Bảo Đại ngồi kiệu qua mấy trăm mét nữa ngăn cách điện Kiến Trung với sân rồng là nơi sẽ cử hành lễ. Ông ngồi trên kiệu cao, nhìn được hết quang cảnh xung quanh. Đồ đạc trong điện của ông không giống các đồ gỗ nhiều màu sắc trong hoàng cung. Kia là một chiếc kiệu bằng gỗ do vua nước Pháp tặng một cụ tổ của ông, trông rất đẹp. Giữa thế kỷ XX rồi mà mỗi khi vua đi đâu trong Đại nội đều ngồi trên kiệu. Đó là quy tắc, mà ở đây quy tắc là luật được áp dụng không có giới hạn gẩn như một bức tranh hài hước. Như số lượng người khiêng tuỳ theo địa vị người ngồi trên kiệu. Có kiệu tám, bốn hoặc hai người khiêng như là các xe thổ mộ ở thế kỷ XVIII. Dĩ nhiên, Vua có quyền sử dụng kiệu cần nhiều người khiêng nhất, tức là loại kiệu cần tám người khiêng.
Hôm đó, ngày 7 tháng 3 năm 1939 là một ngày quan trọng. Con trai đầu của ông, hoàng tử Bảo Long được chỉ định làm người kế vị, trở thành Hoàng Thái tử. Một cơ hội mới, một sự hồi sinh. Đứa con trai nhỏ của ông làm vai trò thắt chặt hơn sự hoà hợp với triều đình.
Cuộc hôn nhân với Nam Phương, một tín đồ công giáo đã được năm năm. Vậy việc Bảo Long được tấn phong Hoàng Thái tử chứng tỏ ông quay về xin tha thứ không phải của hàng triệu người dân Việt ít khi gặp mà của hàng ngàn quan lại đang cai trị đế đô.
Đám đông hoan hô ông hôm nay chính là những người năm năm trước đã hờn dỗi với ông buộc ông phải sống nửa ẩn dật như kẻ có tội.
Vua mặc một áo dài vàng. Đó là màu của ông, chỉ riêng ông được dùng. Như lá cờ đuôi nheo chỉ treo khi chiến thắng, là biểu hiện của sức mạnh, của quyền vua.
Ông thiết tha đến việc này. Cũng như ông tha thiết quan tâm đến chiếc khăn vàng quấn quanh trán, đến đôi ủng lót lông đến sự phục tùng của các quan hay các người hầu gặp trong hoàng cung còn đạng chìm đắm trong giấc ngủ, đến hàng nghìn dấu hiệu kính trọng hay tôn thờ, phù phiếm hay đầy xúc động.
Ông tỉnh dậy từ lúc rạng đông, ngủ ít nhưng bộ mặt nhẵn bóng không giữ lại dấu ấn thiếu ngủ. Ông năm nay đã tròn 25 tuổi. Lúc nào cũng ra dáng một vị Hoàng đế trẻ tuổi đẹp trai đúng là bắt đầu trị vì thật sự.
Trong bộ sắc phục truyền thống thêu kim tuyến, trông ông giống hệt tổ tiên ông. Cũng vẫn vẻ trịnh trọng, nghiêm trang trong cử chỉ, ánh mắt. Mặc dù những cải cách hiếm hoi, mặc dù đã cưới một bà Hoàng hậu công giáo, ở đây hình nhừ mọi việc vẫn y nguyên không có gì thay đổi. Hoàng thành vẫn im lìm đắm mình trong tập quán cổ xưa.
Ảnh: Ngày 7-3-1939, tấn phong Hoàng tử Bảo Long Nhà vua đã đến vị trí dành cho mình trên một bệ cao giữa sân rồng, cái sân rồng đầu tiên trước điện Thái hoà được gọi là sân đại triều nghi dành cho các cuộc lễ trọng đại trong triều. Ông nhìn sang bên cạnh xem đã đủ mặt những nhân vật trọng yếu chưa. Ông chú ý đến bà Hoàng Thái hậu Từ Cung lúc này thấy lặng lẽ hơn mọi ngày, bà Hoàng hậu Nam Phương lúc nào cũng rất đẹp, đứng thẳng, hơi lạnh lùng và xa cách. Và cuối cùng đứa con trai bầu bĩnh và bình tĩnh, kiên nhẫn đợi buổi lễ bắt đầu. Bảo Đại thấy thoả mãn trong lòng. Việc tấn phong sẽ diễn ra đúng như dự kiến. Không có sự can thiệp của Toàn quyền Đông Dương, của chính quyền bảo hộ.
