Sương sa lạnh lùng
Huân Long
Mình về cho chóng mình ra
Kẻo em chờ đợi
Sưong sa lạnh lùng
(Hát ru)
Cứ nghe giọng ca vọng cổ cất lên từ căn nhà trong kẹt xóm là ai cũng hiểu trời đã về chiều. Bởi vì chỉ có thời gian này thì chủ nhân căn nhà mới có mặt, và vì buồn quá, anh ta phải cất tiếng lên cho đỡ thấy cô đơn. Điều này anh ấy đã làm từ năm này sang tháng khác, thuần thục, chăm chỉ và nhẫn nại một cách thành tín, dường như nếu không như vậy thì lòng anh sẽ thấy mông mênh vô tận.
Quanh đi quẩn lại vẫn chỉ là một lời oán than, trách móc ai đó về một cuộc tình lãng đãng trôi qua. Thực sự câu ca chẳng ra đầu ra đuôi gì hết, có khi còn sai trật với cung điệu của một bài vọng cổ huê tình, thế nhưng điều đó có hề gì, miễn là khi hát lên anh thấy trút đi được một chút sầu nhen nhóm.
Anh đã cố quên đi nỗi sầu hờn tủi mà quên hoài hổng được. Nỗi lùng nhùng khi cô ấy đành đoạn chia tay như con dao bén ngọt cắt lìa quá khứ. Anh không trách gì cô mà chỉ buồn vì cô chia tay còn tiếc không để một lời từ giã cho nhau. Hổng biết trời đất có cảm thông dùm cho thân phận của anh chăng mà bữa tối khi cô đi, ôi thôi, mưa thúi trời thúi đất.
Căn nhà anh dột ướt lùm xùm, nhưng anh không lạnh vì trời mưa mà quá lạnh vì thương nhớ. Anh cứ lo lo cô đi có kịp trước khi trời chuyển mưa hay là hiện giờ đang lao đao vì ướt át. Bữa đó, đột nhiên, anh ôm vòng tay mà hát nghêu ngao, ai dè thành lời ca không thể nào bỏ được.
Hỡi tình lang nàng ơi, dẫu có đắng cay chua xót trăm chiều thì sông kia vẫn dâng tràn con nước. Thuyền anh trôi giữa cảnh vắng đắng cay, chỉ thiếu bóng hình tình lang chập chờn đâu đó… Anh ca mình ên, không có một tiếng đàn hay một nhịp song lang gõ phụ, vậy mà sao nó phá tan nát cõi lòng anh.
Hằng ngày anh vẫn bôn ba ra đầu ngõ ngồi bơm vá xe, lộn sên và sửa ổ líp cho khách. Cà xịch cà xang gặc gặc cần bơm để nhận vài đồng của khách giao cho, gặp bữa có ông hoặc quên đêm tiền theo, có bà hoặc chưa có tiền lẻ, hẹn đi chợ xong ra sẽ trả rồi đi luôn, anh cũng chẳng chờ chẳng đợi.
Anh thường nói một mình : đến hẹn hò như tình yêu mà còn quên cái rột bỏ đi đoạn đành thì sá chi một lời hứa quay ra cũng biệt dạng mất tăm. Có lần anh đã nghĩ hay là bỏ về quê cho rồi để xóa đi dấu vết buồn thương đang phả đầy trong tâm khảm, song lại tự hỏi về làm gì ăn nên tỏ ái ngại phân vân.
Người ta bảo thất tình dễ no ngang, thì trường hợp anh đúng vậy thiệt. Cái bụng trống trơn mà cứ ớn ợn đầy hơi, có khi nhịn luôn tới chiều ăn một thể. Bởi vì ăn gì cũng bắt nhớ mà nhớ thì ăn thấy sao ngon. Mới hồi nào cô ấy cũng ra đây trưa ăn với anh món gì đó, chẳng cần sang mà vẫn thấy vui. Hai người chỉ cần chia nhau một nửa ổ bánh mì hay tô bún cũng đã lửng cái bụng của mình.
Bây giờ còn một mình, dẫu có ăn cả ổ hay nguyên tô thì cũng thấy mùi vị gì đâu. Cô ấy đã đi mất tiêu thì còn vui gì mà ăn thấy ngon, ngủ thấy say. Cô ấy lượn lờ như bóng mây ngọn gió, la đà trên ngọn cây, bay qua bao đồi núi, sông rạch để rồi mất hút ở một nơi nào.
Thiệt tình anh cũng không rõ là cô ấy với anh ra sao. Có thật hai người đã yêu nhau chưa, hay chỉ vẫn mơ màng bóng quế. Hồi cô đến ngồi với anh tán dóc mỗi ngày, chưa khi nào anh thấy cô xác nhận một điều gì rõ rệt. Đã nhiều lần anh gạn hỏi cô, xin cậy nhờ người đến mối manh để nhận cô về làm vợ chính thức, nhưng cô chỉ nhỏn nhoẻn cười ỡm ờ : còn sớm mà anh.
Anh đã thủ thỉ với cô : vậy là em hổng thương anh ? Cô nói : thương chớ sao không thương, không thương mà bò ra với anh để người ta chê cười thúi đầu, thúi óc. Lần nào anh định tìm cách cầm lấy bàn tay cô để đặt một cái hun tình tứ là y như cô đứng lên cái rột, khiến anh chưng hửng. Cô khỏa lấp để anh không nản lòng thất vọng : trưa trật rồi để em dìa, mơi em lại trở qua.
Cô lướt đi như một cái bóng, người đã xa và lời ví von vẫn còn phảng phất đâu đây “ mình về cho chóng mình ra, kẻo em chờ đợi sương sa lạnh lùng. Cứ như thế, cô nàng hư hư thực thực đi vào đời anh và để lại một nhát chém rất sâu.
