Những nhánh cỏ vàng lung lay, cắt gương mặt Đô thành nhiều mảnh nhỏ lấp lánh trong ánh nắng xuyên qua tàn lá me râm rấp. Đô chắc không biết, sau mình, một đứa bé quần vấn lên tới đùi đang rong bò đi qua, lục lạc leng keng. Chẳng hiểu Đô có nghe ra và còn nhớ tiếng leng keng này giống tiếng từng nghe ở ngôi chùa bên kia con kinh. Chú tiểu đứng cạnh nhà sư trong buổi cúng cầu siêu cầm que gõ vào chiếc khánh nhỏ sau mỗi câu chú. Gương mặt hai mươi của chú thanh tao, cặp mắt to trong với hàng mi dầy ấy thực như em Bá. Đô cũng nhận ra điểm đó lần đầu, buổi chị Châu bảo đem hương đèn đến chùa thắp cho Bá. Chị là người đã khám phá ra khói nhang thấp thoáng trên màu ngói cũ ngôi chùa gần cuối con kinh, giáp giới với đầm súng. Trong lúc chị Châu khấn khứa, tôi quỳ bên cạnh, mắt đảo qua những pho tượng âm u và mấy chiếc đèn hoa sen yếu ớt. Thành phố còn nhiều nơi thắp đèn dầu, huống chi ngôi chùa khuất lánh nhỏ bé nơi đây. Tôi muốn than với Đô sao chú tiểu thanh tao chọn tu ở chỗ quá nghèo nàn. Nhưng Đô đã bỏ ra sân, bàn tay đang sờ nắn đầu chân ông thần hộ pháp. Qua khung cửa, thân hình cân đối của Đô bỗng tối sầm lại thành một pho tượng đá.
Cỏ không ai cắt tái cong qua mùa nắng cháy. Trên gương mặt cằm vuông trán rộng đọng lấm tấm mồ hôi, đôi môi Đô hình như nứt nẻ chút gì. Có lẽ Đô cần một ly nước. Bên kia con đường đất, những chai si-rô bạc hà màu xanh cắc kè sậm đặc làm nghẹn cổ họng, Đô uống sao nổi thứ nước ấy. Quán người nam bộ không có một ấm trà xanh veo như của ông bà nội ngày nào. Hai ba người đàn ông ngồi trên băng gỗ, miệng ngậm thuốc vấn nhìn sang đây chòng chọc. Đàn bà con gái mặc áo dài chiết eo là vật hiếm vùng ngoại ô xa lắc này. Sáng nay tôi đã chọn chiếc màu mỡ gà tựa màu áo Cát Tường đầu tiên bố may cho tôi và chị Châu ở Hà-Nội. Ngày mùng một Tết đó tôi diện lên, Đô nhìn đăm đăm, mắt thuở ấy ánh mướt chẳng khác gì em Bá. Đô giắt xe đạp ra cổng còn ngoái lại, dặn chiều đưa tôi ra bờ hồ ăn kem dừa tôi vẫn mê - chị Châu giống phần đông người xứ bắc không thích vị dừa, chê ngấy và hôi. Đô mười bảy, hơn tôi một tuổi, cao ráo lịch thiệp trong bộ
veste tây trắng sáng như hàm răng Đô cười. Bố không đem vợ con về chúc Tết, thế là mẹ con tôi được ngồi ăn cùng mâm với bố, thì cũng được một lần Tết mỗi năm. Ông bà nội bảo bố đốt tràng pháo mừng xuân. Xác đỏ rơi trên tóc và vai áo, tôi không kịp phủi, nôn nao nhìn theo những vòng bánh xe Đô đạp quay quay.
Đồng cỏ xác xơ, gập ghềnh những dúm mồ chạy lan tới một vùng ngoại biên khác, nghe nói chỗ ấy có nhánh sông, thảo mộc tươi mát. Tôi chưa đến đó xem, bao giờ tôi cũng ngừng lại nơi đây, rìa những chân cỏ ám. Bao giờ tôi cũng ngừng đây với Đô, dù có lần tôi đã hứa sẽ vượt qua mảnh đất này để về tả cho Đô xem nắng chốn xa kia đổ thế nào trên con đường sắt dọc dòng sông. Thích phiêu lưu, Đô mê những con tàu từ ngày chị Châu đòi dừng lại sinh sống ở thị trấn ven biển có các chuyến xe hỏa xuyên bắc nam, băng qua bao sớm mai chiều tối. Tôi không biết mình sợ Đô đòi ra đi như thế, đòi đi mãi tự bao giờ. Chắc chẳng phải bắt đầu từ khoảng thời gian mẹ đau nặng vì suốt dọc đường lếch thếch dắt diú các con, bỏ nhà ông bà nội trốn vào Nam - nên sau đó anh Chương phải nghỉ học để làm việc trong hãng buôn Tây ở bến cảng, nuôi mẹ và mấy đứa em. Biết không thể lên tàu ra biển, Đô bằng lòng với mơ ước viễn hành trên một toa xe lửa tiếng còi rút trong không gian. Thuở ấy chúng tôi đều chập chờn thao thức với hồi còi và những tàn lửa đỏ toé bay trong đêm tối. Ngày Đô nhậm chức làm việc trong ngành hoả xa, tôi khóc suốt. Dù Đô bảo làm bàn giấy nhưng tôi biết, chắc chắn Đô sẽ lấy cơ hội leo lên những chuyến tàu và đi xa cho thoả mộng, ghé về Nha Trang, trở lại Hà Nội, Đô sẽ rời thành phố. Thành phố Saigòn qua mấy năm sinh sống, chúng tôi vui với sự sầm uất, với những con người dễ dãi có hơi thô kệch nhưng rộng lòng. Không như chị Châu, anh Chương và con Nhược, tôi mau chóng quên xứ Bắc quê hương. Tôi say mê sự hào phóng của thành phố, sự hào phóng của đời sống mới tươi trẻ, áo quần tha thướt nhờ cửa hàng tơ lụa của mẹ cho tôi tự trông nom. Ngồi dưới đất ôm đầu gối mẹ, vuốt ve hai bàn chân nhỏ teo bọc trong đôi giày gấm, tôi đã nói với bà:
- Quyết định của me vào Nam sau cái chết của thầy là tuyệt diệu.
