Ra Làng
Thanh Tịnh
Năm ấy tôi học lớp nhất trường Mỹ Lý.
Tôi tuy còn ít tuổi, nhưng người tôi độ ấy trông đã cao xõng và bệ vệ lắm. Làng Mỹ Lý dân cư ít nên mỗi năm vào kỳ tế thần thì dân trong làng phải ra đình cho đủ. Đó là cài lệ thường năm, nên đến kỳ tế không sức mà ai cũng biết. Có năm muốn đám rước thần được trọng thể, ông Lý lại còn cho đòi cả con dân trên mười lăm tuổi ra làng nữa.
Ra làng đối với tôi hồi ấy là một sự vui thích hiếm có, vì nếu ông Lý không cho đòi, thì chưa chắc tôi đã được tự do ra xem họ tế lễ. Nhưng có ra làng một lần mới biết lắm cái khổ nhục đáng sợ, mà dẫu mình giàu tưởng tượng đến đâu cũng không ngờ trước được.
Trước hôm tế thần một ngày, ông Lý có ghé lại nhà tôi và ân cần cho gọi tôi ra nói:
- Bác thấy năm nay cháu cũng đã lớn rồi, vậy mai là ngày tế thần, cháu phải ra đình một hôm cho biết. Có ra dình mới biết làng biết nước, biết dại biết khôn, chứ lục đục luôn ở trong nhà thì không bao giờ biết khôn được cháu ạ. Vả cháu lại là học trò thì công việc cháu cũng chỉ thắp hương hầu Thánh hầu Thần là đủ rồi, chứ không ai bắt cháu làm gì nặng đâu mà cháu sợ.
Nghe ông Lý nói tôi tưởng như lên tiên được, nhưng không dám để lộ nét vui tươi ra ngoài mặt, vì còn sợ cha tôi bảo nhác học định kiếm cớ để ở nhà.
Tôi chỉ đứng lặng ngước mắt nhìn cha tôi, còn ông Lý thì đưa mắt nhìn tôi như muốn dò ý tứ.
Sau lúc uống một hớp nước trà nóng, cha tôi thong thả để chân xuống bàn, dịu dàng bảo tôi:
- Ừ, thì năm nay con đã lớn, rồi cũng phải ra làng cho biết... Bác Lý đã có lời dạy thế thì tối nay con phải tắm rửa cho tinh khiết mới được.
Thấy công việc mình sắp đặt được ổn thỏa, ông Lý liền đứng dậy cáo từ cha tôi rồi xách dù đi qua mấy nhà khác.
Thấy tôi còn đứng bên cạnh bàn chưa chịu đi, cha tôi tưởng tôi không bằng lòng nên quay lại hỏi:
- Thế nào, con không muốn ra làng à? Có ra làng mới biết người trên kẻ dưới, biết thượng hạ tôn ti được con ạ. Ngoài cái ích được học khôn lại có cái vinh hạnh ngồi trên dân nữa.
- Ngồi trên dân thế nào được, thật tình con không hiểu.
- Thì thật tình con ngu lắm. Ngồi trên dân nghĩa là được ăn trên ngồi trước dân, có khó gì đâu không hiểu. Ngu đến thế mà cũng đòi sang năm đi thi với cử.
Tối hôm ấy, tôi phải chạy quanh xóm để mượn một cái khăn, nhưng không nơi nào có hay có thì rộng không vừa với đầu tôi. Sau cùng tôi phải lấy liều cái khăn của bác xã Thuyền, một người thường đến nhờ tôi đọc thư hay viết yết thị.
Khăn của bác ta hơi rộng thật, nhưng tôi định chêm vào phía sau một cái vỏ diêm không, thì chắc cũng vừa được. Nhưng cái khăn lại đầy những chấm trắng tròn chuột khới, trông không khác gì một cái hộp tròn bằng mun khảm cẩn. Tôi phải bỏ ngót nửa giờ để lấy mực bôi vào những chấm trắng ấy. Thế là khăn đã đen rồi, chỉ còn áo dài nữa là đủ. Nhưng áo đen dài thì không lo, tôi chỉ mượn chị tôi kết lại mấy cái nút áo vải dù - tôi thường mặc đi học - là được.
