Ngô Khảm không bật được ra nửa tiếng, người gã dãy dụa một lúc rồi hai tay dần dần rũ xuống.
Thích Phương ngó đầu lưỡi gã thò ra ngoài miệng, vẻ mặt coi rất khủng khiếp, bất giác trái tim nàng đập loạn lên như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực, lát sau người Ngô Khảm cứng đơ không nhúc nhích được nữa.
Vạn Chấn Sơn buông hai tay đặt gã xuống ghế, lão lại lấy hai tờ giấy thấm nước vo lại nhét vào lỗ mũi và vào miệng gã, như vậy là gã có tỉnh lại cũng bị nghẹt thở, không còn lo gì nữa.
Thích Phương bụng bảo dạ:
– Công công đã bảo nhà lão là thế gia ở Kinh Châu, chẳng thể tùy tiện giết người, ta nghe nói phụ thân Ngô Khảm cũng là một hương thân, lão mà phát giác vụ này tất chẳng chịu bỏ qua, chắc sẽ gây nên nhiều chuyện rắc rối.
Nàng còn đang ngẫm nghĩ, bỗng nghe Vạn Chấn Sơn lớn tiếng quát:
– Ngươi đã làm việc gì thì mau mau tự thú nhận đi, chẳng lẽ còn bắt buộc ta phải động thủ?
Thích Phương lại một phen bở vía, miệng lẩm bẩm:
– Té ra công công đã ngó thấy ta rồi.
Nàng đâm liều không sợ hãi gì nữa, vì một ý nghĩ đến với nàng:
– Ta đã không muốn sống nữa thì đằng nào cũng đến chết là cùng, ta chết về tay lão càng khỏi mất công tự tử.
Nàng toan chui ra, chợt nghe Ngô Khảm cất tiếng:
– Sư phụ! Sư phu..... Muốn đệ tử thú nhận điều gì?
Thích Phương giật bắn người lên, lần này nàng kinh hãi thật sự, tự hỏi:
– Sao Ngô Khảm còn nói được? Hiển nhiên gã chết rồi kia mà? Chẳng lẽ gã lại hồi tỉnh?
Rồi nàng lẩm bẩm:
– Không có lý! Hiển nhiên người gã nằm trên ghế không nhúc nhích được từ lâu rồi.
Nàng không nhịn được mối hoài nghi liền nghiên đầu nhìn ra thấy Vạn Chấn Sơn môi miệng cử động, nàng tự hỏi:
– Thế này là nghĩa làm sao? Có phải công công đang nói không? Sao ta lại nghe rõ là thanh âm Ngô Khảm?
Tiếp theo nàng nghe Vạn Chấn Sơn lại lớn tiếng quát:
– Thú nhận điều gì ư? Hừ! Ngô Khảm! Ngươi thật là lớn mật, đi cấu kết với quân giặc trong ứng ngoài hợp định gây ra án mạng rất lớn tại thành Kinh Châu.
Thanh âm khác hỏi lại:
– Sư phụ! Sư phụ bảo đệ tử... gây ra án mạng gì?
Lần này Thích Phương phát giác ra Vạn Chấn Sơn hỏi câu đó, nhưng bắt chước giọng nói của Ngô Khảm, nàng không khỏi khâm phục lão về tài bắt chước thanh âm khá giống, bất giác nàng lẩm bẩm:
– Nguyên công công còn có bản lãnh học tiếng người rất giỏi mà trước nay ta không hay.
Rồi nàng tự hỏi:
– Công công học tiếng của Ngô Khảm để phát âm là có dụng ý gì?
Đầu óc nàng chợt nhớ ra một việc, nhưng chỉ là hình bóng lờ mờ chứ không rõ rệt, có điều nội tâm nàng đâm ra khủng khiếp mà không hiểu vì đâu.
Lại nghe Vạn Chấn Sơn hỏi:
– Chà chà! Ngươi tưởng ta không biết ư? Ngươi dẫn tên lang trung bán thuốc vào thành Kinh Châu, hắn chính là một tên giang dương đại đạo, ngươi cấu kết với hắn định tiến vào...
Lão nói mấy câu này một cách đường hoàng dõng dạc.
Tiếp theo lão đổi giọng ngập ngừng hỏi khẽ:
– Sư phụ!.... Sư phụ bảo tiến vào đâu?
