Vào một đêm đông giá rét, mọi người đang ủ mình trong chăn ấm, bỗng thằng bé ngập ngừng nói với mẹ: - Mẹ ơi, lúc tối con quên chưa khoá cổng! Người mẹ nói với con: - Con đã khép cổng vào chưa, hay còn mở? - Con đã khép từ lúc chập tối rồi mẹ ạ, nhưng con quên chưa khoá. - Thằng bé trả lời. - Quên khoá thì thôi, không sao đâu.
Mọi người vẫn nằm yên như cũ.
Một lúc sau người mẹ nhẹ nhàng rời khỏi chăn ấm, chị với cái đèn đi ra khoá cổng. Chị đã không yên tâm mà ngủ khi cánh cổng chưa được chốt khoá cẩn thận.
Có lẽ từ khi con người biết làm hàng rào để ngăn cách bên này bên kia và khi cái hàng rào ấy mang ý nghĩa bảo vệ tài sản, bảo vệ con người thì cổng được hình thành. Cổng là khoảng trống chừa làm lối ra vào của một khu vực đã được rào ngăn lại, thường có một bộ phận lắp vào để đóng, mở. Nhà có hàng rào bao quanh và có cổng là kiểu xây dựng phổ thông và phổ biến rộng khắp thế gian này. Về hình dáng, kiểu cách của cổng cũng rất đa dạng, nhà này với nhà kia đã khác, vùng này với vùng kia còn khác xa nhau hơn nữa...
Về phần tôi, không có tham vọng lớn lao đi xem xét hết các loại cổng... Tôi chỉ có ý đi dạo qua mấy cái cổng ở quê tôi, của đồng bào tôi, dân tộc tôi trên vùng cao núi đá heo hút này mà thôi.
Chỉ cần nhìn qua cái cổng có thể biết được nhà này giầu hay nghèo. Nhà giầu thường làm cổng bề thế, chắc chắn, thậm chí tô vẽ nhìn rất đẹp. Nhà nghèo, cái cổng cũng hẹp, cũng giản đơn, xác xơ như chính gia chủ của nó vậy!
Quê tôi, rừng núi trập trùng, đất không nổi ba thước bằng, nhà không được ba giờ nắng, bốn bề là đá, dưới chân là đá, chỉ còn thiếu trên đầu là đá nữa thì đủ trọn vẹn xung quanh toàn đá. Vì đá nhiều quá nên người dân quê tôi không lãng phí tre gỗ làm hàng rào làm gì, họ lấy luôn đá làm hàng rào. Một hàng rào đá bao quanh ngôi nhà cũng đẹp chẳng kém gì hàng rào tre hay hàng rào gỗ, lại còn bền nữa chứ, thật tiện vô cùng.
Màu thời gian đã quét dần lên dấu vết của lịch sử, những gì là mới của hôm nay nhưng ngày mai, sang năm là có tuổi rồi. Vậy mà có công trình dám thách đố cả thời gian. Ngôi nhà và cái cổng của chúa đất Vàng Xúa Chư nghe đâu được xây dựng từ lâu rất lâu rồi. Bà nội tôi khẳng định là cái cổng ấy có trước cả ngày cụ sinh ra bà có mặt trên trái đất này. Nhiều người khác cũng khẳng định cái cổng này có từ lâu rất lâu rồi. Thế mà đến tận bây giờ nó vẫn không hề khác đi là mấy, không hề suy chuyển lấy một ly.
Nghe kể lại rằng ngày xưa Vàng Xúa Chư lấy mật ong trộn với bột đá để xây dựng hàng rào và làm cổng. Để kiểm chứng lời nói ấy tôi đã đến bên cổng lấy dao cạo trộm một ít vữa đem về nhà. Tôi đã nếm cái thứ bột trăng trắng xanh xanh ấy. Tôi cũng chả biết có đúng là ngày xưa bức tường đó đã được xây bằng mật hay không bởi lưỡi của tôi chẳng cảm thấy có vị gì.
