Hôm nay chúng tôi sẽ nói về cách “Thắp đuốc” trong nhà Phật. Thiền gia có từ “Truyền đăng” nói đủ là “Truyền đăng tục diệm”, tức nối đèn tiếp lửa. Ở đây tôi dùng từ Thắp đuốc. Nghĩa là chúng ta phải tu như thế nào, áp dụng đạo lý như thế nào trong cuộc sống, để xứng đáng là người Phật tử, biết thắp ngọn đuốc tâm sáng mãi.
Trong kinh, Phật dạy: “Người nào biết cầm đuốc sáng đi vào ngôi nhà tối, dù cho ngôi nhà tối bao nhiêu năm nhưng có ngọn đuốc sáng thắp lên thì nó sẽ hết tối ngay lập tức.” Cũng thế, người tu chính là những người biết thắp đuốc. Chúng ta tu là giữ cho ngọn đuốc của mình đừng bị tắt, đừng bị lay động bởi phong ba bão táp, tức là đừng bị các duyên bên ngoài làm cho ngọn đuốc tắt đi. Chư Phật tổ thị hiện ra nơi đời chỉ mong mỏi thế thôi. Làm sao ngọn đèn tâm của chúng ta được truyền thừa mãi mãi.
Như chúng ta đã biết, từ Phật xuống bao nhiêu đời Tổ sư cho tới thời kỳ của chúng ta, luôn luôn có những vị biết nối đèn tiếp lửa, các Ngài thắp được ngọn đèn tâm của mình và giữ cho ngọn đèn ấy còn mãi trên đời. Phật tử không cần cầu nguyện cho Phật pháp còn hoài, chỉ mong sao tất cả những người con Phật nói chung, ai cũng biết thắp được ngọn đuốc tâm của mình sáng mãi. Được thế thì Phật pháp còn hoài, chúng ta xứng đáng là người con của Phật.
Trong cuộc sống này, chung quanh có bao nhiêu thứ duyên sẵn sàng làm chao đảo cây đèn tâm của chúng ta. Bây giờ nương theo các phương tiện Phật đã dạy, tùy mỗi người sắp xếp việc tu học cho mình, làm sao ngọn đèn tâm đừng bị tắt. Bằng mọi cách chúng ta bảo vệ ngọn đèn ấy, không để bất cứ cảnh duyên nào làm trở ngại, làm lung lay khiến nó mờ tối hoặc tắt mất. Muốn thế chúng ta phải biết cách tu, biết cách giữ gìn ngọn đèn ấy. Lời Phật dạy ban đầu rất giản dị, nhưng về lâu xa con người phần nhiều yếu đuối, nên cổ đức lập bày những nhiều phương tiện khác nhau, cốt tạo điều kiện cho chúng ta tu được. Vì vậy các pháp môn được ra đời để đối trị với tâm bệnh của chúng sanh.
Như người tu thiền phải làm sao cho tám gió thổi không động. Tám gió gì? Đó là lợi, suy, hủy, dự, xưng, cơ, khổ, lạc. Gặp gió lợi lộc thổi đến chúng ta không rung rinh vì vui thích. Hoặc bị gió suy kém thổi ta không lo buồn, sầu não. Được người khen ngợi hoặc bị khinh chê không chao động v.v… Tóm lại những quan hệ trong cuộc sống, trong sinh hoạt hằng ngày giữ lòng mình yên ổn, làm sao đừng bị động bởi những duyên chung quanh, đừng bị động bởi bất cứ thứ gió nào. Đó là người biết tu thiền.
Nghiên cứu trong kinh điển của Phật chúng ta thấy, nói về tu hành thật ra rất giản dị, bình thường, không có gì khó khăn hết. Nhưng vì nghiệp tập của chúng ta quá sâu dày, các duyên bên ngoài lại quá nhiều nên việc tu trở thành khó. Thời Phật còn tại thế, có câu chuyện thế này. Một vị cư sĩ giàu có, vừa phát tâm cúng dường các thầy Tỳ-kheo, vừa phát tâm tu học Phật pháp. Được tin ai muốn tu, vị này đều tìm cách giúp đỡ ủng hộ cho người đó tu dễ dàng. Đại đa số, người nào có duyên gặp bà đều tu hành có kết quả. Một số thầy nghe danh bà, muốn đến thử xem vị thí chủ này có thể giúp mình tu được không? Với mục đích một là thử nghiệm bà già, hai là các thầy cũng muốn trong mùa an cư việc tu tập của mình được tăng tiến.
