Mùa thu năm 1891, cô tới Ba Lê, ghi tên vào ban Khoa học ở trường Đại học Sorbonne. Mới đầu, cô tạm sống chung với chị và anh rể ( một người Ba Lan, làm y sĩ) sau ra ở riêng trong một gác xép chật hẹp. Lúc đó cô gặp mọi nỗi thiếu thốn; nhưng tính khẳng khái, không muốn nhờ cậy anh chị, cô âm thầm chịu đói, chịu rét. Một lần cô té xỉu trước mặt một người bạn. Người này đi báo cho ông anh rể của cô hay. Ông ta tới, lục xét trong phòng không thấy không thấy một món ăn nào, lò thì lạnh mà đĩa chén thì sạch nhẵn, đoán được căn do, hỏi gạn cô một hồi, cô mới chịu thú là hai ngày rầy, chỉ ăn trái anh đào, mà phải thức đến ba giờ sáng để học. Ông nổi giận, kéo cô về nhà ông, bắt cô phải nghỉ ngơi, bổ dưỡng trong ít nữa.
Nhưng cô tuyệt nhiên không thấy khổ. Trái lại, ngồi trong giảng đường, nghe những nhà bác học như Lippmann, Paul Appel giảng bài, cô còn thấy thích thú lạ lùng, quên cả đói và rét.
Cuối niên học đó, cô về thăm nhà, vui vẻ với gia đình. Nhưng thu tới, gần đến kỳ tựu trường, cô lại lo lắng, không biết kiếm đâu được tiền để học hết niên khóa sau. Cũng may, năm 1893, cô được một học bổng là 600rúp (1) và hết hè cô lại được qua Ba Lê.
*
Đầu năm sau, cô gặp Pierre Curie tại nhà một người quen. Hai người nói chuyện với nhau về khoa học, và khi chia tay, Pierre Curie bâng khuâng, hỏi một câu vớ vẩn :
- Cô sẽ ở hoài bên đây chứ ?
Cô Marie hơi ngạc nhiên, nhưng tươi cười đáp :
- Thưa ông không ạ. Hè này nếu thi đậu, tôi sẽ về Varsovie. Nếu có tiền ăn học, qua thu tới sẽ trở lại đây học nốt cử nhân toán rồi về nước dạy học. Tôi không có quyền bỏ xứ sở trong lúc này.
Pierre Curie hơi thất vọng, nghĩ ngợi : « Cái cô Sklodowska nay cũng lạ lùng. Ở Ba Lan qua đây học. Đậu cử nhân vật lý nắm ngoái, năm nay lại học cử nhân toán. Thông minh như vậy, sao không phụng sự Khoa học mà lại muốn làm chính trị ? Phải tìm hiểu thêm cô ta mới được ».
Và càng tìm hiểu, ông càng phục, càng mê cô gái Ba Lan đó. Ông gặp cô mấy lần ở hội Nghiên cứu Vật lý, ở phòng thí nghiệm của giáo sư Lippmann ; ông gởi tặng cô một tập nghiên cứu về điện của ông vừa mới xuất bản, rồi xin phép được lại thăm cô trong phòng chật hẹp của cô. Thấy đời sống nghèo nàn của Marie, ông lại càng quý mến cô và tin chắc rằng đã gặp được một thiếu nữ có thiên tài mà mình hằng mơ tưởng mười mấy năm nay. Còn cô, đối với ông, tuy cũng có nhiều cảm tình, nhưng chỉ là cảm tình của những bạn khoa học với nhau mà thôi : sau một lần trắc trở về tình duyên, lòng cô cơ hồ đã lạnh.
Hè năm đó, cô về Ba Lan. Ông ân cần dặn :
- Tháng mười, cô trở lại đây nhé ? Cô hứa với tôi là trở lại đây nhé ? Ở Ba Lan thì làm sao tiếp tục học được ? Mà cô không có quyền bỏ khoa học !
Ông muốn nói : « Cô không có quyền bỏ tôi » đấy.
Cô Marie thản nhiên đáp :
- Tôi cũng muốn được vậy lắm.
Xa cô, ông nhớ nhung đánh bạo viết thư hỏi cưới. Cô từ chối. Lấy một người Pháp rồi bỏ gia đình, xứ sở đi à ? Cha thì già mà nước nhà ở trong cảnh nô lệ. Bỏ đi sao đành ? Không thể được !
Ông thất vọng. Cô an ủi, xin đem tình cầm sắt đổi ra cầm kỳ. Ông đành vâng lời, nhưng vẫn gửi những bức thư nồng nàn cho cô. Trong một bức, ông viết.
“Chúng ta đã hứa với nhau (phải vậy chăng?) ít nhất cũng giữ được tình than với nhau. Miễn cô đừng đổi ý! Vì không có lời hứa nào là bó buộc cả; những cái đó, không có ai ép được ai. Nhưng nếu chúng ta được sống bên cạnh nhau, mê man trong những mộng của chúng ta: mộng giúp nước của cô, mộng giúp nhân loại và mộng khoa học của chúng ta, thì đời sẽ đẹp biết mấy nhỉ? Ôi, có thể như vậy được chăng?
Trong những mộng đó, theo tôi chỉ có mộng cuối cùng là chánh đáng. Tôi muốn nói rằng chúng ta không thể thay đổi tình trạng xã hội được, và nếu có thay đổi được đi nữa, thì chúng ta cũng không biết nên làm cái gì, và khi hoạt động theo một chiều nào đó, chúng ta không bao giờ chắc chắn được là lợi nhiều hơn hại, vì biết đâu ta chẳng làm chậm lại một cuộc biến hóa không sao tránh được. Về phương diện khoa học, trái lại, chúng ta có thể hy vọng làm được cái gì: ở đây, địa vực vững vàng và mỗi phát minh, dù nhỏ đến đâu, cũng là một thâu hoạch vĩnh viễn.