Bảo Đại tiếp tục kiểm tra đám đông các quan đại thần rồi lại một lần nữa dán mắt nhìn những người thân trong hoàng tộc. Ông đưa mắt nhìn xem có thấy người em họ Vĩnh Cẩn không. Ông ta cũng ở tuổi thanh niên như ông, có lẽ hơn một chút. Họ coi nhau như bạn thân thiết, xa lánh các mưu mô mánh khóe, các tham vọng. Hoàng thân Vĩnh Cẩn lúc nào cũng đi bên cạnh vua nên có lúc gọi là hoàng tùng đệ Vĩnh Cẩn đôi khi là bạn tâm tình, lắm khi lại là người trung gian truyền mệnh lệnh hay ý muốn riêng của vua. Đó là đôi tai của ông nghe mọi chuyện không phải ở trong triều. Vua ít tiếp xúc với bên ngoài. Huế là một thành phố công chức quan lại chủ yếu là thủ đô của nghi lễ. Mặc dù vẻ huy hoàng trong các thái độ trịnh trọng nghiêm trang của triều đình, của các quan đại thần nhưng thực quyền ở chỗ khác: tại dinh Khâm sứ Pháp, các đồn điền thực dân hay ở các câu lạc bộ chính trị. Tóm lại là quyền lực thật sự không ở trong các toà nhà tráng lệ của trung tâm Đại nội, trong mười hai cung điện trong hoàng cung. Cũng không phải ở nơi làm việc riêng và chỗ ở của gia đình Bảo Đại, một gia đình đông như một bộ tộc, một thị tộc hay một dân tộc của một mình gia đình ông. Không biết dùng làm gì? Khi từ châu Âu trở về Bảo Đại đã tự đặt câu hỏi. Xung quanh Hoàng đế An Nam và triều đình có đến một vạn người cả nam lẫn nữ, tất cả đều là con cháu hậu duệ của một vị vua sáng lập triều Nguyễn là Gia Long từ gần một thế kỷ nay.
Một đám người đông đảo có chức vị, phẩm trật khác nhau, tranh giành đòi hỏi mỗi người một mẩu quyền hành, chờ đợi sự thất sủng hay ân sủng, lợi dụng sự phế truất của vua này để ủng hộ một vua khác. Mười nghìn anh em họ các đời vua kế tiếp nhau đang tranh chấp, phản bội nhau, bày đặt âm mưu này nọ hay chỉ đơn thuần hưởng thụ một đặc ân là sinh từ một gia đình quyền quý. Từ một trăm năm nay nhờ có nhiều vợ các vua đều đông con. Gia Long có năm mươi mốt người con nối nghiệp. Người con trai nối ngôi lấy niên hiệu là Minh Mạng có một trăm bốn mươi hai người con! Mỗi một ngóc ngách xó xỉnh trong hay ngoài hoàng thành đều có căn nhà, mảnh vườn làm nơi trú ngụ và nuôi sống họ hàng con cháu gần xa với vua và không ít trong số này chỉ cam lòng có tên trong danh sách dài dằng dặc những người trong hoàng tộc.
Bé trai Bảo Long đã sinh ra ở đó cách đây ba năm. Vui vẻ biết bao, tự hào biết bao khi cha mẹ biết giới tính của nó. Sinh con trai trong một gia đình An Nam là một tin mừng, một hạnh phúc lớn. Đứa trẻ lớn lên sẽ là người tiếp nối việc thờ cúng tổ tiên, nối dõi tông đường, lưu truyền tên họ. Ở các gia đình người Việt điều khổ tâm, điều bất hạnh lớn là không có con trai nối giõi. Hạnh phúc và hoan hỉ càng gấp bội nếu đứa bé trai đó là con vua. Việc nối ngôi thế là được bảo đảm. Hạnh phúc hơn nữa là Nhà vua, cha đứa trẻ sẽ được lòng dân hơn vì sinh hoàng nam và thể tạng đứa bé lại khỏe mạnh.
