Khảo luận về tác phẩm
Tầng đầu địa ngục Là một dân tộc tương đối nhỏ yếu, tuy chúng ta vẫn giữ được một nền văn hóa riêng, giữ được độc lập và những bản chất đặc biệt của dòng giống, nhưng trong lịch sử, dân tộc chúng ta đã quá nhiều lần phải chịu đựng nạn ngoại xâm. Vì vậy, chúng ta quen thuộc nhiều với nền văn chương ngoại quốc.
Trước đây, chúng ta quen thuộc văn chương Trung Hoa, ông cha chúng ta học chữ Hán, viết chữ Hán, làm thơ Đường luật. Sử sách của chúng ta ngày xưa cũng được ghi bằng chữ Hán. Rồi trước đây năm mươi năm, chúng ta học chữ Pháp, kiếm ăn bằng tiếng Pháp, dân tộc ta đã sản xuất ra được vài nhà văn viết tiểu thuyết hoặc khảo luận bằng tiếng Pháp.
Gần đây, chúng ta quen biết, gần gụi với văn chương Hoa Kỳ, qua sách báo, phim ảnh, Tivi, nhất là trong những năm nửa triệu người lính Mỹ lên đất ta giúp chúng ta đánh lại Cộng sản.
Ngoài văn chương Pháp và Hoa Kỳ, chúng ta cũng được biết khá nhiều về văn chương Anh.
Chúng ta chỉ được biết rất ít về văn chương Nga.
Sự kiện này không có gì khó hiểu. Nước Nga, từ một nửa thế kỷ này, nói rõ hơn, từ ngày chế độ Cộng sản được thiết lập trên nước Nga, đã trở thành một quốc gia thù hằn với tất cả những quốc gia không Cộng sản trên thế giới. Những người Cộng sản cầm quyền ở Nga thực hiện một chính sách bất thân thiện với toàn thể thế giới. Họ chỉ gây hận thù và chỉ nghĩ đến chuyện phá hoại để rồi nhuộm đỏ cả thế giới. Họ bao vây đất nước họ, đồng bào họ trong một bức màn sắt. Người thế giới tất nhiên là không thể liên lạc được với người dân Nga trong khi người dân Nga sống như những tù nhân trong lãnh thổ bị bưng bít của họ.
Văn chương Nga, từ trước thời Cộng sản vẫn là một thứ văn chương đứng hàng đầu ở Âu châu. Những văn hào Nga như Tolstoy, Dostoyevsky, Gogol, Tchekov nổi tiếng khắp thế giới. Tác phẩm của họ được kể là những sản phẩm tinh thần quý báu của toàn thể nhất là.
Nhưng từ khi chế độ Cộng sản được thiết lập trên đất Nga, nửa thế kỷ qua, văn chương Nga Cộng sản không còn đóng góp được gì đáng kể cho nhân loại. Số nhà văn Nga được thế giới biết đến có thể được đếm trên một ngón tay. Đó là những Ilya Ehrenbourg, Vladimir Dutdinsev… Và mới đây Boris Pasternak, Cholokov, rồi nhà văn Nga mới nhất: Aleksandr I. Solzhenitsyn.
Đáng kể nhất là điều mỉa mai nhất là Boris Pasternak và Aleksandr I. Solzhenitsyn, cả hai cùng đoạt giải Văn chương Nobel, lại nổi tiếng ở ngoại quốc hơn là nổi tiếng ở trong nước Nga, tác phẩm của cả hai nhà văn này đều được ấn hành, xuất bản ở Âu châu và Mỹ châu trước khi được ấn hành, xuất bản ở ngay trong nước Nga cho người Nga đọc. Tại sao có sự lạ lùng như vậy? Hai nhà văn lớn này có muốn thấy những đứa con tinh thần của họ có cuộc sống trái ngược với tự nhiên như vậy không: sách của văn sĩ Nga hiện sống trong đất Nga được đưa từ ngoại quốc vào đất Nga cho người Nga đọc lén? Họ có lén gửi tác phẩm của họ ra ngoại quốc để được dịch và xuất bản ở ngoại quốc hay không? Và nếu có, vì sao họ phải làm như thế?
