Chủ nhật 16/12/98
“Hôm nay trại có xác chị Hợi!
Hôm nay trại có xác chị Hợi!”
“Ôi, ba tháng, mà phải bốn tháng rồi mới nhìn thấy, nghe thấy tiếng chị, chị Hợi ơi!”. Đó là tiếng rao, sung sướng kèm chút ai oán của thằng “Trắm đen”, buổi sáng hôm nay. Cả buồng cười ầm lên. Ông Lân “lao động” vừa lim dim mắt, ngồi kiểu bố cụ trên lan can, tay cầm nhíp nhổ râu, nói giọng khẽ khàng vẻ quan trọng: “Mẹ! Hôm nay mà thằng nào ăn tham, “chất” nó chạy thì rực người, phê hơn thuốc phiện”.
Hôm nay ngày nghỉ nên mở cửa buồng muộn, tất cả mọi người dậy cả, ai cũng vui, sảng khoái, bàn tán xung quanh cái vụ “xác chị Hợi”, Kẻ đứng người ngồi, vài thằng lười nhác vẫn trùm chăn, chỉ thò mỗi cái đầu ra hóng chuyện. Ông An Như Huỳnh đi đi lại lại miệng tủm tỉm cười, tay đút túi quần, vừa đi vừa lẩm bẩm trong miệng: “Thịt lợn mà nướng ăn cũng được đấy nhỉ, mà phải ăn một, hai cân mới đủ. Hì… Hì”. Nó cứ lẩm bẩm như thế suốt ngày, may dạo này nó còn đỡ chứ trước kia, cả đêm cả ngày nó cứ ngồi nói chuyện một mình, tha thẩn lung tung mọi chỗ, mặc cho ai nói gì nó cứ bơ bơ lác lác. Mà nó hâm thật, cũng chẳng ai chấp nó nhưng đôi khi nó lại là mục tiêu, trung tâm của những “chuyện lạ có thật trong tù”.
Thằng “Trắm đen” dường như nghe thấy An Như Huỳnh nói vậy nên đế ngay một câu xanh rờn: “Thịt nướng thì ăn hết thế đéo nào được hai cân”. Thằng Huỳnh không hiểu cái kiểu xách mé đó nên dừng ngay lại: “Tôi ăn hết, anh cứ cho tôi, tôi ăn được”. Cả buồng được trận cười đau bụng. Không khí đang rộ lên thì bị cắt ngang bởi tiếng chìa khóa mở cửa. Mọi người lục đục kéo nhau ra điểm. Không khí trầm lại một chút, vài chỗ đun nước pha chè, chỗ thì nấu mì, nấu cơm ăn sáng, vài người không có “vẹo” gì thì ngồi xem ti vi. Rồi bỗng không khí ồn ào, náo nhiệt hẳn lên, sau lời chào hàng của Tân “vẩu”: “Đội chuẩn bị lấy đồ ra đặt để chia thịt nhớ”.
Nhìn vào buồng lúc này thì thấy ai cũng đang chạy, chẳng ai đi đỉnh đương như ban nãy cả. Mấy thằng đã chuẩn bị sẵn, tay lăm lăm con dao, lục lọi tìm đá để mài. Lâu lâu không dùng nên những con dao cùn và hoen gỉ. Nhìn xuống sân thấy một đoàn người đang nối đuôi nhau. Tân “vẩu” tức “anh nuôi của đội” đi đầu, Tâm “chột” xách thùng thịt heo sau, tiếp đến là Thi “béo” tay cầm dao, tay cầm thớt rồi một lô một lốc, mặt tươi tỉnh, mắt chăm chăm vào thùng thịt, tay cầm bo bát chắp sau đít. Sau khi ba kẻ “cái cân công lý” tọa xuống thì xung quanh họ đã hình thành một vòng vây tầng tầng, lớp lớp, nhìn vào người ta cứ ngỡ là một tai nạn nào đó xảy ra, nhưng khác cái là không khí ở đây im lặng như tờ, chỉ có tiếng dao chặt thịt của Thi “béo”. Đây là một công việc khá nặng nề, chỉ cần, phần nọ nhiều hơn phần kia một tí thôi là đã có tiếng góp ý của ai đó: “Ôi! Chỗ này nhiều mỡ quá” rồi “Eo! Miếng này nhiều lông!” lại nữa “Cái tai này mà luộc uống rượu thì hơi bị được đấy”. Mấy kẻ lại nhăm nhe khúc xương đang lọc. Nhưng họ không may bởi Tuấn “lác” - “cộ” của anh Đông đội trưởng đã xí phần xương đó để nấu cháo.