Bảo Đại đã viết: "Con trai của chúng tôi là hoàng tử Bảo Long còn trẻ mà được trời phú cho những phẩm chất tự nhiên cao quý, có năng khiếu lỗi lạc, khiến chúng tôi có thể nuôi hy vọng tốt đẹp về tương lai của nó".
Đứa bé được đặt cách mẫu hậu vài bước, trước mặt một dãy triều thần. Một đứa bé kháu khỉnh xinh đẹp.
Không khỏi mủi lòng thấy đứa bé phải chịu đựng những nghi thức trang trọng, rườm rà và nặng nề với chiếc mũ miện và bộ sắc phục hình như không vừa với thân hình đứa bé. Nó không cười, không nhảy nhót chơi đùa, trái lại ngồi yên với dáng vẻ nghiêm trang.
Hôm sau, quan Toàn quyền Đông Dương, người có trách nhiệm cao nhất của chính quyền thuộc địa sẽ viết thư cho Nhà vua để nói rõ ông đã rất xúc động về tính nghiêm túc và trịnh trọng của lễ tấn phong.
Đứa trẻ vẫn nhìn thẳng vào đám đông triều thần che kín mặt đất trong gian phòng để ngai vàng. Một, hai trăm con người. Dáng vẻ nặng nề, lễ phục thêu kim tuyến. Một cảnh tượng oai nghiêm và trịnh trọng trong khung cảnh uy nghi của Đại nội. Các quan lại trong triều đều coi Huế như nhà họ. Đó là thủ đô của họ, thành phố của họ, là sân chơi của họ. Người ta gặp họ ở mọi nơi, ở mọi lúc. Như công chức ở một thành phốhiện đại, hàng ngày họ đến công sở buổi sáng bằng xe tay và về muộn vào buổi tối ở vùng ngoại ô có những lùm cây xanh. Ngày nay họ không còn đi võng sơn son thếp vàng mà đến bằng xe ôtô. Những lính hầu xúm lại, mở lọng che. Cả một đội quân đem theo đồ lề dụng cụ: điếu khảm xà cừ, các loại ấn, bút lông và mực tầu và có khi cả trầu cau, ống nhổ. Họ đều mặc áo dài bằng vóc hay gấm thêu kim tuyến vàng, mũ cánh chuồn, đai lưng rộng có hai cánh tạo cho một một dáng đi mạnh mẽ như quan võ, chân đi ủng dạ đế dày, mũi ngỏng lên. Khi họ bước đi trông nặng nề như thợ lặn, có vẻ như ngập ngừng hay kéo lê đôi chân theo tiến trình của buổi lễ.
Bảo Đại chỉ định con trai đầu lòng làm Hoàng Thái tử. Đó là ý nghĩa của lễ tấn phong, một sự kiện quan trọng, một sự lựa chọn thiêng liêng đối với đứa trẻ. Đến lượt nó, khi vua cha băng hà, nó sẽ làm vua tức Thiên tử (Con Trời) vì ở nước An Nam Vua cũng nắm quyền lực của thế giới bên kia. Lúc này một mình nó như bị cô lập, cách mẫu hậu vài bước, vị vua tương lai im hơi lặng tiếng, hơi ngạc nhiên vì vẻ tráng lệ diễn ra trước mặt nó và vì nó. Nó chẳng hiểu gì về ý nghĩa các nghi thức, nó cũng không hiểu lời tung hô của người đứng đầu hàng các quan đại thần và quan tuyên cáo. Vị vua tương lai mới biết nói và khi nói là nói bằng tiếng Pháp. Làm sao có thể khác được. Bảo Đại và Hoàng hậu chỉ nói trước mặt nó bằng ngôn ngữ của Voltaire vì ngay cả các quan ở phía dưới kia tuy trưởng thành từ chữ nghĩa thánh hiền mà cũng bắt đầu bỏ rơi tiếng nói của tổ tiên.
Tuy vậy ở cuối thành nội, có một cung điện dành cho gia đình Nhà vua. Có một đội ngũ gia sư dạy tiếng Việt cho các con vua. Còn có hai giáo sư nữa, một Thuỵ Sĩ, một Pháp dạy dần dần các môn học khác, thêm một vị cử nhân Hán học nữa dạy viết chữ nho mặc dù ngày nay không dùng nữa. Từ một thế kỷ nay nước Việt Nam đã chấp nhận mẫu tự la tinh.
