Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Bài Viết >> Những Điều Chúng Ta Tin Nhận

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 5712 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Những Điều Chúng Ta Tin Nhận
J. Clyde Turner

Ðức Chúa Trời Duy Nhất & Thật Sự

Tin tưởng ở sự thực hữu của một Ðấng thiêng liêng là điều rất phổ thông. Có ít người chủ trương không tin tưởng ở sự hiện hữu của Ðức Chúa Trời. Kinh Thánh cho những người nầy là kẻ ngu dại: " Kẻ ngu dại nói trong lòng rằng: Chẳng có Ðức Chúa Trời. " (Thi-thiên 53:1).
    Tiến sĩ thần học E.Y. Mullins thường nói: " Họ đã nói như vậy trong lòng, nhưng lý trí họ hiểu nhiều hơn. " Mọi vật chung quanh và trên đầu ta đều chứng minh sự hiện hữu của Ðức Chúa Trời. " Các từng trời rao truyền sự vinh hiển của Ðức Chúa Trời. Bầu trời giải tỏa công việc tay Ngài làm " (Thi-thiên 19:1).
    Người ta kể lại về Nã-phá-luân rằng, có một đêm ông ngồi nghe thảo luận, giữa những sĩ quan của ông. Trong đám có vài sĩ quan đã chế giễu tôn giáọ Có người còn đi xa hơn thế nữa. Họ đã chối bỏ sự hiện hữu của Ðức Chúa Trời. Nã-phá-luân tức thì đứng lên giữa đám sĩ quan và nói: " Nầy các sĩ quan, quan niệm các vị có lẽ đúng; nhưng nếu vậy, ai đã làm ra những vì sao kia? "
    Trong lúc phần đông nhìn nhận sự hiện hữu của Ðức Chúa Trời, quan niệm của họ về Ngài rất hác nhau. Có người tạo ra một ông trời theo trí tưỡng tượng riêng và thể theo lòng ước mong của ho Có người cho Ngài là một Ðấng siêu phàm có hình hài và tính chất của con người. Kẻ lại coi Ngài là một sức mạnh vô hình thấm nhuần vũ trụ. Chỉ có một nơi chúng t a có thể tìm một quan niệm đúng đắn về Ðức Chúa Trời, nơi ấy là Kinh Thánh, trong đó Ngài đã tự khải thị.
    Kinh Thánh không cố chứng minh sự hiện hữu của Ðức Chúa Trời. Kinh Thánh mở đầu với lời tuyên bố " Ban đầu Ðức Chúa Trời dựng nên trời đất. " Ban đầu là cái gì? Dĩ nhiên là những lời nầy chỉ sự khởi đầu của cái mà chúng ta gọi là " thời gian ", sự khởi nguyên cũa vũ trụ vật chất.


 

        Vậy Kinh Thánh khải thị về Ðức Chúa Trời như thế nào?


 

I.  DANH HIỆU CỦA ÐỨC CHÚA TRỜI


 

        Khi chúng ta dùng danh từ Ðức Chúa Trời, về ý nghĩa thì không có gì đáng nói.  Chúng ta nghĩ đến một Ðấng Tối Cao thiêng liêng, Ðấng Tạo Hóa và Chủ tể muôn loài.  Nhưng theo quan niệm của người thời xưa, thì có nhiều thần lắm.  Phao-lô nói:  "Thật người ta xưng có các thần khác, hoặc ở trên trời, hoặc ở dưới đất, (bởi đó họ thờ nhiều thần nhiều chúa)" (I Cô-rinh-tô 8:5).  Mỗi quốc gia đều có thần riêng của mình.  Có nhiều nước thờ nhiều thần, gọi bằng những tên khác nhau.


 

        Ðức Chúa Trời tự xưng danh hiệu mình ra, nhờ đó người ta đã được biết tên Ngài, phân biệt với các thần khác:  "Ta là Ðức Giê-hô-va:  ấy là danh ta" (Ê-sai 42:8).  Ngài đã phát lộ danh Ngài cho Môi-se, lần đầu tiên, khi giao phó cho Môi-se nhiệm vụ dìu dắt con cái Y-sơ-ra-ên ra khỏi sự nô lệ ở xứ Ê-díp-tô:  "Ðức Chúa Trời lại phán cùng Môi-se rằng:  Ngươi sẽ nói cho dân Y-sơ-ra-ên như vầy:  Giê-hô-va Ðức Chúa Trời tổ phụ các ngươi, Ðức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Ðức Chúa Trời của Y-sác, Ðức Chúa Trời của Gia-cốp, sai ta đến cùng các ngươi.  Ấy đó là danh đời đời của ta, ấy sẽ là kỷ niệm của ta trải qua các đời" (Xuất-Ê-díp-tô Ký 3:15).  Trong Xuất Ê-díp-tô Ký 6:2-3, Chúa phán rằng trước đây chưa ai biết danh Ngài như thế:  "Ðức Chúa Trời lại phán cùng Môi-se rằng:  Ta là Ðức Giê-hô-va.  Ta đã hiện ra cùng Áp-ra-ham, cùng Y-sác, và cùng Gia-cốp, tỏ mình là Ðức Chúa Trời toàn năng;  song về danh ta là Giê-hô-va, thì ta chưa hề tỏ cho họ biết."  Nhưng họ có biết đôi chút về danh nầy, vì Áp-ra-ham đã gọi nơi hiến dâng Y-sác làm của lễ thiêu, là "Giê-hô-va Di-rê"  (Sáng-thế Ký 22:14).  Tuy nhiên, ý nghĩa đầy đủ của danh Ngài như thế nào, thì họ không được rõ.  Khi được bày tỏ cho Môi-se, thì danh Ngài mới có một ý nghĩa mới.  Ðó là danh hiệu Ðức Chúa Trời của giao ước, đó làdanh hiệu cứu chuộc của Ngài.


