Loài người chìm nổi lặn hụp trong biển khổ, mê mẩn say đắm những mùi trần, hễ ai làm cái nhân lành thì được cái quả tốt, ai làm cái nhân dữ ắt được cái quả xấu cũng như chú lập vườn, hễ trồng giống cam ngọt thì tự nhiên hưởng trái cam ngọt, còn trồng giống cam chua thì tự nhiên hưởng trái cam chua.
Tú Tài Hồng Xương tính cưới vợ đặng lập gia thất, mà tư tình với cô Hảo lỡ có thai rồi lại ham giàu, bỏ cô Hảo đi cưới vợ khác, đó là gieo một cái nhân không tốt, thế thì làm sao mà hưởng cái quả tốt cho được.
Tại cái nhân quả như vậy, nên Tô Hồng Xương tốn gần ba ngàn đồng bạc mua nữ trang cùng lễ vật mà cưới cô Tăng Thị Búi, là con của Bá Hộ Chịnh ở Cái Dây, tưởng là sắc cầm hảo hiệp, loan phụng hòa minh, đầm ấm niềm vợ chồng, rồi ngày sau hưởng vinh huê phú quí. Nào dè tốn công hao của, mệt trí chiều lòn, cưới được vợ rồi, trong một tháng đầu thì đã thấy ý chồng một ngã, ý vợ một nơi, chồng tham tiền nên trọng vợ như ngọc ngà, còn vợ ỷ giàu nên coi chồng như rơm rác.
Chồng có học nên mở miệng thì nói hơi nhân nghĩa, vợ nhiều tiền nên đưới mắt thì coi không có người. Ban đầu mới về nhà chồng cô Búi còn kiêng nể, nên tỏ ý kiêu căng chớ chưa dám nói tiếng hỗn hào; cách ít tháng cô dòm thấy chồng trọng, mà cha mẹ chồng đều ở bực thấp hơn cô hết thảy, bởi vậy nói cô chẳng cần khiêm nhường, cô chẳng cần tùng phục.
Một buổi sớm mơi, trời mưa dầm dề, mà cô Búi biểu chồng phải sai người nhà đạp xe máy lên Bạc Liêu mướn xe hơi cho cô về Cái Dây thăm cha mẹ.Bà Cả Hoàng hay sự ấy, bà bèn nói với dâu rằng: “Bữa nay trời mưa quá, thôi để bữa khác sẽ đi, con”.
Cô Bùi xụ mặt đáp rằng: “Nhớ nhà lắm, để bữa khác không được. Nhứt định đi bữa nay hè, chớ không chờ mai mốt gì hết ráo”.
Hồng Xương nghe vợ nói chẩm bẩm như vậy, chàng mới can rằng:
- Trời mưa quá, sai bày trẻ đi mướn xe, ướt mình nó lạnh tội nghiệp, mà kêu xe xuống đây mình ra mà đi cũng cam go lắm.
- Trời mưa đi chết hay saơ? Nếu vậy hễ mưa thì không ai đi đâu hết hả?
- Không phải chết! Nhưng mà không có việc chi gấp, thứ đi chơi cần gì phải dầm mưa mà đi.
- Về thăm cha mẹ có phải đi chơi đâu. Nếu vậy, hễ có chồng rồi phải bỏ cha mẹ hay sao? Biểu đi mướn xe đi. Tôi trả tiền xe, tôi không bắt ai trả đâu mà nói.
Mẹ con bà Cả nhìn nhau rồi kêu đứa ở mà sai đạp xe máy dầm mưa lên Bạc Liêu mướn xe hơi, không dám cãi nữa.
Vợ chồng Hồng Xương mới xung đột lần đầu, mà chồng thì nhượng lời, còn vợ thì lấn thế. Cô Búi mới khai chiến mà cô được “toàn thắng”, thì cô hăng hái, không còn ái ngại gì nữa, bởi vậy từ ấy về sau cô “lên nước”, không kể gì tới chồng hay là cha mẹ chồng, cô tự do muốn làm việc gì thì làm, muốn đi về Cái Dây thì đi, không ai dám cản nữa, mà về bên rồi cô muốn ở bao lâu tự ý, không cần phải xin phép ai nữa.
Khá khen cái chí của Hồng Xương có vợ như vậy mà chàng nhẫn nại chịu cho tới vài năm, hễ vợ về Cái Dây thì lót tót qua năn nỉ rước vợ về, khi vợ về bên nầy thì lại phải chiều lòn, dầu bị mắng cũng phải nhịn, chẳng hề dám mích lòng vợ.
Một bữa, gần tới đám kỵ cơm của ông nội, mà cô Búi lại đòi về Cái Dây, Hồng Xương lấy làm buồn, song chàng không dám cản, phải để cho cô đi, mà lại còn hứa hễ đám kỵ cơm xong rồi chàng sẽ qua mà rước.
Đám kỵ cơm xong rồi, bà Cả nhắc Hồng Xương đi rước vợ. Hồng Xương cùn quằn nói rằng:
- Bỏ, Không thèm rước nữa! Nó làm cực lòng tôi quá!
