“Let men rejoice that so great a glory of the human race has appearred” “Loài người nên hoan hỉ rằng một vinh quang lớn lao bực ấy của nhân loại đã xuất hiện” (Hàng chữ khắc trên mộ của Newton tại điện Westminster).
“Tôi có cảm tưởng rằng tôi chỉ là một em bé chơi đùa trên bờ biển và thỉnh thoảng lượm được một hòn cuội nhẵn hơn hoặc một cái vỏ sò đẹp hơn những cái người ta thường tìm thấy, trong khi đó biển chân lý mênh mông trải ra trước mặt nó, vẫn hoàn toàn bí mật, chưa hề bị xâm phạm”
Newton
* *
*
Đọc hai câu tôi trích dẫn ở trên, độc giả thấy một sự tương phản rõ rệt. Không có một nhà bác học nào được thế giới ngưỡng mộ như Newton: danh ông chói lọi hơn Aristote thời thượng cổ, hơn Descartes ở thế kỷ XVII, hơn cả Einstein gần đây; vậy mà lời tự xét của ông nhũn nhặn đến thế! Ông tìm ra được một luật chi phối tính tú, mà ông chỉ tự cho mình là một em bé trước sự bí mật vô biên của vũ trụ. Không phải là ông giả nhũn đâu. Phải có một bộ óc sáng suốt như ông mới thấy rằng tất cả những cái hiểu biết của nhân loại so với những cái chưa hiểu biết, chỉ như một hòn cuội so với đại dương.
* *
*
Vị thiên tài đó sống một đời cô độc. Ông thọ 84 tuổi mà hình như chỉ có mỗi một lần, hồi 17, 18 tuổi, yêu một thiếu nữ rất đẹp, cô Storay, yêu mà không dám ngỏ lời, yêu một cách rất thuần khiết, lý tưởng, rồi thì thôi, suốt đời ở độc thân. Ông cô độc ngay từ hồi mới sanh. Phụ thân ông mất năm 37 tuổi, trước khi ông ra đời. Mẫu thân ông là một người nhà quê rất tầm thường. Xem kỹ gia phả bên nội bên ngoại ông, không thấy có một người nào thông minh xuất chúng cả. Ông hình như ở trên trời lạc xuống cõi trần, không được hưởng một chút di truyền gì của tổ tiên, và khi ông mất thì dòng dõi ông cũng tuyệt. Cả về phương diện tài năng, ông cũng cô độc nữa. Pierre Rousseau trong cuốn Histoire de la Science (Lịch sử khoa học) do nhà Arthème Fayard xuất bản năm 1949, gọi thế kỷ 18 là thế kỷ của Newton vì tài của ông vượt lên trên tất cả những nhà khoa học đương thời, bao trùm hết cả công việc của họ, mở những khu vực mênh mông cho người thời sau khám phá. “Ông như con đại bàng bay lượn lên cao, không có gì ở mặt đất mà không thấy”. Ông sinh thiếu tháng trong đêm Nô-en năm 1642, ở làng Woolsthorpe (Anh); nhỏ xíu, yếu ớt, có thể đặt nằm gọn trong cái bình một lít được. Cô mụ lắc đầu bảo: “Thằng nhỏ này khó nuôi”. Vậy mà ông vẫn sống, lại sống lâu nữa. Đặc biệt nhất là cái đầu của ông, nó nặng quá, cổ đỡ không nổi, người nhà phải làm một cái cổ giả bằng da cứng; đến khi lớn tuổi, đi học rồi, ông vẫn phải đeo cái cổ giả đó, và bạn bè chế giễu ông là thằng “đầu đá”. Mới đầu ông còn nhịn, sau chúng làm quá, ông nổi giận, sấn vào đánh tới tấp một đứa lớn hơn ông. Từ đó chúng kệch. Tưởng ông yếu ớt, ngờ đâu ông mạnh như