Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Nhân Vật Lịch Sử >> BẢO ĐẠI, HAY LÀ NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG CỦA VƯƠNG QUỐC AN NAM

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 25346 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

BẢO ĐẠI, HAY LÀ NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG CỦA VƯƠNG QUỐC AN NAM
Daniel Grandclément

Chương 13

Người thiếu phụ còn trẻ và khá đẹp vuốt phẳng chiếc váy dài bằng vải, ngồi thu mình trên hàng ghế phía sau. Súng săn xếp gọn trong cốp xe. Một chiếc xe bình thường như mọi xe khác không có dấu hiệu gì nổi bật cho biết xe dùng vào việc gì. Nhưng trên đầu xe, phía bên phải vẫn phấp phới chiếc cờ vàng nho nhỏ của Hoàng gia. Trong cái thành phố đế đô này, xe ôtô chạy trên đường phố chẳng có bao nhiêu, cắm cờ hiệu hay không, ai cũng biết người ngồi trong xe là ai vì đây là chiếc xe riêng của Nhà vua, chỉ chở ông trong các chuyến đi chơi xa ngoài thành phố. Ông cũng ngồi ở hàng ghế sau, im lặng, vẻ mặt đăm đăm bí hiểm trong bộ đồ săn. Còn nàng nhìn thẳng phía trước, hơi ngả người về phía sau giữa các gối dựa khi chiếc xe vượt qua trạm gác của lính hộ thành người Việt. Khi xe qua trạm gác ngoài cùng giữa đám binh sĩ Nhật đứng nghiêm chào thì nàng lại ngả người thêm nữa. Chiếc xe lặng lẽ ra khỏi hoàng thành bằng cửa phía đông như mọi lần, để được kín đáo hơn là qua cửa Ngọ môn chỉ dành cho sứ thần nước ngoài hay đoàn ngự đạo trong các nghi lễ chính thức. Cuộc đi này không có gì phải lén lút? Trong hoàng cung, ai mà chẳng biết hôm nay Ngài Ngự đi săn cùng với bà cố vấn Nhật. Cả hai người chẳng bận tâm gì đến thời cuộc bên ngoài trong lúc chiến tranh đang tiếp diễn và cuộc cách mạng sắp đến gần. Tuy nhiên thành phố Huế mỗi ngày lạỉ mang thêm dáng vẻ thời chiến. Khu phốTây cách biệt, ở phía nam sông Hương, bên kia cầu Trường Tiền, chung quanh chăng dây thép gai có lính Nhật canh giữ. Trên mặt đường nham nhở cày xới vì các mảnh bom Mỹ dân chúng vẫn qua lại bình thường nhưng không ai quên cuộc sống vẫn đang còn trong thời chiến.
Kể cũng quá đáng pha lẫn đôi chút hài hước. Trong không khí nước sôi lửa bỏng của những ngày hè năm 1945, ít ai tưởng tượng được rằng bà cố vấn Yokoyama, một phụ nữ Pháp xinh đẹp, vẫn nhiều lần rong chơi suốt ngày trong những cánh rừng thưa cùng với Nhà vua, chỉ vì ham thích săn bắn và hưởng không khí thoáng đãng ngoài trời. Thế nhưng ông Tổng lý Ngự tiền văn phòng Phạm Khắc Hòe cho biết những chuyện phiêu lưu tình ái này chẳng làm ai ngạc nhiên. Trong hoàng cung và có lẽ cả những thành viên khác của nội các cũng đều biết thói quen và tài quyến rũ của Nhà vua. Tuy nhiên chắc hẳn rồi đây những chuyện nhân tình nhân ngãi và lối sống phóng túng đó cũng phải chấm dứt trong bão táp cách mạng đang xô đến làm thay đổi đến tận mọi ngõ ngách của cuộc sống, không trừ một ai.
Từ mấy năm nay Việt Minh đứng về phe Đồng minh bên cạnh Trung Hoa, Anh và Mỹ đang trên đà phản công thắng lợi trên khắp các mặt trận từ Âu sang Á. Người Mỹ còn cung cấp cả vũ khí, điện đài, và cả người huấn luyện cho du kích Việt Minh.
Còn Bảo Đại, một "kẻ được bảo hộ" ngoan ngoãn và trung thành của đế quốc Pháp, nay lại được Nhật Bản, trong thế thất bại không tránh khỏi, trao trả "độc lập".
Trong lúc những ông chủ cũ người Pháp, bị giam trong trại tù binh, hoặc sống tập trung trong các khu biệt cư dưới sự canh giữ của lính Nhật thì những người của nước Pháp tự do thuộc phe De Gaulle, dù đã biết những gì xảy ra trên xứ Đông Dương, vẫn chưa chuẩn bị xong phương tiện để chiếm lại thuộc địa từ tay Nhật. Pierre Messmer và Jean Cédille, được chỉ định làm "uỷ viên Cộng hoà Pháp" chuẩn bị hành trang, sẵn sàng nhảy dù, một người xuống Bắc Kỳ, một người xuống Nam Kỳ, còn tướng Leclerc vừa được bổ nhiệm làm Tổng chỉ huy đội quân viễn chinh Pháp tại Viễn Đông lúc này còn chưa tập hợp xong lực lượng.
Thời cơ ngàn năm mới có một lần, ông Hồ Chí Minh đã không bỏ lỡ để phát động nhân dân giành lấy chính quyền.
Không khí u ám bao trùm lên cả Đại nội. Tất cả đều rầu rĩ, rã rời. Thuế má, lần đầu tiên triều đình Huế có vinh dự được trực tiếp thu nhưng không thu được. Tình hình bất an xảy ra khắp nơi. Làm sao lập lại trật tự ở thành phố, ở nông thôn, trong lúc trong tay chính phủ hoàng gia không có cảnh sát, cũng chẳng có một lực lượng trật tự nào có thể hành động hữu hiệu.
Mới ra mắt quốc dân được mấy tháng, ngày 5 tháng 8 Chính phủ Trần Trọng Kim xin từ chức: Ba bộ trưởng xin từ nhiệm, một bộ trưởng bị nạn vì bom Mỹ. Các bộ trưởng khác tuyên bố bất lực, không thể làm được việc gì nếu không được cố vấn tối cao Nhật đồng ý. Bảo Đại chấp nhận từ chức nhưng lại giao thủ tướng lập chính phủ mới, rồi theo thường lệ ông tiếp tục đi săn mạn Quảng Trị.
Hoàng hậu Nam Phương triệu tập Tổng lý Ngự tiền văn phòng đến gặp. Ông Hòe kể lại: Bà lo lắng về chiều hướng phát triển của tình hình, chán nản than vãn về Đức vua vẫn chứng nào tật ấy, say mê chơi bời, cờ bạc, săn bắn, trai gái... Bà hỏi xem có cách nào "cứu vãn tình hình" được không nhưng cứu vãn thế nào đối với con ngựa quen đường cũ?
Việc lập nội các mới trong tình hình Nhật Bản đầu hàng đến nơi xem ra không thể thực hiện. Ông Kim cố sức liên hệ, tiếp xúc, vận động người này người khác nhưng các nhân vật cấp tiến đều khước từ cộng tác. Làn sóng cách mạng đang dâng lên cuồn cuộn, kéo phăng cả những người lưng chừng do dự. Những cố gắng của ông đều vô ích. Lúc này không thể nghĩ đến tiếp tục thể chế hiện hành được nữa. Duy trì nền quân chủ lúc này là ảo tưởng. Ông Hòe bắt đầu tác động một cách kiên nhẫn vào tinh thần đang suy sụp của Nhà vua, vận động ông tự nguyện thoái vị. Ông không ngớt gợi lại cuộc cách mạng Pháp 1789 và số phận bi thảm của vua Louis XVI rồi nhẹ nhàng khuyên Nhà vua không nên chờ nước đến chân mới nhảy. Bảo Đại vừa cười nhạt vừa nói với giọng mỉa mai: "Không có lẽ quân đội Nhật sẽ khoanh tay ngồi nhìn để cho dân chúng làm chi thì làm?".
Cuối cùng ông thủ tướng Kim cáo bệnh, khẳng định ông bị tăng huyết áp và không ra khỏi nhà.
