Tinh thần nhẫn nhục trong nhà Phật được xem như một yếu tố rất quan thiết của người tu hành. Nếu như sự nhẫn chịu của chúng ta còn non kém, không hoàn chỉnh thì việc tu khó đi đến kết quả viên mãn. Vì vậy chúng ta phải làm sao Tròn đức nhẫn để tu.
Trong kinh dạy, nhẫn là mẹ của tất cả các công đức nên có nhẫn mới thành tựu được đạo nghiệp. Vì vậy nhẫn là đỉnh cao để chúng ta hướng đến thành công. Nếu chưa đầy đủ đức nhẫn huynh đệ chúng ta cần phải kiện toàn cho đầy đủ. Vì khi đầy đủ đức nhẫn, dù đi chưa tới đích nhưng chúng ta đã có điểm tựa vững vàng, mình có thể quan sát rõ ràng đường đi cũng như chỗ đến. Chỉ cần quyết tâm và trí tuệ sáng suốt nữa là xong.
Để thực hiện trọn vẹn được công phu chúng ta cần phải khẳng định niềm tin nơi chính mình. Người xưa làm được, ta làm được, đó là điều tất yếu. Tổ Qui Sơn nói: “Người xưa trượng phu thì ta cũng trượng phu”. Người xưa với chúng ta không khác. Nếu có khác là hôm nay chúng ta có quá nhiều thuận lợi, quá thông minh, nên dễ phóng tâm, dễ kẹt với trần cảnh nên cũng dễ bị ràng buộc. Đó là hơn mà hóa ra lại tệ, hơn cái tệ. Nếu biết nhìn thẳng, nói thẳng, thực hiện thẳng thì ta cũng sẽ thành tựu như người xưa.
Trong thời đại văn minh hiện nay, cuộc sống sung túc hơn ngày xưa nhiều, chúng ta ít gặp khó khăn về mọi mặt, do đó đức nhẫn cũng ít được trui rèn. Tuy nhiên môi trường quá thuận lợi càng làm cho chúng ta phải có đức nhẫn nhiều hơn, đó là an nhẫn tri túc, không dám hưởng thụ nhiều. Là người tu, những gì không cần thiết, không có lợi cho đời sống phạm hạnh, làm vướng víu bận bịu cho công phu, thì ta phải gạt ra bớt. Cho nên đời sống vật chất nhiều thì đời sống tinh thần đạo đức thiếu. Hai phương diện này thường tỷ lệ nghịch với nhau. Tại vì khi đam mê thụ hưởng vật chất là tăng trưởng lòng tham, tăng trưởng tạo nghiệp ác, nên dĩ nhiên đạo đức phải bị tuột dốc thôi. Điều này cũng dễ hiểu. Cho nên người chân tu phải nhẫn với thuận cảnh cũng như nghịch cảnh mới được.
Người xưa không có miếng đất cắm dùi mà nhảy thẳng vào đất Như Lai, thật sự an ổn. Còn chúng ta bây giờ nhiều mẫu đất thênh thang, mà không nhảy vô đâu được hết, chỉ đi lòng vòng bên ngoài thôi. Nhìn cây cảnh, núi non, trời trăng mây nước mà không nhảy vào chỗ an ổn thực sự, nên cứ bất an hoài. Người thâm nhập lý đạo, khi nhìn vào một cảnh nào đó vẫn không bị cảnh ấy kéo lôi, tâm không dao động, không vướng mắc. Điều này tế nhị một chút chúng ta sẽ thấy. Lúc nào lòng rỗng rang, mọi thứ chung quanh không làm gì được ta. Nghe âm thanh, gió mát, mọi thứ hiện bày trước mắt đều an lạc, đều là Phật pháp. Ngược lại, khi trong lòng ngổn ngang trăm mối, lúc đó dù cho quạt máy quạt vù vù mình cũng thấy nổi nóng như thường. Trời mưa thì bực bội sao mưa hoài, trời nắng thì hậm hực sao nắng quá … Bởi trong lòng không yên nên mọi thứ bên ngoài cũng rối tung lên. Nên Phật nói tâm làm chủ tất cả là vậy, do tâm mà các cảnh đổi khác.
