Tôi không ngờ Thường tới trong buổi chiều chủ nhật này. Dù trước đó , Thường có nói rằng sẽ tới dù cho tôi có đi vắng. Tôi mở cổng cho Thường vào. Anh cười với tôi và nói như reo trong lúc tìm chỗ dựng xe :
- May mắn làm sao. Tưởng lại phải thui thủi ra về vì Phiến đi vắng.
Tôi muốn xõa mái tóc của mình xuống hết sức nhưng ngại phải đưa tay lên , nên cứ để tóc cột cao với một sợi dây thun. Tôi đang học bài mà. Và chiều hôm nay trời nóng như thể là mùa mưa sắp sửa tới.
Tôi nhẹ áp hai bàn tay che cái gáy của mình , và cười với Thường
- Người ta siêng năng lắm chứ bộ. Chiều chủ nhật vẫn ở nhà học bài như thường.
- Ngoan.
Thường đã dựng xong xe. Anh tới đứng gần tôi. Dáng anh cao lêu nghêu. A , hình như anh Thường mới đổi gọng kiếng mới. Cái gọng kiếng đồi mồi có vân thiệt đẹp. Tôi định chọc anh nhưng không hiểu sao tôi cứ đứng cười hoài.
Thường hỏi :
- Gì mà cười hoài hủy thế ?
- Lạ.
- Nghĩa là sao ?
- Anh đó. Anh Thường mới đổi gọng kiếng khác hả ?
Thường thoáng ngượng ngập , lấy ngón tay ấn nhẹ vào gọng kiếng chỗ sống mũi :
- À , lên độ nên phải thay.
- Đẹp quá nhỉ ? Thảo nào nhìn anh Thường hôm nay cứ thấy là lạ.
- Bộ cô bé hôm nay không lạ sao ?
- Phiến mà có gì lạ hở anh ?
- Cái sợi thun đó. Mái tóc cột cao làm Phiến lạ hẳn đi.
Tôi biết anh Thường ngắm tôi kỹ lắm nhưng làm sao tôi dám ngó thẳng vào mắt anh. Tôi chỉ cười , di di bàn chân trên sỏi. Tôi mời anh Thường vào nhà.
Anh hỏi tôi :
- Nhà có ai không ?
- Đi vắng hết rồi anh. Chỉ có Phiến và chị người làm ở nhà thôi.
Thường có vẻ bạo dạn hơn khi nghe tôi nói như thế. Anh châm một điếu thuốc lúc bước lên thềm. Tôi bước xéo về phía sau nhờ chị Cúc pha cho ly chanh muối. Lúc trở lên tôi hỏi Thường :
- Anh Thường thích uống chanh muối không ?
Thường hớn hở :
- Trời đang nóng , khát nước , có chanh muối để uống thì khác gì uống nước suối tiên.
- Chiều nay anh không đi đâu chơi ?
- Thì đang đi chơi.
- Không phải. Phiến hỏi những nơi khác kia.
- Không. Chả có nơi nào để đi. Định đến rủ Phiến nếu làm siêng thì đi phố chơi. Không ngờ cô bé siêng hơn , chỉ ở nhà học bài.
- Ngoài đó có gì vui đâu anh ?
- Vui lắm chứ. Chiều chủ nhật mà.
- Đi mệt thấy mồ. Người ta ơi là người ta. Đông sao mà đông , như kiến , chen hụt hơi.
- Ai biểu Phiến cứ thích chen vào đám đông rồi kêu.
- Ai thích vậy bao giờ. Đường nào cũng đông nghẹt người thôi.
- Có vài con đường vắng mà Phiến chưa biết.
Tôi cười :
- Ê , đừng chê con nhỏ này nhà quê nữa nghe , người ta đã đi gần hết đường phố Sài Gòn. Cái bản đồ ở trong bụng Phiến đây này.
- Nhưng cũng có những con đường mà Phiến chưa biết.
Tôi đùa :
- Đường...mang tên em chắc ?
- Thật. Không đùa đâu.
- Anh có vẻ kiêm thêm nghề của Bộ Công Chánh nhé ?
Thường cười , nhả từng sợi khói vu vơ. Chị Cúc mang nước đến đặt trên bàn và Thường nhấc chiếc ly uống một ngụm ngay sau đó. Thường khen chanh muối ngon. Tôi chỉ cười.
- Thế nào. Có nhận lời ?
- Chuyện gì anh ?
- Đi chơi một chút. Ở nhà hoài con mọt nó kiện Phiến tranh nghề gặm giấy đó.
Tôi vờ dỗi :
- Rủ người ta mà chưa chi đã khích bác đủ thứ vậy đó hả ?
Thường cười nhỏ nhẹ :
- Đùa chứ muốn rủ Phiến đi chơi một vòng. Nếu Phiến không thích chỗ đông người thì ta đi ciné rồi sau đó tìm một quán cà phê.
- Ciné cũng chán. Chả có phim nào hay.
- Có một phim xem được. Bảo đảm.
- Để suy nghĩ năm phút.