***
Vào giữa tháng 8 ngột ngạt, nóng bức, Nhà vua được người Nhật trao lại các nhượng địa Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và xứ Nam Kỳ thuộc địa. Ngày 14 tháng 8 Bảo Đại ra sắc chỉ Nguyễn Văn Sâm sung chức Khâm sai Nam Bộ, nhưng ông ta chưa kịp lên đường thì hôm sau, ngày 15 nước Nhật thông báo... ý định đầu hàng Đồng minh?
Người Nhật bỏ cuộc, đầu hàng vô điều kiện.
Không mấy ngạc nhiên nhưng không ai ngờ Nhật Bản đầu hàng sớm thế.
***
Hai hôm sau, ngày 17 tháng 8, tại thủ đô Hà Nội, Việt Minh lợi dụng một cuộc mít tinh của công chức được triệu tập để biểu thị ủng hộ Nhà vua, hạ cờ của chế độ quân chủ xuống, trưng cờ đỏ sao vàng lên. Hai ngày sau, 19 tháng 8, quần chúng cách mạng chiếm dinh Khâm sai Bắc Bộ trước đây là dinh Thống sứ Bắc Kỳ, thành lập chính quyền cách mạng tại thủ đô Hà Nội. Cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền do Việt Minh lãnh đạo nhanh chóng lan ra khắp các tỉnh, thành trong cả nước.
Đến lúc này Nhà vua quyết định hành động. Cùng ngày 17, ông triệu tập một cuộc họp bất thường của nội các lâm thời. Cuộc họp quyết định Nhà vua, như muốn vượt qua mặt Việt Minh, gửi thông điệp đến những người đứng đầu các nước Mỹ, Anh, Trung Hoa, Pháp, kêu gọi giúp đỡ để bảo vệ nền độc lập giành được từ tay Nhật. Trong thông điệp gửi Đại tướng De Gaulle có đoạn viết: "Tôi nói với nhân dân nước Pháp, nơi tôi đã sống thời niên thiếu, tôi muốn nói với tư cách một người bạn, chứ không phải người đứng đầu nhà nước.
Các vị đã đau khổ quá nhiều trong bốn năm đầy tang tóc dưới chế độ chiêm đóng, nên không thể không hiểu rằng dân tộc Việt Nam có hai mươi thế kỷ lịch sử đầy vinh quang trong quá khứ, không muốn và không thể chịu đưng được nữa bất kỳ một sự đô hộ nào, của nước ngoài.
Các vị sẽ hiểu rõ hơn nếu các vị có thể chứng kiến những sự kiện đang diễn ra ở đây thấy rõ ý nguyện độc lập của nhân dân Việt Nam đã ấp ủ tận đáy lòng và không một sức người nào có thể kìm nén được. Ngay dù các vị có thể lập lại trên đất nước này sự thống trị của Pháp thì cũng không có ai nghe theo: mỗi làng sẽ là một ổ kháng chiến, mỗi người cộng tác cũ của các vị sẽ là một kẻ thù, và các quan chức, các kiều dân Pháp sẽ chỉ đòi thoát khỏi bầu không khí nghẹt thở này. Mong các vị hiểu rằng cách duy nhất để cứu vãn quyền lợi Pháp và ảnh hưởng tinh thần của nước Pháp là thẳng thắn thừa nhận nền độc lập của Việt Nam, từ bỏ mọi ý nghĩ lập lại chủ quyền hoặc bất cứ một hình thức cai trị nào của nước Pháp trên đất nước này.
Chúng ta có thể dễ dàng thoả thuận với nhau nếu các vị từ bỏ ý định trở lại làm ông chủ của chúng tôi".
Còn với người đứng đầu nhà nước Liên Xô? Dù Liên Xô cũng là nước thắng trận và có công lớn nhất trong việc tiêu diệt chủ nghĩa phát-xít và trong hội nghị cũng đã có người nêu ý kiến, nhưng cuối cùng Bảo Đại không gửi thông điệp cho Stalin, người đứng đầu nhà nước Xô viết. Trong hồi ký của mình, ông viết: "Tôi đã chọn chỗ đứng của tôi".
Bảo Đại còn yêu cầu ông Tổng lý Ngự tiền văn phòng thảo một đạo Dụ số 105 tuyên bố ý định của ông là "sẵn sàng trao chính quyền cho Việt Minh là tổ chức đã đấu tranh nhiều nhất cho quyền lợi của nhân dân và mời các lãnh tụ Việt Minh vào Huế thành lập Nội các mới. Vấn đề chính thể sẽ do nhân dân quyết định sau. Nhà vua cam đoan sẽ tuân theo ý nguyện của nhân dân".
Thiếu một câu rõ kêu trong dự thảo. Ông Hòe đã tìm ra câu đó: "Muốn củng cố độc lập của nước nhà và bảo vệ quyền lợi của dân tộc Trẫm sẵn sàng hy sinh về tất cả các phưởng diện. Trẫm đặt hạnh phúc của nhân dân Việt Nam lên trên ngai vàng của Trẫm. Trẫm ưng làm dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ, Trẫm chắc rằng toàn thể quốc dân cùng một lòng hy sinh như Trẫm".
Buổi chiều, ông Hòe đệ trình bản dự thảo lần cuối.
Ông đọc to, rõ ràng từng lời câu nói đầy dũng cảm đã đi vào lịch sử: "Trẫm muốn làm dân một nước độc lập còn hơn làm Vua một nước nô lệ...". Ông còn nhắc đi nhắc lại như để nhập tâm và cho "quen miệng", để không vấp váp khi phải nhắc trước công chúng. Sau một lát đắn đo, ông nhún vai nhè nhẹ rồi cuối cùng đặt bút ký(1).
Vậy là không hề có chuyện đối đầu với chính quyền cách mạng. Vả lại Nhà vua không muốn và cũng chẳng có phương tiện để chống lại. Sau này Bảo Đại giải thích: ông muốn tránh một cuộc tắm máu giữa những người cách mạng và người Nhật. Vì người Nhật, mặc dù thất trận, vẫn có trọng trách duy trì trật tự cho đến khi Đồng minh vào tiếp nhận đầu hàng.
Nhưng với một số người thân cận muốn Nhà vua thoái vị ngay, không yêu cầu Nhật can thiệp. Phải thành lập ngay chế độ cộng hoà mà không cần đợi đến tuyển cử, chờ hỏi ý kiến nhân dân. Quyền bính nay đã ở trên các đường phố Hà Nội hay khắp nông thôn chứ không phải ở trong các gian phòng hoang vắng của Đại nội, cũng không ở trong tay Bộ tư lệnh quân đội Thiên hoàng chỉ muốn được yên thân chờ Đồng minh đến giải giáp và mau chóng trở về nước. Quyền lực mỏng manh của các ông khâm sai, các tỉnh trưởng của chính phủ Trần Trọng Kim đang tan rã từng mảng. Thời gian gấp lắm rồi. Nơi nơi nổi dậy thành lập chính quyền nhân dân. Ngay ở ven lộ chung quanh thành Huế, các đội tự vệ dân quân tập luyện đêm ngày. Cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trên nhiều nhà trong thành phố. Ngay hôm sau, quần chúng biểu tình tràn ngập các phố giương cao cờ đỏ sao vàng, hô vang: "Độc lập muôn năm", "Đả đảo chủ nghĩa phát-xít", nhiều nhất là: "ủng hộ Việt Minh".
Nguy cơ bùng nổ cuộc nổi dậy tại kinh đô Huế khiến tư lệnh quân đội Nhật đề nghị dùng vũ lực để lập lại trật tự trên đường phố. "Chỉ cần hai tiếng đồng hồ là quét sạch cuộc nổi loạn". Nhà vua từ chối. Ông không muốn người Việt Nam phải đổ máu.
Trước khi có quyết định cuối cùng, Bảo Đại muốn biết ai ở đằng sau Việt Minh? Nhà cách mạng nào?
