-
"Là một người Việt Nam , tôi đã có biết qua cách xử sự của ông Henry Kissinger trước họ rồi , nên tôi nói chuyện đó cho cả người Do Thái và người Ai Cập biết là : " Hãy coi chừng phương pháp của ông ta, nguy hiểm lắm, nó không giải quyết được bài toán nào hết mà nó chỉ có né tránh vấn đề thôi".Chúng ta đang ở vào tháng hai năm 1975 . Sự cảnh cáo nầy đáng được lưu ý lắm - vì đó là lời nói của ông Thiệu - một người không thiếu kinh nghiệm chút nào: năm 1972, ông đụng nhẹ với một ông Kissinger đang nóng lòng muốn chấm dứt cuợc chiến ở Đông Dương. Nhận xét của ông Thiệu thấy có vẻ hơi nghiêm khắc, và một phần vì mối hận của một nguyên thủ quốc gia đang bị gài vào quá nhiều khó khăn to lớn.
Nhưng sau hai năm thi hành ‘’Ngừng Bắn’’ vẫn không còn một ảo tưởng nào nữa ! Trên lý thuyết, cuộc chiến lẽ ra phải được chấm dứt sau khi Hiệp Định Paris tháng giêng năm 1973 được kỳ kết, nhưng chiến cuộc không bao giờ chấm dứt. Nó vẫn được tiếp tục và thường xuyên gây ra hằng trăm người chết mỗi ngày, và trong hai năm liền như vậy phải có hơn 150.000 nạn nhân. Và chiến cuộc nầy không nghiêng phần thắng lợi chút nào về phía các đồng minh của Hoa Kỳ. Ở Cam Bốt, Khờ Me Đỏ chận sông Cửu Long, cắt đứt đường lưu thông không cho các đoàn ghe tàu tiếp tế cho thủ đô Pnom Penh, đang bị bao vây và bị bắn hỏa tiển vào hằng ngày. Thủ đô nây vẫn còn sống được là nhờ một cây cầu Không Vận của Không Lực Hoa Kỳ.
Ở Miền Nam Việt Nam, lần đầu tiên cán cân quân sự nghiêng về phía cộng sản.Một nhà ngoại giao Nam Hàn làm việc tại Sài Gòn đã nói lên một cách tức giận:
‘’Nền hòa bình trong danh dự của ông Nixon hả ? - Nó chỉ là một sự gian lận dị thường của thế kỷ mà thôi !’’Thật vậy, đến ngày nay hình như sau bốn năm và mười tháng thương thuyết hết sức vất vả và chán chường, Hiệp Định Paris chỉ là một sự mua bán hớ, hớ quá lớn mà thôi.
Nhưng ai mới thật sự có trách nhiệm về sự phá sản của Hiệp Định nầy ? Hoa thạnh Đốn hay Hà Nội ?
Muốn đánh giá trách nhiệm của Hoa Kỳ và của Bắc Việt, thì phải trở lùi lại một ít về dĩ vãng, và trước hết phải thử tìm hiểu xem tại sao và bằng cách nào mà hai đối thủ đó đi đến chỗ phải ký vào Hiệp Định Paris .
Vào cuối tháng ba năm 1972, Hà Nội tung ra một cuộc tấn công dữ dội vào Miền Nam Việt Nam bằng các sư đoàn thiện chiến của họ với sự yễm trợ của một lực lượng pháo binh phi thường và 700 chiến xa với gần 3000 bộ đội xe tăng vừa được huấn luyện xong 5 tháng thực tập ở trường Thiết Giáp Odessa bên Liên Xô. Sau vài thất bại liên tiếp ở địa phương lúc bắt đầu cuộc chạm trán, và mặc dầu có những sự tiên đoán bi quan nhất, Quân lực Miền Nam vẫn không bị sụp đổ. Họ vẫn giữ vững phần lãnh thổ của họ một cách đáng khen. Khả năng tác chiến của họ được củng cố rất vững mạnh.Trong vòng 3 tháng (từ tháng 5 đến tháng 7) 84.000 tân binh đã hoàn tất thời gian thụ huấn và đã kịp thời bổ sung đày đủ cho các đơn vị bị tổn thất. Sài Gòn thu nhận quá nhiều tân binh tình nguyện cho các đơn vị tinh nhuệ - Hải Quân, Nhảy Dù và Biệt Động Quân- đến đỗi Chánh Phủ phải cho ngưng phần trưng binh. Hoa Kỳ đã cung cấp một hỏa lực yễm trợ rất hùng hậu. Được gởi đến từ Hoa Kỳ để xung vào trận chiến có các đơn vị chuyên viên Mỹ trang bị hỏa tiễn chống tăng TOWS và các trực thăng võ trang ‘’Cobra’’ sát thủ rất đáng sợ của chiến xa địch. Không Lực Hoa Kỳ xử dụng các loại ‘’bom tinh khôn’’ được hướng dẫn bằng ‘’laser’’ hoặc bằng một hệ thống máy ảnh truyền hình được gắn thẳng vào đầu bom, nên đã đem lại một sự can thiệp hết sức chính xác và thật hữu hiệu hơn bao giờ hết.
Ngày 8 tháng 5, TT Nixon đã cho thả mìn phong tỏa tất cả các hải cảng Bắc Việt . Từ ngày 18 đến 29 tháng 12, Không Quân Chiến Lược Hoa Kỳ dội bom Hà Nội và Hải Phòng . Đến ngày thứ 9 của chiến dịch không tập ngắn ngủi nhưng rất dữ dội nầy, tất cả hệ thống phòng không Bắc Việt đều bị sụp đổ. Tất cả các vị trí ‘’ra đa’’ đều bị triệt tiêu, các sự liên lạc vô tuyến điện thoại hoàn toàn bị rối loạn. Mọi sự cố gắng để bổ sung hay thay thế 1.200 hỏa tiển SAM được bắn đi trong vòng 8 ngày qua trên thực tế đều được coi như không thể thực hiện được vì số hỏa tiển dự trữ đã cạn mà các hải cảng thì đã bị khóa chặt. Đến đỗi trong hai ngày chót của cuộc không tập, không có một B.52 nào bị bắn hạ. Và giả sử như cuộc không tập không được chấm dứt ngày 29 tháng 12 thì gần như có thể các pháo đài bay của Hoa Kỳ đã san bằng Miền Bắc và có thể Bắc Việt bị hành tội thế nào cũng được .
Một chi tiết rất có ý nghĩa: Trong suốt thời gian Hoa Kỳ leo thang trừng phạt Hà NộI, về phía Mạc tư Khoa không nghe thấy có một lời chỉ trích hay một tiếng phản đối nào !
Trên trận địa, sự tấn công của Bắc Việt bị bẻ gãy. Trong 40 tỉnh thị của Miền Nam không có một nơi nào bị cộng sản Bắc Việt chiếm giữ được, trừ tỉnh Quảng Trị, mà các đơn vị nhảy dù của Miền Nam đã tái chiếm lại sau 6 tuần lễ tác chiến đẫm máu.
Vào lúc mà TT Nixon cho ngưng cuộc không tập ở Bắc Việt , không có một ai còn có thể nghi ngờ về thế thượng phong của Hoa Kỳ trên bàn hội nghị.
Nhưng trên thực tế, sự phản đối của dư luận ở Hoa Kỳ càng ngày càng tăng, và áp lực của Quốc Hội Hoa Kỳ đã buộc ông Nixon phải cho ngưng ngay hành động của Không quân chiến lược, và vì thế mà ông Nixon không khai thác được lợi thế của ông ta trên bàn hội nghị. Do đó ông không thể có được một sự nhượng bộ nào của phía Bắc Việt để có thể thực sự chấm dứt được chiến cuộc. Đó là: Bắc Việt phải rút hết quân số các sư đoàn Bắc Việt đã xâm nhập và đang trú đóng ở Miền Nam .