Trường hợp đặc biệt của Aleksandr I. Solzhenitsyn và tác phẩm
Tầng đầu địa ngục của ông đặt trước mặt nhân loại một vấn đề lớn – ta có thể gọi đây là vấn đề nan giải nhất của thế kỷ XX – đó là vấn đề tự do của con người bị giới hạn vì những quyền lợi chủ nghĩa, quốc gia, con người bị tan vỡ, bị tiêu diệt khi con người đụng chạm với những quyền lực lớn ở ngay trong đất nước của mình. Aleksandr I. Solzhenitsyn, với tác phẩm
Tầng đầu địa ngục, kêu lên tiếng kêu xé trời của những người bị áp bức, tù đày trong Liên bang Xô Viết, nơi từng được tất cả những đảng viên Cộng sản trên khắp thế giới thành kính hướng về như những tín đồ hướng về đất thánh. Aleksandr I. Solzhenitsyn cũng là nhà văn Nga duy nhất hiện còn sống được ví cùng một lúc với Tolstoy và Dostoyevsky. Ông được coi giống với Tolstoy về văn pháp, về cách sử dụng văn Nga tài tình và phong phú, ông được coi giống với Dostoyevsky về tư tưởng, về sự đề cao giá trị con người trước những bất công của xã hội, những đè nén của bạo lực, và nhất là vì việc đưa tiểu thuyết những kinh nghiệm tù đày của chính bản thân. Cũng như Dostoyevsky từng bị tù đày nhiều năm ở Tây Bá Lợi Á, bị kết án tử hình, Aleksandr I. Solzhenitsyn đã phải ở tù mười một năm trong các trại tập trung và cưỡng bách lao động của chế độ Nga Xô Viết. Và cũng như Dostoyevsky, tù đày và những hành hạ về thể xác không thể làm mất được ý chí tinh thần của Aleksandr I. Solzhenitsyn, con người trong ông vẫn đứng thẳng và người văn sĩ trong ông vẫn tiếp tục ghi nhận sự thật, vẫn can đảm viết ra những sự thật ấy.
Chúng ta không thể hiểu được Aleksandr I. Solzhenitsyn và
Tầng đầu địa ngục nếu chúng ta không được hiểu biết khá đủ về tình trạng "chế độ cai trị bằng công an, mật vụ ở các nước Cộng sản, điển hình nhất là ở Nga Xô Viết. Nhân viên mật vụ là bọn nắm quyền và được tả kỹ nhất trong những trang
Tầng đầu địa ngục. Bọn Yakanov, Klimentiev, rồi cao hơn là Oskolupov, Sevastyanov, Abakumov chiếm nhiều trang ngang với những tù nhân vai chính như Gleb Nerzhin, Lev Rubin, Pryanchikov. Vì vậy, trước khi đi sâu vào đời tư nhà văn và tác phẩm, chúng tôi thấy sự cần thiết phải trình bày với bạn đọc về lịch sử những cơ quan Mật vụ của Nga Xô kể từ ngày chế độ Cộng sản được thiết lập ở đó.
*
Trước hết, chúng ta thấy rằng trong
Tầng đầu địa ngục, nhà tù như Viện Khoa học Mavrino không phải là một nhà tù thường. Trên khắp trái đất này, có lẽ chỉ có ở Nga Xô mới có loại nhà tù đặc biệt ấy. Tiếng lóng của tù nhân Nga gọi nhà tù này là "Sharaska", theo tiếng Nga, sharaska có nghĩa là "một nơi bịp bợm và giả dối". Người tù trong những sharaska này được gọi bằng tiếng lóng là Zek. Những tiếng này không thể dịch đúng sang được các thứ tiếng khác tiếng Nga. Trong bản dịch
The First Circle của Thomas P. Whitney (bản tiếng Mỹ này được bạn Hải Triều dùng để chuyển ngữ tiếng Việt) – chúng tôi thấy hai danh từ sharaska và zek được giữ nguyên.
Năm 1917, trước năm Aleksandr I. Solzhenitsyn ra đời được một năm, Cơ quan Mật vụ Nga Cộng được thành hình. Kể từ ngày đó, cơ quan này đã nhiều lần đổi tên, nhưng dù nó có mang bất cứ tên gì, công việc chính của nó là việc tìm tòi, bắt bớ, tra tấn và thủ tiêu những người mà những đảng viên Cộng sản coi là có hại, bất lợi cho họ, bất kể những người này có làm hại nhân dân hay không. Trong số những nạn nhân của Mật vụ Nga có cả những đảng viên Cộng sản Nga, như trường hợp anh chàng Lev Rubin chẳng hạn.
Từ tháng 12 năm 1917 cho tới năm 1922, Cơ quan Mật vụ Nga Cộng được gọi là Cheka, bọn nhân viên của Cheka được gọi là Chekist. Cái tên Chekist này cho tới bây giờ vẫn còn được dùng mặc dù cái tên Cheka đã bị đổi. Từ năm 1922, Cheka trở thành GPU – đọc là GuéPéOu – cũng trong năm 1922, GPU được đổi lại là OGPU. Hai cái tên GPU và OGPU được dùng lẫn lộn mãi cho đến năm 1934.