Sắp đặt đâu đấy xong xuôi, tôi lên giường định đi ngủ thật sớm. Nhưng tiếng mõ đàu làng làm tôi giật nẩy mình luôn. Tôi muốn ngủ nhưng không tài nào nhắm mắt được. Tôi trăn trở qua lại mãi. Bao nhiêu cảnh rực rỡ ngoài đình mà tôi thấy được lúc đi học về đã làm cho tôi rối trí. Tôi tưởng tượng dến vẻ oai nghiêm của thần thánh, vẻ đạo mạo của mấy viên chức sắc trong làng, rồi tôi đâm ra lo sợ. Tôi lại tự nhận mình là một người quan trọng trong làng, một người đã biết tham dự đến việc tế thần tế thánh, không khác gì - theo ý tôi - một ông quan được dự vào việc triều đình để bàn việc cai trị cả muôn dân. Những ý nghĩ viễn vông ấy làm cho tôi sung sướng quá đến ngủ quên lúc nào không biết.
Sáng hôm sau, tôi đã nghe tiếng trống ở đầu làng đưa đến rất kêu và rất chậm. Tôi vươn vai đứng dậy định đến bên bàn sắp sách vở lại để sửa soạn đi học, thì cái khăn nằm gần đấy nhắc tôi nhớ đến câu chuyện ra làng.
Tôi nhìn lại cái khăn để trên bàn rùng mình như bị điện giựt. Vì trên mặt khăn, mấy con gián ác nghiệt đã khởi thêm mấy lỗ khá lớn nữa. Còn những chấm trắng tôi đã bôi mực cũng không chịu đen toàn vẹn cho, chỉ rải rác trên mặt khăn những chấm lốm đốm màu đen ợt. Có lẽ vì tôi bôi mực trên mấy chấm trắng ấy lúc ban đêm nên mới trông qua thì tường đã đen nháy nhưng kỳ thật thì còn nhạt lắm. Thế là tôi phải mất thêm mười phút để hàn lại mấy chổ trắng, và phết thêm một lớp mực nữa.
Công chuyện chữa lại cái khăn vừa xong, đồng hồ trên tường đã gõ tám giờ. Chị tôi vào gọi tôi ra ăn cháo và mỉm cười nói chế tôi một câu rất khó chịu:
- Gọi em cho lấy lệ thôi, chứ hôm nay thì em thiếu gì xôi thịt ở làng lại phải ăn cháo ở nhà. Chị được như em thì chị nhịn đói đến hai hôm trước khi ra đình, vì có vậy mới sẵn bụng nạp xôi, thịt được.
Nói xong, chị tôi lấy vạt áo trước che miệng cưới như nắc nẻ.
Tôi cũng chữa thẹn liền bằng một câu khôi hài rất nhạt nhưng hiệu nghiệm vô cùng. Câu ấy tuy không dính dáng gì với câu của chị tôi nhưng lại làm cho chị tôi sượng sùng không dám đứng nói kháy với tôi nữa:
- Em được ra làng là chuyện dĩ nhiên. Chứ chị muôn năm cũng không làm gì ra làng được. Nhưng điều ấy không đáng lo lắm. Vì năm nay đã có anh Huân, rể mới của thầy, ra làng thế cho phần chị rồi.
Chị tôi cúi đầu thẹn đỏ mặt, đi thật nhanh xuống bếp không dám quay đầu ngó lại nữa.
Ăn cháo xong, tôi gói khăn vào một tờ giấy nhật trình rồi theo một đường rất hẻo lánh để đi đến đình.
Đường hẻm dẫn ra đình thì dài lắm và còn nhớp là khác, nhưng đi đường ấy tôi được yên lòng hơn. Dọc đường tôi khỏi sợ gặp thầy giáo hay chúng bạn cùng học một trường. Đi với tôi có những ông già lụ khụ cong mình trên gậy trúc, và những anh chàng trai trẻ, mặt mày đen xám, quần ống thấp, ống cao, như quanh năm họ chỉ ở trong cảnh bùn lầy nước đọng. Mấy anh này vừa đi vừa nói chuyện làm ăn, cãi nhau om xòm và hầm hè nhau như quân thù địch.
Tiếng thanh la đầu làng đưa lại, như thúc hối, như nạt la làm cho tôi cứ băn khoăn mãi. Đi gần đến đình chừng nào thì lòng tôi lại thấy lo sợ, hồi hộp chừng nấy. Một mối lo sợ vẩn vơ không nghĩa lý cứ ám ảnh tôi hoài ngay từ lúc tôi nhận thấy mái đình xa xa sau rặng liễu.