Bàn bạc với nhau xong, khoảng mấy chục thầy đến xin phép Thế Tôn tới trú xứ của bà già kia hạ thủ công phu. Hay tin, bà già sẵn sàng, vui vẻ nói: “Quí thầy đến đây bao nhiêu cũng được, mùa hạ này tôi sẽ tận tâm tận lực trợ duyên cho thầy tu hành đạt được kết quả tốt.” Chỗ của bà đất rộng, vườn cây thuận lợi cho việc hành thiền. Bà thưa: “Bây giờ quí thầy khỏi phải đi khất thực, trong ba tháng an cư tôi nguyện cúng dường đầy đủ hết, quí thầy yên tâm tu.” Thế là mỗi thầy chọn một gốc cây tĩnh tọa, không ai nói chuyện với ai, để xứng đáng với lòng nhiệt thành của bà lão.
Song sự việc ấy khiến cho bà già đâm nghi. Bà thắc mắc tại sao một số đông như vầy mà không thấy nói chuyện, hay là mấy thầy giận nhau? Quí thầy tu hành có hòa hợp nhau không? Bởi vì tinh thần hòa hợp, đoàn kết là truyền thống của đạo Phật, thiếu yếu tố này không còn ý nghĩa Tăng nữa. Cuối cùng, không chịu nổi bà mới hỏi một thầy trong số các thầy đó: “Tại sao tôi không hề thấy quí thầy bàn bạc với nhau điều gì. Mỗi người chỉ im lặng ngồi hoặc đi, đứng một mình?” Vị thầy này trả lời: “Trước khi đến đây, chúng tôi đã nhận pháp tu nơi Thế Tôn và nguyện trong thời gian ba tháng phải nỗ lực công phu quyết liệt, tu hành miên mật không để tâm tán loạn, làm sao qua mùa an cư này tất cả đều đạt được Thánh quả, báo đền ơn Phật. Do đó chúng tôi đồng ý với nhau, mỗi người tìm một nơi vắng vẻ chuyên tâm thiền định. Không nói chuyện tạp là để tâm chuyên chú tu hành, chớ không phải giận nhau. Chúng tôi rất quí kính và sống tuân thủ hoàn toàn theo pháp lục hòa của Phật dạy. Làm sao phát huy trọn vẹn trí tuệ, thắp sáng ngọn đuốc của mình”.
Bà già nghe nói đặc biệt quá, hồi nào tới giờ chưa từng nghe. Bà mới hỏi: “Như thế quí thầy tu pháp tu gì?” Vị thầy ấy kể các pháp tu như quán thân bất tịnh, quán thân tứ đại: Đất, nước, gió, lửa. Những chất cứng như xương thuộc về đất; những chất lỏng thuộc về nước, chất nóng như hơi ấm trong thân thuộc về lửa, chất động như hơi thở ra vào thuộc về gió. Thân này tạm dùng được là nhờ bốn thứ ấy hòa hợp. Một trong bốn thứ này trắc trở thì thân không dùng được nữa. Quí thầy nhờ thiền quán như vậy nên không chấp thân thật, không chấp thân bền chắc, do đó không đắm luyến thân. Nhờ thế chúng ta sống trong Niết-bàn an lạc, thật sự thanh tịnh giải thoát.
Bà già có duyên đặc biệt với Phật pháp nên sau khi nghe chư tăng giảng dạy sơ lược về cách thức tu hành, bà rất thích hỏi: “Như vậy già này có thể tu được không?” Quí thầy đáp: “Ai tu cũng được hết, nếu bà muốn tu, chúng tôi sẽ hướng dẫn cho”. Được sự chỉ dạy của một Trưởng lão trong số các thầy Tỳ-kheo ở đó, bà già tu chỉ trong vòng một tuần lễ liền chứng Tam quả tức A-na-hàm. Tức là bà chứng quả trước quí thầy. Sau khi chứng quả rồi, bà được Tha tâm thông nên quyết định dùng tâm này xem xét quí thầy cần gì để hỗ trợ cho việc tu của quí thầy mau đạt được Thánh quả.
Vị Tăng nào bệnh bà đem thuốc tới, vị nào muốn ăn món gì bà liền cung cấp đúng như sở nguyện. Bà săn sóc quí thầy từng chút, mong sao qua ba tháng an cư tất cả đều chứng A-la-hán. Đó là niềm vui duy nhất và cũng là cách bà đền ơn quí thầy đã độ bà tu đến quả thứ ba. Quí thầy ngạc nhiên khi bà già cung cấp những thứ cần dùng đúng như ý mình muốn, nên càng giữ tâm thanh tịnh, không dám khởi niệm bậy, sợ bà biết. Nhờ thế qua ba tháng an cư quí thầy đều chứng Thánh quả. Ngày đảnh lễ Thế Tôn, chư Thánh đệ tử kể rõ nhân duyên thành tựu A-la-hán quả của mình cho đức Phật nghe. Thế Tôn rất tán thán quí thầy và bà già thiện tri thức kia.
