Trái với sự hồi hộp và lo âu của hai đứa ba má Tiên Sa vui vẻ cho phép. Biết hai đứa sẽ ở lại một đêm má Tiên Sa bảo tới nhà một người bà con ở Tiệm Tôm để ngủ nhờ.
Tờ mờ sáng Hoài đạp xe đạp chở Tiên Sa đi Giồng Trôm. Con đường lộ đá đỏ vắng vẻ. Thỉnh thoảng mới thấy một người đạp xe đạp chạy ngược chiều hoặc chiếc xe lôi chở bạn hàng từ Châu Bình ra Giồng Trôm buôn bán.
- Hoài mệt chưa?
- Mới đi có chút mà mệt gì. Hoài đạp xe đạp đi học mỗi ngày...
- Mát quá Hoài ơi...
Nắng lên. Hai bên đường cỏ mọc xanh xanh. Xa trong xa rặng dừa xanh um. Cá táp mồi dưới ao nước. Không khí mát vì gió thổi nhè nhẹ.
- Châu Bình đẹp hơn Hoài tưởng. Tuy không giàu nhưng nó mộc mạc và hiền hòa. Người dân lại cần cù và tử tế...
- Hoài... Tiên Sa có ý kiến này... Tiên Sa sẽ nói với mấy nhỏ bạn viết bài gởi về toà báo cho Hoài chọn rồi đăng lên. Mỗi đứa sẽ viết về quê làng của mình...
- Ừ... Tiên Sa cứ làm đi... Biết đâu Tiên Sa và các cô bạn sẽ trở thành văn sĩ...
- Thôi đừng nhạo người ta... Ai mà bằng được ông văn sĩ si tình này...
Tiên Sa thụi vào lưng bạn tình một cái khiến cho Hoài phải cong người và chiếc xe đạp lảo đảo muốn ngã. May mà Hoài cứng tay lái không thôi xe sẽ lủi xuống ruộng. Tiên Sa cười dòn tan.
- Mấy giờ rồi Tiên Sa?
- 7 giờ rưởi...
- Chắc sắp tới Giồng Trôm rồi... Tiên Sa có đi Giồng Trôm lần nào chưa?
- Một lần hồi còn nhỏ xíu...
- Hoài tới hai lần... cũng không có gì... Ba Tri đẹp hơn vì có biển dù là biển bùn không tắm được. Tiên Sa có tắm biển bao giờ chưa?
- Chưa... Tắm ao. tắm sông thời có... Tắm biển vui không Hoài?
- Hoài có đi đâu mà biết. Chỉ nghe thằng Khang nói vui lắm. Thằng đó nhà giàu đi tùm lum. Hè là gia đình nó đi Cấp. Đà Lạt. Nha Trang chơi... Nó nói nó thích đi tắm biển...
- Người ta mặc quần áo gì để tắm?
Hoài bật cười vì câu hỏi của Tiên Sa.
- Mặc quần áo tắm chứ mặc cái gì?
- Quần áo tắm ra làm sao?
- Đó là cái áo chỉ có một mảnh mà lại không có tay và không có ống quần...
- Áo gì lạ vậy...
- Mặc áo đó để tắm nên phải đưa nguyên hai cái chân của mình ra...
- Thôi Tiên Sa không mặc như vậy đâu. Đưa chân ra cho người ta nhìn mắc cở chết... Ai mà dám đưa chân đưa đùi ra cho mấy ông con trai ngắm... Kỳ quá...
- Dân Sài Gòn hấp thụ văn minh của Tây, Mỹ nên coi đó là chuyện thường. Đàn bà con gái còn biết hút thuốc và uống rượu nữa...
- Thuốc đắng nghét mà hút cái gì. Hồi nhỏ Tiên Sa và lũ bạn lén ăn cắp thuốc ăn trầu của bà ngoại hút cho biết. Thuốc nó cay, nó đắng và nồng chảy nước mắt. Hút một lần là tởn tới già...
- Hoài có hút thuốc không?
- Tiền đâu mà hút... Có tiền mua sách đọc sướng hơn... Lên đệ tam Tiên Sa chọn Anh văn hay Pháp văn?
- Anh văn... Con Thùy Dương nó bảo Pháp xưa rồi còn tiếng Anh phổ thông hơn...
- Hoài cũng chọn Anh văn rồi đi học thêm tiếng Pháp ở Trung Tâm Văn Hóa Pháp. Hoài thích đọc sách của Pháp. Dù không phổ thông nhưng văn chương của người Pháp có cái tinh túy của nó...
- Đâu Hoài nói tiếng Tây cho Tiên Sa nghe coi...
- Quýt sơ măng bông sên...
- Tiếng Tây nghe lạ quá hả Hoài. Nghĩa là gì hả Hoài?