Có tiếng ai đó tiếc nuối: “Mấy khúc xương này ninh cháo ngọt phải biết”.
Tân “vẩu” bắt đầu đếm: “Đủ 42 xuất, đặt đê! ”. Mấy cái mồm từ nãy tới giờ im lặng, có nói thì cũng nhỏ nhẹ, bây giờ bắt đầu mở hết cỡ: “Cái này của tao 4 suất”. “Bát tao 2 suất Tân nhớ”… An Như Huỳnh ở đâu từ nãy tới giờ, xuất hiện với mấy cái lá keo trên tay: “Tôi một suất”. Tân “vẩu” hào phóng: “Riêng mày cho thêm miếng này, biết nghĩ nhớ”.
Chia chác mới là giai đoạn đầu, vào các giai đoạn sau có vẻ công phu và vất vả hơn. Tiếng thái thịt, tiếng í ới gọi nhau, củi đóm xoong nồi, mắm muối. Chủ nhật thường thường chúng nó cắt gạo nấu riêng, nhưng hôm nay thì tuyệt nhiên không thấy, chỉ một vài thằng “điều kiện” cắt gạo. Chúng nó còn phải lo vụ “nồi nóng”. Tù có câu “nồi nóng chóng lại người” nên việc này được ưu tiên trên hết. Kể cả mọi hôm khác, trại cấm đun nấu, không cho mang củi vào trại. Nhưng chẳng thấy thằng nào ăn sống cả. Bất kỳ thứ gì, chỉ sợ không có mà đun chứ đã có thì bắt nó phải chín. Không có củi thì nhựa, butilen, quần áo cũ rách, rồi hòm xiểng, chẻ ra mà đun. Không cho đun dưới bếp thì chui ra sau buồng, chui vào buồng vệ sinh mà đun. Đôi khi chỉ cần chục cái đóm nứa, ngồi tại chỗ chúng đun nước vào cái lon bia vừa đun vừa uống chè. Tù thì lắm kiểu, có khi căng quá thì làm cái đèn dầu. Vừa thắp sáng vừa đun nấu, kiểu gì mà chẳng phải chín.
Hôm nay chủ nhật thì khác, trại cho mang củi vào từ chiều thứ bảy. Ngày nghỉ được cải thiện, đun nấu thoải mái.
Lúc này tất cả mọi việc đều để chuẩn bị cho nồi thịt, nhưng hãy cẩn thẩn hình như ông Thùy trực trại đang lừ lừ tiến vào, ông ta sục sạo khắp nơi với cái roi thép quấn trên tay, cứ thằng nào mà hở dao, kéo, bài bạc, đánh nhau lộn xộn là coi chừng, cái roi thép không nhân từ bất kỳ chỗ nào trên thân thể cả. Ông ta tiến dần vào từng buồng, ngó từng chỗ, đạp uỳnh uỵch vào cái cửa nhà mét. Một cái thùng bị đập bẹp vì để lung tung giữa buồng và bây giờ chẳng thấy ai nhận là chủ nhân của cái thùng cả. Mọi người vẫn bình thản làm việc của mình dường như chẳng có việc gì xảy ra cả. Bỗng: “Bụp,… bụp,… bụp,…”. Tiếng roi quất vào người ai đó. Lại một thằng gặp hạn. Ông Quang “ba ngơ” chui từ đâu về, tay cầm xoong, tay kia thì cầm dao mà cứ cắm đầu đi thẳng qua mặt ông Thùy. Sau một trận mưa roi nhìn vào cái mặt nó chảy dài ra mới tội làm sao. Miệng nó lắp bắp loạn xị lên: “Ông… ông, cháu xin ông, cháu… cháu xin ông, ông… ông xin… cháu… cháu”.