Việc chỉ định con trai mới lên ba làm thái tử nối nghiệp là một hành động chính trị biểu hiện một sự thận trọng(1). Bảo Đại được tuỳ ý hoãn lại việc chỉ định vào thời gian sau hoặc có thể chỉ định một người nào khác hay giống như vua cha trước đây đợi đến trước khi trút hơi thở cuối cùng mới đưa ra tên người kế nghiệp. Nhưng đáp ứng đòi hỏi của Hoàng hậu Nam Phương, Bảo Đại đã quyết định đi trước một bước chặn đứng cùng một lúc mọi tính toán và tranh giành ngôi thứ cung đình. Nhà vua tương lai sau này sẽ là con trai ông vì ông đã có cơ may sinh được con trai đầu lòng.
Một quyết định đơn giản, bình thường hiện đại như ông muốn, vì ông luôn luôn mong muốn đổi mới một số nghi thức buồn tẻ của triều đình An Nam.
Tất cả những nhân vật trang phục nhiều màu sắc, tụ tập trên cái sân lát gạch rộng lớn, chắp tay vái. Cánh cổng lớn dát vàng ở cửa Ngọ môn, lối vào chính của Đại nội hé mở. Bảy phát súng lệnh vang lên. Bảy phát, mỗi phát một vía, hợp với bảy vía của đứa bé trai, theo tín ngưỡng Việt Nam.
Đứa bé có hai thanh niên đi kèm bên cạnh đã vượt qua cửa Ngọ môn, cửa lễ phước mà bình thường chỉ có Nhà vua đang tn vì mới có quyền đi qua. Thái tử Bảo Long có hai người lớn đi kèm đã đi qua chiếc cửa thiêng liêng này. Chỉ mới ba tuổi. Bằng việc qua cửa này, cả ba đã nhận tước hiệu hoàng tử, con đẻ vua hoặc hoàng thân anh em họ với vua.
Mặc dù Bảo Đại được nhào nặn trong văn hoá phương Tây nhưng ông coi trọng buổi lễ tấn phong này sẽ đưa lại cho con trai ông, thái tử kế nghiệp thêm một vầng hào quang nữa. Còn hai người nữa? Một là Vĩnh Cẩn, anh em con chú con bác và là người bạn tâm giao của Bảo Đại và một người nữa cũng là anh em họ sau này sẽ là đại sứ Việt Nam tại Paris tên là Vĩnh Lộc.
Nhà vua trị vì ngồi trên một chiếc ngai bằng gỗ thếp vàng trong gian đặt ngai vàng đợi đứa con vào ngồi bên cạnh. Dẫn đầu có bốn ông quan đại thần, tứ trụ triều đình, rất thân cận với Nhà vua, có trọng trách khuyên răn, can gián vua, giúp vua dẫn dắt thần dân.
Trời oi bức. Chính Bảo Đại đã đích thân quyết định chọn tháng ba để tổ chức lễ tấn phong con trai ông. Sau đó đến lượt các ông thầy xem tướng số đã xác định rõ thêm nên chọn ngày nào là ngày tốt nhất trong tháng.
Ở Huế bây giờ là cuối mùa mưa cũng không phải thời điểm tốt nhất nhưng chắc là Nhà vua đã nghĩ đến dự định cùng Hoàng hậu đi chơi Pháp vào mùa xuân tới và có lẽ ông muốn tiến hành tấn phong con trai ông trước khi lên đường. Dù sao cũng là mong muốn nếu không nói là lệnh của chính quyền bảo hộ để nếu xảy ra điều bất hạnh, nhà nước bảo hộ không lúng túng trong việc chọn người kế vị.
Hoàng đế tương lai sẽ lấy tên hiệu là Bảo Long. Một quyết định do Gia Long đưa ra cách đây hơn một thế kỷ. Để tránh lộn xộn ông đã sáng tác một bài thơ gọi là "Đế hệ thi" xác định tên cho các triều tiếp theo(2) cho đến thế hệ thứ hai mươi. Duy chỉ có cái mới khá quan trọng là lễ tấn phong phải làm vào buổi sáng và do Toàn quyền Đông Dương chủ toạ. Xưa kia, có sứ giả của triều đình Trung Hoa đến dự. Nước An Nam đã thay đổi nước thần phục bây giờ là nước Pháp, do Toàn quyền Đông Dương là đại diện thường trực và thừa uỷ quyền để nắm quyền cai trị khác với triều đình Trung Hoa trước đây chỉ nặng về danh nghĩa, về biểu tượng. Năm mươi năm sau Hiệp ước bảo hộ đây là lần đầu tiên trong dịp tấn phong con trai Bảo Đại làm Hoàng Thái tử thì sự thừa nhận của Pháp mới đi vào nghi thức.
