Dãy phố thím giáo Điểu mướn mà ở đây chẳn mười căn, hồi trước có tám chủ ở, bây giờ thím giáo mướn một căn nữa, nên được chín, còn trống một căn.
Ở ngoài đi vô gặp căn đầu là căn của thím Hữu ở. Thím nầy có chồng hồi trước làm cặp rằng[1] coi cho mướn xe kéo, chồng theo vợ bé đi đâu mất hơn một năm rồi, không ai gặp, bỏ thím ở lại với một đứa con trai 12 tuổi và một đứa con gái mới 3 tuổi, thím mua bán rau cải ở bên chợ Bến Thành.
Căn thứ nhì thầy Đội Tiền ở với vợ và năm đứa con. Thầy làm đội đi giấy cho nhà băng ăn lương cũng trọng, ngặt hễ về nhà thì uống rượu say luôn luôn, rồi chưởi vợ mắng con làm rùm cả xóm.
Căn thứ ba là căn của ba Lân ở.
Căn thứ tư thì tám Tính ở. Người nầy không có vợ con, làm việc với Thành Phố, coi góp tiền thuế bến nước, nên đi sớm về tối, ít hay có ở nhà.
Căn thứ năm thì chú chệt Lùn ở với vợ Việt Nam và năm đứa con. Chú làm nghề bán mì thánh, bữa sớm mơi thì chú ở nhà làm mì, trưa chú mới gánh đi các nẽo đường mà bán cho đến mười hoặc mười một giờ khuya chú mới về.
Căn thứ sáu thì cô ký Hài ở. Cô nầy chồng chết cô mới 35 tuổi, ở làm thợ may mà nuôi ba đứa con.
Căn thứ bảy thì cô Hoàng Thị Diệm Xuân ở, cô nầy là người Bắc, chừng 24, 25 tuổi, đứng bán hàng tại một hãng buôn lớn, ăn lương mỗi tháng bốn chục đồng; cô ở với người dì, cô không có chồng, mà lại có đứa con trai chừng 4 tuổi.
Căn thứ tám là căn thím giáo Điểu mới mướn đó.
Căn thứ chín thì bỏ trống.
Còn căn chót thì vợ chồng anh Tám Sửu ở. Anh nầy làm cu li[2] vác đồ dưới tàu buôn, còn vợ thì bán chè thưng. Vợ chồng có hai đứa con, hễ chồng đi làm, vợ đi bán, thì hai đứa con để cho mẹ giữ.
Đây là kể nói dãy phố phía ngoài, còn vô trong thì có nhiều cái chòi nhỏ với mấy dãy phố lá, cái nằm ngang, dãy nằm dọc, hạng dân nghèo ở chật vật dơ dáy không kể xiết.
Thím giáo Điểu xuất có mấy chục đồng bạc mà thím yên chỗ ở, lại có công việc làm ăn, bởi vậy thím hết lo sợ như hôm ở Láng Dài mới ra đi, mà nhứt là thím rờ trong túi biết còn một số bạc tới ba trăm tám chục đồng, thím kể chắc bề nào mẹ con thím cũng không đói, thì thím càng vững bụng mà đởm đương với thế cuộc.
Một buổi sớm mơí, thím đi mua bánh trái đem về rồi cô Hảo phụ dọn ra quán mà bán. Căn nhà của thím tuy chẳng có đồ đạc chi quí, nhưng mà thím sợ kẻ gian vô tóm quần áo thì cũng tốn tiền may cái khác, bởi vậy thím dặn thằng Hòa với thằng Hiếu phải ở nhà coi nhà, mà lúc nào có rảnh thì thím còn sai cô Hảo chạy về thăm chừng nữa. Ngày nào cũng vậy, thím bán cho tới tối mò thím mới dọn về.
Cô Hảo có nghén, cô đổi sắc, và nhờ lên Sài Gòn tắm gội nước ngọt, nên da mặt cô trắng đỏ tướng mạo coi còn đẹp hơn hồi trước nữa. Cô phụ với mẹ mà bán quán, mỗi ngày cô bận một cái quần vải đen với một cái áo bà ba vải trắng, đàn ông con trai qua lại ai cũng dòm ngó, ai cũng trầm trồ.
Có một người khách trú làm Mái-Chín[3] cho hãng tàu đò, nhà ở một căn lầu tại đường Kinh Lấp thường hay qua xóm chiếu mà xem xét hàng hóa dưới tàu. Chú nó thấy cô Hảo thì chú nó phải lòng. Chú hỏi thăm người ta nói cô Hảo là cháu của ba Lân, nên một đêm nọ chú ghé nhà ba Lân mà xin làm mai cho chú cưới cô Hảo.
Vợ ba Lân có tánh tham, thấy chú Mái-Chín đi xe hơi, ăn mặc sang trọng thì mê, vừa nghe chú nói muốn cưới cô Hảo thì thím đã tính lột da nai, nên dành với chồng mà nói rằng:
- Con cháu tôi nó có chửa mà cưới giống gì? Chú không thấy hay sao?
- Không có sao mà. Có chửa thì có chớ. Ưng ngộ chừng nào đẻ ngộ cho tiền nằm nhà thương.
- Chú nầy nói kỳ quá! Muốn vợ sao lại muốn đờn bà có chửa?
- Ờ, ngộ muốn vậy mà.
- Không có được. Rồi chừng nó đẻ mới làm sao?
- Đẻ con ngộ nuôi, ngộ không có con mà!
- À, hiểu rồi. Chú không có con, nên chú mới làm như vậy đặng kiếm con. Chú có vợ rồi hay không?
- Có chớ. Ngộ có ba người vợ lận mà, hai người vợ Tàu, một người vợ Việt Nam, người nào ngộ cũng mướn phố cho ở riêng hết mà. Nói dùm với con gái đó ưng ngộ, ngộ mướn phố cho ở, mỗi tháng ngộ cho ba chục đồng bạc.
Vợ ba Lân nghe nói như vậy thì ngó chồng, rồi láy mắt tỏ ý biểu chồng đừng nói, để cho thím lập thế mà xẻ tiền. Thím cười và nói với chú Mái-Chín rằng:
- Không có được, chú ơi. Con cháu tôi chồng chết, ở dưới ruộng mới lên, nó hay mắc cỡ lắm. Nói không được đâu. Nó còn bà già nó, bà đó khó lắm. Tôi không dám đút miệng vô làm mai.
- Được mà, thím làm mai dùm, ngộ cho ba chục.
- Ý, được đâu, cầu cho một trăm biết ta chịu hay chưa mà.
- Xín-xái[4] mà. Thím nói đi, nếu được ngộ cho nhiều nhiều.
- Cho một trăm đa, nghe không? Chịu vậy thì tôi mới làm mai.
- Hầm hầy la. (Được rồi)
- Thôi, Mái-Chín về đi. Để tôi nói coi nó chịu hay không, vài bữa rồi tôi sẽ trả lời. Nhà chú ở đường Kinh Lấp phải không?
- Ờ.
Chú Mái-Chín về rồi, vợ chồng ba Lân mừng rỡ, chắc trúng mối nầy no rồi. Mình làm mai mà nó cho một trăm đồng bạc, thì tiền cưới có lẽ nó cũng dám cho đến ngàn, mà làm mai bây giờ lấy xởi một trăm đồng, chớ ngày sau còn nhờ-nhõi nhiều hơn nữa.
Vợ ba lân liền sai con đi mời thím giáo Điểu lại nói chuyện.
Thím giáo lơn tơn đi lại, vừa mới bước vô, thì ba Lân liền nói rằng:
- Thời chị đã đỏ rồi đa chị hai.
Thím giáo chưng hửng, không biết việc gì, nên hỏi rằng:
- Thời sao mà đỏ.
Vợ ba Lân trả lời rằng:
- Có chú Mái-Chín hãng tàu đò giàu lắm, chú muốn cưới con Hảo. Chị mới lên Sài Gòn, mà gặp cái may như vậy không phải là thời chị đỏ hay sao?
Thím giáo tình cờ, chưa phân phải quấy được, nên không biết sao trả lời. Thím bước lại ván mà ngồi rồi nói rằng:
- Con Hảo có chửa, bữa nay bụng nó đã cành-cành, mà gả lấy chồng nỗi gì?
- Ậy, mà người ta chịu cưới thì mình gả, chớ sợ làm sao.
- Gả như vậy, chừng nó về nhà chồng, người ta biết nó có chửa, dễ gì hay sao?
- Chị đừng lo. Tôi nói rồi hết. Tôi nói chồng nó chết, nó có chửa. Chú Mái-Chín nói nó có chửa thì có, không hại gì: nếu ưng chú thì chú mướn phố dọn nhà cho mà ở, mỗi tháng chú cho ba chục đồng bạc mà xài, chừng đẻ chú cho tiền mà nằm nhà thương đẻ, con thì chú nuôi.
- Cưới vợ gì kỳ cục vậy?
- Chị quê mùa quá, chú Mái-Chín không con, nên chú muốn kiếm con mà nuôi, chớ có gì đâu mà kỳ cục, như người Việt Nam mình họ “nôm” vậy mà, chị biết không?
- Trời đất ơi, chệt khách, biết con nhỏ nó ưng hay không?
- Cần cho được như vậy, chớ sao mà không ưng. Tôi nói cho chị biết, chú Mái-Chín đó giàu lắm, chú ở nhà lầu, chú đi xe hơi, tiền bạc không thiếu gì. Chị gả con Hảo vô đó, chị đá cái quán trà huế rồi nằm ngửa cũng có cơm mà ăn, chẳng cần làm việc gì hết. Chưa có gì chú đã nói chú dọn nhà cho mà ở, chú cho mỗi tháng ba chục đồng bạc, nếu con Hảo ăn ở với chú mà đẻ cho chú một đứa con trai thì nó như tiên, sung sướng biết chừng nào.
- Sợ con Hảo nó không chịu chớ.
- Tôi coi bộ chú muốn con Hảo lắm. Chị gả chị đòi năm bảy trăm hoặc một ngàn có lẽ chú cũng chịu nữa. Chị đòi một ngàn đi, chừng nào chú không chịu mình sẽ bớt xuống.
Ba Lân tằng hắng rồi nói rằng:
- Chị hai nè, chị thì nghèo mà lại có con tới ba đứa. Ở đất nầy muốn đủ cơm mà ăn thì cực khổ lắm chớ không phải dễ đâu. Vợ chồng tôi cũng nghèo, biết làm sao mà giúp đỡ chị được. Từ hôm mấy mẹ con chị lên trên nầy tới nay, vợ chồng tôi lo cho chị hết sức. Thấy chị dọn quán bán có mòi khá thì vợ chồng tôi cũng mừng. Mà bán quán thì bất quá mỗi ngày té lời đủ mua gạo nấu cho sắp nhỏ ăn, chớ dư giả gì được. Ví như rủi chị đau ốm rồi làm sao? Huống chi con Hảo có chửa thì ít tháng nữa nó phải đẻ. Cha chả, chừng đẻ đây lấy gì mà trả tiền nhà thương, rồi còn phải nuôi thêm một đứa nhỏ nữa, không có tiền khổ lắm! Như chú Mái-Chín chú muốn cưới con Hảo, ấy là một việc may cho chị. Nếu chị gả thì con Hảo khỏi mang tiếng chửa oan đẻ lạnh, mà mấy mẹ con chị lại được no ấm trọn đời. Chị gả con Hảo thì chị nhờ chớ vợ chồng tôi không ăn nhậu gì. Tôi chỉ chỗ lợi hại cho chị biết vậy thôi, chị định lẽ nào tự ý chị.