Thường im lặng ngồi hút thuốc chờ tôi quyết định. Thật ra , chiều nay tôi cũng muốn đi đâu đó. Có thể là tới nhà Uyển Nhi. Hoặc đi ra phố mua mấy thứ lặt vặt. Nhưng đi một mình thì tôi ngại ghê lắm , đành ở nhà học bài. Thường đến rủ , tôi cũng muốn đi nhưng tôi cứ sờ sợ làm sao. Bởi tôi chưa hề đi chơi với ai hết , một người khác phái , cho dù người đó thân thiết với tôi như thế nào. Vẫn biết là không có gì trong một buổi đi chơi nhưng tôi cứ sờ sợ. Tôi quá nhút nhát chăng ?
- Anh có thể đưa Phiến đi phố mua ít thứ lặt vặt rồi sau đó sẽ tính chăng ?
- Cũng được. Nhưng Phiến đừng có vào chợ mua cá đấy nhé.
Tôi cười :
- Lỡ Phiến mua cá anh Thường có dám xách không ?
- Đành phải ráng chứ biết làm sao bây giờ.
- Đùa chứ Phiến đi mua một hộp viết màu.
- Mua chi tới một hộp lận ?
- Phiến có cái tật ưa dùng viết màu gạch dưới những gì đáng lưu ý cho dễ nhớ.
- Sửa soạn rồi đi , cô bé.
- Anh Thường chờ Phiến...mười lăm phút nhé ?
Tôi bỏ anh Thường ngồi lại ở phòng khách với ly chanh muối , và đi nhanh về phòng mình để sửa soạn. Nói mười lăm phút để phòng hờ chứ tôi chẳng phải sửa soạn gì. Phấn son tôi chưa hề sử dụng dù rằng nó đầy trong ngăn kéo bàn trang điểm. Tôi chỉ chọn một chiếc áo dài , màu nào nhỉ ? Đảo mắt một vòng khắp tủ a1o , tôi dừng lại chiếc áo dài màu vàng. Có một chiếc màu đỏ hoa mười giờ đẹp lắm nhưng tôi không dám mặc vì nó...quá mới. Chiếc áo vàng làm tôi rực rỡ trước tấm gương. Và tôi thẹn thùng có tới năm phút mới dám bước ra phòng khách vì sợ anh Thường đợi lâu mà thôi. Tôi đã bỏ sợi thun cột tóc , để mái tóc thả dài phủ xuống vai. Anh Thường ngắm tôi từ chỗ ngồi của anh và buông một câu phê bình :
- Xinh quá , như một chú bướm vàng lộng lẫy.
- Một cô chứ sao lại một chú ?
- Thì một cô. Bắt bẻ hả ?
Tôi nói với chị Cúc nếu dì Phương có về nhắn dùm lại lời xin phép của tôi. Và theo anh Thường ra sân. Anh đạp máy xe rồi bảo tôi lên ngồi phía sau. Tôi run ghê. Lần đầu tiên ngồi chung xe với một người con trai , tôi không biết phải nắm tay vào chỗ nào để vịn. Hai bàn tay tôi luống cuống nắm hết chỗ này đến chỗ kia , đến độ anh Thường phải quay lại chỉ chỗ cho tôi. Tôi đỏ mặt. May mà anh Thường không trêu tôi. Anh chỉ im lặng cho xe chạy. Chị Cúc đứng ở cổng nhìn theo. Tôi không biết chị nghĩ sao. Lúc nãy tôi có bảo với chị , anh Thường là anh của nhỏ bạn tôi , hai gia đình có bà con , họ hàng gần gần. Chẳng hiểu sao tôi phải giải thích vòng vòng như vậy.
Anh Thường chợt quay lại nói :
- Đừng có buông tay , té đấy nhé. Không ai chạy theo phía sau lượm lên đâu đó.
- Người ta nắm chặt cứng chớ bộ.
- Biết đâu , run quá người ta cũng vẫn buông như thường.
Tôi tức quá không thèm run nữa. Tôi cắn môi mình. Việc gì phải run sợ chứ ? Hãy xem anh Thường như là Thư , như là con nhỏ Thục , như là Uyển Nhi khi chở mình vậy. Và tôi muốn quên run chỉ có một việc duy nhất là nhìn hàng cây chạy lùi về phía sau xe. Anh Thường không chạy nhanh , có lẽ để cho tôi dễ ngắm cây cối hay sao đấy. Tôi đã nhận ra những con đường quen thuộc đưa tôi xuống phố.
- Mua viết màu ở đâu vậy ?
- Nhà sách đó anh.
- Gửi xe không ?
- Tùy anh Thường chứ Phiến đâu có biết.
Anh Thường ừ ừ gì đó. Lúc tới trước một nhà sách ở đường Lê Lợi. Nhà sách tôi vẫn thường mua sách , anh Thường dừng xe lại và bảo tôi , anh chờ bên ngoài. Tôi cũng muốn như vậy vì có anh đi kèm một bên , tôi khó mua lắm. Một mình tôi tự do lựa chọn , tìm cái này cái kia. Tôi cười với anh và bảo anh chờ tôi một chút. Tôi thấy anh Thường rút bao thuốc ra khỏi túi áo. Anh hút thuốc để chờ tôi.