Hoài cười chúm chiếm.
- Tiên Sa nói lái lại sẽ hiểu liền.
Tiên Sa lẩm bẩm rồi cười ròn.
- Quýt sơ măng bông sên là quăng sơ mít bên sông. Tiếng tây của Hoài chắc là tây đui...
Hoài còn nói được tiếng Tàu nữa?
- Xạo... Đâu Hoài nói tiếng Tàu cho Tiên Sa nghe coi...
Hoài mỉm cười giả giọng:
- Xám cô xực sườn tại...
- Tiếng Tàu gì kỳ vậy... Tiên Sa nghe chú ba tàu ở chợ Châu Bình nói khác mà. Nó có nghĩa gì vậy?
- Tiếng Tàu của Hoài nói là tiếng Tàu Chợ Lớn. Xám nghĩa là ba, cô nghĩa là cô gái, còn sườn tại là sài tượng. Như vậy xám cô xực sườn tại nghĩa là ba cô xực sài tượng...
Tiên Sa dụi đầu vào lưng cười sặc sụa. Vừa cười nàng vừa thụi vào hông của người bạn tình lia lịa.
- Tiên Sa... Coi chừng Hoài lủi xe xuống ruộng bi giờ... Tiên Sa ngồi một bên dễ ngã lắm...
- Hoài ngừng lại đi cho Tiên Sa đổi...
Ngừng xe lại Hoài mỉm cười khi thấy Tiên Sa ngồi gác chân vào hai bên chỗ tựa.
- Tiên Sa thích kiểu này. Ngồi như vầy Tiên Sa có thể ôm eo ếch của Hoài... Lưng của Hoài ấm. Eo ếch của Hoài mềm lắm Hoài ơi...
Tiên Sa xiết eo ếch của người bạn tình trong lúc hôn vào lưng rồi hít mùi đàn ông toát ra từ chiếc áo sơ mi thoảng mùi mồ hôi.
- Tiên Sa...
- Dạ...
- Hoài ủi xuống ruộng...
- Ủi đi... Hai đứa té có sao đâu...
Hoài lắc lắc đầu cười. Tiên Sa là cô gái ngoan hiền nhưng cũng nhiều đam mê và nhất là chung thủy. Trước khi gặp Hoài nàng cũng nói chuyện với các bạn cùng trường nhưng không hề chú ý tới ai. Dường như nàng biết mình nghèo nên cố gắng học hành để có một tương lai sáng lạng hơn hầu giúp đỡ gia đình. Sau khi quen biết và yêu thương Hoài nàng chỉ chăm chú vào hai việc là học và yêu.
Con đường lộ đá bắt đầu có nhiều xe cộ và người đi bộ nhiều hơn. Nhà cửa cũng nhiều hơn. Nhà là, tôn xen lẫn với nhà ngói cũ kỹ. Hoài quẹo xe đạp vào con đường trải nhựa. Gọi là trải nhựa nhưng nhựa đường đã biến mất từ lâu chỉ còn trơ lại lớp đá lởm chởm được trộn lẫn với bụi đất. Con đường như thế này mưa thời lầy lội còn nắng thời mù mịt bụi mỗi khi xe đò chạy qua.
Đầu tựa vào lưng. hai tay ôm chặt eo người bạn tình Tiên Sa im lặng ngắm cảnh. Thật sự phong cảnh hai bên đường cũng không có gì để ngắm nhưng vì ít đi xa cho nên nàng thấy đẹp và khác lạ hơn. Hoài cũng im lặng chăm chú lái xe. Con đường càng lúc càng nhiều ổ gà và đá cục. Mấy năm về trước lúc còn chiến tranh nó đã bị đấp mô và gài mìn mỗi ngày. Tuy sau này chính phủ cố gắng tu bổ và sửa chữa để cho xe cộ lưu thông nhưng tình trạng một ngày thêm tồi tệ vì không được tráng nhựa.
- Hoài mệt không Hoài?
- Không... Mình đi chút nữa rồi nghĩ ăn cơm trưa... Chắc phải xế chiều mình mới tới Ba Tri...
Khoảng mười một giờ hai đứa tới một cái làng lèo tèo mấy chục ngôi nhà lá lụp xụp nằn dọc hai bên đường. Ngôi nhà ngói duy nhất là nhà lồng chợ vắng trừ mấy đứa con nít đang nhảy cò cò. Hoài dừng xe nơi nhà lồng chợ. Tiên Sa đưa cho Hoài vắt xôi. Thấy người lạ mấy đứa trẻ lân la tới nói chuyện.
- Anh chị ở đâu tới đây?
- Ở Sài Gòn...
- Xa hôn?
- Xa lắm... Đi cả ngày mới tới...
Một thằng bé trạc bảy tám hỏi Tiên Sa.