Sự thực là hầu hết người Mỹ bị ảnh hưởng vì các chiến dịch có hệ thống của báo chí; dân chúng Mỹ bị xúc động vì các cuộc biểu tình liên tục của các phong trào phản chiến đòi hòa bình; Họ quá mệt mỏi vì chiến cuộc kéo dài quá lâu mà không chấm dứt: Họ lo âu vì không thấy được viễn ảnh của hòa bình, một nền hòa bình ‘’công bằng và lâu bền’’. Cho nên họ đều mong muốn Hoa Kỳ nhanh chân rút ra khỏi ‘’vũng lầy Việt Nam’’, đem các phi công tù binh ở Bắc Việt và tất cả binh sĩ Hoa Kỳ ‘’còn lại ở Miền Nam’’ về nhà cho họ.
Hà Nội thấy rõ chuyện đó. Không cần đi sâu vào vấn đề, chỉ với một lời ‘’hứa suông’’ là chấm dứt chiến tranh, và đoan chắc là các tù binh Mỹ sẽ được hồi hương, là bảo đảm Chánh trị Bộ cộng sản Bắc Việt đã nhận được mọi sự nhượng bộ tối đa của Kissenger rồi.
Việc ký kết Hiệp Định Paris đã bảo đảm cho Bắc Việt một loạt lợi thế quan trọng. Thật vậy, Hà Nội đã đạt được :
(1) -một sự nghỉ ngơi tức thời, giúp cho Bắc Việt sửa chửa mọi thiệt hại lớn lao mà Không Lực Hoa Kỳ đã gây ra cho toàn bộ hệ thống giao thông và phân phối trong nội địa.
(2) - mở lại được các hải cảng, vì tất cả các ngỏ vào đều đã bị gài mìn từ 8 tháng nay, và do cuộc phong tỏa của Hạm Đội 7 mà mọi tàu bè thuộc khối cộng sản quốc tế đã bị ngăn cản không vào được hải phận Bắc Việt (chú thích của tác giả: Hà Nội nhập cảng mỗi năm 1 triệu tấn ngũ cốc từ các nước thuộc khối cộng sản quốc tế, không kể thực phẩm khô cho cả quân đội nhan dân)
(3) -tất cả các lực lượng Hoa Kỳ đang ở Miền Nam Việt Nam phải rời khỏi nơi đây trong vòng sáu mươi (60) ngày và phải mang theo tất cả mọi chiến cụ.
(4) Ngoài ra, Hà Nội còn tự thấy mình được nhận thêm một phần thưởng, nhờ ở sự công nhận những ‘’lõm da beo’’ rất quý báu, những lãnh địa thực sự nằm trong lãnh thổ Miền Nam nhưng không thuộc quyền kiểm soát của Miền Nam Việt Nam , bao nhiêu lõm là bao nhiêu căn cứ xuất phát cho hành động quân sự của các đơn vị Bắc Việt trong tương lai.
Trong khi đó, Chánh Phủ Sài Gòn (VNCH) không được phép đòi hỏi một điều gì cả. Chánh Phủ nầy chỉ còn biết có một việc phản kháng trong mỗi cơ hội về sự duy trì bất hợp pháp của một ‘’lực lượng xâm lăng cộng sản 170.000 người ở Miền Nam Việt Nam ‘’
Hoa Kỳ, thỏa mãn vì cuối cùng được nắm trong tay bản văn Hiệp Định về hòa bình ‘’của mình’’, (nguyên văn của tác giả: ‘’son’’accord de paix), rất lấy làm thích thú về sự khéo léo của ông Kissinger. Một bản Hiệp Định dù là xấu vẫn còn hơn là không có một bản Hiệp Định nào ? (nhưng thật sự là một bản dịchko thiếu một dấu phẩy, từ bản văn tiếng Việt mà tác giả là cộng sản Bắc Việt: chú thích của người dịch)
Cảm giác khoan khoái mang đến do sự ký kết ‘’Hiệp Định Ngừng Bắn’’ và sự trở về như trong chiến thắng của các phi công tù binh, được hoan hô, được choàng vòng hoa và tặng quà. . ., lên cao đến độ nếu có ai đó liều lĩnh nói lên một sự dè dặt tối thiểu nào, đều sẽ thấy mọi người coi mình như một ‘’thằng chống cộng điên khùng’’.
Thế nhưng chỉ cần nhắc lại là
‘’Hiệp Định năm 1962 về vấn đề trung lập hóa nước Lào’’, đối với Bắc Việt không có một lý do nào khác và không có một kết quả thực dụng nào khác ngoài việc bảo đảm cho họ được xử dụng đường mòn Hồ chí Minh, mà nếu không có con đường nầy thì Bắc Việt không bao giờ xâm nhập hoàn toàn tự do được các quân binh chủng của họ vào Miền Nam , để hỗ trợ cho các cuộc tấn công của bộ đội chánh quy Bắc Việt vào Miền Nam Việt Nam .
Tại Sài Gòn bài toán về quân số của việc ngừng bắn đã được đặt ra. ‘’ Ủy Ban Quốc Tế Kiểm Soát Ngừng Bắn’’ được thành lập cho nhiệm vụ nầy có một quân số là 1.160 người thuộc 4 quốc gia : Hung gia Lợi, Ba Lan, Gia nã Đại và Nam Dương. Với một quân số it ỏi như thế, trên một lãnh thổ rộng bao la với những khó khăn về địa thế mà Ủy Ban phải quan sát, tất cả đều hạn chế tối đa khả năng điều tra của Ủy Ban nầy rất nhiều .
Vào năm 1954, trong lúc các cuộc thương thuyết dẫn đến sự ký kết Hiệp Định Genève, phái đoàn cộng sản Việt Nam đã đòi hỏi phải giữ lại các đơn vị ‘’du kích quân’’ được đóng quân ở Miền Nam trong những nơi mà họ gọi là ‘’khu giải phóng’’. Một cuộc nghiên cứu trong lúc đó do các chuyên viên quân sự Pháp đã ước tính quân số của Ủy Hội Quốc Tế cần thiết để kiểm soát các khu đó phải lên đến 70.000 (!) dĩ nhiên còn nhỏ hơn vào năm 1973. Lúc bấy giờ đứng trước một sự khó khăn quá phức tạp như thế, ông Mendès France đã khôn khéo chọn giải pháp chia đôi nước Việt Nam . Và quân đội Pháp đã đưa (‘’tập kết’’) hết ra Miền Bắc các cán bộ và những đơn vị cộng sản đã hoạt động trong 9 năm ở Miền Nam.
Vào năm 1973, chẳng những các thành viên quốc tế đã quá ít mà Ủy Ban Quốc Tế Kiểm Soát Ngừng Bắn còn phải theo nguyên tắc ‘’đồng thuận’’ của cộng sản nữa. Do đó, trên thực tế điều nầy đã làm cho Ủy Ban không làm được việc gì cả. Những sáng kiến của hai phái đoàn Gia nã Đại và Nam Dương có thể bị phái đoàn Ba Lan và Hung gia Lợi ngăn cản bất cứ lúc nào. Không có một cuộc điều tra nào được tiến hành riêng lẻ, do những thành viên của một phái đoàn duy nhất nào đó đơn phương tiến hành.. Có một số thành viên thuộc phái đoàn Gia nã Đại đã liều lĩnh đi vào khu vực cộng sản sau một biến cố nào đó, đã bị bắt ngay lập tức, nhốt , và đối xử như những tù binh thường trong nhiều ngày.
Từ đầu tháng 3, cộng sản đã cho xâm nhập chiến cụ nặng và nhiều chục ngàn người vào các vùng thuộc quyền kiểm soát của họ ở Miền Nam Việt Nam. Đây quả là một sự vi phạm trắng trợn nếu không muốn nói là quá rõ ràng và công khai Hiệp Định Paris về Ngừng Bắn 1973.
Ngày 15 tháng 3, TT Nixon trong một buổi họp báo đã tuyên bố : ‘
’chúng tôi đã nói cho Bắc Việt biết rằng chúng tôi rất đỗi quan tâm về những cuộc xâm nhập quan trọng như vậy, cũng như về các hành động vi phạm lệnh ngừng bắn mà Bắc Việt đã ký kết. . Bắc Việt không nên xem thường loại quan tâm nầy của chúng tôi .’’.