Nguồn thiền tại Việt Nam được khai sáng đầu tiên bởi tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Ngài được truyền thừa từ Tam tổ Tăng Xán ở Trung Quốc. Sau khi Tam tổ truyền tâm ấn cho, dạy Ngài nên qua phương nam truyền bá Thiền tông. Vâng lời thầy Ngài đến Việt Nam, gầy dựng chiếc nôi Thiền tông đầu tiên tại trung tâm Luy Lâu, tức chùa Dâu bây giờ, ở phủ Thuận Thành, Bắc Ninh. Trung tâm thiền thứ hai do tổ Vô Ngôn Thông cũng từ Trung Quốc truyền sang, khoảng thế kỷ IX. Vô Ngôn là không nói, vì Ngài thâm trầm ít nói mà hiểu biết thâm hậu nên có danh hiệu như thế.
Ngài đến pháp hội của Thiền sư Bách Trượng, nghe vị tăng hỏi:
- Thế nào là pháp môn đốn ngộ của Đại thừa?
Tổ Bách Trượng trả lời:
- Đất tâm nếu không, mặt trời trí tuệ tự chiếu.
Ngay câu trả lời này Ngài hoát nhiên đại ngộ. Qua sự đối đáp của tổ Bách Trượng với một vị tăng khác mà Ngài ngộ đạo, thật là trí tuệ quá nhạy bén, chớ không phải thường.
Từ câu trả lời này, chúng ta có thể soi thủng được chỗ nào không, có tuệ nhựt tự chiếu không? Cái nghe, cái ghi nhận của chúng ta chỉ hời hợt bên ngoài, vì chạy theo lời nói, âm thanh để suy tư phân biệt nên không có mặt trời trí tuệ chiếu soi. Với người có công phu thâm hậu, một phen nghe liền nhảy thẳng vào chỗ an ổn. Ngược lại, kẻ đa ngôn đa lự chạy theo thinh sắc, không vào được chốn ấy thì mang gông đội cùm suốt đời suốt kiếp.
“Tâm địa nhược không” là đất tâm nếu không thì “tuệ nhựt tự chiếu” tức mặt trời trí tuệ tự chiếu. Đất tâm chúng ta đầy các thứ tạp nhiễm, làm sao ánh sáng trí tuệ chiếu thủng hết đây? Nhảy vô đất tâm thanh tịnh mát mẻ không được thì phải đi bộ chứ sao bây giờ! Làm cách nào để nhảy vô chỗ này? Tâm chúng ta nếu không phiền não, không vướng mắc gì hết thì nhảy vô được thôi. Bởi vì chính mình làm cho nó đầy ứ các thứ ô uế, thì bây giờ cũng phải chính mình làm cho nó không. Đâu thể hồi xưa mình làm nó nhơ uế rồi bây giờ nhờ ai lọc lừa giùm được.
Hồi ta chưa biết gì hết, chừng bốn năm tuổi bố mẹ dẫn vô trường mẫu giáo, vừa thả tay ra mình khóc ầm trời đòi dính với mẹ, liền với bố không tách rời được. Tâm địa bấy giờ có gì đâu. Đến khi lớn lên một chút có bạn bè nọ kia, rồi dài dài cho tới về sau thôi thì mặc tình tiếp thu, nuôi dưỡng, phát huy không biết bao nhiêu vấn đề của cuộc đời. Tâm ta đầy kín đủ thứ thế sự. Nào là văn hóa, văn minh, khoa học kỹ thuật… Bây giờ nó thành một cái kho. Vị nào càng lớn tuổi thì cái kho ấy càng lớn, chắc bằng khuôn đất 52 mẫu này. Đó là nói theo hình thức giới hạn cho vui thôi, chớ cái kho ấy vô tận, bao nhiêu nó cũng chứa hết, ngổn ngang hàng trăm hàng vạn thứ, cái này chồng lên cái kia, cái kia tống lên cái nọ.
Bây giờ làm sao chúng ta rọi ánh sáng trí tuệ vào đó cho nó tan hết. Nào là thương, ghét, cây, đá, nhà lầu, xe hơi, địa vị, tiền tài, sắc đẹp v.v… cho một pha vào là quét sạch hết. Đó là ngọn đèn tâm. Một khi tâm ta sáng lên thì bóng tối ngàn năm lui mất. Cho nên Tổ dạy “đất tâm nếu không” là mở cửa cho chúng ta vào. Ngộ là gì? Là nhận ra. Người xưa chỉ một câu nói thôi, liền thấy được cửa vào, đó là nhờ biết dùng ánh sáng trí tuệ chiếu soi. Hòa thượng Viện trưởng thường dạy, tánh giác của chúng ta, dù mình có cố tình nhuộm nó với các thứ tạp nhiễm thế gian, nó vẫn không bao giờ ô nhiễm. Ô nhiễm là các thứ rác rưởi bên ngoài thôi, chớ tâm ta luôn luôn trong sáng thanh tịnh. Cho nên chỉ cần dứt trừ các thứ bên ngoài kia thì bản tâm hiện tiền, không chạy tìm kiếm ở đâu xa.
