới đúng là tính hiếu khách tuyệt vời của người miền Tây chứ. Thuý An gật gù đi theo anh trở ra. Hai Quang nhìn qua cô:
− Em thích đọc sách báo lắm à?
Ngạc nhiên vì anh ta lại là người bắt chuyện, Thuý An nhìn mớ báo lùm xùm trên tay mình:
− Nếu ở thành phố thì tôi ham nghe nhạc và đi chơi phố hơn nhưng ở đây yên tĩnh quá, không có nhạc cũng không đi chơi đâu nên mua báo nhiều hơn thường ngày, từ từ đọc cho đỡ buồn.
Hai Quang nhướng mày:
− Sao không có chỗ đi chơi? Dường như em chưa đi hết cù lao này nữa mà?
Thuý An tò mò nhìn anh ta. Giọng anh xem chừng đã dịu đi nhiều, không còn cộc lốc khô khan nữa. Té ra xứ này con người cũng mưa nắng thất thường, cũng khó hiểu như dân Sài gòn vậy
− Có phải em bị cấm đi chơi không? – Anh hỏi tiếp khi thấy cô cứ ngớ người ra
− Đâu có - Cô mỉm cười giải thích - Tại mấy bữa nay ở nhà có việc bận bịu nên tôi chưa có dịp đi thôi. Chứ mai mốt có rảnh tôi nghĩ xin phép đi lòng vòng trong cù lao chắc ngoại cho.
Hai Quang nhìn cô như dò hỏi:
− Vậy hôm nay em đi chợ thị xã là đi với ….
Thấy anh ngưng nữa chừng, cô vui vẻ tiếp lời:
− Với dì Biên. Tại mai mốt đi chợ là việc của tôi. Dì Biên có hứa ngày mai dẫn tôi vô Đình gì đó mé trong tham quan nữa.
Chợt nhớ tới những mẩu chuyện nghe từ dì Biên, Thuý An ngước mắt hỏi:
− À, nghe nói anh trông hoa rồi hợp tác với công ty du lịch để khách tham quan vườn, làm ăn khá lắm?
Hai Quang gật nhẹ đầu:
− Vì tôi trồng hồng và vài loại cây kiểng nên cũng tạm có khách lui tới tham quan.
Thuý An háo hức hỏi ngay:
− Vườn của anh ở đâu vậy? Tham quan có bán vé vào cổng không?
Hai Quang nhìn cô, tia mắt là lạ:
− Em chưa biết nhà tôi à?
− Chưa! Gần nhà ngoại tôi không?
Hai Quang nhếch môi cười:
− Gần. Nếu em xin phép được để qua tham quan, tôi sẵn sàng mở rộng cổng để đón tiếp. Em chắc chắn sẽ là khách quý của vườn hồng chúng tôi.
Cảm nhận giọng anh có cái gì đó khang khác, Thuý An ngạc nhiên quay qua. Mặt mũi Hai Quang lại im lìm y chang như lúc nãy ở bưu điện. Dường như anh ta lại đổi kỳ mưa nắng nữa rồi. Vẻ thân thiện mới đây lại đã đâu mất tiêu
− Anh mời … nghe lạ quá. – Không nhịn được cô thốt lên.
Hai Quang lại nhìn cô:
− Lạ là sao?
− Anh nói tôi là khách quý….
Vẫn nụ cười như mĩa mai trên môi anh ta:
− Thì đúng là như vậy mà. Một người khách mà tôi không biết có được hân hạnh tiếp không. Nếu cô đến được thì quý quá rồi.
Vậy là sao? Thuý An trố mắt ngó anh ta. Nói câu gì khó hiểu vậy? Cô đâu cần phải được miễn phí? Sao anh ta lại nói năng với cái giọng khó nghe vậy
− Sao lại nhìn tôi như vậy? – Hai Quang hỏi.
Thuý An thẳng thắn:
− Nè anh, nếu bán vé hay thu tiền của du khách sao thì anh cứ thư tôi vậy. Tôi không thích là khách quý để miễn phí như anh nghĩ đâu. Biết vậy tôi không hỏi anh về cái vườn hồng đó. – Cô lẩm bẩm - Thật kỳ cục.
Lờ đi câu cuối, Hai Quang nhướng mày:
− Em biết tôi nghĩ gì à?
− Đoán ra một chút.
Hai Quang chú ý nhìn cô:
− Nghe câu của em mới lạ đó. Dường như em không thích được mời?
− Không phải. Được mời tất nhiên là thích rồi. Có điều tôi không thích nghe những lời mời khách sáo mà… không thật tình
− Tôi mời không thật tình à?