Thím giáo bối rối trong trí nên ngồi lặng thinh mà suy nghĩ.
Vợ ba Lân nói thêm rằng:
- Nên gả lắm đa chị hai. Con người ta tử tế nữa kìa, mà sợ lấy chồng không được như vậy. Đó là cái phước của trời cho chị. Chị gả chị đòi một ngàn đi. Vợ chồng tôi làm mai đốc riết vô, chắc chú Mái-Chín chú chịu. Chị lấy một ngàn đồng bạc, như chị không cần dùng thì chị cho vợ chồng tôi vay đặng lập một cái tiệm thuốc bắc chơi. Tôi vay mỗi tháng tôi trả tiền lời cho chị xài, chị ở không mà ăn, khỏi làm cực khổ.
Thím giáo thở ra mà nói rằng:
- Cậu mợ nói nghe phải lắm. Ngặt không biết con nhỏ nó chịu hay không chớ.
Vợ ba Lân nói rằng:
- Thôi để tôi biểu kêu nó lại đây, rồi mình hỏi nó coi.
Vợ ba Lân bèn sai thằng Phụng đi kêu cô Hảo nữa. Cô Hảo lại tới, thím giáo mới nói rằng:
- Nầy con, cậu ba mợ ba mới nói có một chú Mái-Chín giàu lắm, chú thấy con chú muốn, nên chú nói mà cưới. Má với cậu mợ con muốn gả con, vậy mà con ưng hay không, con nói thiệt ra đây?
Cô Hảo chau mày, ngó mẹ và cậu mợ rồi thủng thẳng đáp rằng:
- Con có thề, con không thèm lấy chồng.
Ba người nghe mấy lời như vậy thì ngó nhau mà cười.
Ba Lân tưởng con gái hễ nghe có chồng thì mắc cỡ, phải làm núng chút đỉnh, bởi vậy anh ta nghiêm sắc mặt mà nói rằng:
- Nầy cháu, chuyện chị hai nói đó là nói thiệt, chớ không phải nói chơi đâu. Nãy giờ cậu đã bàn tính lợi hại với chị hai rồi. Cháu ưng chú Mái-Chín đó là phải lắm, chú là người giàu có lớn, hễ cháu ưng thì người ta cưới bạc ngàn, má cháu có tiền làm vốn mua bán. Đã vậy mà người ta còn hứa sẽ dọn nhà cho mẹ con cháu ở, mỗi tháng người ta phát lương ba chục đồng bạc cho cháu xài, cháu đẻ người ta nuôi, cháu nghĩ coi còn đợi sao nữa mới ưng? Cháu suy nghĩ lại. Đừng có kể số bạc người ta đi cưới, hay là ngày sau cháu ở với người ta có con có cháu rồi cháu hưởng gia tài, hiện giờ đây người ta nuôi mấy mẹ con cháu, bao nhiêu đó cũng đủ sung sướng rồi. Cầu mà có chồng như vậy chớ.
Cô Hảo cạy móng tay mà đáp rằng:
- Thưa, cháu không ưng.
- Tại sao vậy?
- Tại cháu có thề, cháu không lấy chồng.
- Bộ cháu còn thương con ông Cả Hoàng hay sao?
- Thưa, không. Thứ đồ khốn nạn như vậy mà thương nỗi gì nữa.
- Hay là cháu còn muốn đợi ông Huyện ông Phủ nào chăng?
- Thưa, không. Thân cháu như vầy, ai mà thèm, nên cháu còn mong kén chọn.
- Cháu biết như vậy thì cháu phải ưng chú Mái-Chín nầy, chớ còn dục-dặc nỗi gì.
- Thưa, không phải chú Mái-Chín nầy mà thôi, dầu ai đi nữa cháu cũng không ưng.
- Con nói kỳ cục quá.
Vợ ba Lân thấy lời của chồng không công hiệu, thím nóng lòng nên nói rằng:
- Cháu đừng có dại như vậy. Cháu phải lo lấy chồng đặng nuôi mẹ, nuôi em chớ sao cháu lại cự không chịu lấy chồng?
- Thưa, cháu bán quán, cháu nuôi má và mấy em cháu được.
- Ở dưới ruộng mới lên, ai mà dạy nó biết nhà thương thí nữa chớ. Thôi đẻ thì cháu vô nhà thương thí, mà chừng đẻ rồi, cháu mắc bồng con, làm sao cháu bán quán cho được?
- Má cháu bán đỡ ít ngày cho cháu cứng cát rồi cháu bán.
- Hứ! Thiệt cháu không ưng chú Mái-Chín đó hay sao?
- Thiệt cháu đã nguyện cháu không lấy chồng, thà chết đói thì cháu chịu, chớ cháu không ưng ai hết.
Thím giáo với vợ chồng ba Lân lắc đầu, không biết lời chi mà khuyên dỗ nữa.
Ba Lân biểu cô Hảo về, rồi vợ chống anh ta mới xin thím giáo ép mà gả đại. Thím giáo nói rằng:
- Ý! Không được đâu. Con nhỏ nầy không phải như con người ta khác đâu mà ép. Tôi nghe nó trả treo với cô Bang Biện, nó mắng nhiếc Tú-Tài Xương, thì tôi biết sức nó rồi. Không phải dễ đâu mà ép. Thôi, để thủng thẳng rồi sẽ hay.
Vợ ba Lân quyết ăn cho được một trăm đồng bạc công làm mai, lại mong thím giáo có tiền mà lập tiệm thuốc, bởi vậy trong mấy ngày sau chị ta cứ theo dụ dỗ cô Hảo, nói văn nầy, khuyên thế nọ, làm hết sức mà cô Hảo cũng không ưng chú Mái-Chín. Thím giáo cũng phụ mà dỗ, dỗ không được, thím làm giận làm hờn, hỏi tại sao mà không chịu lấy chồng, thì cô Hảo cũng cứ nói tại cô có lời thề không lấy chồng, chớ không phải tại duyên cớ nào khác.
Nói không được, vợ chồng ba Lân giận mắng cô Hảo rồi cấm không cho cô tới nhà nữa.
Cô Hảo thấy cậu mợ giận, mà thấy mẹ cũng phiền thì cô buồn hiu, tối ngày không nhích mép.
Một đêm, mẹ với em đều ngủ sớm, cô Hảo mở cửa ra ngồi chồm hổm trước thềm. Trên trời mặt trăng tỏ rạng, trong xóm người ngủ im lìm, duy ngoài đường có cô Diệm Xuân, là người ở khít một bên, cô thơ thẩn đi qua đi lại. Cô Hảo nhìn trăng tỏ, cô hổ phận mình, thấy cảnh tịnh cô nhớ quê xưa, bởi vậy cô ngồi mà hai hàng nước mắt chảy ròng ròng.
Cô Diệu Xuân đi qua đi lại một hồi rồi ý cô muốn làm quen với cô Hảo, nên đứng lại ngay trước mặt cô Hảo mà nói rằng:
- Chị em ở một bên nhau mà ai cũng mắc lo làm ăn, nên không có thì giờ làm quen, coi ra tình lợt lạt quá.
Cô Hảo nghe nói thì lật đật đứng dậy lấy vạt áo mà lau nước mắt.
Nhờ ánh trăng tỏ, cô Diệm Xuân thấy cô Hảo khóc thì cô chưng hửng mà lại bối rối, tiếc thầm mình muốn làm quen mà rủi gặp lúc người ta không vui, bởi vậy cô bợ ngợ nói rằng:
- Xin lỗi cô, tôi không dè cô có việc riêng, chớ phải mà tôi biết thì tôi không dám.
Cô Hảo gượng cười mà đáp rằng:
- Thưa, cô có lỗi chi đâu. Tôi lại đây sau, lẽ thì tôi phải đi thăm chị em mà làm quen. Tôi không làm, mà tôi lại để cho cô làm quen trước, thì tôi có lỗi nhiều, chớ cô có lỗi chi đâu.
- Cô nói phải lắm. Con người đối với nhau phải có lễ nghĩa coi mới đẹp. Tiếc gì bọn chị em ta nghèo, nên lễ nghĩa phải sơ sót chút đỉnh, vậy chị em ta phải rộng dung cho nhau. Thôi, việc nầy chị em ta tha lỗi cho nhau hết, đừng ai trách ai thì hay hơn.
- Cô phân như vậy tôi rất cám ơn.
- Cô ở đâu lại đây? Cô thuở nay ở Sài-Gòn hay là cô nhà quê mới lại.
- Từ nhỏ chí lớn tôi ở Bạc Liêu. Tôi mới lên Sài-Gòn mà kiếm việc làm ăn đây.
- Cô ở với ai?
- Tôi ở với má tôi và hai đứa em trai.
- Cô có bầu, đến tháng nào cô sanh?
- Tháng tám.
Cô Hải nghe hỏi tới việc sanh sản thì cô hổ thẹn, nên đáp cụt ngủn, rồi lại day mặt chỗ khác.
Cô Diệm Xuân khen trăng tỏ rồi mời cô Hảo ra đường đi lên đi xuống nói chuyện chơi mà hứng mát.
Hai cô thủng thẳng mà đi. Cô Diệm Xuân hồi nãy thấy cô Hảo khóc thì biết cô Hảo có việc buồn, cô muốn phân giải cô Hảo, nên nói rằng:
- Cái đời của bọn chị em mình là cái đời khổ. Đã biết như vậy thì dầu có việc chi khổ lắm đi nữa, mình cũng chẳng nên buồn, phải lập tâm cho vững, lập chí cho bền mà lướt qua biển khổ, việc quấy phải xin phú cho phật trời xét soi.
Cô Diệm Xuân nói tình cờ, cô luận mênh mông nhưng mà mấy lời ấy có dính dấp tới tâm sự của cô Hảo nhiều ít, bởi vậy cô Hảo cảm xúc, cô cúi mặt mà thở dài không nói chi hết.
Đi một khúc đường rồi cô Hảo mới hỏi cô Diệm Xuân rằng:
- Cô là người ở đâu?
- Tôi ở Hà Nội.
- Cô vô trong nầy được bao lâu rồi?
- Hơn hai năm rồi.
- Bà ở nhà đó là má cô phải không?
- Tôi mồ côi cha mẹ. Bà đó là dì của tôi.
- Còn đứa em nhỏ đó?
- Con của tôi.