Lời đáp của tổ Bách Trượng về pháp môn đốn ngộ của Đại thừa là như thế. Ngài Vô Ngôn Thông một phen nghe qua liền ngộ, đây gọi là đốn ngộ. Chữ “Đốn” là nhanh chóng, vượt qua, thẳng tắt. Thế nên dòng thiền thứ hai có mặt ở Việt Nam chúng ta là thiền Vô Ngôn Thông. Ngài đến làng Phù Đổng chùa Kiến Sơ khai mở dòng thiền tông. Bây giờ ngôi chùa đó vẫn còn. Tổ Vô Ngôn Thông đến đạo tràng này, thể hiện triệt để sở trường của mình là biết mà không nói. Đây là chỗ tôi rất thích. Chúng ta đừng mặc cảm mình không biết nói gì hoặc nói năng không lưu loát nên không thể hành đạo, hóa đạo. Thưa, không phải đâu. Cốt ở tâm giác ngộ, triệt ngộ hay không thôi.
Mỗi vị đều có một sở trường, vị nào nấu ăn ngon thì ngộ đạo rồi sẽ dùng tài nấu ăn của mình, nấu được cơm Hương Tích. Tất cả thức ăn qua tay vị này đều biến thành trân tu thượng vị cúng dường chư Phật, Bồ-tát. Cúng dường chúng sanh ăn cũng khiến chúng sanh được lợi lạc. Phật pháp bất ly thế gian pháp. Thiền là gì? Là sự sống tỉnh thức, thể hiện tràn đầy, đi đứng nói năng, ngồi nằm tiếp xúc gì, đều tuệ nhựt tự chiếu. Nếu lòng mình bình thản không bị ràng buộc lỉnh kỉnh bởi bất cứ thứ gì thì đất tâm rõ ràng là không.
Khi tu chúng ta cố gắng phát huy sở trường của mình. Tuy nhiên, chủ yếu nhất vẫn là đức nhẫn. Thiếu đức nhẫn chúng ta không thể phát huy, kiện toàn được sở trường của mình. Nhẫn là chịu đựng, âm chữ Hán có kèm theo chữ nhục, nhưng không phải chịu nhục như người ta thường nói. Người nhẫn nhục là người có sức mạnh, gầy dựng vững chắc nền tảng công phu tu tập. Có thể nói, tu bất cứ hạnh nào nhưng thiếu nhẫn cũng không thành tựu cả. Chúng ta nhẫn tùy theo phương thức, hoàn cảnh, điều kiện, làm sao luôn luôn nội tàng đức nhẫn ở bên trong.
Ở nước ta có chuyện Quan Âm Thị Kính, trải qua nhiều lần oan khiên thấu trời nhưng bà đều nhẫn được hết. Từ đòn roi tra tấn cho đến lời mắng chửi thậm tệ của người đời, bà đều vượt qua tất cả. Nhưng khó làm hơn cả là bồng đứa con của Thị mầu vào chợ xin sữa nuôi nó. Chấp nhận tiếng đời dị nghị, chớ không nỡ để một sinh linh phải chết vì bị mẹ bỏ như thế. Đó là những điều kiện thành tựu đức nhẫn của bà. Ngày nay người ta ca Bồ-tát Quán Thế Âm đại từ đại bi, cứu khổ cứu nạn là nhờ những đức nhẫn ấy của Ngài.
Làm sao để có sức nhẫn như thế? Phải gầy dựng từ nội tàng trải qua một thời gian dài, nó mới phát thành năng lực đặc biệt. Quí vị đừng nghĩ với hoàn cảnh bây giờ chúng ta không nhẫn được, làm được chứ. Thời nào cũng có những người gan dạ vô cùng. Như bây giờ người ta dám ngồi trên phi thuyền đổ bộ lên nguyệt cầu, lên hỏa tinh, thổ tinh v.v.. rõ ràng người thời nay gan dạ và sức chịu đựng rất lớn. Vừa hiểu biết vừa có một sức chịu đựng. Tôi nghe nói muốn đổ bộ xuống nguyệt cầu, phải từ trong phi thuyền mẹ bắn ra, mới đáp xuống được nguyệt cầu. Chỗ đó hoàn toàn khác địa cầu của mình, qua vùng khí quyển lạnh cắt da, mêng mông thiên địa, phiêu lưu ghê gớm. Vậy mà con người vẫn dám làm, thế tại sao chúng ta tu không dám gan dạ buông xả, loại trừ các tập khí xấu của mình.