- Cái này là cái gì vậy chị?
- Máy chụp hình... Mấy em muốn chụp hình không?
- Muốn...
Đám con nít lao nhao. Hoài bảo Tiên Sa đứng giữa còn mấy đứa con nít bao xung quanh để chụp hình.
- Anh chị là vợ chồng hả?
Tiên Sa mỉm cười sung sướng và thẹn thùng vì câu hỏi của đứa bé. Liếc Hoài nàng cười đáp.
Hoài với Tiên Sa và mấy đứa trẻ kéo nhau tới tiệm tạp hóa nơi ngã ba. Nhìn cách ăn mặc người chủ tiệm biết đôi trai gái này ở xa tới. Mấy đứa trẻ lăng xăng chọn cà rem.
- Cô cậu ở đâu tới?
- Tụi tôi ở Sài Gòn...
- Hèn chi cô cậu ăn mặc lạ quá. Nhất là cô đây đẹp lắm...
Tiên Sa cười im lặng.
- Ba Tri còn xa không bác?
- Cũng không xa lắm... Cô cậu đi chừng chút nữa sẽ tới Sơn Đốc rồi lát sau sẽ tới Ba Tri...
Trả tiền xong Hoài với Tiên Sa tiếp tục đi. Lát sau hai đứa thấy một xóm nhà khá đông đúc nằm dọc theo đường.
- Chỗ này chắc là Sơn Đốc...
- Tiên Sa nghe bà ngoại nói " Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phòng Sơn Đốc ". Như vậy là chỗ này phải không Hoài?
- Ừ... Khi nào về mình ghé đây mua bánh phòng biếu ngoại và má...
- Má ai?
- Má vợ Hoài chứ má ai...
- Nghèo mà ham... Cưới hỏi người ta hồi nào đâu mà dám gọi là má...
Chỉ cần ngửi cái mùi nước biển ngai ngái tan trong gió hai đứa biết mình tới Ba Tri. Quận này dân cư đông và chợ búa, hàng quán cũng nhiều hơn Giồng Trôm. Tuy chợ chiều đã vãn mà vẫn còn đông người. Hai đứa dẫn xe đi dài dài theo hai dãy nhà cũ kỹ để dạo phố. Hai dãy nhà ngói rêu mốc. Tiệm thuốc bắc lớn nhất. Bốn năm cái tiệm chạp phô của người Tàu. Một tiệm thợ bạc. Ba tiệm bán mì, hủ tiếu. Hai đứa vào một tiệm cuối phố. Tiên Sa ăn hủ tiếu còn Hoài gọi cho mình tô mì. Dù thức ăn không ngon nhưng vì đói bụng hai đứa húp không còn giọt nước. Hoài còn gọi thêm hai cái bánh tiêu và hai cái chào chá quảy ăn cho chắc bụng. Xong bữa cơm chiều Hoài hỏi đường đi xuống Tiệm Tôm. Đây là một địa điểm nổi tiếng của Ba Tri vì nằm sát biển và cửa Hàm Luông. Du khách thăm Ba Tri thường tới đây mua tôm khô. cá khô hoặc các hải sản đặc biệt của địa phương. Hai đứa tìm gặp người bà con của má Tiên Sa. Họ hỏi chuyện liên miên về gia đình ở Châu Bình. Hai ông bà già tốt bụng nhường nguyên bộ ván gõ cho khách ngủ qua đêm.
Biển mênh mông bát ngát. Gió thổi mát mặt mang theo nước biển tanh mùi bùn. Cửa Hàm Luông thật lớn. Hàng đáy nổi lên trên mặt nước. Mấy chiếc ghe đóng đáy bắt đầu lên đèn. Tiên Sa trầm trồ khi thấy hàng đèn sáng rực trên mặt sông.
- Tỉnh Bến Tre của mình là một tỉnh đặc biệt hơn tất cả các tỉnh của miền Nam và luôn cả miền Trung và miền Bắc nữa. Nó có tới bốn con sông là Cổ Chiên, Hàm Luông, Ba Lai và Mỹ Tho. Phù sa của bốn con sông lớn này đã làm thành tỉnh Bến Tre. Nước ngọt và đất đai màu mỡ đã sinh ra những cô gái đẹp, ngoan, hiền...
Hoài nhìn Tiên Sa. Biết Hoài nịnh nàng cười vuốt theo câu nói của bạn.
- Còn con trai thời thông minh, si tình và lãng mạn...
Hoài cười chúm chiếm hôn vào tóc Tiên Sa như cám ơn về lời khen đó.
- Bến Tre có các nhân vật nổi tiếng đã đi vào lịch sử như Đỗ Thành Nhân, Phan Thanh Giản...
- Phan Thanh Giản thời Tiên Sa biết nhưng còn Đỗ Thành Nhân là ai vậy Hoài?