Tôi mua một hộp viết màu của Nhật. Mấy quyển sách và thêm năm cuốn vở. Đồ chuốt viết chì , compa , gôm , một cây thước dài của thợ may...tất cả , người bán hàng gói chung vào một gói lớn. Cây thước tôi cầm riêng ở tay. Lúc đi ra , anh Thường nhìn thấy cười hỏi :
- Mua hết tiệm sách hay sao ?
- Có mấy thứ. Còn định mua nhiều nữa , nhưng sợ không có tay mà ôm.
- Bỏ vào đây xem.
Anh Thường cầm lấy cái gói giấy thử bỏ vào cái túi da vẫn treo dưới chân anh. May quá , cái gói trót lọt. Cây thước được anh dắt luôn vào đó.
- Còn gì nữa ?
- Thôi anh , để hôm khác. Chiếc xe của anh coi bộ không chở nặng được đâu. Lúc nãy Phiến thấy nó gầm gừ như muốn đứ hơi rồi.
- À , chê hả ?
- Đâu có phải. Phiến chỉ sợ nó chở nặng mà chết máy thôi.
- Xe này đi về Mỹ Tho trong nháy mắt đó cô bé ơi.
Hai người cười vui vẻ. Anh Thường cho xe chạy và hỏi :
- Quyết định ra sao cô bé ?
- Cái gì anh ?
- Trời ơi , cứ giả vờ hoài.
- A , chuyện mình sẽ đi đâu đấy à ?
- Đúng rồi , may quá , vẫn còn trí nhớ tốt đấy.
- Trí nhớ của Phiến tốt lắm. Con nhỏ Thục sợ mà.
- Bỏ nhỏ ấy sang bên đi.
- Phiến sẽ biên thư mách nó nhé ?
- Không ngán đâu.
Anh Thường phải cho xe chạy vòng vòng trên cùng một con đường để cho tôi vừa ngắm thiên hạ lượn phố buổi chiều vừa tìm một quyết định...sáng suốt. Hình như anh cố ý chạy ngang rạp chiếu bóng để cho tôi nhìn thấy phim mới đang chiếu.
- Sao ?
Tôi cười nhỏ :
- Phim được đấy anh. Có anh chàng tài tử Jean Paul Belmondo Phiến thích.
- Nhưng không phải là một phim tình cảm chính thống đâu nhé. Tình cảm có pha tí trinh thám. Phim có chàng này từ xưa tới nay vẫn vậy.
- Phiến cũng thích.
- Vậy anh gửi xe nhé.
Tôi ngạc nhiên khi thấy Thường vừa xưng "anh" với mình. Có cái gì vậy ? Tôi còn đang bâng khuâng thì Thường đã dừng xe lại. Tôi nhận ra là chỗ giữ xe. Gửi xe xong. Thường dắt tôi đi bộ trên vỉa hè đường. Nắng vàng trải nhẹ lên màu xanh của các vòm cây. Gió xao xác lòng con đường và trên gương mặt người qua lại có một cái gì đó vừa nhàn hạ vừa gấp rút.
Đó là sự tương phản khá đặc biệt của người ở thành phố này chăng ? Tôi ngắm những cửa hàng có người mẫu xinh xắn đứng trong tủ kiếng.Br> Thường chẳng nói chẳng rằng , mua cho tôi một cái kem dúi vào tay bảo đứng chờ. Thường đi tới chỗ bán vé. Một lúc trở lại , hỏi :
- Sao không ăn cái kem đó đi cô bé ?
- Anh mua có một cái hả ?
- Một cái thôi , cho cô bé.
- Ai ăn thế , kỳ chết.
- Người ta vẫn ăn đó , nhìn xem.
Dĩ nhiên trong khi chờ đdợi vào rạp người ta cũng có ăn kem. Phần nhiều là các cô con gái đi cạnh các ông con trai. Nhưng tôi vẫn ngượng khi ăn một cái kem như thế bên Thường. Cuối cùng , tôi bắt Thường phải mua thêm một cái nữa để cùng ăn với tôi.
Tôi vừa ăn kem vừa nói :
- Nhớ nhỏ Thục ghê anh Thường ơi.
- Anh mới nhận được thư của Thục sáng hôm qua.
- Nhỏ ấy viết gì thế anh. Có vui không ?
- Thục hỏi thăm anh xem Phiến có mập thêm được chút nào không ?
- Anh định trả lời sao ?
- Bảo Phiến vẫn gầy.
Tôi vui vẻ cười , nói :
- Người ta đã lên được hai ký rồi nhé. Bữa trước đi cân ở nhà thuốc tây với nhỏ Thư đấy.
- Thục còn hỏi anh đã đưa Phiến đi những đâu rồi.
- Anh định trả lời sao ?