Hồi nãy cô Diệm Xuân hỏi cô Hảo về việc sanh sản, mà không dám hỏi tới chồng. Bây giờ cô Diệm Xuân nói đứa nhỏ ấy là con, song hơn một tháng nay ở đây mà không thấy đàn ông tới lui, cô Hảo muốn hỏi coi chồng cô Diệm Xuân ở đâu, mà rồi cô ái ngại dụ dự không dám hỏi.
Cô Diệm Xuân là gái thông minh, cô thấy cô Hảo dụ dự thì cố biết ý. Vả lại muốn làm chị em thân thiết, thì cần phải lấy thiệt tình mà đãi nhau. Đã vậy mà cô Diệm Xuân có một mối tâm sự riêng, từ ngày cô bước chân tới đất Nam Kỳ thì cô đau đớn không biết chừng nào, trông cho gặp một bạn gái trong Nam mà bày tỏ tâm sự ấy hoặc may bớt nỗi uất ức chút ít. Nay cô gặp cô Hảo, tuy chưa thân thiết, song cô nghe cô Hảo nói chuyện có đủ lễ nghĩa, cô muốn tỏ tâm sự, nên cười mà nói tằng :
- Tôi chắc cô nghe tôi nói thằng bé trong nhà tôi đó là con của tôi, thì cô muốn hỏi chồng của tôi ở đâu, mà vì tôi không hỏi thăm chồng của cô, nên cô không dám hỏi tới chồng của tôi, phải vậy hay không?
- Cô liệu trúng quá! Tôi muốn hỏi việc đó, mà vì tôi sợ thất lễ nên không dám hỏi.
- Chồng của tôi ở Sài-Gòn đây. Nhưng mà ở đó thì ở, chớ cũng như không có.
Cô Hảo nghe mấy lời thì lấy làm kỳ, cô đứng lại ngó cô Diệm Xuân trân trân. Lúc ấy hai cô đi tới ngay trước cửa căn phố trống. Cô Diệu Xuân bèn nắm tay cô Hảo, mời ngồi trên thềm căn phố ấy mà nói chuyện chơi.
Canh khuya, trăng càng thêm tỏ rạng, cảnh thêm im lìm. Mấy con thằn lằn ở trong căn phố trống chắc lưỡi, mấy con dế lửa núp ngoài cỏ rậm gáy om, làm cho hai cô đều có tâm sự riêng nên đều bâng khuâng trong lòng kể không xiết.
Cô Diệm Xuân ngồi lặng thinh một hồi mới nói rằng :
- Hồi nãy tôi có nói với cô, cái đời của chị em mình là đời khổ. Mà cái khổ của ai cũng còn khá, duy cái khổ của tôi thiệt là khó chịu lắm, cô ôi! Gái lớn lên ai cũng mong có chồng, đặng có một người bạn vui cùng vui, buồn chia buồn mà hăng hái bước trong đường đời. Tôi cũng như chị em, đến 17, 18 tuổi, thì tôi cũng mơ ước gặp một người bạn trăm năm, không cần giàu hay nghèo, miễn là đồng chí đồng tâm, biết thương yêu nhau thì đủ. Mà chị em ai nấy có cha mẹ, đến lúc gần có chồng thì cha mẹ chỉ đường khôn dại, chọn kẻ hiền lương cho. Thảm thân tôi mồ côi cha mẹ, từ 7 tuổi thì nhờ bà dì nuôi, mà bà dì lại nghèo, tuy thương tôi phải ráng cho tôi đến trường mà học ba bốn năm, song bà thiệt thà nên không dạy bảo tôi được một lời nào về cách khôn dại ở đời với người ta. Đến chừng tôi 19 tuổi thì tôi gặp một cậu học-sanh Sài-Gòn đương học tại trường luật và chánh trị. Cậu làm quen với tôi, rồi lần lần hễ chúa nhựt thì cậu lại nhà chơi. Làm quen được chừng một tháng thì cậu lại tỏ thiệt ý cậu muốn kết tóc trăm năm với tôi. Tôi than phận nghèo hèn, sợ không xứng đáng. Cậu nói cậu cần nhơn-nghĩa, chớ không phải cần bạc tiền.
Tôi nghe mấy lời cao thượng ấy thì tôi kính mến cậu quá, nên không dè-dặt, mà bà dì tôi cũng không nghi ngờ. Trong hai năm còn học nữa đó, thì tôi chịu cực khổ, lo buôn bán làm cho có tiền nuôi cậu, nghĩ vì tình chồng vợ, nghĩa tương tri, hồi nghèo phải giúp đỡ nhau đặng lúc giàu mà vui hưởng với nhau. Đến kỳ thi thì cậu thi đậu, mà lúc ấy tôi cũng có nghén thằng bé tôi bây giờ đó. Cậu phải trở về Sài-Gòn đặng lo lắng cho nhà nước cấp bằng đi làm quan. Cậu bảo tôi phải ở Hà Nội mà chờ, chừng nào cậu được giấy bổ làm quan thì cậu sẽ gởi bạc cho tôi với dì tôi đi tàu mà vô. Từ ngày cậu về Sài-Gòn rồi thì bặt tin, không có thơ từ chi hết. Tôi sanh thằng bé tôi rồi mà cũng không biết làm sao cho cậu hay. Hễ có người quen vô Sài-Gòn thì tôi cậy, nếu gặp cậu xin nói dùm cho cậu hay tôi sanh con trai và trông cậu gởi bạc cho mẹ con tôi vô. Tôi nhắn với ai cũng không công hiệu chi hết. Cách hai năm nay, có người quen ở Sài-Gòn về, tôi hỏi thăm thì người ta nói cậu làm Tri Huyện tùng sự tại Sài-Gòn. Tôi xin dì tôi đem cố cái nhà rồi lấy tiền dắt nhau vô Sài-Gòn mà kiếm cậu. Tới Sài-Gòn, tôi kiếm cậu hơn một tuần lễ, mà không biết chỗ nào. Một buổi sớm mơi chúa-nhựt, tôi bồng con thơ thẩn theo dãy hàng đường Bonnard, thình-lình có một cái xe mới tinh xợt-xợt ngừng ngay trước mặt tôi. Tôi đứng tránh trên lề đường thì thấy cậu trên xe leo xuống, đưa tay dắt một cô mặc áo quần thiệt đẹp, rồi cặp tay nhau mà vô nhà hàng. Tôi chạy theo kêu : "Cậu, cậu, tôi vô mấy bữa rày, tôi kiếm cậu dữ quá”. Cậu đứng lại ngó tôi trân-trân, rồi chau mày nói rằng : “Kêu cái gì! Tôi có quen biết cô hồi nào đâu”. Cô mặc áo tốt cặp tay đi với cậu đó, cô cũng ngó tôi mà nói rằng : “Cô lầm rồi. Chồng của tôi mà, chớ không phải người Bắc đâu”. Cậu kéo tay người ấy mà dắt đi tuốt. Tôi bồng con đứng ngó theo, ngó mà không thấy gì nữa hết. Tôi trở về chỗ ngụ mà nói cho dì tôi hay, rồi dì cháu đồng khóc chớ không biết sao mà nói. Tiền bạc đã gần hết, không thể trở về Bắc được, tôi mới kiếm xin làm trong hãng từ ấy đến nay mà nuôi dì nuôi con. Sau tôi mới hay thiệt cậu làm Tri Huyện và khi thi đậu trở về trong nầy chừng vài tháng thì cậu cưới vợ, con gái của quan Tri Phủ hàm nào đó giàu to, có xe hơi, có nhà tốt. Cô nghĩ thử coi thân đờn-bà như tôi thì khổ là dường nào. Chừng mình biết khôn, thì đã muộn rồi. Lòng dạ của đờn ông thiệt là khốn nạn lắm. Mà thôi “thiện ác đáo đầu chung hữu báo”, tôi nghĩ như vậy nên tôi không thèm buồn, để lo mà nuôi con.
Cô Diệm Xuân thuật chuyện của cô đau đớn như vậy mà cô không buồn chút nào hết. Còn cô Hảo ngồi nghe, cô sánh với thân của cô, thì cô thầm tủi, tủi phận người mà cũng tủi phận mình, nên cô khóc nước mắt chảy ròng ròng.
Cô Diệm Xuân nói dứt rồi, cô Hảo bèn nói rằng :
- Tôi tưởng có một mình tôi bị người ta gạt mà thôi, nào dè cô cũng như tôi. Té ra trời sanh bọn đờn-ông, nhứt là đờn ông có học thức, để mà báo hại chị em mình mà.
Cô Diệm Xuân nghe mấy lời ấy thì chưng hửng nên nói rằng:
- Té ra cô cũng như tôi hay sao?
- Cũng vậy. Vì vậy nên tôi phải bỏ xứ trôi nổi lên đây.
- Trời đất ơi! Đau đớn cho bọn nữ lưu biết là chừng nào!
- Bây giờ tôi biết rồi cô à. Sanh làm con gái ở đời nầy phải giàu mới có chồng, còn nghèo như chị em mình thì là đồ chơi của thiên hạ.
- Lời cô nói đó đúng lắm. Tôi làm quen với cô, ý muốn nói chuyện chơi, nào dè chị em mình đồng một bịnh. Vậy tôi xin kết làm chị em với cô chẳng biết có đặng chăng?
- Nếu cô có lòng chiếu cố thì tôi cảm ơn lắm, mà cô tin tôi nên cô tỏ tâm sự của cô cho tôi nghe. Nếu muốn làm chị em thì không lẽ tôi dấu chuyện của tôi với cô. Để tôi thuật tâm-sự của tôi cho cô rõ, thì cô càng oán bọn đờn ông nhiều hơn nữa.
Cô Hảo mới to nhỏ thuật chuyện tình của cô lại cho cô Diệm Xuân nghe, rồi nhân dịp ấy cô cũng nói luôn chuyện vợ chồng ba Lân muốn ép gả cho chú Mái-Chín hãng tàu buôn, mà cô không chịu, rồi cậu mợ giận nên cô buồn, hồi nãy cô ngồi cô khóc đó.
Cô Diệm Xuân nghe rõ mọi điều rồi cô mới nói rằng :
- Nếu vậy thiệt chị em mình đồng bịnh mà. Mà phận cô nghèo, phải nuôi mẹ nuôi em, rồi đây lại còn sanh sản nữa. Nếu có người giàu có muốn cưới cô, thì cô cũng nên ưng đặng trước sung sướng tấm thân, sau giúp đỡ mẹ với em, sao cô lại không chịu?
- Vậy chớ phận cô, chồng được làm quan rồi họ bỏ cô mà cưới vợ giàu sang, sao cô không lấy chồng khác mà cô lại khuyên tôi lấy chồng?
- Phận tôi làm việc, có lương đủ nuôi dì nuôi con cần gì phải lấy chồng nữa. Tôi tính tôi tu đặng nhờ kiếp sau.