Mọi người cười ầm lên, ông Thùy nghiêm khắc vậy mà cũng không nhịn được quay mặt ra chỗ khác cười. Đúng là cái thằng “ba ngơ”, tù hai “tăng” rồi mà cứ ngơ ngơ, ngác ngác, lúc nào cũng như người từ trên trời rơi xuống. Nhưng những sự việc nhỏ ấy bị gạt sang một bên để nhường cho cuộc chiến sắp tới ở dưới bếp. Cái bếp cải thiện của trại có 4 khoang, mỗi khoang kê được độ chục cái bếp, nhu cầu ấy không thể đủ. Vậy là hiện tượng quá tải xảy ra, chúng kê bếp bất kỳ chỗ nào có thể xung quanh cái nhà bếp. Và… và cái khung cảnh ở đây thì chẳng ở đâu bằng. Trời tối qua mưa ướt át, gạch đá vứt lung tung, tro lẫn với đất, bùn gặp nước trộn lẫn với nhau thành một hỗn hợp dính và đen. Các cọng rau, lạt buộc, ni lông… đủ các thứ rác được vứt ra, nhìn từ xa chúng thật đậm đà màu sắc. Mọi người bận bịu mỗi người một việc, họ kê bếp ở chỗ nào có thể và họ sẵn sàng xả thân bỏ nồi xuống, phá bếp lấy gạch để choảng nhau nếu tranh cãi nhau về một que nứa. Bầu trời hôm nay thật ảm đảm và nó càng ảm đảm hơn bởi khói bay lên mù mịt. Nhìn xuống các cái nồi thì thật tuyệt. Thập cẩm đủ thứ linh tinh chỉ để phục vụ cái món thịt. Chị Hợi hôm nay được mấy anh tù chế biến ra 101 kiểu. Nào là thịt kho đậu theo kiểu kho tàu, thịt xào hành, thịt xào xu hào, đu đủ, thịt sốt cà chua, vớ vẩn cũng là thịt kho, rồi xương hầm sắn, xương hầm cháo, xương nấu dấm măng, chỗ nào bầy vẽ thì quấn bánh đa nem, thịt băm viên, thịt kho nghệ… thôi thì đủ kiểu, mùi thơm phức, mầu mè thì phải biết. Ai cũng chăm chú triển khai món ăn của mình. Ở đây ai bảo con gái mới biết nấu ăn. Những ông tướng ở đây thì làm mọi việc, bất kể tỉ mỉ, khéo tay, chả bù ở nhà, các ông chầy bửa, chơi bời ỷ vào vợ con, mẹ cha. Vào đây thì “bắt” hết, không làm không được. Tất cả sự khéo tay, miệt mài đều dành cho cái việc chăm bẵm xác chị Hợi. Nhưng hãy cẩn thận và cảnh giác, trong môi trường này một mét vuông có tới một trăm thằng ăn cắp. Chỉ cần sơ sẩy không cảnh giác một chút thôi thì thịt mình đang kho, quay ra xin cái củi, quay lại chỉ còn cái xoong không. Hóa ra cái thằng ngồi cạnh suốt từ nãy rình rập, nó cứ mang nồi xuống trưng nước hàng, sểnh cái chỉ với tay sang trút thịt của thằng kia vào nồi nước hàng, đảo qua đã thành những miếng thịt khác hẳn. Đó là kiểu trộm cắp siêu hạng mà thường những người bị hại chỉ biết ngồi thừ người, chửi đổng một lúc rồi vác nồi về.
