Bầu trời nặng như chì vào buổi sáng. Một cô bé đeo một ôm những chùm lắc treo chìa khoá, những chú lính chì, những con búp bê bện bằng len và vải mụn len lỏi trên phố.
Hai bên con đường nơi nó đang đi qua là những căn nhà lúp xúp của dãy phố xép. Một cây đa cổ thụ loà xoà che kín phía trên mái những căn nhà cấp bốn chạy theo mặt phố. Thấp thoáng phía sau một dãy nhà lụp xụp là mái chùa cổ. Từ phía đó vọng đến tiếng chuông thỉnh trong không gian buổi sớm.
Phía sau chùa là dòng sông. Bến cát vọng lên tiếng cười của lũ trẻ con nhà thuyền chài. Những cái lá vàng bị gió đẩy trượt theo bờ cát. Mưa xuống lây rây từng đợt.
Tiếng rao của cô bé vang xa: “Búp bê đây...” Tiếng rao trong vắt, như chuỗi hạt cườm lóng lánh dắt trên những vòm lá, len lỏi giữa những tiếng ù ù của dòng sông đang chảy và tiếng thành phố mới thức dậy.
Hân dựng xe vào chỗ gửi xe ngay cổng chùa. Chị hơi nhíu mày khi nhìn thấy con bé bán búp bê:
- Đi bán sớm thế hở Linh?
- Em chào cô!
Hân vẫy tay:
- Có ai lại đi chơi búp bê sớm thế cơ chứ. Lại đây cô mua cho một con nào.
- Thế là cô có 17 con rồi.
Linh lẩm bẩm. Hân nhìn cô bé:
- Sao nhớ thế?
Linh không trả lời câu hỏi của Hân mà líu tíu khoe:
- Đêm nào mẹ em cũng tết được hai con. Sư Phúc ở chùa thỉnh thoảng cũng mua cho em một con.
- Đã làm hết bài tập chưa?
- Em còn một bài toán khó quá chưa giải được. Em làm xong bài văn cô giao rồi.
Nó cười nhìn Hân. Nhưng trong ánh mắt nhìn luôn luôn có gì đó tò mò, vừa thán phục, vừa săm soi...
Chùa Phúc Ân tuy bề ngoài nhỏ nhắn nhưng phía trong rộng thênh. Hân đi lẫn trong dòng người tâm nguyện thành kính vào chùa. Không biết lần này là lần thứ bao nhiêu chị vừa đặt chân vào gian chùa chính vừa tưởng tượng ra gương mặt của một tiểu thiên thần đang mỉm cười với chị từ trên cao. Chị đặt những đồng lễ lên bàn thờ như mọi người rồi cùng chắp tay theo tiếng chuông thỉnh của sư Phúc:
- Nam mô a di đà Phật...!
Cả gian nhà chùa vang lên tiếng cầu: “Nam mô a di đà Phật!”.
Xong buổi lễ, Hân đi phía nhà ngang. Mọi người hồ hởi đón Hân. Sư Phúc vừa xếp mõ, vui vẻ:
- A di đà Phật, lâu lắm mới thấy cô giáo vào chùa.
Hân chắp tay vái lại:
- Tôi bận quá, thắp hương ở nhà khấn vọng thôi.
- Cốt lòng thành là được. Chúng tôi cũng đang muốn nhờ thầy cô một việc. Nhà chùa định mở lớp dạy thêm cho đám trẻ lang thang.
- Vâng, sư bác và các bác các thầy cứ cho ý kiến, chúng tôi sẽ cố gắng thu xếp.
Có tiếng trẻ con khóc vọng ra từ trong buồng nhà ngang. Mấy sư nữ vụt chạy vào. Hân hỏi bà giúp việc:
- Nhà chùa có trẻ sơ sinh nhà ai hay sao?
- Không biết đâu, sáng sớm hôm nọ sư Phúc nhặt đươc ngoài cổng. Những hai chị em, rõ tội nghiệp. Chẳng biết mẹ chúng thất cơ lỡ vận ra sao mà đành phó thác cho nhà chùa.
- Nhà chùa định nuôi hay đưa chúng đi? - Hân dè dặt hỏi.
- Thì biết đưa chúng đi đâu. Có ai hảo tâm hay không có con nhận nuôi thì cũng đỡ khổ cho chúng.
