Đã lâu lắm tôi không trở lại nơi ấy, một vùng đá xám mênh mông, một vùng quanh năm thiếu nước, một vùng đã khắc vào tâm khảm tôi một nỗi nhớ da diết đến không lý giải nổi tại sao.
Thời gian thấm thoắt trôi đánh vèo một cái đã sáu năm.
Gặp nhau ở huyện tôi nói với người bạn làm giáo viên là sẽ vào trong xã, tôi hỏi có cần mang theo cái gì không. Anh ta cười, trong ấy không thiếu thứ gì ngoài nước, trước khi đi cậu nên tắm rửa sạch sẽ. Tôi cứ nghĩ là anh ta nói đùa.
Đi đường, chúng tôi đã dừng lại nghỉ không biết bao nhiêu lần, phải nói thật là cảnh rừng núi quá đẹp, với lại cái xe mink cà tàng phun khói mịt mù và lỳ ra không chịu lăn bánh. Đến Bạch Đích, anh ta dừng lại lấy can hai mươi lít xuống suối múc một can đầy nước chằng vào đằng sau xe. Anh ta bảo lấy nước để rửa mặt và nấu ăn.
Nơi chúng tôi dừng chân là hai dãy nhà cấp bốn lợp ngói đỏ, một của nhà trường, một của uỷ ban xã.
Tôi nghỉ tại nhà trường, ở chung với người bạn, vậy là chúng tôi đã đi gần mất một ngày chặng đường gần năm mươi cây số. Anh bạn lấy nước ra rửa mặt. Chúng tôi nấu ăn qua loa rồi đi ngủ. Anh bạn tâm sự, nơi này lúc nào cũng thiếu nước, cả vùng thiếu nước chứ không chỉ có Uỷ ban. Mùa mưa còn đỡ vì có thể hứng nước mưa để dùng, còn mùa khô thì trăm ngàn cơ cực. Anh chị em giáo viên quần áo mặc đúng một tuần, ngày nghỉ mới đem đi Bạch Đích để giặt và tắm luôn. Hàng ngày nhiều lúc phải nhịn đói vì không có nước để nấu. Ai không có điều kiện đi lấy nước thì phải mua, dân mang ngựa đi gùi, hai mươi ngàn một can hai mươi lít nước. Cho nhau dăm ba chục ngàn không đắn đo bằng cho nhau ca nước. Có một nghịch lý là có khi trong nhà rượu mua về còn nhiều hơn nước... Tôi vì mệt đã ngủ từ lúc nào, không biết anh bạn đang nói thêm những gì sau đó.
Tôi đã được trở lại nơi ấy trong một chuyến công tác, niềm vui cũng không lý giải nổi, nó mênh mang rộng lớn lắm, hừng hực như lò lửa cháy đêm khuya.
Hết con đường trải nhựa, đến con đường đất đỏ, hai bên đường chạy dài vào tận thung lũng là rừng thông non đang vi vu ca hát, những cây thông mơn mởn xanh tràn đầy nhựa sống lung linh trong nắng vàng.
Núi, tôi đang đi trên vai ngọn núi. Thung sâu từng mảnh nương ngô đã xanh um sắc lá. Gió và nắng đã làm rừng núi như cô gái đang làm duyên trước khi xuống chợ, nét xuân làm đôi má cô cứ ửng hồng còn đôi mắt lại sâu thẳm như khe suối trong.
Nơi ấy của tôi đã có nhiều thay đổi, những ngôi nhà mới đã xoá đi màu tối bức tranh quê, xoá đi cái đói, cái nghèo bám dai dẳng đến mấy mươi đời. Nét tươi mới đã hiện rõ trên khuôn mặt con người. Nơi này con người đã biết lấy đá để xây nhà, từng khối đá được đục đẽo gọt dũa rất đẹp, chạm khắc những nét hoa văn tinh sảo.
Cái nắng vẫn còn chan hoà, tôi đứng ở lan can tầng hai trụ sở Uỷ ban xã nhìn ra vùng núi trước mặt, một làn gió oi nồng thổi lại, mùi của đất, của đá, của cây cỏ thoảng bay, tôi đón nhận trong ngất ngây niềm xúc cảm. Nơi con đường tôi vừa đi qua, hai bên là nương ngô, bóng người thấp thoáng vun đất vào gốc từng cây ngô đang xanh lá. Cao hơn nữa là đỉnh núi, nơi có rừng cây. Anh bạn cùng đi thắc mắc:
- Sao dân không chặt cây ở đây nhỉ?
Anh cán bộ xã cười:
- Rừng cây này đã cấm chặt phá từ lâu rồi, chứ không chỉ trong vòng một tuần là sạch trơn nhẵn nhụi.
Anh bạn vẫn thắc mắc:
- Thế họ lấy củi ở đâu để đun?
Anh cán bộ xã lại giải thích:
- Họ phải đi xa hơn, lấy củi ở những vùng không cấm.
- Họ không chặt trộm cây sao?
- Không ai dám chặt, người dân ở đây coi những khu rừng đầu nguồn, rừng bảo vệ là những nơi thiêng. Họ bảo vệ bằng chính luật tục của bản làng, nên họ không dám vi phạm.