Lúc này cô ấy đi rồi, sương sa lạnh lùng không phải khiến cô chịu đựng mà anh đành phũ phàng với những giọt sương rơi. Cái thùng đồ nghề bơm sửa xe đâm thành nặng chình chịch trên tay anh mỗi ngày ra vào khỏi căn nhà. Anh như người mất hồn khi chợt nhớ đến cô. Đang hì hục kéo bơm đun hơi vào xăm chiếc xe đạp, anh thẫn thờ khi nhớ lại ánh mắt cô. Tay đang bơm thành mất hết sinh lực, cần bơm lỏng lơi mặc cho lặng lẽ trôi. Khách chờ đợi nhìn sững anh tưởng là bóng ma nào đang ám ảnh.
Buổi chiều là thời gian anh nhớ tới cô nhứt. Buồn nỗi buồn không tên, anh nghêu ngao câu huê tình cho đỡ chán. Anh nằm thu lu trong góc, gác hai chưn tréo ngoe lên vách tường che giấy cạc tông và cất tiếng lên : hỡi tình lang nàng ơi… rồi lịm dần vào đau khổ.
Ngày qua ngày, vết sẹo lớn và tím tái dần. Con tim lâu càng thêm bị khoét sâu lở lói. Anh cắn chặt môi đến rướm máu để ngăn một tiếng khóc bật ra. Anh có hèn yếu quá chăng, ai thất tình chẳng như anh, xin đừng trách.
Bây giờ…bây giờ, trăm lần trở trăn và trăm lần thất vọng. Bỗng một ngày anh bỏ nghề dứt nghiệp ra đi. Một gánh hát nhỏ nhoi đã nhận anh vào làm công nhân của họ. Những vai tuồng đầu tiên người ta giao cho anh đều là vai người ăn kẻ ở hay lính lệ nhà quan. Anh chẳng phải nhọc lòng học tuồng vì đơn giản chỉ cần “ dạ “ ran khi nghe ai đó gọi.
Thế mà có lần anh cũng quên luôn. Khi người kép gọi anh, thay vì “ dạ “ anh đã la vang “ có ta đây “ khiến cả rạp đều chưng hửng. Hẳn nhiên là chủ gánh đuổi anh đi, may được cô đào thương năn nỉ nên tạm cho anh một lần ân huệ. Sau tối diễn, cô đào han hỏi anh về nguyên do, anh nói lảng cho xong. Nhưng cô đào không tin lời anh nói.
Cho tới một đêm, rạp diễn tuồng ly biệt ngập ngừng. Anh đứng trong cánh gà nhìn cô đào thương kêu gào người tình bỏ đi lạnh nhạt. Cô đào ràn rụa nước mắt khóc than, cô ca điệu xuân tình, rồi qua xàng xê và sau cùng vô vọng cổ. Lời ca vô tình có đoạn cô đào than thở câu “ mình về…” não nuột lâm ly và hai tay cô chới với khi gào lên chữ sương sa lạnh lùng, thế là anh gào lên “ có tôi đây “ nên mới thành nông nỗi.
Những năm tháng theo đoàn đi khắp từ thành thị đến nẻo quê. Đêm đoàn dừng ở miệt cù lao, anh tình cờ thoáng thấy bóng ai như bóng nàng trong số khán giả đi xem. Anh thẫn thờ cảm thấy bứt rứt trong tâm, anh mượn cớ bị đau xin miễn ra trò đêm ấy.
Vai của anh chẳng có chi quan trọng nên bớt một người hay thêm một người nào có hệ chi. Anh nằm chèo queo ở một góc chợ, lỉnh kỉnh bên những bức cánh gà, nghe văng vẳng tiếng ca của vở tuồng đang diễn. Đêm hát tàn, mọi người ra về, đào kép nhễ nhại mồ hôi chưa kịp chùi vết son phấn trên mặt. Anh đang nằm lim dim nhắm mắt thì cô đào thương đến báo với anh : cô ấy đi rồi.
Anh giật mình trỗi dậy, lòng phân vân sao cô đào biết rõ tâm tư anh. Cô đào vẫn khoan thai cởi chiếc áo bào đang mặc rồi nói như kể với ai đó không phải là anh : cái đêm tôi thấy anh thẫn thờ vì câu ca của tôi đọc, tôi hiểu là anh đang vướng bận trong lòng. Tôi biết là anh đang đi tìm một bóng hình nào đó thật thiết tha với anh. Cho nên hôm nay chợt thấy anh viện cớ xin nghỉ, tôi nhận ra ngay và theo dõi anh. Tôi đã đến với cô ấy hỏi dò, điều đau buồn là cô ấy chẳng biết tí gì về anh cả. Chim ăn biển bắc mà anh cất công tìm ở biển đông thì đến đời nào gặp.
Rồi cô đào bỏ lảng ra sau khi ủi an anh : hãy bằng lòng với hiện tại, đừng ấp ôm đau khổ suốt đời. Trời tối vô cùng, gánh hát chìm dần vào giấc điệp. Đâu đây đã có tiếng thở đều cất lên, người nghệ sĩ ngủ say sau đêm diễn mệt nhoài. Anh thao thức nghe sự im lặng tràn lan với tiếng óc eo của giun dế bên ngoài. Anh nhìn ra, lờ mờ sương đêm miệt quê rào rào đổ xuống.
Bất giác anh nói một mình : người đang chịu cảnh sương sa lạnh lùng là anh, chứ chẳng phải là em, hỡi em. Từ đó, không ai biết vì sao đang đêm anh giã từ gánh hát không một lời để lại. Chỉ có cô đào thương viết được tại sao anh bứt bỏ hết, nhưng cô cũng không nói với ai làm gì.
Huân Long