Một tháng sau đó, ông Nixon chuẩn bị tái oanh tạc Miền Bắc nhưng ông cho ngưng ngay lệnh đó đúng vào cái ngày mà John Dean ra làm chứng trước tiểu ban điều tra của Quốc Hội về vụ việc Watergate.
Tại Việt Nam, cộng sản với quyết tâm ngăn cản mọi công tác kiển soát trong những vùng mà họ đang xâm nhập và chiếm giữ bất hợp pháp, đã không ngần ngại bất chấp nguy hiểm đã tổ chức bắn hạ các trực thăng của Ủy Ban Quốc Tế bay đúng tầm của hỏa tiển với lý do là các trực thăng đó đã ‘’vi phạm vùng trờI’’ (danh từ của cộng sản ) của họ. (đáng kể nhất là những ngay 1, 7 và 9 tháng 4/73 và ngày 7/5/1973). Sau đó họ còn nã bách kích pháo và bán róc kết vào các thị trấn nào (trong những vùng yếu điểm của họ) đã có hay có dự trù cho các toán Kiểm Soát Ngừng Bán trú đóng, như Lao Bảo, Vị Thanh, Đức Cơ, Xa Mát, Ben Hét, Tri Tôn. Các Toán Quốc Tế Kiểm Soát Ngừng Bắn đã phải rút đi (hai toán Hung gia Lợi và Ba Lan bỏ đi trước nhất), trực thăng của Ủy Ban Quốc Tế vẫn còn đậu tại bãi đáp. Toán Gia nã Đại ngao ngán quá cũng phải rút đi vô điều kiện. Và Ủy Ban Quốc Tế Kiểm Soát Ngừng Bắn coi như vô hiệu, chẳng làm được gì !
Lúc bấy giờ Bắc Việt mới áp dụng chánh sách chuyển dân vào ở đầy các khu vực vắng người vừa rơi vào sự kiẻm soát của họ. Như vậy là Bắc Việt đã theo đúng chiến thuật ‘’Đồn điền’’ hay là di dân chìếm đất do những người Bắc đã áp dụng trong thế kỷ XV để xâm chiếm và chế ngự nước Chàm. Chiến thuật nầy gồm có việc cho xâm nhập vào đất địch từng nhóm dân-quân nhỏ để chiếm đất và làm quen với vùng đó. Nếu người chủ đất có đòi tài sản của họ thì người chìếm đất vừa đánh vừa kêu cứu với bộ đội Bắc Việt. Nếu mọi việc êm xuôi hay các khó khăn được giải quyết xong thì một toán khác lại được đưa tới xa hơn chút nữa. Tất cả các toán xâm chiếm đất đai nầy được nối kết với nhau thành một cấu trúc tỏa rộng ra bắt rễ từ biên giới. Các toán chiếm đất nầy tiến dần tới giống như các chân bám của vòi con bạch tuộc khổng lồ. Hà Nội núp sau bình phong chánh trị của cái gọi là Chánh Phủ Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam (GRP) đã áp dụng đúng phương pháp cũ của tổ tiên họ nhằm xâm chiếm và với mục đích chuyển các vùng đất chiếm được của Miền Nam, của Cam Bót và của Vương quốc Lào thành đất Bắc Kỳ (nguyên văn của tác giả: Tonkin), cũng như các ‘’ lõm da beo’’ mà họ đã giành được từ sau ngày ngừng bắn.
Hà Nội cứ tiếp tục bành trướng các sào huyệt không ai nhìn nhận đó, để lúc nào cũng hợp thức hóa được sự can thiệp của các đơn vị bộ đội Bắc Việt vì đó là những nơi cung cấp tin tức và yêm trợ tiếp vận rất cần thiết cho sự tiến quân của họ trong tương lai..
Trên phuơng diện chánh trị, đối với các quan sát viên không được thông báo trước , những cộng đồng vừa mới được tạo dựng nầy sẽ giúp cho Bắc Việt trình diễn về số dân chúng đối lập ‘’thực sự’’ của chế độ Sài Gòn . Nếu có bầu cử thì những cộng đồng nầy sẽ bảo đảm biết bao nhiêu là phiếu đối lập. Được tập trung dính liền với nhau và chặt chẽ bảo vệ dọc theo đường mòn Hồ chí Minh, những ‘’đồn điền‘’ nầy thật sự là một vùng bàn đạp được cấm sâu vào giữa miền Nam Đông Dương để từ đó các cấu trúc được mở rộng thêm ra.
Lần lần, nhờ các cuộc chuyển dân và đóng các chốt quân sự, các đại đơn vị cộng sản mới trú đóng được khắp các xóm làng. Đường sá và ruộng đồng được mở rộng thêm ra. Nền hành chánh được thiết lập sau đó. Các cán binh của Hà Nội ngụy trang thành dân chúng, được thúc đẩy lập gia đình tại chỗ với các thiếu nữ Miền Nam. Trong hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định, cũng như ở Cam Bốt, thì hình như cộng sản thành công trong kế hoạch nầy. Trong những vùng ít dân cư thì bộ đội được tái hôn với những thiếu nữ người Bắc được chuyễn vào Nam theo kế hoạch nầy (khoảng 10.000). Đôi lúc thì tự nguyện nhưng thường thì bị ép buộc, (đặc biệt là các nữ y tá, bác sĩ hay giáo viên) những cô gái nầy gốc người Miền Nam nên chỉ thích lập gia đình với cán binh người Miền Nam hơn. Trên thực tế, những cô gái Miền Bắc thường lập gia đình với các chàng trai Miền Bắc vì những chàng trai nầy thuộc số đông, và đã có với họ những mối tương quan về ngôn ngữ, phong tục tập quán, và ăn uống. Một vài phần tử gọi là ‘’cách mạng’’ người Nam còn được ở trong những vùng mới chiếm giữ đều đã quá tuổi 40. Một số người già từng được xử dụng trong bí mật, thường là độc thân, được giao cho trách nhiệm phụ và họ không sống chung đụng với người Miền Bắc . Sự chiếm hữu đất đai của Miền Nam cũng được tiến hành bằng cách chuyển nguyên các làng từ Miền Bắc vào. Những người Việt Nam định cư ở Lào và Cam Bốt từ nhiều thế hệ trước đã bị dời vào Miền Nam hoặc bị tập trung vào ở với những thương binh mà cộng sản Bắc Việt không thể di tản được và những tù binh chiến tranh già yếu được Chánh Phủ Sài Gòn phóng thích, để lập thành những vùng đông dân cư mới, có thể được nâng lên thành ‘’quận lỵ’’. Kế hoạch di dân bắt buộc nầy, sự thành công của hành động xâm chiếm ồ ạt và lặng lẽ nầy, đã liên hệ trực tiếp đến sự vô hiệu hóa các cơ cấu kiểm soát ngừng bắn. Điều náy giải thích rõ ràng cách thức mà Bắc Việt đã nhanh chóng và tàn bạo xử dụng để làm cho những thành viên quá tò mò của Ủy Ban Quốc Tế phải đứng xa ra khỏi vùng ảnh hưởng của họ.
Để đương đầu với chánh sách táo bạo và gây hấn nầy của Bắc Việt, để bảo đảm thi hành Hiệp Định Paris, phản ứng của Hoa Kỳ xét ra cũng không có gì lạ hết. Khi TT Nixon thử xin ngân khoản mới cho Cam Bốt, vào lúc Khờ Me Đỏ được 2 sư đoàn Bắc Việt tăng cường đang gây nhiều thiệt hại nặng nề cho phía Chánh Phủ thì Quốc Hội đã trả lời bằng cách bắt buộc Không Lực Hoa Kỳ phải chấm dứt oanh tạc vào các vị trí cộng sản bắt đầu từ ngày 15 /8/1973.
Vào tháng 11/1973, cũng Quốc Hội nầy đã bỏ phiếu chấp thuận Nghị Quyết về Quyền Lực Chiến Tranh, để ngăn cấm Tổng Thống Hoa Kỳ từ nay nếu chưa có sự chấp thuận của Quốc Hội thì không được phép xử dụng quân lực Hoa Kỳ để phòng thủ bất cứ phần đất nào của Đông Dương .