Vạn Chấn Sơn lớn tiếng:
– Các ngươi định vào nhà công quán của Lăng Tri Phủ để ăn cắp một văn kiện cực kỳ cơ mạt, có đúng thế không? Ngô Khảm! Ngươi... ngươi còn định chối cãi ư?
Lão đổi giọng Ngô Khảm:
– Sư phụ!.... Sao sư phụ biết thế? Sư phụ!.... Xin lão nhân gia nghĩ đến tình đệ tử bình nhật rất hiếu thuận mà lượng thứ cho đệ tử một phen, từ đây... đệ tử không dám càn rỡ nữa.
Vạn Chấn Sơn dõng dạc hỏi:
– Vụ tầy đình đó mà bỏ đi được ư?
Thích Phương vừa ghé mắt dòm vừa lắng tai nghe từ nãy tới giờ nàng nhận ra Vạn Chấn Sơn bắt chước khẩu âm Ngô Khảm thực ra không giống hẳn, nhưng lão hạ thấp giọng cố biến đổi thành tiếng nói hàm hồ. Mỗi câu lão nêu thêm một tiếng “Sư phụ” đồng thời lão không ngớt tự xưng là “Đệ tử” khiến những người ở ngoài phòng thoáng nghe không chú ý đế sự giả dối, dĩ nhiên yên trí là lời Ngô Khảm nói ra. Vả lại chính mắt mọi người đã ngó thấy Ngô Khảm tiến vào phòng và đã nói với Vạn Chấn Sơn lúc trước thì bây giờ câu chuyện tiếp tục, tuy nhiên thanh âm không giống lắm, nhưng ngoài Ngô Khảm ra còn ai nữa đây? Mặt khác những câu nói của Vạn Chấn Sơn, lão dụng tâm thỉnh thoảng lại hô “Ngô Khảm” để ngươi bên ngoài càng yên trí hơn nữa.
Thích Phương còn đang ngẫm nghĩ, bỗng thấy Vạn Chấn Sơn khẽ bồng xác Ngô Khảm lên, từ từ cúi xuống, tay trái lão khẽ vén rèm.
Thích Phương ngó tới đây sợ quá, trái tim cơ hồ ngừng đập.
Nàng lẩm bẩm:
– Phen này nhất định công công ngó thấy ta và lão cũng bóp cổ cho ta chết mà thôi.
Dưới ánh đèn lờ mờ, nàng ngó thấy một cái đầu chuồn vào gầm giường và đúng là đầu Ngô Khảm, tròng mắt lồi ra rất lớn, coi chẳng khác nào mắt cá vàng chết rồi.
Thích Phương hết sức nép mình vào phía trong để tránh cho đầu xác khỏi đụng tới người nàng.
Nhưng thi thể Ngô Khảm tiếp tục bị đẩy mãi vào đã đụng đến chân nàng rồi đụng tới lưng nàng nữa.
Lại nghe Vạn Chấn Sơn ngồi xuống quát lớn:
– Ngô Khảm! Sao còn chưa quì xuống? Ta phải cột ngươi lại đưa đến Lăng tri phủ, tha hay không là việc của phủ dài, ta không thể tác chủ được.
Lão bắt chước tiếng Ngô Khảm:
– Sư phụ Ơi! Sư phụ nhất định không chịu dung tha cho đệ tử một lần ư?
Vạn Chấn Sơn lấy lại giọng nói của mình đáp:
– Dạy dỗ thành tên đệ tử như ngươi, Vạn gia phải mất mặt với thiên hạ, tạ..
ta tha ngươi thế nào được?
Thích Phương nằm dưới gầm giường dòm qua khe rèm thấy Vạn Chấn Sơn rút lưỡi dao trủy thủ ở sau lưng ra khẽ cắm vào trước ngực lão.
Nàng còn nhìn rõ phía trong áo trước ngực lão hiển nhiên có lớp độn, hoặc là tấm gỗ mềm, hoặc đất dẻo, hoặc bột bánh gì đó để giữ cho lưỡi trủy thủ khỏi rớt ra.
Bây giờ Thích Phương hiểu rõ âm mưu của Vạn Chấn Sơn là thế nào rồi.
Bỗng nghe Vạn Chấn Sơn lớn tiếng quát:
– Ngô Khảm! Sao không quì xuống?
Rồi lão lại thấp giọng học tiếng Ngô Khảm ú ớ:
– Sư phụ! Đây là sư phu..... bức bách đệ tử, đừng trách đệ tử bất nghĩa...