Nói xong, bà giúp việc cho nhà chùa chợt ngưng bặt vì biết Hân cũng là người không có con. Nhưng mắt Hân sáng bừng. Chị vụt đứng dậy, đi vào buồng đỡ lấy đứa trẻ đang mút bình sữa chùn chụt trên tay một ni cô. Chị nhìn nó ăn như hút hồn.
- Nó dễ thương quá cô nhỉ.
Ni cô lắc bình sữa:
- Gần hết cả chai mà còn thòm thèm. Chắc mẹ nó không có tiền nuôi con. Hoặc là người ta dặm trường thân gái bà giáo nhỉ. Lại còn con chị đang ngủ ngon lành kia nữa.
Lúc ấy Hân mới nhìn thấy con bé con đang lăn trong góc giường dưới tấm chăn nâu sồng. Ni cô rút con búp bê bằng len ra dứ dứ trước mặt thằng bé:
- Ngoan nào, ngoan nào.
Hân nhìn con búp bê, nhận ra đó là búp bê của mẹ con bà đồng Nam làm. Chị xuýt xoa:
-Chúng nó dễ thương quá. Dứt ruột bỏ hai đứa con lại cho nhà chùa, chắc mẹ chúng cùng đường rồi. Nom chúng cũng sạch sẽ, sáng sủa.
- Để con bé hồi tỉnh lại rồi hỏi tên hỏi tuổi xem nó có nhớ được không? Chả chắc đã nhớ được bà giáo nhỉ, bé quá thế kia. Nom bà giáo, tôi đồ chừng như muốn đón chúng về. Làm phúc được phúc bà ạ.
Hân không nói gì nữa, lẳng lặng xếp lại tấm chăn cho con bé rồi nhẹ nhàng đặt thằng cu em xuống giường. Chị vuốt con búp bê rồi tần ngần đặt một ít tiền vào tay ni cô:
- Tôi gửi các cháu ít tiền.
*
* *
Phải khéo lắm, Hân mới thuyết phục được chồng vào bệnh viện xét nghiệm. Lấy nhau đã lâu mà chưa có được mụn con, Thành vốn là một người đàn ông lặng lẽ, nghiêm nghị, nay lại càng lặng lẽ nghiêm nghị hơn. Hai vợ chồng ngồi chờ trên chiếc ghế băng dài. Không ai nói với ai câu nào. Không khí nặng nề vì Thành không thể nào chấp nhận mình lại phải ngồi ở một nơi kém khí thế này. Còn Hân, chị cứ cảm thầy dường như mình có lỗi trong chuyện phải để chồng đi đến chỗ này. Chị ngồi ngoẹo đầu trông như một đứa trẻ biết lỗi.
Ngoài hành lang, những thiếu phụ mệt mỏi đang đi lại hoặc ngồi chờ đợi đến lượt khám. Họ vác những cái bụng các cỡ qua lại trước mặt Thành. Anh khẽ nhíu mày, sượng sùng. Những cái bụng cứ vươn ra như trêu người lần lượt cái này đến cái khác, thản nhiên, tung tẩy, yếu ớt, kiêu hãnh... Dường như những cái bụng đó đã nói lên hết tất cả những tính cách của những con người đang thành hình và sắp hiện hữu trên cuộc đời.
Những cái bụng cứ phình ra trước mắt. Anh cảm thấy như mình đang loạng choạng lên xe trên một đoạn đường đất đỏ. Những cái bụng biến thành những đứa trẻ ngỗ nghịch. Chúng nhìn anh mà cười sằng sặc. Chúng xúm quanh anh, gào rú. Thành ngạc nhiên chững xe lại:
- Này, các anh làm cái trò gì thế?
- Trò gì à? Để dạy cho ông một bài học. Ông có biết ông phạm phải cái tội gì không?
Thành hơi tái mặt. Anh xẵng giọng:
- Các cậu là ai mà dám can thiệp vào những chuyện của người khác.
Lũ thanh niên vẫn quay vòng quanh người thầy đáng kính. Chúng cười sằng sặc:
- Ông vẫn chưa hiểu ra à? Ông có biết ông đã phạm vào tội gì không? Tội giả vờ sạch sẽ quá. Như thế rất đạo đức giả thầy giáo ạ. Sống với ông chắc chẳng thú vị gì.
- Nhưng... các anh là ai?