Tới năm 1934, OGPU được sáp nhập vào Cơ quan NKVD: Ủy ban Nội vụ Nhân dân, Ủy ban này này dưới quyền chỉ huy của Tổng Ủy viên Yezhov. Trong khoảng ba năm trời từ 1935 cho tới 1939, theo lệnh của Stalin, Tổng ủy Yezhov, với Cơ quan NKVD đã phát động một chiến dịch thanh trừng nội bộ lớn lao, khủng khiếp, đẫm máu. Hàng triệu người Nga bị giết trong chiến dịch này, hàng trăm ngàn đảng viên Cộng sản Nga, trong số đó cả những đảng viên cao cấp, kỳ cựu trung kiên nhưng chỉ vì không tán thành chủ trương của Stalin, không chịu phục Stalin, đã bị đưa ra tòa, bôi lọ, bắt nhận tội phản quốc, bị xử tử hoặc bị giết chết trong ngục tù.
Để rồi sau đó, đến 1939, ít ngày trước khi trận Thế chiến thứ hai bùng nổ, Tổng Ủy viên Yezhov bị Stalin ra lệnh tước quyền, bắt giam, đổ cho tội đã làm bậy, đã giết oan nhiều người, đi sai đường lối của đảng (?) và bị… xử tử. Stalin cho Lavrenty Beria nắm quyền chỉ huy Mật vụ Nga. Qua suốt thời kỳ chiến tranh, mãi tới năm 1946, Mật vụ Nga mới có cái tên mới là MGB, thuộc quyền Bộ Nội vụ Nga. Cũng năm 1946, Victor S. Abakumov được trao quyền Tổng Bộ trưởng Bộ An ninh và chỉ huy Cơ quan MGB. Như vậy là chúng ta thấy Tổng trưởng Abakumov được Aleksandr I. Solzhenitsyn tả trong
Tầng đầu địa ngục là người thật, là Tổng trưởng thật. Abakumov tuy rất trung thành với Stalin nhưng vẫn không được Ông chúa đỏ tin dùng lâu. Vào khoảng giữa hai năm 1951-1952, Abakumov bị Stalin cất chức và bỏ tù vì tội… làm bậy. Stalin đã quyết định giết Abakumov nhưng chưa kịp ra lệnh thì Stalin chết. Vào tháng 12 năm 1954, khoảng một năm rưỡi sau ngày Stalin chết, tên tù Abakumov bị Kruschev, người hạ bệ Stalin, lôi từ nhà tù ra tòa vì tội đã vu cáo một số lãnh tụ Xô Viết và thủ tiêu những ông này trong vụ án bôi lọ gọi là "Vụ Leningrad" năm 1950. Abakumov bị tòa xử bắn.
Do đó, ta có quyền tin rằng Viện Khoa học Mavrino tả trong
Tầng đầu địa ngục là có thật, tất cả những nhân vật trong
Tầng đầu địa ngục cũng đều có thật. Toàn truyện
Tầng đầu địa ngục là có thật. Vì là sự thật, nên ngoài giá trị văn chương
Tầng đầu địa ngục còn có giá trị như một bản cáo trạng kết án nặng nề cuộc đời phi nhân của những người Cộng sản.
*
Trong
Tầng đầu địa ngục, nhân vật Gleb Vikentyevich Nerzhin chính là hình ảnh của Aleksandr I. Solzhenitsyn.
Gleb Nerzhin là một giáo sư toán học, gia nhập quân đội trong những năm đầu của trận Thế chiến thứ hai, sau khi quân Đức Quốc Xã ồ ạt tiến vào đất Nga như vào chỗ không người. Chàng trở thành một sĩ quan pháo binh, mang cấp bậc Đại úy, chỉ huy một pháo đội ở mặt trận biên giới. Chàng bị bọn Mật vụ bắt khi còn đang ở trên mặt trận.
Aleksandr I. Solzhenitsyn cũng là giáo sư toán học, ông cũng gia nhập quân đội với chức vụ sĩ quan pháo binh. Và ông cũng bị bọn Mật vụ bắt khi còn đang ở trên mặt trận.
Theo chính lời kể chuyện của Solzhenitsyn, ông gia nhập quân đội với đơn tình nguyện nhập ngũ ghi rõ ông có khiếu viết văn – trước đó ông đã hoàn thành vài cuốn tiểu thuyết nhưng chưa được xuất bản – và xin làm phóng viên báo chí chiến trường. Nhưng người ta không xét đơn ông, họ cho ông vào ngành Yểm trợ Tiếp vận và ông phải phục vụ trong một đơn vị dùng toàn xe ba bánh đẩy đồ tiếp tế ra chiến trường. Trong những năm đầu của cuộc chiến, vì Stalin ngu xuẩn tin chắc là Hitler sẽ không xua quân đánh Nga nên không cho chuẩn bị gì cả, khi bị tấn công, quân Nga thiếu thốn đủ thứ. Nhập ngũ từ 1940 mãi 1942, Solzhenitsyn mới được đưa vào học ở Trường Huấn luyện Sĩ quan Pháo binh. Tới năm 1945, khi trận chiến sắp kết liễu, quân Đức Quốc Xã đã thua và đang rút về Đức, Solzhenitsyn mang cấp bậc Đại úy Pháo binh. Ông dự trận đánh dữ dội ở vùng Orel Kursk. Thắng trận này, Hồng quân Nga vượt qua được Ba Lan để đi vào biên giới Đức Quốc, trực chỉ Bá Linh đổ nát, chấm dứt chiến tranh ở Âu Châu.