Vạn Chấn Sơn rú lên một tiếng khủng khiếp:
– Úi chao!
Lão vung chân đá bật cánh cửa sổ, hốt hoảng la:
– Tiểu tặc! Ngươi... ngươi... dám hành hung...
Lại nghe đánh “Sầm” một tiếng! Bên ngoài có người đá bật cửa phòng.
Vạn Khuê chạy vào trước, dĩ nhiên gã biết bây giờ là lúc nên phá cửa chạy vào.
Bọn, Lỗ Khôn, Tôn Quân, Bốc Viên lục tục theo sau, Vạn Chấn Sơn hai tay ôm ngực, ngón tay trỏ vào chỗ máu đang chảy đầm đìa, chắc là trong tay lão cầm dấu một bình nước đỏ.
Người lảo đảo trỏ vào phía cửa sổ lên lên:
– Tên tiểu tặc Ngô Khảm... đâm ta một đao rồi chạy trốn... mau mau... rượt theo gã...
Lão nói chưa dứt câu này đã xiêu người đi té xuống giường.
Vạn Khuê la hoảng:
– Gia gia! Gia gia! Thương thế của gia gia làm sao?
Bọn Lỗ Khôn, Tôn Quân, Bốc Viên, Phùng Thản, Thẩm Thành năm tên, kẻ trước người sau nhảy qua cửa sổ vừa hô hoán vừa rượt theo.
Chỉ trong chốc lát tiếng tăm đồn đại khắp nơi trong thành Kinh Châu đều biết tin này, ai cũng kinh hãi.
Thích Phương nằm dưới gầm giường thấy xác Ngô Khảm mỗi lúc một lạnh toát. Lòng nàng run sợ đến cực điểm mà không dám nhúc nhích.
Lúc này công công nàng nằm thẳng cẳng trên giường, trượng phu nàng đứng bên cạnh lão.
Bỗng nghe Vạn Chấn Sơn khẽ cất tiếng hỏi:
– Có ai nghi ngờ gì không?
Vạn Khuê đáp:
– Không có đâu, gia gia đóng kịch hay quá! Vụ này giống hệt lúc hạ sát Thích Trường Phát, thật là tuyệt diệu, không sơ hở chút nào!
Câu nói “... giống hệt lúc hạ sát Thích Trường Phát thật là tuyệt diệu không sơ hở chút nào”, chẳng khác gì lưỡi đao trủy thủ đâm vào trái tim Thích Phương.
Vừa rồi nàng đã phảng phất khủng khiếp về vụ này, nhưng nàng không dám tin vì nàng nghĩ thầm:
– Công công thủy chung đối với ta vẫn vui vẻ hiền hòa, trượng phu cũng ôn nhu đắm thắm thì khi nào lại hạ sát gia gia ta?
Bây giờ chính mắt nàng trông thấy, tai nàng nghe rõ cách hành động và bố trí cơ quan xảo diệu để hạ sát Ngô Khảm, nàng nhớ lại tình trạng bữa trước phụ thân vào thư phòng Vạn Chấn Sơn rồi hai người xảy ra cuộc gây lộn, sau Vạn Chấn Sơn bị đâm một đao và phụ thân nàng vượt qua cửa sổ chạy trốn.
Nàng đoán ra cách bố trí cơ quan ngày ấy cũng giống hệt bữa nay, phụ thân nàng bị lão giết chết rồi, lão cũng bắt chước khẩu âm để diễn kịch.
Nàng lẩm bẩm:
– Thảo nào khi ấy ta nghe thanh âm phụ thân ấm ớ khác hẳn ngày thường, nếu không có chuyện ma đưa lối quỉ đưa đường xui khiến cho ta bữa nay nằm dưới gầm giường lão nhìn rõ tấm thảm kịch này, thì còn ai đoán ra được? Hai vụ án trong gian phòng này sẽ thành những thiên cổ nghi vấn.
Lại nghe Vạn Khuê hỏi:
– Con tiện nhân kia đâu rồi? Chẳng lẽ chúng ta lại buông tha thị?
Vạn Chấn Sơn đáp:
– Khuê nhi bất tất phải nóng nảy, thủng thẳng rồi sẽ theo cách thức này mà bào chế là xong, ngươi cứ lờ đi như không có chuyện gì, chúng ta cần hành động kín đáo thần không hay, quỉ không biết mới khỏi bị bại hoại gia phong của Vạn gia và khỏi liên lụy đến cha con ta.