Xa hơn nữa, cỏ mọc cao như sậy, mấy đứa nhỏ dẫn vài con bò lõng thõng hai bầu vú lắc lư. Cỏ cũng xẻ những mảng bò vàng ra dưới nắng. Ngày mới vào Nam, tôi mua bằng được sữa bò tươi về rửa mặt. Con Nhược trông thấy bĩu môi:
- Bà Phượng rửa xong đun lên uống cho da thêm tốt.
Chỉ có Đô cười khen:
- Da Phượng mướt hơn con gái Saigòn.
Tôi ngó ra, Đô nhìn tôi đang vò chiếc khăn, chẳng hiểu sao tôi luống cuống để rơi. Đô đến nhặt lên, nhúng khăn vào chậu nước rồi tự nhiên cầm chấm những giọt sữa còn đọng. Một mùi gì ngái nồng, tôi hít đầy từ bàn tay, khuôn ngực, cần cổ của Đô lúc ấy thực sát gần. Đô có sự mạnh mẽ của một thanh niên khoẻ và đầy đủ. Nhanh nhẹn, sinh hoạt, sống với đường phố thật nhiều nhưng Đô không đen sạm như đàn ông con trai xứ này, cũng chẳng xanh gầy như anh Chương. Anh Chương lúc chưa lấy vợ đã lơ là bề ngoài. Mẹ bảo nếu không có chị Châu nhắc nhở, anh chẳng thể cưới được cô vợ xinh tươi, dù anh tôi có dáng hào hoa như bố. Nhà đã khá giả, nhưng anh lúc nào dường cũng còm xuống dưới những nỗi lo. Ít ai biết anh đi về, công việc ra sao, ngay cả người vợ kịp cho anh ba đứa con trước khi anh bỏ đi biệt tích. Từ đấy, mẹ và chị Châu lún sâu vào chiếc ghế bành vốn đã là nơi họ ngồi mòn đợi chờ năm tháng. Tôi không chịu trận để mặc thời gian khống chế, Đô cũng vậy. Chúng tôi nói cười và ồn ào sống. Thành phố cuối thập niên bốn mươi thênh thang, con người không nhòm nhỏ, gò ép thói lề. Đô đến đón ở cửa hiệu cuối chiều, tôi bung lên người Đô những miếng tơ óng ả. Tôi cười nấc dưới mảnh lụa Bombay mịn hơn ánh trăng, tôi sung sướng vì lời kể chuyện khôi hài dí dỏm của Đô và đòi bật máy hát, dọn một khoảng trống trong cửa hàng để Đô dìu đi trong một điệu nhảy mới học. Chiều Saigòn cuốn gió, con đường Norodom đầy lá bay. Tôi, thời chưa biết đau.
***
Đứa nhỏ bỏ con bò quất muỗi ngoài xa, chạy đến đứng ngó sững tôi rồi cúi xuống giựt bưng đám cỏ nghiêng ngả chung quanh. Tôi đưa cho nó một tờ giấy bạc. Đứa nhỏ hỏi có muốn phạc hết mớ cỏ xum xuê. Tôi nhìn Đô rồi đáp, không. Chị Châu biết tôi chẳng cho nhổ sạch chắc sẽ phàn nàn. Mùi cỏ khô thơm sau cơn nắng rang, Đô từng kêu thích nhìn cánh đồng rạ cháy. Hình ảnh gốc rạ lởm chởm làm liên tưởng đến cái cằm râu đâm chưa kịp cạo của Đô, cài giúp chiếc khuy nơi cổ áo Đô đang mặc thử tôi lướt nhẹ lưng tay mình lên đó. Cảm giác ram rám, muốn tì tay lâu hơn, vẫn còn theo mãi đến bây giờ. Sau ngày lấy vợ và có con trai, Đô để râu quai nón. Con Nhược trầm trồ khen còn tôi thấy chướng, nhưng lặng im. Tôi đã mất Đô, nói gì thêm nữa. Thời ấy tôi bắt đầu đau, giữa một trưa hè đang ngóng cơn mưa, Đô đem về một cô gái lớn hơn mình hai tuổi. Cô cũng người xứ Bắc, vòng lông mày cong như lưỡi liềm chặt một đường ngang bụng tôi. Chị Châu và con Nhược bị chinh phục bởi cử chỉ điềm đạm và sự săn sóc của cô gái cho tình nhân. Tôi gọi tình nhân vì qua ánh mắt hai người tôi nghĩ Đô đã không cưỡng được lòng ham muốn. Bình thường Đô vẫn kể mọi điều, thế mà khi biết đàn bà Đô không cho tôi hay. Nhưng tôi, kẻ quan sát thính thị từng chi tiết về Đô làm sao ngu ngơ. Lưng áo rớt khỏi quần xộc xệch, một hương thơm lạ thoáng qua, một cái cười vu vơ, một trận tắm rửa lâu hơn thường lệ, một câu Đô thân mật hỏi về kinh nguyệt phụ nữ. Tôi không còn nhìn thẳng vào mắt Đô từ lần ấy, tuy càng lúc Đô như nam châm hút chặt tôi vụn sắt. Ý nghĩ Đô đã thực sự là một người đàn ông khiến tôi vừa bị quyến rũ vừa đau đớn vì không còn có thể tự đánh lừa, lẩn trốn, làm ngơ những bất khả của định mệnh.
Dưới chân cỏ ám, lũ kiến gió loay hoay năng nổ chung quanh một cái càng châu chấu. Tưởng tượng cả đàn sẽ khênh nó lên, rộn ràng trong cuộc rước lễ. Tôi đã từng ngồi một góc xó nhìn bầy kiến như thế ở ngày đám cưới Đô. Mọi người tưng bừng ồn ào chúc phúc, cô dâu đội tấm khăn điều che mặt, một cách gọi là theo tục lệ Trung Quốc của mẹ tôi. Lẻn ra sau nhà, tôi nôn thốc lên hàng gạch tàu những gợn máu đã oà vỡ từ tim. Mà phải máu đâu, chỉ là một thứ nước hồ nạo ruột làm cuống chân lũ kiến tội tình. Trưa ngày cúng nhị hỉ, cô dâu về nhà gặp tôi nói cười thân thiện. Cô nhìn tôi rạng rỡ hạnh phúc, Đô nhìn tôi thoáng qua, quay đi ngượng ngùng. Tôi giận hoá điên, đổ hết xuống đất nồi chè sen chị Châu bảo đem bày lên bàn thờ. Thật giống con Nhược ngày nào. Thuở thầy còn sống, con Nhược thường có những cử chỉ hung hãn bất chừng, hồi đó tôi dè bĩu kêu nó khùng điên. Bây giờ nó đang ngó tôi trân trối. Sao Đô không quay lại nhìn? Đô tránh mắt đi đã từ một buổi chiều hôm ấy. Buổi tôi sốt ruột chờ, các cửa hiệu chung quanh đã đóng, chị người làm phụ dọn hàng ra về, còn lại mình tôi. Ông lão quét đường xoẹt chổi gom lá ướt cuối cơn mưa, mưa tháng sáu rủ xuống bầu trời hâm hẩm tối. Dạo này Đô thường theo tàu đi thanh tra, có khi mấy ngày mới về, và về thì Đô cũng đi đâu mất biệt. Khi Đô ngừng xe trước cửa hiệu, tôi bỏ vào trong không nói một lời, nghe tiếng Đô gọi sau lưng. Một bàn tay dịu dàng xoay vai tôi lại. Gương mặt ấy long lanh những giọt nước mưa còn đọng, vành môi thật tươi. Không đừng được, tôi choàng ôm cổ Đô. Chẳng nói gì như thể đấy là điều tự nhiên, Đô tiếp tục cười vui cho đến lúc… cho đến lúc tôi lướt môi lên vành tai, Đô giật hoảng đẩy bắn tôi ra, suýt ngã nhào lên mớ nhung lụa chồng lớp trên nền. Đô kéo tôi dậy rồi đi thẳng ra ngoài, đứng dừng lại, thân hình cắt một mảng tối sầm. Vài phút sau, chừng lấy lại bình tĩnh, Đô nói với vào:
- Phượng về nhà trước đi.
Chỉ có thế, lần cuối tôi được gần Đô. Đêm, không có tiếng xe Đô về, tôi nằm nghe hết từ lá cây rên đau, tắc kè chắc lưỡi đến dế xa xót gáy. Con chim hoàng oanh trong chiếc lồng ngoài hiên cũng đau gì bật kêu thất thanh trong khuya tối. Tôi ngửng lên đình màn nhìn chăm chăm bóng tròn đen của ngọn đèn đêm chị Châu không cho tắt. Bên giường kia, hơi thở chị bập bềnh. Chị sang tuổi ba mươi, tôi từng thúc đẩy chị lấy chồng đừng để tuổi xuân qua. Thời này, con gái mười lăm đã sinh con. Chẳng hiểu sao chị ậm ừ tránh né. Có ai trong nhà hiểu chị không? Có ai biết tôi đang tê liệt như thế nào lúc này không? Nếu tôi can đảm đứng dậy, tung mùng, chạy qua phòng mẹ với khuôn mặt sưng vù nước mắt, chắc chắn chỉ nhìn thấy mẹ đã hiểu. Mẹ sẽ đổ lên tôi những phiền trách:
- Me đã cảnh cáo con rồi, đừng đi vào con đường ấy.
Nhưng mẹ sẽ thương xót vuốt những sợi tóc tôi thanh xuân như mẹ thuở nào. Mẹ, thời bi kịch.
***
Gió đâu chợt về dội tốc tán lá me, cuốn tròn lớp cỏ tuá ngoài xa. Bên kia đường, mái tôn đập phập phềnh, mắt tôi nhoà bụi nắng. Lòng ngươi Đô cũng nhạt đi trông thấy. Nhưng có lẽ không phải chỉ bây giờ mà đã từ buổi trưa Đô tất tả ở xa về, đứng sững trước cửa nhà, cặp mắt bạc đi phút chốc. Vợ Đô ngồi bên đứa con trai đầu lòng năm tuổi vừa chết đêm qua sau cơn sốt xuất huyết sét đánh. Thấy chồng, chị đứng bật dậy rồi ngã khụy trên sàn gạch. Chị Châu nhào tới ôm lấy thằng bé, khuôn mặt nó vô cùng giống Bá, cũng nét thông minh tinh nghịch giờ lạnh băng khép kín. Tôi muốn nắm lấy tay Đô, không phải để an ủi Đô mà chính tôi đang cần hơi ấm, dằn xuống cơn đau. Sau đám tang, Đô đem vợ lên tàu ra Nha Trang, không một tin tức. Mấy tháng sau chị về một mình, than Đô bỏ ra ngồi trước biển từng đêm. Vậy mà, con Miên ra đời. Chị Châu đưa mẹ đi thăm về nói:
- Con bé không khác em hồi mới sinh Phượng à, cũng giống bố nữa.
Tôi vội vàng vào xem con Miên mang nét gì của Đô, những đường nét tôi chỉ còn thoáng gặp trong cơn mơ vật vã. Ngày con Miên đầy tháng, Đô về thăm. Bế con trên tay, mắt Đô không rời khung ảnh con trai đã chết trên tường. Mẹ nhìn Đô bằng ánh mắt tội lỗi. Tôi cúi xuống, tội lỗi cũng đậu cứng trên cái nhìn tôi len lén ngó Đô. Không, tôi không thực sự thấy Đô, mà chỉ thấy cái bóng chập chờn của ám ảnh.
Lần trước tôi đến đây cỏ còn dài những nhánh xanh um, thế mà qua một mùa hạn, chúng chết không ngờ. Tôi cũng không ngờ mình chẳng đứng dậy nổi, dù là trong giấc mơ, dù tôi đã lao đi với cuộc đời, tung mình vào những làn sóng sôi động, ngút cao nhất của một thời tuổi trẻ. Đến năm gần ba mươi tôi quyết định lấy chồng. Đầu mùa thu ấy tôi giao cửa hàng cho chị Châu, trở về Hà Nội. Con Nhược lập gia đình trước đó hai năm, mẹ mừng ra mặt, ba đứa con gái ít nhất được một đứa có chồng. Chị Châu băn khoăn:
- Người ta con một của gia đình miền Nam nứt đố đổ vách, con Nhược nhà mình làm dâu ra sao?
Nhược trợn mắt:
- Tôi chỉ lấy chồng không lấy cả gia đình, không làm dâu như me, chồng tôi cấm được như thầy.