- Tôi nghèo, lại tôi không tu, mà tôi có thề tôi không cho một người đàn ông nào được động tới mình tôi nữa hết, vì đờn ông dơ dáy lắm. Tại vậy đó nên tôi không lấy chồng nữa. Thà nghèo thì chịu, chớ đem thân mà bán cho thiên hạ hay sao?
Cô DiệmXuân ngồi ngẫm nghĩ rồi gật đầu nói rằng:
- Cô nói như vậy cũng phải lắm. Song tôi tưởng chị em mình kiếp nầy mà chịu khổ đây là tại kiếp trước mình thiếu tu. Tôi khuyên cô chẳng nên oán hận ai hết. Hễ làm lành thì gặp lành, làm dữ thì gặp dữ. Mình phải lo làm lành mà cứu thân mình, ai làm dữ thì trời phật biết cho họ. Vậy kiếp nầy mình nên tu niệm đặng nhờ kiếp sau.
Cô Hảo lắc đầu đáp rằng:
- Nợ trần quằn quại, tu sao giải thoát được mà tu!
Trăng đã xế bóng; hai cô nhìn trăng mà kết nguyền chị em, rồi phân tay ai vô nhà nấy mà nghỉ, đặng sáng có đi làm công việc.
Từ ấy về sau cô Hảo với cô Diệm Xuân tình càng ngày càng thân thiết, nghĩa càng ngày càng mặn nồng; tuy cô Hảo thì oán đời, còn cô Diệm Xuân thì tu tâm, nhưng mà hai cô vì đồng bịnh nên thương yêu nhau như ruột thịt.
oOo
Một buổi sớm mơi, thằng Hòa với thằng Hiếu hè hụi khiêng một quày dừa xiêm ở trong nhà đem ra quán cho mẹ và chị chúng nó bán. Quày dừa thì nặng, mà hai đứa thì nhỏ, bởi vậy chúng nó rề đi ít bước rồi để xuống mà nghỉ. Vợ ba Lân ngồi tại cửa ngó thấy hai đứa nhỏ kéo lết quày dừa thì tức cười và hỏi rằng :
- Vậy chớ chị hai bây đi đâu mà không xách, để hai đứa bây hè hụi như vậy hử?
Thằng Hòa đáp rằng :
- Má tôi nói chị hai tôi gần ngày, nên không cho chị xách.
Vợ thầy Đội Tiền đương bồng con đứng chơi gần đó, thím nghe nói như vậy, thì thím nói rằng:
- Ờ con cháu có chửa con so, mà sao bụng nó lớn thấy phát sợ. Chắc gần ngày rồi chớ gì.
Vợ ba Lân đáp rằng:
- Tháng nào đó không biết. Tôi hỏi chị hai tôi, thì chị cũng không hiểu.
- Tôi coi bộ nó hổm nay ột ệch quá, chắc là con nước rằm nầy, chớ không lâu đâu.
- Để coi nó đẻ rồi tiền đâu nó trả tiền nhà thương cho biết.
- Gần ngày thì nó vô nhà Bảo-sanh trong Chợ Lớn nó nằm, chừng nào đẻ thì đẻ chớ tiền gạo gì mà lo.
- Ý! Chị hai tôi nói nó không chịu nằm nhà thương thí, nó đòi qua nhà Bảo-sanh của cô mụ Sáu bên Cầu Ông Lãnh nó nằm.
- Nằm đó một ngày tới một đồng.
- Chớ sao. Nghèo mà nó muốn làm bảnh quá. Vậy thôi hôm trước ta ưng chú Mái-Chín đi, chừng đẻ chú cho tiền nằm phòng, phải sướng không.
- Chú Mái-Chín nào?
- Chú Mái Chín bên hãng tàu buôn. Chú chịu cưới một ngàn, mà nó làm phách nó không ưng đó.
- Trời ơi! Được vậy thì sướng quá, còn đợi giống gì nữa.
- Bởi vậy xưa rày tôi ghét, tôi không thèm ngó tới mặt nó. Mà chị đó cũng kỳ, chị không dám xử con. Con muốn ngang nào được ngang nấy, chị không dám động tới. Phải con tôi mà nó ngỗ nghịch như vậy thì tôi đập chết.
Hai ngươi đàn-bà đương nói hành tỏi mẹ con thím giáo Điểu, chừng day lại thì thấy một đám con nít, có thằng Phụng, có con tư Hữu, có con Đội Tiền đương xúm nhau mà phụ thằng Hòa và thằng Hiếu khiêng quày dừa chạy bon bon ra quán.
Lời của thím Đội Tiền đoán thiệt là không sai. Đến bữa rằn tháng tám, nhằm tết Trung Thu, lối bảy giờ tối, thiên hạ kéo nhau đi dập dều qua chợ Bến Thành cũ mà coi mấy tiệm cúng bánh, ba Lân cũng khóa cửa dắt vợ con đi chơi, thì cô Hảo nhăn mặt nhíu mày nói đau bụng.
Thím giáo Điểu vẫn còn giữ đủ ba trăm tám chục đồng bạc trong mình. Vì thím sợ vợ chồng ba Lân mượn nên thím không dám nói ra, song mấy tháng nay thím đã hỏi thăm người ta, thím đã biết bên Cầu Ông Lãnh có cô mụ Sáu đẻ giỏi, nên thím tính đem qua đó mà đẻ, dầu tốn mỗi ngày một đồng bạc cũng không hao bao nhiêu .
Nay thím thấy con ôm bụng mà nhăn mặt nhíu mày, thím biết con chuyển bụng nên lật đật chạy lại cho vợ chồng ba Lân hay và mượn vợ ba Lân dắt dùm đi qua nhà Bảo-sanh. Chẳng dè lại tới đó thấy cửa đóng chặt cứng. Thím giáo bối rối, chạy về hối thằng Hòa đi kêu xe kéo, biểu cô Hảo sửa soạn đi cho mau, thím làm lăng xăng, bộ thím quýnh-quíu.
Chính lúc ấy là lúc cô Diệm Xuân đi làm việc về, cô thấy chộn-rộn, cô hỏi thăm mới hay cô Hảo chuyển bụng, thì cô xin đi theo mà đưa cô Hảo qua nhà Bảo-sanh. Thím giáo dặn hai anh em thằng Hòa ở nhà coi nhà, như có buồn ngủ thì đóng cửa mà ngủ, rồi thím dắt cô Hảo ra đi. Ba cái xe kéo nối đuôi nhau mà chạy qua Cầu Ông Lãnh, cô DiệmXuân đi xe trước mà dắt đường.
Qua tới nhà Bảo-sanh, cô mụ Sáu coi rồi nói có lẽ mười hai giờ khuya mới sanh. Diệm Xuân nắm tay chúc cho cô Hảo sanh mau, con mạnh rồi cô từ giã mà về, hứa sáng bữa sau cô sẽ qua thăm.
Thím giáo ở lại với con. Thiệt đúng mười hai giờ khuya cô Hảo sanh, mà sanh tới một cặp, một đứa gái một đứa trai. Hai đứa nhỏ mạnh mẽ, đề đạm không tì tích chỗ nào hết, cô mụ tắm rửa rồi cô cân thử thì mỗi đứa được 2 kí-lô 200.
Thím giáo thấy con đẻ mau lẹ, có một lượt tới hai đứa cháu ngoại, bởi vậy thím mừng rỡ, cứ ngồi một bên mà dòm hai đứa nhỏ hoài.
Còn cô Hảo nằm nghỉ, đến khuya cô khỏe khoắn mới mở mắt nhìn hai con nằm song song, thì cô cảm xúc trong lòng nên cô rơi lụy. Thím giáo thấy vậy bèn khuyên rằng:
- Con đừng có buồn gì hết. Tuy là nhà mình bị tai nạn, song trời phật cũng còn thương, nên mới khiến con sanh mau mắn, lại sanh một lượt hai đứa, đều mạnh giỏi. Họ ngu lắm họ ham giàu nên trời phật mới khiến cho họ không được hưởng cái phước nầy. Bà Hương Sư có cho một trăm đồng bạc đặng ăn đẻ và nuôi con. Vậy mẹ con mình ráng chịu cực nuôi hai đứa nhỏ đặng sau nó lớn mà nhờ. Má nói thiệt chừng hai đứa nhỏ nó khôn lớn ai tới mà nhìn là con cháu, thì má nạng họ ra ngoài cửa.
Cô Hảo thở dài mà nói rằng:
- Con của con đẻ thì con nuôi. Vì họ xấu lắm, nên con nhứt định không cho họ rờ tới.
Đến sáng, thím giáo chạy về dẹp quán nghỉ bán ít bữa mà nuôi con đẻ. Đi ngang nhà ba Lân, thím kêu vợ chồng ba Lân mà cho hay sự cô Hảo sanh rồi, lại sanh tới một cặp. Vợ ba Lân tuy còn giận cô Hảo về sự không ưng chú Mái-Chín, song nghe như vậy thím cũng mừng nên hỏi rằng:
- Nó sanh ở đâu?
- Ở tại nhà Bảo sanh của cô mụ Sáu, bên Cầu Ông Lãnh.
- Tôi biết rồi. Để trưa tôi qua thăm coi hai đứa nhỏ ra làm sao.
- Ngộ lắm. Mợ qua bên ấy mà coi.
- Tới hai đứa rồi làm sao nó cho bú?
- Được mà. Chừng nó lớn như có thiếu sữa thì mình cho uống dậm sữa bò.
- Cha chả! Uống sữa bò tốn hao lắm. Chị nghèo mà nói nghe bảnh quá.
Cả xóm nghe tin cô Hảo đẻ nên áp lại hỏi thăm.
Cô Diệm Xuân nghe nói sanh tới một cặp thì cô lật đật thay đổi áo quần rồi cô đi sớm đặng ghé thăm cô Hảo một chút rồi sẽ đi làm việc. Bước vô phòng, cô thấy hai đứa nhỏ nằm phè phè, mặt mày phương phi, thì cô rờ rẫm rồi nói với cô Hảo rằng:
- Tôi mừng cô có phước lắm nên mới sanh được một cặp như vầy.
Cô Hảo cười mà đáp rằng:
- Tôi cám ơn cô. Thiệt tôi không dè được phước như vầy.
- Từ rày sắp lên có hai cháu đây nó làm cho cô hết buồn nữa. Tôi xin cô làm như tôi, chị em mình ráng dưỡng nuôi dạy dỗ con, đừng thèm nghĩ tới việc gì khác nữa. Tại họ bạc bẽo, nên họ không được hưởng cái hạnh phúc nầy.
- Tôi cũng nghĩ như cô vậy đó.
- Cô tính đặt tên cho hai cháu là gì?
Cô Hảo chưa để ý tới sự đặt tên con, nên nghe hỏi thì cô dụ dự một chút rồi cô đáp rằng:
- Người bạc tình lang của tôi tên là Tô Hồng Xương. Tôi muốn đặt đứa gái tên Hồng, còn đứa trai tên Tô, không biết có được hay chăng?