Giờ thì nhìn qua một lớp khói dày đặc ai cũng giống ai, dụi mắt liên tục. Có thằng trước mặt một nồi bên cạnh một nồi, sau lưng một nồi, người nó cứ quay như chong chóng, đút củi bếp này, quay lại đút củi bếp kia, vừa phải trông làm sao không bị mất vừa phải nhanh tay không đồ bị cháy, sống mất ngon. Đấy vẫn còn nhẹ, có thằng “tổ lái” lâu năm, tù lâu kinh nghiệm hơn người, một mình chống lại… năm cái xoong, không cần nhiều bếp khó nhìn. Nó cứ chất một đống nứa thật to, lửa cháy như lửa trại, kê năm cái xoong xung quanh tay đũa đảo liên tục, tay kia khều bếp đẩy củi cho cháy. Vậy mà có những ông chậm chạp một mình một xoong mà loay hoay mãi như đánh vật vẫn không xong. Làm thì lâu và vất vả như vậy nhưng đến công đoạn ăn thì lại rất nhanh và đơn giản, chỉ cần gắp thức ăn ra đĩa bát bầy lên trên cái khay gỗ, mà có khi cũng chẳng phải mâm làm gì, lấy đồ ra đặt cơm đội là xong. Mươi mười lăm phút sau là chị Hợi bị chui tọt vào bụng mấy anh tù, rồi bị dạ dày nhào bóp nhiệt tình. Những mảnh sót giắt ở kẽ răng cũng không thoát, tù xỉa răng thì hơi sạch, lại thêm ngụm nước súc miệng rồi nuốt, làm sao mà phải nhổ. “Chất chác” cả đấy. Và để đầy đủ thủ tục công việc tiếp theo là uống nước chè. Khâu công đoạn này tuy ít ỏi hơn nhưng lại tiến hành lâu hơn. Dăm ba cọng chè già, mấy điếu thuốc lào, một bao thuốc lá “Hoàn Cảnh” (thuốc lá Hoàn Kiếm), họ chuyện phiếm với nhau. Mà không hiểu tù quanh đi quẩn lại chỉ vài cái chuyện sinh hoạt hàng ngày mà bàn ra tán vào, chín người mười ý, lúc thì thì thầm to nhỏ vẻ quan trọng lúc thì lại ầm ĩ như cãi nhau. Chè thì đã nước thứ tư thứ năm mà vẫn nhâm nhi được, ba bốn người ngồi uống có ấm chè mà hết cả phích nước. Cái giống chè trại thì khỏi nói, tráng đến hai nước thì đổ đi, rót thêm nước vào tới nước thứ ba mới uống mà nước như mầu cà phê đen vậy. Được cái mấy ông tù chê thì vẫn cứ chê mà uống thì vẫn cứ uống. Không khí trong buồng giờ trầm lặng, mọi người bắt đầu rục rịch đi ngủ. Một vài nhóm tụ tập cờ bạc, mấy thằng “xe cộ” thì bắt đầu chuẩn bị trước những công việc buổi chiều. Mười một giờ thì đóng cửa buồng. Ai cũng thoải mái nghỉ ngơi, trời se se lạnh nằm trong chăn thì hơi ổn, chỉ còn tiếng rì rầm, tiếng quân bài đập xuống chiếu đèn đẹt của mấy ông cờ bạc. Nói đến cờ bạc ở trong tù thì cũng lắm kiểu, điển hình nhất là đánh phỏm, chúng đánh ăn thua nhau bất kể thứ gì gọi là có giá trị. Thôi thì đủ thứ có tiền mặt đánh tiền mặt, cứ năm nghìn một hội 20 điểm, không tiền mặt thì tiền lưu ký, không có nữa thì đồ ăn đồ uống cứ thế mà quy ra, cá khô, lạc, đỗ, mỳ chính, bột canh, mì tôm, gạo nếp, chè, thuốc,… rồi đồ dùng: chăn màn, quần áo, giày dép, hòm xiểng,… có nghĩa bất kể thứ gì có giá trị là được thành giá quy đổi hết. Chính vì như vậy nên chúng sát phạt nhau cũng ghớm, đánh nhau thì bắt buộc phải tránh vì vi phạm, nhưng cãi chửi nhau thì như cơm bữa, được cái luật tù thì sòng phẳng, nợ nần phân minh. “Trong cờ bạc, ngoài anh em”. Chính vậy nên mới sinh ra chuyện trộm cắp vặt của nhau. Có thằng đánh thua hết sạch mọi thứ, còn mỗi cái quần lót và bộ quần áo lao động bẩn. Thằng được thì xông xênh đập phá. Nhưng cũng cần coi chừng, đánh bạc là vi phạm, vì vậy khi tụ tập chúng phải đóng chặt mọi cửa sổ. Chỉ cần chểnh mảng là “đi” ngay. Ông Thùy và ông Minh đi kiểm tra, “chân mèo” hơn tù. Ông ấy chỉ cần nhẹ nhàng nghe ngóng từ bên ngoài, biết được là vòng ra sau buồng, trèo lên lan can, giật mạnh cửa sổ “ộp” ngay hội cờ bạc. Sau đó là mấy tên biết phận, nộp bài, giấy bút ghi điểm, chờ mở cửa buồng, lầm lũi đi ra chờ xử lý. Việc này quá nhanh, phủ đầu là mấy chục cái roi thép quấn khắp người, sau đó lại thêm độ hơn chục cái gót cửng mũi giày. Cuối cùng là cái biên bản vào kho an dưỡng. Ôi! Trời lạnh thế này vào kho mới hối hận, quần áo lót nằm sàn xi măng, chân cùm chặt xuống sàn, mỗi ngày hai quả cơm nắm với muối bằng đúng viên bi-a. Trời ơi! Biết vậy thì đừng có cờ bạc.
Nhưng hôm nay, hội này có vẻ trôi chảy, mọi việc diễn ra âm thầm, chúng tiếp tục sát phạt nhau đến tận lúc mở cửa buồng. Mọi người lại tiếp tục cái công việc của buổi sáng, củi đóm, xoong nồi. Nhưng thịt phát buổi sáng, “chiến” hết rồi nên buổi chiều lại “trở về với cái máng lợn”, rau bẩy món và sắn bẩy món, chỗ nào điều kiện thì vẫn tích lũy được ít thức ăn còn mấy ông “nhân dân” thì vẫn sắn xào, sắn nấu canh. Đấy là những thằng còn biết xoay sở chứù nhiều ông thì gia vị, muối trắng triền miên. Tù khổ là nhiều chứ sướng là mấy. Tuy vậy cái bếp trại buổi chiều vẫn đông vui như thường. Cảnh tượng vẫn hỗn độn, bừa bãi, lửa vẫn cháy bùng bùng và khói vẫn cháy nghi ngút. Ông Ninh căng-tin hôm nay ế thịt nên đi chào hàng mời mọc khắp trại. Nhưng những thằng có tiền có điều kiện thì đã có đủ, còn những thằng thiếu thì lại không có tiền. Mặt cậu ta chảy dài ra, buộc phải đi dí “quả tịt” này cho mấy thằng anh em, lấy giá rẻ đi chút ít.