Mẹ lắc đầu rồi hỏi:
- Con thương nó thật không?
Tôi thấy Nhược quay đi, nó đáp như với bức tường trước mặt:
- Con không biết, đến đâu đến đó.
Tim tôi nhói đau. Con Nhược luôn luôn nói thật, con Nhược ngược ngạo nhưng thành thật của tôi từ thời thơ thiếu. Đến đâu đến đó, con Nhược hiếu thắng đâu rồi? Vợ chồng nó đưa tôi ra máy bay - mẹ cấm mấy đứa con đi xe hoả từ cái ‘‘ngày khủng khiếp’’ ấy - Nhược bỗng hỏi:
- Chị tính ghé về nhà ông bà nội không?
Tôi lửng lơ đáp:
- Đô từng bảo trông buồn thảm lắm.
Nhược ngập ngừng:
- Anh Đô..., rồi thôi.
Hà Nội muà thu đó rét sớm, nước hồ dâng sương che lấp đền Ngọc Sơn, tháp Rùa nhỏ teo trong mắt tôi sau bao năm xa cách. Chiếc xe kéo đưa tôi về đến con đường dẫn vào ngôi nhà xưa. Vẫn mái ngói căn nhà năm gian đĩnh đạc, nhưng cây mộc lan già oằn, cành lá mọc nghiêng như sắp đổ. Trên bờ tường, ngày nào Bá thường bắt anh Chương cồng kênh xem lũ gà chọi bên hàng xóm, rêu vàng phủ kín. Anh Chương, anh Chương, tôi thảng thốt gọi, như con Nhược vẫn thường gọi anh mỗi khi có sự đau lòng xảy ra cho mẹ. Những khung cửa sổ gỗ mít vẫn phất phới tấm màn che, vành khăn nhung bà nội thấp thoáng, bên cạnh mảng đầu tóc ép láng của chú tôi. Và Đô, chiếc xe đạp dựng bờ rào, cạnh lối đi xuống căn nhà nhỏ lún dưới tàn bưởi của mẹ con tôi, khuất lút vườn sau. Không thấy được cây khế con Nhược vẫn trèo lên vặt bất kể trái xanh trái vàng. Tôi nhìn ra mọi người thấp thoáng, chỉ không thấy tôi và Đô. Anh xe kéo buột miệng:
- Nhà này gia thế như vậy mà huông, tang chế liên miên, vợ chồng quan án nối nhau ra đi sau cái chết của ông con cả là quan tuần, rồi đến đứa bé cầu tự còn đỏ hỏn của ông con thứ, vừa bú xong đã tắt thở trên tay mẹ.
Tôi giục anh ta kéo nhanh lên. Ra tới bờ hồ, tôi nghẹn thở. Nắng bắt đầu hé sáng trên vài đọt liễu. Mấy đứa bé rao báo chạy trên đường, tiếp thu, hiệp định, chia cắt, vĩ tuyến 17, di cư. Tôi biết đây là lần cuối. Bao giờ tôi cũng linh cảm rất rõ về một lần cuối, như khi tôi mất Đô. Tự bảo sống nốt với Hà Nội vài hôm rồi trở vào Nam. Trong mấy ngày cuối ấy, tôi gặp Quân, giữa một buổi tiệc linh đình của các viên chức cao cấp, tôi lạc vào đấy, không hay. Quân mới từ Paris về, người đàn bà sang trọng chủ tiệc giới thiệu Quân là người sẽ giữ chức vụ quan trọng về kinh tế nay mai. Tôi không để ý gì khác hơn dáng người vững vàng, lịch thiệp và nhất là bước
tango không chê được của Quân. Nhận từ tay Quân cốc rượu mời, nhìn lên lẳng đèn pha lê giữa mái trần cao vút của gian phòng tiếp tân kiểu Tây, thoáng chốc thấy mình nhẹ đi, tà áo tơ vàng bay bổng nâng tôi lên, sao vạn màu lấp lánh. Nhạc quấn chân tôi vào Quân. Tôi bước đi, khúc đoạn trường khác.
***
Mùa cỏ trước nơi đây xanh hơn cỏ trong vườn ngôi nhà mới Quân mua để đón tôi về. Quân sung sướng chỉ hòn non bộ nên thơ với các loài dị thảo. Dòng nước rỉ ra từ kẽ đá trũng những dấu mòn, khuôn mặt mẹ hằn nếp cũng dấp ướt như thế, mười hôm trước. Nước nhỏ từng giọt xuống mặt hồ tong tong tách tách, lệ mắt mẹ tôi lặng lẽ chảy dài. Bà ngồi lút sâu trong chiếc ghế, tôi đứng im lìm chịu tội trước mặt. Qua cửa sổ, chị Châu nào biết chuyện gì đang xẩy ra, trò chuyện với con hoàng oanh cú rú một mình trong chiếc lồng. Tôi bật nói to:
- Me nhìn chị Châu kià, nếu me không cho con lấy Quân, thì sẽ không một mà là hai đứa con gái sống âm thầm trong nhà này cho tới chết.
Mẹ ngơ ngác ngó ra, quơ tay quẹt ngang lòng mắt, nhướng lên bóng nắng rồi vội vàng cúi xuống:
- Phượng ơi, Phượng ơi, thôi con ra ngoài đi.
Tiếng kêu Phượng ơi đi theo bao năm sau, đi theo cả buổi chiều hôm ấy, tôi buông tôi nằm dưới thân thể Quân. Với Đô, lúc nào tôi cũng mệt nhoài đuổi bắt, ngay cả lúc Đô đứng yên, tôi chạy theo Đô trong sợ hãi, tội lỗi, mất mát, tuyệt vọng. Với tôi, Quân cũng nhọc lòng, nhưng Quân vững vàng trong thái độ, không để lộ giằng co với người vợ mà cha mẹ đã cưới cho trước ngày Quân đi Tây. Thể đã là thế, như hẳn nhiên người đàn ông học vấn tây phương không thể sống đời với bà vợ quê muà cưới hỏi lúc chưa đầy hai mươi. Tôi ngậm miệng, nhắm mắt. Tôi treo tôi lơ lửng, trốn lánh sự thật. Sự thật đã bắt đầu ở buổi chiều tôi biết nôn nao sau lưng Đô đèo xe sang bên kia con sông. Trời nổi cơn gió lốc trên cầu, Đô bảo tôi ôm chặt bụng rồi lại kêu:
- Phượng xiết gì như càng cua.