…. Chúng ta đã đồng ý là giữ tình thân với nhau, nhưng nếu trong một năm nữa, cô vĩnh biệt nước Pháp mà chúng ta không bao giờ gặp nhau nữa, thì tình thân đó chẳng là viễn vông quá ư ? Cô ở lại với tôi có phải là hơn không ? »
Bức thư đó so với bức thư của Pasteur gởi cho cô Marie Laurent (cũng lại Marie nữa) để cầu hthì giọng đầm thắm, kh ảái hơn nhiều. Ai ngờ một nhà khoa học đã ba mươi lăm tuổi mà lời tình tứ như vậy nhỉ ?
Mùa thu năm đó, cô marie lại trở qua Ba Lê để học. Pierre Curie mừng rơn, lại càng gắng công đeo đuổi. Ông năn nỉ cô cho ông được làm việc trong một căn phòng ở bên cạnh phòng của cô. Tất nhiên hai phòng cách biệt hẳn nhau. Cô từ chối. Ông lại đòi cuối niên học, theo cô qua Ba Lan : ở đó, ông sẽ dạy Pháp ngữ để sống, rồi khảo cứu về khoa học với cô. Ông biết rằng ở Ba Lan không đủ thuận tiện để khảo cứu, nhưng mặc, miễn là được ở gần cô. Cô vô cùng cảm động, nhưng không thể nhận một sự hy sinh lớn lao tới bực đó. Ông không thất vọng, dễ gì kiếm được một thiếu nữ có thiên tài ! cho nên đã gặp, thì ông định níu lấy.
Rút cục, mãi tới mười tháng sau, cô Marie mới xiêu lòng và nhận lời. Lễ cưới định vào ngày 25 -7 -1895. Lễ rất đơn sơ, khác hẳn thế tục. Cô dâu không bận áo trắng, (cô chỉ may một chiếc áo xanh dương để cưới xong, có thể bận đi làm được), không đeo nhẫn cưới, không bầy tiệc cưới, không làm lễ tại nhà thờ (vì một năm nay, cô đã chịu ảnh hưởng của Pierre Curie, chuyên tâm vào khoa học mà nhác việc đi lễ), mà cũng chẳng mời trưởng khế tới dự : gia tài của hai bên có gì đâu, ngoài hai chiếc xe máy mới mua do tiền mừng của một người thân.
Nhưng cuộc hôn nhân giản dị nhất đó lại là cuộc hôn nhân thành công nhất cổ kim, thành công vì đã gây được hạnh phúc cho hai bên, và cho cả nhân loại. Chắc chắn là nếu hai ông bà không sống chung với nhau thì sự nghiệp khoa học của bà không có gì mà sự nghiệp của ông cũng không được rực rỡ như sau này ta sẽ thấy.
*
Thế là sau một năm rưỡi đeo đẳng, ông đã hoàn toàn cảm hóa được bà, mà những bất đồng giữa hai bên đã san phẳng : bà đã thành một người « tư tưởng tự do » như ông, đã tạm quên cái nhiệm vụ công dân ba Lan mà hướng tâm về khoa học; còn ông, khi cưới xong, cũng bắt đầu học tiếng Ba Lan và coi Varsovie là quê hương thứ nhì của mình. Cả hai đều nhắm chung một mục đích : nghiên cứu và phát minh.
Mùa hè năm đó, hai ông bà sống những ngày thần tiên. Họ cưỡi xe máy đi dạo khắp miền phụ cận Ba Lê; tới đâu ăn đó, khi thì chia nhau những miếng bánh, những trái lê dưới bóng cây trong rừng thưa ; khi thì giải khát trong những quán trọ miền quê, bên một con đường thiên lý. Họ thơ thẩn dạo mát trên đồi, vừa đi vừa suy nghĩ về những nghiên cứu khoa học.
Họ mướn một căn ba phòng. Đồ đạc rất sơ sài vì họ không có tiền để mướn người ở, cũng không có thì giờ để dọn dẹp. Trong phòng chính chỉ kê mỗi một cái bàn bằng gỗ tạp không sơn với hai chiếc ghế ở hai đầu. Hai ông bà đã quyết định là không tiếp khách mà cũng chẳng giao du với ai. Ông lúc đó đã đậu tiến sĩ vậy lý và dạy ở trường Vật lý, lương được năm trăm quan một tháng, vừa đủ chi tiêu. Bà học thêm thạc sĩ để hy vọng sau này cũng dạy học giúp ông.
Những bà nội trợ nào phàn nàn rằng tối tăm mặt mũi về công việc nhà cửa, nên coi chương trình làm việc mỗi ngày của bà Curie : nghiên cứu ở phòng thí nghiệm tám giờ, lo việc nhà hai hay ba giờ, rồi lại học thi thạc sĩ nữa. Có khi hai ba giờ khuya bà chư nghỉ : còn phải tính sổ chi tiêu, vá áo cho ông và coi sách lám bếp. Không thể bắt chồng ăn toàn baáh mì với bơ và trái cây được. Vả lại còn phải giữ tiếng với họ hàng bên chồng chứ. Dù đậu cử nhân hay thạc sĩ cũng mặc, một phụ nữ Ba Lan không thể « đoảng » về bếp núc được. Mà cái môn nấu nướng thực cũng khó khăn, bí mật như môn hóa học chứ kém gì : phải đổ bao nhiêu nước, thêm bao nhiêu muối, luộc bao nhiêu phút ? Ba ghi hết thảy những thành công và thất bại của bà y như y những thí nghiệm khoa học vậy. Điều cần nhất là phải làm sao cho đỡ tốn thì giờ : bà bèn sáng chế những món ăn, nhưng cách nấu không tốn công, để cho thức ăn tự nó chín trong khi bà lại trường. Vừa coi nhà, vừa đi học như vậy, mà năm sau bà thi thạc sĩ, đậu thủ khoa. Pierre Curie mới đeo đuổi bà một năm rưỡi chứ có đeo đuổi mười lăm năm cũng là đáng.