- Ê! Đừng có nói bậy vậy nào? Phải đi rước chớ không đi thì nó giận đa.
- Giận thây kệ nó! Tôi không màng nữa.
- Đừng có nói dại vậy, con! Phải ráng chịu cực đặng nhờ ngày sau chớ?...
- Chừng nào nhờ chưa biết, mà bây giờ nó coi mình không ra cóc rác gì hết.
- Thây kệ nó con. Phải ráng mà chịu. Con không thấy hay sao, vay mấy chục ngàn đồng bạc mà mua đất Quan Lộ, mấy năm nay lớp thì bị thất, lớp thì bị lúa thấp giá nên trả không nổi. May Chà-và nó không kiện chớ nếu nó làm ngặt nó kiện thiệt không biết làm sao. Đời coi thế khổ lắm, con phải ráng nhẫn nhục, đặng hễ có việc chi thì cậy bên vợ con đỡ gạc dùm, chớ nếu con cứng đầu cứng cổ, người ta ghét rồi nhờ nhõi sao được.
- Chệt khách ăn nói trên đầu người ta, khó chịu quá!
- Ậy! Họ lột da sống đời hay sao? Muốn ăn phải lăn vào bếp. Con nhắm mắt mà chịu, đừng nói gì hết. Muốn giàu thì phải chịu vậy chớ sao.
- Vì muốn giàu mà con phải chịu khốn nạn mấy năm nay, thiệt hết sức!
- Có gì đâu mà hết sức?
- Vậy chớ đợi sao nữa? Thiệt, con đã thèm!
- Vợ của con nói bẩu lẩu, vậy mà tánh nó thiệt thà. Con thủng thẳng mà dạy nó chớ.
- Có ông trời xuống mà dạy nó, chớ ai dạy nổi?
Tuy Hồng Xương phiền trách, song vì mong ăn gia tài nên ít bữa sau rồi chàng cũng lót tót qua Cái Dây năn nỉ rước vợ về.
Qua năm 1930 ruộng miệt Láng Dài cũng như miệt Quan Lộ; lúc cấy rồi bị trời hạn gần một tháng, nên sanh thứ bọ đen cắn lá cắn đọt, làm cho lúa mười phần chết tới bảy phần. Tới mùa gặt đầu năm 1931, bà Cả Hoàng thâu góp cằn sãy[1] hết sức, mà chỉ được có năm ngàn giạ lúa.
Số nợ ba chục ngàn, tính tiền lời đã bốn ngàn rưỡi, mà có năm ngàn giạ lúa, lại lúa giá 0đ60 một giạ, thì làm sao có đủ mà trả nợ. Chà-và chủ nợ tới nhà rầy rà, hăm kiện đặng thi hành phát mãi nhà đất. Vợ chồng ông Cả Hoàng năn nỉ hết lời mà chủ nợ không nghe.
Rũi bữa Chà-và tới đòi nợ, lại có cô Búi ở nhà. Cô hay cha mẹ chồng thiếu nợ, để Chà-và mắng nhiếc, thì cô lấy làm khinh khi, nên sáng bữa sau cô tuốt về Cái Dây.
Chuyến nầy cô Búi đi có một mình, cô đem theo một va-ly áo quần cũng như mấy lần trước. Đến tối Hồng Xương mở tủ ra coi mới hay vợ tóm sạch quần áo, mà đồ nữ trang cũng không để lại một vật nào hết.
Sáng bữa sau có cô Bang Biện Hồng Hạnh về thăm cha mẹ. Cô vô nhà thấy vắng cô Búi, cô bèn hỏi em là Hồng Xương rằng:
- Con ba đi đâu vắng vậy em?
- Vợ em mới về bển hôm qua.
- Hứ! Về hoài, mới về bữa hổm đây, nay về nữa? Nó về sao em không đi với nó lại ở nhà đây?
- Đi hoài coi kỳ quá.
- Chồng đâu vợ đó, chớ phân rẽ với nhau như vậy sao được.
- Vợ em đi chuyến nầy sao trong bụng em phát nghi quá!
- Nghi giống gì?
- Nó đi hôm qua. Hồi hôm em mở tủ coi lại thì nó tom góp quần áo cùng nữ trang mà đem theo ráo, chẳng để lại một món chi hết. Em nghi nó tính chuyến nầy nó về ở luôn bển sao mà.
Cô Bang Biện với bà Cả nghe như vậy thì ngó nhau chưng hửng. Bà Cả hỏi Hồng Xương rằng:
- Sao nó lấy đồ đi hết mà con không cản nó?
- Con có dè đâu, chừng nó đi rồi mới hay chớ.
- Vậy thì con phải tuốt theo nó mới được.
- Theo làm chi?
- Theo đặng dã lã mà rước nó về chớ.
- Trong ý nó thấy nhà mình bây giờ nợ nần lộn xộn không muốn ở nữa. Con theo năn nỉ sao được. Thôi, thây kệ nó, như nó về thì về, bằng không về thì thôi.
- Ê, đừng có nói bậy. Vợ như vậy mà bỏ hay sao. Mấy bữa rày má có ý muốn biểu con về bên vợ con đây chớ.
- Về làm chi?
