Họ để hết tâm trí vào cuộc nói chuyện tay đôi ấy đến nỗi họ không còn nghe thấy những tiếng động trong phòng hoặc tiếng nhạc phát ra từ chiếc radio ở góc phòng đằng kia. Một lẫn nữa Nerzhin xoay cái ghế anh ngồi để quay lưng vào phòng nhìn ra cửa sổ. Rubin cũng ngồi nghiêng, tay khoác lên thành ghế, bộ râu đặt trên cánh tay anh.
Nerzhin nói bằng một giọng nồng ấm, chân thành, như người nói ra những ý tưởng đã được suy nghĩ rất chín trong một thời gian rất lâu:
“Khi tôi còn tự do, tôi thường đọc những quyển sách trong đó có những người hiểu biết viết về ý nghĩa của cuộc sống và bản thể của hạnh phúc. Khi đó tôi chẳng hiểu gì nhiều về những vấn đề được viết trong những quyển sách dày đó. Tôi nghĩ: những người hiểu biết phải suy nghĩ. Suy nghĩ là nghề của họ. Nhưng còn ý nghĩa của cuộc sống? Chúng ta sống – đó là ý nghĩa cuộc sống. Còn hạnh phúc? Hạnh phúc là khi nào mọi việc xảy ra như ý mình mong muốn, ai cũng hiểu như thế. Xin cảm tạ Thượng đế đã sinh ra nhà tù. Nhà tù giúp cho tôi cơ hội và điều kiện để suy nghĩ. Để có thể hiểu được bản thể của hạnh phúc, ta cần phải phân tích tình trạng no đủ, thừa thãi, chán mứa trước. Hãy nhớ lại Lubyanka. Hãy nhớ lại những tô súp loãng không có lấy được một giọt mỡ ở đó. Anh có thể nói được rằng anh ăn thứ súp đó được không? Không, anh hòa mình với nó. Anh đưa nó vào cơ thể như một thứ bánh thánh, như hạt mè của những vị tịch cốc tu tiên. Anh đưa nó vào miệng anh chậm chạp, từng tí một, anh thận trọng khi cho nó vào miệng, thành kính như anh đang làm một hoạt động có tính cách thiêng liêng, anh ăn và nghĩ đến ăn và nó thấm trong cơ thể anh như một thứ nước hồi sinh. Anh run rẩy vì mùi vị ngọt đậm của những hạt lúa mì trôi trong chất nước sền sệt đó. Thế rồi, gần như không được ăn uông gì cả, anh tiếp tục sống sáu tháng, mười hai tháng. Anh có thể so sánh việc ăn ngấu ăn nghiến, ăn mà không biết là đang ăn, không cảm thấy mùi vị, một miếng bít tết lớn với tô súp ấy?”
Rubin không thể ngồi im để nghe người khác nói lâu được. Trong bất cứ cuộc nói chuyện nào, anh cũng là người hướng dẫn, đưa ra những đề tài mới, những nhận xét chưa được phát biểu. Giờ đây anh cũng nóng nảy tìm cách cắt ngang nhưng Nerzhin nắm lấy ngực áo anh và lắc mạnh bắt anh phải nghe:
“Vì vậy, nhờ sống ở trong tù, nhờ những đồng chí khốn nạn của chúng ta, chúng ta được biết thế nào là no đủ. No đủ không được quyết định trên sự kiện ăn nhiều chừng nào mà là ở trên việc ta ăn như thế nào. Hạnh phúc cũng thế. Lev, hạnh phúc không căn cứ trên việc chúng ta được hưởng những gì ở cuộc đời, mà là nằm ở thái độ của chúng ta đối với việc hưởng thụ những tiện nghi đó. Kinh của Đạo lão có câu: “Kẻ nào biết đủ bao giờ cũng hài lòng” [1] .
Rubin nở nụ cười mỉa mai:
“Anh trở thành chuyên viên chiết trung rồi đó. Anh nhổ những sợi lông bóng bẩy ở khắp nơi.”
Nerzhin lắc đầu. Tóc anh xõa xuống trán. Anh đang say sưa nói. Trong lúc này, trông anh giống một thiếu niên mười tám tuổi.