- Được lắm chớ! Đó là một dấu tích về cội rễ của hai cháu. Mà cô tỏ ý muốn đặt tên như vậy thì đủ cho tôi thấy rõ, tuy người ta phụ bạc cô, song cô chẳng bao giờ quên người ta, phải vậy không?
Cô Hảo nghe mấy lời thì mắc cỡ, song cô gượng cười mà đáp rằng:
- Tại trời khiến như vậy biết làm sao!
Cô Diệm Xuân ứa nước mắt, cúi mặt mà nói rằng:
- Thiệt đó chớ. Trời sanh bọn chị em mình đều như vậy hết thảy. Tại vậy nên mới chịu thảm, chịu sầu, chịu khổ, chịu nhục chớ gì!
Cô Hảo chau mày và day mặt vô vách. Cô Diệm Xuân liệu gần tới giờ làm việc, nên cô chúc mừng cho cô Hảo một lần nữa, rồi từ giã mà đi. Đến trưa vợ ba Lân đi theo thím giáo qua thăm cô Hảo. Thím bồng từ đứa nhỏ lên mà coi rồi nói rằng:
- Phải kỳ xưa ưng chú Mái-Chín bây giờ đẻ một cặp như vầy thì chú cưng biết chừng nào. Con dại quá!
Thím giáo cười mà nói:
- Đó là tại không có nhơn duyên, nên mới khiến lòng nó không ưng, biết sao bây giờ.
Chiều lại, vợ ba Lân thuật cho chồng nghe sự mình đi thăm cô Hảo đẻ, khen hai đứa nhỏ tốt, rồi lại nói rằng.
- Con Hảo đẻ mà nằm đó, mỗi ngày phải đóng cho cô mụ tới một đồng bạc. Chị hai nói để nó nằm mười ngày, thì phải đóng tới mười đồng bạc. Hôm chị dọn nhà rồi chị nói hết tiền. Mấy tháng nay chị bán quán bất quá đủ ăn, chớ tài nào mà dư được. Nay chị đóng tới mười đồng bạc tôi nghi quá.
- Nghi giống gì?
- Tôi nghi chị hai có tiền nhiều mà chị dấu mình.
- Có tiền thì chị nói có tiền chớ dấu làm chi?
- Chị sợ nói thiệt rồi mình mượn.
- Không có lẽ vậy đâu. Chị làm giống gì mà có tiền nhiều?
- Không biết chừng mẹ con bà Cả Hoàng cho tiền nhiều lắm nên chị mới chịu bỏ xứ mà đi, mà chị sợ mình mượn nên chị không dám nói thiệt.
- Mình nói nghe cũng có lý.
- Bởi có tiền nhiều nên con Hảo làm phách không thèm ưng chú Mái-Chín đó chớ.
- Có lẽ.
- Mẹ con chị coi vậy mà bụng không được tốt.
- Mình cũng không nên trách chị; bởi vì chị là đờn bà, lại có con đông, chị phải lo hậu thân chớ.
- Như chị có tiền chị cho mình mượn đặng lập tiệm thuốc, lại mất đi đâu hay sao?
- Sao được! Dầu chị có tiền, thì bất quá chừng một hai trăm, lập tiệm thuốc sao đủ.
- Vậy chớ phải bao nhiêu vốn mới lập tiệm thuốc được?
- Phải hai ngàn mới được chớ!
Vợ ba Lân nghe chồng nói thì ngồi trầm ngâm rồi thở ra mà than rằng:
- Nhiều quá! Làm sao cho có?
Ba Lân cười mà nói:
- Tôi sớm muộn gì tôi cũng có một tiệm thuốc lớn ở Sài Gòn nầy.
- Sao mình chắc?
- Tôi chiếm quẻ. Quẻ nói tôi bốn năm nữa sẽ phát tài.
- Mình chiếm quẻ mà chắc chắn gì.
- Ủa! Tôi chiếm quẻ sao lại không chắc? Không chắc mà sao thiên hạ coi rần rần, mỗi ngày tôi kiếm tiền nuôi mình với thằng Phụng được.
- Tại họ khờ, họ tin dị đoan, nên họ mê chớ.
- Thôi, để bốn năm nữa rồi mình sẽ biết tôi đoán quẻ hay, hay là dở.
Cô Hảo nằm nhà Bảo sanh đúng mười ngày rồi thím giáo Điểu mới rước về. Cô Diệm Xuân qua thăm, chị em mừng nhau. Vì cô Hảo mắc nuôi tới hai đứa con, nên cô không thể giúp với mẹ mà mua bán nữa. Bây giờ thằng Hòa phải thay cho chị quạt lửa nấu nước, dọn ghế, bưng bàn. Thím giáo bán quán đã quen nghề rồi bởi vậy tuy không làm giàu được, song mỗi ngày té lời năm ba cắc, cũng đủ mấy mẹ con đắp đổi.
Cô Hảo có con, tối ngày cô vui với con, nên cô hết phiền não. Đã biết hai đứa nhỏ ấy là cái tang chứng nhơ nhuốc của mình, nhưng mà chúng nó vẫn vô tội, tại cái nhân nhơ nhuốc kia nên mới có cái quả lòng thòng nầy, huống chi chúng nó dầu thế nào cũng là máu thịt của mình, có cớ gì mà mình không thương được. Quấy là ai quấy, chớ hai đứa nhỏ nầy không quấy chỗ nào. Mình phải nuôi nó cho tới khôn lớn đặng trước là mượn sự cực nhọc mà chuộc cái tội của mình hồi xưa, sau nữa dạy chúng nó cho biết đường phải nẻo ngay, nó khỏi lầm lỗi như mình vậy nữa.
Cô Hảo nghĩ như vậy, nên nhiều bữa cực khổ với con hết sức mà cô không phiền, có nhiều khi nhớ tới chuyện cũ nhuốc nhơ mà cô bớt hổ.
oOo
Ngày giờ thắm thoát qua mau tợ như thoi đưa. Mẹ con thím giáo Điểu lăn lóc nơi chốn Sài Gòn được gần bốn năm rồi. Thằng Hòa học sắp chữ bên nhà in, năm nay ăn tiền mỗi ngày năm cắc. Thằng Hiếu bây giờ nó giúp với mẹ nó mà bán quán. Còn hai đứa con của cô Hảo là con Hồng với thằng Tô, thì bây giờ chúng nó đã chạy rần rật, biết nói đủ hết, mỗi ngày chúng nó ra quán đeo theo bà ngoại nói đỏ đẻ mà chơi.
Ba Lân vẫn cũng còn làm thầy bói hoài, còn vợ thì cũng vẫn đánh bài dạo xóm. Mấy người ở dãy phố nầy phần nhiều đã dời đi chỗ khác. Cô Diệm Xuân nhờ có bà con giúp vốn, nên cô đã dọn một căn phố ở đường Ếch-Banh[5] mà buôn bán hàng Bắc, tiệm coi rực rỡ, bạn hàng đông đầy.
Một buổi sớm mai, thím giáo Điểu đương ngồi tại quán với con là thằng Hiếu mà bán. Cô Hảo ở trong nhà lo nấu cơm và giữ con.
Có một cái xe hơi ở trên dốc cầu mống chạy xuống, vừa chạy ngang qua quán thím giáo thì nghe trên xe có tiếng la:
- Ngừng lại, ngừng lại!
Cái xe chạy trờ tới một khúc xa, rồi thủng thẳng thụt lại ngay quán mới ngừng. Một người đờn ông với một người đàn bà trên xe leo xuống rồi ngó vào quán mà kêu rằng:
- Thím bán ở đây vậy mà chuyến truớc tôi đi kiếm hết sức mà không gặp chớ!
Thím giáo Điểu ngó ra, thấy vợ chồng Hương Sư Tô Hồng Thiện thì thím sững sờ vùng la rằng: “Ông Hương Sư! Bà Hương Sư!” rồi thím bước ra trước quán, không nói tiếng chi nữa được.
Bà Hương Sư Thiện hỏi rằng:
- Thím dọn quán bán tại đây, mà thím có mướn phố đặng ở chớ, phải không?
- Thưa, phải. Tôi có mướn một căn phố ở trong đường hẻm đây.
- Thím ở chỗ nầy bao lâu rồi?
- Từ hôm lên trên nầy tới giờ thì tôi ở đây hoài, không có dời đi đâu hết.
- Vậy mà sao hồi năm kia, tôi đi kiếm thím, tôi có đi ngang qua đây tôi không thấy thím, mà hỏi thăm cũng không ai biết hết?
- Tôi bán quán hễ chiều thì tôi dọn về. Có lẽ lúc bà đi ngang đó, tôi dọn về rồi, nên bà không thấy tôi. Còn ở đây có ai biết ai đâu. Ở một bên tôi mà họ cũng không biết tên tôi, nên hỏi thăm khó lắm.
- Năm trước con nhỏ thím nó có thai đó, vậy mà nó đẻ con trai hay con gái?
- Nó đẻ tới một cặp lận, một đứa gái một đứa trai.
- Cha chả! Mạnh giỏi hết hay không. Tôi có dặn thím gởi thơ sao mấy năm nay thím biệt tích, không thơ từ chi hết?
- Hai đứa mạnh giỏi hết, cứng lắm. Không có gì, nên tôi không gởi thơ làm chi.
Hương Sư Thiện nghe nói cô Hảo đẻ tới một cặp, mà con đều mạnh giỏi, thì ông mừng thầm trong lòng nên ông hỏi rằng:
- Bây giờ con nhỏ thím ở đâu?
- Thưa, nó ở trong nhà tôi.
- Mấy năm nay lên trên nầy có chồng hay chưa?
- Thưa, không. Có người muốn cưới mà nó không ưng. Bây giờ mắc con tới hai đứa, lấy chồng giống gì được.
- Đâu thím dắt vợ chồng tôi vô nhà thím đặng coi hai đứa nhỏ ra sao.
Thím giáo dặn thằng Hiếu coi quán, rồi thím dắt vợ chồng Hương Sư Thiện đi vô nhà.
Cô Hảo lui cui lo nấu cơm ở phía sau. Con Hồng với thằng Tô thì ngồi chơi với nhau ngoài hàng ba. Hai đứa nhỏ thấy thím giáo về gần tới thì đứng dậy kêu: “Bà ngoại, bà ngoại” rồi dòm thấy vợ chồng Hương Sư Thiện, thì chúng nó khựng lại đứng mà ngó.
Thím giáo chỉ mà nói với vợ chồng Hương Sư rằng: “Đó hai đứa con của con Hảo đó”.
Vợ chồng Hương Sư Thiện bước vô, chồng thì bồng thằng Tô, vợ thì bồng con Hồng, đưa lên mà nhìn. Hai đứa nhỏ thấy khách lạ thì sợ nên nín khe, không dám hó hé cục cựa. Chúng nó ở truồng, trên mặc có một cái áo vải đen cũ mà thôi, nhưng mà mặt mày sáng rỡ, da thịt mát rượi, coi dễ thương lắm.