Trước khi đi đến đình tôi phải dừng lại sau cái miếu Thần Đá để đội cái khăn lên đầu cho tề chỉnh. Trước kia tôi đã định thêm phía sau khăn một cái vỏ diêm không cho vừa với đầu tôi, nhưng rủi tôi lại quên không đem theo. Tôi phải đành ngồi xếp lại tờ nhật trình. Đoạn lót vòng giấy cong ấy ra phía sau đầu tôi, trước khi đội khăn lên. Rồi lấy hết dáng điệu rất tự nhiên - nghĩa là chỉ tự nhiên trong trí tưởng tượng - để đi thẳng vào đình.
Tôi thấy ai cũng đứng lại trông tôi nên tự hổ thẹn và ngượng nghịu quá. Nhưng sau thấy người đi qua lại càng lúc càng đông nên dần dần tôi không lo sợ như trước nữa. Tiếng ồn từ trong đình đưa ra, tiếng thanh la từ ngoài sân dưa vào làm huyên náo cả một góc làng tịch mịch. Vì nghe nhiều thứ tiếng quá nên tôi hóa ra can đảm và nhất là bặt thiệp với mấy người quen biết.
Nhưng chỉ phiền cái khăn cứ theo nhịp bước của tôi mà tụt dần xuống mãi. Lắm lúc tôi muốn rãn cái đầu của tôi ra để ngăn cái khăn lại, nhưng không hiệu nghiệm gì. Từ lúc ấy tôi thấy ai đầu to, đội khăn vừa vặn, tôi cũng đâm ra thèm muốn. Tôi loay hoay chưa biết nên tìm một việc gì để làm hay lại đi ra ngoài bờ ao để xem họ mổ trâu bò như mắy năm còn nhỏ.
Nhưng tôi nghiệm lại công việc của tôi năm nay chắc không như mấy năm trước được. Nghĩ vậy nhưng tôi cũng không biết phải đi làm việc gì. Tôi cũng ra làng như ai nhưng lại không được mấy người đàn anh để ý một cách quá sốt sắng như mấy tên khác. Nhưng được họ để ý thì thêm khổ, vì họ la và sai không hở miệng.
Trong đình làng lúc ấy là một nơi các viên chức sắc đấu khẩu rất kịch liệt. Không ai chịu nhường tiếng lớn cho ai. Họ nói oang oang và la hét như những người điên tiết. Rồi rốt cuộc ai lớn tiếng mạnh hơi là người ấy có lý, người ấy được dân làng coi là người biết chuyện.
Nghe họ cãi nhau chán quá, tôi lững thững toan đi ra sau đình, thì một hồi trống vang lên làm tôi giật mình lật đật chạy ra phía trước. Lúc ấy, là lúc dân làng đang sắp sửa rước thần ra miếu Thần Hoàng cách xa đình gần nửa cây số. Tôi lại gần bên hương án chực đi theo sau như những hồi tôi còn nhỏ, thì một người lạ mặt đến đặt tay lên vai tôi rồi nhìn tôi nói sẽ:
- Thiếu một người cầm lọng che hương án, vậy mày phải cầm lọng để hầu thần.
Toi chưa biết phải xử trí thế nào cho họ biết tôi là một người học trò thì người lạ mặt đã đặt vào hai tay tôi một cái lọng vàng chống sẵn.
Tôi tức uất cả người vì còn gì nhục bằng ra làng cầm lọng hay cầm cờ nữa. Tôi tự trách tôi đã quá tin lời ông Lý nên để dân làng khinh miệt cái bằng Sơ Học Yếu Lược của tôi như thế.
Tôi muốn đứng khóc rõ to để cho dân làng biết tôi đang bị người ta làm nhục, nhưng chung quanh tôi toàn là những người mặt rạm da chai nên tôi cũng không buồn nức lên khóc nữa. Tôi định đưa mắt tìm cha tôi để yêu cầu sự che chở thì may quá, tôi lại thấy ông Lý từ đằng xa vác dù đi lại. Tôi lật đật chạy ra cản đường ông ta. Tôi chỉ đưa mắt nhìn ông ta và cầm thẳng cái lọng để tỏ ý bất bình của mình chứ không nói năng gì hết. Chừng ông ta cũng hiểu nên bước lại gần tôi rồi cúi đầu bảo khẽ tôi rằng:
- Cháu còn nhỏ yếu sức, và cái lọng này nặng lắm cháu cầm không nổi đâu. Để bác đổi người cho cháu cầm cái cái gươm nhẹ và đẹp hơn.