Dân chúng Huế ở ngoài thành được biết có lễ tấn phong nhưng họ không được mời dự. Đây là một nghi lễ kín, nhiều màu sắc, trống chiêng ầm ĩ nhưng chỉ dành riêng cho triều đình. Ngoài ra dân chúng ít khi được thấy mặt vua và quần thần. Dù thế nào thì trong các lễ chuyển giao triều đại hay đăng quang, dân chúng đều không được dự. Riêng chỉ có tế Nam giao là cho phép dân chúng ngắm nhìn vua, gia đình vua và đoàn hộ giá.
Toàn bộ triều đình đi cách thành nội vài cây số đến đàn tế, nơi đây mổ hơn hai chục con bò, cho đến khi Bảo Đại ban dụ bãi bỏ lệ này. Lễ Nam Giao là dịp để vua báo cáo công việc trị vì cho Trời, người thầy che chở vua. Một lễ hội uy nghi nhưng ba năm mới tổ chức một lần.
Văn võ bá quan lần lượt đến vái lạy trước Bảo Long. Lễ tấn phong kết thúc, mọi người lũ lượt ra về. Các quan đình thần sắc phục hào nhoáng lui về tư dinh, còn quan chức bình thường về nhà. Riêng bà Hoàng Thái hậu quay về với bàn mạt chược, bà Hoàng hậu về với lũ con nhỏ, còn Bảo Đại với các chương trình đi săn đã dự kiến. Cả hai người đều đi hết khoảng cách ngăn nơi cử hành buổi lễ với điện Kiến Trung. Một toà nhà nặng nề nhưng bên trong trái với truyền thống, họ sống theo kiểu phương Tây. Tối nay vua và Hoàng hậu mời khách ăn tối. Sau đó tại một căn phòng rộng bên ngoài hoàng thành, tổ chức tiệc nhảy có tám trăm khách đến dự để chúc mừng thành công của sự kiện quan trọng này.
Cậu bé trai hiểu rằng từ nay mình phải thay đổi thói quen. Phải bước nhanh hơn một chút, lên chiếc kiệu có hai thị vệ khiêng. Từ nay cậu được hưởng một số quyền dành riêng cho vua: có nhà, đúng hơn là phủ riêng. Đó là một toà nhà ở bên ngoài hoàng thành, trên bờ kênh. Đây còn là biểu tượng. Trong mười hay năm mươi năm nữa khi số phận và Trời định, vua tại vị về chầu trời thì từ phủ này đình thần sẽ long trọng rước cậu vào Đại nội lên ngôi vua nắm quyền bính.
Chỗ ở mới đó đơn thuần chỉ là hình thức. Bảo Long vẫn không rời khỏi chỗ ở hiện nay trong Tử Cấm thành, nơi anh lớn lên cùng với Vua cha và Hoàng hậu.
Toà phủ dành riêng của Thái tử chỉ dùng làm nơi tiếp nhận phẩm vật hoặc nữa là nơi tổ chức ngày sinh mà từ nay cả nước sẽ ăn mừng. Ở đó Thái tử tiếp những đại diện của chính quyền bảo hộ và vài người trong số một vạn anh em họ đến chúc mừng. Một cung điện nữa là nhà học dành riêng cho Thái tử nhưng xây cao trên tường thành.
Cuộc sống hàng ngày của cậu bé hoàng tử kế vị đã bộc lộ buồn tẻ đơn điệu. Phẩm tước của cậu buộc phải sống cô đơn. Người bạn thân nhất là người hầu phòng, thị đồng của cậu chỉ hơn cậu vài tuổi.