Vào mùa hè năm 1974, Tổng Thống Nixon từ chức vì vụ tai tiếng của Watergate. Lúc đó các dân biểu và nghị sĩ Quốc Hội mới xem xét kỹ các đơn xin viện trợ do Kissinger trình lên. Họ thấy quá cao nên họ cắt bớt viện trợ quân sự cho Việt Nam chỉ còn lại phân nửa.
Nhưng lúc nầy tình hình quân sự ở Miền Nam rất là trầm trọng. Tướng Cao văn Viên Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH) rất lo ngại. Tướng Nguyễn khắc Bình, Giám đốc Trung Ương Tình Báo đã trình cho ông một bản phúc trình dài về tình hình dàn quân của các đơn vị cộng sản Bắc Việt ở Miền Nam . Phúc trình viết :
‘’Cuộc đe dọa về quân sự của địch đã hết sức là trầm trọng. Trong khi Hoa Kỳ giảm đến một nửa ngân khoản viện trợ quân sự cho Miền Nam Việt Nam, thì Liên Xô đã tăng cường gắp đôi phần chiến cụ của họ và phần viện trợ tài chánh cho Miền Bắc (1 tỷ 700 triệu mỹ kim cho năm 1974). Bắc Việt đã tiếp tục cho xâm nhập cán binh và chiến cụ từ Miền Bắc liên tục từ sau ngày ngừng bắn. Chúng tôi ước tính lên đến 80.000 cán binh, 600 chiến xa, 500 khẩu pháo và 200 khẩu phòng không, tất cả đều vượt vĩ tuyến 17 không qua các cửa khẩu do Hiệp Định Ngừng Bắn đã ấn định. Ngoài ra, trong số 30.000 tù binh vừa dân sự vừa quân sự được chúng ta trao trả theo đúng các điều khoản của Hiệp Định, thì hai phần ba (2/3) được bổ sung vào các đại đơn vị của Bắc Việt đồn trú trong Miền Nam. Số lượng chiến cụ và sự phân phối cấp phát được tăng thêm gấp bội: các đơn vị đều có phóng pháo xa 122 ly và hỏa tiển SA 7, 300 khẩu đại pháo 130 và 100 khẩu pháo 152 để tăng cường cho các đơn vị pháo binh tầm xa, và những đơn vị chiến xa T.54 . Quân số cộng sản bây giờ đã vượt quá mức quân số của họ trước cuộc tấn công năm 1972; 310.000 người trong đó có 170.000 cán binh và 60.000 cán bộ chánh trị gốc Miền Bắc. Bản đồ trận liệt của cộng sản được tái tổ chức như sau : 17 sư đoàn bộ binh với quân số đầy đủ đang đóng trong Nam (7 sư đoàn ở Vùng I từ vĩ tuyến 17 đến Đà Nẵng, 5 sư đoàn ở Vùng II, cao nguyên Trung phần, 3 sư đoàn ở Vùng III, giữa vùng Mỏ Vẹt tới Sài Gòn ,, và 2 sư đoàn ở Vùng IV trong đồng bằng sông Cữu Long và rừng U Minh. Trừ bị thì có 40.000 cán binh Bắc Việt đóng ở Cam Bốt và 50.000 đóng ở Lào)Việc ngưng dội bom đã giúp cho Bắc Việt mở rộng và cải thiện tất cả các đường giao thông cũ của họ từ phía Nam vĩ tuyến 17 , đặc biệt là tất cả các tuyến đường dẫn về phía Đông của đường mòn Hồ chí Minh.Tất cả các tuyến đường và lộ trình xâm nhập đêu được củng cố để có thể xử dụng được suốt 4 mùa. Công tác củng cố đã chẳng những đạt được bề dài mà cả khả năng lưu lượng của tuyến đường vớị 1500 xe cam nhông mỗi tuần, đã vượt mức cao nhất cho tới nay. Các đường liên lạc ngang cũng chưa bao giờ được bỏ qua.Ống dẫn dầu đặt dọc theo đường mòn Hồ chí Minh được tăng lên gấp đôi và được kéo dài xuyên qua lãnh thổ phía Đông của Cam Bốt đến tận vùng ‘’Mỏ Vẹt’’, chỉ còn cách Sài Gòn có 80 cây số ngàn. Cuối cùng 12 phi trường đã được thiết lập ở phía Nam vĩ tuyến 17, từ sau khi có lệnh ngừng bắn : 6 trong số đó có khả năng nhận những phi cơ thường và phi trường Khe Sanh được hỏa tiển SAM 2 và SAM 3 bảo vệ mạnh mẽ nhất, có thể nhận các phi cơ loại nặng và các Mig 21. Các trực thăng vận tải lớn do Liên Xô chế tạo đã được thấy lên xuống nhiều lần ở các phi trường nầy. Có nhiều chỉ dấu chính xác cho thấy một cuộc tấn công quân sự quy mô có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tất cả những sự chuẩn bị đều xem như đã hoàn tất. Những kho dự trữ và các trạm tiếp vận lương thực đã được đặt xong, các bệnh viện hậu phương đã được bố trí sẳn sàng. Chiến trường cho mỗi sư đoàn cộng sản đã được tổ chức rất cẩn thận. Các vị trí cho cá nhân, cho từng loại vũ khí, các hầm trú ẩn, các trạm cứu cấp đã được đào và nghi trang rất cẩn thận, các mốc tác xạ đã được đặt xong, cự ly xa gần và máy nhắm cũng đã được tính toán xong. Về vấn đề nầy, chúng tôi xin nói thêm là các đường tiến quân dẫn đến tất cả các thành phố ở miền Trung và miền Đông của chúng ta có lợi thế cho các đơn vị tấn công Bắc Việt là nằm trong vùng rừng rậm, và dựa vào vô số đường mòn do máy ủi đất của những người làm rừng của chúng ta dọn mở ra từ trước . Tất cả các con đường nầy thường được dùng cho xe vận tải nặng chyên chở gổ súc, là những con đường tiến quân rất thuận lợi cho các chiến xa địch. Hệ thống các con đường mòn chằng chịt nầy đến một lúc nào đó sẽ giúp cho các chiến xa cộng sản thọc sâu nhiều mũi dùi bất ngờ xuất hiện vào tận hầu hết các vòng đai ngoại ô của mọi thành phố. Sự kiện Hoa Kỳ cắt viện trợ quân sự của chúng ta đã đưa chúng ta vào một tình thế thua sút rõ rệt. Chúng ta cần phải tiết kiệm đạn dược. Các quân xa và phi cơ của chúng ta chỉ nhận được có 50% cấp số xăng dầu so với lúc trước. Thiếu cả cơ phận thay thế, gần 30% Không Lực chúng ta bị bắt buộc phải nằm ụ tại chỗ. Bị bắt buộc phải giữ từng tấc đất mà không được dẫm chân vào chiến tuyến ngừng bắn, binh sĩ của chúng ta phân tán quá mõng, trong khi Bắc Việt là kẻ xâm lăng, lại được tự do tập trung lực lượng bất cứ chỗ nào mà họ muốn mà không lo sợ gì về một cuộc tấn công nào trên lãnh thổ của họ. ‘’ Bắc Việt đe dọa Miền Nam trên phương diện quân sự kèm theo áp lực về kinh tế lẫn chánh trị . Từ sau khi ký xong Hiệp Định Ngừng Bắn, nhà cầm quyền Bắc Việt đã làm đủ mọi cách để bẻ gãy nền kinh tế và tinh thần của dân chúng Miền Nam. Trước hết là họ vận động nhằm làm nản lòng đầu tư của ngoại quốc. Để làm việc nầy, họ đã mở ra ‘’chiến dịch thảo luận’’ căn cứ trên 4 đề tài chính:
(1)- một nguyên tắc về pháp lý: Miền Bắc cuối cùng đã thắng Miền Nam . Sự khẳng định nầy cứ được lập đi lập lại hoài không mệt mỏi trong hai mươi năm liền cuối cùng thì đạt được ảnh hưởng.
