Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Cá Voi Trầm Sát

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 6355 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Cá Voi Trầm Sát
Mai Ninh

Chương 3

Hai bàn tay mùm mụp, mặt lưng sậm đặc cà phê, mặt trong lòng hồng hồng như da chuột mới sinh. Hai bàn tay cầm hai con dao sắt nhỏ nhọn đầu, phình ra bầu bầu gần cán, mài cứa vào nhau không ngừng, lật lên lật xuống. Bà cụ hấp háy cặp mắt, cố dán vào màn ảnh truyền hình để xem con mụ đang mài dao ấy sẽ làm gì. Nhưng máy quay phim chỉ kéo từ con dao lên tới cần cổ núc ních mỡ, cũng sệt màu cà phê ấy, rồi thôi. Màn ảnh đổi ngay sang mấy khuôn mặt trắng trẻo của ông tây bà đầm áo thụng xúng xính, xì xào trong khung cảnh một phiên toà. Bao nhiêu năm ở xứ này, có mấy lần bà cụ ngồi nghe tin tức của đài truyền hình, huống chi là chăm chú, chúi mũi thế này đâu. Chẳng là vài hôm nay, kể từ khi con bé cháu trong nhà chửi đổng:
- Mọi rợ, khốn kiếp, mấy thằng đàn ông ích kỷ, mà mấy con mụ đàn bà cũng ngu quá thể.
Bà cụ ngạc nhiên nhướng tai hỏi nó chuyện gì. Con nhỏ thường ngày tuy ăn nói chẳng mấy dịu dàng nhưng nào đến nỗi cất miệng chửi thề như thế, liền bê cái đĩa đựng vài cọng khoai chiên và một khoanh trứng vàng ngồi xuống chiếc ghế cạnh bên. Nuốt xong một miếng, bất chợt nó hạ giọng, biết bà cụ nghễnh ngãng lắm nhưng hình như cái chuyện sắp nói ra cần phải thầm thì:
- Toà sắp xử mấy người Phi Châu.
- Tại sao? họ vượt biên à? vượt biên thì đem trả lại, việc gì phải xử, mà lên cả ti-vi. Mẹ mày cũng vượt biên đấy cháu ạ, đừng có chửi thề, phải tội.
- Ôi, không phải chuyện đó. Họ thiến con nít, mà con nít con gái bà à.
- Trời.
Nhưng con bé cháu mau quên, mấy bữa sau nó đi chơi luôn nên bà cụ một mình vào ra, chờ giờ tin tức. Chuyện quan trọng thế này hẳn nhiên họ phải kể cho rành rẽ, phải cho mọi người biết toà xử mấy cha mẹ Phi Châu ấy thế nào. À, tụi đàn ông xứ đó không chấp nhận cho giống cái được có cảm thú, ham muốn tình dục nên nghĩ ra phải thiến chúng. Mấy bà mẹ tuân lệnh tự mình thiến con, những đứa bé từ một hai tuổi trở đi, vì tin rằng đó là luật trời ngàn xưa. Nữa, bà cũng muốn biết thiến con gái là thiến làm sao. Hai lưỡi dao cong cong, đầu nhọn hoắt cạ xoèn xoẹt vào nhau, mài cho bén trước khi cắt. Cắt vào đâu? Xoáy vào đâu? Bà chợt rùng người, ấp vội tay vào chỗ rẽ hai chân, ấp thật chặt. Từ lâu rồi, bà không nhìn xuống thân thể mình, lâu lắm, xa lắm. Xa và heo hút như ngọn đèn lắc lư cuối con ngõ tối ấy, đã mấy mươi năm.
*
Cơn mưa dầm suốt mấy ngày càng xông mùi ẩm từ chăn chiếu trong căn phòng nhỏ. Mẹ nằm không bước ra ngoài, chẳng biết có ngủ được chút nào chăng. Thỉnh thoảng tiếng sột soạt xuyên qua vách ván. Hẳn mẹ quơ tay tìm cây quạt nan hay cái túi vải đựng tiền giờ đã nhẹ bâng, bèo nhèo như bao tử rỗng của thây người đói. Ngồi nhặt những hạt sạn trong mớ gạo hẩm, tôi lắng nghe tiếng sóng. Nhưng mưa đập trên mái tôn trôi cả lời thì thào của biển. Không được ra nhìn sóng phủ dập rào rào, người tôi lụi xuống, nặng nề. Thằng em út lầm bầm:
- Tối nào chị Châu cũng ra biển, không ở nhà chơi với em.
- Chơi gì. Anh Chương về mà em chưa làm bài xong là bị khõ vào đầu.
- Cứ đi đêm có ngày gặp cô hồn.
Tôi nghiêm mặt:
- Ai dậy em nói vậy.
Thằng Bá chỉ hất cằm về bức tường ngăn với căn hàng xóm, rồi rút cổ còng vai, chấm chấm cây bút vào lọ mực, nói nhỏ:
- Chị nhớ xin me mua vở mới cho em, gần hết giấy rồi. Ngòi bút nữa, đã toè hết cả.