Những gương mặt méo mó chạy vòng quanh Thành. Những tiếng cười sằng sặc, náo loạn, khinh miệt. Anh không né tránh, cũng chẳng sợ hãi. Nhưng anh ngây ra, đờ đẫn, vô hồn. Tiếng cười và những lời nói văng vẳng bên tai anh:
“Ông có biết ông đã phạm vào tội gì không. Tội giả vờ sạch sẽ quá. Như thế rất đạo đức giả, thầy giáo ạ: Sống với ông chắc chẳng thú vị gì”.
“Sự tẻ nhạt và đạo đức giả...! Sự tẻ nhạt và đạo đức giả...!”.
Thành giật mình rồi tỉnh lại. Một chị có cái bụng rất to ngồi phịch xuống bên cạnh. Anh ngồi xích ra như vẫn còn sợ cái lũ trẻ ở đâu đó quấy rối. Thành lén nhìn sang vợ. Chị đang nghĩ đến những điều gì đó mà gương mặt sáng bừng.
Hân nhìn những thiếu phụ có thai một cách thèm khát. Chị thò tay vào cái túi, trong đó có con búp bê đang ló đầu ra nheo nheo cặp mắt đen láy nhìn chị. Hân khẽ mỉm cười để vẫy chào nó.
Đến khi có ông bác sĩ ló đầu ra, Thành mới quay đầu sang giục vợ:
- Vào trước đi!
Bác sĩ vẫy tay:
- Cả hai anh chị vào trong đây. Anh sang phòng tay phải kia kìa. Còn chị ngồi đây.
Cuối buổi, cả hai đi ra cổng bệnh viện. Họ im lặng lên xe đi về. Hân bần thần, tay chị bóp chặt con búp bê trong túi.
*
* *
Buổi tối, Linh rón rén đi vào phía sau cửa nhà chùa:
- Bà ơi, hôm nay cháu bán ế quá. Cháu gửi cho các em con búp bê cháu mới bện tối qua.
Ni cô già cười móm mém:
- Cô giáo Hân vừa mới tới cho hai đứa ít tiền. Nom mặt mày méo xệch. Chắc cô giáo muốn đón lũ trẻ mà ông giáo không cho.
Linh dẩu môi:
- Cháu mà là thầy cháu cũng không muốn.
- Sao cháu nói vậy?
- Lúc nào thầy ấy cũng nghiêm nghị. Nhỡ đâu chúng nó hỗn thầy lại không dám đánh mắng. Ngộ nhỡ người ta đánh giá...
- Con nhà mẹ đồng có khác. Nói năng như một bà chiêm tinh. Cháu phải ăn nhiều vào. Còn nhỏ người lắm.
- Cháu sắp thành người lớn rồi đấy.
- Bao giờ thì thi vào đại học?
-Vâng, cháu sẽ thi vào trường... mà thôi, bí mật. Hôm nay cháu bận rồi.
Linh rảo bước thật nhanh trên con phố vắng. Hôm nay nó đã nhìn thấy thầy Thành đến nhà chị Thương ở xóm Chùa gần bến sông. Nó nhìn thấy thầy kéo chị ấy vào lòng ngay bên hiên nhà. Không biết có nên mách cho cô Hân? Linh thấy trời đất như chao đảo. Giá như có Giang ở nhà, Linh sẽ không ngại ngần gì để đến tìm anh. Có thể anh sẽ có cách nào giúp cô?
Nhưng liệu Giang có để ý đến một cô bé với những con búp bê nghèo nàn?
*
* *
Trên chiếc giường đôi, Hân nằm rũ rượi. Chị lắng nghe tiếng cô bạn hỏi mà như đang trôi trong một giấc mơ khủng khiếp.
- Này, cậu có biết người ta đang nói gì về ông Thành không?
Hân thoáng tái mặt. Hằng nhìn sâu vào mắt Hân:
- Hay cậu giả không biết gì? Cậu thử hỏi mấy chị xóm Chùa xem.
Hân thẫn thờ:
- Chẳng hỏi thì anh ấy cũng đi rồi. Cô ta cũng tự nguyện. Thì tớ cũng chỉ cốt sao có người sinh cho anh ấy một mụn con. Anh ấy hứa hàng tuần chỉ sang với cô ấy một đôi lần, còn thì lại về nhà với tớ.
Tiếng Hằng văng vẳng:
- Trời ơi, tớ không thể cao cả như cậu được. Tớ mà thấy ống Hùng nhà tớ đi với cô nào bay đèo cô nào là tớ điên lên ngay. Đàn ông vốn bạc từ trong trứng bạc ra...
- Tớ cũng...đau lắm. Nhưng cậu bảo làm thế nào được? Thương nhau thì phải biết hi sinh thôi. Tớ không thể sinh con cho anh ấy.