Khi trở lại nhìn thật kỹ cái cổng tôi đã nhận ra đó là cả một công trình nghệ thuật. Nó cao lớn đồ sộ đón lấy con đường được lát bằng những tảng đá rất to thành bậc chạy dài từ đoạn cua gần rừng thông kéo lại. Phía trên cánh cổng làm mái che là khối đá dài đến hơn hai sải tay người lớn, rộng hơn một sải. Hai cái cột đỡ là những tảng đá được đẽo gọt vuông vắn chồng lên nhau, giữa phiến nọ với phiến kia khe hở chỉ nhỏ bằng sợi lanh được xe lại, không hề có gì kết dính. Hai cánh cổng là hai phản gỗ nghiến dày hơn nửa gang tay người lớn, chạm khắc hai con sư tử đang ở thế chồm lên vồ mồi. Cứ tưởng với cánh cổng như vậy thì mở ra mở vào sẽ rất khó khăn, nhưng ngược lại không hề nặng nhọc chút nào, đứa trẻ mười tuổi cũng có thể mở được cánh cổng một cách khá dễ dàng. Bao nhiêu năm nay cánh cổng không có mấy thay đổi so với hồi đầu mới xây dựng. Các cụ già đã khẳng định như vậy khi lấy dẫn chứng là lúc nhỏ đã thấy cánh cổng nó thế, bây giờ vẫn thế. Quả là một sự vĩ đại!
Cổng nhà tôi không có mái che, không rộng, cánh cổng cũng không bằng gỗ. Bố tôi lấy mấy cây trúc nẹp lại làm cánh cổng. Mỗi lần mở phải lấy hai tay bê lên mới mở được. Có lần tôi nói với mẹ: - Mẹ ơi, cổng nhà mình trộm nó đi qua quá dễ dàng, mỗi lần con mở thấy khó ơi là khó. Làm cổng làm gì hả mẹ? Mẹ nhìn tôi, cười: - Có cổng con thấy có khác với không có hay không? - Có ạ! - Tôi đáp. - Chỉ cần vậy thôi!
Mẹ không nói thêm gì nữa, đi lấy cám cho lợn ăn. Tôi không hiểu câu nói sau cùng của mẹ.
Nói thật, nếu trộm có lạc vào nhà tôi chưa chắc đã có cái gì đáng để lấy. Nên cũng nói thật luôn là tôi không lo trộm vào nhà, vì vậy không cần phải có cổng bảo vệ, nhất là cái cổng mở chẳng muốn đóng, đóng chẳng muốn mở ra nữa.
Ngoài hai kiểu cổng điển hình, một của nhà Vàng Xúa Chư và một của nhà tôi ra còn các kiểu cổng khác ở cái xóm núi này đều na ná giống nhau, đều bằng gỗ, có hai cánh và có then cài ở phía trong.
Đêm nay, giữa mùa đông giá rét, ngoài trời sương giăng kín, vài sợi sương mỏng len qua khe cửa vào trong nhà, không gian mờ dần. Chị gió không biết đang cãi nhau với ai mà gào lên, âm thanh rít qua kẽ răng, rờn rợn. Ngồi bên bếp sưởi, hơi ấm lan toả làm tôi ngại đứng dậy đi ngủ. Bất chợt mẹ hỏi tôi: - Đã khoá cổng chưa, con? - Con đã khoá rồi! Tôi trả lời mẹ, một lời nói dối.
Một lúc sau tôi lẻn ra ngoài ngõ để đóng cánh cổng khó nhất trong các loại cổng. Tôi đi rất nhẹ, nếu mẹ biết là nói dối thế nào cũng bị mắng. Tôi lấy sợi dây buộc chặt hai cánh cổng lại.
Mẹ đã nằm trong chăn ấm.
Tôi không ngồi bếp sưởi nữa mà đi ngủ.
Hơi lạnh vẫn không ngừng chui qua khe cửa vào trong nhà./.