Không đừng được, tôi đặt tay lên mái tóc mềm của nó, hai mọng mắt lại cay sè. Nhà bên kia có tiếng rít thuốc lào sòng sọc của ông cụ. Ông ta cũng đem vợ con từ Bắc vào tới đây rồi dừng lại vì người vợ ngã bệnh đột ngột qua đời. Cô con gái duy nhất lớn hơn tôi hai tuổi thường đi khuya, khi trở về lắm lần cô nổi hứng, ngang nhiên huýt gió âm điệu chào cờ của Tây. Dạo sau này chêm thêm vài câu gì ê a ồm ồm. Thằng em bảo đó là bài hát Nhật Bản và chắc miệng thán phục, con gái mà biết huýt gió! Ông cụ động mở miệng là mắng chửi con, nên em tôi đứa nào cũng học đủ những lời lẽ ông dùng lắm khi thô tục. Mẹ chắc chẳng hiểu hết, mẹ hay cau mặt và khua khua tay ý bảo mấy đứa con đừng nghe. Thỉnh thoảng ra vào, đụng đầu ông cụ ở thềm cửa, mẹ lảng ngay vào nhà. Bà vẫn thế từ bao giờ, không giao thiệp chung đụng với ai ngoài gia đình và hai ba người đàn bà Trung Hoa, cùng xứ sở. Vốn tiếng Việt của bà là chừng ấy câu để vâng dạ hầu hạ bố mẹ chồng, thêm vài ba lời với con sen của ông bà nội tôi thôi.
Căn nhà Chương tìm thuê được cho chúng tôi không có lấy chút đất đen để trồng nổi một tụm cây hay dăm cọng hành. Sân trước sân sau là một thứ sạn đập nhỏ. Mái tôn chông chênh chõ xuống suốt con đường bụi cát. Nhưng biển ở ngay bên kia, tôi chỉ cần chạy băng qua hai lằn đường sắt, chui qua mấy lùm sậy là có thể ngả người trên nệm cát trắng như đường, óng ả lân tinh dưới mặt trời. Ðêm có trăng, cát thênh thang huyền hoặc, một giải lụa bao la êm ả bọc tâm hồn tôi từ lâu nay quặn rối những âu lo. Tôi thèm hình ảnh ấy và nghe tiếng tàu lửa giục giã từ Bắc xuống ngang đây, rồi đổ về thị trấn lúc gần khuya. Con tàu trườn đi đem theo mơ ước, không chỉ của tôi mà cả mẹ đến ba đứa em trai và hai con em gái. Bảy người ấp ủ một ngày leo lên con tàu tiếp tục xuôi Nam. Mẹ nói vào tới đó sẽ có những người họ hàng di dân đồng hương của bà giúp đỡ cho chị em tôi gầy dựng cuộc sống. Tôi cũng sẽ tiếp tục đi học như các em, như thầy vẫn bảo. Mẹ hi vọng, mấy đứa em hăm hở mơ mộng vào tương lai mẹ đã vẽ ra dưới ánh sáng nhỏ nhoi ngọn đèn dầu, chúng tôi nằm rúc bên nhau nơi căn phòng sau sân nhà ông bà nội buổi tối cuối cùng. Chỉ có tôi, đứa con gái đầu lòng của mẹ, cơ hồ bị nỗi vô vọng xâm chiếm dần. Tôi chẳng biết mình làm gì, chờ đợi gì, từ cái đêm ấy ra đi lúc gà chưa giục sáng. Vừa lận bọc thư mà nhiều tờ nước mắt nhòe dấu mực vào túi chiếc áo cộc mặc trong, vừa xốc thằng em út lên lưng, đầu ngoẹo trên vai nó vẫn tiếp tục ngủ say. Chương đi đầu dẫn đường, dắt tay con Nhược đứa em gái út, Ðô và em gái kế là Phượng dìu mẹ bước theo, tôi cõng Bá sau cùng men vòng con đường còn tối một màu đêm. Cứ vài bước tôi ngoái lại, không thể thấy rõ mái ngói ngôi nhà ông bà nội sau rặng tre rung gió xôn xao, nhưng ruột bị thắt rút từng chập, tôi bắt gặp mình thập thò gỡ tờ giấy giắt giữa những thân tre xanh lục. Qua đấy, cặp mắt một người cũng xanh mướt nhìn tôi. Những dòng nước mắt nhỏ xuống không ngừng trên tấm áo len và cả trên cái tay nải đeo trước ngực. Theo mẹ và em bỏ trốn ông bà nội ra đi, tôi biết sẽ chẳng bao giờ còn bắt gặp ánh nhìn sâu đắm của người thanh niên ấy nữa.
Cuộc hành trình lếch thếch bao nhiêu dặm, tàu thủy, đường bộ, đò dọc, đò ngang đẩy chúng tôi tới miền giữa đất nước này. Chưa vào đến trong Nam, mới được hơn nửa đường, nhưng buổi chiều ấy khi Chương đặt mẹ nằm xuống cái chõng, tôi gỡ băng vải bó chân mẹ ra rồi oà khóc. Mẹ đã mệt ngất người, nghiến răng xoay nhẹ hai bàn chân mưng lở. Những ngón nhỏ xíu quặp dính, dán vào nhau. Bà ú ớ câu gì chẳng nghe ra, bàn tay dài vuốt hờ mái tóc tôi. Bỗng dưng ngửng mặt lên, tôi đanh giọng, nói như ra lệnh:
- Mình ở lại đây, không đi nữa, cho đến ngày…
Thực ra tôi chẳng biết đến ngày nào, và có phải trong thâm tâm tôi vẫn còn chút mơ ước được quay về bên bụi tre vườn sau ấy để tìm dấu mắt vẫn mãi theo tôi, trong cả những cơn mơ. Chương mặt nhăn nhó, chống tay ưỡn lưng nghiêng vẹo, đau vì cõng mẹ bao ngày dài. Nó không nói gì, nhìn qua mấy đứa em đang bỏ nào túi nào tay nải, nào chiếu xuống nền đất trước sự săn đón của bà chủ quán nước bên bãi vắng. Những sợi tóc Chương bay trong ngọn gió đặc mùi biển, càng tanh nồng lúc bụng cồn cào đói. Phút chốc tôi thấy khuôn mặt hai mươi hai tuổi đầu của nó già cỗi, bật rùng người chẳng biết mặt mình hơn Chương một tuổi ra sao. Buổi tối hôm ấy, khi mẹ và các em đã ngủ, tôi xuống bờ biển, Chương bước theo. Hai chị em đứng đó, chẳng hiểu bao lâu. Con trăng nhoè nhoè mấp mé đầu bóng ngọn núi trước mặt đã vòng ra sau lưng khi bất ngờ Chương nói:
- Về thôi. Ngày mai chị xem me còn được bao nhiêu đưa em đi thuê chỗ ở. Em sẽ xin việc đi làm. Ðừng khóc nữa.