Vạn Khuê nói:
– Dạ! Gia gia suy nghĩ thật chu đáo.
Bỗng gã rú lên:
– Úi chao!....
Vạn Chấn Sơn hỏi giật giọng:
– Chuyện gì vậy?
Vạn Khuê đáp:
– Vết thương trên mu bàn tay hài nhi lại nổi cơn đau kịch liệt không chịu nổi nữa rồi.
Vạn Chấn Sơn thở dài, “Hừ” một tiếng rồi không nói gì nữa.
Lão mưu kế đa đoan nhưng đối với vụ này cũng đành thúc thủ vô sách.
Thích Phương sực nhớ tới bình thuốc giải từ từ vươn tay lần vào bọc kín, sờ thấy bình thuốc nhỏ vẫn lạnh lùng nằm trong túi áo gã, nàng nhắc lấy bỏ vào túi áo mình, trong lòng đau khổ, nàng than thầm:
– Tam ca ơi! Tam ca chỉ nghe một nửa câu nói đã nghi oan cho tiểu muội cùng tên tặc tử này làm chuyện xấu xa, sao tam ca không muốn nghe cho hiểu rõ đầu đuôi? Tiểu muội không dám ra mặt chống gã cũng chỉ vì bình thuốc giải này còn ở trong mình gã, cha con tam ca muốn giết gã chỉ cất tay một cái là xong và lấy thuốc giải chẳng khó khăn gì, nhưng tam ca lại không biết rõ.
Bọn Lỗ Khôn rượt theo Ngô Khảm không tìm thấy đâu lục tục trở về, chúng vào trước giường Vạn Chấn Sơn thăm hỏi thương thế.
Vạn Chấn Sơn cởi trần nửa người trên để hở ngực đã quấn băng từ trước ngực vòng ra sau lưng rồi buộc lên cổ.
Lão tỏ ra thương thế lần này không nguy hại bằng lần trước, vì lẽ bản lãnh của Ngô Khảm hãy còn kém sư thúc Thích Trường Phát.
Lão nói cho chúng hay nhát đao đâm không sâu mấy, chẳng có gì đáng ngại.
Bọn đệ tử thấy thế mới yên dạ, nhưng tên nào cũng lớn tiếng thóa mạ Ngô Khảm vong ân phụ nghĩa, chúng còn nói mai sẽ đến kiếm phụ thân gã để thanh toán món nợ này.
Chúng xin sư phụ bảo trọng tấm thân rồi lui ra.
Vạn Khuê ở lại ngồi xuống cạnh giường để bầu bạn với phụ thân.
Thích Phương lúc này chỉ mong có cơ hội trốn khỏi nơi đây cho lẹ, nàng phải kề cận với xác chết lạnh lẽo cứng đơ của Ngô Khảm, trong lòng chán ngán không biết đến thế nào mà kể. Mặt khác nàng còn sợ cha con họ Vạn phát giác ra hành tung mình, mà chẳng nghĩ được kế gì đế trốn đi.
Vạn Chấn Sơn nói:
– Trước hết chúng ta phải xử trí cái xác chết này, đừng để lộ chút vết tích gì mới được.
Vạn Khuê hỏi:
– Hài nhi tưởng cũng theo cách đối phó với Thích Trường Phát mà liệu lý gã được chăng?
Vạn Chấn Sơn trầm ngâm một tiếng chút rồi đáp:
– Ừ! Lại dùng biện pháp cũ cũng được.
Thích Phương bất giác nổi mối thương tâm, hai hàng châu lệ ngấm ngầm tuôn ra, nàng tự hỏi:
– Bọn chúng đã đối phó với gia gia ta bằng cách nào?
Lại nghe Vạn Khuê hỏi:
– Cũng mở chỗ đó rồi xây lại hay sao? Gia gia ngủ trong này e có điều không tốt.
Vạn Chấn Sơn đáp:
– Tạm thời ta dọn sang ở cùng phòng với Khuê nhi, chỉ còn e ngại một điều là tại sao người ta đem kiếm phổ đến đưa vào tay cha con mình một cách dễ dàng như vậy?
Rồi lão cất giọng kiên quyết nói tiếp:
– Bất luận trường hợp nào cha con ta cũng phải thận trọng và hợp lực đối phó, sau này chúng ta đại phát tài còn lo gì không có chỗ ở?