vậy. Nhưng ông chưa tỏ ra vẻ gì thông minh cả, mới đầu học trường xóm, rồi lên trường lớn ở Grânthm. Tư chất đã tầm thường mà lại không ham học, nên thường đội sổ. Không có bạn thân, suốt ngày lầm lì, chỉ lúc nào hí hoáy làm đồ chơi là mặt tươi lên một chút. Thích tẩn mẩn làm những cái diều, những cái đèn bằng giấy, hoặc chế tạo những cái đồng hồ bằng nước, những cái xe con con để đẩy, những cái cối xay lúa cho chuột kéo, những cái nhật quỹ để đo bóng mặt trời mà tính giờ. Ai cũng bảo cái ngữ đó, sau có giỏi thì chỉ làm được thợ máy, đốc công là cùng. Không ngờ sau vụ hạ một đứa bạn đã chế giễu ông, lòng tự ái phát triển, ông gắng học để hơn chúng, tuy chẳng đứng đầu lớp, nhưng cũng vào hạng khá khá. Thấy vậy, mẫu thân ông cho tiếp tục học nữa và năm mười chín tuổi ông vô một trường có tiếng, trường Cambridge. Lúc đó ông đã có khiếu về toán, mấy năm trước cặm cụi tự học môn toán, rồi vô trường, lại may mắn gặp được một nhà toán học có danh là giáo sư Isaac Barrow. Thế kỷ 18 ở bên Anh, các trường Đại học không bắt buộc sinh viên phải theo một chương trình nhất định như ngày nay. Ai muốn học môn nào tùy ý. Và Newton chỉ thích môn hình học, đọc hết sách của Euclide và của Descastes. Ông Isaac Barrow, một người phiêu lưu khắp Pháp, Ý, có lần sống ở Constantinople, có lần lại đánh nhau với bọn hải tặc Alger, tác giả một cuốn về Quang học, tỏ vẻ mến Newton, khen là “Có khả năng xuất chúng và một cái tài đặc biệt”. Nhưng sinh viên “xuất chúng” đó vẫn chẳng hơn ai trong các kỳ thi: năm thi vô Cambridge, lấy 24 người thì ông đậu thứ 24, rồi năm thi ra để lấy bằng thạc sĩ, thì ông lại chiếm chỗ của Tôn Sơn một lần nữa: đậu thứ 11 trong số 11 thí sinh. Newton học ở Cambridge được một, hai năm thì trường đóng cửa vì Luân Đôn bị bệnh dịch hạch. Lần đó là một thiên tai ghê gớm nhất trong lịch sử châu Âu. Chỉ trong có ba tháng, thần chết đã hái hết một phần mười dân số Luân Đôn. Ai nấy xanh mặt, đóng cửa im ỉm, nhà nào có người chết thì quét vôi trắng ở cánh cửa, đêm đêm những xe ngựa lọc cọc nối hàng nhau chở quan tài và thây mà dưới ánh sáng yếu ớt của những ngọn đuốc. Các trường học đều bãi khóa. Dân chúng rủ nhau tản cư về miền quê. Mà bệnh dịch vẫn tiếp tục hoành hành, gần hai năm như vậy, mãi đến khi có người đốt một tiệm bánh mì, cho hỏa hoạn lan ra 400 ngõ hẻm ở châu thành, thì tai nạn mới diệt được. Tính ra trước sau có đến trên mười vạn người chết! Newton phải nghỉ học, về Woolsthrope để “trầm tư mặc tưởng” mười tám tháng trong trại ruộng của mẫu thân. Ông bỏ hết cả sách vở lại Luân Đôn, đi chơi khắp đồng quê, thấy cái gì cũng nhận xét, suy nghĩ. Chính trong thời gian đó ông đã đặt được cơ sở cho học thuyết của ông sau này: ông đã tìm ra được luật vũ trụ dẫn lực (gravitation universelle), đặt ra