Tôi không thích dấn thân nữa . Mà chỉ khoái viễn mơ. Khi yêu, người ta chẳng muốn làm việc gì ngoài công việc nghĩ tới tình yêu. Tôi chán ngồi dưới mái nhà lợp bằng Fibro ciment, thấp lè tè ở Phủ Đặc Ủy Di Cư ghi những tên Nguyễn thị Mít, Lê văn Ổi vào phiếu lý lịch . Chán quá rồi. Tôi không thiết cái khoản lương chấm công năm chục bạc mỗi ngày, trừ chủ nhật. Câu hát vọng cổ diển tả tâm sự nát bời của Trương Quân Thụy bên mồ Thôi Oanh Oanh mà ông bố giang hồ của tôi thường tay đàn , miệng ca vào những buổi chiều tương tư Nam Kỳ như vầy : Ôi, hạnh phúc con người ta đâu phải ngựa xe áo mão mà chỉ tìm thấy trong cặp mắt giai nhân .Tôi cho là đúng. Tôi vốn chiêm ngưỡng sự nghiệp cách mạng toàn diện của Nguyễn Huệ , đọc Tiêu Sơn Tráng Sĩ tôi thù ghét anh sư giả hình Phạm Thái thậm tệ. Anh này phản cách mạng dân tộc , đồ hủ nho. Nhưng tôi rất bằng lòng khi Phạm Thái thất tình. Anh ta bỏ giấc mộng phò Lê Chiêu Thống, bỏ đảng Tiêu Sơn, bỏ lớp áo sư giả hình, ngồi câu cá bên bờ sông với hồ rượu đầy , say say tỉnh tỉnh , bắt chước người si tình thời Tam Quốc, nốc rượu suy tôn tình yêu :
Chí lớn trong thiên hạ không đầy mắt mỹ nhân.
Người đời xưa bỏ rơi chí lớn để đi mê gái . Người đời sau há không biết bỏ đồng lương chấm công ?
Và tôi nằm ì trên ghế bố ở Nhà Hát Tây, nằm ì trong vùng mộng tưởng của tôi. Chỉ vì yêu em Ngọc . Khi yêu, người ta lười biếng và không sợ đói rách. Hai chúng ta nhìn nhau suốt ngày. Xa nhau một phút tưởng chừng thương nhớ một giờ. Em là tháng giêng của xuân hồng đời anh .
Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần.
Xuân Diệp bảo thế . Tôi sung sướng như vội vàng một nữa . Vội vàng thế nào, chắc chả thể giống vội vàng trong ca dao,
" Đi đâu mà vội mà vàng, mà vấp phải đá mà quàng phải dây.
Thủng thỉnh như chúng anh đây . Chẳng đá nào vấp, chẳng dây nào quàng trong tục ngữ " nhanh nhảu đoảng , thực thà hư Tôi nghĩ mình không nên vội vàng . Vì mình đã được yêu. Mình đã gặm cỏ non tháng giêng mình cứ nhẩn nha nhai lại như con trâu, con bò.
Chị Phượng bảo tôi cần tập nói chuyện với người yêu. Tôi thèm nói chuyện với Ngọc lắm chưa. Nhưng ông cụ thân sinh ra nàng là thầy giáo già, hiệu trưởng một trường tiểu học công lập ở Hải Phòng. Nội cặp kính trắng của ông, tôi phát ớn .Ông cụ, chắc chắn , không có tâm hồn nghệ sĩ. Và Ngọc sợ bố vô cùng. Tôi đã thấy cụ cốc đầu người yêu của tôi lia lịa. Nàng nhăn nhó . Khiến tôi đau nhói. Những cái cốc ( miền Nam gọi là kí ) méo mó nghề nghiệp của ông cụ, nhất định, đã làm phơi xác vài con chấy, nếu mái tóc người yêu của tôi nhiều chấy. Cái giậu mồng tơi của thi sĩ Nguyễn Bính chính là ông cụ giáo già . Ôi , nàng yêu tôi, nàng bị khép trong vòng lễ giáo ! Trương Quỳnh Như không thể lấy anh sư giả, sư "" phiến loạn Phạm Thái . Mỵ Nương không thể lấy anh Trương Chi răng vồ, mắt toét. Dễ gì Ngọc lấy được Long, nhà văn nghệ dấn thân ... chấm công năm chục bạc mỗi ngày.