Thích Phương nghe đến chữ “Xây” trong đầu óc nàng lóe lên một tia sáng, nàng hiểu ngay nội vụ, bụng bảo dạ:
– Ho..... đem thi thể gia gia ta xây vào trong tường để hủy thi diệt tích, thảo nào gia gia ta từ hôm ấy không trở lại mà thủy chung chẳng có tin tức gì. Thảo nào... thảo nào... Vạn Chấn Sơn... tên gian tặc Vạn Chấn Sơn cứ nửa đêm là bò dậy xây tường, thì ra hắn làm việc tệ hại này rồi trong lòng vẫn hồi hộp, mắc phải Ly Hồn Chứng lúc ngủ mơ cũng dậy xây tường... có điều hắn là một tên gian tặc mà sao trong lòng lại còn hội hộp không yên mới thật là kỳ?
Rồi nàng lẩm bẩm:
– Không, không phải lòng dạ hắn hồi hộp mà là hắn vô cùng ác ý, về việc xây tường hắn mong mỏi xây hết lần này đến lần khác...
Lại nghe Vạn Khuê hỏi:
– Gia gia! Sự thực cuốn kiếm phổ đó có chỗ nào tuyệt diệu? Gia gia bảo chúng ta sẽ đại phát tài, trở nên phú quí nhất thiên hạ ư? Chẳng lẽ... cái đó không phải là võ công bí quyết mà là bạc vàng châu báu?
Vạn Chấn Sơn đáp:
– Dĩ nhiên không phải võ công bí quyết, trong kiếm phổ ghi chỗ để bảo tàng, lão già Mai Niệm Sanh chỉ muốn trao kiếm cho người ngoài. Ha ha! Lão bất tử đó chết cũng không oan.
Rồi lão giục:
– Khuê nhi! Mau đi lấy kiếm phổ về đây.
Vạn Khuê ngần ngừ một chút rồi móc cuốn sách trong bọc ra.
Nguyên lúc Thích Phương nhét cuốn sách vào trong xa quạt lúa, Vạn Khuê ngó thấy chờ nàng bỏ đi rồi thò tay vào lấy ra liền.
Cuốn sách ngâm trong thùng nước máu ướt đẫm, bìa bọc bây giờ vẫn chưa khô.
Vạn Chấn Sơn liếc mắt ngó con trai một cái, nghĩ thầm trong bụng:
– Vừa rồi sao gã lại có ý ngần ngừ mà không lấy kiếm phổ ra một cách mau lẹ? Phải chăng gã muốn dấu cả ta để một mình độc chiếm?
Nhưng hiện giờ lão không rảnh để nghĩ kỹ về hành động của Vạn Khuê vừa rồi, lão nóng lòng tìm cho ra được bí ẩn liền lật từng trang sách một ra coi.
Hai mặt bộ Đường Thi này bìa bọc và những trang trong đều ước sũng chỉ có mấy trang chính giữa hãy còn khô.
Vạn Chấn Sơn khẽ nói:
– Cuốn kiếm phổ này cha con mình có giữ được hay không khó mà biết trước. Vậy chúng ta trước hết là điều tra cho hiểu chỗ bí ẩn trong sách, sau đó dù có bị người cướp đoạt cũng không cần nữa.
Lão dừng lại một chút rồi tiếp:
– Khuê nhi cầm cây bút ghi để mà nhớ, đệ nhất chiêu trong Liên Thành Kiếm Phổ là câu thơ trong Xuân Qui của Đỗ Phủ.
Lão dấp nước miếng vào đầu ngón tay để bôi lên mặt giấy bên bài thơ Xuân Qui.
Lại nghe lão khẽ cất tiếng hoan hô:
– Ha ha! Đây là chữ “Tứ” hay lắm!
Lão đọc câu thơ “Đài Kinh Lâm Giáng Trúc” chữ thứ tư là chữ “Giang” Khuê nhi ghi lại.
Rồi lão nói tiếp:
– Chiêu thứ hai vẫn là thơ Đỗ Phủ nhưng ở bài “Trùng Kinh Chiêu Lăng”.
Lão lại dấp nước đầu ngón tay bôi lên mặt giấy rồi hô:
– Ồ! Số.
Lão đếm từng chữ:
... ....... ...