Tôi nấc lên:
- Nhưng còn cái tú tài, thầy đã trối…
Chương gắt:
- Thầy nằm dưới đất thầy cũng phải biết! Học nữa làm gì, với bằng thành chung cũng được lắm rồi.
*
Da ngăm hơn người Hà Nội bình thường, mắt một mí kéo xếch lằn dài khi cười, người thâm thấp, nhưng cô con gái ông cụ có vẻ gì mềm mại đong đưa của mấy người đàn bà cặp kè với ông Tây mà một lần tan trường trời mưa trút nước, phải đứng trú dưới gốc cây tôi mới được quan sát kỹ. Cô đi khuya nên ban ngày ngủ trừ. Chiều rửa bát trông qua hàng rào sân sau, cô đang gác chân lên vại nước, tay cầm khăn lau suốt từ bàn chân lên tới bẹn, tóc rũ đen bóng. Mặt nâu rạm nhưng đùi hồng tròn triạ. Thoáng thấy tôi, cô cười cười bỏ ống quần xuống, lại sát hàng rào nói chõ sang:
- Chân đằng ấy dài nhỉ, trường túc bất chi lao. Nhưng tớ thấy đằng ấy cực thân lắm, hầu mẹ hầu em. Cái tướng cao cao đài các thế phải diện đẹp mới đáng.
Tôi ngập ngừng:
- Em cũng có áo lụa đẹp, nhưng giờ đâu mặc được nữa.
- Ừ, ăn còn chẳng đủ mặc làm gì.
Rồi cô chỉ bâng quơ về phiá phố chợ:
- Bán đi, vào trong xóm ấy bán đi, khối đứa mua, được khối tiền. Mà áo cộc hay áo dài?
- Áo Le Mur.
- Lơ muya là áo gì?
Tôi bật cười:
- Bố em may cho dịp Tết, áo dài Cát Tường - Le Mur nổi tiếng Hà Thành chị ạ.
- À… thế thì càng nên bán.
Có tiếng ông cụ ném ra từ thềm sân:
- Hừ, bán, bán cái trôn mày con ạ.
Tôi vội vàng lỉnh vào nhà, nhưng tối hôm ấy, không ra biển, lẳng lặng lục tìm cái làn mây. Lót giữa mấy lớp quần áo, chiếc áo dài lụa bạch tà viền những đường feston cong cong mềm mại, óng như ánh trăng trên mặt biển.
Lần Tết ấy, tôi hai mươi, bố về sớm hơn mọi năm, không đem theo bà vợ do ông bà tôi cưới hỏi chính thức sau này. Bố đưa cho tôi một gói tiền bảo dẫn theo Phượng năm đó mười sáu tuổi đến địa chỉ một người đàn bà ở phố nhà Chung. Tôi không bao giờ biết quan hệ giữa họ ra sao, nhưng ngưỡng mộ sự lịch thiệp dịu dàng và nhất là con mắt tuổi ấy còn trong, đầy thương cảm, thẳng thắn của bà ta. Hai chị em đi theo đến hiệu may, con Phượng chỉ thấy cửa hiệu với những hàng vải tươi thắm là rụt người không dám bước vào. Hôm trở lại thử áo lần cuối, hai chị em nhìn nhau trong gương ngỡ ngàng, rồi cùng cười bẽn lẽn, sung sướng. Ðấy cũng là lần đầu tiên tôi ý thức được nhân dáng của mình cùng cái đẹp của hai vành môi đầy con em gái, và cả tuổi mười sáu rạng rỡ này. Ông chủ hiệu ngắm nghía, tấm tắc tự khen đã khéo chọn loại tơ Hồng Kông mới sang, đứng áo hơn lụa ta. Người đàn bà quen bố giúp cài khuy, vuốt thẳng tà áo, hai tay giữ ngang eo tôi xoay một vòng trầm trồ:
- Cái mã này khối đứa chết, hai mươi rồi, lấy chồng đi con ạ.
rồi chép miệng:
- Ðàn bà con gái chỉ có một thời, mày cứ ở nhà với mẹ đến bao giờ.
Tôi ngẩn ra, bà ta là ai, sao biết rõ về tôi như thế? Mới hôm nọ, ngày giỗ cụ, một ông bạn đến chơi nhà, cũng làm quan với bố nhưng ngoài đời lại sống như Tây, áo vét, gi- lê, cà vạt, trong khi bố vẫn áo đoạn đen rơi trên đầu gối. Ông vào lúc ba chị em tôi đang đồng nhau đứng lạy trước ban thờ, bố giới thiệu, ông ta bật kêu:
- Ôi chao, ‘‘Les trois grâces’’ (1) đã lớn thế rồi!