- Má muốn con về bển ít bữa rồi òn ĩ nói với anh chị hoặc vay bạc, hoặc bán đứt sở đất Quan Lộ mà trả phứt nợ Chà-và cho rồi để nó kiện thưa khó lòng quá.
- Khó mở miệng lắm má ơi!...
- Có gì đâu mà khó? Con nói với anh chị rằng vì mua đất Quan Lộ thiếu bạc mới đi vay, tưởng trả lần hồi ít năm thì tiêu nợ, nào dè lúa không có giá nên trả không nổi. Con nói bề nào ruộng đất ấy ngày sau cũng về vợ chồng con hưởng. Bây giờ nếu anh chị ở bển ra bạc trả nợ, cũng như mua đất cho vợ chồng con. Con nói như vậy đó thử coi; chừng nào anh chị không chịu, thì con sẽ nói thôi mua dùm sở đất đó lại, nếu ở bển mua thì cha má để y giá mua hồi trước mà thôi. Con nhân dịp qua rước vợ con, nói luôn chuyện đó nữa. Nếu anh chị ở bển chịu ra bạc trả nợ thì mình khỏe biết chừng nào.
Cô Bang Biện khen mẹ tính cao và đốc riết em đi nói chuyện ấy. Hồng Xương có liêm sỉ chút đỉnh, nhưng bị mẹ với chị đốc quá, chàng phải xiêu lòng, nên ngày sau chàng lót tót qua Cái Dây. Chàng bước vô nhà, cô Búi thấy, mà cô làm lơ, không thèm hỏi, còn vợ chồng Bá Hộ Chịnh thì hỏi lơ là qua hồi nào rồi thôi, chớ không thèm hỏi thăm sui gia. Hồng Xương xẻn lẻn hết sức, song phải ráng mà chịu cái địa vị khó khăn lạt lẽo ấy, trong lòng bát ngát, ngoài mặt buồn hiu.
Đến tối chàng thấy ông Bá Hộ nằm hút á phiện, chàng mới men lại mà nói rằng: “Con có một việc nhà bối rốì quá, nên con qua thưa cho tía hay: Số là năm trước cha của con có mua dưới kinh Quan Lộ một sở ruộng năm chục ngàn, vì thiếu bạc nên có vay của Chà-và ba chục ngàn. Mấy năm nay bị thất, lại bị giá lúa thấp, nên trả nợ không nổi. Bây giờ chủ nợ làm khó, hăm đi kiện. Cha với má con biểu con qua nói với tía liệu coi như có mua sở đất đó lại thì cha với má con sẽ bán cho tía, hay là tía muốn ra bạc trả nợ rồi lấy đất ấy mà cho vợ chồng con đứng bộ cũng được”.
Bá Hộ Chịnh nghe rể nói như vậy thì lồm cồm ngồi đậy, tay cầm ống hút, mắt mang kiến gọng vàng, ngó rể trân trân mà đáp rằng: “Trời ơi! anh chị làm lộn xộn mắc nợ nần, bây giờ mầy biểu tao phải trả nợ đó hay sao? Tao nói cho mầy biết, vợ mầy nó phiền chuyện đó lắm. Nó nói nợ nần lộn xộn nó không chịu về bển nữa đâu. Chừng nào vợ chồng tao chết rồi mầy sẽ tranh gia tài, chớ chưa gì mà mầy tính ăn trước vậy sao được”.
Hồng Xương hổ thẹn không biết lời chi mà biện bác, nên riu ríu đi lại bộ ván để phía chái trên mà ngồi. Chàng liệu nói nữa thì nhục mà vô ích, bởi vậy sáng bữa sau chàng tính về Láng Dài. Chàng xuống nhà sau kiếm vợ mà nói rằng:
- Mình sửa soạn mà về bển với tôi.
- Thôi, tôi không thèm về bển nữa đâu.
- Ủa! Sao vậy?
- Tôi sợ nợ lắm. Về bển đây Chà-và nó bán tới quần áo của tôi nữa đa!
- Có đâu mà tới vậy lận.
- Sao lại không có. Hồi đi cưới tôi, sao không nói trước việc nợ nần cho tôi biết. Gạt tôi như vậy, tôi giận lắm, tôi không về bển nữa. Thôi mình về cưới vợ khác đặng lo làm ăn mà trả nợ. Đừng có qua bên nầy nữa.
- Tại mình thấy cha mẹ tôi mắc nợ, nên mình dứt tình vợ chồng với tôi phải không?
- Phải.
Hồng Xương ngó quanh quất, thấy bà Bá Hộ ngồi gần bên đó, mà bà không tỏ lời can gián con, thì chàng vừa phiền, vừa tức, vừa hổ thẹn, não nề. Hổ thẹn về cái quả báo ngày trước ham giàu nên ngày nay bị nhục, não nề về cái thói đời không cần nhân nghĩa, chỉ kể bạc tiền mà thôi. Tuy vậy mà chàng không muốn lộ cái chân tướng cho thiên hạ thấy, nên chàng gượng cười mà nói với vợ rằng: “Tôi cám ơn mình lắm. Thôi mình ở bên nầy mạnh giỏi”.