môn vi tích toán (cacul infinitésimal) và lập ra một thuyết mới về quang học. Lúc ấy ông mới hai mươi ba, hai mươi bốn tuổi. Ông chỉ mới tìm ra lý thuyết, chứ chưa chứng thực được. Vả lại tánh vốn nhút nhát, không ưa sự quảng cáo, tranh biện, chỉ sợ bị chỉ trích, lắm lúc ngờ vực mọi người, nên ông không khoe với ai cả. Khi bệnh dịch đã hết, Newton trở về Luân Đôn học tiếp, đem những thuyết của mình ra bàn với thầy là giáo sư Barrow. Barrow nhận thấy thiên tài của ông, lúc về hưu đề nghị cho ông lên thay, nhờ vậy mới hai mươi sáu tuổi Newton đã chiếm được một ghế giáo sư ở Giảng đường đại học Cambridge. Ông giữ ghế đó luôn ba mươi năm, không lập gia đình, về già ở với một người cháu gái, không giao thiệp với ai, suốt ngày tính toán, nghiên cứu. Công việc của ông rất nhàn: mỗi tuần chỉ dạy có một giờ. Mà ông dạy lại rất dở, chẳng đào tạo nổi một nhà bác học nào hết, giảng bài thì sinh viên không hiểu cho nên lớp học rất thưa thớt. Có lần ông tới Giảng đường, thấy vắng hoe, chẳng có ma nào tới nghe, ông khoan khoái, xoa tay bước về nhà, tiếp tục chế tạo một ống kính viễn vọng để ngắm trăng, sao. Hồi ba chục tuổi tóc đã bạc nhiều, nhưng cặp mắt rất sáng, vẻ mặt thanh tú, rất ít ốm đau. Trực giác của ông rất cao, không cần phân tích dài dòng mà có thể đi sâu ngay vào vấn đề, bao quát mọi phương diện. Kinh khủng nhất là khả năng tập trung tư tưởng của ông. Ông có thể suy nghĩ liên tục suốt ngày về những vấn đề cực kỳ phức tạp, rồi một khi ý gì xuất hiện ông chạy ngay lại bàn viết, cứ đứng mà viết hàng giờ, không cần ngồi. Ông thường quên thì giờ, quên ăn, quên ngủ. Rất ít khi đi ngủ trước hai giờ khuya. Pierre Rousseau bảo lúc làm việc thì những nhu cầu thể chất của ông biến hết: cái con người ông không cần nữa. Người ta kể chuyện có lần ông đãng trí mời bạn đến dùng cơm tối mà rồi ông mải làm việc, quên bẵng đi. Người bạn tới, đợi hoài không thấy chủ nhà đâu cả, chỉ thấy một con gà luộc còn nóng đặt trên bàn, dưới một cái chuông úp, cắt gà ra ăn một mình, để phần một nửa cho Newton. Mấy giờ sau, Newton mới ở trong phòng viết bước ra, chẳng chào hỏi gì bạn, chỉ kêu đói quá, mở cái chuông lên, ngạc nhiên, thốt: “Ủa, tôi cứ tưởng là tôi chưa ăn, không ngờ đã ăn hết nửa con gà rồi!” Câu chuyện đó có thể chỉ là một giai thoại bịa đặt. Điều chắc chắn là chính Newton cũng nhận rằng một khi đã nghĩ về một vấn đề nào thì cứ phải nghĩ hoài cho tới khi giải quyết xong mới thôi. Ông bảo: “Óc tôi không có gì là minh mẫn đặc biệt…mà chỉ có một khả năng suy nghĩ khá mạnh… Sở dĩ tôi phát minh được ít nhiều là nhờ tôi chịu nghĩ hoài về một vấn đề, để cho những tia sáng hiện ra lần lần đến khi thành một ánh sáng rực rỡ mới thôi”. Đọc đoạn dưới về sự tìm tòi ra luật vũ trụ dẫn lực, độc giả sẽ thấy lời đó là đúng.