Tháng Giêng năm 1945, Đại úy Solzhenitsyn nhận được lệnh của Tướng Travkine, Sư đoàn trưởng Sư đoàn Pháo của ông, gọi về ngay Bộ Tư lệnh Sư đoàn. Đại úy Solzhenitsyn về trình diện Tướng Travkine và được ông này, với một vẻ bất đắc dĩ, khổ sở khó hiểu, yêu cầu cởi khẩu súng lục võ khí tùy thân. Đại úy Solzhenitsyn vừa cởi bao súng đặt lên bàn theo lệnh vị chỉ huy của mình thì hai tên Mật vụ áp vào còng tay lột ngay cấp hiệu cùng những huy chương tưởng thưởng trên ngực ông.
Tướng Travkine đứng lặng im nhìn cuộc bắt bớ này. Nhưng khi Đại úy Solzhenitsyn, bây giờ đã thành một tù nhân của Mật vụ Nga, sắp bị đưa ra khỏi phòng, Tướng Travkine đi tới lặng lẽ xiết chặt tay ông trước cái nhìn của hai tên Mật vụ. Nhiều năm sau, khi viết lại chuyện này, văn sĩ Solzhenitsyn cho rằng hành động bắt tay tù nhân của Tướng Travkine là hành động dũng cảm hào hùng nhất ông được chứng kiến ở cấp tướng lãnh trong suốt 5 năm trời đánh nhau với Đức.
Ngay cả khi chưa chiến thắng hẳn, chưa đánh quỵ hẳn Đức Quốc Xã, Stalin đã nghĩ đến chuyện cho mật vụ đi bắt các sĩ quan, tướng lãnh nào mà y biết là không phục y. Stalin sợ rằng khi những chiến sĩ anh hùng này trở về, họ sẽ hạch tội những tên cầm quyền ngu ngốc làm cho chiến hữu của họ phải chết quá nhiều và vô ích. Trong số tội phạm này, tội của Stalin là lớn nhất. Về sau, Kruchev, trong chiến dịch hạ bệ Thần tượng Stalin, đã công bố hết những tội ngu đần, tàn ác, mù quáng của Stalin, trong số này có những tội Stalin ngu ngốc không chuẩn bị chiến tranh với Đức Quốc Xã vì tin rằng Hitler sẽ không bao giờ xua quân đánh Nga, ra những mệnh lệnh xuẩn ngốc làm chết oan không biết bao nhiêu binh sĩ Nga v.v.
Đại úy Pháo binh Solzhenitsyn đã phạm tội gì để bị bắt? Chính Solzhenitsyn đã nói ra nguyên do: chỉ vì ông đã dám viết thư cho một người bạn chỉ trích những sai lầm của Stalin, ông quên rằng những thư từ gửi từ mặt trận về đều bị kiểm duyệt kỹ, thư của ông rơi vào tay bọn mật vụ và ông bị bắt chỉ vì thế.
Từ mặt trận, Solzhenitsyn bị đưa về khám đường Lubyanka, khám đường lớn nhất Mạc Tư Khoa, nơi ông tả tỉ mỉ trong
Tầng đầu địa ngục đoạn nhân vật Innokenty Volodin bị bắt. Khi ấy ông ta có vợ nhưng chưa có con – tình trạng y hệt tình trạng của Gleb Vikentich Nerzhin trong truyện – vợ ông đột nhiên mất tin tức của ông. Không cho tù nhân gửi thư về nhà, bọn Mật vụ Nga còn tàn ác hơn nữa ở điểm không nhận là chúng đã bắt người đó với thân nhân của người bị bắt. Người vợ thứ nhất của Solzhenitsyn không trung thành với chồng bằng nàng Nadya, vợ của Nerzhin trong truyện: chừng vài năm sau Solzhenitsyn bị tù, bà vợ này của ông bỏ đi lấy chồng khác.
Đúng ra, Aleksandr I. Solzhenitsyn bị tù 8 năm và 3 năm biệt xứ. Ông ở tù không ra tòa, không có án, ở tù vì một lệnh đặc biệt do bọn Abakumov quyết định. Số tù của ông là số 232.