Mấy ông “thi đua”, “trật tự” thì suốt từ sáng đến giờ toát mồ hôi giữ trật tự ở bếp cũng như ở khắp trại. Ông Lương già “văn hóa” tay chắp sau đít, mồm oang oang chửi mấy thằng vứt rác linh tinh, hay cãi chửi nhau. Chỉ có một số người là đỉnh đương, ngày nghỉ là ngày họ đi chơi, thăm nom anh em ở trại, mỗi chỗ ngồi một lúc, về nhà lại đọc báo, xem ti vi, đến bữa thì ăn, đến giờ thì ngủ. Đó là loại tù “điều kiện”. Nhưng số này cũng hạn chế không nhiều. Nói chung mọi việc buổi chiều dường như lặp lại những công việc của buổi sáng. Khác cái là không sôi động, nhộn nhịp bằng, dù sao thời gian của ngày nghỉ cũng gần hết. Đến tầm phim văn nghệ chủ nhật thì một số còn bận một chút ít việc còn hầu như mọi người thư giãn ngồi xem phim, lúc này những lời bàn tán chỉ xoay quanh diễn biến của bộ phim. Có khi họ còn cãi nhau về những sự việc trên phim nữa. Hết phim cũng xế chiều, mọi người đi ăn cơm, chỉ có một số là chờ anh em hay có việc gì đó nên chờ điểm xong mới ăn. Thời gian về chiều trời mùa đông nhanh tối, mới 5h30 mà đã nghe thấy tiếng kẻng điểm. Chúng nó chạy loạn xị từ buồng nọ sang buồng kia, gọi nhau í ới, người lấy quần áo mặc, kẻ chạy đi xoay ấm chè, ít thuốc lào cho buổi tối, đứa thì đang bận dở phích nước, nồi cơm. Những đứa sinh hoạt khác buồng thì cuống lên và nốt bát cơm chạy vội về buồng, mồm thì lẩm bẩm: “Mẹ! Vẫn còn sớm mà đã điểm”.
Điểm xong, vào tới buồng là khung cảnh như ở ga Hàng Cỏ thời năm 85 vậy. Kẻ đứng, người ngồi, vài thằng ngồi trước ti vi, mấy quẫy tụ tập chè tụng dăm ba câu chuyện phiếm, một nửa buồng nằm ngổn ngang kẻ quay ra, người quay vào, có đứa nằm ngang, một vài cái màn đã được mắc lên. Mấy ông “xe cộ” thì lượn như “xit ta”. Hội cờ bạc bắt đầu mở sới ở cuối sàn trên chỗ Nam Cao. Chúng âm thầm sát phạt, mấy thằng ngồi ngoài bình luận chỉ chỏ, kiêm luôn vụ bảo kê sới, mỗi thằng trông một cửa sổ phòng bị “ộp”. Trong buồng bây giờ đang diễn ra một cuộc tranh cãi muôn thuở bất phân thắng bại giữa cái ti vi và cái đài “Milk” của anh Đông. Gọi là cái đài “Milk” vì nó chẳng qua là cái phôn, anh Đông làm cái loa nhỏ bỏ vào trong hộp sữa hiệu “Milk” bịt khăn mùi xoa ở đầu, thêm cái nắn dòng là tiếng hát trong băng réo rắt, mỗi tội tiếng của nó bị méo mó, rè rè nhưng còn hơn là không có. Cứ thế tiếng ca sĩ Mạnh Đình của đài “Milk” và tiếng phát thanh viên Kim Tuyến của đài VTV3 cãi nhau, thành một thứ âm thanh “tuyệt hảo” cộng với tiếng rì rầm của mấy anh tù, mạnh ai nấy nói. Một bản hòa tấu của buồng giam số 4.
Đêm xuống, bầu trời Thanh Lâm càng thêm giá lạnh bởi lớp sương rơi ngày càng dày đặc. Không khí trong buồng giờ bắt đầu trầm xuống, mọi cuộc vui, những câu chuyện tàn dần. Chút tàn dư còn lại của xác chị Hợi là cái mồm đầy râu bóng nhẫy của An Như Huỳnh. Giờ này là giờ nó ăn đêm, tất cả cơm canh, đồ thừa của các quẫy cho, nó “bắt” hết, ăn còn thừa để đêm, thừa nữa thì sáng mai. Bây giờ là mọi người trở về với cái riêng tư của mình, họ nằm sát vào nhau ngủ một cách an lành kết thúc một ngày nghỉ và chuẩn bị cho một ngày cải tạo mới. Không biết trong giấc mơ đêm nay, họ thấy gì, mà chắc họ mơ một chút về gia đình, một chút về công việc và hình như họ lại nghe thấy tiếng kêu “eng… éc… eng… éc…” của chị Hợi.
* Sông núi ơi bây giờ ta mới biết
Mộng giang hồ đã giết chết đời ta