Trong ký ức của mình ông nhớ đến cái tên Võ Nguyên Giáp, cái tên duy nhất ông nhớ được. Buổi chiều ngày 19 tháng 8, bốn lần ông gọi điện cho ông Hòe, hỏi xem lãnh tụ Việt Minh là ai? Mọi người chỉ biết Nguyễn Ái Quốc, nhà cách mạng, nhiều lần bị truy nã và kết án, nhưng cũng ít người biết Nguyễn Ái Quốc và Hồ Chí Minh chỉ là một. Đó là người đứng đầu chính phủ cách mạng lâm thời đóng trụ sở tại tầng một toà Thống sứ ở Hà Nội, nay được gọi là Bắc Bộ phủ.
Sự mê tín, như thường thấy ở Việt Nam, có vai trò quan trọng trong những giờ phút quyết dịnh. Phạm Khắc Hòe không ngừng nhắc lại câu sấm truyền: Nam Đàn sinh thánh. Thánh đó có thể là nhà chí sĩ Phan Bội Châu, nhưng Phan Bội Châu không thành công và đã mất năm 1940. Từ những năm 1920 người ta lại giải thích ông thánh cứu nước chỉ có thể là Nguyễn Ái Quốc cùng quê Nam Đàn với Phan Bội Châu ở Nghệ An.
Chính câu sấm truyền ấy cùng với dư luận đồn đại, theo ông Hòe kể lại sau này, đã khiến Nhà vua đi đến quyết định cuối cùng.
Ngày 20 tháng 8, Bảo Đại cho biết ông sẵn sàng thoái vị ngay nếu người đứng đầu Việt Minh là Nguyễn Ái Quốc.
Buổi sáng ngày 21 tháng 8, lá cờ vàng ba gạch hình quẻ ly của Triều đình lâu nay vẫn ngạo nghễ trên cột cờ cao trên kỳ đài của hoàng thành thì hôm nay đã được thay bằng lá cờ của cách mạng, màu đỏ có ngôi sao vàng năm cánh ở giữa. Những người lính làm nhiệm vụ bảo vệ ở chân kỳ đài có mặt lúc đó chẳng những không làm gì để ngăn cản mà lại còn phụ giúp những người cách mạng kéo lá cờ đỏ sao vàng lên(2). Việc này làm Bảo Đại đau khổ và suy sụp hơn là tuyên bố sẵn sàng thoái vị. Ông nghĩ trước khi làm lễ cáo yết tổ tiên và giao quyền bính cho chính phủ cách mạng thì quyền lực Nhà vua mà tiêu biểu của nó là cờ vàng cỡ lớn treo cao gần ba chục mét, ở xa hàng chục cây số vẫn nhìn thấy. Ông chấp nhận ý kiến thoái vị vì vào thời điểm đó, dù có thừa nhận hay không, phong trào Việt Minh đã tập hợp được đại đa số những người yêu nước có tinh thần quốc gia - dân tộc trong nhân dân. Những người Cộng sản chỉ chiếm số rất ít trong hàng ngũ những người tham gia Việt Minh. Theo số liệu được công bố sau này cả nước lúc đó chỉ khoảng năm nghìn đảng viên, phần lớn lại là những đảng viên mới. Họ hoạt động bí mật và thường giấu kín cả việc họ là đảng viên.
Cùng ngày, De Gaulle lên tiếng. Lúc này ông đang ở Washington để hội kiến với Truman. Người đứng đầu nước Pháp tự do được tổng thống Mỹ dứt khoát công nhận chủ quyền của Pháp ở Đông Dương. Lập trường của De Gaulle lúc này là không thể chấp nhận Đông Dương độc lập. Ông chỉ tuyên bố. "Do thái độ trước kẻ xâm lược và trung thành với nước Pháp, dân chúng Đông Dương xứng đáng được sống sung túc và tự do hơn".
Như thế là còn rất xa so với lập trường của Bảo Đại nêu ra trong thông điệp ngày 17 tháng 8 gửi De Gaulle, bản thông điệp đã khiến người Pháp rất rầu lòng. Giám đốc cơ quan DGER - Tổng nha nghiên cứu và tư liệu tức Cục tình báo Pháp sau này, là A. Boutheret - viết cho Laurentie, giám đốc chính trị của Bộ Thuộc địa: "Đề nghị của Bảo Đại đưa ra đúng vào lúc tướng De Gaulle đang thương lượng với Mỹ, đã đẩy chúng ta vào một tình thế cưc kỳ tế nhị. Nhân nhượng tối đa của chúng ta là độc lập của Liên bang Đông Duơng trong khuôn khổ Liên hiệp Pháp". Đó là sự phản ứng duy nhất của De Gaulle đối với thông điệp của Bảo Đại nhưng vẫn được giữ kín. Trong Hồi ký chiến tranh, tướng De Gaulle không hề nhắc đến bức thư đó. Lúc này nước Pháp không có ý định trao trả độc lập cho Annam và chắc chắn không thừa nhận những gì đã thoả thuận giữa Nhật và Việt Nam. Hai ngày sau, René Pleven, Bộ trưởng Thuộc địa viết:
"Vấn đề gay cấn hiện nay là làm sao giúp cho nhũng nhân vật như Bảo Đại có thể thoái lui mà không mất mặt hoàn toàn. Điều đó không có nghĩa là chúng ta phải tiếp tục dùng ông ta".
"Chắc chắn là uy tín của Bảo Đại đã bị giảm sút nghiêm trọng sau khi ông ta tìm cách khôi phục quyền lực muộn màng bằng cách biên mình thành công cụ của người Nhật".
***
Một đơn vị biệt kích Pháp, mang mật danh Lambda được máy bay Anh đưa từ Calcutta đến nhảy dù xuống miền rừng núi phía tây Thừa Thiên cách Huế hai mươi tám cây số vào ngày 22 tháng 8 năm 1945. Cầm đầu là đại uý Castelnat(3), người bạn cũ, nguyên sĩ quan hầu cận của Bảo Đại. Sáu người trong đội biệt kích được lệnh bằng mọi giá phải liên lạc được với Bảo Đại yêu cầu ông hãy đừng vội thoái vị để chờ người Pháp trở lại.
Một nhân chứng, Elula Perrin, đã giải thích trong một cuốn sách được công bố bốn mươi năm sau: "Những người Pháp mới ở chính quốc cho rằng những người Pháp cũ ở Đông Dương là những kẻ đã cộng tác đắc lực với người Nhật. Họ không tin những người này nên khi nhảy dù xuống vùng rừng núi đã tìm cách liên lạc với những người dân bản xứ đã chiến đấu chống Nhật, tức là những người cùng trong mặt trận chống phát-xít như họ, để hy vọng nhận được sự ủng hộ".
Đội biệt kích đã không đến được thành phố Huế. Vừa xuống đất họ đã bị Việt Minh chặn đánh và bắt làm tù binh, cùng với vũ khí, điện đài và đầy đủ tài liệu Họ đã đến quá chậm. Lực lượng cách mạng thấy cần phải tăng cường sức ép để buộc Nhà vua thoái vị ngay để ngăn chặn hậu hoạ. Nhà vua cũng biết rằng mình nhiều năm là công cụ ngoan ngoãn và trung thành của chính quyền bảo hộ nên không được lòng nhân dân. Một mặt ông thấy khó mà cưỡng lại ý chí của nhân dân, mặt khác tuy không muốn bị Pháp lợi dụng một lần nữa nhưng cũng không đủ sức chống lại âm mưu dụ dỗ của chúng. Trong cảnh ngộ của ông lúc này, ông chỉ vớt vát được đôi chút thể diện là nhanh chóng chấp nhận từ bỏ ngai vàng trao ấn kiếm tượng trưng quân quyền cho Việt Minh và sẵn sàng cùng với nhân dân ra sức giữ gìn nền độc lập.
Ngày 22 tháng 8, được tin Việt Minh đã chiếm chính quyền ở Hà Nội và nhiều nơi khác trong nước Nhà vua vẫn hy vọng có thể giữ được ngôi báu bằng cách giao cho Việt Minh lập nội các mới. Ông ban chiếu mời thủ lĩnh Việt Minh vào Huế lập nội các(4). Ông không biết trước đó tại Hà Nội đã có cuộc tiếp xúc bí mật giữa Khâm sai Bắc bộ Phan Kế Toại và cả Thủ tướng Trần Trọng Kim với đại biểu Việt Minh, trong đó Việt Minh đã khước từ lời mời hợp tác mà kiên quyết đòi chính phủ họ Trần từ chức, giao toàn bộ chính quyền cho Việt Minh. Ngay tại Thừa Thiên, nhân dân đã hưởng ứng lời kêu gọi tổng khởi nghĩa của Việt Minh, nổi dậy lập chính quyền cách mạng ở một số huyện trong tỉnh.