Nhược, con em gái nhỏ bấy giờ mới hơn mười tự nhiên quay lại hỏi:
- Les trois grâces là gì hở thầy?
Cả hai ông cùng bật cười trong khi bà vợ chú tôi đang ngồi gần đấy với hai đứa con gái mũi dãi trên đùi nguýt một đường dài:‘‘ Tây với u’’.
Bà nội trong phòng đi ra, cuốn tròn hai chân trên mặt gụ đen bóng, với cơi trầu, nhanh nhảu:
- Ấy quan bảo, như con Châu đấy, lớn thế rồi mà bảo gả chồng cho nó, vẫn chưa nghe.
Bà liếc về phiá mẹ tôi đang chúc đầu vào tủ, lôi ra chồng bát chiết-yêu để sắp sửa bày cỗ, giọng đay nghiến:
- Cứ giữ nó kèm kẹp để thành gái già nay mai.
Tôi muốn quay sang đáp lại rằng mẹ không can dự gì, chỉ do tôi xin bố cho được ở nhà trông em thay mẹ. Nhưng bắt gặp cái nhìn nghiêm nghị của ông, đành nín thinh.
Chiều mùng ba Tết, mưa phùn suốt tháng chạp đã ngưng từ đêm trước, mảng trời xanh lơ lạc về tự ngọn núi nào xa thẳm. Gió bấc bỗng nhiên tha tội cho những cành lá xuân non. Sau khi đã cúng hoá vàng, bố tôi bảo ba chị em mặc áo mới, ông dẫn đi chụp ảnh. Ðó là buổi chiều tôi gặp được ánh mắt trong sâu duy nhất một đời. Khi bước ra khỏi hiệu chụp hình, nắng ấm lay động không gian. Vắt chiếc áo bông lên cánh tay, nâng nhẹ tà áo dài mềm như mặt nước, tôi có cảm tưởng bị quan sát. Bên kia bờ đường một thanh niên diện âu phục trắng đang đứng trước quầy thuốc lá. Ánh mắt anh chàng đã đâm xoáy vào đồng tử trước khi tôi kịp cúi gằm trên mớ xác pháo đỏ hồng cuốn theo gió, tụm vào bờ hè xanh từng viên đá. Ðường mũi thẳng, khoé miệng xếch lên mỉm cười tinh nghịch, có gì như chế diễu. Bố giục anh xe đưa ba chị em về nhà, ông phải quay lại với bà vợ và hai con nơi ông trấn nhiệm. Nếu là mọi lần, tôi đã cồn lên nỗi gì vừa tủi vừa giận hờn, nhưng hôm nay chắc trời xanh hanh nắng, rưng hồn tôi xao xuyến. Hay vì tôi kịp thấy người thanh niên vội lên xe, đạp theo xa xa. Tôi luống cuống dí cả gót đôi guốc quai cườm Phi Mã thanh mảnh lên chân con em ngồi cạnh. Nó hét ầm, thụi vào cạnh sườn mà tôi chỉ ngẩn ngơ, không phản ứng. Hôm bố đưa cho tấm ảnh một mình đứng dựa giàn hoa lủng lẳng những chùm nho giả tím mọng, tôi nôn nao gói ghém kỹ lưỡng trong tờ giấy, đợi khi những ngọn đèn đã tắt, men ra vườn sau, cài vào cành tre và gỡ lấy một phong thư để sẵn.
*
Từ buổi cô hàng xóm chỉ vẽ sân sau, ngày nào tôi cũng nghĩ đến chiếc áo, bỗng nhiên nó ám ảnh tôi như lòng mắt thiết tha ấy, mà càng nhớ thương càng thấy mình rơi vào đáy sâu vô tận của nó vì nhận biết rằng sinh ly đã là tử biệt. Tôi cũng nghĩ tới mấy con ngõ nhỏ khuất sau ngôi chợ chính. Ban ngày thảng hoặc tôi có qua đấy đôi lần, dãy nhà phố trệt, leo heo hai ba giàn hoa giấy trèo lên vài căn có gác, cửa im ỉm khép. Lúc đầu tôi ngạc nhiên không hiểu vì sao ở đây ít người già và con nít như mọi nơi, cho tới khi cô con gái hàng xóm hinh hích to nhỏ vào tai làm tôi đỏ mặt. Cô bảo muốn nghe nhạc Tây, nhạc Nhật hay cả nhạc Tàu thì cứ đến đấy sau khi mặt trời đã nằm trong biển. Nhưng lúc ấy, tôi nào màng điều gì khác hơn là chạy xuống bờ cát. Chân trời mờ tối thật xa, lẩn sau một màn sương tím, mặt nước trong đêm sóng sánh vỗ về nhưng lại muôn trùng một niềm tuyệt vọng.
Có lẽ dù bị nao núng bởi hình ảnh số tiền lớn có thể bỏ vào cái hầu bao của mẹ giờ thắt gọn thành một nùi giẻ vô tích sự, tôi sẽ không bao giờ có can đảm men đến khu chợ ấy về đêm như đêm nay, nếu buổi chiều tôi không bắt gặp Chương đăm đăm, hai tay bóp nắn thái dương rồi gục mặt. Chương ngồi xẹp bên chái nhà, giữa tràng ho cứa cổ của mẹ từ cả tháng nay. Ðường nhà tôi lên phố chỉ mờ mờ vài ánh đèn hắt ra từ mấy căn nhà chưa đóng cửa. Một hai cửa hiệu bán bánh trái vụn vặt và thuốc lá lẻ, vài gia đình đốt nhang muỗi bắc ghế hóng gió từ bên bãi thổi sang. Họ có thấy rõ tôi đâu, họ cũng chẳng biết tôi là ai. Tôi thường ít ra đường, loanh quanh cái chợ lẹp xẹp họp sau nhà, quanh quẩn chăm sóc mẹ và nấu cơm cho em. Thế nhưng, gói giấy lận trong chiếc áo rộng, cặp chặt vào nách, tôi cúi đầu, lủi đi như một con chuột chạy luồn qua những mảnh sân ẩm ướt tối.