Tới chiếc nôi Thiền tông thứ ba là ngài Thảo Đường, tức vào thời vua Lý Thánh Tông khoảng thế kỷ XI, XII. Và cuối cùng là Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thời Trần, một dòng thiền thừa hưởng tất cả tinh ba của các phái thiền kia, nhào nặn lại thành một phái thiền thuần túy Việt Nam. Ngày nay Hòa thượng đang phục hưng lại dòng thiền này. Các vị Phật tử thời Trần và các thiền tử mười phương tập trung về Yên Tử tu hành đạt đạo dưới sự trực tiếp hướng dẫn của Sơ Tổ Trúc Lâm, tức Điều Ngự Giác Hoàng.
Bây giờ nhìn lại hoàn cảnh, điều kiện sống của chúng ta, huynh đệ đều biết mình có rất đầy đủ các phương tiện tu hành. Nhưng còn thiếu một cơ dụng gì đó để chúng ta vào được chỗ chân thật. Các Thiền sư thường nói: “Ngộ được thì ngay đó liền ngộ, không ngộ được thì suốt kiếp mang lông đội sừng”. Nói nghe dữ dằn như thế. Đừng nói suốt kiếp mang lông đội sừng, nội những bức xúc rối rắm trong lòng cũng đủ làm cho chúng ta khổ lắm rồi. Tu hành không có niềm vui ngay trong hiện đời đã thấy chuốc quả khổ. Thế nên Hòa thượng thường khuyên Tăng Ni siêng năng sám hối. Sám hối để chi? Để những nghiệp tập nhiều đời, do vô minh ta lỡ gây tạo, bây giờ sám hối để được mười phương các bậc thiện hữu tri thức phủ giám, hỗ trợ cho mình vơi nhẹ đi. Đồng thời cũng để tự mình răn chừa những lỗi lầm cũ, không gây tạo vướng kẹt nữa.
Nếu chúng ta tu hành không ngộ đạo, không vào được chỗ an ổn, cũng nên nhờ những trợ duyên của chư Phật, Bồ-tát, các bậc thiện hữu tri thức giúp mình có thêm sức mạnh, thêm nhẫn lực để tiến tu. Không nhảy vào được đất thật thì ta mang gánh những hình thức mê muội này hoài. Như trời trưa nắng gắt, gánh nặng đường xa, bấy giờ muốn cho gánh nhẹ đi mau thì bỏ bớt đồ đạc không cần thiết đi. Người khôn là người thảy ra, thảy hết ra. Thảy đến cái gánh cũng quăng luôn mới được thảnh thơi leo núi.
Tôi nói thế không có nghĩa bảo quí vị bỏ hết thời khóa tu tập bình thường. Mà chúng ta phải nhẫn nhục chịu đựng những thương tổn, không chấp thân này tâm này của mình, buông xả hết để vượt qua chính mình. Thành công của người tu là sống bình thường trôi chảy trước tất cả những hiện tượng thuận nghịch của cuộc đời. Người đã kiện toàn công phu, đức nhẫn rốt ráo sẽ có một nội tại thâm hậu, trầm lắng. Khi nhìn lá cây, nhìn con người, sự vật… cũng đều có sự thâm nhập.
Ở đây tôi hay bày đá, hòn non đồ v.v… vì đá cứng tượng trưng cho định vị. Những ngọn đèn đá thắp sáng trong bóng đêm tăm tối tượng trưng cho trí tuệ phá tan vô minh. Tuy nhiên đó cũng chỉ là những hình ảnh biểu trưng bên ngoài thôi, chính yếu là ở lòng mình. Tâm có định tỉnh rồi, thì thấy đá thấy đất gì cũng vững vàng, bất động. Cho nên các Thiền sư nhìn cảnh vật bằng tâm, chớ không nhìn bằng mắt. Còn chúng ta chẳng những nhìn cảnh vật, mà nhìn mọi thứ trên đời đều bằng đôi mắt phàm tục, phân biệt tốt xấu này nọ, nên sanh ra điên đảo sai lầm.
