Làng
Thanh Tịnh
Cách chân đèo Phước Tượng hai cây số và ở giữa phá Cầu Hai có một chồng đá xám mọc lên thật cao. Trên chồng đá ấy có cái am vôi trơ trọi đứng một mình. Mặt am nhìn về phía núi Tùy Vân và cách đó ba cây số là cửa biển Tư Hiền. Lưng am chênh chếch xây về dãy Trường Sơn và riêng hòn Bạch Mã trán cao chất ngất, về phía ấy chân núi bò ra tận phá và nhiều khoảng chuồi thẳng mình trong bầu nước rộng mênh mông.
Am không có vẻ hoang phế, nhưng cũng không được vẻ săn sóc lắm. Trong am đếm được hơn ba trăm bát lư hương vừa sành vừa gỗ. Am xây theo kiểu cổ, mái vồng và chân mạnh. Chắc đã bị bão táp nhiều phen nhưng mặt vôi nhiều nơi còn nguyên láng. Tìm niên hiệu thì mới biết am dựng năm Hoàng Định Nguyên Niên (tức về đời vua Lê Thánh Tông đầu thế kỷ 16). Hỏi người sống trong làng mạc hai bên phá thì họ bảo là Am Kẻ Chài. Nhưng người chài lưới thì nhắc đến tên kính cẩn hơn: Am Cô Giang.
Dưới đây là câu chuyện do một cụ già Trường Sơn kể lại:
"Theo ông bà tôi thì am dựng đã lâu, lâu lắm. Hồi ấy, Huế chưa có kinh đô và vua còn ở đâu ngoài Bắc. Phá Cầu Hai lấy tên là Trựng Tô do người Chàm đặt. Hai bên bờ phá không có xóm người ở. Nhưng chính giữa phá đã có lớp người dựng lên làng mạc hẳn hoi. Qnuanh năm họ sống về nghề chài lưới. Họ là người của nhiều làng, nhiều nước. Nghe đâu có cả người Trung Quốc và dân Chiêm Thành nữa. Họ gặp nhau trong cảnh làm ăn hay trên đường lưu lạc. Rồi từ quen biết đến thân yêu, họ thành lập một làng sống với nhau trên mặt nước. Làng ấy là một khoảng phá lan dài trên tám dặm nước. Họ toàn là kẻ tha phương ở với nhau lâu ngày, tình liên lạc trở nên đậm đà và bát ngát.
Làng ấy không có tên và chỉ lấy chữ Làng vẻn vẹn. Nhưng dân chài lưới lại hiểu một cách sâu xa thấm thía. Động ai nhắc đến tên Làng là lòng họ đã thấy nhớ nao nao.
Dân trong Làng thường đi làm ăn phương xa, nhất là vào đầu mùa thu. Vì hồi ấy nước nguồn đổ xuống nhiều. Ở đâu có nước ở đó là nhà. Người chài lưới đã quen sống lênh đênh nên không biết ngại ngùng trên những dòng nước lạ. Họ cắm thuyền bất cứ đâu. Đời họ đã quen với phá rộng, với sông dài. Cách giao tiếp dễ dàng như con với mẹ.
Năm tôi hai mươi tuổi thì Làng được trên hai trăm dân. Hàng năm vào tháng bảy tôi đã chèo thuyền đi về phía Thuận An. Cuối năm nào tôi cũng gắng về Làng rất đều đặn. Vì đêm ba mươi tết, dân Làng có tục lệ hội họp chung quanh am. Xa cách mấy tháng liên tiếp nên đêm ấy họ nhao nhao hỏi nhau rối rít. Vì hàng năm chỉ đêm ấy họ mới biết số dân Làng đã thêm bớt bao nhiêu.
Cuộc họp mặt ấy rất vui. Họ thả lưới cầu may vào khoảng ba giờ sáng. Sợ nhất là bắt được lươn chình. Vì đó là điềm rủi. Trong lưới được bao nhiêu tôm cá họ đều đổi cho nhau cả. Tục lệ trao đổi ấy cũng như quà biếu đầu năm. Nhưng ở đây vui hơn. Vì không ai mất tiền mua quà cả.
Buổi chài lưới đầu năm họ chia cho nhau chứ nhất định không bán. Các chợ Tết ở làng mạc phố phường vì thế không có tôm.
Dân Làng xem đó là một sự hãnh diện tự chủ của đời sống bềnh bồng trên mặt phá mênh mông.
Cuối năm thìn tức năm Thành Thái Lục Niên, tôi đang ở Kim Long gần Quảng Trị. Tôi định ăn Tết một năm ở đấy cho vui. Nhưng không hiểu sao chiều hai mươi tám tết, tôi tự nhiên thấy bồn chồn một cách lạ. Tôi nghĩ chắc có chuyện gì không hay xảy ra.
Buổi chiều, tôi nhất định chèo thuyền về Làng. Từ phá Tam Giang đến Cầu Hai cách nhau ngót năm cây số. Tôi phải chèo suốt ngày đêm. Lúc nào nấu ăn thì tìm bờ cắm thuyền lại.