Tôi rạo rực ôm cứng lấy Đô, nghe lưng Đô cười.
Nắng có nhói lên chỉ làm thêm hắt hiu màu cỏ ám. Gương mặt Đô mỗi ngày một mờ đi và nụ cười không còn vỡ niềm vui của buổi đó qua cầu. Nhưng chính nét mặt ấy thường hiện sững trước mắt tôi, ở cả sáng mai hay đêm tối. Nó vẫn mãi đấy, dù mắt tôi nhắm, đầu tôi chúi, người tôi cong co lẩn trốn dưới da thịt Quân. Nó làm đông đặc mạch máu, khô khốc ngõ vào, chận đứng nước nôi túa nguồn hoan lạc. Tôi nhẫn nại mở môi để thở, cố cất kêu những tiếng rên giao hợp cho yên lòng chồng. Nhưng giữa đêm Quân bật đèn, chống tay nhìn vợ đăm chiêu, tôi kéo chăn che kín mặt rồi không chịu nổi lại tung ra, vít đầu Quân than:
- Em mệt bất ngờ.
Quân chẳng đáp, nhìn sâu vào mắt tôi, rồi không cưỡng được lại hôn đầu ngực, vuốt dọc chân, mân mê lõm bụng tôi săn chắc. Bất nhẫn, tôi vùng dậy vúc miệng ngoạm từng vùng da thịt Quân, nén thở, lưỡi môi bỏng rát. Tôi chỉ làm được thế, nước mắt muốn òa trong ngực. Có ai yêu tôi như Quân, có ai trong ngần ấy năm chịu đựng sự yêu đương chỉ chờn vờn ở trên, bên ngoài, không sự tận cùng cộng hưởng? Ai cũng lạ lùng chúng tôi mãi không có con, Quân dù gì đã sinh hai đứa con với người vợ chính nên mọi người ném cái nhìn dò hỏi trên tôi. Quân cười bao dung:
- Bên cạnh Phượng anh thấy mình chắp cánh.
Tôi tiếp tục là người đàn bà lộng lẫy cho Quân trong yến tiệc, nói cười bặt thiệp, tiếng Tây vi vu, người đàn bà vẹn toàn cho những không gian ngoài căn phòng chồng vợ. Cặp cánh phượng tôi có giương ra trời rộng cũng chỉ đưa Quân đến nơi phù ảo.
Từ lúc nào không hay, những đứa nhỏ trong dãy nhà ngổn ngang sau các quán ven đường đã nhào sang, nhảy lưng tưng trên mấy ngôi mộ lún trong đồng cỏ. Con Miên ngày còn bé thích cùng Quân nằm lăn trên nệm cỏ mới cắt. Tôi quặn lòng mỗi khi thấy Quân âu yếm đùa với nó. Ngày Quân mua cho con bé cây đàn dương cầm Gaveau cổ, nó mặc áo đầm ngồi đàn, hai chân hẫng trên ghế, phải nhỏm người mới chạm nổi bàn đạp, Quân cười ngắm cháu. Quân tinh tế nhận ra con Miên có chút nghênh ngang của cô Nhược, hồn hậu của cô Châu, đỏm dáng cô Phượng, và thỉnh thoảng ưu tư trầm lặng của bà nội. Tôi cãi, con Miên giống mẹ nhiều hơn. Lòng tôi đầy mâu thuẫn, vừa muốn tránh né hình ảnh Đô phảng phất trên con bé lại vừa muốn có nó ở cạnh từng ngày. Vẫn chẳng hiểu nổi vì sao Nhược thường tỏ ra nghiêm khắc đến độ lạnh lùng với con Miên. Nhất là khi thằng Thanh, đứa con trai yêu dấu của vợ chồng Nhược và con Miên ngày càng thân thiết nhau ở tuổi dậy thì. Tuy không tin Nhược biết được điều kín ẩn của mình, tôi vẫn giật thót mỗi lần bắt gặp ánh mắt Nhược cau lại lúc hai đứa trẻ chụm đầu trên cuốn sách hay đùa giỡn thân mật ngoài sân. Tôi chỉ cầu mong mẹ đừng thấy những cảnh tượng này, bà sẽ không chịu nổi. Tôi cũng thầm xin định mệnh đừng tàn nhẫn đến thế, có lẽ nào đó là chứng di truyền độc hại từ đời mẹ sang tôi rồi tới con Miên? Thế nhưng định mệnh đã hoàn tất lời nguyền, hay lời nguyền dẫn dắt định mệnh? Mẹ tôi chưa kịp lo âu, Nhược chưa kịp âm mưu tách rời hai đứa trẻ thì thằng Thanh rơi xuống, sau khi bị xe
jeep hất tung lên cùng với chiếc xe đạp, giữa con đường trưa hập nắng.
Thấp thoáng một ngọn lau nẩy lên giữa cỏ, lau còn non nhưng chút đầu bạc trắng lung linh. Không thể quên được màu tóc mẹ hôm ấy cũng rưng rưng bắt nắng. Tôi dội nước cho Đô trên sân gạch tàu, bất ngờ ngửng lên thấy mẹ đứng ngưỡng cửa, mắt ngó chúng tôi sững sờ. Khuôn mặt bà sượng lại, đông cứng. Tay đang xoa nắn bờ vai rồi vuốt thả dịu dàng theo đường trũng giữa lưng Đô, tôi ngừng ngay trước cái nhìn của mẹ. Đô còn nhắm mắt, tiếp tục xoa xà-phòng lên đầu và giục:
- Phượng dội nước đi, kỳ lưng cho Đô.
Tôi không trả lời, Đô gọi tiếp:
- Phượng đâu rồi.
và quơ tay tìm cái gáo trong bể. Mẹ quay bỏ vào phòng. Đấy là lần cuối tôi được đặt tay lên làn da Đô long lanh ánh nước. Tim tôi đập mạnh, những vòng tròn trên mặt bể nước toang ra dồn dập. Sáng hôm sau, nhà không tiếng động. Chị người làm theo chị Châu đi chùa, ngôi chùa có chú tiểu vẫn thanh tao nhưng Đô bảo:
- Cặp mắt chú ngày càng mênh mang một nỗi gì xa vắng.