Bấy giờ có một Tỳ-kheo nghe qua sự việc trên, thầy xin đức Phật muốn đến đó để được bà lão chu cấp như ý nguyện. Thế Tôn chấp thuận. Trên đường đi, thầy khởi vọng tưởng phải chi đến nơi được bà lão chuẩn bị giường tòa cho mình nghỉ ngơi, dọn những món mình từng thích v.v… Quả nhiên như thế, thầy vừa tới nơi, bà già đã đón sẵn từ ngoài cổng và nói: “Mời Thượng tọa vào, tôi sẵn sàng lo lắng phụng sự cho Thượng tọa như nguyện”. Vị Tỳ-kheo vừa vào trong nhà, hết sức ngạc nhiên khi thấy bà già đã chuẩn bị đầy đủ tất cả những gì thầy muốn trên đường từ chỗ Phật tới đây. Ban đầu thầy rất thích thú, nhưng sau thầy đâm ra hoảng sợ. Vừa muốn ăn thứ gì bà liền sai người đem tới ngay. Thầy nghĩ gì bà cũng biết, sợ mình thường xuyên nghĩ bậy bà già sẽ nắm hết thầy đâm ra kinh hãi và xin rút lui.
Về gặp Phật, thầy thưa thật không dám ở chỗ bà già nữa, vì sợ nghĩ bậy sẽ làm mất uy tín của Tăng đoàn. Đức Thế Tôn quán sát thấy nhân duyên ngộ đạo của vị Tỳ-kheo này đã đến, nên Ngài khuyên thầy hãy quay trở lại chỗ bà già ấy. Vâng lời đức Phật, một lần nữa thầy quảy đãy đến trú xứ của bà lão. Quả thật lần này thầy không dám khởi một chút niệm tạp, vừa có niệm khởi liền bỏ đi. Tinh chuyên chánh niệm như vậy chẳng bao lâu, thầy liền chứng quả A-la-hán quả, thành tựu quả vị thanh tịnh giải thoát rốt ráo của người tu. Từ đó thầy xem bà già là vị đại ân nhân của mình, đứng thứ hai sau đức Phật.
Qua câu chuyện, chúng ta thấy việc tu không phải quá khó nhưng nếu mình không trừ bỏ được tập khí sâu dày từ nhiều đời thì công phu rất chậm tiến. Đồng thời cũng nói lên công đức tu hành dù là người tại gia nhưng nếu họ chịu thắp đuốc thì cũng sáng tỏ, cũng chứng Thánh quả. Nên biết Thánh quả không dành riêng cho hàng xuất gia mà cư sĩ tại gia cũng có thể dự vào. Người nào tâm thanh tĩnh, các phiền não lặng hết, vừa có niệm khởi liền buông, hoàn toàn làm chủ mình, người đó cũng có thể đạt được Thánh quả thứ ba, tức A-na-hàm. Câu chuyện có tác dụng răn nhắc giới xuất gia tu hành cần phải miên mật. Nếu không như thế e sẽ thua sút hàng cư sĩ tại gia dốc chí tu tập.
Nhiều người tu hành không tiến, mà còn lui sụt nữa. Lui sụt như thế nào? Nhiều vị tu năm mười năm mà vẫn không có kết quả gì, đụng tới là phiền não lẫy lừng, trong tâm vọng tưởng điên đảo không thể điều phục. Chúng ta kiểm điểm lại, nếu thấy mình như vậy là biết tu không có tiến. Hằng ngày thọ nhận của đàn na thí chủ tứ sự cúng dường, bao nhiêu nợ nần chồng chất mà tu hành không tiến, là biết tự chuốc họa vào thân rồi đó. Vì vậy đôi khi cũng có tâm niệm như vị thầy kể trên, định quảy gói đi cho xong. Cho nên trong cuộc đời tu hành của chúng ta, rất cần có những bà già như tôi vừa kể, để đạo nghiệp của mình chóng thành tựu.