Sau hai năm tù ở Khám đường Lubyanka, Solzhenitsyn được đưa về một Sharaska gần Mạc Tư Khoa vì người ta biết ông là toán học gia. Sống ở đây bốn năm, Solzhenitsyn thâu thập tài liệu để viết cuốn
Tầng đầu địa ngục. Đúng như lời nhân vật Gleb Nerzhin nói ở đoạn cuối của tác phẩm, so với những nhà tù khác, đời sống trong Sharaska Mavrino là sung sướng nhất, ở đó người tù đỡ khổ nhất, tuy cũng vẫn là bị tù.
Sau bốn năm sống tương đối đỡ khổ ở Sharaska, Solzhenitsyn bị đổi đến những trại tập trung ở miền hoang vu Krasnoyarsk. Nơi đây tù nhân phải làm việc trong một mỏ đồng, sự ăn uống khổ cực và khí hậu rét lạnh khủng khiếp làm cho tù nhân chết dễ như ruồi.
Việc tù chết quá nhiều không làm cho bọn Mật vụ Nga xúc động mảy may, bởi vì chúng nó quá nhiều tù. Người ta ước lượng rằng diện tích những nhà tù, trại tập trung đủ thứ, đủ kiểu trong lãnh thổ Liên bang Xô Viết còn lớn rộng hơn cả toàn thể diện tích lãnh thổ một quốc gia hạng trung ở Âu châu, như Thụy Sĩ chẳng hạn, và số tù nhân trên đất Nga còn đông hơn cả tổng số dân Thụy Sĩ.
Tháng 2 năm 1953, Solzhenitsyn được trả tự do. Lúc này Stalin đã chết và Kruschev, người kế vị Stalin, vì chủ trương hạ bệ Stalin nên ra lệnh tha một số người chỉ vì chống Stalin mà bị tù. Tuy vậy, Solzhenitsyn cũng vẫn phải đi lưu đày ở vùng hoang vu tuyết trắng mênh mông xứ Balkan. Tới đây ông sống trong một làng quê, làng Koh-Teren của người Tartare, một giống dân thiểu số sống trong lãnh thổ của họ nhưng bị sáp nhập vào Liên bang Nga Xô Viết.
Đây là thời gian Solzhenitsyn bị án biệt xứ. Ông sống ở Koh-Teren ba năm. Ở đây nhờ không có ai giỏi Toán, ông xin được chân giáo viên dạy Toán, và nhờ vậy đời ông đỡ khổ vì số tiền lương giáo viên này.
Nhưng cũng ở đây, ông phát giác ông bị đau ung thư. Thực ra, trong thời gian bị tù 8 năm, ông đã bị ung thư rồi và đã được giải phẫu một lần, nhưng các y sĩ giấu không cho biết ông đau ung thư.
Tù biệt xứ, không tiền, ở một nơi hoang vắng, lạc hậu, không bệnh viện, không thuốc men điều trị, nhà văn nắm chắc cái chết. Sau nhiều ngày nằm liệt giường, ông gắng lần ra Tashkent xin điều trị ở bệnh viện công. Tuy vẫn không có thuốc nhưng có lẽ vì số chưa đến ngày tận, Solzhenitsyn vẫn không chết. Những ngày sống vất vưởng ở bệnh viện với bệnh ung thư thập tử nhất sinh ấy cho nhà văn tài liệu sống để viết thành tiểu thuyết
Viện ung thư (Cancer Ward) sau này.
*
Năm 1955, trong khi còn ở Koh-Teren, Aleksandr I. Solzhenitsyn đã bắt đầu viết tác phẩm tiểu thuyết dài và giá trị nhất của ông:
Tầng đầu địa ngục.
Tác phẩm lớn này được ông hoàn thành vào 9 năm sau - năm 1964 – ở Mạc Tư Khoa.
Tình yêu đến với ông. Một nữ kỹ sư hóa học trẻ đẹp yêu ông và chung sống với ông mặc dù nàng biết rằng ông chỉ là một nhà văn bị chế độ ghét bỏ, bị tù đày và có thể lại bị tù đày bất cứ lúc nào.