Tôi cười:
- Đâu phải xa vắng, là tiếc nuối chưa được biết đời.
Chị Châu nghiêm mặt mắng:
- Phượng đừng đùa.
Lúc tôi sửa soạn mặc áo ra cửa hàng, mẹ chợt gọi:
- Phượng vào đây.
Cái giọng khàn mà chắc nịch nghiêm trọng này hình như anh em chúng tôi chỉ nghe mỗi một lần trong đêm tối ấy, ở căn nhà dưới cây bưởi; mẹ đã vặn nhỏ ngọn đèn và chậm rãi bảo:
- Me quyết định đem các con rời khỏi nhà ông bà nội, me không cản nếu thằng Chương và Đô muốn ở lại với ông bà, nhưng phải giữ kín đến ngày me đi.
Chị Châu bật khóc, tôi bật khóc, con Nhược đanh mặt phán:
- Thầy mất rồi, anh Chương, anh Đô không được ở lại, mọi người đi theo me hết.
Chương giơ tay vuốt tóc con em, chị Châu ôm chầm lấy nó. Mẹ quệt hai giọt nước mấp trên mi. Bây giờ, trước mặt tôi, ánh ban mai yếu nhạt cũng đủ rọi mắt mẹ mới một đêm mà đã quầng thâm. Trên đùi bà, tấm hình một tiểu thư Trung Hoa mà nụ cười vẫn tươi dù ảnh đã sởn vàng chỗ tỏ chỗ mờ, hai bím tóc cô đặt ngay ngắn trên bờ vai phủ lớp khăn thêu hoa cúc và chữ vạn. Tấm ảnh tôi đã thấy qua từ một thời bé lắm. Tôi ngồi xuống, đối diện với mẹ, đối diện với cô gái. Lần đầu tiên, cô vén màn bi kịch. Công nương hoàng gia nhưng bố mẹ mất sớm, đầu thế kỷ cô từ kinh đô về Phúc Kiến ở nhờ bác ruột, tuổi mới mười ba. Mười sáu, cô và người con trai ông bác không cưỡng được tình yêu. Một tối khuya, hẹn hò vỡ lở, người bác nghiêm nghị cầm roi quất con trước mặt cô. Hai hôm sau, vừa lúc xé lòng nghe tin người yêu bị cha bắt về sống Nam Kinh, ông bác cho gọi cô vào tiền sảnh, trước một viên chức trẻ An Nam vừa được cử sang Phúc Kiến. Thanh niên nghiêng mình chào lễ độ, nhưng cô chẳng nghe ra được gì ngoài tiếng ồn ào của gia nhân đang sửa soạn cuộc tiễn hành. Cô cứa cổ tay mình đêm ấy, để đến khi tỉnh dậy ngơ ngác trước một ánh dương vẫn thản nhiên chói rực sau tường liễu. Nỗi quặn lòng vẫn đấy nhưng cuộc đời tiếp tục. Người thanh niên An Nam được bác cô cho tới thư phòng xem sách như ý muốn, vào những giờ ông biết cô có mặt. Một năm sau, chàng ta cầu hôn, ông bác thúc giục cuộc cưới hỏi vội vàng. Thiếu nữ đã đánh mất nụ cười và ánh mắt yêu đời, cô gói lại những món quà, một mảnh gỗ đào người yêu cô đã khắc chữ Kiều, một hình nhân bằng bột hồ với trái tim đỏ thắm, một quả táo nhăn nheo mà người tình lỡ sinh cùng giòng máu khi đưa tặng đã thì thầm, yêu cô ngay cả đến ngày cô già khô như thế. Đem tất cả ra góc vườn chôn xuống, hôm sau cô vâng lệnh bác, phủ chiếc khăn điều. Thiếu nữ kể đến đó thôi, còn lại tất cả đoạn đường làm vợ làm dâu bất hạnh hẩm hiu ở xứ người của cô tôi đã biết. Thanh niên An Nam đem cô và hai đứa con còn nhỏ về nước nhậm chức tuần phủ, nhưng bố mẹ bắt lấy vợ Việt môn đăng hộ đối đã hứa hôn từ niên thiếu. Mẹ cúi xuống sờ lên tóc tôi, mệt nhọc thở, tiếng thở không từ cổ từ phổi mà từ đường rãnh sũng nước ở đuôi mắt, từ chỗ nứt của tim, Phượng ơi, me xin con, đừng đi vào con đường ấy.
***
Bầy bướm trắng chập chờn rủ nhau về đùa bên ngọn cỏ lau. Con hồ điệp ngày nào bay quẩn bên chân, buổi tôi đến thăm Đô trước khi vào bệnh viện với Quân. Gương mặt Quân đã trở màu đất ủng, dòng nước vàng nhợn trộn máu không ngừng rỉ ra trên bụng. Quân giơ bàn tay còn mấy lóng xương gạt những ống dây truyền
morphine và nước biển, lòng mắt Quân vàng nhưng trong suốt một nỗi dịu dàng an ủi. Tôi bước vội ra cửa sổ, cũng đàn hồ điệp lấp lánh trên những cọng cỏ mọc cao lẫn lộn với hoa dại trong khu vườn sau nhà thương. Bướm và hoa nhoà đi trong vũng mắt, tôi níu chặt mấy chấn song để đừng khụy xuống. Không dám quay lại, không nghe thấy nhưng tôi biết Quân đang gọi tên tôi, như trong mấy ngày mê sảng trước. Viên bác sĩ Pháp bước vào, theo sau là vợ và con trai Quân. Tôi gật đầu chào rồi đi ra, người bác sĩ thản nhiên bảo:
- Bà cứ ở lại.
Tôi đáp: tôi còn thời giờ, trước con mắt xoáy của Nghi, con trai Quân đã trưởng thành, nó toát sự tự tin của bố nhưng vắng ánh hiền hậu của mẹ. Khi khép cánh cửa, mắt Quân đuổi theo, bàn tay động nhẹ, tôi hiểu ý Quân muốn gặp con Miên. Con Miên hôm qua ôm bó hoa đến nhà thương, nhỏ nhoi trong chiếc áo đầm, hai chân cuống quíu hoang mang, sợ sệt oà khóc úp mặt vào ngực Quân.