(2) - một bằng chứng sai bét về pháp lý kèm theo một sự đe dọa: ‘’ Hiệp Định Paris về Ngừng Bắn đã công nhận cái gọi là Chánh Phủ Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam (GRP) như là Chánh Phủ hợp pháp duy nhất chính thức của dân tộc Việt Nam, mọi Hiệp Ước ký kết với Chánh Phủ Sài Gòn đều không có giá trị, và có thể còn bị xem là một ‘’xúc phạm’’ với nhân dân Việt Nam ‘’
(3) - duy trì thật sự mối đe dọa quân sự và một không khí mất an ninh. An ninh và ổn định chánh trị luôn luôn là những yếu tố tốt nhất để thúc đẩy sự đầu tư. Làm rối loạn trật tự công cộng và an ninh nội địa, cho thấy lúc nào cũng có mối đe dọa về một cuộc xâm lăng quân sự,. . . . tất cả đều ảnh hưởng đến doanh nhân, hơn nữa Âu Châu sống trong thanh bình đã gần 30 năm rồi .
(4) - Sự đầu độc của báo chí Phương Tây theo luận điệu cộng sản, hay có lợi cho luận điệu của Hà Nội lúc nào cũng tiên đoán hay thích thú mô tả ‘’sự sụp đổ hiển nhiên và không thể tránh được‘’ của nền kinh tế Miền Nam Việt Nam
Lập luận cứ thế được mở rộng ra : kinh tế thì không có giá trị, chánh trị thì bắp bênh, pháp lý thì bất bình thường và theo cái nhìn lịch sử và trong tương lai thì sẽ thất bại.
Sự tuyên truyền thâm hiểm nầy hướng về thế giới bên ngoài lại được mở rộng gấp đôi ngay trong nước bằng một loạt hành động trực tiếp nhằm gây xáo trộn và làm sụp đổ sự phát triển kinh tế của Miền Nam Việt Nam .
Bắn phá và tấn công đồn bót. Dùng pháo binh bắn phá, phục kích các đoàn xe . Từ một năn nay, trung bình hằng tháng, các vụ ám sát tăng từ 22 lên 48, các vụ bắt cóc từ 50 lên 120, các cuộc tấn công từ 200 tăng đến 320. Cộng sản cũng tìm cách làm giảm giá trị đồng tiền của Miền Nam Việt Nam , mức tiết kiệm của người dân bị rút xuống vì sưu cao thuế nặng của Việt Cộng và tiền chuộc nữa. (Thuế tài sản và thuế lợi tức , thuế chuyên chở, tù binh muốn được thả cũng phải đóng tiền : 100.000 cho một binh nhì.)
Hà Nội nuôi các thành phần xâm nhập bằng cách cho lưu hành tiền giả cùng với chánh sách mua bán phá giá. Cộng sản mua gom gạo ở các chợ của Chánh Phủ VNCH với giá rất cao rồi đưa về tích trữ trong vùng của họ, gây ra một sự thiêu hụt và lạm phát. Đến khi các hợp tác xã dưới quyền kiểm soát của họ bán gạo ra, thì họ bán với một giá rất thấp so vơi giá bình thường. Có đôi khi số gạo của hợp tác xã là gạo của cộng sản cướp giựt của dân chúng từ Cam Bốt.
Bây giờ thì Chánh Phủ Miền Nam đang trải qua một thời kỳ nguy kịch. Với ngân sách quân sự và kinh tế của thời bình, Chánh Phủ phải đưởng đầu với những chi phí của thời chiến. Và còn có gần 1 triệu dân tản cư lánh nạn đang chờ được giúp đở từ năm 1972.
Hành động giảm viện trợ bất thần từ phía Hoa Kỳ đã kềm hảm tức khắc mọi khuếch trương. Vật giá leo thang đến một nhịp độ tăng nhanh không thể nói được. Từ tháng giêng năm 1973, đồng bạc bị phá giá đến 8 lần. Không khí chánh trị và xã hội rất nặng nề. Một cuộc khủng khoảng trầm trọng do các lãnh tụ đối lập gây ra trong mấy tháng nay đã làm lung lay Chánh Phủ trong lúc Chánh Phủ đang cố gắng lo đối đầu với những chỉ trích từ mọi phía.
Mọi việc đã bắt đầu từ tháng 5 1974, với một bản cáo trạng chống tham nhũng của Cha Thanh, một linh mục thuộc dòng Chúa Cứu Thế, đại diện cho một giáo khu nghèo nhất vùng ngoại ô Sài Gòn . Bản cáo trạng sau đó lại được sự ủng hộ của 301 tu sĩ công giáo, nhằm tố cáo Chánh Phủ trong vấn đề buôn lậu và hối mại quyền thế của một vài tướng lãnh và tỉnh trưởng.
Vấn đề được đưa ra thảo luận ở Quốc Hội. Cả ThượngViện và Hạ viện bàn cãi rất sôi nổi và rất hứng thú, nhưng cuối cùng thì ngòi nổ cũng được tháo gở một cách khéo léo và vẫn có lợi cho Chánh Phủ, để lại cho thính giả của cuộc tranh luận một ấn tượng về sự tự do phát biểu đúng mức.
Tuy nhiên không vì thế mà có thể dập tắt được hành động của những người chống đối. Nó được tái phát trở lại, dữ dội hơn, tai tiếng hơn và có phương pháp hơn, và lần nầy thì mủi dùi chỉa ngay vào Tổng Thống Thiệu, gia đình ông, và các cộng sự viên thân cận nhất của ông.
Ngày 8 tháng 9, 1974, ‘’Phong Trào Chống Tham Nhũng, Cứu Quốc và Kiến Tạo Hòa Bình’’ cho lưu hành một bản ‘’cáo trạng số 1’’, cáo trạng đầu tiên của một loạt 3 cáo trạng, phơi bày thực sự ra ánh sáng những sự lạm dụng công quỷ và những lợi tức bất hợp pháp.
Các tác giả của bản cáo trạng cho rằng sự tố cáo nầy dựa trên những chứng tích không thể chối bỏ được gồm có 6 điểm:
(1) - Tậu quá nhiều bất động sản : mua một biệt thự của hãng Shell cho con trai giá là 40 triệu đồng, mua cho vợ một cơ sở thương mại cũ của Công Ty Đất Đỏ, 90 triệu đồng, và một nhà ở Thụy Sĩ.
(2) - Lợi dụng chiếm đất: Tổng Thống Thiệu sẽ làm chủ một miếng đất 3 mẫu ở Dalat , một miếng đất nữa gần Giá Rai, trên Quốc lộ 1, và khai thác ở Long Khánh nhiều trăm mẫu nữa;
(3) -Dùng công quỷ giao cho công ty Hải Long tích trử phân bón , giám đốc công ty nầy là ông Nguyễn xuân Huyến, anh em bạn rể của Tổng Thống Thiệu.
(4) -Vấn đề ‘’Bệnh viện Vì Dân’’ do bà Thiệu và ‘’Hội Phụ Nữ Việt Nam Phục Vụ Xã hộI’’ đứng ra xây cất. Việc xây cất bệnh viện nầy, có 100 phòng miển phí cho người nghèo là nhờ vào tiền lời của quỷ xổ số quốc gia và tiền bán số hàng do quan thuế tịch thu trong 4 năm qua. Bà Thiệu bị cáo buộc là đã ‘’chọn lựa bênh nhân’’ và ‘’điều khiển các bác sĩ’’
(5) - Buôn bán ma túy: dựa trên cuốn sách của người Mỹ
‘’Những Chánh trị gia của bạch phiến ở Đông Nam Á’’ mà tác giả là ông M.W. Mac Coy, bản cáo trạng chỉ đích danh tướng Đặng văn Quang, cố vấn đặc biệt của Tổng Thống Thiệu về an ninh phòng thủ, người đích thân điều hành việc bán ma túy ra nước ngoài với sự đồng lõa của những hệ thống quốc tế dính với băng Tiều Châu của người Tàu ở Chợ Lớn.
(6) - Việc bán gạo ở miền Trung: Chánh Phủ tài trợ việc chuyên chở gạo trong vùng nầy nhằm ổn định nhu cầu của dân chúng, và cũng để giữ giá gạo ở đây không cao hơn giá gạo tại Sài Gòn. Việc tài trợ nầy lên đến 40 triệu đồng mỗi tháng. Công chức của Chánh Phủ mua gạo với giá thật thấp và bán ra cho bọn buôn lậu ở địa phương để chia với họ tiền lời và tiền trợ cấp.. Người khai thác việc chuyên chở nầy là ông Phạm Sanh, giám đốc ngân hàng Nam Việt, và người chịu trách nhiệm phân phối gạo là bà Ngô thị Huyết, dì của Tổng Thống Thiệu.