Tuy nhiên cũng có lúc để đỡ buồn, coi như một trò giải trí, cậu ăn mặc quần áo ngày hội đến vấn an bà Hoàng Thái hậu Từ Cung. Bà già này sống trong cung dành riêng cho mình gọi là cung Diên Thọ. Bà ham mê cờ bạc nhất là mạt chược như nhiều bà mệnh phụ khác. Bà mời các cận thần, bạn bè và cả một số quan thượng thư cơ mật. Bà có ý kiến việc này việc nọ trong triều và cả công việc của nhà nước. Mua quan bán tước nhiều khi diễn ra quanh bàn mạt chược. Bà có khuôn mặt xương xương, cặp mắt sắc sảo, tuổi cao mà vẫn tỏ ra ngang ngạnh, nệ cổ trung thành với tục lệ truyền thống. Có lẽ bà xuất thân tẩng lớp bình dân nghèo và việc hôn nhân với Khải Định - vua cha của Bảo Đại - là một sự tình cờ, một bông hoa của số phận. Cung của Thái tử Bảo Long cách cung Diên Thọ của Hoàng Thái hậu vài trăm mét. Mỗi lần đến, Bảo Long ngồi cáng, sáu thị vệ theo hầu và phải mặc nam phục áo dài thêu, quần lụa, khăn đóng. Mỗi lần đến thăm bà nội, mỗi đứa cháu đều mang phẩm vật biếu bà, thường là lụa và đồ sơn mài.
Hoàng Thái hậu ngồi đợi các cháu trong căn phòng lớn vừa làm chỗ chơi bài vừa ngủ. Bà ngồi trên một chiếc ghế bành rộng. Các cháu đến không được ôm hôn mà phải chắp tay lạy bà theo kiểu Việt Nam. Sau đó là bà già "hít" trán mỗi cháu. Đó là kiểu hôn ở An Nam.
Cuộc trò chuyện bắt đầu giữa bà Hoàng Thái hậu và con dâu vì Hoàng hậu Nam Phương bao giờ cũng đi với các con mỗi khi đến vấn an bà. Các con đều không dự buổi trò chuyện hoặc chỉ ngồi một lát rồi lỉnh đi chỗ khác, vì chúng không quen với cách nói dài dòng của người lớn trong cung cấm và chúng không hiểu tiếng Việt. Bà Nam Phương vừa giảng giải vừa dịch sang tiếng Pháp. Trong sinh hoạt gia đình, trừ khi nói chuyện với Hoàng thái hậu, vợ chồng con cái đều nói với nhau bằng tiếng Pháp. Hơn thế nữa về mặt phép tắc trong nội cung, không bao giờ Vua, Hoàng hậu và các con trao đổi trò chuyện với người hầu.
Bảo Long lớn lên cùng với các em trong khung cảnh gia đình không nói tiếng mẹ đẻ trong một thời gian dài. Các cuộc đi thăm bà Hoàng Thái hậu chủ yếu là hành vi qui ước Bọn trẻ rất chán chỉ mong chóng đến giờ về. Trong khi chờ đợi người lớn nói chuyện, chúng tha hồ ăn hoa quả và hàng núi kẹo bánh được chuẩn bị sẵn cho chúng. Không có chuyện được nô đùa. Không được làm gì nếu không được người lớn cho phép và chỉ dẫn.
Sau này khi Hoàng Thái hậu thấy rằng chúng đã biết răm rắp nghe lời người lớn bà mới cho chúng được tản mát chạy chơi khắp chơn trong cung. Chúng tung tăng vui vẻ như xem hội. Ngôi nhà lớn mở rộng cửa các phòng đầy bụi bậm cho lũ trẻ. Chúng như lạc lõng trong các ngóc ngách xó xỉnh, giữa đống hòm, rương đựng đồ trang sức, các bình phong, các đồ gỗ cũ kỹ.
Cuộc đi thăm này như một cái dấu ngoặc đơn coi như làm bổn phận đối với truyền thống do bà Hoàng Thái hậu đại diện. Mặc dù có một thời thanh xuân xáo động bà vẫn hiện thân cho nước An Nam vẻ vang và bền bỉ. Nhưng ảnh hưởng của bà biến mất từ lúc qua được các cánh cửa cung Diên Thọ mở rộng.
***
Ngoài những buổi đến chầu bà Hoàng Thái hậu, Thái tử Bảo Long lúc nào cũng mặc âu phục trái với ý của bà nội cổ điển hơn. Trong đời sống xã hội hoặc cuộc sống thượng lưu cũng thế. Trái ngược với Bảo Đại trước đây phải sống xa lánh xã hội bên ngoài đến năm lên bảy, các con ông bây giờ không phải sống cách biệt trong Tử cấm thành. Chúng đi ra ngoài các bức tường thành để tham dự các lễ nghi do người Pháp tổ chức.
