Khi A-đam phạm tội, làm cho chính mình và toàn thể nhân loại bị hư hoại, thì Ðức Chúa Trời có ba lối đối xử -- kết tội tất cả loài người cách không thương xót, cứu chuộc tất cả nhân loại, hoặc dọn sẵn con đườngcứu chuộc cho những ai ăn năn tội lỗi mà trở về với Ðức Chúa Trời. Lối sau cùng là cách thức duy nhất của Ðức Chúa Trời công bình và thương yêu. Bởi vậy Ngài đã hứa ban cho một Ðấng Mê-si sẽ đến cứu dân mình ra khỏi tội.
Trong lời rủa sả con rắn, có lời hứa ban Mê-si: " Ta sẽ làm cho dòng dõi mầy cùng người nữ, dòng dõi mầy cùng dòng dõi người nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu mầy, còn mầy sẽ cắn gót chơn người " (Sáng-thế-ký 3:15). Hằng thế kỷ sau đó, lời hứa nầy đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Con người nhìn vào tương lai với niềm hy vọng và tin tưởng một Ðấng Cứu Thế sẽ ra đời.
Khi hạn kỳ đã được trọn, Chúa bèn xuất hiện: " Nhưng kỳ hạn đã được trọn, Ðức Chúa Trời bèn sai Con Ngài bởi một người nữ sanh ra, sanh ra dưới luật pháp, để chuộc những kẻ dưới luật pháp và cho chúng ta được làm con nuôi của Ngài " (Ga-la-ti 4:4-5)
Tên riêng của Ðức Chúa Trời đặt cho Con Ngài là Jêsus -- " Ngươi sẽ gọi tên Ngài là Jêsus. " Ðó là tiếng đồng nghĩa với tiếng Hê-bơ-rơ " Giô-suê " có nghĩa: Ðức Giê-hô-va là sự cứu chuộc. Danh hiệu chánh thức của Jêsus là " Christ " nghĩa là được xức dầụ Ðó là tiếng Hy-lạp đồng nghĩa với tiếng Hê-bơ-rơ " Mê-si " Ðiều nầy chỉ rằng Ðức Chúa Jêsus là Ðấng đã thực hiện mọi hy vọng của Ðấng Cứu Thế. Trong những thơ tín của Kinh Thánh, tên riêng và danh hiệu chánh thức thường được phối hợp thành Jêsus Christ hay Christ Jêsus.
Một danh hiệu khác của Ðấng Christ là " Chúa " Ðó là một tước vị cao trọng, đầy vinh dự và uy nghiêm. Chữ Chúa dùng trong Tân Ước thường riêng chỉ Ðức Chúa Jêsus Christ. Có khi Ngài được gọi là " Chúa Jêsus ", có khi cả ba danh hiệu nhập lại thành " Ðức Chúa Jêsus Christ ".
I. Sự hiện hữu từ trước của Ðấng Christ
Sự hiện hữu của Ðấng Christ không như trường hợp của một người thường bắt đầu khi Ngài ra đời. Ngài đã hiện hữu từ một quá khứ vô tận.
1) Tân Ước đã chép rõ ràng
Ở đây, chỉ cần trích dẫn vài đoạn. Chúng ta bắt đầu với Giăng1:1-2: "Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Ðức Chúa Trời, và Ngôi lời là Ðức Chúa Trời. Ban đầu Ngài ở cùng Ðức Chúa Trời." Những chữ dùng ở đây, chúng ta đã gặp trong câu đầu của Kinh Thánh: "Ban đầu." Trước lúc sáng thế, Ðấng Christ đã có mặt với Ðức Chúa Cha.
Giăng lại tiếp tục nói rằng Ðấng Christ là nguyên động lực của sự sáng tạo. " Muôn vật bởi Ngài làm nên, chẳng vật chi đã làm nên mà không bởi Ngài" (Giăng 1:3). Phao-lô đã ghi chép chân lý nầy trong Cô-lô-se 1:16 " Vì muôn vật đã được dựng nên trong Ngài, bất luận trên trời, dưới đất, vật thấy được, vật không thấy được, hoặc ngôi vua, hoặc quyền cai trị, hoặc chấp chánh, hoặc cầm quyền, đều là bởi Ngài và vì Ngài mà được dựng nên cả." Và trong câu 17 người nói tiếp: " Ngài có trước muôn vật, và muôn vật đứng vững trong Ngài."
2) Sự hiện hữu từ trước đã được Chúa Jêsus xưng nhận
Hơn một lần, Ðức Chúa Jêsus đã nói về sự hiện hữu của Ngài, trong một quá khứ vô tận. Ðối với những người Do Thái vô tín, Ngài đã phán: " Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, trước khi chưa có Áp-ra-ham, đã có ta" (Giăng 8:58). Áp-ra-ham đã sống gần hai ngàn năm trước khi Ðức Chuá Jêsus ra đời, nhưng Ngài đã phán: "Trước khi Áp-ra-ham ra đời đã hằng có ta." Trong một buổi cầu nguyện thay, Ngài đã phán: " Cha ôi! bây giờ xin lấy sự vinh hiển Con vốn có nơi Cha trước khi chưa có thế gian mà làm vinh hiển Con nơi chính mình Cha" (Giăng 17:5).