* * *
Năm 1672, ông chế tạo được một kiểu kính viễn vọng có gương. Tuy hình còn thô sơ nhưng quy tắc đã gần hoàn hảo, và những kiếng viễn vọng tối tân nhất hiện nay cũng vẫn còn áp dụng kiểu của ông. Hội Phát triển Khoa học Vạn vật ở Luân Đôn đặt ông chế tạo một cái cho hội, rồi lại bầu ông làm hội viên, yêu cầu ông tuyên bố những thí nghiệm của ông về quang học cho hội hay. Từ trước người đã biết rằng ánh sáng mặt trời chiếu qua một tam lăng kính (prisme) thì thành bảy thứ ánh sáng, mỗi thứ một màu, những màu mà ta thấy trên cầu vồng. Newton suy nghĩ về hiện trạng đó rồi tính toán, lập ra một thuyết rằng ánh sáng phát ra nhờ những phần tử rất nhỏ. Thuyết đó, người đồng thời ông không ai bác được, nhưng hội Vạn vật học ở Luân Đôn cũng cứ la ó rầm lên vì nó khác hẳn những thuyết cũ của Euclide, Archimède, Descartes. Cũng ở thế kỷ XVIII, Huyghens đặt ra một thuyết khác: ánh sáng truyền đi xa được là nhờ những luồng sóng (quang ba); về sau Fresnel, Maxwell lại lập ra những thuyết khác và hiện nay nhiều nhà bác học vẫn đương nghiên cứu, chưa ai dám quả quyết là nắm chắc được chân lý. Vậy mà các bạn của ông trong hội Vạn vật học chế giễu ông, mỉa mai ông, làm cho ông chua chát, than thở: - Tôi thấy rằng có ý gì mới thì đừng nên đưa nó ra, hoặc nếu đưa ra thì phải làm mọi cho những ý mới của mình mà chống đỡ nó cho tới cùng. Từ đó ông lại càng chán ghét, không muốn tuyên bố gì cả. Nhưng ông vẫn tiếp tục nghiên cứu.
* * *
Ông muốn yên ổn sống, song không được. Năm 1684 Leibniz phát minh được một môn toán, môn vi tích. Chúng tôi không muốn giảng, dù là giảng rất sơ sài về môn này, sợ chỉ làm cho một số đông độc giả thêm ngán. Chúng tôi chỉ thưa rằng nó là một môn hơi cao, dạy cách tính những vật nhỏ li ti, không có trong chương trình trung học, nhưng rất cần thiết cho khoa học, không hiểu nó thì không thành một kỹ sư giỏi được. Đồ đệ của Leibniz, đem truyền bá môn đó ở các nước châu Âu và xuất bản một cuốn nhan đề là Analyse des infiniment petits (Phân tích những cái vô cùng nhỏ). Năm 1693, Newton hay tin đó, rất bực mình vì chính môn toán đó ông đã phát minh từ hồi ngoài 20 tuổi, non ba chục năm trước rồi, bây giờ có kẻ ra sau ông tranh mất danh của ông. Đến khi môn toán của Leibniz đem dạy ở ngay Luân Đôn thì cuộc xung đột bùng nổ. Người Anh bảo rằng Newton đã phát minh và Leibniz đã “đạo toán” của ông. Leibniz cãi lại rằng nếu Newton phát minh trước, sao không tuyên bố, không in sách? Lời qua tiếng lại luôn mấy năm. Ông Robert Strother, trong bài Sir Isaac Newton à la découverte de l’Univers (tạp chí Sélection du Reader’s Digest số tháng 10 năm 1955) bảo rằng một đồ đệ của Leibniz, tên là Jean Bernouilli - nhà toán học Thụy Sĩ - tìm ra một cách để giải quyết vụ tranh chấp giữa Anh và Đức đó: ông ra hai đầu bài toán cho Newton và Leibniz giải xem ai hơn ai kém. Kỳ hạn là một năm. Leibniz giải được một bài, đương giải bài kia, thì hết hạn. Còn Newton giải xong cả hai bài trong hai mươi bốn giờ, rồi gởi cho Hội nghiên cứu Vạn vật học ở Luân Đôn để đem in mà ký tên là vô danh. Bernouilli đọc bài giải của Newton, chua chát nhận rằng: “Chỉ trông thấy bàn cẳng đã biết ngay là loài sư tử rồi”. Giai thoại đó không thấy chép trong sách khác, nên tôi ngờ là truyện bịa. Bây giờ đây các nhà bác học có đủ tài liệu để xử vụ đó, đều nhận rằng không có ai “đạo” của ai hết. Mỗi người ở một nơi, và cùng đi đến mục đích, do những con đường hơi khác nhau. Con đường của Newton không tiện lợi bằng mà Leibniz có công đăng kết quả trên báo, đào tạo đồ đệ, còn Newton cứ khép cửa tháp ngà, nên cái danh đó phải trả lại cho Leibniz, và hiện nay các nhà toán học đều theo phương pháp của Leibniz.