Đúng hôm sau, ngày 23 tháng 8, Việt Minh tỉnh Thừa Thiên (mang mật danh Nguyễn Tri Phương) chủ trương biến cuộc míttinh chào mừng việc Nhật trao trả Nam kỳ thành cuộc biểu tình tuần hành võ trang khởi nghĩa lập chính quyền cách mạng tại thành phố Huế.
Trong lúc hàng chục vạn dân các phủ, huyện trong tỉnh Thừa Thiên và nội thành Huế, cờ biển rợp trời, vừa đi vừa hô khẩu hiệu, nườm nượp kéo về sân vận động Huế thì một tối hậu thư, lời lẽ khô khan, cương quyết, gần như thô bạo, được dán kín và gửi cho Triều đình. Chính Nhà vua đã tự tay mở thư đọc:
- Lực lượng cách mạng Việt Nam khắp cả nước và ở Thừa Thiên-Huế đã sẵn sàng khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân. Quân Nhật đã đầu hàng không có quyền lực gì ở Việt Nam và chính quyền Nam triều càng không thể tồn tại được nữa.
- Yêu cầu chính quyền Nam Triều phải giải tán và vua Bảo Đại phải tuyên bố thoái vị ngay.
- Chính quyền cách mạng thuộc về nhân dân tuyên bố bảo đảm tính mệnh và tài sản cho Hoàng gia và toàn thể nội các, kể cả gia đình họ. Đối với lăng tẩm của các vua ngày truớc cách mạng vẫn giữ nguyên vẹn, không làm gì hư hại.
Hạn trả lời chậm nhất là 13 giờ 30 ngày 23 tháng 8 năm 1945.
- Ông Phạm Khắc Hòe được Việt Minh chỉ định làm người liên lạc giữa Nhà vua và chính quyền cách mạng(5).
Ký tên và đóng dấu
Việt Minh Nguyễn Tri Phương.
Làm thế nào bây giờ? Bảo Đại thấy mình đơn độc. Đọc xong bức thư, ông bực dọc đứng dậy quay vào trong nhà nói: "Thôi mặc kệ các ông, các ông muốn làm chi thì làm".
Bên ngoài, đường phố chuyển động, tiếng reo hò xen lẫn tiếng hô khẩu hiệu như sấm dậy. Trong Đại Nội, tâm trạng mọi người hoảng loạn. Lúc này "ngôi báu" cũng chẳng có nghĩa lý gì với mạng sống của mọi người trong hoàng gia. Hơn sáu chục năm qua, kể từ khi vua Tự Đức băng hà (1883), hoàng cung đã chứng kiến nhiều chuyện vua bị phế truất rồi bắt bỏ ngục, bức tử, đem đi dày biệt xứ... Đâu đó tiếng tụng kinh niệm Phật râm ran, cố lấy lại bình tâm, cầu mong Đức Phật độ trì tai qua nạn khỏi. Nhà vua và Hoàng hậu cùng với bà Hoàng thái hậu cố tỏ ra điềm tĩnh nghe ngóng tình hình, nhưng mọi người không khỏi lo sợ quần chúng biểu tình ùa vào trong hoàng cung và một cuộc tàn sát có thể xảy ra.
Đúng 12 giờ 25 phút ngày 23, nội các lâm thời họp cấp tốc do Nhà vua chủ toạ. Không phải bàn nhiều, mọi người nhất trí chấp nhận tất cả các điều kiện của Việt Minh đưa ra. Thủ tướng Trần Trọng Kim nói giọng mát mẻ như muốn ám chỉ ông Hòe là người của Việt Minh:
- Thôi, bây giờ thì mọi việc do tay ông Hòe quyết định cả?
Nhưng không ai là không biết chính ông Kim cũng như nhiều người trong nội các của ông, những lúc hiểm nguy đã đi tìm sự che chở của người Nhật.
Tan họp, Phạm Khắc Hòe thảo ngay thư trả lời chấp nhận thoái vị ngay của Nhà vua và được lệnh chuyển ngay cho Việt Minh đang chủ trì cuộc míttinh ở sân vận động Huế tuyên bố thành lập chính quyền nhân dân toàn tỉnh Thừa Thiên và thành phố Huế.
Tối hôm đó, tin khởi nghĩa thành công tại Huế và Vua Bảo Đại nhận thoái vị đã được điện báo cáo ngay cho Hà Nội(6). Sáng hôm sau, 24 tháng 8 lại một bức điện ngắn do Uỷ ban nhân dân Bắc bộ gửi vào:
"Một chính phủ nhân dân cách mạng lâm thời đã thành lập, chủ tịch là cụ Hồ Chí Minh. Yêu cầu đức Vua thoái vị ngay đế củng cố nền độc lập và thông nhất nước nhà".
Sau này tin đầy đủ hơn cho biết: Chiều ngày 21 tháng 8 năm 1945 tại Hà Nội một nhóm trí thức và sinh viên họp ở Việt Nam học xá đã nhất trí yêu cầu Nhà vua thoái vị, trao chính quyền cho chính phủ lâm thời do Việt Minh thành lập(7).
Lúc này, ông Hòe đã đi dò hỏi được các nguồn tin đáng tin cậy cho biết lãnh tụ Việt Minh chính là Nguyễn Ái Quốc và Hồ Chí Minh cũng chính là Nguyễn Ái Quốc.
Vả lại, trưa hôm trước, Nhà vua đã chấp nhận tối hậu thư của Việt Minh Thừa Thiên-Huế là thoái vị ngay cho nên lúc này chẳng còn gì để trù trừ nữa. Hồi 15 giờ ngày 24 tháng 8 năm 1945 Bảo Đại lệnh cho Ngự tiền văn phòng trả lời ngay cho Uỷ ban Nhân dân Bắc bộ: "Khâm phụng Hoàng đế, sắc văn phòng tôi trả lời bức điện 6-T của quý Uỷ ban rằng Ngài vui lòng thoái vị ngay và đã sắp đặt sẵn sàng nhưng vì có trách nhiệm đối với lịch sử và toàn thể quốc dân và muốn chính phủ mới chính thức ra mắt quốc dân một cách long trọng Ngài mong ông chủ tịch chính phủ gấp về Thuận Hoá đế Ngài sẵn sàng giao chính quyền và Ngài muốn ông cho biết ngày làm lễ ấy. Đồng thời Hoàng đế lại sắc văn phòng tôi sao chuyển bức điện văn này cho các nhà đương chức Nhật Bản và Uỷ ban nhân dân cách mạng Thuận Hoá biết" (8).
Ngay buổi chiều ngày 25 tháng 8 ông Hòe được lệnh niêm yết tại Phu Văn Lâu "Chiếu thoái vị và tuyên chiếu gửi hoàng tộc", đồng thời sao gửi các Khâm sai Bắc Bộ, Nam Bộ và các tỉnh trưởng tại Trung Bộ.
Ngày 26 tháng 8, thêm một bức điện nữa từ Hà Nội gửi vào, lần này là của Uỷ ban Dân tộc giải phóng:
"Hoan nghênh Nhà vua đã thoái vị, nhường chính quyền cho Việt Minh là đại biểu của các tầng lớp dân chúng. Ngày 27 tháng 8 đoàn đại biểu Chính phủ lâm thời sẽ lên đường đi Thuận Hoá"(9).
Tất cả dường như đã kết thúc. Chiều 26 tháng 8, Nhà vua làm lễ cáo yết thoái vị với tổ tiên tại Thế miếu, có thông báo mời đông đủ "văn võ bá quan" đến dự, nhưng chẳng có ai đến trừ có mấy người còn ở lại đến phút chót. Sau đó họ đến điện Kiến Trung để bái yết Nhà vua và Hoàng hậu lần cuối cùng. Họ xếp hàng đôi hai tay chắp trước bụng, vái chào. Bảo Đại nét mặt vẫn lạnh lùng, thản nhiên nhưng Nam Phương lặng lẽ khóc thầm, để yên những giọt nước mắt lăn trên gò má.