Cứ ngỡ khác hẳn dãy nhà ven đường rầy mù mờ của mình, trung tâm phố chỗ nào cũng phải sáng ánh đèn. Không, khi tới sau viền chợ, nhìn vào mấy con đường nhỏ ban ngày đã có lần đi qua cho biết, tôi hụt hẫng. Chỉ hai cột đèn ở đầu đường rọi bóng khẳng khiu, cửa các căn nhà vẫn đóng. Giàn hoa giấy, sợi trầu bà liu điu phiền muộn, nhạt nhoà trong những lằn sáng lọt qua liếp gỗ. Mãi lúc bước hẳn vào con đường tôi mới giật mình, đủ thứ âm thanh, tiếng nhạc tiếng nói tiếng cười lẫn lộn. Thỉnh thoảng có cả giọng hát nghêu ngao như cô hàng xóm và tiếng hét oai oái, bỡn cợt. Sợ hãi tôi định quay lui, bỗng kèn kẹt, một người đàn bà son phấn, tóc phi dê, xô một ông Tây ra khỏi cánh cửa vừa mở. Tên Tây nặc mùi rượu, suýt đâm vào tôi nhưng kịp đứng dậy chửi mẹc mẹc rồi chập choạng bước đi. Thoáng thấy bóng tôi nép một bên, cô ta hỏi là ai, muốn đến làm ăn hả. Bấy giờ sực nhớ, tôi rút gói giấy trong người, giở ra trước cặp mắt mở to chiêm ngưỡng của người đàn bà. Những đoá cúc vàng thêu trên tơ vân sáng rưng lên, dù ngọn đèn căn nhà ấy chưa đủ hắt ra được nửa con đường hẹp. Rũ tung chiếc áo, xoay trước xoay sau, rít lên từng tiếng trầm trồ chu choa, người đàn bà không chờ đợi, vén tà áo cánh hồng mỏng tanh, thò tay vào lưng tấm quần trắng lôi ra một cuộn giấy tiền. Trong khi cô đếm đếm, không hiểu sao đầu tôi đeo chì, mắt dán vào hai đầu vú đen to như hai đồng tiền bèn bẹt trên bầu ngực ngộn nghẽn sắp phá tung hàng cúc bấm. Cầm chặt mớ tiền, chẳng biết là bao nhưng chắc nhiều hơn mình tưởng, tôi bước đi như chạy, quên cả trở ngược về, xuôi theo quãng đường còn đọng nước sau mấy ngày mưa. Chợt huỳnh huỵch chân người đằng sau, tôi chưa kịp quay lại thì đã bị đẩy nhào vào một bờ rào. Bóng đàn ông lướt qua, giựt mạnh nắm tiền trong tay tôi rồi lủi vào con ngõ băng ngang gần đấy. Tôi thất thanh kêu, nào có ai nghe. Nghiêng vẹo đứng dậy giữa đường, hổn hển thở. Tất cả những cánh cửa vẫn đóng như không có sự gì xảy ra. Và sau những cánh cửa ấy, tiếng động bây giờ bung bung dữ dội không thể nào tả nổi. Ầm ầm, thình thình, choang choang, rú, rít, xoay như giông gió âm hồn quanh tôi.
*
Chõm đầu tên đàn ông chỉ đến ngang viền mắt, nên đường ngôi chẻ giữa của hắn vạch thẳng ngay tầm nhìn. Hắn hì hục một tay tháo gỡ lưng quần, một tay bóp chặt ngực tôi, đầu đập vào đó hít từng chập. Trốn tránh lằn da đầu trắng hếu trước mắt, tôi nhìn ra xa, con ngõ cụt lồi lõm những vũng nước càng heo hút, đầu đằng kia có mỗi bóng đèn ai treo lay lứt ngoài hiên. Quần rơi xuống đất, hắn kiễng chân lên, hai bàn tay ghì chặt kéo dang hai đùi tôi ra, cả người đè sát lưng tôi vào vách tường căn nhà cuối, hào hển vừa dúi vừa thốc mạnh vào bụng tôi. Bật một tiếng kêu xé, đâm thủng vòm trời nhung đêm xanh mướt trinh nguyên, tôi đứng thở. Nhắm nghiền mắt, mím chặt miệng nhưng cặp môi dầy nhẫy nước của hắn không ngừng bôi be bét từ cổ lên đầu mũi. Hắn ta tụt xuống rồi rướn lên, tôi cắn răng nhịn đau, người lạnh ngắt, nhưng vẫn ngạc nhiên, không hiểu sao gã Nhật thấp lùn cuống cuồng vật vã thật lạ lùng. Cuối cùng, cũng chẳng bao lâu, hắn ực một tiếng như bất thần bị dao đâm lút vào lưng, hàm răng nghiến một miếng vào bầu ngực tôi. Bấy giờ tôi hét lên lấy hết sức xô hắn ra. Rơi bệt xuống mặt đất như một khối thịt, mắt còn thao láo ngửng nhìn, miệng mấp máy:‘‘Con gái đẹp…’’. Xốc xong áo quần, tôi giựt thật nhanh những tờ giấy tiền hắn cầm giữa mấy ngón tay tròn ngủn.