II. Sự hiện thân của Ðấng Christ
Sự hiện thân có nghĩa là hóa thân thành một con người bằng xương bằng thịt. Con đời đời của Ðức Chúa Trời đã đến thế gian và hiện thân trong một cơ thể phàm tục: "Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta" (Giăng 1:14). Phao-lô đã ghi nhận điều nầy như sau: "Ngài vốn có hình Ðức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình, với Ðức Chúa Trời là sự nên nắm giữ, chính Ngài đã tự bỏ mình đi lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người" (Phi-líp 2:6-7). Ðó là điều đã xảy ra khi "Hài nhi" Jêsus ra đời tại Bết-lê-hem.
Có hai chân lý liên quan đến sự hiện thân của Ðấng Christ.
1) Một người thật
Tên mà Ðức Chúa Jêsus thường dùng nhất để chỉ Ngài, là "Con người." Toàn thể sách Tin Lành trình bày Ngài như một con người. Ngài đã sống như một con người và đã biểu lộ những đặc tính của con người. Ngài lớn lên trong một cơ thể con người: "Ðức Chúa Jêsus khôn ngoan càng thêm, thân hình càng lớn, càng được đ(c)p lòng Ðức Chúa Trời và người ta" (Lu-ca 2:52). Chúa Jêsus đã bị mệt và đói: "Nhơn đi đàng mỏi mệt, Ðức Chúa Jêsus ngồi gần bên giếng" (Giăng 4:6); "Và sau khi đã kiêng ăn bốn mươi ngày bốn mươi đêm, Ngài bèn thấy đói" (Ma-thi-ơ 4:2). Ngài đã bị đau đớn về thể xác, Ngài đã khóc, đã đi ngủ, đã chết. Tất cả những sự từng trải đó, minh chứng tánh chất con người thật của Ðức Chúa Jêsus.
2) Một Ðức Chúa Trời thật
Chúa Jêsus không những chỉ là con người mà còn là Con của Ðức Chúa Trời. Ngài đã xưng nhận thần tính của Ngài: "Ai đã thấy ta, tức là đã thấy Cha" (Giăng 14:9). "Ta với Cha là một" (Giăng 10:30). Ngài đã sử dụng quyền năng của Ðức Chúa Trời. Ngài đã tha thứ tội lỗi: "Ðức Chúa Jêsus thấy đức tin họ, bèn phán cùng kẻ baị rằng: Hỡi con ta, tội lỗi ngươi đã được tha" (Mác 2:5). Những kẻ thù nghịch đã kết Ngài vào tội tử hình, bởi Ngài đã xưng nhận mình là Con của Ðức Chúa Trời: "Dân Giu-đa lại nói rằng: chúng tôi có luật, chiếu luật đó hắn phải chết; vì hắn tự xưng là Con Ðức Chúa Trời" (Giăng 19:7).
Ấy vậy, trong Ðấng Christ, chúng ta có "Ðức Chúa Trời--Người", hai bản thể hợp lại trong một vị cách. Chúa là một con người thật nên Ngài đã bị đói; Chúa là Ðức Chúa Trời thật nên Ngài đã làm cho vô số con người khỏi đói bằng năm ổ bánh mì và hai con cá nhỏ. Chúa là người thật nên Ngài bị nhọc mệt; Chúa là Ðức Chúa Trời thật, nên Ngài ban sự nghỉ ngơi cho những kẻ mệt mỏi. Ngài là người thật nên Ngài đã bị buồn ngủ; Ngài là Ðức Chúa Trời thật nên Ngài đã thức và khiển trách giông tố. Ngài là người thật nên Ngài đã chết; Ngài là Ðức Chúa Trời thật nên Ngài đã sống dậy từ kẻ chết. Chính ở trong vị cách Ðức Chúa Trời--Người, mà Ngài trở thành Ðấng Cứu Thế cho nhân loại.
Chúng ta có thể hiểu được điều nầy chăng? Dĩ nhiên là không. Và bởi có nhiều người không hiểu được điều nầy nên họ đã không công nhận đó là sự thật. Một ngày kia có người hỏi ông Daniel Webster (Chính trị gia và nhà hùng biện ở Mỹ-quốc 1782-1852) như vầy: "Ông có hiểu Ðức Chúa Jêsus Christ? " Ông bèn trả lời: "Không. Tôi rất lấy làm xấu hổ mà nhận Ngài làm Cứu Chúa của tôi, nếu tôi có thể hiểu được Ngài. Tôi cần một Cứu Chúa siêu nhân--một Ðấng tối vĩ đại và tối vinh hiển mà tôi không thể hiểu được."
III. Thần tính của Ðấng Christ
Những điều vừa trình bày đã đặt ra vấn đề thần tính của Ðấng Christ. Theo cách dùng từ ngữ ngày nay, có điểm khác nhau giữa danh từ thiên tính và thần tính: Thiên tính là cái mà ai cũng có thể xưng nhận, vì họ đã được tạo ra theo hình ảnh Ðức Chúa Trời. Trong họ có cái gì giống Ðức Chúa Trời. Nhưng không có người thường nào có thể xưng nhận thần tính cho mình. Ðó là điểm để phân biệt thuộc về Ðức Chúa Jêsus, con Người của xứ Ga-li-lê. Lời của Giám mục Durham thường được trích dẫn như sau: "Một Ðấng Christ mà không phải là Ðức Chúa Trời thì cũng như cây cầu gãy ở đâu bên kia."