- Định trả lời là mới đưa Phiến tới...rạp chiếu bóng.
Tôi và anh Thường cùng cười. Ăn hết cái kem cũng vừa mãn xuất hát. Người trong rạp chen chúc nhau tuôn ra. Người bên ngoài chộn rộn sửa soạn vào. Buổi chiều chủ nhật thật đông người tới đây. Dù là một phim không hay lắm , người ta vẫn nối đuôi nhau mua vé như thường.
Tôi nói :
- Đông quá , anh Thường thấy không ?
- Chiều chủ nhật nào mà không vậy. Phim hay dở gì cũng đông người xem. Họ còn biết đi đâu hơn.
- Bộ Sài Gòn không có chỗ đi chơi sao anh ?
- Chả có chỗ nào.
- Con trai như anh mà còn nói thế. Con gái như Phiến còn biết đi đâu hơn là nằm nhà học bài.
Rồi người ta cũng kéo nhau vô rạp. Tôi theo anh Thườnh vào. Anh mua vé trên lầu. Lúc lên cầu thang anh tìm nắm tay tôi. Chẳng hiểu sao tôi rụt tay mình , né tránh , dù rằng giữa đám đông tôi có thể lạc anh Thường và trong bóng tối khó mà tìm ra nhau được.
May quá , đèn lại mờ mờ đủ cho tôi thấy đường bước theo anh và người dẫn ghế. Lúc ngồi yên chỗ , anh Thường hỏi tôi :
- Phiến không sợ bị lạc hả ?
Tôi biết anh nhắc khéo chuyện lúc nãy. Tôi giả vờ không hiểu bằng một nụ cười , rồi quay nhìn đi nơi khác để khỏi trả lời anh.
Người ta đã ngồi đông nghẹt chung quanh. Những cặp tình nhân ngồi sát vào nhau , âu yếm như đôi chim. Tôi đỏ mặt khi nghĩ rằng mình cũng đang ngồi cạnh anh Thường nào khác họ , và hoang mang tự hỏi trước tình cảm mà anh Thường dành cho tôi. Từ hàng ghế tôi ngồi , nhìn lên màn ảnh cách một khoảng khá xa. Lúc nãy quên bảo anh Thường mua ghế gần phía trên để đôi mắt tôi đỡ mệt. Tôi đoán chắc , tôi chẳng thấy hình ảnh rõ ràng đâu , nhưng tôi ngại nói anh Thường đổi ghế. Tôi đang nghe một bản nhạc hòa tấu phát ra trong rạp. Tiếng nhạc nhè nhẹ cùng với hơi lạnh thấm dần , tạo cho tôi một cảm giác dễ chịu.
- Phiến đi học vui không ?
- Vui chứ anh. Phiến có mấy nhỏ bạn mới dễ thương ghê nơi. Anh Thường có muốn làm quen không , Phiến sẵn sàng gìới thiệu cho.
Anh Thường cười , lườm tôi một cái. Tôi cũng cười :
- Nói thật chứ bộ.
Anh lảng chuyện :
- Hôm nào đón Phiến ở trường đó. Giờ tan học.
- Để làm chi ?
- Không làm chi hết. Xem Phiến có dám gặp không ?
- Chắc là không rồi. Mấy nhỏ bạn của Phiến ghê lắm. Nó trêu chết luôn.
- Trêu gì ? Bộ không có con trai đến đón con gái học ở đó sao ? Người ta là...
Tôi cười nói :
- Một ông anh bác sĩ gồ ghề chớ bộ. Yên chí đi anh Thường , sẽ có ngày Phiến giới thiệu nhỏ bạn xinh nhất cho anh. Nhỏ ấy dễ thương hết ý.
Chẳng hiểu sao anh Thường phóng một câu :
- Phiến xạo.
Tôi ngạc nhiên không hiểu anh nói gì. Một lúc sau mới hiểu ra. Tôi cười thầm với một niềm vui nhè nhẹ trong lòng. Con gái ai mà chả thế. Nhưng biết để mà biết thế thôi , chứ tôi cũng hoang mang trước tình cảm của anh Thường lắm. Và hiện tại , tôi chẳng nghĩ gì về anh ngoài việc nhận ở anh tình cảm một người thân , ở nơi thật nhiều người lạ này.
- Bữa nào , Phiến biên cho anh cái thời dụng biểu đi.
- Chi anh ?
- Xem Phiến học những giờ nào , nghỉ những giờ nào trong tuần.
- Biết chi kỹ vậy ?
Tôi cười , hỏi anh Thường với sự tinh nghịch bất ngờ của mình. Tôi muốn trêu anh một chút nhưng bất ngờ đèn trong rạp tắt phụt. Trên màn ảnh hiện ra những đoạn phim quảng cáo màu sắc nhấp nháy. Tôi quay về với sự im lặng vốn có ở mình và nhìn lên màn ảnh để khỏi nghĩ ngợi vu vơ.
o0o
Mưa rắc những hạt nhỏ làm trời trở lạnh một cách thích thú. Anh Thường với điếu thuốc cháy đỏ lập lòe trên môi. Tôi nghe được mùi khói thơm bay vờn bên mình.