Tôi không biết mình đã chạy hay lết, nhưng khi về đến trước căn nhà tối om đèn đóm, tôi mới đứng lại, sờ lên cánh tay gò má, cảm thấy một thứ gì như cát như sáp áp dính trên da. Ngực rát đau, bụng dưới xót buốt, tôi luồn tay vào trong quần, rờ rẫm hai bên đùi, chất keo nhờn bợn làm kinh hãi. Vội vàng nhét nắm tiền dưới kẹt cửa, tôi vùng chạy thẳng qua bên kia đường sắt, để nguyên quần áo lao vào nước. Khi trồi lên, cảm giác bỏng rát càng cứa vào da thịt, nhưng nhìn ra xa, mảnh trăng thượng tuần đã lên đang trải lung linh màn lụa trên mặt biển thì hồn tôi đằm xuống. Cơn đau thân xác này là để đền bù số tiền bán áo đã bị cướp. Thất thểu bước đi, những giọt lệ lọt vào giữa môi mặn đắng hơn bao giờ. Tưởng tượng đến gương mặt Chương sáng mai khi tôi dối rằng cái vòng ngọc cuối cùng của mẹ đem bán đã bị giật mất rồi. Lấy tiền đâu cho nó mua bộ áo quần tươm tất để trình diện quan Tỉnh, với hi vọng ông ta sẽ giới thiệu Chương vào làm một hãng buôn Tây. Không thể nói với Chương mình bán áo, nó sẽ hỏi bán cho ai, nơi nào. Tôi đi lang bang từ con đường này vào con ngõ nọ, bao hình ảnh chớp loé, bưng bưng nhức buốt trong đầu. Khuôn ngực gầy lép của mẹ cứ chực vỡ ra trong mỗi cơn ho, tựa một sườn nhà gỗ mục chông chênh lỏng lẻo chỉ cần cơn gió tới là sụp đổ. Nét mặt nhăn nhó của mấy đứa em kêu thiếu vở, thiếu mực. Thế rồi, gã đàn ông hiện ra chẳng biết từ ngóc ngách tối tăm nào. Hắn đi sát bên cạnh, tôi né ra, nhưng giọng hắn nho nhỏ, điềm tĩnh không chút doạ nạt, vài câu tiếng Việt chập choạng ngô nghê, nhưng tôi đủ hiểu. Ðịnh cất chân chạy nhưng hắn đã chắn ngang trước mặt, móc túi quần xoè ra một nắm giấy bạc. Trong bóng tối mà sao màu giấy bỗng sáng rỡ quyến rũ vô cùng. Tôi nhắm mắt lại, và hắn đẩy tôi vào vách căn nhà ấy.
Giờ tôi cũng đang nhắm mắt, thả người lềnh bềnh trên mặt nước. Mới hôm qua tôi còn mơ ước giá được biển đưa về phương bắc, tìm lại cảm giác mơn man của một lưng bàn tay đã âu yếm khẽ vuốt gò má tôi nhè nhẹ trong đôi lần gặp gỡ vội vàng. Vậy mà lúc này đầu tôi, tim tôi hoàn toàn trống rỗng. Không còn hình ảnh gì, chẳng còn sức nặng nào, nước đang chờn vờn rửa sạch thân thể giùm tôi, tôi chẳng dám đụng sờ đến nó. Trôi đi, trôi đi và ra khơi. Bây giờ hư vô, vĩnh hằng, cứu rỗi là chân trời tím ngoài xa kia. Tôi sẽ đến chỗ không giới hạn đó, vì chỉ còn nơi ấy dung chứa linh hồn tôi. Nhưng có cánh tay ai níu lại, tiếng gọi chị Châu, chị Châu thất thanh. Hai con mắt to hoảng của Bá sát ngay mặt. Hình như tôi đã mỉm cười với thằng bé. Hai chị em loi ngoi đi vào bờ, Bá nói ngây thơ:
- Em nằm đợi chị mãi, sốt cả ruột. Sao hôm nay chị ở biển lâu thế. Em chưa thấy chị làm ván nổi bao giờ nên sợ quá.
*
Ngày Chương đem về đưa mẹ món tiền lương đầu tiên, bà cầm lấy rồi dúi ngay vào tay tôi. Thằng Bá đang ngồi quạt cho mẹ sáng mắt lên, nhảy lưng tưng theo chân anh ra đứng ngoài thềm nắng, nói huyên thuyên. Dáng Chương thanh mảnh mà có gì hiu hắt, chúng tôi đều giống mẹ dong dỏng cao. Gió buổi chiều phất những bụi lau lẫn trong cát, bay khắp con đường. Chạy xuống sân sau, tôi dựa vào tấm phên ngăn thành phòng tắm. Nhiều ngày rồi linh hồn tôi trơ trơ, không còn cảm xúc, bây giờ nước mắt mới lại trào ra. Chương đã đến bên tự lúc nào, nó đưa hai bàn tay ôm xoay gương mặt tôi lại, nói như bao lần:
- Ðừng khóc nữa. Một ngày mình sẽ lên tàu vào Nam.
Cảm giác bàn tay đàn ông chạm vào da mặt khiến tôi rùng mình, hất mạnh tay Chương. May, nó không để ý, rút chiếc khăn trong túi thấm nhè nhẹ. Tôi ngượng, đáp mơ hồ:
- Chị khóc vì mừng.