1) Tánh chất sự giáng sanh của Chúa
Không có sự giáng sanh nào như sự giáng sanh của Hài nhi ở Bết-lê-hem. Ma-thi-ơ nói: "Vả, sự giáng sanh của Ðức Chúa Jêsus Christ đã xảy ra như vầy: Khi Ma-ri, mẹ Ngài, đã hứa gả cho Giô-sép, song chưa ăn ở cùng nhau, thì người đã chịu thai bởi Ðức Thánh Linh. Giô-sép, chồng người, là người có nghĩa, chẳng muốn cho người mang xấu, bèn toan đem để nhẹm. Song đang ngẫm nghĩ về việc ấy, thì thiên sứ của Chúa hiện đến cùng Giô-sép trong giấc chiêm bao, mà phán rằng: Hỡi Giô-sép, con cháu Ða-vít, ngươi chớ ngại lấy Ma-ri làm vợ, vì con mà người chiụ thai đó là bởi Ðức Thánh Linh" (Ma-thi-ơ 1:18-20).
Lu-ca chứng thật lời của Ma-thi-ơ và diễn tả lại có phần nhấn mạnh hơn: " Ðến tháng thứ sáu, Ðức Chúa Trời sai thiên sứ Gáp-ri-ên đến thành Na-xa-rét, xứ Ga-li-lê, tới cùng một nữ đồng trinh tên là Ma-ri, đã hứa gả cho một người nam tên là Giô-sép, về dòng vua Ða-vít. Thiên sứ vào chỗ người nữ ở, nói rằng: Hỡi người được ơn, mừng cho ngươi; Chúa ở cùng ngươi. Ma-ri nghe nói thì bối rối, tự hỏi rằng lời chào ấy có ý nghĩa gì. Thiên sứ bèn nói rằng: Hỡi Ma-ri đừng sợ, vì ngươi đã được ơn trước mặt Ðức Chúa Trời. Nầy, ngươi sẽ chiụ thai và sanh một con trai mà đặt tên là Jêsus" (Lu-ca 1:26-31). Rồi trong câu 35, Lu-ca giải thích cách thức Chúa giáng sanh như thế nào: "Thiên sứ truyền rằng: Ðức Thánh Linh sẽ đến trên ngươi, và quyền phép Ðấng Rất Cao sẽ che phủ ngươi dưới bóng mình, cho nên Con thánh sanh ra, phải xưng là con Ðức Chúa Trời."
Những ai phủ nhận sự giáng sanh từ một trinh nữ của Chúa Jêsus tức là phủ nhận lẽ thật của lời Chúa.
2) Cách sống của Chúa
Ðức Chúa Jêsus đã sống một cuộc đời hoàn toàn. Trước giả Hê-bơ-rơ nói về Ngài: " Có một thầy tế lễ bị thử thách mọi việc cũng như chúng ta, song chẳng phạm tội" (Hê-bơ-rơ 4:15). Chúa Jêsus có thể đứng trước mặt những kẻ nghịch của Ngài và thách họ thử hài ra một tội lỗi một mà Ngài phạm phải: "Trong các ngươi có ai bắt ta thú tội được chăng?" (Giăng 8:46). Lời tuyên bố của Phi-lát là điều phán quyết qua bao thời đại: "Ta không thấy người nầy có tội gì." (Lu-ca 23:4). Ông Ramanes đã nói về Ngài: "Sự kiện lạ kỳ nhất về Ðức Chúa Jêsus là hai mươi thế kỷ đã thất bại trong sự tìm kiếm trong Ngài một tội lỗi nhỏ." Chỉ có Con của Ðức Chúa Trời mới có thể sống một đời sống như thế.
3) Tính chất những lời giáo huấn của Chúa
Khi bọn người được lệnh từ Giê-ru-sa-lem đi kiếm bắt Chúa Jêsus và đưa Ngài ra trước tòa công luận, họ đã trở về không có Ngài. Lúc bị hỏi tại sao thất bại, chúng bèn trả lời: "Chẳng hề có người nào đã nói như người nầy" (Giăng 7:46). Chẳng hề có người nào đã nói như người nầy, vì chẳng hề khi nào đã có một người như người nầy. Có những diễn giả nói lời vàng, làm ảnh hưởng đám quần chúng, với lời hùng biện của mình; có những đại học giả đã làm ngạc nhiên người ta với sự hiểu biết của mình; nhưng không có ai đã nói như Chúa Jêsus. Lời nói của Ngài vừa giản dị, và sâu xa, Người bình dân nghe Ngài phán một cách sung sướng, và người thông thái nhất cũng kinh ngạc vì lời nói của Ngài. Những nguyên lý Ngài chủ xướng, đã là ngọn đèn dìu dắt nhân loại qua bao thế kỷ.
4) Sự kỳ diệu của lời Chúa
Khi Ni-cô-đem, người cai trị dân Giu-đa, đang đêm đến cùng Ðức Chúa Jêsus, người bèn nói với Chúa rằng: "Thưa thầy, chúng tôi biết thầy là giáo sư từ Ðức Chúa Trời đến; vì những phép lạ thầy đã làm đó, nếu Ðức Chúa Trời chẳng ở cùng, thì không ai làm được" (Giăng 3:2). Ðó cũng là lời giải thích của Chúa Jêsus về những phép lạ của Ngài. Ðứng trước vô số quần chúng thành Giê-su-sa-lem, Ngài phán: "Nhưng ta có một chứng lớn hơn chứng của Giăng; vì các việc Cha đã giao cho ta làm trọn, tức là các việc ta làm đó, làm chứng cho ta rằng Cha đã sai ta" (Giăng 5:36).