* * *
Mà có trả cho Leibniz thì cũng chẳng thiệt gì cho Newton cả vì chỉ một sự phát minh ra luật vũ trụ dẫn lực cũng đủ cho thế giới đặt ông ngang hàng với các bậc thánh. Chắc nhiều vị độc giả đã được nghe truyện trái bơm (táo tây) của Newton. Tôi còn nhớ các nhà cách mạng của ta hồi ba, bốn chục năm trước thường dùng chuyện đó để cảnh tỉnh đồng bào, và có một lần tôi đã mắc cỡ đến đỏ mặt vì nó. Hồi ấy, tôi mới đậu bằng cấp tiểu học, mà ở một làng hẻo lánh tại Sơn Tây vào năm 1926 thì đậu bằng tiểu học đã là có hạng lắm rồi. Người làng gọi tôi là “cậu giáo” mặc dầu tôi vẫn còn đi học. Một hôm, trong một đám giỗ, đông đủ họ hàng và hương chức trong làng, bác tôi hỏi tôi có biết truyện quả táo tây của Ngưu Đốn không. Tôi bí, mà lại nói toạc cái dốt của mình ra: - Thưa bác, con không biết Ngưu Đốn là ai. Bác tôi mỉm cười: - Giáo gì mà ngu thế? Không biết Ngưu Đốn là ai? Một nhà bác học danh tiếng bậc nhất châu Âu mà mày không biết? Tao chẳng học tiếng Tây tiếng u gì mà tao cũng biết. Để tao kể cho mày nghe chuyện quả táo của Ngưu Đốn. Nghe xong, tôi phục bác tôi lắm, nhưng quả thực là xấu hổ với họ hàng, làng mạc. Sau này lớn lên, đọc bộ Ẩm băng thất của Lương Khải Siêu tôi mới biết rằng bác tôi hiểu được ít nhiều về văn minh phương Tây đều là nhờ nhà cách mạng họ Lương của Trung Hoa. Họ Lương đem truyện trái táo của Newton để mắng dân Trung Hoa là có mắt mà như đui, nghĩ là chỉ biết nhìn những cái phù phiếm, những mũ cánh chuồn, những cân đai võng lọng, chứ không biết nhìn như Newton nhìn trái táo, nên chẳng phát minh ra được cái gì cả, đến nỗi cái thứ thuốc mà tổ tiên họ tìm ra từ hồi xửa hồi xưa, chỉ để làm pháo đốt chơi cho phí tiền thì người Âu biết cái thiện, chế ra đạn đại bác để đánh bại họ trong trận Nha phiến. Tôi sợ bác tôi và nhà cách mạng họ Lương quá. Độc giả thử nghĩ coi: mắt mình đương to như vậy, các cụ mắng rằng mình đui, mà mình không cãi vào đâu được, thì làm sao mà chẳng bái phục kia chứ! Về câu chuyện trái bơm đó có nhiều thuyết lắm. Nhiều sách chép rằng một người cháu gái của Newton, bà Conduitt, kể cho Voltaire trong một buổi chiều nọ - có sách bảo là một đêm trăng, - rằng trong lúc trốn bệnh dịch hạch, tản cư về quê nhà, Newton thấy một trái bơm từ trên cây rụng xuống. Ông bèn tự hỏi. - Tại sao trái bơm thì rụng mà mặt trăng lại không rớt nhỉ? Rồi ông suy nghĩ, tìm ngay ra được luật vũ trụ dẫn lực, mà người ta còn gọi là luật Newton. Hình như về già, ông có kể chuyện đó lại cho một bạn thân là ông William Stukely, bảo rằng trái bơm đó làm cho ông ngờ rằng trái đất có một sức hút nó; mà trái bơm cũng có một sức hút trái đất, nhưng trái đất lớn hơn nhiều, nên sức hút nó thắng sức hút của trái bơm và trái bơm rớt xuống đất đúng theo cái hướng về trung tâm trái đất. Nhưng có nhiều người cho truyện đó là hoang đường, người ta bịa ra, gán cho nhà thiên văn học Képler, rồi lại gán cho Newton. Nhà toán học Đức Gauss(1778 - 1855) nghe được đã nổi giận, bảo: “Đồ điên! Sự thực là như vầy: có kẻ muốn bợ Newton hỏi ông làm sao đã tìm ra được luật vũ trụ dẫn lực, Newton thấy óc hắn còn non nớt, không sao hiểu nổi, muốn đuổi hắn đi cho khỏi mất thì giờ, nên đáp: “Nhân một trái bơm rớt đúng vào mũi tôi, mà tôi tìm ra được luật ấy””. Không biết thuyết nào đúng, nhưng điều chắc chắn là Newton tuy không được hưởng một chút di truyền gì của tổ tiên, như tôi đã nói ở trên, ít nhất cũng đã chịu ảnh hưởng những tư tưởng của nhà bác học tiền bối. Trước ông, Copernic và Képler đã ngờ rằng tinh tú có sức hấp dẫn nhau; rồi người Ý Borelli, người Pháp Bouilliaud, các người Anh Wren, Halley và Hocke đã đoán rằng sức hấp dẫn đó thay đổi tùy theo các tinh tú cách nhau xa hay gần, hễ khoảng cách tăng lên gấp đôi thì sức hấp dẫn nhỏ đi, còn có một phần chín. Nhưng họ chỉ đoán lờ mờ như vậy thôi, chứ không chứng thực nổi. Đọc lịch sử khoa học, ta thấy rằng một thiên tài dù là “trên trời rớt xuống” như Newton, nếu không sinh đúng cái thời thuận tiện, có người trước mở đường, được người đồng thời có một trình độ đủ hiểu mình, lại có đủ phương tiện để làm việc, thí nghiệm thì không thể nào phát minh được một thuyết mới. Có khi gặp thời đã chín mùi, một ý mới nào đó xuất hiện ở nhiều nơi một lúc - người Pháp bảo là ý đó “bàng bạc” trong không trung - và hai nhà bác học ở xa nhau, không liên lạc gì với nhau, cùng nghiên cứu một vấn đề, cùng tìm ra được một kết quả, tức như trường hợp lập ra môn vi tích toán của Newton và Leibniz. Vậy ở thế kỷ XVIII, luật vũ trụ dẫn lực đã có nhiều nhà mờ mờ thấy rồi và Newton có tài hơn hết thẩy nên đã tìm ra được rồi chứng thực được. Nếu câu chuyện trái bơm có thiệt thì chắc ông đã suy nghĩ như vầy: “Trái bơm ở trên cây rớt xuống; nhưng nếu cây đó cao hơn trăm, ngàn lần nữa thì trái có rớt không? Sức bí mật nó hút mọi vật về trái đất đó, có ảnh hưởng gì tới những vật cách trái đất cả trăm ngàn cây số không? Chẳng hạn, mặt trăng cách trái đất 384.000 cây số, có bị trái đất hút không? Chắc là có. Nhưng như vậy tại sao mặt trăng không rớt mà cứ chạy vòng vòng trên không trung? Vậy thì có một sức gì khác nữa ảnh hưởng đến mặt trăng?...” Rồi ông giả thiết một luật: tất cả các vật trong vũ trụ đều hút lẫn nhau, vật càng lớn thì hút càng mạnh, lớn gấp hai, gấp ba thì sức hút mạnh gấp hai gấp ba; vật càng xa thì hút càng yếu, nếu xa gấp hai thì sức hút chỉ còn một phần tư, xa gấp ba thì sức hút chỉ còn một phần chín; nói theo nhà toán học thì sức hút thay đổi tỉ lệ thuận với trọng khối, và theo tỉ lệ nghịch với bình phương khoảng cách nhau của các vật. Muốn thử xem luật đó đúng không, ông tính sức hút lẫn nhau của mặt trăng và trái đất. Nhờ những người trước đã tính sẵn, ông biết khoảng cách của mặt trăng với trái đất: nó bằng sáu chục lần bán kính trái đất. Ông lại biết được bán kính mặt trăng, do đó biết được trọng khối của nó; nhưng còn bán kính trái đất thì chưa biết chắc. Snellius năm 1617 và Norwood năm 1633 đã đo bán