Năm 1997, bà sanh con gái đầu lòng, em Irène – sau này cùng với chồng là Frédéric Joliot cũng được giải thưởng Nobel – và ba tháng sau công bố kết quả những thí nghiệm khoa học của bà.
*
Từ đó, bà vừa nuôi con, vừa nghiên cứu với chồng để phát minh chất ra đi (radium-quang chất).
Sau khi nhà bác học Roentgen đã phát mình được quang tuyến, nhiều người tiếp tục khảo cứu về các chất có huỳnh quang, và năm 1896, ông Henri Becquerel nhận thấy rằng nh’ưng chất muối urane tự nó phát ra những tuyến lạ lùng, c ảnhững khi trong tối. Hiện tượng phóng xa (đó, chưa ai biết nguyên do ở đâu. Hai ông bà Curie cùng nhau nghiên cứu nó.
Trước hết phải tìm một phòng thí nghiệm. Ông xin được một phòng bỏ trống, ở trường Vật lý. Phòng thiếu mọi tiện nghi. Mặc, Hai ông bà bắt tay vào việc liền và vài tuần lễ sau, bà tìm được cách đo lượng phóng xạ của uranium. Rồi bà nghiên cứu tất cả những chất hóa học để xem có chất nào cũng phóng xạ như uranium nữa không, và bà thấy được một chất nữa, chất thorium.
Bà đặt ra giả thuyết này là những chất như uranium, thorium sở dĩ phóng xạ vì nó chứa một chất mới, có tính cách phóng xạ mà từ trước chưa ai biết. Bà quyết tâm tìm ra được chất đó. Hai ông bà dùng chất pechblende - một khoáng chất urane, phóng xạ rất mạnh - để nghiên cứu, phân tích, loại lần lần những phần tử không phóng xạ, như mtộ viên cảnh sát đi lùng từng nhà một để bắt một tội nhân, trốn tránh vậy. Kết quả, là hai ông bà thấy chất phóng xạ trốn ở trong hai phần tử của chất pechblende. Như vậy là đã kiếm được hai chất mới. Lòng nhớ tổ quốc vẫn dào dạt, bà đề nghị với pong gọi một trong hai chất đó là polonium ( Pologne là tên tổ quốc của bà), còn chất kia gọi là radium. Cuối năm1898, ông bà tuyên bố kết quả ở Hàn lâm viện Khoa học.
* * *
Nhưng đó chỉ là bước đầu. Tiếp theo là bốn năm lao tâm, lao lực nữa ; vì muốn cho thế giới nhận thuyết mới mẻ, táo bạo đó, ông bà phải làm cách nào tách riêng được chất polonium - rồi tính được trọng lượng nguyên tử của nó, tóm lại là phải cho thiên hạn thấy được radium nghuên chất. Muốn vậy phải giải quyết được ba vấn đề này :
- Kiếm cho được thật nhiều chất pechblende để nấu.
- Kiếm được chỗ để nấu,
- Kiếm được tiền chi tiêu vào việc nghiên cứu đó.
Vấn đề thứ nhất, ông bà giải quyết được dễ dàng.
Chất pechblede tuy đắt, nhưng cặn của nó thì rẻ mạt, mà dùng để nấu raradium được. Một bạn thân ở Áo sẵn sàng gởi tặng cho ông bà hàng tấn cặn đó.
Về vấn đề thứ nhì, ông xin trường Đại học Sorbonne một chỗ để thí nghiệm. Người ta từ chối, ông đành xin một cái kho bỏ không lát gạch mà chỉ có một lớp hắc ín, còn đồ đạc thì chỉ có vài cái bàn, mọt, một cái bảng đen và một lò bằng gang. Nhưng thôi, cũng tạm được, có chỗ để thí nghiệm còn hơn là không.
Còn vấn đề thứ ba thì không nhờ cậy được ai hết. Ông bà đành bóp bụng, giảm mọi chi tiêu trong gia đình để mua dụng cụ, vật liệu thí nghiệm.
Và ở trong cái kho tồi tàn, ẩm thấp, lạnh lẽo đó, ông bà đã nấu hàng tấn cặn pechblende ; ông thì thí nghiệm, bà thì coi lò. Tay bà chai lên vì xúc than, xúc cặn pechblende ; bà sặc cụa vì khói, vì bụi, mùa hè thì chịu nóng như thiêu mà mùa đông thì phải nép trong một góc để tránh dột hoặc gió. Quả là một đời sống «trái với thiên nhiên» như ông đã dự tính từ hồi hai mươi tuổi. Nhưng ông bà thấy đời sống trái thiên nhiên đó thích thú vô cùng, và sau này, nhắc lại kỷ niệm xưa. Bà viết « Lúc ấy chúng tôi sống như trong một giấc mộng ». Thỉnh thoảng ông lại ngừng tay hỏi bà :
- Mình, mình thử đoán chất radium sẽ nấu được, màu sắc ra sao.
