Chiếc xe ngựa lọc cọc quay trở lại thị trấn. Trong khoảng khắc bất chợt, tôi với tay định kêu lớn tiếng yêu cầu người đánh xe dừng lại cho tôi quay trở về. Nhưng cái hành động đó cũng lửng lơ nửa chừng, không đưa đến một kết quả nào như ý muốn, giống như tất cả các quyết định của tôi từ trước đến nay. Tôi là một kẻ bản chất yếu đuối, về mặt tinh thần, không dứt khoát. Ngay cả cái khi cầm cái quyết định phân công trên tay, tôi cũng không biết mình có nên đi hay không. Làm cô giáo trẻ ở một vùng đất mà ngay cả tên gọi của nó cũng xa lạ thật không có gì đáng phấn khởi. Nhưng biết làm thế nào? Mồ côi, sống nhờ anh chị ,được phân công sớm là may mắn lắm rồi, tôi còn đòi hỏi gì nữa. Ở đâu cũng vậy thôi, phải sống và làm việc. Nửa muốn đi, nửa muốn thoái thác, mãi đến khi niên học sắp đến, tôi mới từ giã anh chị, chịu đựng vất vã cả ngày trời, đổi mấy lần xe, từ tiện nghi hiện đại sang các phương tiện cũ kỹ. Và bây giờ. Tôi đứng đây trên con đường đất đỏ, giữa những cánh đồng trống, chỉ hứa hẹn đâu đó phía trước mấy mái ngói đỏ núp sau luỹ tre già rậm xanh.
Bước đầu bỡ ngỡ đã qua, tôi cũng làm quen với lớp với trường. Học trò của tôi đứa lớn, đứa nhỏ ngồi lúp xúp trên mấy chiếc ghế dài đóng vội. Mỗi lần chúng chen nhau, sáu chiếc chân gỗ kêu rên như bị đau. Mái lợp chỗ kín chỗ hở. Học cụ chỉ vỏn vẹn có mấy cái hộp hình khối vuông, khối chữ nhật, khối tam giác được bồi bằng giấy vở học trò đầy chữ.
Chủ tịch UBND xã ,áo bỏ ngoài quần, chân mang dép cao su,gương mặt khắc khổ ,động viên tôi bằng chất giọng đặc trưng ,đều đều :
- Cô chịu khó giúp các cháu, tội nghiệp, chúng thiếu thốn mọi bề. Trường lớp thiếu thì thiếu vậy thôi, còn cái thiếu nặng nhất là thầy cô giáo. Không có ai ở quá một niên học. Tụi tui thất vọng ghê lắm. Nhưng cô đã xuống đây, chúng tôi cũng mừng, chỉ mong cô chịu đựng cực khổ vì tương lai của các em.
Những gương mặt đen đúa, khắc khổ tựa người lớn ngẩng nhìn tôi như chờ đợi, như tuân phục làm tim tôi nao nao. Tôi nhìn vào từng đôi mắt tròn đen thơ ngây của các em để bắt đầu bài giảng đầu tiên trong đời.
Song chẳng được bao ngày, lớp học bỗng rộng hẳn ra. Chúng lẳng lặng nghỉ và rồi lẳng lặng nhìn tôi dưới vành nón rách trong khi vai gánh nặng những bó mạ non hoặc lầm lủi dắt trâu ra ruộng. Tôi hiểu, mùa cấy đang đến.
Tôi hiểu nhưng không chịu được khi nhìn lớp học trống tuếch. Tôi tự nghĩ:
- Lẽ nào đây là một lớp học, một trường học và tôi là một cô giáo đã được đào tạo chính qui? Tôi sẽ dạy dỗ được gì cho chúng trong tình trạng này và tôi được gì khi vào nghề theo một cung cách như vậy?