Ngày xưa, thiếu gì các Thiền sư nhìn cây, nhìn đá, nhìn hoa đào nở… ngộ đạo. Biết đâu những cảnh duyên này sẽ là những duyên tố tích cực, hỗ trợ cho việc các thiền tăng hay tất cả huynh đệ trong đạo tràng này có thể phát huy được trí tuệ của mình, đất tâm bỗng rỗng rang sáng suốt. Được vậy thì quý biết chừng nào! Nhân cảnh bên ngoài mà nhận ra ông chủ bên trong của mình. Ông chủ là cái gì? Là những thấy nghe hiểu biết luôn có sẵn nơi sáu căn của chúng ta đây, nhìn cảnh duyên cảnh thì ông chủ mất, nhìn cảnh biết mình hay có cái thấy biết thì ông chủ hiện tiền. Ngay đó nhận ra ông chủ thì vĩnh viễn không còn bị các cảnh duyên kéo lôi nữa.
Công phu của chúng ta bây giờ là nhân cảnh duyên, nhân đời sống, nhân thân này mà ta nhận ra ông chủ của mình, để sống như thật sống. Nhận được ông chủ, hằng sống với ông chủ thì tự tại giải thoát. Chúng ta sẵn đủ tánh giác như người xưa, không thiếu gì hết, lúc nào cũng có nhưng vì quên thôi. Ngài Huyền Sa dạy chúng thế này: “Những bậc lão túc các nơi nói tiếp vật lợi sinh, vậy bỗng gặp một người có ba thứ bệnh đến, làm sao tiếp? Người bệnh mù cầm chùy, dựng phất y chẳng thấy. Người bệnh điếc thử ngữ ngôn tam muội y chẳng nghe. Người bệnh câm dạy y nói thì nói chẳng được. Phải làm sao tiếp? Nếu tiếp không được, Phật pháp trọn không linh nghiệm.”
Ngài Huyền Sa đưa ra một cái cơ đặc biệt để nghiệm người. Có thể trở về với chúng ta, bây giờ mình có mù không? Không mù. Chúng ta có điếc không? Không điếc. Chúng ta có câm không? Không câm. Vậy chúng ta có được tiếp chăng? Hãy nghe tiếp thoại: Có vị tăng đem việc trên hỏi Vân Môn, Môn bảo: “Ông lễ bái đi”. Tăng lễ bái đứng dậy, Môn lấy cây gậy đưa tới, tăng liền lùi ra sau. Môn bảo: “Ông chẳng mù”. Môn gọi: “Lại gần đây!” Tăng lại gần, Môn bảo: “Ông chẳng điếc”. Môn dựng cây gậy lên, hỏi: “Hội chăng?” Tăng thưa: “Chẳng hội”. Môn bảo: “Ông chẳng câm”. Ngay đó vị tăng liền có chỗ vào.
Người xưa cũng thấy như thế nhưng các Ngài ngộ, ngày nay chúng ta cũng thấy như thế sao không ngộ? Mình không mù, không điếc, không câm nhưng tâm không sáng nên không thể vào được chỗ chân thật an ổn. Chúng ta có được diễm phúc là các giác quan không bị hỏng, đó là thuận duyên để tiến đạo. Vì con đường trở về với cái chân thật từ sáu giác quan này mà thôi. Huynh đệ người lớn kẻ nhỏ, ai cũng thấy nghe bình thường hết là có đầy đủ của báu rồi. Nếu quí vị không thấy nghe rõ ràng thì những ngày Hòa thượng thuyết pháp, quí vị không có lên Giảng đường ngồi làm chi?
Nói tóm lại, chúng ta không thua người xưa trên các giác quan, chỉ thua trực giác nhạy bén bên trong thôi. Vì sao thua? Vì quen chạy theo trần cảnh bên ngoài hoài, không chịu dừng lại nên không nhận được chính mình. Những gì chúng ta đem vô, ôm giữ rồi phát huy từ thời bé thơ cho tới bây giờ, bỏ ra không được thì thử hỏi bao giờ đất tâm mới trống không? Muốn bỏ những thứ đó thì cũng tự chúng ta, chớ không ai thay thế được hết. Bao giờ quí vị nhận thấy như thế, mới được tự tại.