Hoặc bà hỏi ông :
- Mình, em đố mình biết nó sẽ nặng hay nhẹ đấy?.
Rồi ông bà nhìn nhau cười.
Tháng tháng trôi qua mà chất radium vẫn chưa xuất hiện. Rồi hết một năm, hai năm, ba năm. Hồi trẻ bà có lần nói :« Đời sống đâu phải là dễ dàng. Phải kiên nhẫn, thứ nhất là phải tự tin. Phải tin rằng mình có khiếu để làm một cái gì, và cái đó phải làm cho kỳ được. » Thì bây giờ bà thực hành đúng lời đó. Bà tin rằng chất radium phải xuất hiện. Không thể khác được. Cho nên bà kiên nhẫn nấu, dù có khòm lưng, mờ mắt, lao phổi. (Bà đâu có quên rằng thân mẫu mất về bệnh đó) thì cũng cứ nấu ! Bà nấu hàng tấn cặn pechblende, hết đống này đến đống khác, và kết quả là sau bốn mươi lăm tháng bà đã nấu ra được chất radium nguyên chất. Bạn đã sắc thuốc bắc lần nào chưa nhỉ ? Sắc một thang giải cảm mất độ nửa giờ, bạn đã thấy sốt ruột ; canh một thang thuốc bổ mất một hai giờ, bạn bực mình muốn đổ bớt thuốc đi cho nó mau cạn ? vậy xin vạn hãy tưởng tượng cho tôi công phu nấu cạn pechblende trong bốn mươi lăm tháng của bà. Và bạn có biết bà nấu ra được bao nhiêu radium không ? Chỉ có một phần mười gam. Ông bà vội vàng đo trọng lượng nguyên tử của chất mới đó, được con số 225.
Đêm hôm đó, khoảng chín giờ rưỡi, đợi cho cô Irène ngủ rồi, bà rủ ông lại kho để ngắm chất radium mới nấu được. Vừa mới mở cửa kho ra, bà kêu lên :
- Mình, ngó kìa.
Ở trong bóng tối, một hào quang chiếu ra, xanh xanh, dịu dịu. Hai ông bà đứng trân trân nhìn một hồi lâu. Ông sẽ vuốt mái tóc bà, nói : « Chất Radium của chúng ta tự nó phát ra ánh sáng. » Kẻ nào tìm ra được dạ minh châu chắc cũng không vui bằng cặp vợ chồng trẻ tối đêm đó.
Tin đó đưa ra, các nhà bác học Anh, Đức, Ý … đều ngưỡng mộ ông bà vào bực kỳ tài, duy có chính phủ Pháp là cơ hồ không thèm lưu ý tới. Ông không có tham vọng gì cả, chỉ ước ao được một chân giáo sư đại học và một phòng thí nghiệm có đủ dụng cụ thôi ; nhưng chính phủ không cho, lấy lý rằng những phát minh của ông không thuộc phạm vi vật lý hóa ! Thành thử lương ông vẫn là năm trăm quan một tháng, không đủ tiêu, vì nhà đã thêm trẻ.
Mãi đến khi chính phủ Thụy Sĩ, trọng tài ông, mời cả hai ông bà qua dạy trường đại học Genève, mà ông từ chối, vì muốn ở Ba Lê tiếp tục nghiên cứu về chất radium, chính phủ Pháp mới chịu nhận giá trị của ông, mời ông dạy lớp Vật Lý Hóa - Tự nhiên ở trường đại học Sorbonne và mời bà làm giáo sư ở trường Cao đẳng Nữ sư phạm Sèvres. Nhưng phòng thí nghiệm thì vẫn không cho.
Năm 1902, nhiều bạn thân thúc ông xin ứng cử vào Hàn lâm viện Khoa học. Ông không chịu, cho cái thủ tục bắt các ứng cử viên phải đi chào các ông Hàn trong viện là nhục nhã, cô nghĩa. Nhưng nể lòng bạn, ông đành ra ứng cử, và kết quả là ông thua. Phần đông các cụ Hàn nhà ta không ưa ứng cử viên « khả ố » không chịu khom lưng đó, nên bầu ông Amagat, một kẻ bất tài, vô danh, chỉ đáng khen ở chỗ lưng mềm.
Ít lâu sau, một vị bộ trưởng đề nghị thưởng ông Bắc đẩu bội tinh. Ông cương quyết từ chối :
-« Tôi xin đa tạ ông bộ trưởng và thưa với ông rằng, tôi không thấy cần có huy chương mà chỉ cần có một phòng thí nghiệm thôi ».
Từ đó hai ông bà hết trông cậy vào sự giúp đỡ của chính phủ, lại tự lực tiếp tục thí nghiệm bằng những phương tiện rất thiếu thốn. Có lần ông làm việc quá mà muốn đau, chán nản, nói với bà :
-« Cuộc đời chúng ta đã chọn, vậy mà khó nhọc quá chứ !
Đã mấy tháng nay, ông lo sẽ chết sớm. Bà an ủi :
-« Mình … rán vui lên, mình.
Nhưng rồi, không nén được lòng, bà nghẹn ngào nói tiếp :
- Nếu trời bắt tội một đứa trong chúng ta chết trước … thì kẻ còn lại cũng không sống được đâu, mình nhỉ.
Ông lắc đầu, cương quyết :
- Em lầm rồi. Dù sao thì sao, dù chỉ còn là cái xác không hồn thì chúng ta cũng vẫn phải làm việc.