Mầm chán nản bắt đầu ăn sâu vào tâm trí tôi. Ý tưởng quay trở về thành phố lởn vởn trong tôi suốt mấy ngày đêm. Song tôi lại sợ mang tiếng là kẽ trốn chạy trách nhiệm. Tôi khổ sở vì những mắc mớù không gỡ được của mình. Từ đó, tôi không còn là một cô giáo siêng năng, chịu khó như trước. Trong tôi, cũng có những ngày vào mùa, những buổi ngóng trông, không phải trông mong đám ruộng cấy lên xanh mà lại trông mong một ngày dứt bỏ được cái nơi nghèo khổ, buồn bã này.
Bức thư của đứa bạn thân đến vào lúc mùa cấy vừa dứt. Học trò của tôi đã lục đục trở lại lớp với gương mặt đen đúa hơn, đôi bàn tay nứt nẻ hơn. Chúng vẫn mở to những đôi mắt thơ ngây nhìn lên tấm bảng bạc màu. Nhưng tôi thì đã hết nhiệt tình. Tôi sửa soạn bỏ nghề. Đứa bạn tìm được cho tôi việc làm trong một xí nghiệp ở thành phố. Tôi thông báo với các chức trách và chờ người thay thế mình. Cuối cùng mọi việc đều ổn thoả. Tôi chỉ còn chờ đợi ngày từ giã nơi hành nghề đầu tiên trong đời mình.
Trả lời thư bạn, tôi đi bộ đến Uûy ban xã để nhờ chuyển thư.
Buổi chiều chầm chậm xuống. Mặt trời chiếu từng sợi nắng nhạt lên cánh đồng lúa mơn mởn, lên những vườn cây, và trên những mái lá dừa im ắng.
Chiếc quai guốc tuột đinh bung ra. Tôi bối rối tìm một nhà quen để mượn thêm búa đóng đỡ. Chiếc cổng khép hờ hững. Tôi cầm guốc đi chân không ,bước nhẹ và chậm đề phòng nhà có chó sồ ra bất tử. Bỗng một giọng nói quen quen từ trong nhà cất lên:
- Đọc đi, i … i … không phải … i có chấm, còn chữ tờ có cái đòn gánh nè …
- Khó quá anh Hai ơi …
- Khó cũng phải học chớ … học lè lẹ, chớ không cô giáo đi rồi ai dạy mày …
- Ê, anh này lảng nhách … cô giáo của anh đi chớ đâu phải cô giáo của em … Ờ mà sao cô giáo không dạy nữa hở anh Hai …?
- Chắc tại cô xa nhà, cô buồn … với lại chắc tại xứ mình nghèo … cô giáo không thích …
- Thôi, em biết rồi … tại cô giận mấy anh trốn học đó …
- Đừng có xạo mày …
- Nhưng … cô giáo đi rồi thì làm sao anh Hai? Có học nữa không, anh Hai?
- Học ai mà không thích mậy … Thôi … tầm ruồng … học đi.
Tôi lặng người trước hiên nhà, xót xa, thương cảm, hối hận. Tôi nhìn xuống bức thư cầm trong tay. Có cái gì đó mênh mang trải tràn trong tâm hồn tôi. Tôi không thể nào ra đi như vậy. Các em đang cần tôi, đám học trò tội nghiệp của tôi với đôi mắt ngây thơ trên hai gò má sậm màu không thể thiếu người dạy dỗ. Thành phố đâu có cần tôi. Thế tại sao tôi lại chạy trốn để đi xin xỏ nơi khác một chút công việc vô nghĩa. Tôi đã được đào tạo cho các em, và tôi phải ở lại với các em. Tôi chỉ nghĩ đơn giản như vậy cho quyết định cuối cùng. Bức thư trả lời tôi xé nát. Chân không guốc, tôi trở về nhà, ngồi vào bàn, bắt đầu soạn lại giáo án tuần lễ tới. Kể từ ngày ra trường đến nay, tôi mới có cảm nhận thực sự mình là một cô giáo.
KIM-HÀI
(Thanh Bình )