Tôi bỗng tự ti mặc cảm. Tôi mắc bệnh mới lớn rồi. Mười chín tuổi của mười bẩy năm trước là tuổi vừa lớn đó . Nhiều người đã lớn , lúc bấy giờ , thèm cái tuổi vừa lớn của tôi ghê lắm. Chả thế mà cụ Quang, người hướng dẫn văn nghệ dấn thân ... chấm công cho tôi đã chấm công đều đều dù tôi không chịu dấn thân dưới mái nhà lợp fibro ciment mà chỉ viễn mơ trên ghế bố. Cụ Quang cũng là công dân Nhà Hát Tây. . Cụ biết tôi " có gì với Ngọc, cụ âu yếm bảo tôi : " Cháu cứ ở nhà tán gái, bác vẫn chấm công giùm cháu, ký tên thay cháu Một đôi lần, anh Tiên, anh Xuân gặp tôi lẽo đẽo theosau chị em Phượng, hai anh đã cười :
- Trông hai đứa mày như đôi nhân tình chim di ấy. Loắt choắt và thẹn thùng ...
Đi với nhau chỉ để nhìn nhau. Không nói. Không biết nói gì . Cho nên , ông cụ giáo già là cái cớ cho tôi ... sợ hãi nói với người yêu dấu. Chẳng phải Ngọc là bông hồng tình đầu của đời tôi . Nếu bông hồng tình đầu là người con gái thứ nhất ta đã gặp , ta xao xuyến, ta thương nhớ, ta buồn phiền thì tôi đã buồn phiền, thương nhớ , xao xuyến nhiều lần trước khi gặp Ngọc . Lần nào gặp một người con gái làm tôi xao xuyến tôi cũng thẹn thùng , xấu hổ. Bây giờ, già rồi, gần bốn mươi tuổi rồi, có vợ từ mười năm nay , con trai đầu lòng đã học lớp nhì mà cầm tay vợ rước đèn trên hè phố , tôi vẫn thẹn thùng, xấu hỗ. Đôi bận , cãi nhau với vợ, muốn giản hòa bằng câu xin lổi ngắn ngủi , tôi cũng cứ ấp úng , ngẩn ngơ . Tôi không hiểu nổi tôi. Có nghĩa là tôi không hiểu nỗi tình yêu.
Em nên hiểu như thế. Rằng , nếu anh xin lỗi em dễ dàng như cãi nhau với em, nếu anh vồ vập bày tỏ lòng thương nhớ em những thuở chúng mình xa cách hàng tháng, hàng tuần thì anh đã mất hết sao xuyến, nhớ thương, buồn phiền với em và anh đâu còn yêu em như dạo xoay tiền mua vé xe đò về Long Xuyên thăm em một lát rồi lại ngược Sàigòn để thương nhớ em nhiều hơn và muốn có nhiều tiền mua vé xe đò.
Tôi nhắc lại: Ngọc không phải là người con gái đầu tiên làm tôi xao xuyến . Nhưng chuyện tình giữa tôi và Ngọc vẫn đẹp, vẫn thơ, vẫn là ... " bông hồng cho tình đầu "" . Khi nào trong đời mình biết yêu ấy là lúc mình đã định cư ở trong trái tim một người con gái . Và người con gái ấy bắt buộc phải là vợ mình . Trước đó , mình chỉ yêu. Yêu , yêu, yêu . Thế thôi. Yêu và biết yêu khác nhau vời vợi . Biết yêu là biết khóc , biết khổ . Vũ Hoàng Chương đó, mới yêu , tâm hồn phơi phới , hồn nhiên. Nghe chàng kể Màu say, màu của cậu học trò vừa yêu :
Mợ bảo :" Cuối thu lạnh đấy ,
Hàng len về đã nhiều rồi;
Con liệu đi cùng anh ấy,
Xem màu cắt áo đi thôi
Em nhìn anh, cười bỉu môi.