Bà Hương Sư kêu chồng mà nói rằng:
- Hai đứa nhỏ giống với nhau quá, mình há. Nầy, mà mình coi kỹ lại coi, hai đứa đều giống hệt thằng ba Xương, thấy thì biết con nó liền. Tôi nhớ thằng ba Xương hồi nhỏ gương mặt cũng vậy đó, phải không?
Ông Hương Sư gật đầu đáp rằng:
- Giống lắm! Thiệt mẹ con chị Cả bậy quá! Con cháu như vầy mà bỏ chớ? Ham làm sui với nhà giàu, rồi bây giờ ra gì đó!
Cô Hảo nghe khách nói chuyện lộn xộn ở phía trước; cô không biết là ai nên cô lật đật chạy ra. Cô thấy vợ chồng Hương Sư Thiện thì cô chắp tay mà xá và hỏi rằng:
- Ông bà làm sao biết đây mà ghé? Mấy năm nay ông bà mạnh giỏi?
Ông Hương Sư gật đầu, để thằng Tô đứng xuống rồi bước vô nhà. Bà Hương Sư cũng để con Hồng xuống, rồi hai tay bà dắt hai đứa nhỏ mà đi theo chồng.
Trong chẳng có bàn ghế chi hết, phía trước chỉ lót một bộ ván thông, để thím giáo ngủ với hai đứa con trai.
Thím lật đật quét bộ ván ấy, trải chiếu cũ lên rồi mời vợ chồng Hương Sư ngồi. Bà Hương Sư thì cứ ôm hai đứa nhỏ mà nựng, bà không chịu rời ra. Ông Hương Sư ngó cùng trong nhà rồi ngó thím giáo mà nói rằng:
- Hồi thím ra đi, vợ chồng tôi có dặn, hễ thím có túng rối, thì gởi thơ cho vợ chồng tôi hay. Mẹ con thím nghèo khổ quá như vầy, sao thím bặt tin, không cho tôi biết?
- Hồi đi, ông bà thương nên cho mẹ con tôi một trăm đồng bạc. Nhờ số tiền ấy, lên trên nầy tôi mới dọn mà lập quán làm ăn, rồi chừng con Hảo sanh sản mới khỏi thiếu thốn. Nói cho phải mấy năm nay nhờ trời phật phò hộ mẹ con tôi, nên tuy cực, chớ làm ăn cũng no đủ. Mẹ con tôi mang ơn ông bà đã nhiều quá rồi, chưa tới đói khát gì lẽ nào tôi dám làm rộn cho ông bà nữa.
- Có làm rộn chi đâu. Hồi trước tôi có học với thầy giáo, tuy học đâu một năm, nhưng mà bề nào cũng là tình thầy trò. Thầy giáo rủi mất, mẹ con thím bơ vơ. Anh Cả chị Cả tôi đã không bảo bọc mà lại làm chuyện tôi thấy bất bình lắm. Vợ chồng tôi muốn giúp dùm cho thím, một là đền ơn dạy dỗ của thầy hồi trước, hai nữa chuộc tội bất nghĩa của anh Cả tôi, cái đó là cái lòng thành của vợ chồng tôi, sao thím lại ái ngại. Hồi thím ra đi, vợ chồng tôi nghe thím đã có mấy trăm đồng bạc của con Bang Biện, nên vợ chồng tôi không đưa cho thím nhiều nữa. Từ ấy, đến nay vợ chồng tôi trông thơ cúa thím hết sức. Thấy không có thơ, tôi nghi hoặc là con cháu không phải có thai, hoặc có thai mà thai không đậu, nên thím không gởi thơ, chớ có dè nó sanh cả cặp quí báu như vầy đâu. Hồi năm kia có dịp lên Sài-Gòn, vợ chồng tôi có đi kiếm thím, kiếm hết sức mà không gặp. Chớ chi khi con cháu sanh sản rồi, hoặc hồi năm kia đi kiếm mà tôi gặp thì có đâu khổ quá như vầy.
- Cám ơn ông bà quá! Tuy nghèo chớ chưa có chi là khổ. Tôi xin tỏ thiệt cho ông bà thương. Nội một trăm đồng bạc của ông bà cho đó mấy năm nay mẹ con tôi làm vốn buôn bán đủ ăn; còn số bạc của cô Bang Biện đưa thì tôi còn để y nguyên mà hộ thân, có dám động tới đâu.
Vơ chồng Hương Sư nghe nói như vậy thì ngó nhau rồi chắc lưỡi lắc đầu. Bà Hương Sư hỏi hai đứa nhỏ đặt tên gì. Cô Hảo dụ dự rồi đáp rằng:
- Thưa đứa con trai tôi đặt tên Tô, còn đứa con gái đặt tên Hồng, đặng làm dấu tích cội rễ của chúng nó.
Ông Hương Sư nghe như vậy thì động lòng nên ông ứa nước mắt. Ông ngồi suy nghĩ một hồi rồi nói với thím giáo rằng:
- Vợ chồng tôi không có con, mà trong nhà có chút đỉnh tiền. Nghĩ ở dưới Bạc Liêu cực khổ, nên đương tính mua nhà mua phố trên nầy rồi về Sài-Gòn ở chơi cho sung sướng. Vợ chồng tôi còn phải ở trên nầy năm mười ngày nữa, tính việc mới xong. Vậy biết chỗ rồi, để chiều vợ chồng tôi sẽ trở qua rước thím với mấy cháu đây qua nhà hàng rồi tôi sẽ nói chuyện dài.
Ông Hương Sư mở bóp lấy ra một tấm giấy hai chục đồng bạc mà trao cho cô Hảo và nói rằng:
- Cháu cất cái nầy để mua bánh cho sắp nhỏ ăn.
Bà Hương Sư lại dặn tắm rửa cho sắp nhỏ sạch sẽ rồi xế chiều bà sẽ trở qua bà rước.
Vợ chồng Hương Sư nựng nịu hai đứa nhỏ một hồi nữa, dặn chúng nó phải kêu bằng Ông nội Bà nội, rồi từ giã ra xe mà về.
Thiệt vợ chồng ông Hương Sư Thiện lên Sài Gòn chuyến nầy đây là lên đặng mua nhà mua phố. Và vợ chồng không có con mà mỗi năm góp huê lợi ruộng gần bốn mươi lăm ngàn giạ lúa, nên ăn xài theo thú phong lưu, mà xài cũng không hết một góc tư số huê lợi. Tiền bạc tích trữ mười mấy năm thành ra số lớn, lại cho vay đặt nợ đẻ lời thêm ra nữa.
Nay hai vợ chồng tuổi đã trọng, nghĩ có của mà lục đục dưới tỉnh thì bề ăn ở cực khổ, mà chỗ nghe thấy cũng hẹp hòi.
Bởi vậy mới tính đặt người coi ruộng đất đặng lên Sài-Gòn mua nhà ở chơi cho sung sướng tấm thân. Ông Hương Sư thấy nhựt trình rao bán một cái nhà lầu ở đường Mayer với hai chục căn phố gần chợ Tân Định. Vợ chồng ông dắt nhau lên coi nhà, phố ấy, đều ưng ý hết thảy, nên mấy bữa rày trả giá lên xuống, rồi họ mới nói dứt cái nhà lầu hai chục ngàn, còn dãy phố thì ba chục ngàn, kể về nhà về đất. Vợ chồng Hương Sư đành mua giá đó và đã giao cho quan Chưởng khế lập tờ mua bán cho rành, rồi sẽ ký tên chồng bạc.
Hiện bây giờ hai ông bà mướn phòng ở tại nhà hàng Nam Kỳ Palace, dựa đường Kinh Lấp, đợi Chưởng khế làm giấy tờ, nên rảnh rang mới đi kiếm mẹ con thím giáo đó. Hai ông bà lên xe hơi trở qua Bến Thành, chừng xe chạy rồi, bà Hương Sư mới hỏi chồng rằng:
- Mình coi có phải hai đứa nhỏ giống hệt thằng Tú Tài Xương hay không?
- Giống lắm, thấy thì biết con nó liền.
- Tôi thấy hai đứa nhỏ sao tôi thương quá. Thây kệ cháu nội của anh Cả mà anh bỏ rơi bỏ rớt, thôi để tôi đem về tôi nuôi chơi.
- Tôi cũng muốn tính như vậy đó. Bây giờ mình ở trên nầy, thì có ai biết đầu dây mối nhợ gì đâu mà dị nghị. Thiệt tôi qua tôi thấy mẹ con thím giáo khổ quá, tôi chịu không được.
- Mình biểu sớp-phơ chạy thẳng ra chợ Bến Thành đặng tôi kiếm mua áo quần, giầy nón, rồi chiều đem qua cho hai đứa nhỏ bận chơi.
Ông Hương Sư gật đầu kêu sớp-phơ biểu chạy ra chợ Bến Thành. Bà Hương Sư vô mấy ngôi hàng Bắc với mấy tiệm Bombay mua đồ đủ thứ. Chừng trở về nhà hàng ông Hương Sư thay đồ nằm nghỉ, ông mới nói với bà rằng:
- Tôi nghĩ vợ chồng anh Cả thiệt là bậy lắm! Chẳng nói tới việc nhân nghĩa hay là tội phước làm chi, sự vui vẻ ở sẵn truớc mắt mà không chịu hưởng, lại để đi tìm cái gì không biết?
- Chị Cả chị chê con Hảo là con nhà nghèo, không đáng mặt làm dâu chị, để chiều lụy mà cưới cho được con nhà giàu, bởi vậy bây giờ chị mang quả báo đó!
- Mấy năm nay tôi ghét tôi không tới lui, mà tôi cũng không thèm hỏi thăm, không biết vợ chồng thằng Xương ăn ở với nhau có con cái gì hay không?
- Tôi nghe nói không có con. Họ lại nói con dâu chị Cả thấy chị nghèo hơn cha nó, nên nó khinh khi chị lắm, nó coi chị không ra gì hết, hễ chị nói động tới nó thì nó mắng vãi lại.
- Vậy mới đáng! Ham giàu làm chi!
- Mà họ nói con nọ cũng không kể gì đến thằng Xương nữa. Nó muốn ở nó ở, chừng nào nó muốn về bên Cái Dây nó về, nó không đếm xỉa tới ai hết. Vài năm nay nó về ở biệt bên Cái Dầy, không thèm qua nữa. Không biết tại sao mà kỳ cục vậy nữa.
- Vợ chồng anh Cả bị mua sở đất dưới kinh Quan Lộ, nghe nói có mắc nợ. Anh hỏi bạc Chà hay bạc Băng gì đó. Chắc là dâu anh nó thấy anh thiếu nợ, nên nó không thèm ở nữa chớ gì!
- Cha chả, thiếu nợ mà mấy năm nay lúa rẻ đây biết làm sao mượn mà trả?
- Mình khéo lo dữ không? Chị Cả chị giỏi lắm mà, chớ phải như mình vậy sao.
- Chết chớ giỏi! Người ta bằng cái bồ mà người ta còn ngã rầm rầm kia!