Cho đến năm 1964, chỉ có mới có một cuốn tiểu thuyết của Aleksandr I. Solzhenitsyn được xuất bản ở Nga. Đó là quyển
Một ngày trong đời Ivan Denisovich. Các truyện khác của ông, trong số có nhiều truyện ngắn, kịch bản, đều bị Sở Kiểm duyệt ngầm ra lệnh cho các báo không được đăng. Khi biết chắc rằng ông nhất định không chịu khuất phục chế độ, những người cầm quyền lại mở chiến dịch khủng bố, vu cáo, bôi lọ ông. Nhân viên Mật vụ đến xét nhà ông ban đêm, tịch thu những bản thảo của ông, xét hỏi, làm khó những người bạn đến thăm vợ chồng ông. Những tờ báo của Đảng Cộng sản Nga đăng những bài mạ lỵ Aleksandr I. Solzhenitsyn: Họ vu cho ông bị tù vì tội phản quốc, tư thông với địch quân, những bài báo họ viết về ông có những đoạn nửa kín, nửa hở cố ý làm cho người đọc nghĩ rằng ông chỉ là một tên bất lương, một phần tử lưu manh của xã hội không đáng được để ý đến. Họ còn ngụy tạo cả những bằng chứng kết tội ông bị tù vì tội phản quốc.
Mật vụ Nga và những người Cộng sản cầm quyền ở Nga có cả ngàn thủ đoạn ác độc để hãm hại những người họ muốn hãm hại. Ngoài việc vu khống Aleksandr I. Solzhenitsyn, họ cô lập vợ chồng ông. Nhà văn không kiếm được tiền vì những truyện ông viết không được đăng báo, không sao có thể xuất bản, ông phải sống nhờ vợ ông, nhưng vợ ông bỗng dưng vô cớ bị sở cho nghỉ việc, rồi đi xin việc ở đâu cũng không được. Nhà văn lại còn bị pháp luật làm khó vì một chuyện cũ: bà vợ thứ nhất của ông bỏ đi lấy chồng khác trong lúc ông bị tù nhưng vẫn chưa ly dị chính thức với ông – có lẽ bà này chưa ly dị vì thời ấy, bà không sao liên lạc được với chồng để làm việc này – thành ra bây giờ nhà văn sống với bà vợ thứ hai này trong tình trạng … bất hợp pháp, phạm luật v.v.
Boris Pasternak đã gửi tác phẩm
Doctor Zivago sang Ý quốc để dịch và xuất bản khi thấy bọn "đồ tể văn chương" ở Nga không chịu cho xuất bản, trường hợp của Aleksandr I. Solzhenitsyn hoàn toàn khác. Solzhenitsyn cũng muốn thấy tác phẩm của ông được xuất bản, tất nhiên, nhưng ông muốn tác phẩm của ông được xuất bản ở Nga trước ở ngoại quốc. Từ năm 1967, Solzhenitsyn đã nhiều lần viết thư cho Hiệp hội Những nhà văn Nga Xô yêu cầu can thiệp để tác phẩm của ông có thể được xuất bản trên đất Nga, trong những bức thư này, ông có đề cập đến tình trạng tác phẩm của ông có thể bị lọt ra ngoại quốc và xuất bản trước ở ngoại quốc. Ông nói rõ đó là tình trạng ông không muốn.
Nhưng nếu nhà văn không gửi tác phẩm đi, làm sao tác phẩm của nhà văn lại có thể lọt ra ngoại quốc? Solzhenitsyn giải thích sự kiện này như sau: có những người bạn mượn bản thảo tác phẩm của ông về đọc, những người này đánh máy tác phẩm đó để giữ lại hoặc truyền cho người khác, dưới hình thức bản đánh máy, tác phẩm cứ thế phổ biến, để rồi sau cùng, một bản đánh máy đó được mang ra ngoại quốc mà chính tác giả không hề hay biết.
Chính phủ Nga Xô lại không gia nhập Tổ chức Bảo vệ Quyền tác giả Quốc tế nên các nhà văn Nga không thể thưa kiện gì được khi tác phẩm của họ bị những nhà xuất bản Âu Mỹ xuất bản không có sự đồng ý của họ.
Năm 1970, Viện Hàn Lâm Nobel đã mặc nhiên trở thành giải thưởng quan trọng nhất, giá trị nhất thế giới. Được giải này là sự vinh hạnh nhất cho những người làm văn học, nghệ thuật, khoa học.
Chính quyền và Đảng Cộng sản Nga không muốn thấy Aleksandr I. Solzhenitsyn được giải Nobel vì lẽ dễ hiểu là tác phẩm của nhà văn này tố cáo chế độ cai trị bằng mật vụ, nhà tù tàn ác trên đất Nga. Nhưng nhà văn đã được giải Nobel văn chương, cả thế giới đã biết, giá trị và tài năng của nhà văn đã được quốc tế công nhận. Như vậy cũng có nghĩa là quốc tế công nhận những gì Aleksandr I. Solzhenitsyn viết trong tiểu thuyết là đúng. Đó là điều đau đớn thâm gan, tím ruột cho những người Cộng sản Nga. Họ mất mặt nhưng họ chẳng thể làm gì được.