Thế là tôi phải buộc lòng cầm cái gươm gỗ trông không khác gì một vị tướng con hát bộ.
Cầm cái gươm thì thích hơn cầm cái lọng, nhưng cũng không thong thả và sung sướng bằng đi tay không. Tôi liếc thấy thằng Đồng mặc áo thụng xanh đứng sau hương án mà tôi thèm cái phần của nó. Thằng Đồng học thua tôi một lớp nhưng nó giỏi chữ Hán, lại con ông Bộ trong làng nên được cử làm văn lễ, sung sướng và thanh nhàn hơn tôi nhiều lắm.
Bắt đầu tôi ghen với nó, sau thấy nó mỉm cười trông tôi một cách kiêu ngạo, nên tôi lại đâm ra thù ghét nó.
Đám rước thần bắt đầu cử hành. Mấy lá cờ ngũ hành đi trước tung theo chiều gió và phe phẩy rộn rã như những lá cờ trên mặt trận. Mùi hương trầm tỏa ra êm dịu đã xoá nhạt đi lòng ganh ghét của tôi và cho tôi thấy công việc cầm gươm trong đám rước cũng thích thú vô cùng. Tôi bước đều đều theo tiếng trống kêu và không còn thấy ngượng nghịu như trước nữa. Sau đám rước là một lũ con nít hớn hở đi theo. Trông mặt đứa nào cũng vui vẻ như nhà chúng nó có kỵ. Còn hai bên đường thì người đứng xem đông đếm không xiết.
Qua khỏi cổng Quan thì tôi bỗng giật mình, vì đám rước sẽ rẽ về xóm Thiện và đi ngang qua trước trường Mỹ Lý... Tôi lo sợ quá nên điều đình với người cầm gươm đi ngang hàng để tôi đổi chổ.
Đổi được chổ tôi cũng hơi yên lòng một chút, thầy và học trò ở trong trường chắc không thể nào thấy tôi được. Nhưng khổ quá, lúc đám rước đi qua trường thì nhằm lúc học trò ra chơi. Trông thấy tôi, học trò liền la lên như sấm dậy:
- Lý Tịnh, Na Tra, Na Tra, Lý Tịnh...
Chừng chúng muốn bảo tôi là Lý Toét, nên gọi tôi là Lý Tịnh, Na Tra, tên hai vị tiên trong truyện Phong Thần.
Tôi muốn cắm đầu đi thật nhanh, nhưng đám rước lại chậm quá, mãi đến năm phút sau tôi mới hết nghe tiếng "Na Tran, Lý Tịnh" đuổi sau tôi.
Qua khỏi trường, lòng tôi lại được yên tĩnh như trước. Tôi đỉ từng bước một đều đều theo tiếng trống và luôn luôn liếc qua người bên cạnh để đi cho thẳng hàng. Đến xóm Bàu, đám rước phải đi qua những cánh đồng, đường trơn như mỡ.
Xa xa bên kia đồng, dưới bóng một cây bàng cao lớn, cái miếu Thần Hoàng không còn vẻ hoang vu như trước nữa. Bên những cây cờ cắm chung quanh miếu, thấp thoáng hơn vài chục bóng người đang đứng chờ đám rước đến.
Xong chuyện cáo Thần, dân làng lục tục kéo nhau đi về đình. Lúc về vắng tiếng trống kèn, không có trật tự, tôi lại thấy ngượng ngùng như trước.
Tôi muốn nhờ người quen cầm hộ cái gươm cho đỡ thẹn, nhưng trông ai cũng không rảnh tay hết. Muốn tránh đi qua trước trường học, tôi phải đi vòng quanh ra phía sau, đường đã nhớp lại dài gấp hai.
Ra đến đường cái tôi lại gặp mấy chị con gái trong làng đi chợ. Tôi thẹn đỏ cả mặt và nóng bừng cả hai tay. Muốn khỏi trơ trẽn, tôi liền quay cái gươm gỗ mấy vòng trên tay, nhưng vô ý thế nào lại để cán gươm đánh nhằm cái rổ của chị Cẩm bắn ra thật xa. Tôi muốn đến xin lỗi nhưng ấp úng nói không ra lời, còn chị Cầm thì e thẹn đứng cúi đầu. Một lát, chị lên giọng khôi hài bảo tôi:
- Ông tướng hát bộ hôm nay múa gươm vụng về quá. May chị Cẩm đưa khiên ra đỡ kịp không thì đã bỏ mạng rồi.