- Đỗ Thành Nhân là lãnh tụ của nhóm Đông Sơn, một đạo quân nồng cốt của Nguyễn Ánh. Quân Đông Sơn đa số là người ở tỉnh Bến Tre. Là những người trung thành với chúa Nguyễn họ giúp Nguyễn Ánh chống lại Tây Sơn. Nhưng sau vì nghe lời dèm pha Nguyễn Ánh giết Đỗ Thành Nhân khiến cho nhóm Đông Sơn bất mãn bỏ không theo ông ta nữa... Ngày xưa Bến Tre không phải là một tỉnh riêng biệt mà thuộc tỉnh Định Tường. Sau này chính phủ mới tách ra làm thành tỉnh Bến Tre... Tiên Sa có ăn sầu riêng bao giờ chưa?
- Có... Tiên Sa có con bạn cùng lớp quê ở Chợ Lách. Nó đem qua cho tụi này ăn thử. Phải cái trái bự thật bự mà có gai và mùi thum thủm không?
- Ừ... Nguyên cả vùng đồng bằng sông Cửu Long không nơi nào trồng được cây sầu riêng trừ Cái Mơn. Phải nói ở miền Nam chỉ có ba nơi trồng được là Lái Thiêu thuộc tỉnh Bình Dương, Long Thành của tỉnh Biên Hoà và Cái Mơn thuộc Bến Tre mình... Bến Tre có nhiều cái đặc biệt lắm...
Tiên Sa tủm tỉm cười.
- Hoài coi bộ ca tụng Bến Tre lắm...
- Quê của hai đứa mình mà sao Hoài không ca tụng được...
Tiên Sa cười ngã vào lòng của người bạn tình.
- Tiên Sa lạnh không?
- Hơi lạnh một chút...
Hoài vòng tay ôm ngang hông rồi kéo sát người bạn tình vào lòng của mình.
- Hoài ấm quá Hoài ơi...
Hoài cúi xuống. Tiên Sa ngửng đầu lên. Hai khuôn mặt thật gần. Hơi thở Tiên Sa nồng ấm thoảng hương mù u hoang dại nhưng ngạt ngào tình tự lứa đôi. Tiên Sa hơi rướn người lên cho môi của mình chạm vào môi của người bạn tình. Hoài cảm thấy thân thể mình bềnh bồng bay theo cơn gió biển mằn mặn về Châu Bình nơi có khu rừng mù u nở hoa trắng xóa.
- Hoài ơi...
- Tiên Sa...
- Dạ...
- Tiên Sa thấy một hàng đen thẳm bên kia sông Hàm Luông. Thạnh Phú đó... Nó là một quận của Bến Tre nằm lọt giữa hai con sông Hàm Luông và Cổ Chiên...Trên Thạnh Phú là Mỏ Cày rồi trên nữa là Chợ Lách...
- Mai mốt mình đi qua nhà nhỏ Hạnh là qua bên đó hả Hoài?
- Ừ... Mình sẽ đi thăm Thạnh Phú. Có hai cách để đi Thạnh Phú. Thứ nhất là mình ngồi đò chạy suốt sông Hàm Luông cho tới rạch Bàng Cung rồi mới vào quận Thạnh Phú. Cách thứ nhì là mình ngồi đò băng ngang sông Hàm Luông đi Chợ Xép rồi đạp xe đi xuống Mỏ Cày và Thạnh Phú. Tiên Sa thích đi ngã nào?
- Tiên Sa không biết... Hoài đi đâu Tiên Sa theo đó... Thân này xin giao trọn cho Hoài...
Sau câu nói Tiên Sa xoay người lại vòng tay ôm chặt người bạn tình như tỏ lộ một tin tưởng và gửi trao.
- Tiên Sa còn lạnh không?
- Không... Ôm Hoài là Tiên Sa ấm liền...
- Mấy giờ rồi Tiên Sa?
- Dạ... tám giờ... Sao Hoài không đeo đồng hồ?
- Hoài không thích đeo. Nó vướng víu khó chịu lắm. Hoài không thích đeo bất cứ cái gì trên người. Nếu không bị lính bắt Hoài sẽ cởi luôn quần áo ở truồng cho mát...
Tiên Sa ré lên cười.
- Kỳ quá... Thôi đi đừng có nói xàm... Mình về nhà nghe Hoài để bà cô khỏi đợi cửa...
Hai đứa về tới nhà thấy đèn còn sáng và cửa chưa có khóa. Mùng được giăng sẵn. Chiếc chiếu bông mới còn thơm mùi. Đánh răng rửa mặt xong Tiên Sa mới tắt đèn. Hai đứa đâu lưng lại ngủ một giấc tới sáng mới thức dậy.