 

1) Một danh hiệu riêng


 

        Vào thời dân Y-sơ-ra-ên, người ta thờ rất nhiều thần.  Mỗi nước đều có thần riêng của mình.  Và những vị thần đó đều có tên riêng.  Thần của dân Mô-a-bai là Kê-mốt.  Thần của dân A-mô-nai là Mô-lếch.  Thần của dân Di-đô-niêng là Ban.  Nhưng tên của Ðức Chúa Trời dân Hê-bơ-rơ là Giê-hô-va:  "Ta là Giê-hô-va, ấy là danh ta."


 

2) Một danh hiệu miêu tả


 

        Trong thời buổi khai nguyên lúc bấy giờ, danh tánh thường có tính cách miêu tả đặc điểm.  Gia-cốp là tên đặt cho đứa con thứ nhì của Y-sác và Rê-bê-ca, bởi vì tên đó diễn tả cá tính của người--một kẻ chiếm vị.  Tên nầy đã được đổi ra là Y-sơ-ra-ên khi người trở thành một nhân vật trọng yếu của Ðức Chúa Trời.  Ấy vậy, tên Giê-hô-va là tên miêu tả bản tính của Ðức Chúa Trời.  Danh nầy có bao hàm ý nghĩa sự hiện hữu vĩnh cửu và sự bất biến của bản tính.  Khi Môi-se thưa với Ðức Chúa Trời rằng lúc người đi đến dân Y-sơ-ra-ên để nói:  "Ðức Chúa Trời tổ phụ các ngươi, sai ta đến cùng các ngươi"  thì người phải nói với họ danh Chúa là chi, Ðức Chúa Trời bèn phán: "Hãy nói cho dân Y-sơ-ra-ên như vầy:  Ðấng Tự hữu đã sai ta đến cùng các ngươi"  (Xuất-Ê-díp-tô Ký 3:14).  Danh nầy cũng cùng một căn nguyên như Giê-hô-va.  Giê-hô-va là Ðấng Tự hữu vĩ đại.  Với Ngài không có quá khứ, không có hiện tại, không có tương lai:  Tất cả hiện hữu đời đời.  Ngài là Ðức Chúa Trời vĩnh cửu, Ðức Chúa Trời bất biến, Ðức Chúa Trời của ngày hôm qua, ngày nay và mãi mãi.  "Từ trước vô cùng cho đến đời đời, Chúa là Ðức Chúa Trời"  (Thi-thiên 90:2).


 

3)  Một danh hiệu thánh


 

        Khi Ðức Chúa ban mười điều răn cho dân Y-sơ-ra-ên, thì Ngài truyền rằng:  "Ta là Giê-hô-va Ðức Chúa Trời ngươi"  (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:2).  Kế đó, trong điều răn thứ ba, Ngài đã phán:  "Ngươi chớ lấy danh Giê-hô-va, Ðức Chúa Trời ngươi mà làm chơi, vì Ðức Giê-hô-va chẳng cầm bằng vô tội, kẻ nào lấy danh Ngài mà làm chơi"  (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:7).   Ðức Chúa Jêsus phán dạy lời cầu nguyện kiểu mẫu như sau:  "Lạy Cha chúng tôi ở trên trời, danh Cha được thánh"  (Ma-thi-ơ 9:6).  Vì danh Chúa là một danh thánh, nên dân Do thái không dám đọc lên ở đầu môi.  Họ đã thế vào danh từ "Chúa".


 

4) Một danh hiệu để ghi nhớ


 

        Ðức Chúa Trời đã phán cùng Môi-se, khi phát lộ danh Ngài rằng:  "Ðây là danh ta đời đời, và danh để đời đời ghi nhớ."  Ðiều nầy là để ghi nhớ ân điển Ngài đối với con dân Y-sơ-ra-ên, khi đưa họ ra khỏi vòng nô lệ, và cho tất cả các thế hệ về sau.  Khi danh Ngài được nêu lên, thì đó sẽ là một kỷ niệm để ghi nhớ công trình cứu chuộc của Chúa ở Ê-díp-tô, điềm báo hiệu công trình cứu chuộc của Chúa ở thập tự giá.


 

II.ÐẶC TÍNH CỦA ÐỨC CHÚA TRỜI


 

        Ðức Chúa Trời là một Ðấng như thế nào?


 

1) Vài danh từ để diễn tả


 

        Trong Kinh Thánh có bốn lối nói rõ ràng có tính cách diễn tả Ðức Chúa Trời.


 

(1) Thần Linh:


 

        Ðó là lời Chúa Jêsus:  "Ðức Chúa Trời là Thần" (Giăng 4:24).  Ðức Chúa Trời không phải là một siêu nhân có cơ thể, da thịt;  Ngài là một Thần Linh.  Ngài ở ngoài vòng mọi giới hạn của cơ thể vật chất.


 

        Những đoạn trong Kinh Thánh đã qui cho Ngài những bộ phận con người như tay, mắt, bàn tay, đã làm cho nhiều người tưởng rằng Chúa có một hình hài gần như thân thể của chúng ta vậy.  Có kẻ lại vẽ Ngài như một ông già cao cả, ngồi trên ngai, ở trên các tầng trời.  Ðối với đầu óc con người trần tục, thật khó mà tưởng tượng ra Ðức Chúa Trời, nếu không qui cho Ngài hình dáng của một phàm nhân.  Nhưng nếu là một thân thể như thế, tất phải bị hạn giới nhiều bề.  Ðức Chúa Trời là Thần Linh, do đó Ngài ở ngoài vòng mọi hạn định vật chất.


 

        Là Thần Linh, Ðức Chúa Trời là một Ðức Chúa Trời hằng sống.  Kinh Thánh cũng tả như thế: "Ðức Giê-hô-va là Ðức Chúa Trời thật;  Ngài là Ðức Chúa Trời hằng sống" (Giê-rê-mi 10:10); "và thể nào đã trở lại cùng Ðức Chúa Trời, bỏ hình tượng đặng thờ Ðức Chúa Trời hằng sống và chơn thật" (I Tê-sa-lô-ni-ca 1:9).  Là Ðức Chúa Trời hằng sống, Ngài chẳng những sống, mà còn là nguồn gốc sự sống.