Chàng từ giã cha mẹ vợ rồi ra lộ đón xe hơi đò mà về, thấy mấy người quen lối xóm không dám ngó, trong trí tán loạn, mà ngoài mặt phải làm màu tươi cười.
oOo
Vợ chồng Hương Sư Tô Hồng Thiện đã về Sài Gòn, dọn nhà ở đầu đường Mayer, đem cô Hảo với hai đứa con của cô về đó mà nuôi, và mua đồ đạc dọn một căn phố, tại dãy phố mua gần chợ Tân Định, mà cho thím giáo Điểu với hai đứa con trai của thím ở mà coi thâu tiền phố.
Mấy mẹ con thím giáo từ rày được no ấm lành lẽ, khỏi phải lam lũ cực khổ như xưa nữa. Thằng Hòa là con trai lớn, thì đi học sắp chữ nhà in. Còn thằng Hiếu, là con trai nhỏ, thì thím xin cho vô trường dưới Đất Hộ mà học chữ. Phận cô Hảo lại còn sung sướng nhiều hơn nữa. Vợ chồng Hương Sư cưng cô như con đẻ, và tưng tiu hai đứa con của cô cũng như cháu nội trong nhà. Bây giờ mẹ con cô Hảo mặc áo quần nhổn nha, chân giầy chân vớ, tối ngày tóc gỡ láng mướt, mặt mày trắng trong, hễ đi ra thì ngồi xe hơi, đeo hột xoàn, ai thấy cũng cho là con nhà giàu sang, chớ không ai dè gái hàn vi bị lượn sóng ái tình nhồi đã bầm dập.
Vợ chồng ba Lân cũng còn ở bên Khánh Hội, thấy cô Hảo có phước được sang trọng, thì không dám khinh khi hiếp đáp nữa, mà lại còn theo đỡ bợ, mong một ngày kia mượn tiền đặng lập tiệm mà ra mặt y sĩ với người ta.
Một buổi sớm mơi, ông Hương Sư Thiện đi xuống nhà Băng mà gởi bạc. Chừng ông về mặt mày hớn hở, vừa bước vô cửa thì con Hồng với thằng Tô chạy ra mỗi đứa ôm ông một chân mà mừng ông nội, cười nói om sòm. Cô Hảo bước lại kéo con và nói rằng: “Đừng con, ông nội đi mệt, để ông nội thay đồ ông nội nghỉ chớ”. Hương Sư Thiện cản rằng: “Thây kệ nó mà? Để chú chơi với nó một chút”. Ông ngồi chồm hổm, ôm hun mỗi đứa vài cái, rồi nắm tay dắt hết lên lầu.
Một lát ông thay đồ mát rồi ông dắt sắp nhỏ trở xuống và kêu vợ mà nóì rằng: “Hồi nãy tôi xuống Băng họ nài quá, nên tôi mua hết năm cái giấy số đây”. Ông vừa nói vừa đưa năm miếng giấy cho vợ coi.
Bà Hương Sư cười và hỏi rằng:
- Giấy số gì vậy?
- Giấy số Thượng Hải, trúng độc đắc tới một triệu đồng bạc Trung Hoa, số thứ nhì trúng năm chục muôn, số thứ ba trúng hai mươi lăm muôn.
- Họ bán bao nhiêu một số?
- Mắc hơn số bên mình nhiều lắm, mỗi số bán tới ba đồng rưỡi.
- Cha chả, nếu ai trúng độc đắc thì giàu lớn lắm há? Họ mua nhiều không?
- Vì mắc nên ít ai mua, duy có Ăng-lê và Khách-trú họ mua nhiều mà thôi.
- Nếu mình trúng được thì khỏe lắm?
- Họ nài nỉ quá, có lẽ mình trúng đa. Tôi mua thử năm số đây, để tôi chia cho mình một số, tôi một số và ba mẹ con của con hai mỗi đứa một số đặng coi ai trúng cho biết. Con hai, con lấy viết mực đưa đây cho chú biên tên mỗi người trong giấy số chơi, con.
Cô Hảo lấy viết mực đem lại. Ông Hương Sư sắp năm giấy số trên bàn rồi biên tên mỗi người vào góc một miếng. Biên rồi ông đưa hết cho bà và nói rằng: “Thôi, mình mở tủ sắt mà cất cho kỹ, đặng ít tháng nữa xổ coi số ai trúng cho biết. Tôi có dặn thầy bán giấy số, hễ chừng nào bên Thượng Hải xổ rồi họ gởi giấy qua thì phải cho tôi hay đặng tôi xuống Băng tôi dò”.
Cách ít ngày, ông Hương Sư Thiện được dây thép của thầy Bang Biện Lâm Đại Lợi, là cháu rể, đánh mà cho hay ông Cả Tô Hồng Hoàng chết, định năm ngày mới táng. Vợ chồng Hương Sư bàn tính với nhau, tuy bà Cả không biết điều, song ông Cả là anh ruột, tình cốt nhục không lẽ không thương, nên vợ chồng phải trở về phụ lo tống táng anh, cho trọn niềm huynh đệ. Hai ông bà giao nhà cửa cho cô Hảo coi, sắp quần áo vô va-ly, rồi lên xe hơi tuốt về Láng Dài.