Thường chúng ta cục bộ trong một quá trình, một giới hạn nào đó nên không có được cái thấy toàn bích toàn triệt. Quả thực mình là người không thông, nhưng có cái tật không chấp nhận mình không thông. Bởi thấy mình thông nên sanh chuyện, đụng chạm, phiền não. Các giác quan của chúng ta có sự nhận biết nhưng rất hạn hẹp. Ta lại cho đó là cái thấy biết thật của mình nên thành ngăn ngại, chết đứng một chỗ. Bây giờ mở thông ra, đừng chấp cứng nữa thì đất tâm sẽ không. Mở thông ra đến mức độ người ta nói mình con bò cũng được, không thấy tức giận chút nào cả. Mà quí vị nghiệm xem, họ nói con bò nhưng mình có mọc sừng, mọc đuôi đâu mà đính chính, cãi vã. Hoặc có người đem con bò tới nói đây là con trâu, mình nói sao đây? Nếu cãi lại đây là con bò thì chắc một hồi đấu khẩu. Đấu khẩu không xong thì thụi nhau, thụi nhau không đủ liền rủ thêm anh em bà con tới ẩu đả. Thế là oan khiên với nhau đời này qua đời khác, khổ không có ngày cùng.
Chỗ hóa giải của người tu chúng ta là đả thông ngay chỗ đó. Thôi thì con bò cũng được, con trâu cũng được. Tính chất của nó là gì? Là giả danh, giả tướng. Hãy để cho đất tâm được không thì mặt trời trí tuệ mới soi chiếu. Chứ “con bò” biết chiếu chỗ nào, mà “con trâu” cũng không có chỗ chiếu nữa. Rõ ràng cố chấp vào chuyện hơn thua phải quấy thì không thể sáng suốt, lấy gì soi chiếu được. Chúng ta càng học Phật pháp, càng phải thâm nhập lý thượng thừa của Phật pháp. Những gì huyễn hóa không thật không nên đắm trước. Những gì chân thật không sanh không diệt phải nhận lấy để sống với nó. Chúng sanh thường đi ngược lại điều này, cái giả cho là thật, cái thật lại quên mất, vì vậy Phật nói chúng sanh si mê điên đảo. Bây giờ mở rộng tâm ra để đừng lầm lẫn nữa, có thế ta mới bình thản sắp đặt ổn định cho cuộc đời của mình.
Nên nhớ các giác quan của mình không thiếu, không thua ai cả. Từ xưa đến nay mọi người đều bình đẳng như nhau. Mỗi thời đại sự hiểu biết con người có thay đổi, song nhìn chung tất cả đều là thế trí sanh diệt, không chân thật. Nếu chúng ta chấp cứng cố định ngang đó, tê liệt ngang đó thì phải giải phẫu khối u xơ đó đi. Giải phẫu cái hiểu biết sanh diệt thế gian thì mình bằng người xưa, biết hết mọi thứ mà không chấp gì cả. Đả thông khối u xơ đó thì mặt trời trí tuệ chiếu soi. Đây là mặt trời trí tuệ không sanh không diệt, chớ không phải mặt trời bình minh sáng mọc lên chiều lặn xuống. Mặt trời trí tuệ đây là mặt trời của mình, một khi ánh sáng này chiếu soi thì phá tan mọi bóng tối vô minh, phiền não trần lao đều tan biến hết. Chúng ta vẫn sống, vẫn sinh hoạt mọi thứ, ăn mặc, ngủ nghỉ, tiếp xúc nhưng tâm trùm khắp, không bị hạn cuộc, kẹt dính ở bất kỳ chỗ nào. Nhà thiền thường nói tánh giác trùm khắp, tâm thể rỗng rang sáng suốt chính là mặt trời trí tuệ này vậy. Từ đó chúng ta phăng ra và nhảy vào chỗ an ổn thôi.
Trở lại đức nhẫn. Tôi nêu lên những phần trên để chúng ta chuẩn bị công phu của mình. Làm thế nào phải đủ nhẫn lực để phẫu thuật tất cả u xơ còn cù cặn trong lòng mình, cho mặt trời trí tuệ chiếu sáng. Đồng thời mình cũng vững vàng như núi như non, đừng bị động bởi những thứ lăng xăng bên ngoài.
Muốn thế, cái nhẫn thứ nhất là thuận sanh nhẫn. Thuận sanh nhẫn là không kiêu căng tự đắc khi được khen ngợi, đây là những bệnh thông thường của chúng ta. Có người tu được trong điều kiện thuận, có người tu không được. Ví dụ như được người ta công kênh, mình hiu hiu tự đắc, thành ra không tu được. Bây giờ làm sao trong chỗ thuận ta vẫn bình thường, điều này khó chớ không phải dễ. Người tu khi gặp thuận duyên phải biết tự kềm chế, không ỷ lại, không tự cao, làm chướng ngại công phu của mình. Đây gọi là thuận sanh nhẫn.