Giống hệt ba năm về trước
Ngắm gương rẽ thử đường ngôi
Chỉ sợ anh nhìn thấy được ...
Anh bước chiều nay sánh bước,
Hàng Ngang, Hàng Trống, Hàng Khay !
Cả một trời anh anh mơ ước ,
Ở trong tà áo em bay.
Anh và em cùng nắm tay.
Hà Nội lên đèn sáng rực.
Má hồng như có men say,
Ủ một mùa hoa thơm phức.
Mỗi bước em càng nao nức
Nhủ anh : " Màu đỏ rượu vang
Là màu em mê hết sức
Anh cười : "" Chính đó thời trang
Đủ màu len đẹp huy hoàng
Nhưng hết màu em khao khát...
Anh khuyên : " Hàng mới sắp sang;
Chớ gượng vơ màu Rượu chát
Đã chọn, lòng say chẳng nhạt,
Em cùng một ý với anh.
Và chỉ buồn trong giây lát ,
Tuần sau giấc mộng sẽ thành .
Ôi tuần sau! Đã mong manh,
Ủ một chiều say nữa đó !
Gần nhau say mộng say tình,
Chẳng cứ Rượu vang màu đỏ.
Rồi cậu học trò Vũ Hoàng Chương biết yêu. Trời yêu đương Hà Nội mất hẳn hai người
Đi chung một quãng chiều tan học ,
Chẳng nói yêu mà yêu thiết tha.
Cậu trai vừa lớn Vũ Hoàng Chương biết yêu và đã biết khổ. Cậu Gọi lòng kiêu ầm ỹ :
Tự nhủ sống là quên, anh vẫn muốn
Đem tháng ngày khâu kín vết chia ly
Nhưng mỗi phút thời gian đưa thép nhọn
Máu thầm rơi mỗi phút đáy tim si
Anh cũng muốn thiêu hồn trong lửa đỏ
Lượm tàn tro vang bóng gửi xa đem
Nhưng mỗi lúc buông tay liều mặc gió
Anh nhớ ngày thơ mộng sống bên em
Anh lại muốn đắm trong đời trác táng
Giữa mê ly đầy xác thịt kiêu sa
Nhưng mỗi lúc đêm tan trời hửng sáng
Anh khóc mùa trinh bạch sớm tiêu ma
Nếu anh đến xin em lời hắt hủi
Để chiều nay khi gió gọi trăng lên
Anh sẽ với rừng khuya sang nổi tủi
Gọi lòng kiêu mau tới giúp anh quên.
Quả thực, tôi chưa biết yêu. Dĩ nhiên, tôi chưa biết yêu hồi tôi quen Ngọc. Và đó, mối tình của hai người yêu nhau mà chưa biết yêu gọi là bông hồng của tình đầu. Tôi hơi lẩm cẩm . Nhưng ai yêu cũng lẩm cẩm , cũng suy nghĩ vẩn vơ. Tôi đã suy nghĩ về thân phận tôi. Suy nghĩ về ông giáo già đeo kính trắng khuôn mặt luôn luôn nhăn nhó . Ông giáo già , thân phụ của Ngọc, chắc chắn , không
thể ... yêu nổi tôi. Nếu ông biết Mỵ Nương, ái nữ của ông, yêu nhà văn nghệ dấn thân chấm công năm chục bạc một ngày, ông sẽ điên lên, sẽ gọi phú lít tới bắt Trương Chi bỏ bót. Thế là Trương Chi đâm ra tự ti mặc cảm. Trương Chi làm sao gọi được lòng kiêu ?Trương Chi thật sự buồn . Chàng viễn mơ trên ghế bố. Chàng lôi thơ Nguyễn Bính, gửi chút tâm sự còm:
Buồn đến lòng tôi rồi hạ trại
Đốt đường sạn đạo ở luôn đây