Rồi một sáng mai, tôi không còn vào chùi bụng cho Quân nữa. Người ta thay quần áo, Quân mặc bộ nỉ xám kẻ những đường xanh nhạt lịch sự, gan phổi hết phình chướng. Tôi bắt tay ông bác sĩ như mọi ngày, bụng rỗng tuếch. Lề đường đọng lá me sũng ướt, bất chợt manh áo dính vào da như mưa đã đổ trên tôi tự bao giờ. Tôi lạnh nhưng không muốn về nhà, đi dọc xuống con đường. Mấy người đàn bà gánh cam và hoa bên ngoài bệnh viện rao mời. Quân, những sớm mai Đà-Lạt đánh thức tôi bằng nụ hồng thơm. Tôi quấn chặt chăn, kêu trời sao như mùa đông xứ Bắc. Quân ngó ra bầu sương đục rồi nói nhỏ:
- Đà-Lạt là chiếc nôi của tình nhân.
Tôi nghe, nghẹn cứng lời. Từ đấy, tôi không còn muốn lên Đà-Lạt, nó dìm tôi trong mặc cảm và trở thành xa lạ như Saigòn này, sáng nay. Vài cặp trai gái ôm eo tươi cười chạy xe gắn máy ngang qua. Tưởng mới là ngày nào trước 54, Đô vừa mua chiếc xe đạp Peugeot, đèo tôi trên những con đường rợp bóng, loáng thoáng bóng ông tây bà đầm. Rồi hôm Quân từ Hà-Nội vào, người tài xế đến đón, mở cửa xe cho tôi bước xuống ở thềm Continental, Quân đứng chờ với miệng cười rực nắng. Tất cả quá khứ chập vào nhau, tất cả như xảy ra cùng một lúc. Cả cái ngày mẹ tôi cho là khủng khiếp ấy, mà bao năm tháng sau, cứ chợp mắt tôi thấy mình hớt hải gọi Đô.
Tôi kêu: Đô, Đô... dọc đường rầy, cỏ xanh hớn hở quấn chân, lôi tôi vấp ngã nhưng gió lại thốc dựng tôi lên. Con tàu nhả khói đen mù mịt, những khung cửa viền xanh theo nhau biến vào đường hầm. Lỗ đen ấy cũng hút tôi như vực trống. Chấm mũ vành trắng của Đô trước đây ẩn hiện ở một toa đầu tàu, giờ không thấy nữa. Nhưng tôi chẳng thể bỏ cuộc, bằng bất cứ cách nào tôi phải bắt kịp Đô, kêu Đô rời ngay con tàu, rời ngay cái toa ấy, ngay cả nhảy tung xuống bờ ruộng. Bà vợ tên quan Tây quen thuộc đến mua tơ vội vã khác thường, bảo để may vài bộ áo cuối cùng trước khi về nước. Con bé nhà quê cầm lẵng theo hầu, xòe quạt phe phẩy tụm lông vàng hoe dưới cánh tay núng nảy của bà chủ. Tôi tránh mùi nồng, lùi ra. Bà đầm tỉnh bơ bước tới sát cận, kêu tiếc, về nước lấy đâu ra chị hai nấu bếp, thằng tài lái xe. Rồi làm ra chiều thân thiện và bí mật, bà ghé tai tôi:
- Mấy thằng lùn Nhật Bổn đang âm mưu tổ chức ám sát người Pháp, đặt mìn khắp nơi.
Tôi ngây thơ hỏi:
- Ngay ở Sàigòn?
Bà đầm giơ tay che miệng, thì thầm nhỏ hơn:
- Mọi nơi, chỗ nào có người Pháp, tiệm ăn, công sở, xe lửa.
Tôi giật bắn người, hai đầu gối mềm nhũn. Hôm qua vợ Đô mới ôm con Miên chưa đầy một năm về thăm bà nội, bảo Đô vừa lên tàu ra Trung thanh tra. Mẹ chắc lưỡi:
- Thời buổi Tây Nhật giết nhau, thằng Đô đi hoài, lại qua rừng qua núi.
Từ khi anh Chương mất biến trong rừng, mẹ nghe nói đến rừng là kinh khiếp.
Nhưng mặc sức tôi kiệt, mặc tiếng tôi gào, con tàu thản nhiên lao vào hố miệng của bóng đen. Tôi rơi lại đằng sau, Đô không cho tôi theo, Đô đã bỏ tôi tự bao giờ. Con tàu vừa ló khỏi đường hầm thì trời đất nổ tung. Sắt thép thây người bắn lên bầu trời xanh thẳm. Những cụm mây bị đập vỡ, tan tành trên đồng cỏ. Tôi mở mắt ra, chị Châu ngồi cạnh mắt sưng vù, cầm khăn ướt đặt lên trán tôi:
- Em mơ gọi Đô mê sảng Phượng à.
Vọng từ bên kia phòng khách, giọng chú tiểu thanh tao đang tụng kinh trước tấm áo quan chỉ gom được một chút gì đó của Đô, và manh mũ trắng.
***
Trong nhiều giấc mơ như vậy tôi nhìn thấy Đô và từng mảng cỏ. Mấy mươi năm qua rồi, vậy mà buổi chiều bây giờ thành phố trở lại u uất với cây đèn dầu lù mù của những năm giữa thế kỷ. Lâu rồi không thể đi thăm, thật ra chẳng có gì để kể thêm, mọi sự Đô đều biết cả. Chuyện gì tôi cũng nói với Đô trong mấy chục năm dài, từ khi mọi người còn đây cho đến lúc chỉ mình tôi ở lại nơi này. Ngôi nhà Quân mua cho tôi vườn tược đìu hiu, cây cối lấn hết lối đi, đã từ lâu lắm. Sau khi Quân qua đời, con Miên thường rủ thằng Thanh ghé qua thăm. Chúng vẫn mê mấy món ăn Tây của Thư, gã thanh niên lạ lùng, mặt trắng thư sinh nhưng nấu ăn Tây Tàu thành thạo, Quân đã kiếm ra Thư về giúp việc trong nhà. Nhưng đến cái chết của thằng Thanh thì còn mỗi tôi và Thư quanh quẩn, con Miên thỉnh thoảng có rạt xe vào cũng chỉ vài phút, nó nhìn Thư tăm tối. Tôi hỏi vì sao, con bé làm thinh. Mấy tháng sau, một hôm Thư để lại hàng chữ nắn nót, hắn ra đi.