 

        Là Thần Linh, Ngài là một Ðức Chúa Trời riêng biệt, sáng suốt, tự quyết và đầy tâm đức.  Chúng ta thường liên hiệp cá tính với thể chất.  Một cá nhân là một người chúng ta có thể thấy được.  Nhưng cá tính không thuộc ở thể chất mà thuộc ở tinh thần.  Vì Ðức Chúa Trời là một thực thể có cá tính nên chúng ta có thể thông công với Ngài bằng tinh thần được.


 

(2) Ánh sáng:


 

        Ðó là lời diễn tả của Giăng, khi nói về Ðức Chúa Trời:  "Ðức Chúa Trời là sự sáng, trong Ngài chẳng só sự tối tăm đâu" (I Giăng 1:5).  Sự tối tăm tượng trưng cho sự ngu dốt, sai lầm và tội lỗi.  Ánh sáng tượng trưng sự khôn ngoan và thánh khiết.  Ðức Chúa Trời là một Ðấng toàn trí và toàn thiện.


 

(3) Tình thương:


 

        Danh từ diễn tả khác của Giăng, là "tình thương" (I Giăng 4:8).  Ðức Chúa Trời vĩ đại và thánh khiết còn là Ðức Chúa Trời của sự yêu thương.  Ðặc tánh nầy của Ðức Chúa Trời đã đem lại hy vọng cho những tấm lòng tội lỗi.  Chỉ hiểu biết Ðức Chúa Trời là một Ðấng đầy quyền năng và thánh thượng có thể làm cho người ta kinh sợ.  Nhưng hiểu biết rằng Ðấng vĩ đại và thánh thượng kia là Ðức Chúa Trời của tình thương, nhen lại hy vọng trong lòng người.


 

        Tình yêu thương của Ðức Chúa Trời được thể hiện bằng nhiều cách, nhưng sự thể hiện tối thượng là sự ban cho con Ngài:  "Ðức Chúa Trời đã sai Con một Ngài xuống thế gian, đặng chúng ta nhờ Con được sống" (I Giăng 4:9).   Có lẽ nhiều trường hợp khiến người ta hoài nghi về tình yêu thương của Ðức Chúa Trời, nhưng không ai có thể đứng trước thập tự giá của đồi Gô-gô-tha mà nghi ngờ về điểm gì được.  "Nhưng Ðức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Ðấng Christ vì chúng ta chịu chết" (Rô-ma 5:8).


 

(4) Ngọn lửa thiêu hủy


 

        Tác giả sách Hê-bơ-rơ trích dẫn sách Phục truyền-luật-lệ Ký 4:24,  "Vì Giê-hô-va Ðức Chúa Trời ngươi như một đám lửa tiêu cháy."  Ðức Chúa Trời chẳng riêng chỉ là Ðức Chúa Trời của tình thương, mà cũng còn là Ðức Chúa Trời của sự công nghĩa.  Có người tán dương sự yêu thương mà lại không để ý đến sự công nghĩa của Ngài.  Tác giả Thi-thiên diễn tả Ngài là Ðức Chúa Trời của tình yêu thương vô cùng:  "Ðức Giê-hô-va có lòng thương xót, hay ban ơn, chậm nóng giận và đầy sự nhơn từ" (Thi-thiên 103:8).  Nhưng ở câu sau, ông nói:  "Ngài không bắt tội luôn luôn, cũng chẳng giữ lòng giận đến đời đời."  Con người không thể đùa bỡn với Ðức Chúa Trời, rồi tránh khỏi sự phán xét công nghĩa của Ngài.


 

2) Ðức Chúa Trời vô cùng


 

        Có lẽ danh từ duy nhất diễn tả Ðức Chúa Trời đúng hơn hết là "Vô cùng", nghĩa đen là bất tận hay là vô giới hạn.


 

(1) Ðời đời


 

        Ðức Chúa Trời vô thủy vô chung.  Ngài là Ðức Chúa Trời đời đời:  "Từ trước vô cùng cho đến đời đời, Chúa là Ðức Chúa Trời" (Thi-thiên 90:2).  Vì quan niệm một Ðấng hiện hữu vô thủy quá tầm hiểu biết của người ta, cho nên có người đã bị lầm lẫn.  Câu hỏi thường được nêu ra là:  "Ðức Chúa Trời từ đâu đến?"  Chúng ta nói về một tương lai vĩnh cửu, một tương lai vô tận.  Niệm hy vọng của chúng ta là có thể sống mãi đời đời.  Tin tưởng rằng có một quá khứ vô thuỷ, chẳng khó gì hơn là tin tưởng ở một tương lai vô chung.  Hiểu biết rằng Ðức Chúa Trời đã sống như thế nào, qua một qúa khứ vô tận, cũng không khó gì hơn là hiểu biết rằng làm sao chúng ta sẽ sống mãi mãi, trong một tương lai vĩnh cữu.  Ðức Chúa Trời không bị giới hạn bởi thời gian--"Vì một ngàn năm trước mắt Chúa khác nào ngày hôm qua đã qua rồi" (Thi-thiên 90:4);  "Ở trước mặt Chúa một ngày như ngàn năm, ngàn năm như một ngày" (II Phi-e-rơ 3:8).