Từ đấy dường như nước mắt tôi chỉ còn dành cho những lần tang chế đau thương. Mà trong mấy mươi năm đi qua, từ xuân xanh dòng tóc đến bây giờ xác xơ mái bạc, những cái chết như thế này nhiều lắm, vắt cạn, không ngờ. Tôi vẫn thường ra bãi khi chiều tối. Biển là tri âm, tôi không cần nói nhưng biển đã nghe, chẳng vặn vẹo, hỏi han, tra vấn, không trả lời mà đáp lại bằng lời rì rào ru vỗ. Càng ngày tiếng còi tàu càng quyến rũ, nhất là chuyến về qua đây trong đêm tối. Tia lửa lóe ra từ lò than cháy đỏ chập chờn từ xa, phút chốc đến gần như ước mơ lên đường ánh hiện. Mẹ cứ nhắc nhở mấy đứa em trai phải được học đến nơi, Chương ít nhất phải thi tú tài như thầy trăn trối. Tôi vẫn không hiểu tình yêu người tiểu thư Trung Hoa ấy cho bố mãnh liệt đến chừng nào để nhận chịu một số phận trêu ngươi, và cũng chẳng biết rõ vì sao chưa mãn tang chồng mẹ đã nhất quyết đem con ra đi dù hẳn biết con đường gian khổ.
Chúng tôi lên tàu ba năm sau, mẹ tạm khỏi bệnh, hai bàn chân đã lành nhưng bà tiếp tục đòi bó lại. Bà sinh động hẳn lên khi vào tới cái thành phố đường rộng thênh thang, những tàn me tán điệp thay cho hàng sấu và cây phượng thân quen. Chẳng lâu sau, mấy người Trung Hoa quen biết đến tận căn nhà vách gỗ ngoại biên, đem gia đình tôi về một khu vực tập trung nhiều người đồng chủng của mẹ. Năm sau Chương thi đỗ, tìm ra việc lương cao nhưng lúc nào cũng đăm chiêu, càng ít nói. Ðô bắt đầu đứng trước gương chải đầu bóng mượt trước khi ra đường. Bá cao hẳn lên, tinh nghịch, thông minh như bao giờ. Con em út được mẹ chìu nhất, ai cũng bảo Nhược khó tính và đỏng đảnh. Ðứa em gái kế ngày một rực rỡ không khác màu hoa nó mang tên, Phượng không chịu đi học nữa, kêu rằng đã học hơn tôi là đủ. Nó bắt đầu ra ngoài nhiều, giao thiệp bạn bè, tiếng Tây, tiếng Tàu liếng thoắng, ca hát suốt ngày. Mẹ được giúp vốn mở cửa hàng tơ lụa. Bà đi đứng cầm chừng, chỉ để mắt trông nom. Phượng đảm đương giúp mẹ, càng có dịp phô trương tài ăn nói và sắc đẹp đương xuân của cô thiếu nữ Bắc-Hà trong vải vóc óng ả tươi thắm. Nó giục Chương lấy vợ, giục mẹ gả chồng cho tôi. Chương nhận lời lấy một cô gái miền nam chân chất, nhưng có con đầu lòng mà Chương vẫn chênh chao vẻ người thất lạc. Mẹ thở dài khi tôi ba lần từ chối lời cầu hôn. Ðôi khi tưởng tượng ra phản ứng của mấy người đàn ông xin cưới đêm tân hôn tôi chỉ thấy hồn mình hoang trống. Nhưng tôi sợ đối diện với đôi mắt xuyên qua cành lá tre xanh, may thay dần dần nó dường như đã cố tình hút đi vào một mơ hồ xa thẳm.
Con Phượng nghi ngờ dò hỏi. Một hôm tôi đang thay áo, nó đẩy cửa vào, không ngượng ngùng kéo tôi ra trước tấm gương:
- Nhìn cái ngực chị kìa, nó vểnh lên, nó đòi sống đó. Chị biết gần ba mươi rồi không? Chị lấy chồng đi, đừng cản đường em chứ.
Tôi hốt hoảng, sợ nó nhìn thấy vết răng tên Nhật năm nào, cuống quít che tay. Con bé nửa bực bội, nửa hối hận bỏ ra ngoài, tôi buồn bã nằm xẹp xuống giường nhưng không khóc. Ngó qua cửa sổ, hàng ngói cũ ngôi nhà bên kia vẫn xếp lớp im lìm, câm nín. Dù đã có những ngày nắng cũng biết làm rực sáng màu rêu, dù bao lần tôi đứng lặng nhìn tia mưa nhảy nhót không ngừng. Ðúng thế, sự sống vẫn bật lên, nôn nả bắn tung những bong bóng nước trong suốt. Sự sống vẫn chờn vờn trước mắt, trên thân hình uốn cong đầy đặn nổi chìm của con em.