Trong ngày kỷ niệm ngày sinh lần thứ bảy, Bảo Long còn được nhận lời chúc mừng của nhà nước bảo hộ. Coi như quà tặng nhân kỷ niệm ngày sinh, nước Pháp tố chức buổi biểu diễn vở L Oiseau Bleu (Con chim xanh) của Maeterlinck. Tất cả gia đình Nhà vua, nhân dịp này rời khỏi Tử cấm thành đến khu phố Tây, nơi có nhiều biệt thự xây dựng theo kiến trúc thuộc địa, ở trung tâm thành phố Huế. Buổi công diễn đầu tiên tổ chức trong cung An Định, xưa kia là cung điện mùa hè của vua cha Khải Định. Tại đây Nhà vua quá cố đã bố trí một phòng trình diễn sân khấu. Buổi diễn đầu tiên thành công. Người xem đều hài lòng. Buổi diễn thứ hai tổ chức ở tu viện dòng Cứu thế cũng gần khu người Âu.
Bảo Long một mình đến đó, mở đầu các chuyến đi chính thức ra ngoài hoàng thành. Xe ôtô mang cờ vàng thêu hình con rồng đỗ xịch trước cửa tu viện. Cậu ta mặc chiếc áo gấm kiểu cổ màu da cam sẫm, đầu chít khăn vàng đàng hoàng bước xuống đầu tiên. Tờ tuần báo
Indochine (Đông Dương) thốt lên: "Thật hiếm khi thấy một vị hoàng tử mới 7 tuổi mà ra vẻ trang nghiêm chững chạc đến thế!"(3). Đó là một nhân vật được mọi người biết đến, được tâng bốc, được tôn trọng tiếp đó là đi dự lễ khai giảng năm học ở các trường học, thăm các tàu ngầm. Mặc dù đã ở cương vị chính thức, cậu bé lúc thì điềm tĩnh, lúc thì cáu kỉnh đôi khi còn bị doạ đánh roi mây. Vài đòn roi đánh vào mông đít, một hình phạt cổ điển ở nước An Nam và vua cha ngày xưa thường xuyên chịu trận. Hơn là cái phát vào đít, đánh đòn roi mây bao giờ cũng để lại những vết hằn. Dấu ấn vào cơ thể và tâm hồn. Thay vì dùng trừng phạt bằng roi vọt, Nam Phương bắt con đến ở một mình trong một căn nhà gần tường thành suốt bảy ngày không cho về nhà như đi đày.
Hoàng hậu Nam Phương làm mọi thứ để dạy dỗ con cái trong sự tôn trọng các giá trị nhân văn lớn: đòi hỏi khắt khe về trí tuệ, ý thức trọng danh dự, lòng dũng cảm, tính nghiêm ngặt. Bây giờ Bảo Long tâm sự: "Thật là buồn chán và ít trò chơi? Bà cư xử với con trai như một người mẹ yêu con và gần gũi, ôm ấp chiều chuộng nhưng không tỏ ra tôn trọng đặc biệt và không xa lánh".
Thêm một cái mới nữa. Hoàng tử Bảo Long chơi thể thao. Việc này được coi như cuộc cách mạng trong Đại nội. Ngày trước các hoàng tử kế nghiệp giải trí bằng suy ngẫm về tư tưởng Khổng Tử hoặc về ý nghĩ cuộc sống bằng cách ngắm nhìn hồ Tĩnh Tâm trong vườn ngự uyển. Theo lề thói họ phải nén mình không biết động lòng là gì và "bất động" nghĩa là không được hành động phản ứng ngoài khuôn phép, đó là những dấu hiệu của quyền uy. Về vấn đề này có một câu chuyện làm cho họ run sợ. Một hôm đình thần quyết định phế vua mà không đổ máu. Đầu năm, theo truyền thống, vua ngồi bất động trên ngai vàng phải đón nhận những lời tung hô vạn tuế. Đáng lẽ sau khi nghiêng mình cúi lạy, các quan phải rút lui, đằng này họ lại quay xuống đứng sau người mới đến và lặp lại lời tung hô không dứt. Chừng nào tung hô chưa hết, vua vẫn phải ngồi im không động đậy để khỏi mất đi tính cách thánh sống. Đã hiểu mưu mô hiểm độc của đình thần, Nhà vua vẫn ngồi thản nhiên. Nhà vua kiệt sức dần, mặt tái nhợt rồi nhưng vẫn đứng vững, chỉ sau ba ngày vua băng hà. Cuộc mưu phản thành công. Quả là vua tự chết mà không phải để ai xử và cũng không mất một giọt máu.