Cuộc tống táng ông Cả Hoàng thì ông Hương Sư Thiện giữ trọn đạo làm em, ông sắm một độ tế rất xứng đáng mà tế anh, ông xé khăn bịt để tang cho anh, ông nghe chị dâu than không tiền thì ông lại cho mượn năm trăm đồng bạc đặng làm cho đủ lễ. Ông dòm thấy sui gia của ông Cả là Bá hộ Chịnh không đến, mà cũng không thấy mặt vợ của Hồng Xương, thì ông lấy làm kỳ, nên kêu Hồng Xương mà hỏi rằng:
- Đám ma của anh Cả, mà sao chú không thấy vợ cháu?
- Thưa, vợ chồng cháu đã thôi rồi.
- Thôi hồi nào?
- Thưa, vợ cháu bỏ cháu, nó về ở bên cha mẹ nó hơn một năm nay. Nó đã vào đơn tại Tòa mà xin phá hôn thú; cháu có được trát đòi rồi, ít bữa nữa Tòa xử.
- Vợ chồng cháu ăn ở với nhau có con hay không?
- Thưa không.
- Vợ cháu kiện xin phá hôn thú, vậy mà cháu bằng lòng hay không?
- Má cháu biểu kêu nài, đừng chịu phá hôn thú. Song cháu nghĩ nó về bên Cái Dây, nó lấy ai đã có chửa thè lè rồi, mình cầu mà để phứt cho khỏi mang xấu, còn nước nào nữa mà ngăn trở!
Vì ông Hương Sư Thiện giận chị dâu, nên đám cưới Hồng Xương ông không dự, mà từ ấy đến nay ông cũng không tới nhà nữa, bởi vậy việc vợ chồng Hồng Xương bất hòa ông không hay biết chi hết. Nay Hồng Xương nói tắt mấy điều cho ông nghe, thì ông chưng hửng, không dè cuộc nhơn duyên xằng xịu năm nọ nó kết quả lôi thôi mau lẹ đến thế nầy. Ông rùn vai lắc đầu chớ không nỡ nói tiếng chi hết. Nhơn cái việc ấy, ông mới bắt mò hỏi thăm những người quen biết thêm nữa. Nhờ vậy mà ông biết rõ hết gia đạo của anh, đã biết việc của vợ chồng Hồng Xương, mà lại còn biết việc nợ nần của ông Cả nữa.
Tống táng ông Cả Hoàng xong rồi, vợ chồng Hương Sư Thiện mới lên xe về Sài Gòn. Đi dọc đường ông bèn thuật các việc ông nghe đó lại cho vợ hay. Bà Hương Sư chắc lưỡi lắc đầu mà nói rằng:
- Rõ ràng quả báo nhãn tiền! Có vậy những người tham lam, những kẻ bất nghĩa họ thấy họ mới tởn.
- Thánh hiền xưa nói trúng lắm mà? “Thiên võng khôi khôi sơ nhi bất lậu”. Bởi chị Cả chị ham tiền lắm, nên bây giờ chị bối rối về tiền bạc như vậy đó. Còn ngày trước con chị lấy người ta đã có chửa, mà chị xúi giục biểu bỏ đi đặng cưới con nhà giàu, nên trời phật mới khiến bây giờ dâu chị bỏ con chị rồi lại lấy người khác có chửa. Đáng lắm! Đáng lắm!
- Việc vợ chồng Hồng Xương như vậy đó, nếu con Hảo nó hay chắc nó cười dữ!
- Nói cho nó hay mà làm chi, đừng nói.
- Nếu vợ chồng Hồng Xương để bỏ nhau rồi mà thằng nọ ăn năn, xin cưới con Hảo lại, thì cũng được lắm chớ!
- Ai mà thèm! Tôi không cho con Hảo ưng như vậy đâu. Hồi đầu đã không phải, bây giờ ai chịu. Tôi không muốn cho con Hồng với thằng Tô kêu chị Cả bằng bà nội đâu.
- Mình nói phải đa! Mấy mẹ con nó về cái nhà đó uổng lắm. Không biết mẹ con chị Cả có hay mình nuôi con Hảo hay không?
- Mình ở mấy bữa, vậy chớ mình không có dọ ý coi chị Cả hoặc cô Bang Biện có biết hay không sao?
- Không có nghe ai nói tới mẹ con thím giáo hết.
- Khách đờn ông cũng không ai nói tới. Chắc họ không hay; chớ nếu họ hay, có lẽ nào họ không hỏi thăm.
- Thôi mình làm phải, chẳng cần cho ai biết làm chi. Mà cũng chẳng nên cho con Hảo biết việc gì hết, nhắc chuyện cũ thì nó buồn chớ ích gì.
Thiệt như vậy, về đến nhà vợ chồng Hương Sư Thiện không thèm nói việc vợ chồng Hồng Xương lộn xộn cho cô Hảo biết. Còn cô Hảo, thì cô hỏi thăm ông Cả đau bịnh gì, chết bữa nào, chôn ngày nào, mà cô không thèm nói tới bà Cả hay là Hồng Xương.