Nói xong, mấy chị khác cười rộ lên làm cho tôi ngượng tưởng đến hóa điên được. Mặc cho chị Cẩm tự đi lượm rổ lấy, tôi cắm đầu rảo chân đi một mạch không dám ngó lui, cũng không dám trông ai đứng hai bên vệ đường nữa.
Về đến đình thì trời đã đứng trưa. Trong đình lúc ấy không huyên náo như khi mai nữa. Một bầu không khí yên lặng từ tốn đã rải khắp mấy gian đình. Thì ra lúc ây là lúc các quan viên chức sắc và dân làng đang đánh chén. Họ khề khà nói rất sẽ và rất ít, và sợ nhất là mất những thức ngon nóng hổi sắp trên bàn.
Lằm lúc có người nói rất vô lý nhưng cũng không thấy ai lớn tiếng cãi lại. Bao nhiêu tâm lực họ đều thâu vào đôi mắt để tìm thức ăn và để biết gắp đồ ăn ngon trước mọi người.
Những cái thìa gặp nhau trong bát canh, những đôi đũa chạm nhau trên đĩa thịt bò tái, những cái húp ừng ực, những cái nghiến dẻo dang hợp lại thành một điệu âm nhạc không tên nhưng lại có tuổi. Thì có khó khăn gì đâu, cái đình làng làm được bao nhiêu năm thì bản âm nhạc kỳ quái ấy đã có bấy nhiêu tuổi.
Khít bên bàn có lắm đứa trẻ đứng sau lưng bố nó, và thỉnh thoảng được bố nó quay lưng lại vứt trong tay nó một oẳn xôi vắt nhỏ hay vài lát bò thui.
Từ mai đến trưa có lẽ chỉ lúc này là dân làng mới làm việc một cách chăm chỉ và... yên lặng hơn hết. Nhưng lệ thường "tửu nhập ngôn xuất" nên không bao lâu những tiếng cãi cọ lại nhao nhao nổi lên như cũ.
Lúc tôi đi vào đình, dân làng đã ăn hơn nửa bữa rồi. Nghe ông Lý bảo đến ăn, tôi cũng đi tìm một chổ chót bẹt để ngồi. Nhưng vừa mới ngồi xong, ông Lý đã bảo tôi đứng dậy rồi kéo tôi đến một chổ khác cao quý hơn. Tôi muốn nói cao quý là vì cái phản tôi đến ngồi họ kê cao lắm. Còn quý thì không hẳn quý lắm vì chung quanh tôi chỉ cụ già với cụ già. Tôi cũng tưởng được ngồi đấy là yên phận, không ngờ một cụ già ngồi dưới tôi đứng dậy phì phào nói lớn:
- Thưa với thầy Lý, trò ấy tuy có học nhưng cũng còn nhỏ tuổi. Tôi tuy dân ngu nhưng đã già. Nói cho đúng tôi cũng sánh được vai chú vai bác của trò ấy dược, đó là chưa nói đến vai ôn mệ. Thầy cho nó ngồi trên tôi thì thật thầy đã muốn cho nó khinh tôi và khinh luôn cả tuổi già sức yếu của dân làng nữa.
Thế là tôi lại phải trở về chổ cũ. Trong lúc đi qua đi về, những đĩa thịt bò tái đã sạch như chùi rồi. Tôi dùng chữ "chùi" thật không quá lắm, vì họ ăn uống thế nào mà những chén tương, những bát canh sạch tinh như hồi mới rửa.
Qua năm sau vào kỳ tế thần, tôi nhất định không chịu ra làng nữa, mặc dầu cha tôi đã hết lời khuyên:
- Năm nay con đậu bằng Tiểu Học Yếu Lược thì không ai dám để con ngồi với dân đâu. Được thấy con lấn hơn thiên hạ thì cha cũng không khỏi mừng thầm và vui sướng được
Không biết lời khuyên của cha tôi có thành thật không chứ lòng tôi lo sợ lắm. Vì năm ấy tôi đã mạnh, đã cao hơn trước, tôi chỉ sợ ra đình họ lại - biết chừng đâu được - bắt tôi đi cầm lọng, thì cái lợi thật không bù cái hại. Và cái hại đáng sợ nhất lại không phải cái hại mất thể diện mà thật ra cái hại mất... ăn.
Chú thích:
Lớp nhất, bằng Sơ Học Yếu Lược: Xem chú thích truyện số 16 (Tình Thư)