Và càng thiếu sự nâng đở, ông bà càng làm việc mạnh. Từ năm 1899 đến năm 1904, ông bà đã công bố được ba mươi hai nghiên cứu về khoa học. Chất radium được dùng để chữa vài loại ung thư và bắt đầu được các nhà kỹ nghệ đòi hỏi. Khi đã nấu được một gam radium, ông muốn công bố cách thức chế tạo cho cả thế giới biết, chứ không giữ riêng bằng cấp sáng chế, nhưng còn dò ý bà đã :
-« Đời chúng ta vất vả mà chúng ta cần có một phòng thí nghiệm đàng hoàng. Rồi còn tương lai của con cái nữa. Em nghĩ sao ? Nên giữ quyền sáng chế hay không ?
Bà không do dự, đáp :
- Giữ quyền đó cho riêng mình là trái với tinh thần khoa học. Em nghĩ sự phát minh đó phải để cho cả nhân loại hưởng chung.
Và ông vui vẻ công bố liền cách chế tạo cho các kỹ sư ngoại quốc.
*
Lúc đó, danh tiếng ông bà dậy lên như sóng. Các quốc gia tranh nhau đón tiếp ông bà. Trước hết là Anh. Năm 1903 Viện Hoàng gia ở Luân Đôn mời ông bà qua diễn thuyết. Cả thành phố Luân Đôn xôn xao muốn được coi mặt những người đã khai sanh cho chất radium. Ông bà phải dự các tiệc danh dự, ông với bộ đồ đen thường ngày, bà cũng với chiếc áo sẫm thường này mà chung quanh toàn là những nhà quý phái y phục sang trọng, vàng son rực rỡ.
Khi tan tiệc, về phòng, bà bảo ông:
- “ Em không ngờ rằng ở đời có những châu ngọc đẹp như vậy.
Ông mỉm cười:
- Mình thử đoán xem trong bữa tiệc anh nghĩ tới gì ? … Anh tính phỏng giá tiền của tất cả những vàng ngọc đó đủ để cất được biết bao những phòng thí nghiệm.
Về tới Ba Lê, ông bà nhận ngay được một chiếc huy chương bằng vàng ở Luân Đôn gởi qua. Không biết dung làm gì, ông cho cô Irène chơi. Bạn bè tới mừng và đòi coi, ông chỉ cô Irène, bảo:
-“ Cháu nó thích đồng xu mới lớn đó lắm!
Rồi tới Thụy Điển tặng ông bà một nửa giải thưởng Nobel về Vật lý, nửa kia về Henri Becquerel, vì cả ba đều có công phát mnìh về tánh phóng xạ.
Bạn đã biết giải thưỏng Nobel giá trị ra sao chứ? Đó là một giải thưởng quốc tế khoản 10 tỉ quan mỗi năm phát một lần cho những văn nhân và nhà bác học nào có công lớn lao với nhân loại.(2)
nếu bạn đưọc giải thưởng đó thì bạn sẽ làm vẻ vang cho cả dân tộc Việt nam, và cả cho Châu Á nữa, vì từ hồi giải thưởng thành lập – năm 1896 - đến nay, ở Châu Á mới có bốn người được nhận nó, tức thi hào Tagore ở Ấn Độ, nhà bác học Hideki Yukawa ở Nhật và mới năm ngoái đây, hai thanh niên Trung Hoa: Tchen Ning Lang và Tsung Lao Lee mà thế giới ngưỡng mộ là tài ngang Einstein. Vậy mà cả hai ông bà Curie đều được giải thưởng. Vinh dự đó chưa từng thấy trong giới khoa học. Nhất là sau này bà lại được them một giải thường Nobel về Hóa học. Rồi cô Irène và chống là Joliot nối nghiệp cha mẹ, chiếm một giải nữa. Gia đình Curie quả đã chiếm tối cao kỷ lục về giải đó.
Nhưng từ khi được giải thưởng, ông bà chỉ thấy bực mình hơn là vui. Trong một bức thư cho một người anh, bà viết:
“ Thư từ gởi tới ngập cả nhà, rồi thì các nhà nhiếp ảnh, các ký giả tràn vào. Chúng em muốn độn thổ để được yên ổn.”
Đúng như Einstein đã nói: “danh vọng không làm cho người ta sung sướng”; mà nhiều danh vọng quá còn làm cho ông bà hóa quạu:
“Lúc nào nhà cũng ồn ồn lên. Người ta kiếm mọi cách cản trở công việc của vợ chồng em. Bây giờ em cương quyết không tiếp ai hết - Vậy mà cũng không được yên. Đời chúng em đã hoàn toàn tiêu ma vì danh vọng.”
Hễ được ngày nào rảnh là ông bà phải bỏ nhà, trốn đi, đạp xe máy về miền quê, đổi tên họ để được ngủ yên trong những quán trọ. Nhưng các ký giả vẫn theo dò, và một lần một ký giả Mỹ vượt Đại tây dương qua, nhận được mặt bà ở ngưỡng cửa một gia đình đánh có nọ, vội chạy lại phỏng vấn. Bà bất đắc dĩ phải đáp, đến khi ký giả đó hỏi về đời tư của bà, bà cắt ngang câu chuyện:
- Về khoa học, chúng tôi chỉ lưu tâm đến vật chứ không để ý đến người.
Thật vậy, bà không để ý tới ai hết, không phải là bà kiêu căng mà vì công việc đó vô ích. Khi người ta là thiên tài đem cả tâm hồn ra phụng sự nhân loại thì người ta không cần theo quy tắc Đắc nhân tâm của xã hội. Tuy nhiên bà vẫn tỏ ra lịch thiệp, nhã nhặn.
