Sâu thẳm trong mỗi chúng ta là cả một kho kiến thức. Điều này gọi là khả năng trực giác. Lắng nghe trực giác của bạn là cả quá trình học tập dần dần, bắt đầu bằng việc nhận ra một giọng nói khe khẽ vang lên hay một cảm nhận sẽ mách bảo bạn mỗi khi bạn làm điều gì đó đáng lẽ bạn không nên làm. Giọng nói ấy luôn hiện diện, thầm lặng, và bạn phải thật tập trung lắng nghe mới có thể nhận ra.
Nếu thích, bạn có thể gọi nó là lương tâm, nhưng trong sâu thẳm bạn sẽ nhận ra khi nào bạn làm một điều xấu. Bạn biết khi nào phải xin lỗi, phải điều chỉnh và làm những việc đúng đắn. Bạn biết và tôi biết là bạn biết. Sở dĩ tôi biết là bởi thực chất tất cả chúng ta đều biết.
Bạn biết khi nào phải xin lỗi, phải điều chỉnh và là những việc đúng đắn
Mỗi khi bạn nghe thấy giọng nói từ bên trong ấy, bạn sẽ thấy nó giúp ích được gì cho bạn. Giọng nói ấy khác nhiều so với một con vẹt không trí óc đậu trên vai bạn cứ luôn hót: “Lại làm hỏng rồi” sau khi bạn làm điều gì đó. Điểm mấu chốt là bạn nghe thấy trực giác của bạn lên tiếng nói cho bạn biết điều gì đúng điều gì sai trước khi bạn làm.
Hãy gắng thử để mọi việc chạy qua trực giác của bạn trước khi quyết định và xem điều gì xảy ra. Khi đã quen với việc đó, bạn sẽ thấy nó thật dễ dàng. Hãy tưởng tượng có một đứa trẻ đứng bên bạn và bạn phải giải thích mọi điều cho nó nghe. Hãy tưởng tượng đứa trẻ ấy sẽ hỏi bạn những câu hỏi: “Tại sao ông lại làm thế? Cái gì đúng, cái gì sai? Chúng ta có nên làm thế không?” - và bạn phải trả lời. Chỉ có trong trường hợp như thế, bạn vừa là người hỏi và đồng thời cũng chính là người trả lời. Bạn sẽ nhận ra rằng mình đã biết tất cả những thứ cần biết và cả những thứ không cần phải biết.
Hãy lắng nghe. Nếu bạn muốn tin tưởng vào một ai đó cố vấn cho bạn, bạn muốn tin ai? Tốt nhất người cố vấn đó là chính bạn bởi bạn là người nắm rõ mọi chuyện, là người có những kinh nghiệm cần thiết và mọi kiến thức trong tay. Chẳng ai khác có được những điều ấy. Chẳng ai có thể nhìn tận sâu trong lòng bạn và tìm hiểu xem cái gì đang diễn ra trong đó.
Nhưng cần làm rõ một chút. Khi tôi nói lắng nghe thì không có nghĩa lắng nghe những gì đang chạy qua đầu bạn. Đó chính là nơi cư ngụ của sự điên rồ. Không, tôi muốn nói một giọng nói âm thầm, yên lặng hơn kia. Với một số người, đó là cảm giác hơn là một giọng nói - cái mà đôi khi chúng ta gọi là bản năng. Và kể cả khi đó là một giọng nói thì nhiều khi giọng nói ấy cũng chẳng lên tiếng - không giống như bộ não của chúng ta, lảm nhảm không ngừng - và kể cả khi nó lên tiếng thì đôi khi bạn cũng để lỡ mất chúng vì những dòng ngôn ngữ tuôn chảy từ bộ não của bạn.
Điều này không có nghĩa bạn phải tiên đoán trước những gì sẽ xảy ra. Bạn không thể biết được chú ngựa nào sẽ về đích trongcuộc đua lúc 3 giờ 30 ở Chepstow hay đội nào sẽ giành chiếc cúp vô địch. Điều quan trọng là chúng ta sẽ làm gì, quyết định trọng đại chúng ta phải đưa ra, và vì sao chúng ta lại cư xử như thế. Nếu bạn tự hỏi mình, bạn sẽ có câu trả lời.