Bà cho người đem trả chiếc mũ có đính chín con phượng hoàng bằng vàng cho Ngự tiền văn phòng nhưng Phạm Khắc Hòe không nhận, lấy lý do là tài sản quốc gia sẽ được kiểm kê sau... Nhưng ông vui vẻ nhận chiếc cặp da láng bóng của bà và bộ cúc áo chẽn bằng hổ phách nạm vàng của Bảo Đại tặng riêng ông Hòe làm kỷ niệm. Trong buổi trò chuyện tâm sự chiều hôm đó với ông Hòe về cuộc sống dân thường sau khi rời bỏ ngai vàng, Bảo Đại cảm thấy trong người nhẹ nhõm như vừa thoát khỏi một tình huống khó xử. Ông không có nhiều tài sản cá nhân. Tất cả những gì ông được hưởng đều thuộc về nhà nước. Ông không có gì ngoài chiếc xe 11 CV Citroen tậu bằng tiền được bạc khi sang Pháp chữa chân năm 1939. Ông còn sở hữu một đồn điền chè và hai chiếc xe tải còn tốt. Chè có thể khai thác để bán. Xe tải có thể cải tạo thành xe chở khách. Và sẽ lại đi săn không chỉ là thú vui mà đem thú săn được làm thịt bán. Sừng hươu, nai và xương hổ sẽ nấu cao, đem bán làm thuốc bổ và chữa được nhiều bệnh(10).
Mấy hôm sau ông Tổng lý văn phòng kiểm kê các đồ châu ngọc trong kho báu vật của Hoàng cung được tàng trữ trong căn hầm lớn đặt dưới mái sau điện Cẩn Chánh. Hàng năm vào ngày hai mươi tháng chạp âm lịch, triều đình làm lễ đưa báu vật ra lau chùi, kiểm kê. Chỉ có các quan từ nhị phẩm trở lên mới được dự lễ này và phải tự tay mình đưa ra lau chùi quét sạch bụi bặm sau đó lại đưa xuống hầm chờ đến năm sau.
***
Ngày 27 tháng 8, hai ngày sau khi về Hà Nội, Hồ Chí Minh mở rộng thành phần Uỷ ban Dân tộc Giải phóng, mời một số nhân sĩ trí thức ngoài Việt Minh tham gia và đổi thành Chính phủ lâm thời đồng thời cử một phái đoàn chính phủ gồm ba người, có một tiểu đội giải phóng quân hộ tống rời Hà Nội đi trên hai chiếc ôtô lên đường vào Huế, trưởng đoàn là Trần Huy Liệu, Bộ trưởng Tuyên truyền cổ động, nguyên Phó chủ tịch Uỷ ban Dân tộc Giải phóng ngoài ra còn có Nguyễn Lương Bằng, đại diện Tổng bộ Việt Minh, Cù Huy Cận, Bộ trưởng không bộ trong Chính phủ lâm thời.
Dọc đường đi đến đâu cán bộ địa phương và đồng bào hễ thấy có đoàn chính phủ từ Hà Nội vào là giữ lại để hỏi thăm tin tức, có nơi tụ tập đông đảo để nghe đại biểu chính phủ nói chuyện. Đường xấu, nhiều cây cầu bị bom Mỹ phá sập chưa kịp sửa lại, nhân dân địa phương phải làm cầu phao đặt trên thuyền ghép cho xe đi cho kịp. Gần đến Huế trời lại đổ mưa, mưa to như trút nước. Mãi đến trưa ngày 29 tháng 8, phái đoàn mới đến Huế đi thẳng vào sân vận động, nơi hàng ngàn người tụ tập chào mừng phái đoàn. Nhiều người ở xa đã đến từ tối hôm trước, quần áo ướt sẫm vì trận mưa đêm. Thời tiết mùa này ở Huế hay có mưa rào bất thình lình như vậy. Tiếng hô khẩu hiệu vang dậy tiếp đó là các diễn văn chào mừng, đáp từ, chúc tụng với cách chào Việt Minh: đưa tay nắm ngang tai. Mọi người hoan hô khi Trưởng đoàn Trần Huy Liệu dõng dạc tuyên bố tám mươi năm thống trị thực dân, một nghìn năm chế độ vua quan phong kiến đã chấm dứt. Sau mít tinh, phái đoàn trở về toà Khâm sứ nay là trụ sở Uỷ ban nhân dân Trung Bộ. Sau khi nghe báo cáo, phái đoàn nhất trí chủ trương chung đối với Bảo Đại là khoan hồng, với thái độ mềm dẻo. Tại đây ông Tổng lý Ngự tiền văn phòng chuyển đến Phái đoàn ba đề nghị:
1. Các lăng tẩm, đền miếu của các vị vua chúa nhà Nguyễn được tôn trọng;
2. Chính phủ cách mạng không phân biệt đối xử với người trong hoàng tộc;
3. Cho phép các quan lại cũ trong triều tuỳ theo tinh thần và khả năng được đóng góp vào công cuộc giành độc lập thống nhất và xây dựng đất nước.
Các đề nghị của Nhà vua đều được phái đoàn chính phủ chấp nhận đồng thời phái đoàn cũng yêu cầu: Bảo Đại và gia đình Nhà vua rời khỏi hoàng cung sau khi thoái vị, chỉ được đem theo tài sản đích thực là của riêng; những tài sản trong hoàng cung sẽ do Uỷ ban nhân dân Trung Bộ làm biên bản vào bảo quản; lăng tẩm, đền miếu là công trình của nhân dân xây dựng lên phải là tài sản chung của Nhà nước, họ nhà Nguyễn được đến đây cúng bái tổ tiên, nhưng không được nhận làm của riêng. Hai bên còn thoả thuận trước lúc lễ thoái vị chính thức cử hành, thì cờ vàng của hoàng triều được kéo lên lần cuối cùng trên kỳ đài, khi tuyên bố thoái vị xong sẽ hạ xuống và kéo cờ cách mạng lên. Phái đoàn đề nghị được gặp Nhà vua vào lúc bốn giờ rưỡi chiều hôm sau, 29 tháng 8 (11).
Mấy hôm trước viên quan năm Nhật Bản chỉ huy lực lượng Nhật ở Huế đã ra lệnh tăng cường phòng thủ hoàng thành, chăng thêm dây thép gai ở cầu Trường Tiền và ở các cửa vào thành để bảo vệ an toàn cho hoàng gia. Bảo Đại lúc này tin là tính mệnh đã được chính quyền cách mạng bảo đảm nên đã khước từ sự bảo vệ của Nhật và ra lệnh dỡ bỏ hàng rào dây thép gai, mở rộng các cửa vào Đại nội từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối hàng ngày như cũ. Để đảm bảo thi hành lệnh của Nhà vua, ông còn viết thư gửi tới Bộ chỉ huy Nhật tại Huế.
Chiếc xe ôtô chở phái đoàn chính phủ đúng ngày giờ đã hẹn trước tiến thẳng vào Tử cấm thành, đỗ trước thềm điện Kiến Trung. Các thành viên phái đoàn, nhân dịp này, mặc những bộ quần áo đẹp nhất, thay cho quần áo mặc hồi ở chiến khu không thích hợp trong lúc này.
Nhà vua hôm nay mặc chiếc áo chẽn màu xanh, đầu để trần, cùng với ông Phạm Khắc Hòe tiếp phái đoàn.
Lúc đầu cả hai bên hơi lúng túng trong cách xưng hô. Họ đã chọn cách xưng hô "Ngài", "Nhà vua" và "chúng tôi", để tránh cách xưng hô lỗi thời "hoàng thượng", "trẫm"... Ông tỏ ý vui mừng được trao quyền bính cho chính phủ cách mạng do Nguyễn Ái Quốc đứng đầu.