Tu hành rất kỵ mong cầu, vì càng mong cầu thì càng vọng động. Mà vọng động dấy khởi tức là mình quay lưng với tâm thanh tịnh giải thoát rồi. Cho nên tuy nói tu đơn giản nhưng trong công phu phải hết sức tế nhị mới được. Không khéo chẳng những chúng ta tu không có kết quả, mà còn chuốc tai họa nữa. Cần phải cảnh giác nhận diện các thứ vọng động bên trong, đừng để nó kéo lôi mình. Đồng thời luôn khắc tỉnh với các duyên bên ngoài, không cho nó dụ dỗ dẫn dắt. Cho nên trong kinh Phật dạy người biết thắp đuốc là người biết tu. Người biết tu là người biết dụng công, nhất định trong thời gian sẽ có kết quả. Nên nhiều thầy chỉ qua một mùa an cư thành tựu được thánh quả. Còn chúng ta ngày nay tu năm mười năm vẫn chưa thấy gì.
Phật lại dạy: “Người thật tâm học đạo sẽ thấy rõ đạo”. Ở đây, Phật nói người thật tâm học đạo thì sẽ thấy rõ đạo. Làm sao công phu của chúng ta thật tâm là được, thật tức không phải giả. Chúng ta kiểm lại, nếu mình thật tâm thì sẽ thấy đạo. Từ xưa tới nay rất nhiều người đạt được như vậy. Thật tâm chính là biết thắp đuốc, giữ cho tâm mình sáng suốt, đừng vọng động, đừng chạy ngược xuôi theo duyên trần lăng xăng bên ngoài. Việc này ai cũng làm được, không dành riêng cho trình độ nào, tất cả chúng ta đều có thể thực hiện. Hiểu thế, công phu tương đối cũng dễ dàng, chớ không phải quá khó khăn.
Phật nói kệ:
Như người cầm đuốc sáng,
Đi trong chỗ tối tăm,
Bóng tối sẽ tự diệt,
Sáng suốt luôn hiện tiền.
Người thật tâm giống như người cầm đuốc đi trong bóng tối vậy. Cây đuốc còn cháy sáng thì đi tới đâu bóng tối tan tới đó. Trừ khi cây đuốc bị tắt thì bóng tối chụp lên mình, nếu cây đuốc lúc nào cũng cháy sáng thì bóng tối nhất định phải diệt. Bóng tối là gì? Là những ma mị vọng động, những đam mê đắm trước theo trần cảnh. Khi ánh sáng hay trí tuệ của chúng ta hiện tiền thì tất cả những bóng tối ấy lặng hết.
Chúng tôi không bắt buộc quí Phật tử phải tụng bao nhiêu thời kinh trong một ngày hay phải niệm bao nhiêu chuỗi Phật v.v… mà làm sao phải thật tâm. Đó là cách thắp đuốc. Kế nữa là giữ cho ngọn đuốc của mình cháy sáng, trí tuệ hiện tiền thì bao nhiêu những ràng rịt, những đắm trước ngược xuôi, những mắc míu ta bị kẹt bị vướng chi chi đó, tất cả đều tan hoại hết, không còn nữa. Như vậy việc tu có gì khó khăn đâu, miễn sao ta sáng thì hết tối ngay. Như ngôi nhà hoang tăm tối đóng cửa từ bao nhiêu năm, nếu chúng ta thắp được ngọn đuốc sáng thì ngôi nhà ấy sẽ hết tối tăm ngay. Ngôi nhà đã sáng thì tất cả đồ đạc trong đó ta đều thấy rõ ràng. Điều đó không có gì để nghi nữa.
Ngọn đuốc sáng là gì? Là tâm của chúng ta. Tâm ta khi đã ngay thẳng chân thật, sáng suốt thì nhất định mình sẽ bình tỉnh an ổn, không bị ai kéo lôi. Phật chính là tâm chân thật, sáng suốt, bình tĩnh ấy. Từ đó trí tuệ đầy đủ, chiếu soi thấu tỏ tất cả, không thiếu thứ chi. Thắp đuốc chính là sống với tâm chân thật ấy. Cho nên Phật nói như người cầm đuốc sáng đi vào chỗ tối tăm, bóng tối sẽ tự diệt, sáng suốt luôn hiện tiền. Tâm ta lúc nào nó cũng bình thường, an ổn, vui vẻ, không mắc mứu gì hết.
Khi đã sống được với tâm chân thật rồi, chúng ta vẫn cứ nhìn cứ nghe, cứ ngửi cứ nếm, cứ xúc chạm... nhưng thứ nào trả về thứ ấy, không vướng kẹt ở đâu cả. Ví dụ như mắt tôi nhìn cây quạt đang xoay, thì cái quạt cứ xoay, con mắt tôi cứ nhìn, không thêm cái gì nữa hết. Tôi không suy nghĩ rằng cây quạt này của Việt Nam hay của ngoại quốc... Tâm tôi là tâm tôi, cây quạt là cây quạt. Cái thấy của tôi rõ ràng như thế. Nếu chúng ta áp dụng được như vậy trong mọi tình huống, trong mọi sinh hoạt, thì chắc chắn ta sẽ an ổn. Thấy người giàu người nghèo đều biết hết, nhưng không dấy niệm thứ hai. Cái biết ngang chừng đó thôi rồi trả về các pháp, tâm là tâm. Đó là cách tu thẳng tắt trong nhà thiền.