Ở luôn đây, ở lòng tôi, ở trên cái ghế bố, ở gác ba Nhà hát Tây. Làm sao tôi nói được với Ngọc là tôi buồn? Làm sao tôi nói được với Ngọc là tôi chẳng biết tương lai tôi mịt mù hay tươi sáng ? Vậy thì tôi chỉ nhìn nàng bằng đôi mắt khốn khổ . Tưởng tượng hôm nào đó , ông giáo già dẫn về những cậu trai học giỏi, con nhà giàu, tôi cảm khái ngâm khẽ :
Nàng thì kẽ đón người đưa
Tôi chờ gì nữa mà chưa giang hồ
Tôi rất muốn giang hồ Hớn Quản. Đời tôi, làm cu ly đồn điền cao su mới hợp. Anh Trương Chi ngày xưa thật ngu dại. Nếu anh từ chối gặp Mỵ Nương có phải anh đỡ buồn , đỡ cái cảnh ngồi đây ta gõ ván thuyền , ta ca trái đất còn riêng ta. Trương Chi ngày nay cũng ngu dại . Nếu đưa bài thơ Thôi nàng ở lại , anh phú lỉnh gấp, đừng lưu tâm cái va ly quần áo cũmèm, anh đỡ tủi thân phận con dế mèn phiêu lưu. Chung quy bởi mù quáng và bởi chị Phượng . Chị Phượng thích làm cành cây cho đôi chim nhỏ bé đậu lên mà ca hát ái tình. Chị là cây cầu tình yêu. Nghĩ tới chị , tôi yên lòng. Tôi tạm quên nổi buồn hạ trại ở giữa trái tim tôi . Chẳng cần nói với Ngọc. Nói với Ngọc qua chị Phượng .
Một hôm , nhân lúc ông giáo già đi vắng, chị Phượng ghé " nhà tôi , báo tin rằng gia đình chị dọn về cư xá công chức ở đường Faucon . Chị hỏi :
- Cậu Trương Chi
Tôi cắt ngang:
- Thưa chị, Long . Vũ văn Long ạ !
Chị Phượng cười , luôn luôn , chị cười
- Cậu Long, cậu chớ buồn
- Dạ
- Cậu đừng giang hồ rày đây mai đó, Trương Chi nhé Rồi mai mốt khai trường, con Ngọc đi học sẽ đi học sớm, lên đây thăm cậu.
Tôi xuất thần thốt một câu anh dũng:
- Thưa chị, yêu là chấp nhận đau khổ.
Chị Phượng nhăn mặt :
- Sai lại khổ ?
Và chị nhìn thẳng vào mắt tôi :
- Hay Trương Chi không yêu con Ngọc nữa ?
Tôi lắc đầu :
- Chị đừng hiểu lầm em. Em yêu Ngọc lắm nhưng em không biết nói với Ngọc thế nào để Ngọc hiểu là vì yêu Ngọc, em đã chán dấn thân chấm công!
Chị Phượng nói:
- Trương Chi, con Ngọc hiểu cậu rồi. Nó yêu cậu và muốn cậu đừng bỏ nó giang hồ đây đó. Giang hồ lắm, đôi chân chỉ tổ rỗ huê !
Tôi hỏi :
- Thưa chị, hình như tình yêu của em và Ngọc sắp bị trục trặc kỹ thuật ?
- Sao , Trương Chi nói sao ?
- Trục trặc kỹ thuật !
- Là gì ?
- Ông cụ có vẻ thiếu ... tâm hồn nghệ sĩ .Em chắc ông cụ không biết kéo nhị cầm.
- Ngày xưa bố chị khẩy đàn bầu !
- Cụ đã quên rồi. Cụ sẽ khinh bỉ em nếu cụ biết em là nhà văn nghệ dấn thân chấm công và viễn mơ trên ghế bố . Ôi , lại thêm một tiểu thuyết Lá ngọc cành vàng* , chị an ủi tôi :
- Thời bây giờ khác, Trương Chi . Với lại bố chị sắp nhận chức hiệu trưởng ở mãi lục tĩnh .