Ông cho biết ông muốn làm nhiều việc có ích cho dân nhưng đã bị người Pháp ngăn trở. Trong buổi hội kiến, không có mặt Hoàng hậu Nam Phương, Bảo Đại dường như cảm động một cách chân thành. Cuộc hội kiến rất ngắn, diễn ra chỉ gần nửa giờ. Hai bên thoả thuận sẽ tổ chức lễ thoái vị long trọng vào bốn giờ chiều hôm sau, 30 tháng 8. Mặc dù thái độ hoà giải với giọng nói ôn hoà, mềm mỏng tỏ rõ độ lượng khoan hồng của cách mạng nhưng Bảo Đại hơi thất vọng không được tự tay trao quyền bính cho người đứng đầu chính phủ cách mạng.
Sau cuộc hội kiến với Bảo Đại, phái đoàn chính phủ về nghỉ tại Uỷ ban nhân dân Trung Bộ đặt tại Toà Khâm sứ Trung Kỳ cũ. Qua đường dây liên lạc với Cao Miên và Lào, phái đoàn thông báo tình hình cách mạng đã thành công ở Việt Nam. Phái đoàn đã nghe báo cáo về toán biệt kích Lambda của Pháp gồm sáu người từ Jesorre thuộc Bengale (Miến Điện nay là Myanmar) căn cứ của lực lượng 136 của Bộ chỉ huy Đồng minh ở Đông Nam Á, nhảy xuống Hiền Sĩ cách Huế hơn hai chục cây số, nhằm mục tiêu là tiến về Huế, liên lạc với các nhóm người Pháp kháng chiến chống Nhật để tìm cách lập lại nền thống trị của Pháp khi Nhật đã đầu hàng(12). Viên thiếu tá chỉ huy đội biệt kích Castelnat yêu cầu được ra Hà Nội để liên lạc với đại diện Đồng minh nhất là với phái đoàn Sainteny của Pháp vừa mới tới Hà Nội nhưng không được chấp nhận.
Chiều ngày 30 tháng 8 đông đảo các đoàn đại biểu sáu huyện trong tỉnh Thừa Thiên và các tầng lớp nhân dân kinh thành Huế đã tụ tập trên bãi đất trống giữa cửa Ngọ Môn và kỳ đài để dự lễ thoái vị của Bảo Đại, ông vua cuối cùng của Triều đình phong kiến nhà Nguyễn. Số lượng người đến dự, theo tin loan báo chính thức lên đến mười vạn người, nhưng không đông bằng cuộc míttinh một tuần trước đó tại sân vận động Huế, ngày 23 tháng 8 tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng. Dù sao thì cũng là cuộc tụ tập đông nhất từ xưa đến nay trước cửa Ngọ Môn.
Phái đoàn Chính phủ ngồi xe mui trần từ từ tiến qua cửa chính giữa Ngọ Môn, xưa nay chỉ dành riêng cho Toàn quyền hay Nhà vua trong các nghi lễ chính thức. Đoàn quân nhạc kèn đồng sáng loáng và một đơn vị giải phóng quân Việt Minh, mặc quân phục chỉnh tề nhưng không mang cấp hiệu, lưỡi lê tuốt trần lập hàng rào danh dự rất uy nghi, ngoài ra còn có lực lượng bảo an, cảnh sát trật tự, lính cứu hoả hàng ngũ chỉnh tề. Hoàng thân Vĩnh Cẩn, em họ Bảo Đại, thay mặt hoàng tộc cùng một số thượng thư, quan lại cũ của Triều đình và các quan khách của chính quyền cách mạng ở địa phương cũng được mời lên lễ đài đặt trên lầu Ngũ Phụng. Khác với các lễ tấn phong trước kia, bà Thái hậu Từ Cung và Hoàng hậu Nam Phương đều không được mời dự. Bảo Long cùng với mẹ theo dõi quang cảnh buổi lễ từ một góc cửa sổ trên điện Kiến Trung. Tâm trạng rối bời, những cảm tưởng nặng nề xen lẫn lo âu sợ hãi, bà Hoàng hậu tưởng tượng mình như là Hoàng hậu nước Pháp Marie Antoinette sắp bị truy bắt rồi bị chặt đầu cũng với chồng là vua Louis XVI.
Những người cách mạng muốn lễ thoái vị được tổ chức trọng thể và trang nghiêm. Nhà vua trong bộ đại triều phục mặc hoàng bào có thêu rồng trước ngực, đầu chít khăn vàng, quần lụa trắng, chân đi giày thêu, tiến lên phía trước, những người đi theo đứng lùi phía sau. Một lính thị vệ kéo lá cờ vàng của chính thể quân chủ lên cột cờ. Tiếng súng lệnh nổ vang mở đầu buổi lễ.
Trong đám quần chúng có mặt một số người thấy lá cờ vàng lại tung bay trên kỳ đài không giấu nổi tâm trạng bực bội tuy họ đã được báo trước đây chỉ là một nghi thức cần thiết và cái vinh dự cuối cùng này chỉ kéo dài trong chốc lát.
Ông Trưởng đoàn đại biểu chính phủ lâm thời Trần Huy Liệu nói lên ý nghĩa quan trọng của buổi lễ long trọng hôm nay không những chỉ là lễ thoái vị của Nhà vua, chuyển giao chính quyền cho cách mạng mà còn đánh dấu sự sụp đổ chế độ phong kiến vua quan đã tồn tại hàng ngàn năm trong lịch sử. Ông vui mừng báo tin chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đứng đầu là chủ tịch Hồ chí Minh sẽ ra mắt quốc dân ngày 2 tháng 9 để đọc Tuyên ngôn Độc lập trước quốc dân và toàn thế giới. Tiếp đến Hoàng đế Bảo Đại trịnh trọng đọc "Chiếu thoái vị". Ông xúc động không nói nên lời. Khán giả dù có nghe qua loa phóng thanh vẫn không nghe rõ. Có thể ông ít nói tiếng Việt, nhất là trước đám đông. Tuy nhiên quần chúng hiểu rằng Bảo Đại chuyển giao quyền lực cho chính phủ dân chủ và ông thỉnh cầu:
1. Đối với tôn miếu và lăng tẩm của Liệt thánh, chính phủ mới xử trí như thế nào cho có sự thể.
2. Đối với các đảng phái đã từng phấn đấu cho nền độc lập quốc gia nhưng không đi sát phong trào dân chúng, chính phủ sẽ lấy sự ôn hoà xử trí đế những phần tử ấy cũng có thể giúp vào sự kiến thiêt quốc gia và tỏ rằng chính phủ Dân chủ Cộng hoà nước ta đã xây đắp trên sự đoàn kết của toàn thể quốc dân.
Đối với hoàng tộc, Nhà vua kêu gọi: "bà con trong hoàng tộc... ai ai cũng vui lòng để nghĩa nước lên trên tình nhà mà đoàn kết chặt chẽ với toàn thể quốc dân để ủng hộ chính phủ dân chủ cộng hoà, giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc…".
Bảo Đại kết thúc bản tuyên bố thoái vị bằng câu nói nổi tiếng. "Trẫm ưng làm dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ, quyết không đế cho ai lợi dụng danh nghĩa của Trẫm hay của hoàng gia đế lung lạc quốc dân " và hô: "Việt Nam độc lập muôn năm! Dân chủ Cộng hoà muôn năm!". Hai báu vật biểu tượng của quyền lực, thanh kiếm vàng nạm ngọc, chiếc quốc ấn nặng gần tám kilô đúc từ thời Minh Mạng được Nhà vua thay mặt cho quân quyền trịnh trọng trao tận tay cho đại biểu chính phủ cách mạng. Sau khi cờ vàng quẻ ly tượng trưng cho quân quyền hạ xuống - lần này thì vĩnh viễn, ngay lập tức, tiếng súng lệnh nổ vang trong lúc lá cờ đỏ sao vàng tượng trưng cho chính thể dân chủ cộng hoà kéo lên. Tiếng hoan hô lại vang lên ầm ầm như sấm. Đối với vài trăm quan lại, công chức chính quyền Nam triều cũ, việc thoái vị thế là đã hoàn tất. Không còn Hoàng đế, không còn Bảo Đại. Chỉ có một công dân mới mang tên Nguyễn Vĩnh Thuỵ, cái tên trong sổ Tôn nhơn phủ, chỉ được gọi khi còn đi học lúc nhỏ... Tiếp đến vị Trưởng phái đoàn chính phủ Trần Huy Liệu phát biểu nói lên ý nghĩa quan trọng của lễ thoái vị chính thức chuyển sang quyền hành chính phủ dân chủ cộng hoà, một sự kiện có ý nghĩa lớn trong lịch sử kết thúc chế độ phong kiến tồn tại từ nghìn năm nay.