Nếu chúng ta chịu khó áp dụng công phu miên mật, liên tục, kết quả sẽ đến không nghi. Giống như các vị Tỳ-kheo vừa kể ở trên, nhờ ở tại trú xứ của bà già đó, các thầy cố tâm tu tập, không để thì giờ nói chuyện tạp, mỗi người lo việc của mình nên đều thành tựu Thánh quả. Tu như vậy thì cuộc sống sẽ an lạc, thánh thiện, cuộc sống của chúng ta đúng nghĩa là cuộc sống của những người tu. Quí vị cứ nghĩ đi, cái nhà cái xe, con người, cây cảnh, nắng gió, tất cả những thứ ấy đều ở bên ngoài mình. Chúng chỉ phụ thuộc vào cuộc sống này thôi, lẽ ra mình phải làm chủ nó, tại sao ta lại để nó làm chủ mình?
Chạy theo đòi hỏi vật chất của thế gian là bị ngoại cảnh bên ngoài làm chủ rồi. Ví dụ như ta cất nhà là để che mưa che nắng, chớ đâu phải cất để chạy theo kiểu vẽ bên Tàu bên Tây. Ở Việt Nam này xưa, các Thiền sư cất một am tranh, hoặc chui vô hang đá là sống được rồi. Nếu suy nghĩ một chút chúng ta sẽ thấy chạy theo sự cầu kỳ của thế gian là si mê. Vì chạy theo các pháp nên ta khổ, mê các pháp bên ngoài thì bỏ quên cái thật của mình. Người không biết tu thì tâm dính mắc đủ thứ. Nhà cao cửa rộng đâm ra nhiều phiền não, thấy chỗ này dơ chỗ kia bề bộn, tối ngày la hoài. Quét đằng trước rồi chưa quét đằng sau, quét đằng sau rồi chưa lau cái bàn, lau cái bàn rồi chưa dọn cái bếp... Từ sáng tới tối không còn một chút thì giờ để lo tu hành, có phải si mê không?
Bây giờ muốn trí tuệ được hiện tiền, chúng ta đừng vướng bất cứ thứ gì bên ngoài hết. Phật dạy, chạy ra bên ngoài tức là bỏ quên cái tâm của mình. Người như vậy không bao giờ thắp đuốc được. Muốn cho trí tuệ hiện tiền, cây đuốc của mình phải sáng. Phật dạy:
Ai nhận rõ lý này,
Trong tâm không còn mê,
Bao giờ cũng sáng suốt,
Đấy chính là chân tâm.
Ai thắp đuốc được, sẽ nhận rõ tất cả mọi thứ chung quanh đều không thật, không có gì đảm bảo, người đó không phải là người mê. Lâu nay chúng ta thường nghe Phật nói chúng sanh mê lầm, vậy mê cái gì? Mê có nghĩa là không buông được những thứ hư giả chung quanh, chứ thật ra ta khôn ngoan hơn ai hết. Có kẻ ngồi đây mà biết chuyện cả thế giới, chuyện năm châu bốn biển, ai đánh ai, ở đâu, biết hết. Như vậy đâu phải ngu tối. Tại sao Phật nói đó là người mê? Cái ngu mê Phật nói ở đây là chúng ta không buông được mọi chuyện, mọi cảnh chung quanh, cứ tưởng nó là thật rồi chạy theo, mắc mứu.
Bây giờ tu là làm sao đừng tưởng những thứ ấy thật nữa, để mình không bị lệ thuộc bởi nó, cuộc sống luôn an ổn tự do tự tại. Đặc điểm của người tu Phật là hiện luôn an ổn. Bởi đệ tử Phật thì đời sống phải thanh tịnh mới có thể đi đến giác ngộ giải thoát. Phật tử chưa hoàn toàn thanh tịnh như người xuất gia thì ít nhất cũng phải có cuộc sống tương đối an lạc. Muốn an lạc phải làm sao? Trước hết là đừng dính mắc. Cái gì quí vị cũng muốn ôm giữ hết thì làm sao an lạc được? Làm tạo cho mình thế yên ổn, từ đó tăng tiến dần theo hướng thanh tịnh giải thoát. Đó là tinh thần Phật dạy.
Như tên thợ rèn kia,
Trừ hết các sét rỉ,
Thì sắt ấy làm nên,
Món đồ dùng tốt đẹp.