Chính Bảo Đại đã đích thân kể lại nhiều lần câu chuyện kinh khủng này cho các con nghe. Thế hệ vua chúa mới hoặc thế hệ các Nhà vua tương lai cơ động hơn. Họ còn ra ngoài trời tập luyện. Thái tử Bảo Long rất thích cưỡi ngựa. Mỗi ngày hai tay víu chặt vào hai tay nắm của yên ngựa, cậu bé xoay người cho ngựa phi nước đại. Ông thầy dạy ngựa động viên khuyến khích. Chính Bảo Đại cũng hoan hô khen ngợi.
Bảo Long thích đơn độc. Trong thể thao, cậu ta không thích các môn chơi huy động nhiều người. Đồ chơi của cậu ta cũng hiện đại, phần lớn nhập cảng từ Pháp.
Những bức ảnh về thời đó còn lại đến nay bao giờ cũng cho biết Bảo Long lúc nào cũng nghiêm nghị, trịnh trọng dứt khoát, ăn mặc chải chuốt. Không thấy lúc nào mỉm cười hay bĩu môi, phụng phịu như trẻ con. Cậu ta tuổi nhỏ nhưng đã có dáng trang nghiêm, giữ gìn như người lớn. Có vẻ hơi buồn.
Cuộc sống của Bảo Đại ít nghi thức hơn so với những năm mới cầm quyền, nhưng vẫn xa cách mọi người. Tầm vóc của ông, cương vị của ông khiến ông phải giữ một khoảng cách nhất định với các con.
Ngày nay Bảo Long nói về cha mình: "Đó là một nhân vật huyền thoại, đa tài: một thiện xạ, một phi công có tài. Luôn luôn có cái gì khác thường ở ông. Ông thường đưa tôi đi trên thuyền đua của ông. Ông có một đội thuyền nhỏ trên sông Hương và nhất là tôi không thể không có ấn tượng về ông trong các lễ nghi chính thức. Thực tế là hàng ngày ông thắp hương thờ cúng tổ tiên. Các vẻ hào nhoáng của triều đình của các bề tôi, các cỗ kiệu, mũ miện nạm đá quý, khăn đóng và áo dài, tất cả đều gây ấn tượng cho cậu con trai của ông".
Bảo Đại được hưởng "đất phong" như một công quốc. Đó là hoàng triều cương thổ trên cao nguyên Buôn Ma Thuột. Tại đây người Pháp tổ chức cuộc săn lớn và hoàn hảo cho ông, có đoàn săn thường trực, có người chỉ huy cuộc săn. Một vài lần ông đưa con trai lên, cho con biết qua các cảm xúc mạnh và qua đó càng có thêm uy tín.
Ông luôn luôn vẫn được người đời kính phục, khiến người ta thông cảm tha thứ hết, biện minh hết hành động của ông.
Người ta còn kính phục ông mãi, dù trải qua nhiều cuộc chiến tranh, dù phải đi biệt xứ và những thay đổi đột ngột trong cuộc sống...
Chú thích: (1) Việc chỉ định không phải là tránh được hết mọi sự lo lắng. Như vua Tự Đửc khi chết do không có con trai nên đã chỉ định người con trưởng trong ba người con nuôi và giao việc trị vì cho hai quan phụ chính. Hai ông này đã truất luôn vua mới lập và bỏ đói trong ngục tối rồi lập em của vua đã quá cố nhưng thấy đã quá lớn (23 tuổi) khó bề thao túng nên hai quan phụ chính lại phế truất luôn để đưa người em lên ngôi... Nhưng cuối cùng ông này cũng bị người Pháp bắt phải thoái vị. (1) Cũng theo cách này Bảo Đại có tên là Vĩnh Thuỵ, Bảo Đại có nghĩa là bảo tồn cái vĩ đại được chọn trong dịp lễ đăng quang. (2) Báo Indochine (Đông Dương), ngày 18 tháng 3 năm 1943.