5) Sự sống lại vinh diệu của Chúa
Phao-lô đã bày tỏ rằng sự sống lại của Chúa Jêsus là bằng chứng chắc chắn nhất về thần tính Ngài. "về Con Ngài, theo xác thịt thì bởi dòng dõi vua Ða-vít sanh ra, theo thần linh của thánh đức, thì bởi sự sống lại của Ngài từ trong kẻ chết, được tỏ ra là Con Ðức Chúa Trời có quyền phép, tức là Ðức Chúa Jêsus Christ, Chúa chúng ta" (Rô-ma 1:3-4). Ngài đã bị đóng đinh trên thập tự giá và bị treo ở đấy cho đến chết. Xác Ngài đã được lấy xuống khỏi thập tự giá và đem chôn ở một ngôi mộ bằng đá xây.
Một hòn đá to đã được lăn đến lấp cửa mộ và đóng dấu triện Rô-ma, và để cho chắc chắn rằng xác chết không bị phá động, một toán lính người Rô-ma đã được bố trí canh phòng ở đó. Nhưng đến ngày thứ ba; thì xác chết đã ra khỏi mồ và sống lại trong hình thức vinh hiển. Phao-lô nói rằng đó là bằng chứng chắc chắn nhất về thần tính của Ðấng Christ.
IV. Sự chết của Ðấng Christ
Trải qua bao thời đại, sự đóng đinh Chúa Jêsus là một tội ác lớn nhất. Tuy nhiên, đó là sự bày tỏ tột độ tình yêu thương của Ðức Chúa Trời: "Nhưng Ðức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Ðấng Christ vì chúng ta chịu chết" (Rô-ma 5:8). Ðó là điều thể hiện đẹp đẽ nhất của Ðức Chúa Trời, thay đổi những lời nguyền rủa thành phúc lành. Giô-sép đã nói cùng các anh người rằng: "Các anh toan hại tôi, nhưng Ðức Chúa Trời lại toan làm điều ích cho tôi, hầu cứu sự sống cho nhiều người, y như đã xảy đến ngày nay, và giữ gìn sự sống của dân sự đông đảo" (Sáng-thế-ký 50:20). Những kẻ thù nghịch của Chuá đã tưởng rằng sự đóng đinh Ngài là thắng lợi lớn nhất của chúng, nhưng Ðức Chúa Trời đã chuyển hóa sự nầy thành điều bại lớn nhất của chúng. Bởi thập tự giá, Ðức Chúa Trời đã thực hiện sự cứu rỗi cho thế gian bị hư mất.
Có nhiều chân lý liên hệ đến sự chết của Ðấng Christ.
1) Sự tình nguyện
Ðức Chúa Jêsus không phải đi đến thập tự giá vì Ngài bất lực, lúc ở trong tay bọn thù nghịch Ngài. Phi-e-rơ rút kiếm ra để bảo vệ thầy mình ở vườn Ghết-sê-ma-nê, Chúa Jêsus đã phán cùng người rằng: "Hãy nạp gươm vào vỏ; vì hễ ai cầm gươm thì sẽ bị chết về gươm. Ngươi tưởng ta không có thể xin Cha ta lập tức cho ta hơn mười hai đạo thiên sứ sao?" (Ma-thi-ơ 26:52-53).
Chẳng phải tất cả những mưu cơ của bọn cầm quyền Giu-đa, tất cả quyền uy của các quan cai trị Rô-ma, tất cả khí giới mạnh mẽ của Rô-ma, đã có thể đóng đinh Ðức Chúa Jêsus trên thập tự giá. Nói về cái chết của Ngài, Ðức Chúa Jêsus phán rằng: Ấy vì ta phó sự sống mình, để được lấy lại. Chẳng có ai cất sự sống ta đi, nhưng tự ta phó cho" (Giăng 10:17-18). Ngài đã từng tuyên bố rằng Ngài xuống trần gian để chịu chết: Ấy vậy, Con người đã đến, không phải để người ta hầu việc mình, song để mình hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc nhiều người" (Ma-thi-ơ 20:28).
2) Sự thay thế
Ðiều quan hệ không phải cách chết của Ðấng Christ mà là ý nghĩa của sự chết đó. Ðã từng có người bị đóng đinh trên thập tự giá. Nhưng trong cái chết của Ngài, Ðấng Christ đã mở đường cứu chuộc con người.
Lời của Ðức Chúa Trời phán: "Tiền công của tội lỗi là sự chết" (Rô-ma 6:23). Sau có đoạn nói rằng tất cả đều phạm tội trước mặt Ðức Chúa Trời: "Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Ðức Chúa Trời" (Rô-ma 3:23).
Ấy vậy, Ðức Chúa Trời làm thế nào cứu chuộc con người, gìn giữ sự công nghĩa và duy trì luật pháp Ngài?
Thập tự giá của Ðấng Christ trả lời về điều nầy: "Và họ nhờ ân điển Ngài mà được xưng công bình nhưng không, bởi sự chuộc tội đã làm trọn trong Ðức Chúa Jêsus Christ, là Ðấng Ðức Chúa Trời đã lập làm của lễ chuộc tội, bởi đức tin trong huyết Ðấng ấy. Ngài đã bày tỏ sự công bình mình như vậy, vì đã bỏ qua các tội phạm trước kia, trong buổi Ngài nhịn nhục; tức là Ngài đã tỏ sự công bình Ngài trong thời hiện tại, tỏ ra mình là công bình và xưng công bình kẻ nào tin đến Ðức Chúa Jêsus" (Rô-ma 3: 24-26).
