Mặc dù có một bà mẹ rất thuần thục trong niềm tin Phật, Nhạc Trọng, đứa con một của người mẹ góa, vẫn chơi bời lêu lổng từ tấm bé. Mẹ chàng trường trai, thờ Quan Âm Bồ Tát; nhưng chàng thì chỉ "thờ" một món rượu thịt, luôn luôn chè chén say sưa. Bà mẹ vì quá yêu con, không bao giờ cấm đoán ngăn cản chàng, hay ép buộc chàng theo đức tin của mình. Nhạc Trọng được tự do, nhưng cũng rất thương mẹ mặc dù đường ai nấy đi - có lẽ nhờ được tự do, mà chàng cành thương mẹ. Năm ấy, chàng được 30 tuổi, bà mẹ thấy mình không còn sống lâu, muốn cưới vợ cho chàng để khi yên bề gia thất, họa may chàng có bớt lêu lổng rượu chè. Bà hỏi ý, chàng cũng bằng lòng cho vừa ý mẹ. Nhưng vừa cưới vợ về được một hôm, chàng đâm chán ngấy một cách lạ lùng, và xin mẹ để cho nàng dâu về nhà, vì chàng chỉ muốn tiếp tục sự nghiệp rượu thịt mà thôi. Thấy chàng nhất quyết, bà mẹ đành chìu lòng, trả nàng dâu về với một lời xin lỗi, và rất nhiều tặng phẩm.
Từ đó Nhạc Trọng được tự do trở lại với nghiệp ăn chơi lêu lổng cố hữu của chàng.
Một hôm, bà mẹ ngã bệnh nặng, hấp hối vào lúc nửa khuya. Do một tiền oan nghiệp chướng gì không biết, bà bỗng dưng khao khát được nếm mùi thịt nướng trước khi nhắm mắt, mặc dù đã trường trai mấy chục năm. Trước cảnh mẹ lăn lộn trên tử sàng, đòi thịt nướng, Nhạc Trọng bèn đi ra, xẻo ngay một miếng thịt trên bắp vệ của mình, bỏ thêm tiêu hành nước mắm nướng lên đem dâng mẹ. Bà mẹ vừa được miếng thịt thấm môi thì tắt thở.
Nhạc Trọng chôn cất mẹ xong, thì gặp lúc trong nước có lễ hội Vu Lan. Thiện nam tín nữ họp thành đoàn thể đi dự hội, cùng để chiêm bái một pho tượng Quan Âm lộ thiên mới khánh thành ở một ngôi chùa trên núi xa. Nhớ đến mẹ sinh tiền thờ Quan Âm Bồ Tát, Nhạc Trọng cũng thu xếp lên đường dự hội.
Nhưng vì suốt đời chàng chưa từng tham gia những đám rước, cũng không hề lui tới chùa chiền, nên Phật tử không ai biết tới chàng, nghĩ chàng có lẽ là một kẻ phá đám nên không ai cho gia nhập. Nhạc Trọng phải đi lùi ra sau xa, ngoài lề đám diễn hành. Những kẻ ngoài lề ấy gồm đủ hạng: dân bán cà rem, bán hàng rong, dân ghiền xì ke ma túy, gái điệm, con mồ côi, trẻ móc túi, bụi đời... Chàng phải đi trong bọn người này theo đuôi đoàn lữ hành. Chẳng bao lâu, chàng kết nạp được một cô gái làm bạn đường, đó là một gái điếm đã chán đường ong bướm, muốn tìm đến một nơi thiêng liêng để an nghỉ tâm hồn. Cả hai kẻ bụi đời kết bạn rất tương đắc. Họ kéo nhau vào quán rượu trước sự mỉa mai khinh bỉ của mọi người trong đoàn hành hương. Nhưng hai người không để ý, cứ tự nhiên gọi rượu thịt cùng nhậu nhẹt. Trong khi họ đàm đạo, thì một đứa bé mặt mũi sáng sủa trong đám trẻ bụi đời đến chìa tay xin tiền. Thấy thằng bé kháu khỉnh, chàng hỏi con cái nhà ai thì nó bảo không biết, mẹ chết, nó đang đi tìm bà con thân thích để gởi tấm thân. Vì hy vọng trong đám hội toàn quốc này thế nào cũng gặp được bà con, nên nó có mang theo bức thư tuyệt mệnh của mẹ nó. Nói xong nó liền móc trong túi găm kỹ một bao thư đã nhàu, màu mực đã phai. Ðọc xong bức thư, Nhạc Trọng mới té ngữa người ra: thằng bé chính là con của chàng! Chàng kể sơ cho cô bạn biết câu chuyện. Nghe xong cô tình nguyện đem đứa bé về ở với hai người. Cô sẽ nuôi nó cho đến khi khôn lớn. Nhạc Trọng bằng lòng, nhưng giao hẹn trước:
- Chúng ta có thể sống với đứa bé dưới một mái nhà, nhưng tôi yêu cầu nàng một điều là giữa chúng ta chỉ có tình bạn. Và một khi tôi uống rượu say thì xin nàng hãy lánh mặt đi chỗ khác.