Phật nói là như người thợ rèn, muốn có được những món đồ dùng tinh xảo phải loại hết những sét rỉ ra, chỉ thuần loại sắt thép. Đó là người thợ rèn có đủ năng lực, đủ phương tiện để tạo nên những món đồ tinh xảo, tốt đẹp. Việc tu hành của chúng ta cũng thế. Tăng Ni, Phật tử cố gắng loại được những thứ sét rỉ trong lòng ra thì tâm mới an lạc. Sét rỉ ấy là gì? Là những cố chấp nhỏ hẹp, những tật đố ích kỷ, những tâm niệm tăm tối v.v… Làm sao trong lòng mình không còn những thứ đó thì mới tu được. Không bắt buộc nhất thời chúng ta loại được hết tất cả, từ từ nhưng phải chịu khó trong một thời gian dài. Người yếu đuối lười biếng sẽ không đủ nghị lực để tu tập loại trừ tập khí trong thời gian dài. Do đó chúng ta phải biết nuôi dưỡng ý chí tiến tu.
Phật dạy rõ ràng, như ông thợ rèn muốn rèn được món đồ tinh xảo thì phải loại hết những thứ rỉ sét ra. Chúng ta cũng vậy, tu là loại những rỉ sét trong tâm ra, tức thắp sáng ngọn đuốc của mình lên, làm cho trí tuệ hiện tiền. Tu không phải là nói rổn rảng cho mọi người nghe rằng đừng dính mắc bên ngoài v.v… mà từng bước chúng ta phải kiểm điểm lại mình. Đối với chung quanh ta còn vướng mắc nhiều hay ít? Nếu nhiều thì ráng tu thêm, mạnh lên một chút, gan thêm một chút, buông bỏ nhiều hơn nữa. Dần dần thấy mình được nhẹ nhàng thì biết gần đến được chỗ an ổn rồi đó.
Ngày xưa, có một cư sĩ muốn xuất gia nhưng không được gia đình hoan hỷ. Mặc dù mọi người trong nhà rất mực yêu thương, chăm sóc cho ông đầy đủ, nhưng từ khi biết Phật pháp, ông hiểu rõ tất cả những thứ ấy mỏng manh không trường cửu. Ông chứng kiến rõ sự vô thường của những người thân trong gia đình, sáng vui chiều buồn, còn đó mất đó, rồi con cái của anh chị hư hỏng dạy dỗ không được, công việc làm ăn sa sút thất bại v.v… nên ngao ngán không muốn sống đời sống thế gian nữa. Cho nên dù trong gia đình, biết mình là người duy nhất kế thừa sự nghiệp nhưng ông nhất định đi tu. Sau khi dứt khoát như vậy, ông đã xuất gia.
Sau khi xuất gia, ông nhận thấy người tu muốn đạt được lý tưởng tối hậu phải có sự gia tâm nỗ lực, quyết chí hành trì liên tục mới đạt được kết quả. Lúc còn tại gia tuy sống đời phong lưu, nhưng khi xuất gia rồi ông quyết chí tu khổ hạnh. Vì vậy kết quả đến rất nhanh, sau một thời gian ông đạt được thánh vị. Sau khi thành tựu thánh vị rồi, ông trở về nhà định độ thân tộc. Nhưng bấy giờ toàn gia đình đều thay đổi. Cha mất, mẹ cũng qua đời, anh chị, bà con đi đâu hết, không còn ai ở đó cả. Nhà cửa đổ nát hết, không còn vết tích gì, chỉ còn cái nền thôi. Thấy tình cảnh như vậy Ngài cũng cảm xúc vì đây là nơi chôn nhau cắt rún mà. Bấy giờ nghĩ muốn báo ơn cha mẹ, Ngài gầy dựng một ngôi thất nhỏ trên nền cũ rồi trụ lại đó. Từ đó những người bà con trong xóm, lần hồi tập trung về đông dần. Ngôi thất vì thế lần lần biến thành ngôi chùa nho nhỏ xinh xinh ở miền quê.