Dọc phá tôi mới sực nhớ năm nay đến phiên tôi "hương khói" Am Cô Giang và tôi tự bảo có lẽ vì thế nên "ông bà" bắt mình nóng lòng nóng ruột.
Am Co Giang là nơi dân Làng đến gửi lư hương nhà trước khi đi làm ăn xa. Người có mặt sẽ cúng thay người vắng mặt. Và hàng năm Làng cử một người đến am cúng bái trong ba ngày tết.
Chiều ba mươi lúc mặt trời sắp tắt, thuyền tôi đã đến đầu làng Mỹ Lợi. Tôi nhắm chừng chân đèo Phước Tượng chèo tới mãi. Nhưng càng đến gần sương mù càng sa xuống nặng. Sau tôi thấy như khói đặc từ mặt nước bốc lên không. Mặt phá vì thế trông mông lung không bờ bến. Xa xa, đèo Phước Tượng như trôi dập dìu trong ngàn mây trắng.
Đến am Cô Giang vào khoảng mười một giờ khuya. Tôi nhận thấy chung quanh không có bóng thuyền nào cả. Tôi tin thuyền dân làng đang lẩn trong sương đêm còn phủ đầy mặt phá.
Khí lạnh bắt đầu bao vây cả người tôi. Tôi mặc thêm cái áo đen dài nữa. Cắm thuyền xong tôi liền bước chân lên một tảng đá lớn. Nước lấp lánh trong khe đá như thủy tinh. Sau một làn sóng dội, nước trong mấy lạch đá cùng một lần hòa nhịp phập phồng theo. Tôi chúm chân lấy thăng bằng rồi đi thẳng vào am. Đứng trên tảng đa cao, tôi đưa mắt nhìn mông ra xa. Tôi cũng không nhận thấy bóng thuyền nào cả.
Sương xuống dày quá và tôi run cả ngưới. Quanh tôi trời nước mênh mang. Xa xa dãy núi Trường Sơn phủ đầy mây đã như một ngọn sóng thần tung bọt đổ xô về phía tôi. Tôi tự thấy mình nhỏ quá và con thuyền trước mắt không hơn gì một ngọn lá tre. Tôi sợ quá đền muốn kêu lên một tiếng thật lớn. Nhưng tôi vẫn không dám.
Ngay lúc ấy, ở triền núi Bạch Vân có mấy ánh đèn của chùa Linh Sơn nổi bật lên trong đám cỏ cây trùng trùng điệp điệp. Có lẽ chùa đang cúng lễ giao thừa. Nhìn được ánh đèn xa, lòng tôi cũng thấy bớt sợ.
Muốn đáp lại dấu hiệu che chở của nhà chùa, tôi liền thắp đèn trong am thật sáng.
Đèn Am vừa bật lên, một cảnh đẹp kỳ dị đã phơi ngay trước mắt tôi. Lẩn trong sương mù, mấy trăm chiếc thuyền Làng đều lên đèn một lượt. Ngọn đèn xao động trông hơi mờ và xanh nhạt. Thuyền Làng trôi từ từ nên ánh đèn cứ thay đổi chỗ mãi. Trước cảnh xinh đẹp ấy, tôi hối hận đã dám nghi dân làng quên cuộc họp hàng năm.
Sương mù càng sa dày hơn nữa và tôi cảm thấy nằng nặng trên hai vai. Khí lạnh như cố ôm riết người tôi. Tôi không cử động được.
Không biết tại sao lúc ấy có cái gì rờn rợn và bắt tôi rùng mình. Tôi gọi lớn tên mấy người bạn tôi quen. Ở đằng xa thoang thóang có mấy người lao xao đáp lại. Nhưng tôi cũng không nhận rõ được ai. Hơi lạ là tiếng chuông chùa Linh Sơn tuy nhỏ và xa, tôi vẫn nghe rõ lắm. Tôi nghĩ dân làng kiêng không cho thuyền mình đến gần - như người ta kiêng xông nhà, đào đất - nên không gọi nữa.
Thuyền Làng bắt đầu chèo quanh am làm tôi nhìn theo chóng cả mặt. Ban đầu ánh đèn còn đi chậm, sau đi nhanh, sau cùng đi nhanh quá đến nỗi tôi thấy toàn người như đảo lộn. Đứng không vững tôi liền tìm thuyền xuống nằm và ngủ quên lúc nào không biết.
Sáng dậy bước ra khỏi mui thì trời đã bừng sáng. Sương đã tan và mặt nước tươi xanh như mới nhuộm. Tôi dụi mắt nhìn lại mặt phá thì không thấy thuyền Làng đâu cả. Chưa biết duyên cớ gì tôi đã sợ lạnh cả người. Chèo thuyền đi hỏi mấy làng lân cận thì họ bảo:
- Trận bão dữ dội ngày mồng hai tháng tám năm Thìn, thuyền và dân làng đã chìm và chết hết.
Nghe xong, tôi buồn uất, khóc không ra tiếng. Từ đó, tôi cứ chèo thuyền làm ăn thật xa, không mấy khi trở về làng. Về thêm khổ, và về với ai?"