-Tớ không như cậu. Tớ không thích cái thế giới cao thượng của cậu. Tớ phải sống khoẻ. Mà muốn sống khoẻ thì phải yêu chính bản thân mình đã.
- Cậu dạy lũ nhỏ thế à?
- Đấy rồi cậu xem, theo quan điểm của tớ, lũ trẻ thành đạt. Còn đám nào chủ trương theo lối sống của cậu đám ấy sẽ sống rất chật vật.
Hằng ngừng bặt. Hai người im lặng. Rồi Hằng nói tiếp, nhưng sắc giọng nhỏ hẳn:
- Nhưng cũng phải thừa nhận nếu không có những người như cậu, thế giới này sẽ suy tàn...
Linh lặng lẽ lùi ra khỏi ngõ. Nó ngồi xụp xuống bờ cỏ Hương đêm trùm chiếc khăn voan mỏng mảnh hơi sương lên tấm thân nhỏ bé. Nó xoè những con búp bê lên bầu trời trăng đang lên, để có thể nhìn sâu bên trong những vụn len, vụn vải. Nó nhớ đến gương mặt một người. Gương mặt đó nhoè trong ánh trăng non.
Người bạn về rồi, Hân nằm rũ trên giường. Rồi chị bật dậy nhìn cái bóng đơn độc của mình hất lên tường. Ngoài trời trăng sáng vằng vặc. Chị đứng rất lâu bên cửa sổ, dõi theo bóng trăng.
Hân mở cửa đi ra ngoài. Chị cứ đi. Đi mãi. Như không biết mình đang làm gì. Con đường dài hun hun hút. Bỗng chị như nghe tiếng cậu học trò năm nào. Không, đó là tiếng một người con trai đã trưởng thành, đã qua nhiều khó khăn trong cuộc đời: “Môi lần em gặp chuyện gì đó khó khăn tưởng không thể vượt qua, em lai như nhìn thấy cô đứng trước mặt em. Em tưởng tượng cô sắp giang tay ra tát em... (Nụ cười của anh lan xa trên cánh đồng, thật ấm áp). Em cứ nghĩ đến cô, lo sợ cô sẽ gặp phải chuyện gì đó trong cuộc sống mà em thì không biết. Hãy hứa với em là cô sẽ gọi em khi cần...”.
Chị quay người nhìn lên bầu trời đêm. Nơi đó có những vì sao nhấp nháy như theo dõi chị, soi sang bước đi của chị.
Hân đã đứng giữa cánh đồng. Chị ngứa mặt nhìn lên bầu trời đêm. Rồi gió ùa tới. Thấm sâu vào cơ thể chị. Mùi lúa non thơm man mác thoảng qua vỗ về. Chị như nhìn thấy trong gió bóng một người con trai khoác ba lô đang đứng trên đường. Bóng người đó khuất dạng trong biển lúa, trong gió. Nhấp nhô phía trước.
Hân không biết là phía sau chị, Linh cũng đang thất thểu đi. Nó đi theo chị mà như không biết đi để làm gì.
*
* *
Linh chìa những con búp bê ra trước mặt khách đi đường, tiếng rao của nó như chùng xuống. Không ai đứng lại mua cho nó một con. Có tiẽng ai đó gọi:
- Linh ơi! Dường như đó là tiếng gọi mà Linh vẫn chờ trong giấc mơ của mình. Rồi tiếng người con trai thật gần:
- Linh, bán cho anh hết chỗ này nhé!
Linh bối rối:
- Anh Giang, anh về thật đấy à?
- Ơ hay, thì anh về thăm mà, có sao không?
- Không, là em... Anh thích thì em tặng hết cho anh.
- Không, anh thích mua cơ. Để anh mua hết chỗ này.
- Anh mua làm gì mà nhiều thế?
- Anh thích!
- Có thật không?
- Thật! Với cả để làm quà tặng.
Linh chợt dẩu môi như một bà cụ non:
- Anh đừng tặng cô Hân nhé. Tặng là cô ấy sẽ...buồn lắm. Tự cô ấy mua thì được.
- Không đúng!
- Sao thế?