Một lần Tổng thống Loubet mời ông bà dự tiệc ở điện Elysée. Một bà quý phái lại gần bà, hỏi:
- Bà muốn tôi giới thiệu bà với đức vua Hy Lạp không? Bà nhỏ nhẹ đáp:
- Thưa, tôi không thấy có ích gì ạ.
Rồi nhận ra được bà đó là bà Tổng thống Loubet, Marie curie ngượng ngùng, vội chữa:
- Dạ … tất nhiên rồi ạ, tôi xin tuân ý bà.
Chính phủ Pháp tới lúc đó mới chịu tặng ông một ghế giáo sư đại học thực thụ; còn phòng thí nghiệm ông xin từ tám năm trước để có đủ phương tiện phụng sự cho quốc gia và nhân loại, thì chính phủ chưa xét tới. Và đến năm 1905, ông chịu ứng cử vào Hàn lâm viện khoa học một lần nữa, thì chỉ vừa đủ thăm để được lựa, vì có tới hai mưoi hai cụ Hàn bỏ thăm cho một người vô danh nào đó. Năm ấy ông đã bốn mươi sáu tuổi và đã hy sinh cho khoa học trong một phần tư thế kỷ.
*
Lễ Phục Sinh năm 1906, ông bà nghỉ ngơi ở miền quê ít bữa, rồi ông trở lại Ba Lê trước, ôm theo một bó hoa để chưng trong phòng làm việc. Hôm sau bà dắt hai người con về, thấy ông đứng đợi ở cửa sổ.
Ngày 19 tháng 4 năm 1906, ăn cơm trưa xong, ông xách dù lại đường Dauphine. Xe cộ đông, ông muốn băng qua đường, bổng trượt chân. Có tiếng người kêu: “Ngừng lại, ngừng lại.” Người đánh xe ghì dây cương. Nhưng đã quá trể. Một bánh sau của chiếc xe chở nặng sáu tấn, đụng phải một vật gì rồi nghiền nát ra. Một đầu người: bộ óc của Pierre Curie.
Thiên hạ bu lại. hai người cáng ông tới một tiệm thuốc, rồi tới ti cảnh sát. Người ta xét giấy tờ của ông. Nghe tới tên ông, quần chúng phẫn nộ muốn hành hung người đánh xe.
Khi than phụ ông hay tin, cụ lặp đi lặp lại câu:
-“ Nó lại mơ mộng về cái gì nữa!
Sáu giờ chiều, bà Marie về, vẫn vui vẻ, chưa biết gì cả, tới cửa thấy có gì khác thường. Nghe ông Khoa trưởng đại học Paul Appell kể lại tai nạn, bà đứng trân trân, như mất hồn, không khóc, cũng không than thở. Một hồi lâu bà mới mấp máy môi, hỏi:
- Anh Pierre mất rồi à? … Mất rồi à ? … Mất thật rồi à ?
- Tới tối, người ta chở di vật cùng thây của ông về. Chiếc đồng hồ vẫn còn đập, miếng kính không hề bể. bà ôm thây ông, không muốn rời ra nữa. Người nhà phải kéo bà đi.
Đám táng rất đơn giản. bà từ chối mọi sự phúng viếng của nhà cầm quyền và quốc dân.
Trong mấy tuần lễ sau, bà thẫn thở, tâm hồn như theo người quá cố, không nói năng, làm lụng gì hết.
Chính phủ yêu cầu bà thay chân giáo sư Đại học cho ông. Bà dửng dưng đáp :« Để tôi gắng sức xem ». Rồi bà nhớ lại lời nói của ông :« Dù sao thì sao, dù chỉ còn là cái xác không hồn thì chúng ta cũng vẫn phải làm việc » và quyết định tiếp tục sự nghiệp của chồng.
Ngày tựu trường năm đó, sinh viên cùng những người trong mọi giới trí thức xúm nhau lại ở trường đại học Sorbonne để nghe nữ giáo sư đầu tiên của trường giảng bài. Theo lệ, hễ một giáo sư nào thay chân giáo sư khác thì buổi đầu, phải có ít lời cảm ơn ông bộ trưởng, ông khoa trưởng và ca tụng người mình thế chân.
Cửa giảng đường mở, bà tiến lại ghế. Tiếng vỗ tay vang dậy. Bà cúi đầu chào, đợi cho phòng yên lặng rồi nói:
- « Khi người ta xét những tiến bộ về Vật lý trong mười năm nay … »
Bà đã lặp lại đúng lời giảng cuối cùng của ông mấy tháng trước. Thính giả đều cảm động.
*
Thật vậy. Dù chỉ còn là cái xác không hồn bà vẫn phải làm việc, mà bà còn làm việc gấp hai trước, cũng làm thay cả phần của chồng nữa.
Ở nhà, bà săn sóc sự học của các con. Bà muốn cho cô Irène học rất ít nhưng rất kỹ lưỡng. Bà gom độ một chục trẻ, mời những giáo sư danh tiếng lại dạy mỗi người một môn.
Đích thân bà dạy môn Vật lý cho các em đó mỗi chiều thứ năm, tập cho chúng thích khoa học, chịu gắng sức, làm việc có phương pháp. Một phần nhờ cách học tập đó mà sau này cô Irène thành một nhà bác học như bạn đã biết.
Ở trường, bà dạy tăng giờ lên, vừa thay chồng dạy ở Đâi học Sarbonne, vừa tiếp tục dạy ở trường Cao đẳng nữ sư phạm. Bà lại còn điều khiển phòng thí nghiệm.