- Ðược rồi. Ðó cũng là ý nguyện của tôi. Tôi chỉ muốn nuôi đứa bé này làm phước, và ở với anh cho có bạn mà thôi.
Sau khi thỏa thuận, họ tiếp tục cùng nhau lên đường, dắt theo đứa bé bây giờ là con của họ. Gần đến chùa chỉ có đoàn hành hương mới được vào cổng, những kẻ ngoài đoàn phải dừng bước ở bên ngoài, ăn nhờ ngủ đậu trong các quán xá ven đường. Nhưng tượng Quan Âm lộ thiên rất lớn, hai người có thể trông thấy từ đàng xa. Khi đến gần, hai người bất giác sụp lạy. Chàng đảnh lễ tượng, trong lòng thiết tha nhớ đến mẹ ngày xưa. Nàng chiêm ngưỡng nét bình an trong sáng của pho tượng với cành dương như quét sạch bao ô nhiễm sóng gió trong cuộc đời. Nàng tìm thấy một niềm bình an tuyệt đối, và bất giác rơi lệ. Khi ngẩng lên thì với chàng, trên ngàn cánh sen có ngàn hình ảnh mẹ, với nàng, ngàn ánh mắt Từ bi đang nhìn suốt tâm can: kể từ đây, đời họ được an nghỉ.
Sau khi chiêm bái trở về, họ sống chung dưới một mái nhà. Ngày ngày cô gái, Quỳnh Hoa, dọn dẹp nhà cửa chăm sóc, dạy dỗ đứa bé, Nhạc Trọng thì vẫn tiếp tục những cuộc rượu chè, nhưng dần dần thưa thớt, và chàng trở nên trầm ngâm, ưa cô tịch. Trải qua ba mươi năm như vậy, một hôm chàng gọi Quỳnh Hoa vào phòng riêng, một cử chỉ chàng chưa từng làm, khiến nàng rất đỗi ngạc nhiên. Khi nàng vào, Nhạc Trọng lại còn vén đầu gối cho nàng xem mà nói:
- Mẹ tôi sắp gọi tôi về. Tôi muốn cùng nàng từ biệt.
Ở cái chỗ chàng xẻo thịt cho mẹ, mọc lên một cục thịt hình hoa sen nở. Quỳnh Hoa lấy tay bóp những cánh sen lại mà bảo:
- Chúng ta làm bạn với nhau đã 30 năm, anh không chờ tôi được sao?
Nói xong, nàng thu xếp trở về quê cũ, bán vườn tược nhà cửa, tậu một số vốn để lại cho đứa con của chàng cưới vợ, rồi trở lại bảo chàng:
- Bây giờ, tôi đã làm xong công việc. Cám ơn anh đã có lòng chờ tôi. Chúng ta sẽ cùng về với Phật.
Mỗi người vào phòng riêng, ngồi xếp bằng chắp tay niệm Phật vãng sinh cùng một lúc.