Thứ hai là nghịch sanh nhẫn. Như người thiếu phước sinh ra trong gia đình nghèo khổ, thiếu ăn thiếu mặc, thiếu học hành, cực khổ trôi giạt, làm thuê làm mướn vất vả, những người như thế mặc cảm lớn lắm. Với họ chỉ có Phật pháp mới khai thông nổi thôi. Mặc cảm là những u xơ rất độc, đừng cho dao rựa vô đó, không khéo nó di căn một cái là nín thở liền. Những người này ngó xuống là phủng đất, ngó lên là thủng trời, chứ không ít. Trong hoàn cảnh như thế, người tu phải biết nhẫn nhục gọi là nghịch sanh nhẫn. Không bực tức, thù ghét trước sự bạc đãi khinh khi của người khác.
Nhiều người bảo: “Chửi có lý do tôi nhịn được, chứ chửi vô lý làm sao nhịn được?” Người ngu ngốc mấy cũng không thích nghe lời chửi. Nếu hiền lành không chửi lại cũng nói móc vài câu hoặc sùng sùng trong bụng, nhất định không bao giờ bình thản được. Đây là những thứ cù cặn trong công phu tu hành của mình. Là người tu chúng ta phải bỏ đi, phẫu thuật nó đi. Bằng mọi cách chúng ta phải trị nó, trị một lần không xong đâu, phải trị nhiều lần mới được. Tụng kinh, niệm Phật, ngồi thiền v.v… là những cách thức sơ đẳng nhất để trị các thứ bệnh u xơ này. Người khá hơn trong khi làm việc, đi đứng nằm ngồi gì cũng trị nó. Có thế mới giữ được thế an bình của đất tâm. Nếu mình không trị được nó, nhất định nó sẽ nội kết thành khối và làm cho ta đau khổ thôi.
Hòa thượng ân sư thường dạy, những dấy niệm, tơ tưởng vọng động đều phải buông bỏ hết, đó là cách trị nó. Mà muốn buông bỏ nó, chúng ta phải có định tỉnh, sáng suốt. Do định nó không kéo lôi được, do sáng suốt biết nó là không thật, nó không dối gạt lừa mị ta được. Cho nên trong nhà thiền thường dạy định tuệ song tu. Chúng ta kiện toàn đầy đủ định tuệ thì việc tu tiến lên dễ dàng, không khó khăn gì. Định tuệ này không thể kiếm ở đâu hết, không thể nhờ ai cho được mà từ chúng ta gạn lọc hết những cấu uế trong tâm, thì định tuệ sẵn bên trong liền hiện tiền.
Thứ ba là nội pháp nhẫn. Tức không bị phiền não che khuất, tâm luôn luôn thanh tịnh sáng suốt. Thường thường tâm chúng ta luôn bị bức xúc, dằn vặt bởi việc nọ việc kia trùng trùng lớp lớp. Cho nên cái nhẫn thứ ba là nhẫn phiền não. Muốn nhẫn phiền não phải làm sao? Mặt trời trí tuệ soi thì phiền não mới tan. Tâm không thì mặt trời trí tuệ tự chiếu, giống như ta bật công tắc điện đèn sáng lên thì tăm tối tự rút lui. Cho nên muốn hết phiền não thì đừng nuôi nó nữa, để tâm trống không đi. Không nghĩ hơn nghĩ thua, không chấp ta chấp người, ngay đó còn gì nữa mà phiền não.
Lại nữa, phiền não đâu có thực mà kéo lôi được mình. Tuy nó làm khổ ta nhưng nó không thực. Nếu biết bản chất phiền não hư dối không thật, nó sẽ không làm khổ ta nữa. ai không nắm được nguyên tắc này thì bị nó làm khổ dài dài. Nó không thật mà làm khổ mình mới là kỳ, nếu nó thật thì thôi chết. Tâm không buông bỏ được phiền não thì chẳng thể làm gì nổi, đừng nói tới tu. Bước ra cửa, thấy cái cửa đóng không đàng hoàng là phiền não. Ngồi vào bàn, mấy tài liệu của mình ai quăng đâu hết cũng phiền não. Vô ăn cơm, cơm sống lại phiền não… Trời đất ơi, cái gì cũng phiền não, quả thực là nguy hiểm. Nó không thật mà sao làm khổ mình dữ vậy! Cho nên người có chút công phu phải xoáy mạnh vào sào huyệt này của chúng, xem nó là gì? Có thế mới mong nhảy vào chỗ đất không, làm chủ được phiền não.