Họ phản ứng bằng cách trả thù tẹp nhẹp là cấm không cho Aleksandr I. Solzhenitsyn sang Thụy Điển để lãnh giải Nobel. Họ sợ sang đó, nhà văn đã trở thành nhà văn quốc tế, sẽ tuyên bố sự thật về họ và những lời này sẽ được công bố cho toàn thế giới biết, họ sẽ còn tai hại nhiều nữa.
Không mời được Aleksandr I. Solzhenitsyn sang Stockholm, Viện Hàn Lâm Nobel đề nghị mời nhà văn tới Tòa Đại sứ Thụy Điển ở Mạc Tư Khoa để trao giải – một đại diện của Viện sẽ tới Mạc Tư Khoa để thực hiện việc này – nhưng chính phủ Nga cũng không chịu. Họ đòi đưa giải đó cho họ để họ trao lại cho người được giải. Viện Hàn Lâm Nobel không chịu, vì việc đó trái với tinh thần của Viện, Viện không nhờ đến bất cứ một thứ chính quyền nào trong việc chọn lựa trao giải. Vì vậy được giải Nobel văn chương từ năm 1970 cho tới nay – 1973 – nhà văn Aleksandr I. Solzhenitsyn vẫn chưa được chính thức lãnh giải.
Tất nhiên là các báo xuất bản ở nước Nga – tất cả đều là báo Đảng, do Đảng chỉ huy – đều không loan tin Aleksandr I. Solzhenitsyn được giải Nobel văn chương cho dân Nga biết.
Thực ra, theo sự tiết lộ của chính Solzhenitsyn với những nhà báo Tây phương đã lén gặp được ông và phỏng vấn ông ở Mạc Tư Khoa, chính quyền Cộng sản Nga không phản đối việc ông đi ra ngoại quốc, nhưng họ muốn ông… đi luôn không trở về nữa. Nếu ông chịu đi luôn, họ sẽ để mặc cho ông đi cùng vợ con. Ông đi luôn không về nữa, họ sẽ nhổ được cái gai trước mắt họ, và họ sẽ có lý do để tuyên truyền với dân Nga: tên văn sĩ bất lương sa đọa đó đã bỏ nước trốn sang Tây phương, tên đó chỉ là tên thèm khát bơ sữa Tây phương, một tên lưu manh trốn tránh trách nhiệm với tổ quốc. Và rồi dân Nga sẽ vĩnh viễn không bao giờ còn được nghe nói đến cái tên Aleksandr I. Solzhenitsyn nữa.
Và mặc dù bị chính quyền bạc đãi, bị tù đày, bị cô lập, bị đói khổ và rất có thể là lại bị tù bất cứ lúc nào, Aleksandr I. Solzhenitsyn vẫn nhất định ở lại trên quê hương ông. Ông coi việc bỏ nước đi sống ở ngoại quốc để được yên thân, được no ấm là việc làm hèn nhát. Ông ở lại để tiếp tục tranh đấu chống những bất công, đàn áp ở Nga Xô – không phải ông ở lại vì yêu mến chế độ Cộng sản – và ông chấp nhận tất cả những hậu quả của việc ông làm.
Trong một bức thư gửi cho Hiệp hội Những nhà văn Liên Xô, Aleksandr I. Solzhenitsyn viết:
"… Hiện nay, việc sáng tác của tôi bị bóp chết cứng, cá nhân tôi bị bao vây, cô lập và bôi lọ đủ điều…
Nhưng tôi hoàn toàn yên tâm, vì tôi biết tôi đã và sẽ làm trọn sứ mạng nhà văn trong mọi hoàn cảnh …
Không ai có thể ngăn cản được sự thực xuất hiện. Riêng tôi, tôi sẵn sàng chấp nhận cái chết để cho sự thực được sống và cho sự tiến bộ của nhân loại.."
*
Viết về Aleksandr I. Solzhenitsyn và
The First Circle khi tác phẩm này được ấn hành ở Hoa Kỳ, phê bình gia Harrison E. Salisbury đã viết trên tờ The New York Times Book Review:
"Đây là tác phẩm tiếp tục tập
Hồi ký của Dostoyevsky. Trong thời kỳ Xô Viết cầm quyền ở Nga, người ta đã có rất nhiều những tiểu thuyết viết về đời sống trong lao tù trên đất Nga. Và giờ đây, vóc dáng to lớn của Aleksandr I. Solzhenitsyn nổi bật lên. Cũng như Dostoyevsky, Solzhenitsyn là một kẻ sống sót. Ông cũng đã sống nhiều năm trời trong lao tù và lưu đày".