“Đừng lộn xộn trật tự, Lev. Tôi không phải là kẻ chuyên đi thu nhặt những tư tưởng rải rác ở khắp nơi để đúc kết lại thành của riêng tôi đâu. Tôi đi đến những kết luận không căn cứ trên những quyển sách triết học tôi đã đọc mà là căn cứ trên những chuyện về những người sống thực mà tôi gặp trong những nhà tù. Trong thế giới triết học, tất cả mọi địa hạt đều đã có người khai thác, khám phá. Tuy vậy, tôi vẫn có những phát kiến mới của riêng tôi. Đừng ngắt lời, nghe tôi nói đã. Tôi sắp cho anh một tỉ dụ. Nếu trong một nhà tù – như nhà tù đặc biệt này chẳng hạn – có một sự lạ xảy ra như là một ngày chủ nhật tự do, một ngày chủ nhật không phải làm việc. Trong ngày đó tâm hồn chúng ta sẽ không bị đông đặc như đá. Và dù rằng đời sống bên ngoài của tôi không có gì thay đổi nhiều, nghĩa là tôi vẫn bị quản thúc như mọi ngày, gông cùm ngục tù cũng nới lỏng được đôi chút trên cổ tôi, tôi có thể nói chuyện được thỏa thích với một người bạn nào đó, đọc một trang sách lương thiện, và tôi có thể thả hồn tôi trên làn sóng tư tưởng. Tôi đã không được sống thực sự là sống trong nhiều năm nhưng tôi đã quên mất tình trạng đó. Tôi ngằm ngửa trên giường, mắt nhìn lên trần. Trần phòng rất gần tôi, nó trơ trụi, nó long lở – và tôi run rẩy vì cuộc sống bên trong tôi. Tôi sẽ ngủ đi trong sung sướng, hoan lạc. Dám chắc không một ông Quốc trưởng, một Tổng trưởng nào có thể ngủ ngon và hài lòng như tôi trong ngày chủ nhật ấy của tôi.”
Rubin lại cười. Nụ cười này không mỉa mai, chế nhạo nữa. Đó là nụ cười bao dung trong đó có ý chấp nhận của một người đàn ông đối với người bạn ít tuổi hơn mình:
“Kinh Vệ đà nói gì về vấn đề này?” [2]
Rubin hỏi, môi anh trề ra như người đang vui.
“Tôi không biết gì về kinh Vệ đà” – Nerzhin trả lời bằng một giọng quả quyết – “Nhưng tôi biết có một triết thuyết Ấn Độ nói rằng: “Với những ai hiểu biết, hạnh phúc của nhân loại là đau khổ”.
Rubin nói trong bộ râu:
“Tôi chắc anh đã sắp sẵn tất cả những câu anh vừa nói. Phải anh nghe được câu đó từ Sologdin không?”
“Có thể. Không tưởng? Duy tâm? Đúng? Sai? Anh còn đợi gì nữa mà không dán nhãn hiệu? Anh râu dê. Nghe cho kỹ này – hạnh phúc vì chiến thắng, hạnh phúc vì ước ao mà được, địa phương vì thành công và vì no đủ – tất cả đều là khổ não. Đó là sự tiêu diệt của linh hồn, một thứ đau khổ tinh thần không bao giờ ngừng. Đó không phải là những triết gia Ấn Độ cổ xưa đã nghĩ ra điều ấy, đó là do tôi, do chính tôi, Gleb Nerzhin, một tù nhân chịu gông cùm trong năm thứ năm, người mà tinh thần đã vượt lên đến tình trạng thấy rằng những cái gì xấu đã bắt đầu trở thành tốt. Và tôi nắm vững quan niệm là người đời không biết rõ họ muốn thích cái gì, không biết họ mong ước gì. Họ tiêu pha đời sống của họ trong việc tranh chiếm một số những của cải vô giá trị và họ chết mà hoàn toàn không hay biết gì về đời sống tinh thần phong phú của họ. Khi Lev Tolstoy mơ đến chuyện được ở tù, đó là lúc ông lý luận như một người thực sự hiểu biết và tinh thần ông đang mạnh mẽ vô kể.”