Đài phát thanh Hà Nội và báo chí của Chánh Phủ Bắc Việt cũng như sách báo thân cộng được Bắc Việt tài trợ ở Ba Lê và Âu Châu đã phổ biến rất rộng rãi bản ‘’cáo trạng số 1’’ nầy.
Ở Miền Nam Việt Nam song song với hành động của đối lập, cán bộ cộng sản đã tiến hành phổ biến tràn lan khắp nông thôn dưới hình thức truyền đơn hay các tờ quảng cáo truyền tay.
Chiến dịch đánh phá uy tín nầy lúc đầu chỉ nhằm vào các thành phố lớn, lần lần được lan rộng xuống các tỉnh, là một đòn rất nặng đói với uy tín của Tổng Thống Thiệu vốn vẫn còn được lòng trong hàng ngũ quân nhân và nông dân .
Một số sự kiện được nêu lên trong bản cáo trạng cần phải được làm sáng tỏ lại. Cần có một sự giải thích thật rõ ràng và chính xác mà chỉ có đích thân Tổng Thống Thiệu mới cung cấp được . Những sự kiện khác được nêu lên không được đày đủ hoặc không đúng sự thât.
Thí dụ như việc bán gạo. Nhân vật chính chịu trách nhiệm là ông Phạm Sanh, giám đốc ngân hàng. Ông đã bị trừng phạt, đã bị câu lưu từ tháng bảy, tài sản bị tịch thu, các chương mục đều bị phong tỏa, và đang chờ ngày ra Tòa.
Vấn đề độc quyền phân bón cũng vậy. Chánh Phủ đã có phản ứng kịp thời, bằng cách cho lịnh bán hết phân bón và tái phân phối cho nông dân với ‘’giá chánh thức’’ . Phía đối lập cho rằng đây là một quyết định đáng khen, nhưng đó chỉ là một nhát kiếm chém xuống nước mà thôi. Vì những đại lý bán sỉ người Tàu có mặt khắp mọi giai tần kinh tế trong nước đã thu xếp để mua lại số lớn phân bón đã bán lại đó, đến lượt họ đem về trữ lại, bảo đảm trước là họ sẽ có một số lời khả quan rồi, vì thị trường hối đoái ngoại tệ cứ tiếp tục đi lên.
Như thế thì Tổng Thống Thiệu sẽ phản ứng ra sao đây ? Đối với sự cáo buộc của phe đối lập, trước hết ông đã trả lời bằng một diễn văn dài trên hệ thống truyền hình về tình hình chánh trị của đất nước và cuộc chiến đãu cho sự tự do, có đề cập đến những ‘’lời gièm pha’’ được tung ra về cá nhân ông cho đó chỉ là một chuyện dàn dựng có ác ý "của cộng sản , và của những kẻ hợp tác và đồng lỏa với họ’’ mà thôi.
Nhưng đối với những sự kiện quá nghiêm trọng như việc buôn bán ma túy của tướng Quang, vị cố vấn của ông, và chuyện lương lẹo về đất đai và lợi tức bất chính được gán cho vợ ông, thì ông lại không có nói một tiếng nào. Quân độI, dân chúng, người dân ngoài phố đã chờ đợi ở ông một lời bác bỏ những cáo buộc nầy. Do đó khi mà ông Thiệu tỏ ra quên hẳn và khinh thường không lý tới những chuyện đó thì ông không thuyết phục được ai hết.
-‘’ Tay của ông đã không được sạch sẽ nữa rồi !’’ đó là lời phê bình có chút miệt thị của một số sĩ quan trẻ đau khổ và chán chường..
Vậy ông Thiệu có thể làm được gì để phục hồi uy tín của ông đang bị lung lay trầm trọng ? và tháo gở được những cáo buộc của phe đối lập ? Một hành động giống lạ kỳ những gì đã dẫn đến cuộc đảo chánh tháng 11 năm 1963, và cái chết của Tổng Thống Diệm. Nguyên thủ quốc gia người công giáo nầy cũng là một người chống cộng tích cực. Nhưng dù là một con người rất thanh liêm và yêu nước trung thực, ông vẫn bị tấn công và đánh gục bằng một chiến dịch gièm pha vu khống, được tổ chức hết sức nhịp nhàng, có sự hổ trợ của một phe đối lập công giáo, tố cáo sự tham nhũng, lợi dụng quyền thế của anh em ông, của cha mẹ ông và của những người thân cận của ông. Được tiến hành âm thầm bên trong nhưng do bàn tay thiện nghệ của người Mỹ, chiến dịch đó đã đưa nước Việt Nam vào hổn loạn và làm cho cuộc chiến lại tái diễn.
Đến lượt người kế vị ông, Tổng Thống Thiệu, lại bị cáo buộc lạm dụng quyền thế và không làm tròn chức năng của mình. Vậy ông ta có bị đe dọa về một sự kết thúc tương tự hay không ? Một vài nhà phân tách thường hay liên hệ các diễn biến song song như vậy thì họ sẳn sàng tin . Dù muốn dù không thì tình hình ở Miền Nam đang sôi sục.
Sài Gòn với 4 triệu dân, thủ đô chánh trị ,hành chánh, kinh tế và quân sự, là nơi thu gọn tất cả các bài toán của Miền Nam Việt Nam với những mâu thuẫn, những mưu mô, sự phong phú và sự nghèo nàn của nó .
Một mặt, đây là một thành phố với những đường phố rộng thênh thang, ngổn ngang đủ loại xe hơi và xe gắn máy, với những công viên đẹp, với những công thự luôn được bảo trì rất cẩn thận, với những chợ búa đầy ấp lương thực, với một hải cảng tối tân có đầy đủ trang thiết bị , với một sân bay quốc tế và với những đường liên lạc viễn thông tuyệt hảo.
Mặt khác, với một vòng đai các lều tôle, lều cây, lều ván và giấy bồi, ở đó chen chúc nhau những người tỵ nạn nghèo khổ, không một việc làm, những binh sĩ đào ngũ và hằng ngàn người tàn tật.
Dính liền với thủ đô Sài Gòn là Chợ Lớn, một thành phố của 800.000 người Tàu, những chú con trời đã mọc rễ trong nước từ 3 thế kỷ nay, được tổ chức để thu lợi, là chủ ngân hàng, là trung gian mậu dịch, buôn bán đủ mọi loại kim khí, gỗ, gạo, tổ chức chuyên chở đường bộ và đường thủy, chuyên đầu cơ tích trử, cho vay, là nhà tài trợ cho các thú vui và các loại hàng lậu, cho tất cả những gì có thể mua được và tất cả những gì có thể bán được .
Ở ngay chính giữa tập hợp Việt Hoa nầy, có Dinh Độc Lập được binh sĩ Dù canh gát cẩn thận, có lưỡng viện Quốc Hội Thượng Viện và Hạ Viện, Tối Cao Pháp Viện , đài truyền thanh truyền hình và .. . một số bao chí phong phú.
Trung tâm điểm của tất cả là con đường Tự Do (Catinat cũ), với các khách sạn đồ sộ của nó, với những tiệm buôn tráng lệ, những tiệm nữ trang sáng chói, những quán rượu và phòng trà để tất cả những người chạy áp phe, các luật sư, những dân biểu, những người đối lập, những danh kỹ, những mật báo viên và những nhân viên đặc biệt.. . có nơi hội họp, trò chuyện, bàn mưu tính kế, mua bán đổi chác, trao đổi tin tức hay phao đồn ‘’tin vịt’’ và những ‘’đường dây tốt’’.. . .. đến độ có một dạng tin tức song hành, dựa trên những chuyện ngồi lê đôi mách và những chuyện dèm pha có chủ ý, nhằm xuyên tạc hay đi ngược lại với các thông cáo của chánh quyền thường được gọi với một danh xưng không mấy tốt là ‘’ra đi ô Catinat’’.