Thím giáo Điểu hay vợ chồng Hương Sư về, thím cũng lật đật lại thăm, mà thím cũng không nói tới tên Hồng Xương.
Xưa nay người ta thường nói: “Tích thiện phùng thiện, tích ác phùng ác”. Nhà ông Hương Sư làm lành, ở phải nên tự nhiên ông gặp những chuyện vui. Một buổi chiều, vợ chồng ông với cô Hảo đương sửa soạn lên xe hơi đi chơi. Có người đem thơ mà đưa cho ông. Ông thấy bao thơ thì biết thơ của nhà Băng. Ông mở ra đọc mới hay rằng: trong năm cái giấy số Thượng Hải ông mua hôm tháng trước đó, có một số trúng nhằm số thứ ba được hai mươi lăm muôn đồng bạc Trung Hoa.
Vợ chồng Hương Sư với cô Hảo đều mừng quýnh. Bà Hương Sư lật đật mở tủ sắt lấy năm cái giấy số ra, rồi dắt nhau lên xe đi hết xuống nhà Băng mà dò coi số của ai trúng. Bà Hương Sư ôm con Hồng trong lòng, còn ông Hương sư thì ôm thằng Tô, vợ chồng đánh cá với nhau, bà nói con Hồng trúng, ông nói thằng Tô trúng.
Cô Hảo chúm chím cười mà nói rằng: “Con vái cho số của chú trúng, chớ thím, hoặc con; hoặc mấy đứa nhỏ trúng, rồi tiền bạc có biết làm việc gì đâu”.
Bà Hương Sư đương vui nên quên dè dặt, nghe mấy lời như vậy bà vội đáp rằng: “Con khéo lo dữ không! Thím vái cho mấy mẹ con của con trúng, đặng chở bạc về Láng Dài đưa cho chị Cả coi chơi cũng ngộ mà”.
Cô Hảo nghe nói tới bà Cả, thì cô hết cười, lại cúi mặt xuống mà thở dài. Xe xuống tới Băng, ông Hương Sư cầm năm cái giấy số và dắt hết vợ con và cháu vô dò. Té ra cái giấy số đề tên Hảo trúng. Bà Hương Sư mừng quá. Bà day lại nắm tay cô Hảo mà nói rằng: “Trời phật công bình lắm! Chú thím trúng cũng không ích gì. Con trúng mới phải. Con phải giàu cho họ hết khinh khi, bạc bẽo con từ ràyvề sau nữa”.
Ông chủ và những người giúp việc trong nhà Băng đều xúm lại đứng xung quanh mà coi cho biết mặt người hữu hạnh được trúng số. Ông Hương Sư nói bướng rằng: “Con gái của tôi đa”. Ông chủ nhà Băng bắt tay chào mừng cô Hảo và khen cô có phước. Ông lại biểu giao cái giấy số trúng ấy đặng ông gởi mà lãnh bạc dùm cho. Ông Hương Sư đưa giấy số; ông chủ nhà Băng làm cho ông một cái biên lai để cầm làm bằng. Ông Hương Sư hỏi hai mươi lăm muôn đồng bạc Trung Hoa tính ra bạc mình là bao nhiêu. Ông chủ nhà Băng tính một chút rồi đáp rằng: “Theo giá bạc bữa nay thì hai mươi lăm muôn đồng bạc Trung Hoa thành ra một trăm bốn mươi bảy ngàn lẻ năm mươi tám đồng bạc Đông Dương.
Vợ chồng Hương Sư dắt cô Hảo với hai đứa nhỏ lên xe mà về. Xe chạy tới nhà thờ, ông Hương Sư lại biểu sớp-phơ đi thẳng lên Tân Định mà báo tin cho thím giáo Điểu hay. Xe hơi vừa ngừng ngay cửa, bà Hương Sư thấy thím giáo đương ngồi may áo thì bà kêu mà nói lớn rằng: “Thím giáo, thím giàu lớn rồi! Đừng thèm may nữa, bỏ đi. Con Hai nó trúng số tới mười bốn, mười lăm muôn lận”.
Thím giáo Điểu chưa hiểu việc chi hết, song nghe kêu thì thím bỏ đồ may, lật đật chạy ra. Vợ chồng Hương Sư với cô Hảo leo xuống xe rồi dắt hai đứa nhỏ vô nhà. Bà Hương Sư nói nữa rằng: “Lên nói cho thím mừng, con hai của mình nó trúng số được tới một trăm bốn mươi bảy ngàn đồng bạc lận. Thôi, thím khỏe rồi, bây giờ thím giàu hơn tôi nữa đa”.
Thím giáo lơ láo, ngó cô Hảo rồi ngó vợ chồng Hương Sư mà nói rằng: “Số đâu mà trúng nhiều dữ vậy?”
Ông Hương Sư bèn đem mà thuật cho thím giáo nghe chuyện tháng trước ông mua giấy số Thượng Hải chia cho mỗi người một số, bữa nay số của cô Hảo trúng thứ ba, được tới hai mươi lăm muôn đồng bạc Trung Hoa.