 

(2)  Ở khắp mọi nơi


 

        Ðức Chúa Trời là Ðấng vô sở bất tại.  Ðó không có nghĩa là Ngài trải mình ra khắp vũ trụ, nhưng là Ðức Chúa Trời toàn vẹn hiện hữu khắp mọi nơi.  Nhiều đoạn Kinh Thánh hình như đã chỉ định vị trí của Ðức Chúa Trời:  "Cha chúng tôi ở trên trời" (Ma-thi-ơ 6:9).  "Hỡi Ðấng ngự trên các từng trời" (Thi-thiên 123:1);  "Ðức Giê-hô-va đã lập ngôi Ngài trên các tầng trời"  (Thi thiên 103:19).  Những đoạn nầy tuy nhiên, chỉ diễn tả một cách tượng trưng như những đoạn đã nói về bàn tay và cánh tay Ngài.  Ðức Chúa Trời không thể bị gò bó bởi không gian hay trong không gian.


 

        Có vài câu trong Kinh Thánh đã bày tỏ về sự Ðức Chúa Trời ở khắp mọi nơi -- "Tôi sẽ đi đâu xa Thần Chúa?  Tôi sẽ trốn đâu khỏi mặt Chúa?  Nếu tôi lên trời, Chúa ở tại đó, vì tôi nằm dưới âm phủ, kìa, Chúa cũng ở đó.  Nhược bằng tôi lấy cánh hừng đông, bay qua ở tại cuối cùng biển, tại đó tay Chúa cũng sẽ dẫn dắt tôi, tay hữu Chúa sẽ nắm giữ tôi" (Thi-thiên 139:7-10);  "Ngài chẳng ở xa mỗi một người trong chúng ta.  Vì tại trong Ngài, chúng ta được sống, động và hiện hữu" (Công-vụ-các-sứ-đồ 17:27-28).


 

(3) Toàn tri


 

        Ðức Chúa Trời là Ðấng toàn tri.  Ngài biết hết cả mọi lẽ.  Ngài biết tất cả quá khứ, hiện tại và tương lai và Ngài biết mọi điều về mọi việc và mọi loài.  Không gì có thể giấu được Ngài.  Tác giả Thi-thiên đã nói:  "Chúa biết khi tôi ngồi, lúc tôi đứng dậy;  từ xa Chúa hiểu biết ý tưởng tôi.  Chúa xét nét nẻo đàng và sự nằm ngủ tôi, quen biết các đường lối tôi.  Vì lời chưa ở trên lưỡi tôi, kìa, hỡi Ðức Giê-hô-va, Ngài đã biết trọn hết rồi" (Thi-thiên 139:2-4).


 

(4) Toàn năng


 

        Ðức Chúa Trời là một Ðấng toàn năng.  Tất cả quyền lực đều thuộc về Ngài:  "Ðức Chúa Trời có phán một lần, tôi có nghe sự nầy hai lần, rằng sự quyền năng thuộc về Ðức Chúa Trời"  (Thi-thiên 62:11).  Hơn một lần, Kinh Thánh đã bày tỏ rằng đối với Ðức Chúa Trời, không có gì là Ngài không thể làm được.  Ðó là điều chính Ngài đã thừa nhận:  "Nầy, ta là Giê-hô-va, Ðức Chúa Trời của mọi xác thịt;  có sự gì khó quá cho ta chăng?" (Giê-rê-mi 32:27).  Ðức Chúa Trời đã phán:  "Ðiều đó loài người không thể làm được, song Ðức Chúa Trời làm mọi việc đều được" (Ma-thi-ơ 19:26).


 

        Dĩ nhiên đó không có nghĩa là Ðức Chúa Trời có thể làm những điều trái với tính chất bản nhiên của Ngài.  Phao-lô đã bày tỏ rằng Ðức Chúa Trời không thể nói dối:  "Trông cậy sự sống đời đời, --là sự sống mà Ðức Chúa Trời không thể nói dối đã hứa từ muôn đời về trước" (Tít 1:2).  Ðó cũng không có nghĩa là Ðức Chúa Trời có thể làm những việc mâu thuẫn nhau.  Vì như thế tức là chối bỏ tính chất bản nhiên của Ngài rồi.  Tấn sĩ E.Y. Mullins (Tấn sĩ thần khoa, nguyên viện trưởng một Thần học viện Báp-tít ở Mỹ quốc) phát biểu chân lý như vầy:  "Nói về sự toàn năng của Ðức Chúa Trời, chúng ta phải hiểu đó là quyền năng vô hạn để làm tất cả những việc hợp với tính chất bản nhiên và mục đích của Ngài."  The Christian Religion in its Doctrinal Expression.  (Ðạo Cơ Ðốc trong sự thể hiện giáo lý) trang 228.


 

3) Ðức Chúa Trời là Cha


 

        Có nhiều đoạn sử trong Kinh Thánh Cựu Ước ghi nhận rằng Ðức Chúa Trời là Cha.  "Ðức Chúa Trời ở nơi thánh Ngài, là Cha kẻ mồ côi, và quan xét của người góa bụa" (Thi-thiên 68:5);  "Ta sẽ đưa chúng nó đi học các bờ sông theo đường bằng thẳng, chẳng bị vấp ngã.  Vì ta làm Cha cho Y-sơ-ra-ên" (Giê-rê-mi 31:9);  "Vậy nếu ta là Cha, nào sự tôn kính thuộc về ta ở đâu?"  (Ma-la-chi 1:6).  Nhưng Ðức Chúa Jêsus đã phô bày sự thật về tư cách làm Cha của Ðức Chúa Trời, một cách đầy đủ và đẹp đẽ.


 

        Chúng ta ý thức sự Ðức Chúa Trời là Cha như thế nào?  Ở đây, sự hiểu lầm hay giải thích sai lầm đã đưa đến nhiều ngộ nhận.


 

(1) Mối tương quan do sự sáng tạo


 

        Nói Ðức Chúa Trời là Cha của tất cả, có một ý nghĩa đặc biệt.  Phao-lô đã nói:  "Chúng ta cũng là dòng dõi của Ngài.  Vậy, bởi chúng ta là dòng dõi Ðức Chúa Trời, thì chớ nên ngờ rằng Chúa giống như vàng, bạc, hay là đá, bởi công nghệ và tài xảo của người ta chạm trổ nên" (Công-vụ 17:28-29).  Ðức Chúa Trời là Cha tất cả, với ý nghĩa duy nhất Ngài là Ðấng sáng tạo và bảo tồn tất cả.  Có người đã rút ra từ chân lý nầy, giáo lý về sự cứu rỗi toàn thể, trái ngược với lời của Ðức Chúa Trời.