- Sao lại mưa hả anh Thường ? - Trời biết.
Nhưng anh cười , nói liền sau đó :
- Có lẽ một cơn mưa đi lạc. Mưa không ướt áo.
- Sao không ? Phiến vừa đưa bàn tay ra thấy những giọt nuóc mưa rơi xuống.
- Nhưng bảo đảm ướt tóc thôi chứ không ướt áo.
Tôi cười cười đón những cơn gió mang theo hơi mưa lướt qua da mặt. Đèn đường sáng mơ hồ lung linh với những bóng lá chao đổ trên mặt đường bóng nhẫy nước. Rời khỏi đám đông , anh Thường đưa tôi tới chỗ gửi xe. Một cơn mưa đầu mùa chăng ? Hình như tôi chờ đọi nó từ mấy hôm rồi , khi vào buổi chiều bầu trời thường ngả thấp xuống , màu mây u ám nặng nề kéo qua thành phố.
Đêm thành phố có hơi mưa mang tới những cảm xúc tuyệt vời. Tôi muốn reo lên trong niềm hạnh phúc như thế. Tôi nhìn thấy bóng mình ngả dưới đường. Tôi nghe những sợi tóc ướt nước. Hai bàn tay tôi lành lạnh thèm một hơi ấm. Và khói thuốc của anh Thường thơm thơm làm sao.
Anh Thường dẫn xe xuống đường. Tôi ngồi lên phía sau. Tiếng máy xe nổ dòn , nhẹ. Anh Thường quay sang hỏi :
- Đi uống cà phê Phiến nhé ?
- Tùy anh. Nhưng đừng về khuya quá.
- Không để Phiến đi khuya đâu. Một lúc thì về.
Tôi nhìn trời :
- Không khéo mưa lớn , ướt hết.
- Trời như thế này chả bao giờ mưa lớn.
- Anh Thường thích mưa chứ ?
- Mưa như thế này thì thích. Đừng mưa tầm tã , tàn bạo điên cuồng thì thôi.
- Phiến thích thành phố này về ban đêm có mưa.
Anh Thường cho xe chạy. Con đường ban đmm như rộng ra , ít xe cộ , thoải mái nằm giữa hai lề phố tràn ngập ánh đèn. Những song rào sơn hai màu trắng đỏ nổi bật lên trong màu lá cây chìm xuống.
- Phiến lạnh không ?
- Hơi lạnh một chút. Nhưng là cái lạnh thú vị sau những ngày chờ đợi nóng bức. Hình như mùa hè tới cùng một lúc với những cơn mưa đổ xuống thành phố phải không anh Thường ?
- Một câu hỏi đầy văn chương nghệ thuật.
Nếu là con nhỏ Thục chắc chắn nó đã bị tôi nhéo cho một cái đau điếng , nhưng anh Thường tôi tha. Hay đúng hơn chưa đủ thân thiết để làm như thế.
- Anh Thường có thêm nghề trêu chọc người ta nữa sao ?
- Coi vậy mà vẫn chịu thua Phiến. - Ừ. Hình như vậy.
- Anh thích mùa hè chứ ?
- Thích. Được nghỉ ngơi tí xíu ai mà không thích.
- Thực tế quá vậy ?
- Phải thực tế chứ. Làm nghề thầy thuốc mà mơ mộng có ngày mổ cho người ta rồi bỏ quên con dao hay cái kéo trong bụng thì sao ?
Tôi trêu lại anh Thường :
- Tại sao không phải là một thi sĩ hay văn sĩ mà anh lại chọn cái nghề bác si4 vậy ? Phiến không thích bác sĩ.
- Sẽ ráng làm thi sĩ cho Phiến vui lòng.
Tôi cười dòn dã sau lưng anh Thường. Đúng như anh Thường nói , trời không mưa lớn được. Chỉ có gió , hơi lạnh và những hạt nước nhỏ rắc xuống đều đặn. Tôi đưa bàn tay của mình ra hứng nhẹ nhàng từng giọt nước phớt qua. Một con đường vắng ngắt và đầy bóng tối.
Anh Thường hỏi tôi :
- Có sợ không ?
Tôi không đáp lời anh , chỉ nhìn ánh đèn yếu ớt của chiếc xe dọi xuống mặt đường.Tôi thấy những giọt nước mưa đan trước ánh đèn.
- Cà phê chi xa vậy anh ?
- Một nơi hoàn toàn yên lặng. Cam đoan Phiến sẽ thích. Uống cà phê ngon phải đi tìm quán xa.
- Châm ngôn của anh hả ?
- Của những ai ghiền cà phê và thích yên tịnh.
- Nhưng có vẻ giống đường đi về Mỹ Tho quá.
- Còn qua một chiếc cầu nữa cô bé ơi.
- Thật là...đoạn trường.
- Đoạn trường ai có qua cầu mới hay.