Có nhiều lý thuyết về sự chuộc tội đã được đề ra, nhưng giáo lý trong Kinh Thánh chứng minh sự chết của Ðức Chúa Jêsus là sự thay thế. Ngài đã dành lấy chỗ con người đã phạm phải luật pháp của Ðức Chúa Trời, và chịu đau đớn thay cho họ. Ðiều nầy đã được dự ngôn trong Cựu Ước.
Ðức Chúa Trời đã vén bức màn cho Ê-sai nhìn thấy suốt bảy thế kỷ về sau, để có một hình ảnh về thập tự giá. Ðây là điều ông đã thấy: " Nhưng người đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương. Bởi sự sửa phạt người chịu, chúng ta được bình an, bởi lằn roi người chúng ta được lành bịnh. Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy: Ðức Giê-hô-va đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên người" (Ê-sai 53: 5-6).
Sự chết thay của Ðấng Christ đã được bày tỏ rõ ràng trong Tân Ước. Không có lời giải thích nào khác hơn những đoạn sau nầy: "Ðấng vốn chẳng biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta, hầu cho chúng ta nhờ Ðấng đó mà được trở nên sự công bình của Ðức Chúa Trời" (Cô-rinh-tô 5:21).
"Ðấng Christ đã chuộc chúng ta khỏi sự rủa sả của luật pháp, bởi Ngài đã trở nên sự rủa sả vì chúng ta" (Ga-la-ti 3: 13).
"Ngài gánh tội lỗi chúng ta trong thân thể Ngài trên cây gỗ, hầu cho chúng ta là kẻ đã chết vì tội lỗi, được sống cho sự công bình; lại nhơn những lằn đòn của Ngài mà anh em đã được lành bịnh" (I Phi-e-rơ 2:23).
"Ấy vậy, bởi ân điển của Ðức Chúa Trời, Ðức Chúa Jêsus đã vì mọi người nếm sự chết" (Hê-bơ-rơ 2:9).
"Ấy chính Ngài làm của lễ chuộc tội lỗi chúng ta, không những vì tội lỗi chúng ta thôi đâu, mà cũng vì tội lỗi cả thế gian nữa" (I Giăng 2:2). Ðức Chúa Jêsus đã mang thế gian trong Ngài, khi đi đến thập tự giá.
3) Chỉ một lần thôi
Sẽ không bao giờ có một Ðấng Cứu Thế khác, bởi vì thế gian sẽ không còn cần một Ðấng Cứu Thế nào nữa. Ðối với mọi người, và bất cứ lúc nào, Ðấng Christ đã đủ cho họ. Sẽ không bao giờ có một đồi Gô-gô-tha khác, vì sự chuộc tội diễn ra ở đây đã thỏa mãn sự đòi hỏi của những kẻ tội lỗi ở khắp mọi nơi. Chúa đã chết một lần thôi: "Nhưng hiện nay đến cuối cùng các thời đại, Ngài đã hiện ra chỉ một lần, dâng mình làm tế lễ để cất tội lỗi đi. Cũng vậy Ðấng Christ đã dâng mình chỉ một lần đặng cất tội lỗi của nhiều người" (Hê-bơ-rơ 9:26,28).
V. Sự sống lại của Ðấng Christ
Ðấng Christ đã chết trên thập tự giá và đã được chôn ở phần mộ của Giô-sép A-ri-ma-thê, nhưng ngày nay Ngài không chết. Ðến ngày thứ ba, Ngài đã sống dậy từ ngôi mộ, và sống mãi mãi muôn đời.
Ðó là một trong những điểm đặc biệt của Cơ-đốc giáo làm cho đạo nầy khác với tất cả mọi tôn giáo. Chúng ta có một Ðấng Cứu Thế hằng sống. Ðức Phật đã sống nhiều thế kỷ trước Ðấng Christ. Ðức Phật đã xây dựng hệ thống giáo lý của Ngài và trong vài năm, Ngài đã viên tịch. Và hiện nay Ðức Phật đã không còn nữa. Thể xác của Ngài vẫn còn nằm dưới đất. Ðức Ma-hô-mết đã sống sau Ðấng Christ nhiều thế kỷ. Ngài cũng thế, đã xây dựng tôn giáo mình và đã chết. Ngài cũng thế, hiện nay vẫn còn chết. Thể xác Ðức Ma-hô-mết nằm trong một ngôi mộ ở Trung Ðông.
Ðấng Christ đã chết nhưng ngày nay Ngài không chết. Dấu niêm phong của người Rô-ma và toán lính canh Rô-ma không thể giữ thân thể Ngài lại dưới mộ. Ngài đã phá bỏ những ràng buộc của sự chết để trở lại sống đời đời--" Bởi biết rằng Ðấng Christ đã từ kẻ chết sống lại, thì chẳng chết nữa; sự chết không còn cai trị trên Ngài" (Rô-ma 6:9).
Trong lịch sử không có sự kiện nào được chứng minh rõ ràng hơn sự sống lại của Ðấng Christ. Ngôi mộ trống không, quần áo trong ngôi mộ, sự khai thật của những người chứng đáng tin, và nhiều sự kiện hiển nhiên khác, đã chứng minh rằng Ðấng Christ đã sống dậy từ kẻ chết. Ảnh hưởng của Ngài trong thế giới ngày nay, chứng minh Ngài hãy còn sống.