 

(2) Mối tương quan do sự cứu chuộc


 

        Với ý nghĩa đặc biệt, Ðức Chúa Trời là Cha của những ai đã có sự thông công thiêng liêng với Ngài bởi Chúa Jêsus Christ:  "Nhưng hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Ðức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài" (Giăng 1:12).


 

        Kinh Thán ghi nhận ba cách trở nên con cái của Ðức Chúa Trời, hay nói đúng hơn là có ba khía cạnh của sự từng trải.


 

        Trước hết, chúng ta trở thành con cái của Chúa bởi đức tin.  "Vì chưng anh em bởi tin Ðức Chúa Jêsus Christ, nên hết thảy đều là con trai của Ðức Chúa Trời" (Ga-la-ti 3:26).  Không một ai thật sự là con của Ðức Chúa Trời, nếu chưa đặt đức tin vào Chúa Jêsus Christ.


 

        Thứ đến, chúng ta là con cái Ðức Chúa Trời bởi một sự sanh ra thiêng liêng.  "Là kẻ chẳng sanh bởi khí huyết, hoặc bởi tình dục, hoặc bởi ý người, nhưng bởi Ðức Chúa Trời vậy" (Giăng 1:13).  Người ta chỉ có thể trở nên con cái Ðức Chúa Trời nhờ từng trải tái sanh hay tái tạo.


 

        Sau hết, chúng ta là con cái của Ðức Chúa Trời bởi sự nhận chịu.  "Thật anh em đã chẳng nhận lấy thần trí của tôi mọi đặng còn ở trong sự sợ hãi;  nhưng đã nhận lấy thần trí của sự làm con nuôi, và nhờ đó chúng ta kêu rằng:  A-ba! Cha!" (Rô-ma 8:15).


 

        Tư cách làm Cha của Ðức Chúa Trời đối với tín đồ Cơ-đốc, là một trong những lẽ đạo của Kinh Thánh đã đem lại an ủi nhiều nhất.  Ðiều nầy có nghĩa là Ðức Chúa Trời vĩ đại, toàn trí, toàn năng, là Cha của chúng ta.  Là con cái Ngài, chúng ta được Ngài yêu thương và gìn giữ một cách vững bền:  "Ta sẽ làm Cha các ngươi, các ngươi làm con trai, con gái ta, Chúa toàn năng phán như vậy" (II Cô-rinh-tô 6:18).  Là con cái Ðức Chúa Trời, chúng ta là kẻ "kế tự Ðức Chúa Trời và là kẻ đồng kế tự với Ðấng Christ" (Rô-ma 8:17).


 

III.     BA NGÔI ÐỨC CHÚA TRỜI


 

        Kinh Thánh bày tỏ Ðức Chúa Trời là một Ðức Chúa Trời gồm có ba ngôi, một tam vị nhất thể.  Chữ "tam vị nhất thể" không có trong Kinh Thánh.  Danh từ nầy được Tertullain (nhà thần học thời đế quốc La mã khoảng cuối thế kỷ thứ II) dùng lần đầu tiên hồi thế kỷ thứ hai để xác định chân lý Ðức Chúa Trời gồm có ba ngôi.  Tam vị nhất thể là một trong những điều bí ẩn nhất.  Chúng ta sẽ không bao giờ biết đến điều nầy, nếu Kinh Thánh không khải thị cho ta được hiểu.  Lẽ đạo nầy đã được đề cập đến trong Kinh Thánh Cựu Ước và đã được khải thị rành rẽ trong Kinh Thánh Tân Ước.  Về điểm tam vị nhất thể, ta có thể nhận định hai chân lý.


 

1) Một Ðức Chúa Trời


 

        Chân lý nầy đã được bày tỏ nhiều lần trong Kinh Thánh:  "Hỡi Y-sơ-ra-ên!  Hãy nghe:  Giê-hô-va Ðức Chúa Trời chúng ta là Giê-hô-va có một không hai" (Phục truyền luật-lệ Ký 6:4).  "Ðức Giê-hô-va là Vua và Ðấng cứu chuộc của Y-sơ-ra-ên, là Ðức Giê-hô-va vạn quân, phán như vầy:  Ta là đầu tiên và cuối cùng;  ngoài ta không có Ðức Chúa Trời nào khác" (Ê-sai 44:6);  "Chúng ta biết thần tượng trong thế gian thật là hư không, chỉ có một Ðức Chúa Trời, chớ không có thần nào khác"  (I Cô-rinh-tô 8:4).  Ấy vậy, lẽ đạo "tam vị nhất thể" không có nghĩa là chúng ta có ba vị thần.


 

2) Bày tỏ trong ba vi cách


 

        Ðức Chúa Trời duy nhất có thật và tự biểu lộ trong ba vi cách:  Ðức Chúa Cha, Ðức Chúa Con và Ðức Thánh Linh.  Muốn dùng chữ một cách chính xác hơn, chúng ta nói có ba ngôi trong Ðức Chúa Trời.  Ba ngôi trong một bản thể nhưng có vị cách khác nhau.


 

        Một ngôi trong Ðức Chúa Trời không tác động độc lập đối với hai ngôi kia, nhưng chính Ngài đã giao tiếp với loài người qua ba sự biểu lộ.