Có một điều lạ, đêm đó dân làng thấy chung quanh am của Ngài phát ra ánh sáng đặc biệt, hương thơm xông ngát. Bấy giờ những vị lớn tuổi trong làng mới đến hỏi: “Thưa thầy! Không hiểu vì sao hằng đêm chúng con thấy chung quanh chùa phát ra ánh sáng và có mùi thơm đặc biệt?” Khi ấy Ngài mới bắt đầu thuyết pháp cho họ nghe: “Do công đức tu hành nhiều đời của tôi, cho nên cha mẹ được sanh thiên. Đó là ánh sáng của song thân tôi từ cõi trời về đây viếng thăm, đồng thời hỗ trợ cho việc phát triển tu học tại ngôi chùa nhỏ này. Vì vậy quí vị mới thấy được ánh sáng và nghe được mùi hương đó. Đây chính là ánh sáng của những vị thiên tử, hào quang và mùi thơm của họ lan tỏa như vậy”. Phật tử nghe thế càng thêm kính tín quí trọng Ngài. Từ đó ngôi chùa dần dần biến thành đạo tràng rộng lớn sung thịnh. Dưới sự giáo hóa sâu rộng của Ngài, rất nhiều người tu hành có kết quả.
Trở lại vấn đề của chúng ta. Tu muốn đạt được kết quả như vậy phải quyết chí, mạnh mẽ, không thể yếu đuối mà thành tựu được. Người tu hành thanh tịnh, như thắp sáng tâm của mình, đừng để mắc mứu theo các duyên bên ngoài. Được thế, chẳng những cuộc đời mình có ích lợi mà những người thân như cha mẹ, bà con có liên hệ với mình cũng đều được hưởng phúc lạc.
Một người thắp sáng được ngọn đuốc của mình, sống đúng với chánh pháp thì ảnh hưởng rất lớn lao đối với mọi người chung quanh. Như vậy nếu chúng ta thật tâm thắp sáng ngọn đuốc của mình, nhất định bản thân ta thanh tịnh giải thoát, mà còn ảnh hưởng đến tất cả bà con quyến thuộc cũng đều hướng về chánh pháp. Như quí Phật tử học đạo chân chánh, tổ chức được đời sống đúng chánh pháp, thì trong gia đình từ cha mẹ, vợ chồng cho đến con cháu đều được chuyển hóa, nhất định là như vậy.
Người Phật tử tại gia đừng nghĩ rằng đạo lý nhà Phật chỉ dành riêng cho quí Thầy quí Cô thôi, còn quí vị vô phần. Không phải thế, ai cũng có thể thực hành được hết. Có một cô Phật tử, đệ tử của Hòa thượng Viện trưởng. Cô là dược sĩ, gia đình đang làm ăn phát đạt. Ông chồng của cô ngày xưa là cậu ấm, tức con quan, người ăn kẻ ở hầu hạ đủ cả. Cô kể lại với tôi: “Từ khi lập gia đình con mất hết tám chín mươi phần trăm cuộc đời thầy ơi! Suốt một thời gian dài, cho tới nuôi con cái lớn khôn rồi mà con vẫn không có chút tự do nào hết...” Nhưng sau đó cô được quy y Tam bảo, nghe băng giảng của Hòa thượng, của quí thầy cô. Nhưng phải nghe lén, vì ông nhà không thích.
Khi ông thấy cô mở băng giảng là ông mở nhạc rần rần lên. Mấy đứa nhỏ vô tư nhưng nó rất thương mẹ. Cô một mực chịu đựng, không dám mở miệng phiền hà gì ông. Thấy vợ cứ im lặng không cãi vã, không phản kháng những hành động độc đoán của mình, ông bắt đầu suy nghĩ. Sau đó ông lén cô nghe thử vài đoạn băng giảng của Hòa thượng, xem tại sao vợ mình mê nghe như vậy. Nghe hết đoạn này, lại nghe thêm đoạn kế, ông nói: “Không ngờ Hòa thượng nói hay quá”. Bữa đó tự nhiên ông hỏi vợ: “Bà có bao nhiêu băng của Hòa thượng, của mấy thầy giảng?” Cô đâm sợ ông quậy nên hỏi lại: “Ông hỏi chi vậy?” Ông nói: “Hôm đó bà bận chuyện, tôi có nghe một đoạn băng thấy ông thầy nói hay quá, có lý quá. Lâu nay tôi chưa nghe ai nói như vậy, nên muốn mượn thêm ít băng nghe nữa”.
Cô vui mừng quá liền lựa mấy băng giảng thực tế, phổ thông của Hòa thượng cho ông nghe. Thời gian sau, ông đề nghị “Bữa nào bà dẫn tôi gặp thầy đi!”. Cô nói: “Được! Ông muốn thì tôi sẵn sàng, thầy ở trên núi Vũng Tàu”. Thế là cô dẫn ông bạn ra gặp Hòa thượng. Lần đầu gặp thầy nói chuyện, là ông xin quy y luôn. Sau đó không buổi giảng nào của Hòa thượng mà thiếu ông. Sau này có dịp nói chuyện, tôi rất cảm thông ông. Ông có một đứa con gái út, cưng ơi là cưng. Lên núi ở ngày thứ nhất, thứ hai tới thứ ba là bắt đầu nhớ con gái út rồi, nhớ tới không ngủ được. Vậy mà sau này ông lại xuất gia tu hành rất tinh tấn, cô vợ chạy theo không kịp. Nhưng mỗi lần gặp chúng tôi cô đều cười nói: “Con giáo hóa được ông nhà là nhờ nghe băng của Hòa thượng và quí thầy”.