Nhược sống lút trong căn biệt thự kín cổng cao tường của vợ chồng nó với hai đứa con gái. Mẹ tôi hầu như rơi vào cơn mê triền miên, cuối cùng, thân xác già cỗi cứng lại trên tay chị Châu vào buổi cơn mưa đầu mùa không vỡ nổi. Chị cẩn trọng lau từng ngón chân co quắp của mẹ. Tôi lục trong những cuốn sách thơ Tàu, những tập giấy thảo mẹ từng mài mực chấm bút ghi chép thời nào, tìm tấm ảnh cô tiểu thư có cặp mắt phượng và vòng chân mày thanh cong. Nhìn cô lần cuối tôi muốn hỏi, cô còn nhớ người yêu xưa như tôi vẫn đau đáu hình ảnh tội lỗi từng giờ từng phút? Gói bức hình vào vuông khăn gấm, đặt dưới hai bàn tay mẹ chắp ngay ngắn trên khuôn ngực mỏng dính. Những cây sáp đỏ to nhất được thắp lên, kèn đồng Tàu tưng bừng như mở hội. Con Miên vừa qua năm mười bảy bê bát hương đi đầu đoàn tang lễ. Sau đó, mùa hè năm ấy nóng kinh người, nhưng chị Châu suốt ngày ngồi đan những chiếc áo len để con bé sửa soạn đi Tây du học. Nhược ra phi trường tiễn cháu, ánh mắt dịu không ngờ, nhưng nó chỉ nói một câu, cháu học thành tài rồi về, đừng ở lại bên đó. Con Nhược chung thủy lạ với thành phố này. Mấy năm sau, khi mọi người đè nhau chiếm chỗ lên máy bay di tản, Nhược đóng chặt cánh cổng ngôi nhà. Những đứa cháu gái, đứa có chồng đứa chưa lần lượt rời xứ sở. Nga, em thằng Thanh, đòi bố mẹ cùng đi nhưng Nhược nhất quyết ở lại, thế là vợ chồng Nga đem theo chị Châu. Nhược và tôi yên lòng dù những dòng thư chị gửi từ quê người luôn luôn trĩu nặng.
Vườn cỏ non của vợ chồng Nhược đã trơ cứng qua nhiều năm không chăm sóc. Anh chồng chánh án của Nhược mất chức vụ, mở lớp dậy ngoại ngữ trong nhà trước khi lâm trọng bệnh, nằm tê liệt keo khô trên chiếc võng đu đưa ở hàng hiên. Nhược đút cho chồng từng thìa cháo, lưng gập xuống dưới những tiếng động ồn ào nhức óc. Căn biệt thự phải chia cho bốn năm gia đình từ đâu vào cư ngụ, họ dành nhau từng thước vuông, bẩy luôn vườn cảnh để trồng rau nuôi lợn nuôi gà. Con Miên về thăm quê hương đúng thời điểm ấy. Những sợi tóc ngắn loi choi tương phản với gương mặt đằm nét trầm tư. Nó ngồi trên chiếc ghế đẩu, đẩy chiếc võng cho chồng Nhược nhịp nhàng, khi đứng dậy cái ví để dưới đất không còn dấu tích. Con Miên tay không ra về, manh áo trắng thấp thoáng như một giấc mơ. Nó bước qua cánh cổng sắt xưa kia đầu chĩa nhọn oai nghiêm nay đã long bản lề han rỉ. Lay lất mấy cành hồng bị bẻ gẫy, có lẽ gai cũng không còn, nói chi hoa. Tuy chẳng nhận ra mình kiệt quệ, nhưng một ngày, tôi bỗng viết cho chị Châu: em không muốn nữa là người chuyên gửi đi những tờ thư báo tử. Chị Châu hồi âm: với bao nhiêu cái tang, bỗng nhiên chị không còn nhớ gia đình mình ai chết trước ai chết sau Phượng à. Trước khi trở lại Pháp, con Miên nói:
- Cháu đã cho phạc hết cỏ hoang chung quanh mộ ba, chắc ngày nào mình phải bốc lên đem về chùa. Tấm ảnh trên bia cũng đã mờ lắm.
Tôi suýt buột miệng:
- Chú tiểu không biết giờ ở đâu?
Giọng đọc kinh thanh tao như gương mặt hẳn đã khàn, mấy bà bán quán bên ngoài than thở trong đó chỉ có mấy ông thầy chùa lạ hoắc. Lâu rồi tôi không đến vùng cỏ ám. Lần ấy, khi cài nốt cái khuy chiếc áo dài giờ thõng thượt rộng, định ra cửa nhưng lại buông người xuống giường. Tấm gương trả ngược cho tôi hình ảnh già nua tàn tạ. Tôi quyết định ngừng đi thăm Đô từ buổi đó. Cặp mắt muôn đời mơ mộng trẻ trung của Đô trên tấm bia phải được thanh thản nhìn nắng lung linh. Không nên khuấy động, Đô đã nằm yên trong đồng thảo. Tôi đã từng đến đó bắt Đô nghe tâm sự mọi điều, từ linh hồn mình tới cuộc đời chung quanh. Không còn nhớ rõ, trong ngần ấy thời gian, tôi dẫm lên đám cỏ chỗ Đô nằm ở những thời điểm nào? Vào cuối 53, khi tôi về Hà-Nội rồi gặp Quân? Lúc tôi vừa lấy chồng và nằm dưới Quân trăn trở? Những ngày tôi thiếu phụ hút hao tang tóc? Nhưng nào phải chỉ mỗi lần biến cố xảy ra tôi mới đi thăm, tôi vẫn đến vùng nghĩa trang ngoại ô xa xôi ấy một đầu trưa hay một cuối chiều, để chứng kiến ánh mắt Đô trên tấm bia nhạt dần như màu khói con tàu loãng đi trong gió.
Sau bao năm chiến tranh gián đoạn, đường xe hoả đã tái lập, những chiếc toa lại nối nhau Saigòn Hà-Nội, băng qua vùng biển ngày nào anh chị em chúng tôi mỗi đêm háo hức đợi những tàn lửa loé sáng như hi vọng một ngày được lên đó xuôi nam. Cứ nhắm mắt, con tàu lại rút từng hồi còi và tôi thấy mình đứng cạnh đường rầy, hai bên bờ giờ trắng bạc cỏ lau.