Rubin cười thành tiếng. Anh vẫn cười thành tiếng mỗi khi anh không chấp nhận một quan niệm nào của đối tượng trong cuộc thảo luận.
“Thôi đi, chú nhỏ” – Rubin nói – “đó là cái tinh thần còn non, chưa trưởng thành ở trong chú nói lên những câu đó. Chú cho những kinh nghiệm riêng của chú đúng hơn kinh nghiệm chung của cả nhân loại? Chú đã bị lệch lạc vì đời sống ở trong tù và chú nhìn xã hội qua cảnh tù đày. Đâu có phải chỉ vì cuộc đời của chúng ta tan nát, vì số mệnh của chúng ta không may mà loài người phải thay đổi quan niệm về cuộc sống?”
“Anh mới là người kém trưởng thành. Đáng lẽ ra anh phải học được nhiều sự thật ở trong tù, trong lúc anh có thể nhìn thẳng vào đời sống và học thẳng được ở đó…”
“Anh nói đời sống nào? Đây là tù, đây đâu phải là sống?”
Nerzhin vẫn nồng nàn với ý nghĩ:
“… anh đã tự tay buộc cái khăn bịt mắt lên che kín hai mắt anh, tự đút nút lỗ tai anh, anh chọn một thái độ và anh cho đó là thông minh? Theo anh, thông minh là việc không cần biết gì thêm, không cần học hỏi nữa?”
“Thông minh là khách quan.”
“Anh… - Anh mà khách quan à?”
Rubin nghiêm giọng đáp:
“Phải. Khách quan tuyệt đối.”
“Chưa bao giờ tôi gặp một người nào thiếu khách quan như anh.”
“Anh hãy nhấc đầu anh ra khỏi cát. Hãy nhìn sự kiện theo kiến trúc lịch sử của chúng. Đáng lẽ ra tôi không nên nói những lời của chính tôi như những bằng chứng, nhưng:
Cuộc sống của con bọ nước chỉ có một ngày.
Cuộc sống của cây từng dài một trăm năm.
Luật thiên nhiên – anh có hiểu nghĩa danh từ đó không? Những điều luật thiên nhiên không sao có thể tránh được. Tất cả những gì có ở đời đều đi theo một con đường nhất định. Thật là vô ích khi chúng ta nghĩ rằng ta có thể ở lại được nếu ta hoài nghi.”
“Lev… Đừng bao giờ anh nghĩ rằng hoài nghi là một việc dễ. Với tôi, hoài nghi có thể là một chiếc quán bên đường để tôi có thể vào nghỉ khi trời dông bão. Nhưng hoài nghi là một cách để giết tinh thần con người ra khỏi những ràng buộc của giáo điều. Chỉ cần làm việc đó, ta đã thấy nó có giá trị đáng kể rồi.”
“Giáo điều? Anh thật là bậy. Tôi mà lại là người tin giáo điều hay sao?”
Đôi mắt mở lớn của Rubin nặng những hờn trách:
“Tôi cũng là một tù nhân cùng loại với anh. Tôi cũng bị bắt năm 1945: Tôi cũng sống bốn năm trên mặt trận, một mảnh đạn trọng pháo nằm ở mạng sườn và năm năm ở tù. Vì vậy tôi nhìn cuộc đời cũng giống hệt anh. Cái gì phải có là phải có. Quốc gia không thể tồn tại được nếu không có một hệ thống trừng phạt có tổ chức.”
“Tôi không chịu. Tôi không chấp nhận điều ấy.”
“Tất nhiên. Vì anh hoài nghi. Nhưng thái độ hoài nghi của anh cũng không đúng. Tại sao anh lại xúc động dữ vậy? Người hoài nghi đâu có bao giờ xúc động? Người hoài nghi không bao giờ đưa ra những quyết đoán. Người hoài nghi bất cứ trong trường hợp nào cũng thản nhiên.”