− Chứ còn gì nữa? Có ai mời khách mà nhạt nhẽo khónghe như vậy. Giọng của anh như… - Cô cố tình tìm lời để diễn tả cảm giác của mình – như… châm biếm ngạo thị. Mời như vậy thì đừng mời tốt hơn.
Hai Quang im lặng nhìn cô một lúc như phân vân điều gì đó. Cuối cùng anh gật đầu:
− Xin lỗi nếu cách nói của tôi không được chân tình cho lắm. Đó là vì… à, vì tôi đang nghĩ đến một chuyện khác. Chứ thật tình tôi rồi muốn em có dịp ghé lại tham quan vườn hồng của tôi. Tôi nói thật đó.
Thuý An liếc nhìn anh. Lần này thì bình thừơng rồi. Cô im lặng không nói gì. Để xem đã. Cô thích hoa cỏ thật nhưng chuyện giải trí cho vui thì có hứng thú mới được. Kỳ dị khó chịu như vậy ai đi làm chi.
Trở lại bưu điện, Thuý An thấy dì Biên đứng sốt ruộ với giỏ xách đựng thức ăn kế bên. Dì trố mắt nhìn khi cô và Hai Quang băng qua đường. Nhanh chân đến bên dì, cô cười như biết lỗi:
− Dì đợi con lâu không?
Dì Biên không đáp. Môi dì mấp máy như định nói gì nhưng lại thôi. Thay vào đó dì hối cô ra về.
Quay qua chào Hai Quang, Thuý An nhanh chân đến bên dì. Hai người vừa ra khỏi bưu điện là dì hấp tấp hỏi ngay:
− Sao Hai Quang đi chung với em vậy?
− Dạ anh đó dẫn giùm con vô chợ.
Ôm phụ bó nhang to, cô ngó 2 cái túi xốp trong tay dì:
− Dì mua đồ không nhiều, chắc là ra lâu rồi phải không? Con lại vô chợ làm dì phải đợi
− Sao em nhờ nó dẫn em đi chợ làm gì?
Cô cười:
− Con đâu có nhờ, ảnh tình nguyện hướng dẫn thôi. Cũng ngộ, anh ta nhận ra con trước, trong khi con chả biết anh ta chính là Hai Quang, con cứ tưởng Hai Quang là chú nào lớn tuổi.
Giơ gói hàng mới mua, cô khoe:
− Con lựa được đôi dép nhựa mềm hơn đôi của dì nữa. Chị bán hàng nói kiểu mới nhất. Rẻ ghê, có mười mấy ngàn
− Nó có nói chuyện gì với em không? – Dì Biên sốt ruột
− Ai ạ?
− Thì Hai Quang đó
− Dạ có chứ
− Nó nói gì – Dì Biên ngắt lời.
Những câu hỏi liên tục làm Thuý An ngạc nhiên, cô nhìn qua dì:
− Dạ thì xã giao vài câu vậy thôi.
Liếc nhìn dì Biên, cô thấy dì có vẻ lo nghĩ:
− Sao vậy dì? Anh đó không tốt à? – Cô thắc mắc.
Dì Biên khựng người:
− Không phải. Có gì đâu
− Dì hỏi con dữ quá…
− Tại tui thấy em đi chung nên… hỏi thôi.
Dì Biên nhìn cô rồi ngần ngừ chép miệng:
− Thật ra… tui nói cái này nghe, em mới về đây, chua biết ai với ai, không nên gặp người này người kia nói chuyện nhiều, nhất là ở cái xứ này.
Thuý An nhíu mày:
− Người xứ này thì sao hả dì?
− Thì người ta… ờ… người ta nhiều chuyện lắm. nói này nói nọ mắc công.
Thuý An càng ngạc nhiên hơn:
− Nhưng đâu phải ai cũng vậy?
− Nhưng mà không gặp, không nói chuyện thì khỏi phiền.
Thuý An cười:
− Mai mốt dì Năm đi vắng, con phải thay dì, nhiều khi có công chuyện cũng phải gặp người này người kia chứ? Sợ phiền mà cứ ru rú ở nhà buồn chết.
Dì Biên gãi đầu:
− Ý tui là… có công chuyện thì không sao. Thỉnh thoảng chào hỏi người ta cũng không sao nhưng đừng tốn thời gian nói chuyện với người khác, nhất là thằng Hai Quang.
Thuý An vỡ lẽ, cô cười hì hì:
− Thôi con biết rồi. Dì cứ nói lòng vòng. Dì không ưa cái anh Hai Quang đó chứ gì
− Không phải tôi mà là mợ Ba.