Cuộc nói chuyện đã không kéo dài, anh bạn rủ tôi đi dạo quanh Uỷ ban. Tôi nhìn vào trong bể, thấy có nước. Tôi nhìn quanh phát hiện ra dây nước được kéo từ trên núi xuống. Tôi cầm dây nước lên, một dòng nước trong nhỏ bé chảy ra. Tôi hỏi một người đứng gần, anh ta cho biết nước được lấy về từ bên kia núi, đi bộ mất khoảng hơn nửa tiếng đồng hồ.
Anh bạn rủ tôi đi xem những ngôi nhà xây bằng đá. Chúng tôi trở lại con đường vừa đi vào Uỷ ban. Những ngôi nhà nhìn bên ngoài có kiểu cách tương đối giống nhau, nhà nào cũng làm hai tầng, tầng trên chỉ cao bằng một nửa, có khi chỉ bằng một phần ba tầng dưới. Nhà có ba phần mái, phần mái chính chạy dọc theo nhà, chịu trách nhiệm che mưa nắng cho ngôi nhà, hai phần mái phụ vuông góc với mái chính nằm ở phần mái phía trước ngôi nhà tạo một kiểu cách khác hẳn so với nơi khác.
Trên đường, từng đàn bò, dê nối đuôi nhau về bản đi ngang qua chỗ chúng tôi đứng. Con nào con nấy béo núng nính. Cách một đoạn là đứa bé khoảng chín mười tuổi đi cùng đàn bò. Tôi đi theo một tốp có ba đứa trẻ để trở lại Uỷ ban. Một đứa trẻ hỏi tôi:
- Anh đi đâu đấy?
- Anh đi ngắm núi! - Tôi trả lời.
Nó cười, mấy đứa cùng cười:
- Núi có gì hay mà anh ngắm? - Một đứa khác hỏi.
- Hay chứ, hay nhiều nhiều đấy. Con chim gì đấy, em?
Tôi chuyển đề tài khi thấy một đứa có con chim đang đậu trên cánh tay. Nó cười không nói gì. Đàn bò đi tiếp vào con đường được xếp bằng những tảng đá lớn để về bản. Tôi rẽ sang con đường đi vào Trụ sở Uỷ ban xã. Tôi vào phòng của đoàn thể gặp chị Hội trưởng Hội phụ nữ xã, một người khá đặc biệt, tôi nghĩ vậy, chị rất trẻ so với cái tuổi bốn mươi tám, chị rất xinh, chắc hồi còn con gái phải xinh lắm để đến bây giờ nét duyên vẫn còn đằm thắm đến thế. Chị nói chuyện rất cởi mở và có duyên. Chị cho biết, cha chị là người Mông ở Đồng Văn. Gia đình nghèo đói quá mới đem cha chị bán cho bản người Dao. Cha chị sống cuộc đời tôi đòi, phải làm nhiều thật nhiều còn ăn thì thật ít. Cha chị đã từng phải ăn quả rừng thay cơm. Nhiều đêm ông phải ngủ trên rừng khi đến mùa vụ để canh giữ nông sản, hoặc khi thú rừng về phá mùa vụ ông cũng phải ở trên rừng,...
Cuộc sống lao động cho ông vóc người cao lớn, khoẻ mạnh, còn việc ông làm được luôn gấp đôi người khác. Bằng tuổi người ta đã có người nhóm bếp lửa, che ô khi cùng nhau đi chợ, cha chị đi đâu vẫn một mình. Số phận tôi đòi của cha chị đã làm nhiều cô gái e ngại không dám lấy làm chồng mặc dù cái bụng rất muốn. Tiếng kèn lá của cha chị trong những đêm hội đã làm nhiều cô gái mải nghe quên cả đường về. Rồi một hôm, không ai dám tin, người con gái út của Tẩn A Pá, một trong ba gia đình giàu nhất tổng đã đem lòng yêu cha chị. Cha chị bị người ta lấy roi da bò đánh suốt một ngày, rồi phơi nắng ba ngày nữa. Mẹ chị cũng bị nhốt ở trong nhà bắt uống lá thuốc cho ra cái thai trong bụng. Mẹ chị nhất quyết không uống và cũng nhịn ăn từ khi người ta bắt cha chị. Nếu họ bắt cha chị chết thì mẹ chị cũng sẽ không sống nữa. Sau cùng họ đã nhất trí với cách giải quyết là đưa hai người lên khu rừng già ở tít trong núi sâu. Mọi người coi họ như con ma ác, phải bỏ đi thật xa. Mẹ chị đã sinh ra chị trên rừng. Năm năm sau ông ngoại lên đón mẹ chị và chị về nhà. Bố chị cũng được quay về nhưng vẫn phải sống kiếp tôi đòi như trước. Ông ngoại không cho chị mang họ của bố, kẻ đã bị bán đi không còn họ, chị mang họ Tẩn của mẹ. Bố chị đã mất sau đó không lâu, ông bị đưa đi chôn cách đó mấy dãy núi, lên tận khu rừng già, ông không được coi là người dân trong tổng nên phải đem chôn thật xa, ngoài vùng đất của tổng. Mẹ chị cũng mất khi chị lên mười...
Chị chưa kịp kể lại cho tôi nghe tiếp đoạn đời còn lại thì có người đã gọi chị đi hoà giải một vụ mâu thuẫn gia đình.
Tôi lại lên tầng hai đứng ở lan can nhìn ra khu rừng và nương ngô, một màu xanh xen lẫn màu đá xám tai mèo trải dài khắp các sườn núi. Nơi ấy thấp thoáng bóng người vun ngô đang mờ dần trong sương.