Cái gọi là ‘’rađiô Catinat’’ nầy, thường mớm cho các bài báo của hàng trăm ký giả suốt trong thời kỳ 8 năm Hoa Kỳ tham chiến ở đây, đã phần nào xuống cấp, không còn thích hợp nữa từ ngày ra đi của các thông tín viên ngoại quốc.
Bây giờ cái rađi ô nầy lại sống trở lại những giờ phút huy hoàng của nó.
Phía đối lập, bất ngờ về sự táo bạo và sự tự do trong phát biểu của mình sau khi tung ra chiến dịch đánh phá Tổng Thống Thiệu vừa rồi, đã chuyễn động, tự thấy phấn khởi và tưởng mình sắp đạt được chánh quyên bởi vì họ đã tố cáo được những yếu điểm và những sự lạm quyền của Tổng Thống mà không bị một trừng phạt nào hết.
Trong những cuộc họp mật và những vận động ngoài hành lang, phe đối lập đã chọn lựa và đưa lên những lý luận, liên kết với nhau, phân phối các chức vụ trong Chánh Phủ.
Các chỉ trích càng ngày càng nhiều . Báo chí phản ảnh ‘’tin tức chính xác’’ và thật khó mà phân tách được đó là giả hay thật : Tướng Nguyễn vĩnh Nghi - cháu của Tổng Thống Thiệu - đang là Tư Lệnh Vùng IV (Đồng bằng sông Cửu Long) là một người bất tài. Bà vợ của Thủ Tướng Chánh Phủ đã mua một lâu đài lớn bên Pháp với giá một triệu quan. Một vài ông tướng sẽ sẳn sàng giúp phe đối lập với binh sĩ của họ. Các cựu quan chức của cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã từng dính vào cuộc đảo chánh năm 1963, sẽ quay trở lại. Nhưng đề tài của cuộc nói chuyện trọng đại là chuyện ‘’thất sủng’’ gần đây, mà theo đó người sẽ rớt đài sẽ là ông Hoànng đức Nhã, Tổng Trưởng Thông Tin và Chiêu Hồi, người em họ của Tổng Thống Thiệu, người được mệnh danh là ‘’ông Tổng Thống nhỏ’’.
Ba mươi hai tuổi, cao 1 thước 83, với một thể lực của một tay ‘’anh chị’’ (nguyên văn: play-boy), kỹ sư, tốt nghiệp cử nhân chánh trị học, ông Hoàng đức Nhã là một người thật tiêu biểu cho đẳng cấp mới của giới kỹ thuật trẻ Việt Nam. Là một thể tháo gia, người năng nổ, làm việc không biết mệt, có phương pháp và có đủ tài liệu, nói thật trôi chảy cả tiếng Pháp và tiếng Anh, ông đã làm việc 5 năm như là thơ ký riêng cho Tổng Thống Thiệu trước khi được đề nghị vào chức vụ Bộ Trưởng . Là một kẻ thù cuồng nhiệt của cộng sản, ở cương vị mới ông đã cố gắng vận dụng tất cả phương tiện kỹ thuật mà ông sẳn có để bao che cho dân chúng và tách họ ra khỏi gọng kềm tuyên truyền của Việt Cộng. Và ông ta đã thành công.
Các địch thủ của ông trách ông đã ‘’bịt miệng’’ báo chí và ông đã vượt qua thực quyền của ông để can thiệp vào quá nhiều lãnh vực. Ông Nguyễn minh Đăng, một dân biểu trẻ người Bắc đã dùng diễn đàn để tố cáo sự ‘’lạm dụng quyền hành’’ của ông, qua việc đặt người ‘’thân cận’’vào các trung tâm tin tức được mở ra ở ngoại quốc, và xử dụng sai nguyên tắc công quỷ. Ông Nhã đã lạnh lùng phản bác lại bằng cách nhấn mạnh rằng tất cả những người mà ông ‘’che chở’’ đêu tốt nghiệp đại học, có một trình độ học vấn tuyệt hảo; Và bằng cách trưng ra đây đủ chi tiết rất chính xác của sự chi thu ông đã chứng minh rằng những chi phí của ông đã thấp hơn ngân khoản được ấn định.
Là một người quốc gia có tánh đa nghi, ông Nhã cũng là một người cộng tác khó tính và không mấy thích nghi đối với người Mỹ. Trong giai đoạn chót của cuộc thương thuyết tại Ba Lê, ông Nhã đã đương đầu với ông Kissinger, và đã cùng Tổng Thống Thiệu thảo ra bản quyết nghị nổi tiếng "Bốn Không". Sự giao dịch của ông với Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ cũng giữ được khoảng cách . Các cố vấn Hoa Kỳ làm việc tại Sài Gòn than phiền rằng từ sáu tháng nay ông từ chối không trả lời điện thoại cho họ. Được các nhà báo Anh quốc hỏi về thái độ đối xử ‘’quá cực đoan’’ của ông ông Nhã đã trả lời với một giọng khó chịu: "Người Mỹ là đồng minh của chúng tôi, tôi rất thích xem họ như những người anh em, nhưng tôi không muốn gọi họ bằng "Cha" !(nguyên văn: Papa)
Ông đã đệ đơn xin từ chức. Cùng lúc với 3 thành viên khác của Chánh Phủ, cả ba đều thanh liêm, rất giỏi và được kính trọng. Đó là các Tổng trưởng Tài Chánh, Kinh Tế, và Nông Nghiệp, họ cũng đã xin từ chức.
Trực diện với nhóm đối lập càng ngày càng lớn mạnh đang tổ chức chống lại ông và bài xích nhóm kỹ thuật gia trẻ đang cương quyêt tách ra khỏi hàng ngũ Bộ trưởng, Tổng Thống Thiệu bắt đầu giữ sự im lặng.
Bị chạm mạnh do các sự tố cáo công khai của các đối thủ và "đào tị" của những phần tử ưu tú trong Chánh Phủ , Tổng Thống Thiệu với gương mặt luôn luôn tươi tỉnh, khó đoán được ý nghĩ và rất bí mật, ông không bao giờ hốt hoảng. Là một chánh trị gia giỏi vận dụng, lanh trí, và đáng sợ, ông kiểm điểm lại các lá bài của ông trước khi có phản ứng. "Ta còn một số con bài chủ" ông vừa cười vừa tâm sự với những cộng sự viên thân cận.
Ông lạnh lùng kiểm lại các lá bài chủ của ông .
Trước hết là vị trí của người Hoa Kỳ . Mặc dầu ông Nixon đã ra đi, và sự chống báng của Quốc Hội Mỹ, thái độ của Tổng Thống Ford vẫn còn nhiệt tình và tốt bụng. Đại sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn , ông Martin, đã tỏ ra là một bạn đồng minh còn vững chắc và cương nghị, điều mà ông Bunker không có dù là ông ta đã giúp ông lên ghế Tổng Thống .
Về phía VNCH, hệ thống quân giai, được thiết lập từ những quân nhân chuyên nghiệp, được lựa chọn cẩn thận, đã nắm chặt quân đội trong tay. Không có một nguy cơ nào về một cuộc đảo chánh. Phe đối lập được dựa phần lớn vào các linh mục và các vị dân cử công giáo, nhưng ít được khối tín đồ đi theo vì họ không thích các tín hữu can dự vào vấn đề chánh trị. Do đó đối lập không mạnh như họ vẫn tưởng. Còn các phật tử (85% dân chúng) thì họ rất dè dặt và không tham gia vào các cuộc ‘’xuống đường’’.
Sau khi đánh giá kỹ lưỡng về những khả năng hành động của mình, Tổng Thống Thiệu mới đi đến quyết định ‘’hành động’’.