Thuý An trố mắt. Chừng như thấy mình nói hớ, dì Biên lúng túng:
− Ý tôi là mợ Ba cũng khó tính, mợ không thích qua lại với hàng xóm, nhất là nhà Hai Quang. Trời, nói chuyện với em thật khó, em cứ biết là tui dặn như vậy tốt cho em là được rồi, cứ hỏi hoài.
Thuý An khịt mũi ngoan cố:
− Thì ít ra con cũng phải biết lý do tại sao cấm con chứ? Dì không nói rõ làm con càng tò mò.
Dì Biên thở ra nhưng cũng ráng giải thích lần chót cho cô một cách ngắc ngứ:
− Thì tại… là vầy, tại nó cũng chỉ mới ăn nên làm ra mấy năm nay thôi, bày đặt mua thêm đất đai mở rộng thêm cái vườn hồng của nó
− Vậy thì có gì không đúng?
− Nhưng mà nó làm ăn được nên lên mặt. Vả lại khách đông đúc nên nhiều khi ồn ào, Mợ Ba ghét ồn ào lắm.
Lý do này không phải rồi vì 2 ngày nay Thuý An ở ngoài vườn suốt nên cô biết vườn nhà rộng, bên kia có đông khách cách mấy cũng chẳng thể làm ồn tới nhà trên của ngoại, huống chi 2 ngày qua cô ôm sổ của dì Năm ra đó, có nghe tiếng ồn gì đâu. Cô nhìn dì Biên một lúc rồi phì cười:
− Thôi con hiểu rồi
− Hiểu rồi à? – Dì Biên nhìn cô nghi ngại.
Thuý An cười gật đầu. Tuy dì giải thích một cách ngắc ngứ nhưng cô có thể hiểu được đôi chút.
Thông thường ai cũng làm vườn trái cây, cái nhà anh Hai Quang kia tân tiến trồng hoa cỏ, rồi lại cho khách du lịch vào, người thủ cựu như bà ngoại cô chắc chắn không ưa rồi. Thêm cái vẻ lạt lẽo lầm lì của anh ta dĩ nhiên với người dễ tính như cô mà còn dị ứng khì khó như ngoại thấy không thuận nhãn cũng đúng.
Hèn gì mà dì Năm hay gạt đi khi cô cứ thắc mắc này nọ. Hèn gì mà cái anh Hai Quang đó cũng nhìn cô là lạ khi cô hỏi han thân thiện với anh ta. Và còn nữa, ngoại la rầy cô dữ như vậy chắc cũng vì vừa về đây, cô đã làm phiền hàng xóm như vậy. Đúng ngay anh ta bồng cô vào nhà.
Dì Biên nhìn chừng cô một thoáng rồi gật đầu:
− Nếu em hiểu sơ sơ rồi thì tốt, để tui dặn trước nghen, em đừng kể là gặp và nói chuyện với Hai Quang.
Cô gật đầu hiểu ý:
− Con biết rồi, con không nhắc lại đâu.
Bến đò đã trước mặt. Thuý An theo dì Biên xuống đò.
Ngồi nhìn con sông cuồn cuộn chảy dưới thân đò, cô chợt nhớ đến ngày đầu tiên đến đây. Và rồi liên tưởng đến cảnh mình ngất chẳng biết trời trăng để cái anh chàng có gương mặt lành lạnh và tính khí mưa nắng khi nãy bồng đem vào tận nhà. Thoáng đỏ mặt cô vội lắc đầu xua đi những ý nghĩ vẩn vơ kia.
Về đến nhà cô theo dì Biên đi vòng qua hè. Ngang cửa sổ bên hông cô thấy dì Năm trong phòng nên gật đầu chào, nhưng dường như dì không thấy cô, mắt dì nhìn đâu đó, dáng ngồi bất động.
Thuý An tò mò nhưng cô không dám làm rộn dì. Mai dì đi rồi chẳng biết bạn của dì ở đâu và vì sao dì phải đi thăm tới cả tháng. Dù không dám hỏi nhưng cô có thể đoán chuyện thăm viếng đó không vui vẻ gì vì trông dì lúc nào cũng buồn bã, thậm chí làm ngoại cũng buồn lây. Mấy ngày nay, ngoại ít nói, ít la rầy Thuý An. Ngoại chỉ ngồi trên sập gụ nhai trầu và nhìn bâng quơ ra sân trước.
Có tiếng ngoại ho nhẹ. Thuý An ôm bó nhang to, đôi dép nhựa mới mua và cả mấy tờ báo nhẹ chân ra sau nhà. Có lẽ giờ này không nên quấy rầy ai hết.

<< Chương 5 | Chương 7 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 913

Return to top