- Chị nguy thì chị chạy qua ông sui của chị mà vay, ông thiếu gì tiền.
- Mượn rồi cũng phải trả, chớ ai cho không hay sao?
- Họ làm sao thì họ làm, tôi biết đâu… Bây giờ tôi nói với mình, vợ chồng mình không có con, con Hảo tuy nó mang tiếng mang tăm về việc thằng Xương đó, song tánh nết nó tôi coi thiệt thà dễ thương lắm. Tôi tính nuôi nó làm con nuôi, mình nghĩ thử coi được hay không?
- Được lắm chớ sao lại không được. Hồi nãy tôi nói với mình, tôi muốn nuôi hai đứa nhỏ. Mà nuôi hai đứa nhỏ thì tự nhiên nuôi luôn mẹ chúng nó, chớ lẽ nào bắt con mà bỏ mẹ hay sao.
- Mình nuôi như vậy phải nghĩa lắm, bề nào hai đứa nhỏ cũng là dòng họ của tôi. Mình tốn hao cho chúng ăn học, hoặc sau mình cho chúng nó gia tài chút đỉnh cũng không tiếc gì.
- Vậy chớ sao. Mình không con. Còn tôi thì không có cháu. Sự nghiệp của mình thế nào ngày sau cũng về chị em thằng Xương. Thà là tôi để cho hai đứa nhỏ nầy, chớ tôi không muốn cho thằng Xương là trai bất nghĩa.
- Lời mình nói hiệp ý tôi lắm. Thôi để chiều mình rước mẹ con thím giáo qua đây rồi sẽ nói chuyện.
Vợ chồng Hương Sư bàn tính với nhau rồi đi ăn cơm.
Vợ Ba Lân là một người tọc mạch, ưa dòm hành việc của thiên hạ.
Buổi sớm mơi chị ta ngồi nhà, ngó thấy thím giáo Điểu dắt vợ chồng Hương Sư Thiện đi ngang, thì chị ta nom theo coi ai đó cho biết. Chị ta lại ngồi căn nhà dựa bên thím giáo, rình mà nghe nói chuyện. Chị ta nghe rõ đầu đuôi hết, nghe thím giáo còn cất y nguyên số bạc của cô Bang Biện cho để hộ thân, song không rõ số bao nhiêu, nghe Hương Sư cho tiền để sắp nhỏ ăn bánh, nghe bà Hương Sư dặn tắm rửa sắp nhỏ đặng chiều bà trở qua rước.
Chừng vợ chồng Hương Sư về, chị ta cũng nom theo, thì thấy đi xe hơi, bộ coi giàu có lớn.
Thím giáo đưa vợ chồng Hương Sư lên xe rồi, thím trở vô nhà. Vợ ba Lân men lại hỏi rằng:
- Ai thăm chị đó chị hai?
- Vợ chồng Hương Sư Thiện, mợ không biết hay sao?
- Hương Sư Thiện nào?
- Em ruột của ông Cả Hoàng đó.
- Trời đất ơi! Vậy hay sao? Tôi bỏ xứ đi lâu rồi, tôi quên bà con hết. Hương Sư Thiện có vợ, rồi về ở trên chợ Bắc Liêu mà.
- Phải. Bây giờ vợ chồng ông tính mua nhà mua phố đặng về trên nầy mà ở chớ không thèm ở Bạc Liêu nữa.
- Cha chả! Nghe nói ông nầy giàu hơn ông cả Hoàng nhiều, phải vậy hay không, chị hai?
- Giàu hơn nhiều mà vợ chồng lại biết điều, ăn ở tử tế chớ không phải như vợ chồng ông Cả vậy.
- Nếu vậy thì chị khoẻ rồi. Tôi coi bộ thương chị lắm.
- Phải. Vợ chồng Hương Sư thương mấy mẹ con tôi lắm. Hồi nãy ghé cho mẹ con con Hảo hai chục đồng bạc, lại nói để xế chiều qua rước đi chơi.
- Phải mà. Hai đứa con của con Hảo là cháu của ông, tự nhiên ông phải thương chớ. Nầy, chị ráng gò vợ chồng ông cho gắt, chị nhờ lắm đa chị.
- Gò giống gì. Mình mạnh giỏi, còn làm lụng được, thì lo làm ăn, mong nhờ người ta làm chi.
- Chị quê mùa quá! Người ta giàu có, người ta thương mình, thì mình phải mong nhờ nhõi chút đỉnh chớ. Không cần người ta nuôi làm chi, song cũng đỡ lắm chớ.
Vợ ba Lân lại kêu cô Hảo ra mà nói rằng:
- Cháu đẻ được hai đứa nhỏ đó cũng như hai cục vàng đa cháu. Mợ coi ý vợ chồng Hương Sư Thiện muốn nhìn hai đứa nhỏ, nên mới lết tới đó. Cháu phải ăn nói cho khôn khéo đặng người ta thương. Cháu phải lo tắm rửa hai đứa nhỏ sạch sẽ kẻo người ta gớm. Người ta giàu có mà ngưòi ta thương mẹ con cháu thì lo gì không cơm ăn, không tiền xài.
Cô Hảo cười mà đáp rằng:
- Lời mợ dạy, cháu rất cám ơn. Song cháu có biết làm sao mà khôn khéo cho được. Cháu cứ lấy thiệt tình đối đãi, ai ở phải thì cháu cung kính, ai ở quấy thì cháu lánh xa vậy thôi.
- Bây giờ vợ chồng Hương Sư muốn nhìn cháu, mà lại về ở gần đây nữa, thì cháu khỏe rồi. Vậy cháu hãy ráng ở cho người ta thương rồi mợ sẽ bày khôn bày dại cho mà nhờ. Nghe nói chiều người ta sẽ trở qua rườc sắp nhỏ. Vậy cháu tắm rửa chúng nó cho sạch sẽ, cho em mặc áo quần tử tế. Cháu có may đồ cho sắp nhỏ hay không?
- Thưa, có.
- Đồ gì?
- Áo vải bông quần vải đen vậy thôi, chớ mình nghèo tiền đâu có mà sắm đồ hàng lụa.
- Vải mà còn mới cũng được. Như có cũ thì phải giặt cho sạch. Còn cháu có áo quần hay không?
- Thưa, có. Năm lên trên nầy đó, bà Hương Sư có may cho cháu và má cháu, mỗi người một cái áo xuyến, một cái quần lãnh, bây giờ cũng còn đó.
- Ủa. Té ra chị hai với cháu đã có quen trước rồi?
- Thưa, phải.
- Đồ đó bây giờ bận còn vừa hay không?
- Thưa, có hơi chật một chút, song cũng còn bận được.
- Ờ, như chiều người ta có trở qua cháu phải bận đồ đó nhé, chớ đừng có ăn mặc lèn xèn quá khó coi. Mợ coi dèo từ rày sắp lên cháu hết cực rồi đa.
Cô Hảo cười.
Vợ ba Lân giỡn chơi với hai đứa nhỏ rồi chạy về nhà.
Thím giáo trở ra quán, tính dọn đồ về nghỉ đặng xế chiều có rước khách.
Mới hai giờ chiều thì vợ ba Lân đã lại nhà thím giáo hối cô Hảo tắm cho hai đứa nhỏ. Chị ta phụ tắm gội kỳ mài cho hai đứa nhỏ sạch trơn rồi lại dành bận áo quần cho chúng nó nữa. Chị ta cũng ép thím giáo với cô Hảo phải gỡ đầu cho vén khéo, phải lấy quần áo mới mà mặc. Mẹ con thím giáo thiệt thà, còn vợ ba Lân thì lanh lợi, thuở nay mẹ con thím giáo đã kiêng nể sẵn rồi, bởi vậy hôm nay vợ Ba Lân biểu sao thì mẹ con làm y theo không dám cãi.
Mẹ con thím giáo lấy những áo quần của bà Hương Sư Thiện may cho cách bốn năm trước mà bận, đồ xếp để lâu trong gói, nên có lằn ngang lằn đọc, coi không được. Đã vậy mà áo quần của cô Hảo lại chật và ngắn, nhưng nhờ nước da cô trắng trẻo, gương mặt cô hữu duyên, nên tuy áo quần không vừa, song tướng người coi cũng đẹp.
Còn con Hồng với thằng Tô mặc áo vải bông, quần vải đen, mà mặt hai đứa nhỏ rất hân hoan vì lâu ngày mới được bận đồ mới, nên chúng nó mừng lắm.
Vợ ba Lân thấy nhà dơ, lại kiếm chổi quét. Chị ta đương dọn dẹp lăng xăng, thì bà Hương Sư Thiện bước vô, sau lưng có người sớp-phơ đội kết trắng đi theo, tay ôm một gói đồ. Bà Hương Sư vừa bước vô cửa thì nói rằng: “Đâu hai đứa cháu nội tôi đâu? Bận đồ tôi mua đây, coi vừa hay không”. Bà day lại lấy gói đồ của người sớp-phơ ôm, biểu sớp phơ trở ra coi chừng xe rồi bà để gói đồ trên bộ ván thông mà mở banh ra. Con Hồng với thằng Tô đã có thấy bà Hương Sư hồi sớm mơi rồi, nên bây giờ chúng nó không sợ nữa, đứng dựa bên má chúng nó mà ngó.
Bà Hương Sư vừa lấy đồ trong gói ra, vừa nói rằng: “Tôi mua một bộ đồ mạch lô[6] cho cháu nội trai tôi, tôi có mua áo đầm cho cháu nội gái, tôi mua đây, không biết có vừa hay không, đâu lại bà nội bận cho”.
Vợ ba Lân bặt thiệp, liền nắm tay hai đứa nhỏ dắt lại rồi cởi đồ của chúng nó đương mặc đó ra đặng cô bận đồ mới. Cô Hảo cũng bước lại phụ mà thay đồ cho con. Bà Hương Sư ngồi trên ván, ngắm nghía hai đứa nhỏ, rồi chỉ vợ ba Lân mà hỏi thím giáo rằng: “Cô nầy ở lối xóm lại chơi phải không?”
Thím giáo đáp rằng:
- Thưa nó là em dâu của tôi.
Bà Hương Sư ngó vợ ba Lân trân trân, rồi bà hỏi nữa rằng:
- Hồi thím ra đi, thím nói lên nương dựa với em thím, té ra hai vợ chồng cô nầy há?
- Thưa, phải.
- Hai vợ chồng cô nầy cũng ở chung đây hay là ở riêng?
- Thưa, ở riêng. Ở căn phố thứ ba, phía ngoài đó.
- Em thím làm việc gì trên nầy?
- Thưa, nó làm thầy thuốc, mà mắc không có vốn, không biết làm sao lập tiệm cho được, nên nó đi làm thuốc dạo và coi quẻ.
- Cô nầy là người gốc ở dưới mình hay là ở trên nầy?