Tối tối, tôi nằm trong màn, tưởng tôi ngủ nó chẳng ngại ngùng tuột quần áo thản nhiên, vặn vẹo người rồi xoay theo một điệu nhảy đầm tưởng tượng. Không dám soi thân thể mình trong gương, không cả nhìn khi tắm, nhưng lúc bắt gặp hai trái ngực con em vun lên mịn màng nây nẩy dưới tia trăng chếch qua cửa sổ, tôi xoáy mắt đăm đăm. Nó cứ bảo, nếu chị chẳng là thân sậy khô thì căn cốt hẳn phải là sư nữ. Nó biết đâu rằng vòng bụng, cặp đùi nó càng chuyển động mềm mại bao nhiêu trong bóng trăng thì thân thể tôi càng dính cứng trên mặt giường. Trí óc bắt thân xác tôi bất động như đá nhưng nó nào tê liệt. Gò ngực cương nhức, cặp đùi co giật, tim đập liên hồi, hai đường gân thái dương nhấp nhổm. Tôi gồng người chịu đựng cơn sốt dậy lên từ từng vùng cảm xúc lận bên trong. Nhưng đồng thời chịu cả cái đau chí mạng của mũi dao vạch thủng màng lụa trời sâu thẳm mong manh đêm ấy. Cũng may, sau cùng tôi thiếp đi với một mặt biển lao xao sóng vỗ. Ðể lúc tỉnh dậy lại bàng hoàng. Có những khoảng trong ký ức, dẫu thật dài và quan trọng trong đời vẫn không hiểu tại sao lọt khỏi trí nhớ như một lằn dao đã chém ngang, chặt đứt, hất băng ra ngoài bộ não. Nhưng cũng chẳng biết vì sao có điều nhất quyết phải quên đi thì con người lại không làm nổi sự tẩy uế đó. Trong lớp sương khi loãng tan lúc dầy đặc, tôi tìm kiếm, xua đuổi, chụp với, trốn chạy mệt nhoài. Có cơn mơ tôi thấy mình ngồi trên bãi cát dưới một mặt trời rực đỏ. Tia sáng nhọn sắc, nóng bỏng, chiếu xoáy cho đến lúc không chịu thấu, tôi ngã gục thì nó dịu xuống, thu gọn thành một ánh xanh huyền ảo, cuốn rút lên trời rồi đọng lại thành một đốm sao xa tít. Từ buổi đó, đôi mắt năm xưa thỉnh thoảng trở về nhưng chỉ còn mang mang một nỗi ngậm ngùi. Năm tháng qua, tôi cặm cụi ngồi thêu trong sân nắng, hai con chim khuyên quen chốn, thường về nhảy chiu chíu trên cành lựu. Hoa rưng rưng mở ra ấp lại, đỏ hoang vết máu.
*
Hai thằng con trai tóc bờm thò đầu ra cửa kính xe nài nỉ:‘‘Mày nhất định về sao? thêm một tiếng đồng hồ nữa đi !’’. Con bé lắc đầu. Ðèn đường chiếu trắng nuột cánh tay con nhỏ bạn kia đưa ra vẫy vẫy. Chiếc xe ồn ào phóng vọt đi trong khi nó vội vã lục tìm chùm chìa khóa trong túi xách, vừa lẩm bẩm:‘‘Ái cha, hơn một giờ rồi, thế nào cũng bị bà Châu chửi’’. Ðứng đợi chiếc thang máy hạ xuống từ tầng thứ sáu, tự dưng nó sốt ruột. Thực sự con bé mười bảy có sợ gì bà cụ rầy la, thường chưa thấy nó về là bà lo lắng không ngủ. Nó đâu sợ người chị gái già của bà ngoại Nhược. Bà Châu không chồng không con nên theo cháu là mẹ Nga nó sang đây. Ba mẹ đổi việc đi xa, nó chẳng chịu theo, làm sao có thể rời bỏ cái nôi Paris đầy sự sống và đám bạn bè thân thuộc này để về một tỉnh nhỏ ngu ngơ. Bà cụ tình nguyện ở lại với nó cho ba mẹ yên lòng. Hơn tám mươi vẫn còn ra vào nấu nướng, dù dạo sau hay bất thường kêu mệt. Bà không đi ra ngoài, ở miết trên lầu cao. Vào tuổi này mà sạch sẽ vô cùng, giữa mùa đông, tuyết trắng bông lạnh cóng vẫn tự tắm rửa mỗi ngày, chẳng để ai đụng đến người mình. Mấy lần bà cảm nặng, mẹ đòi thoa dầu bà cũng không cho. Gọi bác sĩ, bà đuổi hai mẹ con ra ngoài bảo rằng đã học đủ chữ Tây từ ngày xưa để khai bệnh.
Thang máy ngừng, con bé tra chià khoa, vừa xoay vừa cố đừng gây tiếng động. Không ngờ đèn trong phòng khách còn hắt ra. Nó gọi:
- Bà chưa ngủ hả? Cháu đã nói trước bữa nay về trễ rồi mà.
Chẳng có ai đáp, tiếng gì rè rè như muỗi như ong. Con bé bước nhanh vào, sững người trước cảnh tượng. Bà cụ ngồi ở ghế bành gần cửa sổ, đêm xanh đầy sao. Trước mặt là màn ảnh truyền hình đã hết chương trình chưa tắt, những lằn trắng đen nháy nhóa. Nó lạ lùng nhìn hai bàn tay dài chụp lên nhau, đặt đúng chỗ giữa vùng chân dạng ra, vải gấm sa-tanh đen nhánh. Mấy ngón cong quíu, nửa như cào cấu nửa đậy điệm che giữ. Ðầu tóc trắng phơ lệch nghiêng trên lưng ghế, có những rọc sợi sổ dài đang cuốn bay về hướng cửa.
-----------
(1) Ba nữ thần kiều diễm, con Trời: Aglaé, Euphrosyne và Thalie, nhân cách hoá mùa xuân, sự duyên dáng và sắc đẹp trong huyền thoại tây phương.

<< Chương 2 | Chương 4 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 480

Return to top