Mọi việc coi như đã xong. Nhưng những người có mặt trên lễ đài có một phút bối rối. Một khoảng trống nhỏ. Còn thiếu một cái gì đó chăng? Một lời nói, một cử chỉ hữu nghị, cảm thông? Thấy vậy đại diện Tổng bộ Việt Minh Nguyễn Lương Bằng nhanh trí gài trên ngực ông chiếc huy hiệu màu đỏ tượng trưng cho quốc kỳ có ngôi sao vàng ở giữa, chắc hẳn là sát hình tượng con rồng thêu trên hoàng bào Vua đang mặc trên người.
Một lần nữa quần chúng lại vỗ tay hoan hô sau khi nghe ông trưởng đoàn Trần Huy Liệu phát biểu: "Từ nay cựu Hoàng đế Bảo Đại được gọi là công dân Vĩnh Thuỵ". Các quan khách trên lễ đài chắp tay nghiêng mình vái chào người công dân mới Vĩnh Thuỵ, có người ngượng nghịu nâng nắm tay phải lên ngang tai chào theo kiểu Việt Minh.
Buổi lễ thoái vị kết thúc. Mọi người hân hoan hồ hởi diễu qua lễ đài rồi mới giải tán vui vẻ ra về. Cựu hoàng lặng lẽ trở về điện Kiến Trung. Bà Nam Phương đang rầu rĩ, sụt sùi giọt lệ chờ đợi. Ngạc nhiên thấy chồng trở về yên lành, không bị cách mạng dẫn đi sau lễ thoái vị nhưng bà không che giấu nổi niềm chua xót thấy triều đại nhà Nguyễn thế là chấm dứt hẳn.
Nhưng cộng đồng quốc tế ngay cả ở khu vực châu Á có vẻ như dửng dưng trước sự kết thúc của triều đại phong kiến Việt Nam. Tin Nhật Bản đầu hàng Đồng minh, chiến tranh Thái Bình Dương chấm dứt, các chính quyền thân Nhật trong khu Thịnh vượng chung Đại Đông Á theo nhau sụp đổ không làm mấy ai bận tâm bằng trăm công nghìn việc trong những tuần lễ hoà bình đầu tiên ở chính nước họ.
Có phải Bảo Đại đã chấp nhận lý tưởng dân chủ cộng hoà của Việt Minh không? Tại sao không thể có giải pháp dung hoà, giữ lại ngôi báu làm tượng trưng nhưng vẫn giao thực quyền cai trị cho cụ Hồ? Ai cũng biết trong chương trình Việt Minh nhiệm vụ giải phóng dân tộc lật đổ chế độ thống trị thuộc địa được đặt lên hàng đầu. Nhưng cũng trong chương trình Việt Minh đã nêu lên khẩu hiệu thành lập chế độ dân chủ cộng hoà, vậy liệu có chấp nhận một chế độ quân chủ lập hiến không? Ông Hồ Chí Minh trong thâm tâm có tính đến một công thức thoả hiệp, ít ra là trong thời gian đầu khi nền độc lập chưa được củng cố từ bên trong và chưa được thế giới công nhận từ bên ngoài hay không? Đối với Đồng minh, Bảo Đại là kẻ hợp tác với quân phiệt Nhật, dù chỉ vẻn vẹn trên năm tháng, liệu họ có chấp nhận chính quyền mới do Bảo Đại đứng đầu không. Hoàn cảnh lịch sử Việt Nam thời kỳ này, không tìm đâu ra một nhân vật trong hoàng tộc có tinh thần chống Nhật nghĩa là đứng về phe Đồng Minh để có thể cùng với Việt Minh đứng ra nói chuyện với phe Đồng Minh, vận động họ công nhận chính quyền mới. Duy trì thêm một thời gian nữa chế độ quân chủ dù là dưới hình thức quân chủ lập hiến, hoãn lại sự thoái vị một thời gian có thể góp phần nâng cao uy thế của cách mạng, hạn chế sức phản kháng của các thế lực đối lập, nhưng không đủ để bào chữa cho một chế độ đã quá nhiều bê bối, đàn áp phong trào nông dân Tây Sơn và nhiều phong trào nông dân khác từ thế kỷ XVIII, đã để mất nước cho thực dân Pháp sau đó lại cam chịu làm tay sai ngoan ngoãn cho chế độ bảo hộ hết Pháp lại Nhật. Không nên quên rằng lý tưởng dân chủ cộng hoà không phải chỉ nảy nở trong nhân dân Việt Nam từ khi có phong trào Việt Minh, có Đảng Cộng sản mà rất lâu trước đó, từ khi phong trào Đông Du tan rã.
Cùng ngày 30 tháng 8, thông tấn xã Nhật Domei loan tin: "Nhà vua Việt Nam định lập một chính phủ mới. Ông mời đảng cách mạng vào Huế để lập chính phủ mới, lập nên đa số cánh tả trong chính quyền mới".
Quả thật, sau ngày chính phủ Trần Trọng Kim từ chức mồng 5 tháng 8, Bảo Đại đã giao Trần Trọng Kim mời một số cựu chính trị phạm cũ tham gia chính phủ mới, nhưng không một ai hưởng ứng.
Người ta nhớ lại ngày 22 tháng 8 năm 1945 nghĩa là ba ngày sau Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội, và một ngày trước khởi nghĩa ở Huế, Nhà Vua vẫn hi vọng có thể cứu vãn ngôi báu, mời thủ lĩnh Việt Minh vào Huế để lập nội các mới trong khi chờ nội các này triệu tập Quốc hội để quyết định chính thể.
Lễ thoái vị vừa kết thúc, Hoàng đế và Hoàng hậu họp tất cả những gia nhân, hầu cận, thị vệ thị nữ để thu dọn đồ đạc giao lại hoàng cung cùng tài sản công của Triều đình cho chính quyền cách mạng, đại bộ phận cho về gia đình quê hương bản quán. Những đồ dùng cá nhân, quà biếu có thể mang theo. Vua đã thoái vị, triều đình đã không còn, nền quân chủ đã bị thủ tiêu. Sự có mặt của họ ở những nơi nguy nga này không còn lý do tồn tại.
Cảnh ngộ nước đôi của cựu hoàng dần dần lộ rõ. Bảo Đại nay không còn đặc quyền của một Hoàng đế, được hưởng mọi quyền tự do của công dân, nhưng cũng có nghĩa vụ phải chấp nhận một số hạn chế: ông được lệnh phải chấm dứt mọi liên hệ với người nước ngoài nhất là với những người bạn cũ Pháp, Nhật. Sự cấm đoán này là cần thiết để đề phòng mọi tình huống phức tạp có thể xảy ra.
Sau lễ thoái vị, không khí đường phố vẫn náo nhiệt khí thế dường như muốn thay đổi nếp sống tĩnh lặng quen thuộc của người dân xứ Huế. Không mấy ngày là không có những đoàn quần chúng diễu hành trên hai bờ sông Hương. Những tiếng loa, những tiếng hô khẩu hiệu, những nhịp trống ếch của thiếu nhi, những tiếng hát đồng ca vang trên đường phố. Tưng bừng, hồ hởi nhưng không phải không có những tiếng thét căm hờn, những vụ bắt bớ, những tình cảnh cay đắng, những phiên toà cách mạng tuyên án tử hình và án quyết thi hành ngay lập tức. Nhưng nhìn chung chế độ thay đổi quá êm ả, cứ như là đã có sự dàn xếp đâu vào đấy từ trước. Với một số người, tưởng như Hồ Chí Minh và Bảo Đại đã hành động theo một kế hoạch chung được vạch ra một cách tỉ mỉ: Bảo Đại lợi dụng Nhật để tuyên bố độc lập, xoá bỏ các hiệp ước bảo hộ do các triều vua trước đã ký với Pháp, tuyên bố nền dộc lập của Việt Nam để một thời gian ngắn sau đó Nhật bại trận thì Nhà vua thoái vị, lặng lẽ trao chính quyền cho Việt Minh và Việt Minh đã chiến đấu bên cạnh Đồng minh nên có tư cách để giao dịch với Đồng minh yêu cầu họ công nhận độc lập.