Vợ ba Lân nghe thím giáo trả lời nãy giờ thì vừa ý lắm, chừng nghe hỏi tới cội rễ của chị ta, thì chị ta muốn thừa dịp ấy mà làm quen, nên hớt mà trả lời rằng:
- Thưa, em là người cũng ở xóm Láng Dài. Hồi ông đi cưới bà đó em biết.
- Vậy hay sao? Hai vợ chồng lên trên nầy bao lâu rồi?
- Thưa, gần mười năm rồi.
- Làm ăn có khá hay không?
- Thưa, không khá, tại không có vốn thì khá giống gì được. Chớ chi ở nhà tôi có vốn mở ra một tiệm thuốc, bào chế thuốc mà bán, thì chắc làm khá lắm.
- Phải có vốn bao nhiêu lập tiệm thuốc mới được?
- Phải có một hai ngàn mới được.
- Dữ không!
Cô Hảo bận áo quần và mang giầy cho hai đứa nhỏ rồi, bà Hương Sư biểu chúng nó đi qua đi lại cho bà coi, biểu lấy nón đội lên nữa, bà ngắm nghía rồi cười mà nói răng:
- Tôi mua nhắm chừng mà vừa quá. Giầy có rộng một chút, mà đi cũng được.
Hai đứa nhỏ mặt mày sáng rỡ, nhờ bận đồ tốt vô, tướng mạo càng thêm đẹp, coi chẳng khác con nhà giàu sang. Bà Hương Sư kề mặt, biểu mỗi đứa hun bà một cái rồi bà cười mà dặn rằng: “Từ rày sắp lên hãy nhớ kêu bà bằng bà nội đa, nghe không”. Hai đứa nhỏ dạ và đứng trong lòng bà.
Bà Hương Sư lấy làm toại chí, mà vợ ba Lân thấy vậy lại càng vui lòng, nên chúm chím cười hoài.
Bà Hương Sư nói với thím giáo rằng: “Ông biểu qua rước thím với sắp nhỏ qua nhà hàng chơi, rồi tối ông dắt vô Chợ Lớn ăn cơm. Thôi sửa soạn đi”.
Thím giáo dụ dự. Vợ ba Lân liền nói rằng: “Chị đi với mẹ con con Hảo đi, để thằng Hiếu ở nhà, chiều nó lại đằng tôi mà ăn cơm. Có tôi coi chừng nhà cho, không có sao đâu mà sợ”.
Bà Hương Sư gật đầu nói rằng: “Tính như cô đây xong lắm. Thím cũng qua bên chơi, tối tôi biểu xe đưa về.
Mẹ con thím giáo không có cớ mà từ được, nên phải đội khăn và dắt con Hồng với thằng Tô đi. Bà Hương Sư móc túi lấy hai cắc bạc mà cho thằng Hiếu rồi từ giã vợ ba Lân.
Xe về tới nhà hàng Nam kỳ Palace, bà Hương Sư dắt mẹ con thím giáo vô phòng. Khi bước vô thì bà nắm tay hai đứa nhỏ và chỉ ông Hương Sư mà nói rằng: “Kìa ông nội của cháu đó. Cháu chịu ở với ông nội bà nội không?” Con Hồng nói nho nhỏ rằng: “Chịu, mà má cũng ở nữa”. Bà Hương Sư cười ngất và nói: “Ừ, má cũng ở nữa. Thôi hai cháu xá ông nội đi”.Hai đứa nhỏ khoanh tay cúi đầu xá ông Hương Sư làm cho ông động lòng, nên ôm chúng nó mà hun mỗi đứa một cái, bộ ông cảm động lắm!
Bà Hương Sư hối ông thay đồ đặng dắt thím giáo đi coi nhà và phố của mình mới mua. Ông lật đật thay đổi áo quần rồi ra xe mà đi, ông ngồi trước với sớp-phơ, còn bà và mẹ con thím giáo ngồi sau với hai đứa nhỏ.
Thím giáo với cô Hảo chẳng bao giờ dám mơ ước ngồi xe hơi mà đi chơi, nay mẹ con được như vầy thì trong lòng hồi hộp, ngoài mặt ái ngại, ngồi mà không biết vui. Bà Hương Sư để con Hồng ngồi trong lòng, bà chỉ chỗ nầy, bà hỏi việc nọ, coi bà yêu lắm.
Vợ chồng Hương Sư dắt mẹ con thím giáo đi coi cái nhà lầu của mình mới mua, rồi dắt đi coi luôn dãy phố nữa, nhà lầu thiệt đẹp đẽ, rộng rãi, còn dãy phố cũng tốt, cho mướn mỗi căn mười tám đồng một tháng, chỉ bỏ trống có một căn.
Đi vòng các đường mà chơi tới tối mới vô Chợ Lớn, lên cao lầu ăn cơm. Hai đứa nhỏ quen rồi nên chúng nó đỏ đẻ nói chuyện với hai vợ chồng ông Hương Sư không dứt.
Ăn cơm rồi lên xe trở về Nam kỳ Palace. Ông Hương Sư nói với thím giáo rằng: “Vợ chồng anh Cả tôi không kể tội phước chi hết mà lại có con. Còn vợ chồng tôi trọng nhân nghĩa quá mà lại không con. Cái đó cũng là tại ông trời khiến vậy. Thôi, không con thì vợ chồng tôi nuôi cháu cũng được. Vợ chồng tôi đã bàn tính với nhau rồi, nên nay tôi xin nói thiệt với thím để con Hảo đây cho vợ chồng tôi nuôi làm con, đặng nuôi luôn hai đứa nhỏ nữa, thím bằng lòng hay không?”
Thím giáo cảm động nên đứng cóm róm đáp rằng: “Ông bà có lòng thương con cháu tôi, thì tôi đội ân hết sức, lẽ nào tôi không bằng lòng”.
Bà Hương Sư cười và hỏi cô Hảo rằng: “Má con nói như vậy đó, còn ý con thế nào?”
Cô Hảo nước mắt chảy ròng ròng, cô mủi lòng quá nói không được. Cô đứng một hồi lâu rồi lặp cặp nói rằng:
- Ông bà thương...
- Đừng có kêu “ông bà” nữa, phải kêu bằng “chú thím”. Phải đổi như vậy thử coi có khá hay không, kẻo bấy lâu nay con cực khổ tội nghiệp quá.
Cô Hảo đã biết rõ vợ chồng Hương Sư thiệt có tình thương cô, mà cô nghe mấy lời thân thiết như vậy nữa thì cô càng thêm cảm xúc, nên cô ngồi xuống mà lạy và nói rằng: “Thân con nghèo khổ mà lại còn nhơ nhuốc. Chú thím không chê không gớm, thò tay dưới bùn mà vớt con lên, cái ân ấy con trọng như ân tái tạo. Con chẳng biết lời chi mà cảm tạ cho vừa, con chỉ nguyện hết lòng kính trọng chú thím và giữ tròn đạo làm con”.
Ông Hương Sư làm được nhân nghĩa, thì trong lòng thơ thới, nên ông cười mà nói rằng: “Việc tôi nuôi con Hảo với hai đứa nhỏ tính xong rồi. Bây giờ tôi còn nói với thím giáo việc nầy nữa. Tôi mua dãy phố hai chục căn đó, tôi muốn giao cho thím cho mướn và góp tiền dùm cho tôi. Thím ở bên Khánh Hội phố dơ dáy quá, còn bán quán cực khổ mà không lời bao nhiêu. Tôi cho thím một căn phố của tôi đó. Thím về đó ở coi góp tiền phố và muốn mua bán cũng được. Thím góp tiền phố hễ một trăm thì tôi cho thím mười đồng. Nếu phố ở đủ hết thì mỗi tháng thím được huê hồng ba mươi bốn đồng. Còn hai đứa con trai của thím như đứa nào muốn đi học thì tôi cho tiền đặng đóng tiền trường cho nó học. Vợ chồng anh Cả tôi phụ phàng thím thì vợ chồng tôi bảo bọc cho, thím đừng lo. Thím chơi rồi chừng nào thím muốn về thì tôi cho xe đưa về. Còn mẹ con con Hảo thì để nó ở bên nầy đặng sáng mai thím nó đặt may áo quần cho nó bận lành lẽ với người ta. Chừng Chưởng Khế làm tờ giấy cho tôi ký tên chồng[7] bạc xong rồi, vợ chồng tôi với mấy mẹ con con Hảo về Bạc Liêu ít bữa đặng chở đồ lên dọn nhà mà ở. Để chừng tôi trở lên rồi tôi sẽ sắp đặt cho thím ở coi phố. Bây giờ thím lấy đỡ ít chục đồng bạc đây mà xài, đợi tôi trở lên rồi sẽ hay”.
Thím giáo mừng quá, không dè thình lình mà được hạnh phúc dường ấy. Thím ở nói chuyện chơi tới mười giờ rồi xin từ giã mà về kẻo sắp nhỏ ở nhà trông. Vợ chồng Hương Sư cho xe hơi đưa thím giáo về, còn bắt cô Hảo với hai đứa nhỏ ở lại.
Hồi chiều ba Lân đi bói về thì vợ đã thuật cho chàng nghe sự vợ chồng Hương Sư Thiện đến thăm thím giáo và rước mấy mẹ con thím đi chơi. Hai vợ chồng mừng rỡ nên thức mà chờ mẹ con thím giáo. Chừng thấy thím giáo về có một mình thì lấy làm lạ, nên hỏi thăm mẹ con cô Hảo. Thím giáo bèn thuật lại cho em hay sự Hương Sư Thiện đã xin nuôi mẹ con cô Hảo và tính giao cho thím coi phố.
Vợ ba Lân nghe rõ đầu đuôi rồi nói rằng: “Tôi biết lắm. Tôi nói chị no rồi mà. Nầy, chị khá, xin chị đừng có quên vợ chồng tôi nghe không, chị hai”.
Thím giáo cười mà đáp rằng: “Tôi không phải như người ta vậy đâu mà mợ phải dặn. Tôi biết thương anh em chị em lắm mà”.
[1]cặp rằn, cặp rằng: tiếng Pháp (caporal=quân hàm: hạ sĩ; cũng dùng để gọi cai thợ)
[2]tiếng Pháp: couli, tiếng Anh: cooly. 1. giai cấp thấp nhứt của người Ấn độ, 2. phu khuân vác ở Mỹ và ở các xứ thuộc địa.
[3]mãi tấn hay mãi tiến (買進) đọc theo âm Triều Châu thành mái chín, sau khi Việt hóa viết thành mái chín, nghĩa tương đương với mãi biện (買辨) đọc theo giọng Quảng Đông thành mại pál, sau khi Việt hóa viết thành mại bản: Người quản lý mua bán hàng hóa, người môi giới buôn bán, người quản lý việc chở hàng, chở khách trên tàu thủy.
[4]phát âm theo Triều Châu: 1) sao cũng được; 2) bỏ qua, tha thứ; 3) hai bên đồng ý.
[5]Rue d’ Espagne, tên con đường nằm sau chợ Bến Thành mới, sau đổi thành đường Lê Thánh Tôn (theo Vương Hồng Sển)