kính đó, kết quả khác nhau khá nhiều mà đem dùng để thử luật của ông thì sai bét. Ông bỏ, không nghiên cứu vấn đề đó nữa, quay về môn quang học. Nhưng ông vẫn không thể không nghĩ hoài đến nó được. Ông đợi đến năm 1682. Trong một phiên họp của hội Vạn vật học Luân Đôn, một ông bạn cho hay người Pháp Picard đã đo được trái đất một cách rất đúng, đúng hơn người trước nhiều. Ông hỏi ngay: Picard cho bán kính trái đất là bao nhiêu toise (thước hồi xưa, bằng 1,949 mét). Đáp: 3.269.000 toise. Ông vội vàng ghi con số đó, về nhà thử lại bài toán về luật vũ trụ dẫn lực. Làm gần xong, thấy luật đúng quá, ông mừng rỡ, cảm động đến nổi không đủ bình tĩnh để làm nốt, phải nhờ bạn làm tiếp. Ít bữa sau ông thử đi thử lại. Thế là tháng sáu năm 1682, một phát minh lớn lao nhất của nhân loại đã xuất hiện. Nhưng ông vẫn chưa vội tuyên bố, bỏ ra bốn năm nữa, tính toán suốt ngày, áp dụng luật đó vào các hành tinh khác, cũng lại đúng nữa, áp dụng vào hiện tượng thủy triều, cũng vẫn đúng. Lúc đó (1686) ông mới nghĩ tới việc tuyên bố kết quả. Một người bạn sẵn sàng bỏ tiền ra in cho ông, nhan đề là Quy tắc (Principles). Sách cao quá, cả châu Âu thời đó chỉ có độ ba, bốn người đọc mà hiểu rành được. Năm đó ông 44 tuổi, tính ra đã suy nghĩ về vấn đề đó non 20 năm. Vậy chẳng những ông được hưởng cái công của người trước mà còn được hưởng công của một người Pháp đồng thời với ông nữa. Khoa học quả thực là chung của nhân loại chứ chẳng phải của riêng nước nào. Đúng một trăm sáu mươi năm sau khi tập Quy tắc ra đời, người ta mới thấy luật vũ trụ dẫn lực của Newton hiệu nghiệm ra sao. Một nhà thiên văn Pháp, tên là Le Verrier, không dùng kính viễn vọng để ngắm trời, chỉ cặm cụi tính trong phòng giấy, luôn trong mười một tháng, áp dụng luật Newton, bôi đầy 10.000 trang toán - kinh hồn chưa! - rồi tuyên bố với thế giới rằng, ở nơi đó trên trời phải có một hành tinh nhỏ mà mắt trần không thấy. Các nhà thiên văn nhao nhao lên, đồn tin đó như ngày nay chúng ta đồn tin hỏa tiễn lên cung trăng vậy. Galle, nhà bác học Đức, hay tin ngày 26 tháng 9 năm 1846, vội vàng ngay đêm ấy, chĩa kính viễn vọng về điểm mà Le Verrier đã chỉ, quả nhiên thấy một hành tinh, mà người ta đặt tên là Neptune. Bộ óc của loài người nhỏ chỉ bằng nắm tay mà vĩ đại thật! Tập Quy tắc tuy chỉ có ba bốn người hiểu, nhưng đã làm cho mọi người thán phục. Sau này Laplace bảo: “Cuốn sách đó sẽ còn là một công trình bất hủ, thâm thúy của một thiên tài đã phát lộ cho ta cái luật lớn lao nhất của vũ trụ.” Còn Lagrange thì có vẻ như ghen tuông, thở dài: “Newton đã sung sướng quá, có một vũ trụ để mà giảng! Khổ thay! Không còn một vũ trụ thứ nhì nữa!” Ý ông muốn nói: “Không có một vũ trụ thứ nhì để ông khám phá, tìm ra luật nữa như luật của Newton”. Voltaire thì hồn thơ lai láng. hỏi rằng những thánh thần ở trên cao kia, có ghen với Newton vĩ đại không? Confidents du très Haut, substances éternelles, Parlez: du grand Newton, n’étiez vous pas jaloux?