Một tín đồ Cơ-đốc sùng đạo đã bị một người vô tín hỏi tại sao tin rằng Ðấng Christ đã sống lại từ kẻ chết. Người tín đồ già trả lời: "Ấy, một trong những lý do, là tôi đã hầu chuyện với Ngài nửa giờ sáng hôm nay."
Có vài chân lý quí báu liên hệ đến sự sống lại của Ðấng Christ.
1) Hoàn thành công việc ở thập tự giá
Một Ðấng Christ đã chết đi, không thể là một Ðấng Cứu Thế. Sự sống lại của Ngài đã đem lại sự bảo đảm rằng Ðức Chúa Trời đã công nhận công trình Cứu chuộc của Chúa trên thập tự giá--" Ngài đã bị nạp vì tội lỗi chúng ta, và sống lại vì sự xưng công bình của chúng ta" (Rô-ma 4:25). Phao-lô đã nói: "Và nếu Ðấng Christ đã chẳng sống lại, thì đức tin anh em cũng vô ích, anh em còn ở trong tội lỗi mình" (I Cô-rinh-tô 15:17).
Sự chết và sống lại của Ðấng Chrsit là phần cốt yếu của nội dung sách Tin Lành mà thánh Phao lô thuyết giảng: "Hởi anh em, tôi nhắc lại cho anh em Tin Lành mà tôi đã rao giảng và anh em đã nhận lấy, cùng đứng vững vàng trong đạo ấy, và nhờ đạo ấy, anh em được cứu rỗi, miễn là anh em giữ lấy y như tôi đã giảng cho; bằng không, thì anh em dầu có tin cũng vô ích. Vả, trước hết tôi đã dạy dỗ anh em điều mà chúng tôi đã nhận lãnh, ấy là Ðấng Christ chịu chết vì tội chúng ta theo lời Kinh Thánh; Ngài đã bị chôn đến ngày thứ ba, Ngài sống lại, theo lời Kinh Thánh" (I Cô-rinh-tô 15:1-5).
2) Cung cấp bằng chứng về sự sống bên kia mộ địa
Con người, trong suốt các thời đại đã đi tìm những bằng chứng cụ thể về sự bất diệt. Gióp đã kêu to lên rằng: "Nếu loài người chết, có được sống lại chăng!" (Gióp 14:14). Sự sống lại của Ðấng Christ là câu trả lời cho tiếng kêu trải qua suốt bao thế kỷ ấy.
Phao lô đã nói: "Ấy chính Chúa đã cứu chúng ta, đã gọi chúng ta bởi sự kêu gọi thánh, chẳng phải theo việc làm chúng ta, bèn là theo ý riêng Ngài chỉ định, theo ân điển đã ban cho chúng ta, trong Ðức Chúa Jêsus Christ, từ trước muôn đời vô cùng, mà bây giờ mới bày ra bởi sự hiện ra của Ðức Chúa Jêsus Christ, Cứu Chúa chúng ta, Ngài đã hủy phá sự chết, dùng Tin Lành phô bày sự sống và sự không hề chết ra cho rõ ràng" (II Ti-mô-thê 1:9-10).
Sự sống lại của Ðấng Christ bày tỏ rằng sự chết không kết thúc câu chuyện. Bên kia mộ địa, còn có sự sống.
3) Ban lời hứa hẹn và mẫu mực của sự sống lại cho con cái Ngài
Tron I Cô-rinh-tô 15:20, chúng ta có lời ghi chép của Phao-lô rằng: "Nhưng bây giờ, Ðấng Christ đã từ kẻ chết sống lại, Ngài là trái đầu màu của những kẻ ngủ."
Những trái đầu mùa được dâng lên cho Chúa là lời hứa hẹn và là trái mẫu của mùa hái sắp tới. Khi hiến dâng những trái đầu mùa của họ, dân chúng đã bày tỏ rằng, với sự ban phúc lành của Ðức Chúa Trời, họ bảo đảm chắc chắn sẽ có một mùa hái, và những trái đầu mùa kia là những trái mẫu của mùa hái sắp tới. Ấy vậy, sự sống lại của Ðấng Christ là một bảo đảm cho sự sống lại của kẻ chết: "Như trong A-đam mọi người đều chết, thì cũng một lẽ ấy, trong Ðấng Christ, mọi người đều sẽ sống lại, nhưng mỗi người theo thứ tự riêng của mình: Ðấng Christ là trái đầu mùa; rồi tới ngày Ðấng Christ đến, những kẻ thuộc về Ngài sẽ sống lại" (I Cô-rinh-tô 15:22-23). "Hỡi sự chết, sự thắng của mày ở đâu?" (I Cô-rinh-tô 15:55).
Sự sống lại của Ðấng Christ đã ban hiến một mẫu mực cho sự sống lại của cơ thể: "Nhưng chúng ta là công dân trên trời; ấy là từ nơi đó mà chúng ta trông đợi Cứu Chúa mình là Ðức Chúa Jêsus Christ, Ngài sẽ biến hóa thân thể hèn mạt chúng ta ra giống như thân thể vinh hiển Ngài" (Phi-líp 3:20-21). Và Giăng nói: "Hỡi kẻ rất yêu dấu, chính lúc bấy giờ chúng ta la con cái Ðức Chúa Trời, còn về sự chúng ta sẽ ra thể nào, thì điều đó chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng, khi Ngài hiện đến, chúng ta sẽ giống như Ngài, vì sẽ thấy Ngài như vốn có thật vậy" (I Giăng 3:2).