Thím giáo hiểu rồi, thì thím mừng quýnh, nên mời khách ngồi, cứ lăng xăng đi qua đi lại rồi nói rằng: “Con Hảo nó nhờ phước đức của ông bà; ông mua giấy số ông cho, nên nó mới trúng. Vậy tiền nó trúng số đó là tiền của ông chớ”.
Ông Hương Sư cười mà đáp rằng: “Nói như vậy sao được. Phải, giấy số nó trúng đó là giấy số của tôi mua cho. Mà nó có phần làm giàu, nên nó mới trúng chớ. Tiền trúng số đó là tiền của nó, nào phải tiền của tôi. Sao vợ chồng tôi mỗi người có một số, hai đứa nhỏ cũng vậy mà lại trật hết, có một mình nó trúng? Không phải tại nó có phước đức riêng nên nó mới được hưởng cái phần đó hay sao?”
Thím giáo cười ngỏn ngoẻn và nói: “Nhờ ông bà nuôi nó nên mới được vậy chớ. Đó là phước đức của ông bà, chớ không phải nhờ phước đức của nó đâu”.
Bà Hương Sư chen vô mà nói rằng: “Thôi, nói việc phước đức làm chi. Nó trúng số thì mình nói chuyện mừng cho nó”.
Một nhà hớn hở, nói chuyện vui cười, mà chẳng nói chuyện chi khác hơn là nói chuyện trúng số, nói tới năm giờ chiều, thằng Hiếu đi học về, kế thằng Hòa đi làm về nữa, mà nói cũng chưa đã thèm.
Trời gần tối, bà Hương Sư nói rằng: “Làm sao cho ông cậu nó hay đặng mừng cho nó... Nầy, để tôi tính như vầy: Thím giáo dắt hai đứa nhỏ lại nhà tôi ăn cơm. Tôi về mua đồ thêm đặng bà con mình làm tiệc ăn mừng con hai trúng số chơi. Bây giờ thằng Hòa phải theo xe hơi đây, đưa vợ chồng tôi với sắp nhỏ về nhà rồi nó ngồi xe đi thẳng qua Khánh Hội mà rước cậu mợ nó. Còn thím giáo với thằng Hiếu thì khóa cửa rồi kêu xe kéo mà lại sau. Tôi về trước đặng sai đầu bếp đi theo xe hơi xuống chợ Bến Thành mua đồ ăn đặng dọn tiệc. Thôi, sửa soạn mà đi, kẻo tối rồi. Hòa a, đi với chú thím đây con”.
Vợ chồng Hương Sư, cô Hảo, thằng Hòa với hai đứa nhỏ lên xe. Bà Hương Sư còn kêu thím giáo mà dặn vói rằng: “Rồi thím đi xe kéo mà lại mau mau nghe không, thím giáo”.
Xe về tới nhà, bà Hương Sư kêu đầu bếp, đưa mười đồng bạc, biểu theo xe hơi xuống Bến Thành mua đồ ăn, đồ nguội hay đồ hộp, thứ gì ngon là mua và bà dặn hễ xuống tới Bến Thành thì sớp-phơ bỏ đầu bếp ở đó mua đồ, còn xe đi với thằng Hòa thẳng qua Khánh Hội rước vợ chồng ba Lân, bận về sẽ ghé Bến Thành rước đầu bếp.
Vợ chồng Hương Sư đắc ý, nên giỡn với con Hồng và thằng Tô, cười nghe om sòm. Cô Hảo được phước, cô cũng hân hoan, song cô chúm chím cười hoài, chớ không nói chi hết.
Cách một lát, thím giáo với thằng Hiếu lại, mẹ con ăn mặc đồ mới, song đi bộ chớ không đi xe kéo như lời bà Hương Sư dặn.
Trời tối, bà Hương Sư biểu cô Hảo vặn đèn khí sáng cùng nhà. Bữa nay cô Hảo mặc một cái áo màu nước biển, trong lót màu bông hường dợt, tai đeo bông nhận hột xoàn lớn, chừng phựt đèn khí lên ánh sáng đèn khí dọi áo và bông tai, rồi màu áo với bông tai chiếu lại mặt cô làm cho cái gương mặt thiên nhiên chân chất của cô điểm thêm cái nét hữu duyên khả ái, coi như thợ trời nắn cái hình vóc, cái mặt mày ấy để mà hưởng cái phú quý vinh hoa, chớ không phải để mà chịu bần cùn lao khổ.
Bà Hương Sư kêu thím giáo biểu ngồi cái ghế một bên bà, rồi bà nói nho nhỏ rằng: “Thím ngó con hai đó coi. Lúc nầy nó phát tướng coi ngộ quá, phải không thím? Hèn chi nó trúng số, phải lắm mà. Cha chả? Chị Cả của tôi chị hay đây, chị chết được!”
Thím giáo cười.