 

(1) Ðức Cha


 

        Chúng ta được biết một phần về sự biểu lộ nầy trong Cựu Ước.  Có sự biểu lộ đặc biệt của Ðức Thánh Linh và có lẽ, của Ðức Con, trong hiện thân của "thiên sứ của Chúa", nhưng đó là Giê-hô-va Ðức Chúa Trời, đã trực giao với loài người.  Sự biểu lộ nầy được thể hiện dưới ba khía cạnh:


 

        Trước hết, Ðức Chúa Trời vô hình.  Con người không thể thấy được Ngài.  Thỉnh thoảng Ngài sai thiên sứ xuống nói chuyện cùng loài người, nhưng chẳng bao giờ Ngài cho con người được thấy Ngài.  Môi-se cầu xin đặc ân đó, nhưng chỉ được đứng trong khe đá và nhìn sự vinh hiển của Ðức Chúa Trời đi ngang qua mà thôi (Xuất Ê-díp-tô Ký 33:18-23).  Trong Giăng 1:18 có chép rằng:  "Chẳng hề ai thấy Ðức Chúa Trời."


 

        Thứ đến, Ðức Chúa Trời không đến gần con người.  Ngài giao thông cùng loài người từ đằng xa.  Ngài giáng làm xuống đỉnh núi và ở đấy, được che phủ bởi một màn mây khói, Ngài đã phán cùng Môi-se.  Về toàn thể dân chúng, Ngài đã phán:  "Khá giữ mình đừng leo lên núi, hoặc đựng đến chân núi:  hễ kẻ nào đụng đến núi thì sẽ bị xử tử"  (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:12).  Khi đền thờ được xây dựng, thì Ðức Chúa Trời đã hứa rằng Ngài sẽ ngự ở nơi chí thánh, mà không ai có thể vào được, trừ thầy tế lễ thượng phẩm, và đặc ân nầy chỉ dành riêng cho người, mỗi năm một lần mà thôi.


 

        Ðiểm thứ ba, sự thánh khiết của Ðức Chúa Trời là một đặc tính thiên thượng đã được nhấn mạnh.  Tác giả Thi-thiên đã nói:  "Nguyện chúng ngợi khen danh rất lớn và đáng sợ của Chúa:  Ngài là Thánh!  (Thi-thiên 99:3).  Và tiếp theo: "Hãy tôn cao Giê-hô-va Ðức Chúa Trời chúng tôi, và thờ lạy trước bệ chơn Ngài:  Ngài là Thánh!" (Thi-thiên 99:5).  Khi Ê-sai thấy Chúa trong đền thờ, người nghe các sê-ra-phin hát rằng:  "Thánh thay, thánh thay, thánh thay là Ðức Giê-hô-va vạn quân!" (Ê-sai 6:3).


 

(2) Ðức Con


 

        Chúng ta được biết sự kiện nầy có chép trong bốn sách Tin Lành.  Trong sự khải thị nầy, chíng Ðức Chúa Con đã giao thiệp trực tiếp với loài người.  Thời ký đó cũng được đánh dấu về ba phương diện.


 

        Thứ nhất, sự ra đời của Ðấng Christ làm cho loài người có thể thấy một Ðức Chúa Trời có hình dáng, Ðấng họ có thể nhìn xem.  Chúa Jêsus đã phán cùng các môn đồ rằng:  "Ai đã thấy ta tức là đã thấy Cha" (Giăng 14:9).  Và trong Giăng 1:18, "Chẳng hề ai thấy Ðức Chúa Trời; chỉ Con một ở trong lòng Cha là Ðấng đà giải bày Cha cho chúng ta biết"  Thế là trong Christ,  Ðức Chúa Trời vô hình trở nên hữu hình.


 

        Thứ hai, Ðức Chúa Trời đã đến gần người.  Trong hiện thân của con Ngài, Ðức Chúa Trời đã bước xuống khỏi các tầng mây, đến giao thông thân mật cùng loài người.  "Ngôi Lời đã trở nên xác thịt ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật;  chúng ta ngắm xem sự vinh hiển của Ngài, thật như vinh hiển của Con một, đến từ nơi Cha"  (Giăng 14:14).  Trong Chúa Jêsus Christ, Ðức Chúa Trời đã đến sống cùng loài người, và đối diện với họ mà trò chuyện.


 

        Thứ ba, tình yêu thương của Ðức Chúa Trời đã được biểu dương.  Câu quan trọng nhất diễn tả thời kỳ nầy là Giăng đoạn 3:16:  "Vì Ðức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài. "  Ðức Chúa Trời với "danh rất lớn và đáng sợ", theo lời tác giả Thi-thiên, đã trở thành người Cha yêu thương của đám con cái tin cậy Ngài.


 

(3) Ðức Thánh Linh


 

        Sự biểu lộ nầy đã bắt đầu với những sự việc được ghi chép trong chương II sách Công-vụ-các-sứ đồ, và còn đang tiếp diễn cho đến ngày nay.  Khi Chúa Jêsus phán cùng các môn đồ về sự Ngài sắp lià thế gian.  Ngài đã bảo rằng:  "Ta lại sẽ nài xin Cha, Ngài sẽ ban cho các ngươi một Ðấng yên ủi khác, để ở với các ngươi đời đời, tức là Thần lẽ thật"  (Giăng 14:16-17).


 

        Trong hiện thân Ðức Thánh Linh, Ðức Chúa Trời đã đến thông công với các con cái Ngài, một cách gần gũi hơn nữa.  Ngài chẳng những đã ở cùng họ, mà còn ngự trong họ:  "Vì Ngài vẫn ở với các ngươi, và sẽ ở trong các ngươi" (Giăng 14:17).


 

        Với Ðức Thánh Linh quyền năng Ðức Chúa Trời trở nên phi thường.  Chúa sống lại phán cùng các môn đồ, "Khi Ðức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các người sẽ nhận lấy quyền phép" (Công-vụ-các-sứ-đồ 1:8).


 

IV.     CÔNG TRÌNH ÐỨC CHÚA TRỜI


 

        Công trình của Ðức Chúa Trời có thể ghi nhận dưới ba điểm chính.