VI. Sự xưng tụng Ðấng Christ
Sau khi sống lại, Ðấng Christ còn ở lại thế gian bốn mươi ngày. Thỉnh thoảng Ngài lại xuất hiện cùng các môn đồ. Rồi Ngài thăng thiên và ngự bên phải Ðức Chúa Trời.
Những câu chót trong sách Tin Lành Lu-ca, đã diễn tả về sự Ngài ngự lên trời: "Kế đó, Ngài đem môn đồ đi đến nơi xung quanh làng Bê-tha-ni, giơ tay lên mà ban phước cho. Ðương khi ban phước, Ngài lìa môn đồ mà được đem lên trời" (Lu-ca 24:50-51).
Trong chương đầu của sách Công-vụ-các-sứ-đồ, Lu-ca nhắc lại chỗ đoạn sách Tin Lành đã chấm dứt, và nói tiếp thêm về sự thăng thiên: "Ngài phán bấy nhiêu lời rồi, thì được cất lên trong lúc các người đó nhìn xem Ngài, có một đám mây tiếp Ngài khuất đi, không thấy nữa" (Công-vụ 1:9).
Nhiền đoạn khác của Kinh Thánh cho chúng ta biết vài điều về những gì đã xảy ra phía bên kia vừng mây: "Cũng vì đó nên Ðức Chúa Trời đã đem Ngài lên rất cao, và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh, hầu cho nghe đến danh Ðức Chúa Jêsus, mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất, thảy đều qùi xuống, và mọi lưỡi thảy đều xưng Jêsus-Christ là Chúa, mà tôn vinh Ðức Chúa Trời, là Ðức Chúa Cha" (Phi-líp 2:9-11).
"Còn như Ðấng nầy, đã vì tội lỗi dâng chỉ một của lễ, rồi ngồi đời đời bên hữu Ðức Chúa Trời" (Hê-bơ-rơ 10:12); "Nhìn xem Ðức Chúa Jêsus, là cội rễ và cuối cùng của đức tin, tức là Ðấng vì sự vui mừng đã đặt trước mặt mình, chịu lấy thập tự giá, khinh điều sĩ nhục, và hiện nay ngồi bên hữu ngai Ðức Chúa Trời" (Hê-bơ-rơ 12:2). Bên phải là chỗ ngự của vinh dự và quyền năng. Ðiều nầy hợp với những lời Chúa Jêsus phán cùng các môn đồ: "Hết cả quyền phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho ta" (Ma-thi-ơ 28:18).
Ðối với môn đồ Ðấng Christ, sự xưng tụng Ngài có nghĩa gì?
1) Ðấng biện hộ ở nơi Ðức Chúa Cha
Có một Ðấng ngự bên phải Ðức Chúa Trời bênh vự cho chúng ta: "Nếu có ai phạm tội, thì chúng ta có Ðấng cầu thay ở nơi Ðức Chúa Cha, là Ðức Chúa Jêsus Christ, tức là Ðấng công bình" (I Giăng 2:1). "Bởi đó Ngài có thể cứu toàn vẹn những kẻ nhờ Ngài mà đến gần Ðức Chúa Trời, vì Ngài hằng sống để cầu thay cho những kẻ ấy" (Hê-bơ-rơ 7:25).
Tín đồ Cơ-đốc có hai Ðấng cầu thay cho mình: Ðức Thánh Linh ở trong lòng và Ðấng Christ ngự bên phải Ðức Chúa Trời. Phao lô nói với chúng ta về hai Ðấng cầu thay trong chương tám sách Rô-ma: "Ðức Thánh Linh lấy sự thở than không thể nói ra được mà cầu khẩn thay cho chúng ta" (câu 26). "Ðức Chúa Jêsus Christ là Ðấng đã chết, và cũng đã sống lại nữa, Ngài đang ngự bên hữu Ðức Chúa Trời, cầu nguyện thế cho chúng ta" (câu 34).
Ðấng Christ có thể biện hộ cho ta như thế nào? Ở tòa án thế gian, nhà biện hộ, đứng thay mặt thân chủ, có thể bào chữa, "vô tội"; hoặc "vì không biết luật pháp" Nhưng Ðức Chúa Jêsus, nhà biện hộ của chúng ta, không bào chữa về những điều đó. Tất cả chúng ta đều phạm tội và đã phạm tội nhiều lần, và chúng ta đã biết mà vẫn còn vi phạm luật pháp Ðức Chúa Trời. Chỉ có một lời bào chữa mà Ðấng biện hộ cho chúng ta có thể đưa ra, ấy là sự chết để cứu chuộc của Ngài trên thập tự giá.
2) Một Cứu Chúa tại vì
Nhân ngày lễ Ngũ tuần trong bài thuyết giảng, Phi-e-rơ đã nói: "Vậy, cả nhà Y-sơ-ra-ên khá biết chắc rằng Ðức Chúa Trời đã tôn Jêsus nầy, mà các ngươi đã đóng đinh trên thập tự giá, làm Chúa và Ðấng Christ" (Công-vụ 2:36).
Có vài điều cần nhớ về sự tại vị của Ðấng Christ.