Thứ tư là ngoại pháp nhẫn. Tức chiến thắng mọi khó khăn đói rét lạnh nóng, nhân duyên thời tiết bên ngoài v.v…. Chiến thắng được những thứ này gọi là ngoại pháp nhẫn.
Tóm lại, chúng ta tu hành cần phải thực hành các pháp nhẫn trên một cách thuần thục. Cảnh thuận nhẫn, cảnh nghịch nhẫn, phiền não nhẫn, đói rét lạnh nóng nhẫn. Được vậy còn sợ khó khăn gì trên đời này nữa. Giả dụ như ai chở vô nhà mình năm bảy chục xe hàng phiền não, cũng chẳng ăn thua gì. Người nắm vững nhân quả, dễ thực hành pháp nhẫn. Vì sao? Vì biết nhân trước như thế nên bây giờ quả như thế. Ngày trước ta gây nhân thiếu gạo, cướp gạo của người ta, bây giờ mình thiếu gạo, không có gạo ăn là phải rồi, cho nên nói nhẫn mà thật ra có gì đâu phải nhẫn. Mình làm mình chịu, công bằng thôi, ức hiếp chi mà phải nhẫn. Nhân trước mình chửi bới người ta bây giờ người ta chửi lại, chuyện đó đương nhiên có gì đâu mà phiền. Nhờ thấy như thế nên ngay khi nhẫn ta cũng không nghĩ mình nhẫn. Đó mới thật là người hành hạnh nhẫn nhục ba-la-mật.
Với tư cách người tu nhất là tu thiền, chúng ta ngồi bình tĩnh lại thấy rõ nhân như thế, đưa đến tình trạng quả báo như thế. Đã biết nhân quả báo ứng không sai chạy thì ta đừng gây nhân xấu nữa, rõ ràng vậy. Nhân chính ta gây thì quả chính ta nhận, không có đổ thừa. Được vậy ta có đầy nhẫn lực vượt qua các chướng duyên, tâm không phiền hận não loạn. Từ đó dần dần đất tâm sẽ không, trí tuệ sẽ phát sáng.
Như sống trong tập thể, anh em cùng một liêu mấy chục vị. Tất cả đều được phát mền xanh, riêng có hai ba anh đắp mền len là có vấn đề rồi. Tại sao mình đắp mền chỉ mà huynh đó được mềm len? Ta chỉ so sánh mà không cần tìm hiểu nguyên do. Tại Thầy đó bệnh hay họ có những điểm nào ưu nên được xử đặc biệt hơn. Nếu không có những nguyên nhân trong đời này thì cũng có nguyên nhân của đời trước, chớ không phải ngẫu nhiên. Theo nhân mà quả tương ưng.
Hoặc, tới tết Trung Thu ai cũng có bánh, còn mình không có. Thế là ta quay mặt vào vách không thèm dòm ai hết, nhưng không phải quay mặt như Tổ sư, mà quay mặt để phiền não! Những tâm lý nho nhỏ như vậy thôi, nhưng nếu chúng ta không chịu tu, không tỉnh sáng, đất tâm của chúng ta không rỗng rang sáng suốt thì chúng ta sẽ bị chết đứng ở chỗ tối tăm ấy mãi.
Tóm lại, muốn tròn đức nhẫn để tu, chúng ta phải chịu đựng được tất cả những hoàn cảnh thuận cũng như nghịch. Lòng thanh thản rỗng rang thì mới tu được. Chứ còn cứ nhìn hiện tượng này hiện tượng kia thì nhất định chúng ta không tu được. Huynh đệ chúng ta cố gắng phấn đấu chỗ này, nội tại mà tôi muốn nói là chúng ta điều phục được những phiền não, để có sức mạnh bên trong. Còn hiện thân và các cảnh bên ngoài thì tùy theo nghiệp duyên chúng ta đã tạo mà có những quả báo tương ưng. Bây giờ tu rồi thì cố gắng chuyển hóa nghiệp cũ, chứ biết làm sao hơn.
Mong rằng với những lời nói chân tình, những kinh nghiệm nhỏ nhoi gởi đến quí huynh đệ, đạo tràng chúng ta sẽ vững tiến trong công phu tu hành của mình, xứng đáng là đệ tử của Phật Tổ, của Hòa thượng ân sư.