Xe hơi về tới. Vợ chồng ba Lân rón rén bước vô đều mặc áo dài, lại có dắt thằng con theo nữa. Vợ chồng xá ông và bà Hương Sư, chào thím giáo. Chừng thấy cô Hảo ở bên phòng ăn bước qua, thì ba Lân vùng la rằng: “Cháu, nghe nói cháu trúng số gì tới mười bốn, mười lăm muôn đồng bạc lận, phải không cháu? Cha chả! Có phước quá! Cháu lãnh bạc rồi, cháu cho cậu mượn chừng vài ngàn đồng, cậu mở một tiệm bào chế thuốc bắc thôi, thì khỏe biết chừng nào!”
Ông Hương Sư cười và nói rằng: “Được mà, chú ba nó đừng có lo, thứ vài ngàn mà nghĩa lý gì”.
Vợ ba Lân nghe như vậy thì lấy làm đắc ý, mà vì mừng quá nên thím ứa nước mắt, muốn nói mà nói không được chỉ ú ớ mấy lời: “Tôi không dè... Cháu có phước quá... Cậu mợ làm ăn được đâu quên ân cháu”.
Vợ chồng Hương Sư mời vợ chồng ba Lân ngồi nói chuyện chơi. Ba Lân ké né, ngồi cái ghế nhỏ trong góc, còn vợ thì theo bồng ẵm thằng Tô và nói chuyện với con Hồng.
Cô Hảo chỉ cho bồi đặt bàn ăn, sắp ghế ngồi, rồi ra sau coi cho đầu bếp nấu đồ ăn.
Đồ dọn xong rồi, bà Hương Sư mời hết người lớn trẻ nhỏ đều ngồi chung một cái bàn lớn mà ăn uống cho vui. Vợ chồng ba Lân nói ăn cơm chiều rồi, song bà Hương Sư không chịu, bà ép phải ngồi vô mà ăn nữa.
Vợ ba Lân ngồi một bên cô Hảo, theo o bế cô, nói tiếng nhỏ nhoi, chớ không dám làm mặt lớn như hồi thuở nữa.
Đương bữa ăn, có đủ mặt, ông Hương Sư bèn hỏi cô Hảo rằng: “Con Hai, bây giờ con có mười mấy muôn đồng bạc, con tính làm việc gì, đâu con nói cho chú nghe thử coi”.
Cô Hảo đứng dậy thưa rằng: “Mẹ con con nghèo khổ, đói rách. Nhờ chú thím để lòng thương xót, chú thím đem về nuôi dưỡng bảo bọc má con với hai em của con đều được lành lẽ no ấm, còn thân con thì được sung sướng quá sở vọng của con. Bây giờ thật con không còn muốn chi hết, chỉ cúi xin chú thím làm phước bảo bọc má con và nuôi dùm con với hai đứa nhỏ hoài, mẹ con của con tình nguyện hết lòng đền ân nghĩa cho chú thím chừng nào chết mới thôi. Còn tiền bạc trúng số đó, con nghĩ giấy số của chú mua cho, may được trúng thì số tiền ấy con phải giao cho chú, chớ con không lãnh. Con chỉ xin một điều nầy : Cậu mợ của con nghèo, cực khổ quá. Con xin chú lấy trong số bạc trúng đó chừng vài ngàn đồng đặng cho cậu mợ con làm vốn mà buôn bán, còn bao nhiêu thì chú thím dùng, chớ má con với con nhờ chú mà được như vầy thì đủ rồi, không cần tiền bạc chi nữa”.
Ông Hương Sư vừa gật đầu vừa ngó vợ mà nói rằng: “Con nói nghe phải nghĩa quá, không tham lam, không kiêu hãnh, biết ân người làm ân, biết thương trong thân tộc. Người có tánh tình như vậy thì quí báu hơn bạc muôn bạc triệu. Việc nuôi con với hai đứa nhỏ thì chú thím đã nhứt định, tự nhiên chú thím nuôi hoài, làm sao mà bỏ con được, nên con phải lo. Phận thím giáo cũng vậy, hễ chú thím sống đến chừng nào thì bảo bọc thím đến chừng ấy. Còn tiền bạc trúng số là tiền bạc của con; con muốn dùng làm việc gì con dùng, giao cho chú thím sao được. Chú thím tiền dùng không hết còn lấy làm chi nữa. Chú mua giấy số, chú cho con, may con trúng, thì con hưởng. Thôi bây giờ để chú tính như vầy; chừng nào nhà Băng lãnh dùm số bạc rồi, con lấy vài ngàn mà cho chú ba đây đặng chú làm vốn lập tiệm thuốc. Còn lại bao nhiêu thì con gởi trong nhà Băng, thủng thẳng coi ai bán ruộng vườn nhà cửa rẻ, thì chú lấy bạc đó mà mua dùm cho con, đặng có huê lợi thêm nữa mà nuôi thím giáo, thằng Hòa, thằng Hiếu mới được”.
Ba Lân mừng quá, nên hớt mà đáp rằng: “Ông tính thiệt là hay. Nên mua một cái nhà cho chị tôi ở sung sướng một chút, kẻo xưa nay chị cực khổ quá. Còn bạc cho tôi mượn mà lập tiệm, hễ tôi làm ăn khá thì tôi trả vốn lại cho cháu tôi, như trả một lần không được, thì mỗi năm tôi góp một mớ, góp nhiều năm có lẽ tất được”.