Tôi cười nhỏ. Con đường càng lúc càng đầy bóng tối. Và xa hun hút. Hai bên đường chỉ toàn cây , vườn nhà người ta um tùm. Một vài trạm gác có cảnh sát. Như4ng khúc đường ổ gà làm tôi luýnh quýnh thêm. Mấy lần định kêu anh Thường quay về nhưng tôi không nói được.
- Tới chưa anh Thường ?
- Qua cầu mới tới. Chưa qua cầu chưa tới.
- Đi ra khỏi Sài Gòn hả ?
- Yên chí , đây là...Gia Định.
- Trời ạ , sao anh không nói trước ? Gia Định có xa Sài Gòn lắm không ?
- Gần xịt à.
- Vậy mà đi hoài chả thấy tới. Anh gạt Phiến hả ?
- Đi uống cà phê mà lừa gạt nỗi gì ?
- Gạt người ta đi xa như thế này.
Rồi anh Thường cũng đưa tôi tới cái quán cà phê của anh. Đó là khu vườn riêng biệt của một ngôi biệt thự được mở quán cà phê. Những cái bàn thấp và ghế nhỏ được bày dưới những gốc cây to lớn , um tùm. Không khí sực nức mùi đất ẩm và mùi lá cây mục vì cơn mưa vừa làm mềm đi. Những ngọn đèn nhỏ xíu như trái ớt đủ màu sắc mờ ảo giăng qua các cành cây không đủ ánh sáng nên khu vườn tối om. Đứa nhỏ mang cà phê cho khách phải bấm một cái đèn pin nhỏ như cây viết mới thấy đường đi. Trời mưa , quán ít người. Nhạc mở vừa đủ nghe , âm thanh như rơi xuống từ những tàn cây lãng đãng quanh chỗ tôi và anh Thường.
Gọi cà phê xong , anh Thường hỏi tôi :
- Hài lòng chưa , cô bé khó tính ?
- Tạm được. Đây là một khu vườn hả anh ?
- Khu vườn này không có trái cấm đâu.
- Vườn địa đàng ?
- Không. Vườn mộng tưởng. Cho những ai thích mơ mộng như cô bé.
- Phiến đâu có mơ mộng.
- Người nào nói thế , người đó mơ mộng chúa tể , mơ mộng không ai bằng.
Tôi cười , cầm lấy chiếc hộp diêm của anh Thường tìm những cây diêm quẹt vu vơ để nhìn ánh lửa bùng lên rồi tắt ngúm. Mùi diêm sinh có vẻ hợp với mùi thuốc lá. Tôi thấy ngây ngất.
"Một lần ngồi gần nhau , tay nắm tay nhau.
Giấc mơ đã đến buổi ban đầu
Như tiếng chim ca trong vườn hoa ngâu
Trời vàng những giấc mộng
Thơm ngát hương về sau..."
Bản nhạc tôi mới nghe lần đầu có những câu như thế làm tôi thích và cố thuộc lòng. Tôi hay có tật lẩm cẩm là cứ thích nhớ một vài câu hát , hay một vài câu thơ nghe được ở đâu đó rồi về chép lại trong một cuốn tập riêng. Nhiều khi đọc lại cũng buồn cười.
- Mơ mộng rồi phải không ?
Tôi cười nhẹ. Đứa nhỏ mang cà phê ra. Tôi vẫn chỉ uống được cà phê sữa đá. Anh Thường uống cà phê đen. Trong lúc ngồi chờ nhìn cà phê chảy , tôi cầm chiếc muỗng nhỏ , lành lạnh , xoay trong lòng bàn tay.
Anh Thường nối một điếu thuốc khác. Và anh kể cho tôi nghe những hôm phải trực ở bệnh viện. Tôi phải nói với anh rằng như thế cũng thú vị nhưng tôi không mê nổi không khí của bệnh viện đâu. Tôi sợ nữa là khác. Anh bảo tôi con gái thiếu gì người học nghề thuốc , phải mổ cả xác chết để thực tập nữa. Dĩ nhiên trong số người ấy chả bao giờ có nhỏ Phiến nhát gan này đâu.
- Rồi Phiến sẽ học gì ?
- Chưa quyết định được. Nhưng nếu thi đậu , lên đại học Phiến sẽ chọn nghề dạy học hoặc nghề buôn bán.
- Sư phạm và kinh tế à ?
- Có lẽ.
- Sao không học những thứ khác ?
- Thực tế mà anh. Để anh bảo nhỏ này chỉ toàn mơ với mộng.
Anh Thường cười. Tôi nhấc phin lên thăm chừng cà phê. Tôi để anh Thường quậy ly cà phê cho mình , bỏ vào những viên đá nhỏ rồi bảo tôi uống.
- Anh uống cà phê đen sao mà ngủ được ?
- Quen rồi. Thức đêm ở bệnh viện phải uống cà phê mới chịu nổi.
- Cực nhỉ ?
- Cực lắm , bù đầu.
- Nhưng mai sau hái được nhiều tiền nuôi bà xã. Đừng than , anh Thường ơi.