Bận việc như vậy mà trong bốn năm, bà vẫn có thì giờ soạn được một bộ về Tính phóng xạ dầy non một ngàn trang, gần bằng bộ Chiến tranh và Hòa bình của Tolstoi ; ấy là chưa kể công sắp đặt lại, sửa chữa những tác phẩm của chồng mà bà gom lại thành một tập sáu trăm trang. Sức làm việc của bà đã kinh thiên chưa ?
Giới khoa học ở mọi nơi đều hướng cả về bà. Những bằng cấp tấn sị danh dự, những giấy chứng chỉ hội viên Hàn lâm viện, rồi những huy chương chất đầy các hộc tủ.
Chính phủ Pháp tặng bà Bắc đẩu bội tinh, bà từ chối. Cũng do bạn bè thúc, bà phải ứng cử vô Hàn lâm viện Khoa học, để người ta khỏi trách mình làm cao. Nhưng trong viện chia làm hai phe, một phe không ưa bà, và rút cục bà thiếu một thăm.
Tức thì, các nhà bác học Thụy Điển như muốn sửa lại sự bất công đó, tặng bà giải thưởng Nobel về hóa học (1911). Để vớt lại danh dự, chính phủ Pháp cho cất viện radium ở đường pierre Curie, mời bà điều khiển. Ngày khánh thành viện đó là một trong những ngày vui nhất của bà, vì thấy cái mộng của chồng đã thực hiện được. Nhưng vừa cất xong, thì đại chiến thứ nhất bùng nổ.
*
Bà xin nhập ngũ, tuy là để giúp Pháp mà cũng là để gián tiếp giúp tổ quốc vì nếu đồng minh thắng thì Ba Lan tất được trả lại tự do.
Bà tổ chức một trạm quang tuyến lưu động trên khắp các mặt trận để trị bệnh trong quân đội. Trạm gồm một chiếc xe cam nhông chứa đủ dụng cụ về quang tuyến. Nhân viên chỉ có người cầm lái và bà. Khi nào người cầm lái mắc việc hoặc ađu thì đích thân bà lái lấy. Trời mưa hay lạnh cũng mặc, bà hăng hái, nhảy xuống đường lầy để sửa xe, gỡ bánh hay chùi máy, rồi bà đích thân khuân vác đồ đạc. Cũng ăn bằng gào mên, cũng ngũ dưới lều vải, y như lính hạng nhì.
Chiến tranh kết liễu. Nước Ba Lan, sau nửa thế kỷ nô lệ, lại hiện trên bản đồ thế giới. Bà mừng vô cùng ; bổn phận công dân của bà nay mới làm tròn được.
Nhưng sức bà đã suy – bà đã ngoài ngũ tuần và đã lao lực trên mười năm, từ hồi ông mất – mà số tiền dành dụm được thì tiêu tan gần hết vì sự phá giá của đồng quan. Bà lo lắng không biết còn đủ sức nuôi con không.
*
Viên chủ nhiệm một tờ báo ở Nữu ước (New York), bà William Brown Meloney, suốt trong mấy năm, tìm mọi cách để tiếp xúc với Marie Curie mà không được. Sau bà ta phải cậy một bác học giới thiệu mới được Marie Curie tiếp ở viện Radium.
Quen thấy những phòng thí nghiệm đồ xộ, tối tân ở Mỹ, bà ta ái ngại khi nhìn những dụng cụ thô sơ của viện, bèn hỏi:
- Thưa bà, bà có cần mua sắm them cái gì không? Marie Curie đáp:
- Tôi muốn có một gam radium để nghiên cứu, nhưng không thể mua được, vì giá đắ quá.
Về Mỹ, bà Meloney nẩy ra một ý là quyên tiền để tặng Marie Curie một gam radium. Bà tax in mười nhà tỉ phú mỗi nhà giúp cho một vạn mỹ kim, nhưng chỉ có ba nhà chịu quyên. Bà bèn hô hào hết thẩy phụ nữ Mỹ, nghèo cũng như giàu, mỗi người giúp một chút, và không đầy một năm sau, bà báo tin cho Marie Curie: “ Thưa bà, tiền đã kiếm được, gam radium là của bà đấy.” Rồi dân tộc Mỹ mời Marie qua thăm xứ họ để họ được tiếp rước.
Bà do dự, ngại đám đông, ngại tiệc tùng. Bà Meloney rán thuyết phục, bà phải nhận lời, năm 1921 đáp tàu qua Nữu Ước.
Quần chúng hoan hô nhiệt liệt, báo chí in chữ lớnở trang đầu; để ca tụng nhà “nữ bác học ăn bận nghèo nàn” .
Tại Bạch Ốc, Tổng thống Harding trao cho bà một hộp bằng chì chứa một gam radium tượng trưng, còn miếng radium thực thì để ở xưỏng, vì sức phóng xạ của nó rất nguy hiểm. Bà nhận với điều kiện là trên giấy tặng, không đề tên bà mà đề phòng thí nghiệm của bà, như vậy cho mọi người thấy rằng gam radium đó không phải là tặng riêng bà.
Rồi bà đi thăm các trường Đại học, các viện thí nghiệm. Hàng núi bông chất ở dưới chân bà, hàng chồng điện tín nằm trên bàn.
Sau lần viễn du đó bà tự thấy không có quyền được giam mình trong phòng thí nghiệm nữa! Danh bà lớn quá, khắp giới khoa học đều ngưỡng mộ thì bà phải đi xứ này, xứ khác để khuyến khích sự tìm tòi, khảo cứu. Hết thảy các nước Âu châu đều tranh nhau đón bà tới diễn thuyết và dự những hội nghị khoa học.