Cho nên việc tu không phải dành riêng cho giới nào cả, chỉ cần chúng ta gan dạ thôi. Người tu phải gan dạ và có sức chịu đựng. Đức Phật trải qua ba đại a-tăng-kỳ kiếp mới thành tựu đạo quả, hạnh nhẫn nhục đạt tới độ không có ai bì kịp. Người tu bị chửi vẫn không buồn không giận, cho đến đỗi người ta đánh đập mình cũng không buồn giận. Phải gan dạ chịu đựng như vậy mới được. Muốn thế chúng ta phải sáng suốt, tu mà không sáng suốt thì cả đời chẳng đi tới đâu.
Có bài kệ thế này:
Người sẵn giống trí tuệ,
Chẳng sanh lòng tham đắm.
Lúc nào cũng tỉnh giác,
Không quên mất chánh niệm.
Phật dạy tất cả chúng ta đều có hạt giống trí tuệ, sở dĩ ta tham đắm thế gian là vì tập nhiễm. Hồi mình mới sinh ra, chưa biết gì thì đâu có tham đắm. Cho nên tham đắm rõ ràng là do tập tục của cuộc đời, những thứ mình mới huân tập trong cuộc sống, chứ bản chất của chúng ta không phải tham đắm. Người tỉnh giác thì không tham đắm, lúc nào cũng sống với chánh niệm, với trí tuệ chân thật của chính mình.
Ở trong chánh pháp ta,
Tu tập hạnh giải thoát.
Chẳng bỏ quên trí tuệ,
Vì quên trí tuệ rồi,
Chẳng phải người học đạo.
Cũng chẳng phải người tu.
Người tu nhất định phải là người có trí tuệ, sống đúng chánh pháp, luôn luôn thắp sáng ngọn đuốc của mình với chánh pháp. Ngày xưa Phật đã dạy như vậy, bây giờ chúng ta tu cũng phải tu như vậy. Việc tu thật ra không khó nhưng đòi hỏi chúng ta phải có sự hiểu biết, rồi gan dạ áp dụng một cách tuần tự mới có kết quả được.
Người thắp sáng được trí tuệ như thuyền bè vững chắc có thể vượt qua khỏi biển sanh tử phiền não, tức là hết khổ. Có trí tuệ thì phiền não không sanh được. Khi nào trí tuệ vắng thì phiền não mới sanh. Nghe người nói xấu mình, lúc đó không đủ sáng suốt ta liền sanh phiền não. Nếu sáng suốt thấy tất cả lời nói đều không thật thì phiền não làm gì? Quí vị thử tưởng tượng người có hai cái môi không đủ, cái lưỡi thụt vô, hai hàm răng rụng hết, họ nói mình nghe được không? Không được đâu. Họ nói như ngọng vậy, nghe không rõ gì cả. Bây giờ mình tưởng tượng kẻ nói xấu mình cũng như thế, sở dĩ họ phát âm được là nhờ môi trên môi dưới, hai hàm răng rồi lưỡi đầy đủ. Nếu các thứ không thật có thì lời nói xấu kia làm sao có thật được. Hiểu như vậy rồi, những lời chửi mắng là vô hiệu với mình thì làm gì phát sanh phiền?
Nên người có trí tuệ,
Như ngọn đèn vĩ đại,
Soi sáng chỗ tối tăm.
Người có giống trí tuệ,
Là vị thuốc hay nhất,
Chữa hết mọi bệnh khổ.
Nói tóm lại người có trí tuệ là người hết khổ, người có trí tuệ là người vĩ đại nhất, người có trí tuệ là người biết tu, biết thắp sáng ngọn đuốc tâm của mình và là người giải thoát. Giống như anh thợ rèn bỏ hết những rỉ sét, chỉ còn kim loại thuần túy, mới luyện được những món đồ tốt. Người bỏ được tất cả những lăng xăng phiền não ngược xuôi bên ngoài mới sống với thanh tĩnh giải thoát an ổn. Nói rõ hơn người đó sống được với tâm, với ông Phật của mình.
Tôi kính chúc toàn thể quí Phật tử đều thắp được ngọn đuốc sáng của mình, để tự chiếu soi và đem nguồn lợi ích an vui đến cho mọi người.