- Anh đâu có mục đích đó. Ai học làm bác sĩ cũng có mục đích như vậy hết sao ?
- Phiến đùa. Nhưng ai biết gì anh đâu.
- Anh chọn lầm nghề đấy. Bây giờ chán rồi , chỉ muốn rảnh rang thôi.
Tôi an ủi anh :
- Ráng đi anh Thường , còn hai năm nữa thôi.
Trong vườn cây có chim. Thỉnh thoảng tôi nghe có tiếng đập cánh của một con chim ở đâu đó bay về , hay từ một cây nào vừa bay đi. Không khí mát lạnh , cho tôi có cảm giác đêm mênh mông , mơ hồ. Và thời gian như ngừng lại không trôi nữa.
Tôi nói :
- Anh Thường gầy nhom , sao anh không ăn nhiều cho mập mập thêm một chút.
- Phiến chỉ đùa vào những lúc người ta thích nói thật.
- Có gì phải nói thật đâu anh ?
- Chẳng hạn như Phiến không chịu trả lời câu hỏi của anh lúc nãy.
- Anh cũng trốn câu trả lời của Phiến.
- Nói như vậy sáng đêm cũng chưa ai chịu trả lời.
- Huề.
Tôi cười nhỏ. Anh Thường rít dài một hơi thuốc. Tôi nhìn thấy cái đầu lửa đỏ thật lâu trong bóng tối. Có lẽ tôi bị lạnh. Một cảm giác ơn ớn chạy qua người làm tôi chợt rùng mình , co ro ôm hai tay trước ngực. Tóc tôi có những sợi ướt đẫm nước.
- Phiến sao vậy ?
- Lạnh. Có lẽ nên về sớm thôi anh.
- Phiến uống hết cà phê đi.
Tôi nghe lời anh uống vơi nửa ly cà phê. Anh Thường gọi đứa trẻ con tới trả tiền. Tôi im lặng đứng lên theo anh. Lúc ngồi lên xe , tôi hỏi :
- Mấy giờ rồi anh Thường nhỉ ?
- Còn sớm.
- Rất tiếc không ngồi chơi với anh lâu hơn được. Quán cà phê này thích thật.
- Hôm khác.
- Anh tới thường không ?
- Thỉnh thoảng thôi.
- Với ai , một cô bạn thật dễ thương phải không ?
- Đoán sai hết. Anh đi với vài ngùi bạn trai.
- Không tin nổi.
- Đành chịu vậy.
Và anh cho xe chạy. Bây giờ quả thật tôi bị lạnh rồi. Ngồi phía sau mà tôi nghe hơi lạnh vút qua. Không khéo tôi bị cảm mất. Anh Thường chạy xe nhanh nhưng tôi bắt anh Thường chạy chậm lại vì tôi không chịu lạnh nổi.
Tới ngang một tiệm tạp hóa còn mở cửa , anh Thường dừng xe lại ghé mua cho tôi chai dầu. Anh bắt tôi xức , thoa hai bên thái dương. Và còn bắt hít vào ít hơi cho ấm. Tôi ngoan ngoãn làm theo lời anh như một đứa trẻ con. Tôi lại nhớ tới mẹ tôi và những ngày thơ ấy trong cơn đau bà cũng thường bảo tôi xức dầu , thoa hai bên thái dương , hít vào bụng cho ấm. Bây giờ tôi ở cách xa mẹ tôi quá , Không phải chỉ ở xa một trăm cây số đường mà còn có ý nghĩa thời gian , không gian và tình cảm nữa. Một lúc nào đó tôi nghĩ là mẹ tôi đã quên tôi , khiến tôi muốn khóc vì tủi thân. Hơi dầu làm cay tôi ứa nước mắt hay chính tôi đang khóc ?
Anh Thường chạy xe mà cứ quay lại hỏi tôi :
- Phiến đã đỡ chưa ?
Tôi đáp lời bằng cái cười nhẹ. Anh nói thêm :
- Nếu bị bệnh đừng giận anh nhé ?
- Sao lại giận anh ?
- Rủ Phiến đi chơi.
- Phiến không giận anh đâu , và Phiến cũng không đau nữa.
Về tới nhà , anh Thường dừng xe ngoài cổng. Anh và tôi không biết nói gì với nhau. Mãi một lúc anh mới dặn :
- Nhớ uống thuốc ngừa cảm.
Tôi nheo mắt :
- Lời khuyên của bác sĩ hả ?
- Không. Lời khuyên của một người sợ Phiến đau.
Tôi cười , dặn lại anh :
- Nhớ biên thư cho nhỏ Thục kẻo nó giận anh đấy.
- Nhớ chứ , nào dám quên đâu.
Anh Thường chạy mất ở cuối đường. Tôi vào ấn chuông với một nỗi lo sợ vu vơ. Nhưng may quá , dì Phương và dượng Qúi chưa ai về. Thư mở cổng cho tôi. Con nhỏ cười bắt nọn :
- Đi với bồ nhé ?