Ông bắt đầu nắm chặt quân đội lại, (vì đó là cột trụ chống đở chính của chế độ) , bằng cách tái phối trí lại hệ thống chỉ huy và thanh lọc hàng ngũ sĩ quan. Ông vẫn giữ lại tướng Ngô quang Trưỡng trong chức vụ Tư lệnh Vùng I Chiến Thuật (Huế và Vùng Phi Quân sự ), người đã bẽ gảy cuộc tấn công của cộng sản năm 1972. Ông đề nghị tướng Phạm văn Phú giữ chức vụ Tư Lệnh Vùng II (Vùng Cao Nguyên Trung Phần), ông nầy là người hùng Việt Nam trong trận Điện biên Phủ. Ông chỉ định tướng Dư quốc Đống vào chức vụ Tư Lệnh Vùng III (khu Tam Giác Sắt và Khu Mỏ Vịt) , một cựu Tư Lệnh Binh Chủng Nhảy Dù, một tay chiến đấu gan lì và sừng sỏ của vùng rừng núi. Ở Vùng IV Chiến Thuật thì ông đã cho tướng Nguyễn khoa Nam thay thế tướng Nguyễn vĩnh Nghi, người cháu của ông,. Tướng Nam cũng thuộc binh chủng Nhảy Dù mà là kỷ thuật gia của chiến thuật trực thăng vận. Ba trăm sáu mươi bảy (367) sĩ quan cấp tá xét thấy không đủ khả năng hay tham nhũng được cho về hưu hay xoá tên trong danh sách cán bộ.
Sau phần quân đội là đến phần chánh trị và dư luận. Dự luật giao toàn quyền hành động cho Tổng Thống Thiệu vừa được thông qua và ban hành. Rất nhiều biện pháp được Quốc Hội thông qua, đã mở đường cho các đảng phái chánh trị được hoạt động trở lại. Sự kiểm duyệt đang đè nặng báo chí đã được tháo bỏ. Một Chánh Phủ mới được hình thành. Nhưng sau khi các biện pháp mở rộng vừa được ban hành thì Tổng Thống Thiệu lại có thái độ cứng rắn, mời phe đối lập hãy hành động trong tinh thần xây dựng và trong khuôn khổ luật pháp quốc gia , qua Quốc Hội (Thượng Viện và Hạ Viện) vào dịp bầu cử lập pháp sấp tới, qua các tòa án (bằng đơn tố cáo) và qua báo chí. Chiến dịch trong sạch hóa được tiếp tục, hàng Bộ trưởng và các công chức cao cấp làm không tròn nhiệm vụ sẽ bị điều tra và nếu có đày đủ bằng cớ chứng minh đúng theo đơn tố cáo thì họ sẽ phải được truy tố và xét xử.
Tất cả đều xong hết, ông còn xác nhận là tất cả những cuộc biểu tình được xem như hành động phá rối trật tự công cộng và sẽ bị trừng trị nghiêm khắc. Nhiệm vụ của các linh mục không phải để tấn công cảnh sát ngoài đường phố hay để lớn tiếng rao giảng bằng loa sự bất phục tùng, mà phải chăm sóc cho giáo khu và các nhà thờ của họ. Tương lai chánh trị của nước Việt Nam được bảo đảm bằng máu ngoài chiến trường chớ không nên bàn cãi trên hè phố.
Bị phản đối, vì không có người cầm đầu thực sự, nên phe đối lập thất bại không kéo dân chúng nổi dậy được . Những cuộc biểu tình lớn dự trù và được thông báo trước không thực hiện được . Linh mục Thanh đã ước muốn động viên tất cả dân chúng trong cuộc chống phá lớn nhưng cho tới giờ nầy chỉ mới có được vai cuộc quậy phá nhỏ. Cơn khủng khoảng coi như bị bóp nghẹt. Ngưòi em ruột của Thủ Tưóng, người cầm đầu cơ quan chống buôn lậu, vừa bị bắt giam.
Tổng Thống Thiệu có thể tiếp tục lo cho cái mà ông gọi là "những vấn đề của đất nước". Và trước hết là chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng Thống dự trù vào năm 1976. Ông không thay đổi quyêt định : ông sẽ ra ứng cử . Bất chấp những phúc trình bi quan dồn dập gởi tới cho ông, Ông Thiệu vẫn tự tin là có khả năng thành công vượt qua khỏi trở ngại của một nhiệm kỳ thứ ba. Mặc dầu có nhiều sự nguy hiểm trước mặt ông, ông vẫn nhất quyết nghĩ rằng ông là "người hoa tiêu có đủ điều kiện nhất để lèo lái con thuyền Việt Nam"
Vào thàng hai năm 1975, ông viết cho Tổng trưởng tài chánh rằng
:‘’Viễn ảnh kinh tế đã cho thấy phần bất lợi đã giảm, Bằng mọi giá ta phải thu hút vốn đầu tư ngoại quốc. Tất cả nỗ lưc của ông phải được dồn hết vào việc nầy. Không cần phải quảng cáo. Hồ sơ của chúng ta đã tốt rồi. Thị trường của Miền Nam đã trên hẳn mức trung bình ở Á Châu. Với dân số 20 triệu , mà hết 9 triệu nhân công chúng ta đã hơn hẳn Úc Châu, Hong Kong, Mã lai Á, Tân gia Ba và Đài Loan rồi. Giá thuê nhân công rẻ là một cái lợi thế rất quan trọng cho các cuộc đầu tư ngoại quốc. Và một số lớn nhân công của chúng ta lại có khả năng nói tiếng Pháp và tiếng Anh. Chúng ta có sẵn 100.000 thợ chuyên môn, 10.000 thợ máy và nhân viên điều hành đã được huấn luyện để coi sóc các dụng cụ máy móc có phần phức tạp hơn là tàu bè và trực thăng nữa. Con số chuyên viên kỹ thuật có giá trị (từ tin học đến máy móc) cần thiết cho kỹ nghệ sẽ rất cao khi cuộc giải ngũ có thể xảy ra. Trang thiết bị cho ngân hàng khá nhiều và nhân viên cũng thành thạo. Đó là những luận cứ mà từ đó ông phải triển khai ra thêm. Tôi đã viết thơ cho Tổng Thống Ford để nói với Ông ta rằng một sự viện trợ đúng mức trong 3 năm là quá đủ để bảo đảm nền độc lập của chúng tôi. Chỉ 3 năm thôi, không quá một ngày nào !’’Vô ý thức ? Mộng du chánh trị hay lạc quan của lãnh đạo để kích thích các cộng sự viên kém nhiệt thành ?
Trên thực tế, sự táo bạo của Tổng Thống Thiệu trong cách tính toán của ông và lòng tin cứng rắn của ông đối với tương lai của đất nước ông đều dựa vào một cuộc khám phá huyền diệu ngoài khơi bờ biển Miền Nam Việt Nam : dầu lửa .
Phải, đã có dầu lửa ở ngoài khơi Vũng Tàu và đảo Poulo Pajang. 6 mũi khoan, mũi nào cũng trúng đích ! Như vậy người dân Miền Nam Việt Nam và Tổng Thống của họ có quyền mơ ước : Sáu giếng dầu mà khai thác từ năm 1977 sẽ đem lại lợi tức là một tỷ mỹ kim! Nhưng còn cần phải giữ vững được từ nay cho đến ngày đó. Vả lại 3 năm cũng không lâu lắm.
Nhưng ở đây thì coi như dài vô tận !
Bởi vì để chống lại cơ may phồn thịnh phi thường của Miền Nam, Hà Nội chỉ có một mong cầu : chiến tranh.
Ngày 6 tháng giếng năm 1975 : một hành động gọi là ‘’trừng trị’’ đã vang dội khắp nơi: lực lượng cộng sản Miền Bắc đã công khai tiến chiếm tỉnh Phước Long giữa đồng trống, chỉ cách Sài Gòn không hơn 65 cây số ngàn về hướng Đông Bắc. Sự thụ động của Hoa Kỳ sau hành động vi phạm nghiêm trọng Hiệp Định Ba Lê về Ngừng Bắn nầy đã được Hà Nội coi như một trắc nghiệm rất có lợi cho một cuộc tấn công mới. Vào lúc đó sự từ khước của Quốc Hội Hoa Kỳ về một ngân khoản 300 triệu mỹ kim viện trợ quân sự cho Miền Nam do Tổng Thống Ford yêu cầu, được coi như một dấu hiệu chắc chắn "Mỹ sẽ không tái can thiệp vào Miền Nam Việt Nam nữa" vậy.