Những nhân vật đàn ông, đàn bà trong tác phẩm của ông đều là những người bằng xương bằng thịt, họ yêu, họ ghét, họ cười, họ khóc, họ trò chuyện, họ ước mơ và đột nhiên ta hiểu rằng thúc đẩy, khủng bố, sa đọa và tàn ác chỉ làm trong sạch thêm tinh thần con người. Cuối cùng, không phải tù nhân là những kẻ bị tiêu diệt dù rằng họ có thể bị mất đời sống. Bọn bị tiêu diệt chính là bọn cai ngục. Bọn đàn áp chính là bọn thất bại …
Harrison E. Salisbury là người hiểu biết tận tường về đời sống ở Nga Xô Viết, ông đã từng sống nhiều năm trên đất Nga và chính ông tiên đoán từ năm 1956 rằng Nga Xô và Trung Cộng thế nào cũng đi đến tranh chấp, trở thành tử thù và vì việc này, cả Nga Xô lẫn Trung Cộng đều bắt buộc phải hòa hoãn với Hoa Kỳ.
Đọc
Tầng đầu địa ngục, ta thấy tình trạng xảy ra đúng như Harrison E. Salisbury nhận xét: những tù nhân như Gleb Nerzhin, Pryanchikov, Khorobrov, những người tù vì không chịu khuất phục nên bị bọn mật vụ đẩy ra khỏi Sharashka vẫn là những con người còn nguyên vẹn những đức tính của con người, tình yêu thương và họ vẫn có thể ngẩng đầu cao nhìn trời. Chúng ta chỉ có thể kính phục họ chứ không thể khinh họ. Trong lúc bọn cai ngục như Abakumov, Yakanov chỉ là những tên hèn nhát, quỵ lụy, nịnh bợ, chúng còn chết sớm và chết nhục nhã hơn ai hết.
Aleksandr I. Solzhenitsyn bị tù dưới thời Tổng trưởng Abakumov, ông ra khỏi tù và trở thành nhà văn lớn trong khi Abakumov bị thất sủng và bị bắt nhốt, bị giết như một con quái vật. Theo tôi, những chương tả cuộc gặp gỡ ban đêm giữa hai tù nhân Pryanchikov và Bobyer với Tổng trưởng Abakumov, những chương viết về Stalin trong
Tầng đầu địa ngục là những chương hay nhất, những chương tả cảnh Innokenty Volodin bị bắt vào khám đường Lubyanka là những chương rùng rợn nhất.
Và lời tù nhân Bobyer nói với Tổng trưởng An ninh Abakumov là một bài học giá trị cho những kẻ cầm quyền ở cõi đời này:
"Công dân Tổng trưởng… Ông có thể quát tháo dọa nạt bọn tướng tá dưới quyền ông. Họ có quá nhiều thứ ở đời nên họ sợ ông vì họ sợ mất những cái đó.
Còn tôi, tôi không có gì cả, tôi không còn gì cả. Ông không thể hại vợ con tôi, vì một trái bom đã hại vợ con tôi từ lâu rồi. Cha mẹ tôi đều đã chết. Những gì tôi có trên thế gian này chỉ là cái khăn tay này, bộ quần áo mất nút tôi đang bận đây. Tất cả đều là của chính phủ phát. Ông đã lấy mất tự do của tôi từ lâu rồi, và ông không có khả năng trả lại tự do cho tôi bởi vì chính ông, ông cũng không có tự do. Năm nay tôi đã bốn mươi hai tuổi và ông bắt tôi tù hai mươi nhăm năm. Tôi đã sống ở trại khổ sai, bị còng tay, bị chó săn canh gác, tôi đã chết đi sống lại nhiều lần. Ông còn có gì để có thể đe dọa tôi nữa? Ông còn có thể làm tôi mất những gì nữa? Ông không cho tôi làm công việc kỹ sư của tôi ư? Cấm tôi làm việc, ông sẽ thiệt nhiều hơn là tôi thiệt.
Ông nên hiểu một điều và ông nên chuyển lại điều này cho những kẻ có quyền như ông hoặc cao hơn ông, những kẻ không biết rằng các ông chỉ có thể mạnh khi nào các ông không làm cho người ta mất hết tất cả mọi thứ. Một người bị các ông tước đoạt hết tất cả mọi thứ sẽ không còn nằm trong quyền hạn của các ông nữa. Người đó lại hoàn toàn tự do".
*
Vì sao người tù Gleb Nerzhin thản nhiên đi khỏi Viện Mavrino mặc dù chàng biết rằng đi là khổ hơn, đi là có thể chết, mặc dù chàng có thể xin ở lại? Bởi vì Nerzhin đã mất tất cả và chàng đã chấp nhận mất hết để được sống thảnh thơi như một con người còn có lương tâm, còn cá tính, còn tự trọng.
Câu nói trên đây của Bobyer có thể coi là
chủ đề của
Tầng đầu địa ngục.
1.6.1973 Hoàng Hải Thủy