- Bồ nào. Anh Thường chở đi mua sách. Tới đây tôi mới biết là mình đã để quên những thứ đã mua trong túi xe của anh Thường. Tôi kêu lên , bực bội cho trí nhớ mình. Chuyện cần nhớ lại quên. Chuyện cần quên lại nhớ mãi. Thư cười dòn :
- Lý do để anh Thường trở lại mà không phải đợi đến cuối tuần.
Tôi than thở :
- Công trình đi mua lại bỏ quên.
- Chị ăn cơm chưa ?
- Chưa , nhưng chị không đói đâu. Chị uống cà phê no bụng.
- Có mùi dầu nhị thiên đường ở đâu vậy ?
Tôi cười :
- Chị xức đây này. Tưởng là nằm quỵ giữa đường rồi chứ. Bị cảm mưa đấy.
- Mưa có tí xíu.
- Nhưng thời tiết đã thay đổi. Mùa mưa rồi. Thích ghê.
Thư cười lém lỉnh :
- Anh Thường cũng dễ thương đấy chứ ?
- Anh gửi lời hỏi thăm Thư đó. Cảm động chứ ?
- Cám ơn.
Thư kéo tôi vào nhà bắt tôi nghe cuộn băng nó mới vừa thâu. Tôi nhận ra bản nhạc lúc nãy mới nghe ở quán cà phê với anh Thường. Tôi phục con nhỏ ghê. Mới đó mà đã biết để đi thâu cho bằng được.
Tôi nói :
- Bản nhạc có những câu dễ thương ghê.
- Chị nghe rồi à ?
- Rồi. Lúc nãy ở quán cà phê. Không ngờ Thư cũng biết.
- Gì chứ nhạc là Thư lùng hay lắm. Ở đâu cũng lùng cho ra để thu.
- Nhóc Huy đã về chưa ?
- Chưa. Chả biết nó đi đâu. Hai đứa mình đi ăn cơm trước.
- Chị phải nằm một lát. Phải uống hai viên thuốc ngừa cảm sốt nữa.
Tôi về phòng mình , nhưng đầu óc tôi không yên tĩnh nghĩ ngơi như ước muốn. Trái lại nó cứ bị quay cuồng bởi buổi đi chơi với anh Thường. Bóng tối rạp chiếu bóng , cuốn phim đã xem , quán cà phê có vườn cây êm đềm lặng lẽ với tiếng nhạc tình tứ như chỉ dành riêng cho hai người. Tôi đã hiểu lờ mờ tình cảm của anh Thường. Còn về phần tôi , quả thật tôi không nghĩ gì xa hơn được.
Tôi trở dậy khi có tiếng gọi của chị Cúc. Trước lúc vào bàn ăn tôi tìm hai viên thuốc uống với nước trà nóng. Bữa cơm đầy đủ mọi người nhưng không khí có vẻ trầm lặng và tôi chỉ ăn qua loa rồi lấy cớ đau để về phòng mình. Tôi không hiểu dì Phương và dượng Qúi đã hoà thuận với nhau chưa.
Thư vào theo , hỏi tôi :
- Chị đau thật hả ?
- Hình như muốn đau. Chị cố gắng để không bị đau. Sợ đau lắm.
Không còn gì buồn chán hơn là nằm một mình với cơn sốt.
- Nằm một mình không sợ. Chỉ sợ thấy ác mộng thôi.
- Chị thường nằm mơ lắm hả ?
- Những lúc đau thường nằm mơ. Toàn ác mộng.
- Ghê thật.
Tôi bảo Thư về phòng vặn nhạc cho tôi nghe. Con nhỏ chiều ý. Tôi im lặng trùm mền , nhắm mắt. Hình như cơn mưa trở lại bên ngoài với những hạt nước nặng đổ xuống.
Thư trở qua ngồi xuống bên cạnh tôi , nói :
- Đêm nay dám có mưa lớn.
- Mưa đầu mùa Thư nhỉ ?
- Đúng là mưa đầu mùa. Chị thích không ?
- Thời tiết êm dịu đi , đời sống cũng có vẻ đổi khác như lá cây thay mùa.
- Mưa giúp người ta dễ ngủ.
Tôi cười. Hình như nhỏ Thục cũng nói với tôi như vậy. Nhưng tôi lại khác. Tôi nghe hoài tiếng mưa đổ tiếng gió đùa mà thả hồn tận đâu đâu. Đêm mưa tôi khó ngủ và chỉ có nước ngồi học bài để quên thời gian trải rộng ra dưới chân mình. Đêm mưa là hình ảnh bao la nhất của không gian thời gian đối với tôi.
- Một chút chị ngủ nhớ tắt đèn giùm chị , Thư nhé ?
Tôi thấy bóng Thư loáng thoáng đứng lên , và nghe tiếng cửa sổ đóng lại. Bên phòng Thư tiếng nhạc vẫn là một âm thanh êm ả ve vuốt tâm hồn tôi. Những bài hát ngọt ngào ấy đã ru tôi vào giấc ngủ đêm nay.