 

1) Sự sáng tạo


 

        Kinh Thánh mở đầu với lời tuyến bố:  "Ban đầu Ðức Chúa Trời dựng nên trời đất", rồi kế đó, tả sự sáng tạo với những giai đoạn khác nhau.  Sự sáng tạo chia ra làm hai loại:  Các vật không có sự sống, và vật có sự sống.  Sinh vật gồm hai loại:  cây cỏ và muông thú, thực vật và động vật.  Ðộng vật gồm có hai loại:  hạ đẳng và cao đẳng, thú vật và con người.


 

        Về sự sáng tạo, có hai vấn đề được nêu ra.


 

(1) Phương pháp sáng tạo


 

        Ðức Chúa Trời đã tạo ra thế giới và muôn loài như thế nào?  Nhiều thuyết đã được đề ra, nhưng chúng ta bị kéo về điều ghi nhận đơn sơ nầy:  Ðức Chúa Trời đã sáng tạo ra trời đất muôn vật.  Chữ sáng tạo bao gồm ý nghĩa làm cho hiện hữu những cái từ trước không có.  Trong Kinh Thánh điều nầy chỉ về Ðức Chúa Trời mà thôi, chứ Kinh Thánh chẳng bao giờ nói tới sự con người đã tạo ra cái gì.


 

            Chữ sáng tạo được đề cập đến ba lần trong lịch sử sáng thế, đó là một điều đầy ý nghĩa.  Thứ nhất, nói về điểm vật chất--"Ban đầu Ðức Chúa Trời dựng nên trời đất" (Sáng-thế Ký 1:1).  Không có lời giải thích nào khác về căn nguyên của vật chất.  Thứ nhì, nói về sự sống của động vật--"Ðức Chúa Trời dựng nên các loài cá lớn, các vật sống hay động nhờ nước sanh nhiều ra, tuỳ theo loại, và các loài chim hay bay, tuỳ theo loại"  (Sáng-thế Ký 1:21).  Chẳng có lời giải thích nào khác về căn nguyên  của động vật.  Thứ ba, nói về con người--"Ðức Chúa Trời dựng nên loài người như hình Ngài"  (Sáng-thế Ký 1:27).  Chẳng có lời giải thích nào khác về căn nguyên loài người.  Ðức Chúa Trời đã dựng nên vũ trụ vật chất, sự sống của động vật và loài người.


 

        Nhưng Ngài đã sáng tạo muôn vật như thế nào?  Kinh Thánh chỉ ghi chép sự việc, không khải thị phương pháp mà chỉ nói:  "Ðức Chúa Trời đã phán và sự việc xảy ra như thế." 


 

        "Ðức Chúa Trời phán rằng:  Phải có sự sáng:  thì có sự sáng"  (Sáng-thế Ký 1:3).  "Ðức Chúa Trời lại phán rằng:  Phải có một khoảng không ở giữa nước để phân rẽ nước cách với nước.  Ngài làm nên khoảng không phân rẽ nước ở dưới khoảng không với nước ở trên khoảng không;  thì có như vậy"  (Sáng-thế Ký 1:6-7).  "Ðức Chúa Trời lại phán rằng:  Những nước ở dưới trời phải tụ lại một nơi, và phải có chỗ khô cạn bày ra;  thì có như vậy"  (Sáng-thế Ký 1:9).  "Ðức Chúa Trời lại phán rằng:  Ðất phải sanh cây cỏ, cỏ kết hột giống, cây trái kết quả, tuỳ theo loại mà có hột giống trong mình trên đất;  thì có như vậy"  (Sáng-thế Ký 1:11).  Ðó là lời ghi chép trong suốt cả lịch sử sáng thế:  "Ðức Chúa Trời đã phán, thì có như vậy."


 

        Tác giả Thi-thiên giải thích về sự sáng tạo như vầy:  "Các tầng trời được làm nên bởi Ðức Giê-hô-va, cả cơ binh trời bởi hơi thở của miệng Ngài mà có"  (Thi-thiên 33:6);  "Vì Ngài phán thì việc liền có;  Ngài biểu, thì vật bèn đứng vững bền" (Thi-thiên 33:9).


 

        Tác giả Hê-bơ-rơ đồng ý với tác giả Thi-thiên về lời giải thích vũ trụ sau nầy;  "Bởi đức tin, chúng ta biết rằng thế gian đã làm nên bởi lời của Ðức Chúa Trời, cho đến những việc bày ra đó đều chẳng phải từ vật thấy được mà đến"  (Hê-bơ-rơ 11:3).


 

(2) Thời gian sáng tạo


 

        Ðức Chúa Trời đã dùng bao nhiều thời giờ để dựng nên muôn vật?  Kinh Thánh đã ghi chép rằng chỉ trong sáu ngày:  "Vì trong sáu ngày, Ðức Giê-hô-va đã dựng nên trời đất, biển và muôn vật ở trong đó" (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:11).  Nhưng những ngày đó có phải dài bằng những ngày gồm hai mươi bốn giờ của chúng ta ngày nay, hay là những khoảng thời gian vô hạn định?


 

        Danh từ "buổi chiều và buổi sáng"  đã được giải thích cho hiểu là những ngày lúc bấy giờ cũng dài bằng những ngày trong tuần.  Tuy nhiên, còn có lối giải thích khác có lẽ theo sát với những sự việc đã xảy ra hơn.  Chữ "ngày" đã được dùng nhiều lần trong Kinh Thánh để chỉ một khoảng thời gian vô hạn định, như "ngày của Chúa", "ngày cứu chuộc", "ngày thạnh nộ" v.v... Trong Sáng-thế Ký 2:4 "ngày" được dùng để chỉ bao gồm tất cả công trình sáng thế:  "Trong lúc Giê-hô-va Ðức Chúa Trời dựng nên trời đất"  Công trình sáng thế đã được thực hiện như thế nào và lúc nào, không quan trọng bằng sự kiện Ðức Chúa Trời đã làm công việc đó theo phương pháp và trong thời giờ của Ngài.