(1) Sự tại vị tuyệt đối: Sự tại vị nầy không có giới hạn hay bị hạn chế, mà có tánh cách tối thượng và oai quyền. Khi lời Ngài đã phán thì mọi cuộc tranh luận phải chấm dứt.
Ngài là đầu của Hội Thánh. Trong tổ chức, trong hàng chức viên, các nghi lễ, công tác và sứ mạng truyền giảng, Hội Thánh chịu sự lãnh đạo của Chúa là Ðấng Christ.
Mỗi tín đồ Cơ đốc chỉ biết có Ðấng Christ là Chúa mà thôi. Chúa Jêsus đã phán cùng các môn đồ rằng: "Cũng đừng chịu ai gọi mình là chủ; vì các ngươi chỉ có một Chủ, là Ðấng Christ" (Ma-thi-ơ 23:10). Và Ngài lại phán: "Các ngươi gọi ta bằng Thầy Chúa; các ngươi nói phải, vì ta thật vậy" (Giăng 13:13).
(2) Sự tại vị trên toàn khắp vũ trụ
Sự tại vị của Ðấng Christ bao gồm toàn thể vũ trụ trên nhiều mặt. Tính cách bao gồm toàn thể nầy, đạt tới và kiểm soát tất cả mọi lãnh vực của cuộc sống. Người ta không thể nhận chân sự tại vị của Ðấng Christ ở một phương diện nào của đời sống mình, và phủ nhận nó ở phương diện khác. Ngài là Chúa trong tất cả mọi lãnh vực. Ngài là Chúa trong đời sống tôn giáo của chúng ta; Ngài là Chúa trong đời sống gia đình ta; Ngài là Chuá trong đời sống hoạt động của ta; Ngài là Chúa trong đời sống xã hội của ta. Ngài là Chúa ngày thứ hai cũng như Ngài là Chúa ngày Chúa nhật. Ngài là Chúa ở trong nhà cũng như Ngài là Chúa ở Thánh đường. Ngài là Chúa trong công việc làm ăn của ta cũng như Ngài là Chúa ở trong tôn giáo. Ngài là Chúa tất cả thời gian và bao giờ Ngài cũng là Chúa cả. Ngài là Chúa ở khắp mọi nơi, và ở nơi đâu Ngài cũng là Chúa cả.
Sự tại vị của Ngài có tánh cách bao trùm mọi quốc gia và mọi dân tộc. Chúa Jêsus, không có đối thủ ở bất cứ nơi nào trên quả đất nầy. Các đạo giáo có các nhà lãnh đạo và giáo sư của họ, nhưng Ðức Chúa Jêsus đứng biệt lập trên tất cả. Ngài chẳng phải chỉ là Chúa của nhân loại mà Ngài chính là Chúa duy nhất của nhân loại. Sự tại vị của Ngài có tánh cách bao quát vì nó gồm toàn thể vũ trụ. Phao lô đã tuyên bố rằng: "Nghe đến danh Chúa Jêsus, mọi đâù gối trên trời, thảy đều qùi xuống." Ngài là Chúa trên mặt đất, và Ngài là Chúa trên trời. Ngài là Chúa của loài người, và Ngài là Chúa các thiên sứ. Ngài là Chúa của sự hằng sống và Ngài là Chúa của sự chết. Ngài là Chúa ở khắp mọi nơi và của mọi loài.
(3) Sự tại vị cuối cùng
Ðấng Christ sẽ là Chúa cho đến ngày tận cùng. Ngài là Chúa hôm nay và sẽ là Chúa ngày mai. Trên thế gian thỉnh thoảng các vì vua chúa bị lật đổ và được thay thế bằng những vị khác. Chẳng bao giờ ai có thể thay thế Ðức Chúa Jêsus được. "Ðức Chúa Jêsus Christ hôm qua, ngày nay, và cho đến đời đời không hề thay đổi" (Hê-bơ-rơ 13:8).
Tôi có đọc chuyện một người, trên mặt đồng hồ của ông ta thay vì viết số, có mấy chữ: "Ðấng Christ là Chúa." Khi người ta hỏi về điều nầy, ông bèn trả lời: "Như thế nhắc tôi nhớ Ðấng Christ là Chúa trong bất cứ thời gian nào."
3) Một vị vua chinh phục
Ê-sai khi tả về Ðấng Mê-si sắp đến đã nói: " Người chẳng mòn mỏi, chẳng ngã lòng, cho đến chừng nào lập xong sự công bình trên đất; các cù lào sẽ trông đợi luật pháp người" (Ê-sai 42:4). Và trong I Cô-rinh-tô 15:25, chúng ta đọc: "Vì Ngài phải cầm quyền cho đến chừng đặt những kẻ thù nghịch dưới chân mình." Suốt con đường đi, có thể có những trường hợp dường như thất bại, nhưng cuối cùng Chúa Jêsus sẽ thắng tất cả.
Trong đoạn 19 của sách Khải quyền, Giăng đã mô tả hình ảnh kỳ diệu mà ông được mục kích. Ông thấy trời mở ra và có một Ðấng cỡi ngựa bạch. Mắt Ngài như ngọn lửa, và trên đầu Ngài có nhiều mão triều thiên. Ngài mặc áo nhúng trong huyết và theo sau Ngài có những đạo binh trên trời cỡi ngựa bạch và mặc vải gai trắng. Có lưỡi gươm bén ở miệng Ngài ra. Trên áo và trên đùi Ngài có đề: "VUA CỦA CÁC VUA, VÀ CHÚA CỦA CÁC CHÚA."