Làm thế nào có thể tách bạch cái gì thuộc về nhà nước, cái gì thuộc về gia đình Nhà vua và Hoàng hậu?
Ông bộ trưởng Lao động Lê Văn Hiến một cựu chính trị phạm đã bị kết án năm năm khổ sai trong nhà ngục Kontum, trên đường ra Bắc nhận nhiệm vụ, đã được Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ kiểm kê tài sản trong hoàng cung mà Phạm Khắc Hòe đã chuẩn bị bước đầu.
Công việc của ông tiến hành không mấy khó khăn. Hoàng gia không tham gia vào việc xác định xem từng đồ vật cái nào thuộc về họ. Người đại diện của chính phủ cách mạng cũng có thái độ rộng rãi. Máy bay, ôtô được coi là quà biếu của Pháp, vậy thì để lại cho cựu hoàng sử dụng. Nhưng cựu hoàng nhất định nhường lại cho cách mạng, nhất là hai chiếc máy bay để huấn luyện phi công(13). Sau cuộc trao đổi hữu nghị ấy, một bảng liệt kê dài được trình lên Bộ trưởng. Mẹ con bà Nam Phương không mang theo những gì thuộc tài sản nhà nước, tuy nhiên, cũng đến khoảng bốn chục hòm đồ đạc Việc thu dọn để ra ở bên ngoài hoàng thành tiến hành rất khẩn trương, chỉ nửa ngày là xong. Một đoàn người dài như trong một cuộc rút lui hay một cuộc di cư lũ lượt ra khỏi cửa thành. Một số mang theo đồ đạc nặng quá không đủ sức đem hết phải bỏ lại trên cầu Trường Tiền, cây cầu sắt đồ sộ và duyên dáng bắc qua sông Hương gần trước cổng thành.
Cho đến chiều ngày 31 tháng 8 bà hoàng thái hậu Từ Cung cùng mẹ con bà Nam Phương và gia nhân đã dọn hết đồ đạc tài sản riêng về An Cựu ở trong cung An Định trước đây là nơi nghỉ hè của hoàng gia. Trong lúc Bảo Đại còn đang hoàn thành việc bàn giao thì ông Tôn Quang Phiệt, chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế chuyển đến cho cựu hoàng một bức điện khẩn: "Chính phủ lâm thời mời công dân Vĩnh Thuỵ ra Hà Nội làm cốvấn tối cao cho chính phủ. Nếu nhận lời, sẽ có những chỉ dẫn cần thiết đế ông cố vấn có thể ra Hà Nội sớm nhất. Ký tên: Hồ Chí Minh". Ông cựu hoàng đọc đi đọc lại bức điện, mặt tái đi, nghĩ đây có phải là một cuộc đi đày trá hình chăng. Một lần nữa Vĩnh Thuỵ lại nhún vai, đưa bàn tay trái lên ngang cổ, lẩm bẩm nói một câu tiếng Pháp: "Đã đến cổ rồi có lên thêm một chút nữa cũng chẳng can chi"(14). Nhưng ông trấn tĩnh được ngay, lập tức nghĩ đến việc cử ai đi tháp tùng. Ông Hòe hay Hoàng thân Vĩnh Cẩn? Ông cựu Tổng lý Ngự tiền văn phòng hối thúc cựu hoàng nên nhận lời và khuyên "Về người đi theo, nên hỏi ý kiến Hà Nội".
Vậy là ông sẽ ra sống và làm việc tại Hà Nội, thủ đô mới của chế độ Cộng hoà. Một thành phố ông hình như cả đời làm vua chỉ đến một lần từ khi ở Paris về, vào thời mà người Pháp cho ông đi thăm đất nước trước khi nắm quyền bính.

Chú thích:

(1) Xem toàn văn tờ Chiếu ngày 17 tháng 8.
(2) Hai thanh niên Việt Minh được giao hạ lá cờ vàng của Nhà Vua, kéo cờ đỏ sao vàng của Việt Minh là Đặng Văn Việt và Nguyễn Thế Lương, cả hai đều là thanh niên trí thức ở Huế. Sau này trong kháng chiến chống Pháp, Đặng Văn Việt là Trung đoàn trưởng, nổi tiếng trong các trận đánh trên Đường số 4, mặt trận Cao Bắc Lạng và Nguyễn Thế Lương là Cục phó Cục Quân Báo Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam. Viên lãnh binh chỉ huy lính khố vàng bảo vệ kỳ đài đã kể lại rằng ông đã dàn quân chuẩn bị chống lại, nhưng Bảo Đại sau khi được tin báo, đã can ngăn: "Chớ, chớ! Việt Minh đấy! Các ngươi mà nổ súng thì Trẫm là người chết trước đó" - xem Hồi ký Đặng Văn Việt, Người lính già Đặng Văn Việt, chiến sĩ Đường số 4 anh hùng, Nhà xuất bản Trẻ, T.P. Hồ Chí Minh, 2004 (B.T).
(3) Có tài liệu viết là Castella (B.T).
(4) Báo Đông Phát xuất bản tại Hà Nội ngày 25 tháng 8 năm 1945. Đáng chú ý là tờ chiếu này không được Phạm Khắc Hòe nhắc đến trong hồi ký "Từ Triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc", Nhà xuất bản Thuận Hoá, 1987. Nguyên văn tờ chiếu ngày 22 tháng 8 năm 1945.
(5) Phạm Khắc Hòe, "Từ Triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc", Nhà xuất bản Thuận Hoá, 1987. Xem thêm: Tố Hữu: "Nhớ lại một thời", Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin, 2004 (N.D).
(6) Tố Hữu, "Nhớ lại một thời", Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin, 2004 (ND).
(7) Bốn nhà trí thức đã ký tên vào kiến nghị là Nguyễn Xiển, Nguỵ Như Kontum, Nguyễn Văn Huyên, Hồ Hữu Tường. Cuộc họp của trí thức và sinh viên Hà Nội ở Việt Nam học xá ngày 21 tháng 8 cũng như bức điện có bốn nhà trí thức ký tên là hoạt động tự phát. Không có gì chứng tỏ là do Việt Minh giật dây (N.D).
(8) Báo Cứu quốc sốngày 27 tháng 8 năm 1945, và Phạm Khắc Hòe, Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc, Nhà xuất bản Thuận Hoá, 1987.
(9) Báo Đông Phát, xuất bản tại Hà Nội ngày 29 tháng 8 năm 1945.
(10) Phạm Khắc Hòe, sách đã dẫn.
(11) Trần Huy Liệu, Tước ấn kiếm của Hoàng đế Bảo Đại, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 18, tháng 9 năm 1960.
(12) Đặng Văn Việt, Người lính già Đặng Văn Việt, chiến sĩ Đường số 4 anh hùng, Nhà xuất bản Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2004. Chiến lợi phẩm thu được gồm: 6 khẩu Carbine, 6 khẩu súng ngắn Brown Canada 9 mm, 2 điện đài, 2 máy phát điện quay tay, 6 túi quân trang, lựu đạn, đạn được, đồ hộp, thuốc men, bạc nén, tiền Đông Dương, 6 cặp da đựng nhiều tài liệu, giấy bút, bản đồ, la bàn... Cũng xem Philippe Devillers, Paris - Saigon - Hanoi. Les archives de la guerre, 1944-1947, Nhà xuất bản Gallimard, 1988 (ND)
(13) Trong phiên họp ngày 29 tháng 10 năm 1945 của chính phủ, bộ trưởng Lê Văn Hiến đã cho biết ông Vĩnh Thuỵ sẵn lòng cho chính phủ mượn hai chiếc máy bay riêng để chính phủ huấn luyện phi công. Ngày 29 tháng 11, hai chiếc máy bay này đã được tháo cánh chở xe lửa ra Hà Nội, rồi sau đó đưa đi Chiêm Hoá thuộc tỉnh Tuyên Quang làm học cụ cho lớp huấn luyện không quân đầu tiên, năm 1949 (ND).
(14) Hồi ký Phạm Khắc Hòe, (sách đã dẫn).

<< Chương 12 | Chương 14 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 890

Return to top