 

2) Sự bảo tồn


 

        Ðức Chúa Trời chẳng những dựng nên muôn loài mà thôi, Ngài còn duy trì và kiểm soát mọi vật.  Ngài chẳng sáng tạo vũ trụ để rồi lại rút lui ra khỏi đó.  Ngài đã lập ra một vài luật lệ, nguyên tắc, để vũ trụ được điều dẫn, nhưng Ngài không bị giới hạn bởi những luật phép đó.  Nếu vì một lý do đặc biệt nào, Ngài thấy cần không theo các luật lệ đó, thì Ngài có thể làm được như vậy.  Trong chương trình của Ðức Chúa Trời có chỗ cho những phép lạ.


 

        Ðức Chúa Trời có một mục đích phải thành toàn bởi sự sáng tạo của Ngài.  Tay Ngài nắm vững ta lái của vũ trụ.  Vài điều Ngài thực hiện trông có vẽ lạ lùng.  Những công trình do ý của Ngài ra, không phải lúc nào cũng được hiểu biết.  Nhưng chúng ta tin rằng Ðức Chúa Trời hiểu và "chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Ðức Chúa Trời" (Rô-ma 8:28).


 

        Vấn đề thường được nêu thành câu hỏi là:  "Tại sao Ðức Chúa Trời để cho tội lỗi được đi vào sự sáng tạo của Ngài, và tại sao Ngài lại để cho điều xấu tiếp diễn ở thế gian?  Ðó là một trong những câu hỏi mà lý trí hạn giới của con người không thể trả lời, và Ðức Chúa Trời hình như cũng không cần khải thị sự trả lời đó.  Nhưng có ba việc chúng ta có thể nhận định chắc chắn được.


 

        Thứ nhất, điều xấu không thể đi qúa những luật lệ qui định bởi Ðức Chúa Trời.  Ma quỉ không thể làm cho Gióp đau khổ, nếu không được Ðức Chúa Trời cho phép.  Thứ nhì, Ðức Chúa Trời định giới hạn cho những điều gian ác xấu xa.  Trong lúc phá khuấy Gióp, ma quỉ chỉ có thể hành động trong giới hạn mà Ðức Chúa Trời đã cho phép.  Thứ ba, Ðức Chúa Trời thường biến những ý định tai hại thành điều phúc lợi.  Giô-sép đã nói với mấy người anh:  "Các anh toan hại tôi, nhưng Ðức Chúa Trời lại toan làm điều ích cho tôi, hầu cho cứu sự sống cho nhiều người, y như đã xảy đến ngày nay, và giữ gìn sự sống của dân sự đông đảo" (Sáng-thế Ký 50:20).  Và tác giả Thi-thiên chép:  "Cơn giận loài người hẳn sẽ ngợi khen Chúa" (Thi-thiên 76:10).


 

        Khi bàn về thiên lý của Ðức Chúa Trời, tưởng cũng nên nói vài lời về thiên sứ.  Các thiên sứ đã được dựng tạo trước thế gian và số lượng rất nhiều.  Các thiên sứ đã được diễn tả như là thần hầu việc Ðức Chúa Trời:  "Các thiên sứ há chẳng phải đều là thần hầu việc Ðức Chúa Trời, đã được sai xuống để giúp những người sẽ hưởng cơ nghiệp cứu rỗi hay sao?" (Hê-bơ-rơ 1:14).  Ðức Chúa Trời đã dùng các thiên sứ để thực hiện kế hoạch theo thiên ý. "Vì Ngài sẽ ban lệnh cho thiên sứ Ngài, bảo gìn giữ ngươi trong các đường lối ngươi.  Thiên sứ sẽ nâng ngươi trên bàn tay mình, e chân ngươi vấp nhằm hòn đá chăng? " (Thi-thiên 91:11-12).


 

3) Sự cứu rỗi


 

        Công trình sáng tạo đầu tiên của Ðức Chúa Trời quả thật là kỳ diệu, nhưng công trình sáng tạo mới của Ngài lại còn kỳ diệu hơn.  "Vậy nếu ai ở trong Ðấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới" (II Cô-rinh-tô 5:17).


 

        Con người mà Ðức Chúa Trời đã dựng nên theo hình Ngài, đã phạm tội đối với Ngài, sa xuống từ một địa vị cao cả, đem theo sự hư hoại cho chính bản thân mình và toàn thể nhân loại.  Nhưng Ðức Chúa Trời bởi sự thương xót, đã không bỏ rơi con người với số phận của họ.  Ngài đã ban cho loài người một con đường cứu rỗi bằng cách cho Con một của Ngài xuống thế gian để cứu loài người khỏi tội lỗi, bởi sự chết chuộc tội của Con ấy trên thập tự giá.


 

        Toàn thể vấn đề cứu rỗi sẽ được đề cập đến trong một chương mục khác, nhưng ở đây chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng sự cứu rỗi là công trình của Ðức Chúa Trời.  Chính Ðức Chúa Trời là Ðấng đã có sáng kiến trong sự cứu rỗi;  đã hoạch định chương trình cứu rỗi và chính Ngài đã cứu rỗi bởi ân điển của Ngài.  Tác giả Thi-thiên đã nói:  "Sự cứu rỗi thuộc về Ðức Giê-hô-va"  (Thi-thiên 3:8).  Và thánh Phao-lô đã tuyên bố:  "Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Ðức Chúa Trời" (Ê-phê-sô 2:8).  Và cũng trong đoạn ấy, câu mười, chúng ta có lời nầy:  "Vì chúng ta là việc Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Ðức Chúa Jêsus Christ."


 

        "Nguyện người ta khen ngợi Ðức Giê-hô-va vì sự nhơn từ Ngài, và vì các công việc lạ lùng Ngài làm cho loài người!" (Thi-thiên 107:8).


 

 

<< Cuốn Sách Kỳ Diệu | Tuyệt Ðiểm Của Sự Sáng Tạo >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 285

Return to top