Ở Ba Lan dân chúng, kẻ góp công, người góp của, dựng lên một viên radium và đạt tên là Viện Marie Sklodowka Curie. Viện cất xong, nhưng thiếu tiền mua một gam radium. Bà lại hướng về Mỹ, nhờ bà Meloney giúp sức và dân chúng Mỹ lại tặng bà một gam radium nữa.
Còn ở Pháp? Năm 1922, ba mươi lăm ông Hàn ở Hàn lâm viện Y học ký tên trên một bản thỉnh nguyện xin viện bỏ thủ tục, bầu cử bà vào viện mà không buộc bà phải ra ứng cử. Toàn thể viện hoan hô ý kiến đó, làm cho các ông Hàn ở Hàn lâm viện Khoa học bẽ mặt.
Năm sau, chính phủ ký một đạo luật tặng bà một phần thưởng quốc gia, một số lợi nhuận là bốn chục ngàn quan mội năm, có thể chuyển qua hai người con của bà là Irène và Eve Curie.
Năm sáu mươi lằm tuổi, sức đã suy nhiều mà bà vẫn làm việc mười hai hay mười bốn giờ một ngày. Nhiều người khuyên quá, bà chịu nghỉ ngơi một chút, kiếm một tập thơ hoặc một tiểu thuyết để đọc, nhưng chỉ độ nửa giờ, lại bỏ sách xuống, cầm cây viết ghi bài tính, những thí nghiệm. Có đêm, hai ba giờ sáng, bà còn thức. Trong mười lăm năm, từ hồi đại chiến thứ nhất kết liễu, bà bố cáo được ba mươi mốt công trình nghiên cứu, lại viết một cuốn tiểu sử cho chồng, tức cuốn Pierre Curie, do nhà Denoël xuất bản.
Năm 1920, hai con ngươi của bà đục lần lần, trông cái gì cũng mờ mờ như sau một lớp sương mù. Bác sĩ lo sẽ thành bệnh mù. Bà cương quyết chống với bệnh và dặn người nhà không cho ai biết, để báo chí khỏi loan tin.
Tới nhà thương bà mượn một tên giả là Carée và buộc bác sĩ phải gọi bà bằng tên đó. Đi đâu cũng phải có người dắt; vậy mà cũng không bỏ một buổi nào ở phòng thí nghiệm. Bà phải dùng kiếng hiển vi để nhìn và những cộng sự viên than tín phải viết chữ thật lờn để bà đọc. Các nhà giải phẩu mổ mắt bà bốn lần, đến năm 1930, bà qua được tai nạn.
Có lần bà đã thất vọng, muốn về quê nghỉ ngơi, làm vườn, nhưng không được; cả ngàn công việc ở Viện níu chặt bà lại, bắt bà phải làm việc tới khi chết. Những nhà hảo tâm ở Khắp nơi gởi tiền về biếu Viện như ông Rochefeller, ông Henri de Rostchild, hai anh em ông Lagard. Cảm động nhất là một người nào đó đã tặng Viện ba triệu bốn trăm ngàn quan mà tìm đủ cách để giấu tên. Rồi biết bao nhà bác học trẻ tuổi ở thế giới lien lạc với bà, nhờ bà chỉ bảo, dắt dẫn. Như vậy thì làm sao mà về vườn được, mặc dầu tuổi đã trên lục tuần. Biết rằng mình không còn sống bao lâu nữa, và lại còn lo cho tương lai của Viện, bà thường than thở: “Tôi chết đi không biết Viện sẽ ra sao;” Vì đã có ai thay thế bà được đâu; sự hiểu biết, kinh nghiệm của bà về tính phóng xạ đã tới mức mà còn phải lâu lắm mới có người theo kịp.
*
Cuối năm 1933, chiếu điện thấy có một cục sạn lớn ở trong trái mật, bà bắt buộc phải nghỉ ngơi ít lâu; dự định cất một biệt thự ở Sceaux để dưỡng lão. Nhưng chưa kịp thì bà đã ngọa bệnh, lên cơn sốt hoài. Mới đầu bà không chịu đi bác sĩ, bảo:“ Làm phiền các ông ấy quá, trả tiền thì các ông ấy không chịu nhận.” Sao mà bà lẩn thẩn đến bực đó! Và vẫn mỗi ngày hai buổi tới Viện Radium.
Sức đã quá suy bà phải nằm liệt giường. Các bác sĩ mò bệnh không ra: người cho bà bị bệnh cúm, người thì bảo là đau cuống phổi. Rọi kiếng hai lần, có kẻ ngờ là đau phổi: hồi xưa thân mẫu bà chẳng chết vì bệnh đó ư? Nóng lên tới bốn mươi độ. Hồng huyết cầu mất đi một cách rất mau. Vẫn không ai biết là bệnh gì. Trong cơn mê sảng, bà nhắc tới những tên Radium và Mésothorium.
Sau cùng khi bà mất rồi (tháng 7 năm 1934) các y sĩ mới đoán được bệnh: bà bị chất phóng xạ hại. Đúng như lời giáo sư Regaud, bà là nạn nhân của những chất mà chính ông bà đã tìm ra được.
Theo lời trối trăng của bà, đám tang rất đơn giản, như đám tang của ông. Bà yên nghỉ ở chung một huyệt với ông, và dưới hai hàng chữ:
Pierre Curie
1859 -1906
Người ta khắc thêm hai hàng này nữa :
Marie Curie – Sklodowska.
1867 - 1934
Chú thích :
1 - Tiền Nga
2 – Có 5 giải: Vật lý, Hóa học, Y học, Văn chương và Hòa bình