- Mẹ em bảo, nếu muốn người ta yêu mình thì đặt con búp bê lên ngực suốt đêm, rồi mang đến tặng người yêu, hoặc đặt búp bê xuống dưới gối của người đó. Người đó sẽ yêu mình suốt đời. Nếu muốn trả thù thì cắm một cây kim vào ngực búp bê, đặt xuống dưới gối của người đó... Ôi, em quên mất, tại sao em lại tiết lộ điều đó với anh nhỉ? Anh đừng nói cho ai biết bí mật đấy nhé.
- Anh không tin. Đó chắc là một câu chuyện cổ tích mà thôi.
- Em không biết. Nhưng em tin mẹ. Anh về thế này thật tốt. Em có chuyện muốn nói với anh...
*
* *
Giang ngồi trước mặt Thành:
- Em biết thầy sẽ nói với em câu này. Thầy cho rằng em không có quyền can thiệp vào cuộc sống của thầy và cô. Nhưng em và thầy đều là đàn ông, và có một điều thầy không thể hiểu cả hai chúng ta đều có hình ảnh một người trong đầu, dù thầy không trân trọng hình ảnh đó, còn em thì ngược lại.
Thành nhíu mày nhìn Giang:
- Tôi không có khái niệm trân trọng hình ảnh người đàn bà là vợ mình.
- Thầy ơi, em nghĩ mọi ngôn từ đều là hoa mĩ cả. Thầy hãy giúp cô sống bình thường, hạnh phúc như bao người đàn bà khác.
- Bằng cách nào? Lẽ ra tôi không phải tranh luận hay trả lời anh bất cứ điều gì. Nhưng quả thật, tôi đã đang băn khoăn lắm. Có người để chia sẻ, cũng nhẹ người. Tôi không tin ai xung quanh tôi cả. Lúc nào cũng có người sẵn sàng rình rập, hạ bệ tôi. Chỉ có Hân là người lúc nào cũng coi tôi như một vị thánh. Mà tôi thì đâu phải là một vị thánh. Là đàn ông chắc cậu hiểu. Tôi cũng thích những cô gái đẹp. Tôi cũng thích bia bọt vui vẻ. Nhưng ngay cả ở nhà, tôi cũng không được sống thoải mái. Cô ấy đã làm tôi phải tự bó mình trong hình ảnh một con người mực thước. Tôi mệt mỏi và bế tắc.Bế tắc. Cậu hiểu không? Ngay cả trên giường ngủ, cô ấy cũng làm cho tôi phải giữ gìn mực thước. Có lẽ chính tôi mới là người luôn phải sống vì cô ấy. Và thế là tôi phải phá tan. Phá tan mọi sự với Thương, tôi được làm cái thằng người.
Giang lắc đầu, đứng lên:
- Ai cũng có lí của mình. Cuối cùng để khổ cho chính cô. Thầy không cần phải nói thêm điều gì. Chỉ mong thầy đừng xuất hiện nữa, hãy để cho cô Hân được tự do với nỗi cô đơn của mình. Chào thầy!
Thành hét lên:
- Anh không thể cấm tôi. Đó là vợ tôi. Dù gì cũng là vợ tôi
Nhưng Giang đã không còn đó để Thành giãi bày hay lí sự.
*
* *
Hân đi giữa dòng người đi dự hội rằm tháng Giêng trên điện Hòn, leo ngược lên núi đá giữa dòng sông. Gương mặt chị ửng hồng.
Dưới sông, một con thuyền vượt nước băng lên. Linh đang vung tay chèo hớt hải đuổi theo một ai đó. Nhưng một con thuyền khác lại đang rẽ sóng đuổi theo. Trên thuyền là Giang. Thỉnh thoảng anh dừng tay chèo, bắc loa tay gọi:
- Linh ơi!
Hai con thuyền cùng vượt sóng. Những con sóng thượng nguồn đổ về từng đợt. Gió thổi như muốn hất tung mái chèo: Giang gạt mồ hôi khi con thuyền đã áp sát thuyền Linh:
- Linh, mẹ em nói em tự lấy đi của mẹ cái lễ cắt tiền duyên định để mai làm cho người ta.
- Mẹ em để đâu đấy không nhớ. Em lấy làm gì?
Giang giữ cho hai con thuyền dừng lại. Hai con thuyền chòng chành giữa dòng nước xoáy. Giang níu tay Linh:
- Linh, anh không tin vào chuyện bói toán. Nhưng anh đuổi theo em để bảo em đừng làm gì phiền cô Hân trên điện.
- Em làm gì mặc em.
- Hãy để cho cô Hân được sống theo ý mình. Cô ấy sống vì người khác nhiều quá rồi. Em định làm cái lễ cắt tiền duyên cho cô Hân phải không?