“Anh nói đúng…”
Nerzhin nói bằng một giọng buồn rầu, thê thảm như người tuyệt vọng:
“Tôi muốn có những tư tưởng thoát tục, nhưng thực tế vẫn giữ tôi lại…”
“Thoát tục? Vậy mà hồi ở Dzhezkagan, anh nổi điên lên vì nơi đó thiếu nước uống…”
“Lẽ ra anh phải sống ở đấy suốt đời anh mới phải. Anh là người duy nhất trong cả bọn nghĩ rằng người cày làm đúng, rằng những việc hắn làm đều rất thường và cần thiết. Nếu anh sống ở Dzhezkazan, anh sẽ thay đổi ý kiến ngay lập tức…”
“Anh phải nghe tôi…”
Bây giờ đến lượt Rubin nắm lấy tay áo Nerzhin.
“Ông ấy là người vĩ đại nhất. Rồi sẽ có ngày anh thấy, sẽ có ngày anh hiểu. Ông ấy là Robespierre và Napoleon nhập lại làm một của cuộc cách mạng của chúng ta. Ông ấy khôn ngoan, thực sự khôn ngoan. Ông ấy nhìn xa, thấy rộng hơn tầm mắt của chúng ta rất nhiều…”
“Anh chỉ nên tin những gì mắt anh nhìn thấy được…”
Nerzhin ngắt lời:
“Anh cũng nghe tôi… Hồi tôi còn là một chú bé, tôi đọc những cuốn sách hắn viết khi tôi đọc Lenin. Tuy ham đọc lắm nhưng tôi không sao có thể đọc hết được những gì hắn viết. Sau bút pháp của Lenin: sáng sủa, rõ rệt, nồng nàn, đi thẳng vào trái tim người đọc, bút pháp của hắn như một đống bùn. Tư tưởng nào của hắn cũng thô tục và ngu ngốc – Hắn còn tỏ ra hắn không biết hắn cần nhấn mạnh những gì, phớt qua những gì, những gì là quan trọng và những gì là phụ thuộc…”
Rubin tỏ vẻ nghi ngờ:
“Anh biết được những điều ấy khi anh còn là một chú bé?”
“Tôi biết như thế khi tôi đã học khá cao. Khi còn nhỏ, tôi mới chỉ hoang mang không hiểu. Anh không tin tôi ư? Những người thẩm vấn và làm bản tội trạng của tôi cũng không tin như anh. Thái độ kiêu căng phách lối, những luận điệu kẻ cả, bề trên trong những lời tuyên bố của hắn làm tôi điên lên vì khó chịu. Hắn có vẻ thực sự nghĩ rằng hắn thông minh hơn tất cả những người Nga khác.”
“Và sự thật đúng như thế.”
“… và hắn tin rằng hắn làm cho chúng ta sung sướng bằng cách cho chúng ta chiêm ngưỡng hắn, thán phục hắn.”
Trong cơn nồng nhiệt của cuộc tranh luận, hai người bạn trở thành quên đề phòng. Những lời họ nói lúc này có thể lọt vào tai Simochka, người ngồi gần họ nhất và cũng là người đang lắng tai nghe họ nói gì với nhau. Thỉnh thoảng Simochka lại liếc nhìn Nerzhin, đôi mắt biểu lộ sự hờn trách. Nàng hờn dỗi vì nàng thấy rõ rằng không những là Nerzhin không tỏ vẻ gì là lợi dụng sự có mặt của nàng ở cạnh chàng đêm nay, chàng còn không cả nhìn nàng, chàng như không hề biết là đêm nay có nàng ở trong phòng này.
Rubin nói bằng cái giong của người muốn kết thúc cuộc tranh luận:
“Anh lầm – anh lầm vì anh mò mẫm trong những vấn đề mà anh hoàn toàn không biết rõ. Anh là một nhà toán học, anh không hiểu biết gì về lịch sử và triết học. Sao anh dám đưa ra những lời buộc tội nặng đến như thế?”