* * *
Danh ông vang lừng. Năm 1688, viện Đại học Cambridge bầu ông vào Quốc hội đại diện cho viện. Nhưng nhà bác học thiên tài của chúng ta là một nghị sĩ rất tồi, hạng nghị câm. Suốt hai năm ở Quốc hội ông chỉ mở miệng có mỗi một lần, không phải để phát biểu ý kiến gì cả mà chỉ để bảo kẻ môn lại đóng giùm cho ông cái cửa sổ. Năm 1693, ông được bổ nhiệm chức Giám đốc ngân khố, lương rất cao, 30.000 quan mỗi năm. Ông không có tài gì về hành chánh nhưng làm việc rất cần mẫn, bảo: “Tôi không muốn cho người ta ngờ rằng tôi đem thì giờ làm việc công để làm việc tư”. Lạ lùng hơn nữa là ông rất lý tài, khéo làm ăn, dành dụm, mặc dầu chẳng có con cái gì cả mà chết đi cũng để lại được một gia tài rất lớn: ba mươi hai ngàn bảng Anh. Người ta chê ông hơi ích kỷ, không có bạn thân, và không có lòng thương người - hình như khi bộ óc phát triển quá thì con tim cũng chịu ảnh hưởng mà teo lại - có kẻ lại xấu miệng bảo ông là hà tiện, suốt đời không hút một điếu thuốc, nhưng ông đáp rằng dại gì mà tạo thêm một nhu cầu mới. Năm 1705, Hoàng hậu Anh làm lễ phong hầu cho ông. Ông là nhà bác học đầu tiên của Anh được vinh dự đó. Hàn lâm viện Ba-lê tặng ông một ghế trong số tám ghế dành cho người ngoại quốc. Nhưng có lẽ vì bao nhiêu tinh anh đã phát tiết hết, nên từ hồi 48 tuổi ông không nghiên cứu gì được nữa. Có lần chỉ trông thấy một ngọn cỏ dại trong vườn ông cũng nổi cơn điên lên. Nhiều khi ông lảo đảo quay tròn, tỉnh rồi, chép trong nhật ký: “Tôi đâm ra oán ghét khoa học”. Ông nghỉ ngơi ba năm, đến năm 1695, hết bệnh điên, nhưng không làm việc tinh thần nặng nhọc nữa. Ông thọ 84 tuổi, trong hai chục năm cuối, bị chứng bệnh có sạn trong mật. Khi nổi cơn lên, ông đau dữ, toát mồ hôi, nhưng can đảm chịu, không rên, không kêu; và cơn qua rồi thì ông lại vui vẻ như thường. Ông mất ngày 20-3-1726. Triều đình Anh làm lễ quốc táng, đặt ông nằm chung với các vua chúa Anh ở điện Westminster. Đó không phải là một vinh dự cho ông mà cho Hoàng gia Anh. Trên mộ có khắc hàng chữ tôi đã dẫn ở đầu bài này: “Loài người nên hoan hỉ rằng một vinh quang lớn lao bực ấy của nhân loại đã xuất hiện”.
* * *
Trong số người đi sau linh cữu, ngoài bậc vương, hầu, các nhà khoa học, các danh nhân Anh, còn có một văn sĩ Pháp: Voltaire. Vì bạt tai quận công De Rohan, ông phải đày qua Anh. Thấy đám tang cực kỳ long trọng, ông ngạc nhiên tự hỏi: “Newton có công lao gì mà được cái vinh dự đó”. Về nhà ông tra cứu, tìm hiểu sự nghiệp của Newton, viết tập Những bức thư ở Anh (Lettres anglaises, cũng có tên là Lettres philosophiques) đả đảo chánh quyền Pháp, coi vua Pháp ngang hàng với mình, và hô hào đồng bào đừng tiin phương pháp lý luận của Descartes mà nên theo phương pháp thực nghiệm của Bacon và Newton. Năm 1734 trở về cố hương, ông xuất bản ngay tập đó, gây một cơn dông dữ dội. Triều đình Pháp tịch thu sách đem đốt, ông phải trốn ở Lorraine với “người đẹp” là bà Du Châtclet. Hình như bà cũng chẳng đẹp gì lắm, đã hai mươi chín cái xuân xanh, có chồng, mặt thon, răng hư mà ngực lép. Nhưng bà thông minh, thích khoa học, nhất là môn vật lý và thiên văn. Ở Lorraine bà thì dịch tập Quy tắc của Newton còn ông thì soạn một cuốn nhan đề là Toát yếu triết học Newton (Eléments de la philosophie de Newton). Nhờ vậy mà những phát minh của Newton được truyền bá rất mau ở Pháp. Thực là không ngờ một cái bạt tai lại có ảnh hưởng lớn bậc ấy đến khoa học.