- Cắt đi để cho cô không còn ai yêu đương quấy phá. Để cho thầy Thành quay về với cô. Để cho anh khỏi mang cái gánh nặng trở thành người yêu thương quấy phá... Em hiểu anh và cô Hân. Nhưng em không thể chờ đợi. Em không muốn anh vì cô ấy mà quên đi người khác.
Giang giật mình:
- Linh, em nói gì vậy?
- Em ngồi cạnh Mai. Lúc nào có thư anh gửi về nó cũng cho em đọc. Lúc nào anh cũng nhắc đến cô Hân như cái cách một người con trai nhớ đến một người con gái. Cô ấy là cô giáo của anh, lại hơn anh 5 tuổi... Ngày còn nhỏ, em đã tưởng tượng lớn lên sẽ là vợ anh...
- Linh, em nói gì lạ vậy?
- Anh không để ý đến cô gái nào, cũng không để ý đến em. Anh lúc nào cũng lo cho cô Hân. Anh có thể dối lòng mình. Nhưng anh không thể dối em được.
- Linh, em nói gì vậy? Em còn là một cô bé mà.
Linh không nói gì, chỉ nhìn Giang chăm chăm. Con thuyền chòng chành. Nhưng Linh bỗng thản nhiên mở nút áo ngực. Bộ ngực non tơ lộ ra giữa vùng trời nước mênh mông. Nó thì thầm, giọng run rẩy:
- Em đâu còn là một cô bé...
Giang choáng ngợp trước cử chỉ của cô bé bấy lâu anh coi như đứa em. Anh nhắm mắt lại. Con thuyền nhỏ của Linh bỗng vọt lên phía trước một cách quả quyết.
Giang vẫn đứng giữa sông, trên con thuyền chòng chành. Anh vuốt mặt rồi ngửa mặt nhìn lên bầu trời. Rồi nằm xuống thuyền, mặc cho thuyền đưa anh xuôi theo dòng nước, trở lại thành phố.
*
* *
Rời hội, Hân đi như người đã thoát trận. Chị bước xuống bến nước nhận ra cô bé Linh đang ngồi ngủ gục trên con thuyền nhỏ. Hân gọi:
- Linh, sao em lại ngồi ở đây?
- Em chờ đón cô về.
- Trời ơi, sao em cứ phải vất vả như vậy? Cô đi theo thuyền ai về chẳng được. Sao em không lên dự hội? Vui lắm. Cô có việc nên chẳng ra xem người ta làm lễ cúng Bà được. Chỉ thắp hương cho Bà rồi khấn vọng thôi.
- Lẽ ra em cũng lên, nhưng... sợ lạc cô. Anh Giang dặn em ngồi đợi cô, sợ cô về thuyền khác đông người.
- Giang đâu rồi?
- Anh ấy không đến đây. Cô ơi, có bao giờ cô nghĩ em là người ích kỉ, là người xấu không?
Hân cười:
- Cái cô bé này, đến là nhiều chuyện. Bao nhiêu chuyện hay chẳng nói, cứ thích làm bà già. Chốc nữa lên chùa với cô luôn thể nhé.
- Lên thăm các em hả cô?
- Không, lần này cô đến chùa là xin đón các em về.
- Thật hả cô? Thế thì thích quá. Em sẽ sang nhà cô trông chúng nó cho cô đi dạy. Em sẽ làm tặng hai đứa con búp bê với con người máy mới thật đẹp.
- Cái con bé này. Em cũng còn phải đi học với đi bán hàng giúp mẹ chứ.
- Nhưng em sẽ sang thường xuyên với cô. Cả Mai. Với cả anh Giang nữa cô nhỉ.
Hân bước xuống thuyền. Nước ào ạt chảy dưới đáy sâu lòng sông. Những tia nắng vượt lên trước con thuyền như những búp tay nhỏ xíu vẫy gọi. Gương mặt cô bé Linh sáng rực như cánh lá non. Gió nhẹ nhàng lùa những bông sương còn sót lại trong nắng rập rờn bên mạn thuyền.
Phía xa, bóng một con thuyền thấp thoáng. Trên thuyền là một người con trai đang khua chèo ngược sông. Người đó có dáng dấp như là Giang, nhưng không còn vẻ thư sinh, không còn ngập ngừng. Con thuyền chở anh đang băng băng về phía Hân, lẫn trong lớp sương mù màu sữa nếp./.