“Nghe đây… Những huyền thoại về những người khám phá ra tiểu hòa tử và cân được Beta Sirius mặc dù chưa bao giờ nhìn thấy nó nhưng con nít đến nỗi không biết giải quyết những vấn đề thường ngày của cuộc sống đã trở thành những chuyện lẩm cẩm không làm cho ai tin. Chúng tôi không còn cách nào khác. Nếu sử gia các anh không chịu tự hạn chế trong phạm vi lịch sử, còn có gì sót lại để cho chúng tôi, những nhà toán học, những chuyên viên, làm nữa? Tôi thấy những người lãnh những giải thưởng, những người được hưởng quy chế lương bổng dành cho học giả… Những người đó không viết sử, họ chỉ quỳ gối, khom lưng ở một chỗ nào đó. Vì vậy chúng tôi, những nhà trí thức khoa học, chúng tôi bắt buộc phải nghiên cứu lịch sử.”
“Ồ… Sao anh nói có vẻ thê thảm quá…”
Trên mặt bàn không người ngồi của thiếu tá kỹ sư Roitman, máy điện thoại reo chuông. Simochka đứng dây đi tới nhấc máy trả lời.
“Gleb Vikentich…”
Simochka gọi về phía Nerzhin nhưng đang mải tranh luận với Rubin, chàng này không nghe tiếng.
Simochka gọi lớn hơn:
“Gleb Vikentich…!”
“Có tôi…”
Nerzhin quay lại nhìn.
“Anh không nghe tiếng gì ư? Có điện thoại.”
Simochka nghiêm khắc nói. Nàng đứng sau bàn của nàng, đôi lông mày nhíu lại, hai tay khoanh trước ngực, chiếc khăn choàng kéo sát xuống trên vai nàng:
“Anton Nikolayevich cần gặp anh trong văn phòng của ổng.”
“Vậy ạ?”
Trên khuôn mặt Nerzhin những nét nồng nhiệt của cuộc tranh luận đã biến đi, những nếp nhăn đã trở lại:
“Cám ơn Serafima Vitalyevna. Anh nghe gì không, Lev? Yakonov muốn gặp tôi. Không biết là chuyện gì đây.”
Việc ông giám đốc Viện gọi một tù nhân lên văn phòng mình vào lúc mười giờ đêm thứ bảy là một sự kiện kỳ lạ. Mặc dù Simochka cố gắng giữ vẻ bình thản của một viên chức, ánh mắt nàng, ngay cả Nerzhin cũng nhận thấy, vẫn có vẻ lo âu.
Thế rồi, như giữa họ chưa từng bao giờ xảy ra tranh luận và bất đồng ý kiến hết, Rubin nhìn bạn bằng đôi mắt đầy những quản ngại. Khi đôi mắt của Rubin không sáng lên vì tranh luận sôi nổi, chúng trở lại dịu hiền như mắt đàn bà.
“Tôi không hào hứng khi thấy thiên hạ để ý đến mình” – Rubin nói – “Người xưa có câu: “Đừng dại dột mà làm nhà cạnh cung điện của ông Hoàng”.
“Nhưng chúng mình có gì đáng được để ý đâu? Công việc của chúng mình chỉ là một việc phụ ở đây: nghiên cứu tiếng nói.”
“Vậy mà Anton vẫn để ý đến mình… Rất có thể mình sẽ bị khiển trách về việc tập Hồi ký của Stanisvsky và quyển Diễn văn của luật sư…”
Rubin cười và nói tiếp:
“Cũng có thể là vì bản báo cáo anh vừa gửi lên không được rõ ràng…”
Nerzhin lắc đầu:
“Chắc không phải vì báo cáo đâu. Báo cáo mình gửi lên đã lâu rồi, êm ru không nghe thấy thiên hạ phàn nàn gì hết. Nếu không thấy tôi trở lại nữa, anh…”
“Đừng có vớ vẩn…”
“Vớ vẩn là thế nào? Đời là như thế. Chuyện thường xảy ra."
Nerzhin cúi xuống như để thu xếp lại những giấy tờ trên bàn, anh nổinh và nhanh với bạn:
"… đốt hết những cái đó đi giùm tôi."
Nerzhin khóa ngăn kéo bàn và đưa chìa khóa cho Rubin. Rồi anh đi ra khỏi phòng với dáng điệu khoan thai của một người tù đã sống đến năm thứ năm trong tù, người tù không bao giờ vội vã vì luôn luôn chỉ chờ đợi những gì bất hạnh hơn xảy đến.