“Lăng Tẩm Bàn Không Nhúc, Hùng Hùng Thủ Thúy Vị..” Chữ thứ năm mươi mốt là chữ “Lăng”.
– Giang Lăng! Giang Lăng! Thật là tuyệt diệu! Giang Lăng là Kinh Châu rồi, quả nhiên ở Kinh Châu thật.
Vạn Khuê xen vào:
– Gia gia! Gia gia nói nhỏ đi một chút.
Vạn Chấn Sơn mỉm cười đáp:
– Phải rồi! Phải rồi! Ta cao hứng quá quên mất, Khuê nhi ơi! Gia gia ngươi tốn một đời tâm huyết kể ra cũng không uổng, vụ đại bí mật này rút cuộc lọt vào tay chúng ta.
Đột nhiên lão che cuốn sách đi khẽ hỏi:
– Tại sao địch nhân lại đem kiếm phổ đưa vào tay chúng ta ? Ta hiểu rõ rồi.
Vạn Khuê hỏi:
– Vì duyên cớ gì vậy? Hài nhi nghĩ mãi không ra.
Vạn Chấn Sơn đáp:
– Địch nhân lấy được kiếm phổ rồi nhưng không mò ra nổi chỗ bí ẩn bên trong thì để làm cóc gì? Liên Thành Kiếm Pháp của chúng ta cứ mỗi chiêu lại đặt tên một câu thơ Đường, còn người phái khác dù bản lãnh nghiêng trời cũng không hiểu được, trên cõi đời này chỉ có ta và Ngôn Đạt Bình là hai người biết chiêu thứ nhất thuộc câu nào, chiêu thứ hai là câu gì. Do đó mới hay chữ thứ nhất ở trong bài Trùng Kinh Chiêu Lăng mà tìm kiếm.
Vạn Khuê hỏi:
– Liên Thành Kiếm Phổ có phải là thứ kiếm pháp mà gia gia đã dạy bọn hài nhi không?
Vạn Chấn Sơn đáp:
– Đúng thì đúng đấy, nhưng thứ tự rối loạn xà ngầu.
Vạn Khuê hỏi:
– Gia gia! Cả hài nhi gia gia cũng không truyền dạy kiếm pháp chân thực là có ý gì?
Vạn Chấn Sơn lộ vẻ bẽn lẽn đáp:
– Ta có tám tên đệ tử mà các ngươi sớm tối ở với nhau, nếu ta dạy riêng mình ngươi tất bọn chúng cũng biết thì thành bất diệu.
Vạn Khuê “Ồ” một tiếng rồi nói:
– Âm mưu của địch nhân nhất định cũng thế rồi, họ để chúng ta điều tra ra chỗ bí ẩn trong kiếm phổ, chờ khi nào chúng ta đi kiếm bảo tang rồi mới dở trò cường đạo gặp tướng cướp.
Vạn Chấn Sơn đáp:
– Chính thế! Chính thế! Chúng ta phải đề phòng từng bước, nếu không thì chẳng những uổng một phen tân khổ, chẳng lấy được bảo tàng, có khi nào còn mất mạng nữa.
Lão lại dấp nước ngón tay để kiếm chữ thứ ba.
Lão nói:
– Chiêu thứ ba trong kiếp pháp ở chữ thứ ba mươi ba trong bài Thánh Quả Tự.
Rồi lão đọc:
– “Hạ Phương Thành Quách Cận, Chung Khánh Tạp Sanh Ca”.
Chứ thứ ba mươi ba là chữ “Thành” Giang Lăng Thành! Phải rồi! Phải rồi!
không còn nghi ngờ gì nữa.
Bỗng lão bật tiếng la:
– Ô hay! Sao ta ngứa dữ thế này?
Lão đưa tay mặt gãi mu bàn tay trái sồn sột mấy cái rồi lại thấy mu bàn tay phải cũng ngứa, lão đưa tay trái lên gãi rồi cầm kiếm phổ nói:
– Chiêu thứ tư ở chữ hai mươi tam, ồ... mười lăm, hai mươi!.... Hai mươi lăm... chữ thứ hai mươi tám là chữ “Nam” ha ha! Giang Lăng Thành Nam, ô hay!
Lại ngứa rồi.
Lão cúi đầu xuống coi mu bàn tay trái thì thấy ba vệt đen dài dài trong lòng kinh hãi tự hỏi:
– Bữa nay ta không viết chữ sao mu bàn tay lại dính mực?