Đôi mắt tôi sáng rực :
- Còn chị và Ngọc ở Sài gòn ?
- Ừ .
- Còn bà cụ ?
- Vợ kế của bố chị đó , bố chị mới cưới vài tháng nay ngoài Hải Phòng. Mẹ chị mất lâu rồi. Chị đứng về phe cậu , Trương Chi ạ ! Cậu không sợ trục trặc kỹ thuật nữa chứ .
- Vâng .
Chị Phượng về " nhà chị. Tôi nằm dài trên ghế bố " nhà tôi. Tôi không còn cô độc *. Tôi lẩm nhẩm đọc tên tôi cho nó hách :
Trương Chi, Trương Chi ! Hoa khuê các và bướm giang hồ vẫn có thễ gặp nhau như bến mộng vẫn có thể gặp con đò rách tã. ông giáo già sắp ca bài hát của danh tài Y Vân : Về miền Tây có ai về miền Tây. Cái chậu mồng tơi trở ngại của hai người vừa lớn yêu nhau sắp bị phá bỏ. Và những câu thơ :
Giá đừng có chậu mồng tơi
Thế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng
Tôi chiêm bao rất nhẹ nhàng
Có con bướm trắng thường sang bên này
Bướm ơi bướm hãy vào đây
Cho ta hỏi nhỏ câu này chút thôi
Chả bao giờ thấy nàng cười
Nàng hong tơ ướt ra ngoài mái hiên
Mắt nàng đăm đắm trông lên
Con bươm bướm trắng vền bên ấy rồi
Bỗng nhiên tôi thấy bồi hồi
Tôi buồn tự hỏi hay tôi yêu nàng
Của thần tượng Nguyễn Bính của tôi trở thành ... vô nghĩa. Tôi đã thấy nàng nhai thịt bò vẹo quai hàm, nàng xỉa răng, nàng cắt móng tay, nàng chải đầu, nàng đậpmuỗi Sài gòn, nàng gãi, nàng đứng trong chiếc chiếu quây tròn. Vân vân. Nếu cái giậu mồng tơi sụp đổ, tôi sẽ được nhảy vèo sang nhà nàng ngồi cạnh nàng lúc nàng đang thêu tên tôi quấn quýt lấy tên nàng trên chiếc mù xoa .
Ôi, cảnh mộng đó y hệt thơ Nắng Đào của Nguyễn Xuân Huy:
Em đang thêu bên cửa
Mơn mởn trăm vẻ đẹp
Anh ghé đến ngồi cạnh
Vuốt ghẹo làn tóc xanh .
Vuốt ghẹo làn tóc nàng chưa đủ, tôi còn bắt chấy cho nàng nữa. Tôi sẽ bắt chước các bà nhà quê Bắc kỳ, bỏ con chấy vào miệng, cắn cái đốp. Tôi không nhả ra đâu. Tôi nuốt con chấy. Vì con chấy đã hạ trại trên đầu nàng và da thịt của nó thơm tho mùi da thịt tình yêu. Tôi không buồn tủi thân phận chấm công năm chục bạc một ngày và rất hứa hẹn thất nghiệp khi đồng bào di cư đã định cư hết ráo. Tôi mong mỏi nàng sớm về đường Faucon . Nàng xa tôi, tôi sẽ nhớ nàng. Và tình yêu mà lên màu nhớ thì nó đẹp không sao diễn tả nỗi. Xa nhau gió ít lạnh nhiều . Tôi sẽ yêu những buổi chiều mưa Sài Gòn . Nàng sẽ trốn học ,đội mưa lên Nhà Hát Tây thăm tôi. Tôi sẽ ôm cây đàn hát nhẹ bên tai nàng : Ta ước mơ một chiều thêu nắng, Em đến chơi quên niềm cay đắng , và quên đường về ...
Vậy thì tôi phải dành dụm tiền mua một cây đàn .
*Lá ngọc cành vàng , Một tiểu thuyết của Nguyễn Công Hoan
* Tôi không cô độc là tên một tập thơ của Thanh Tâm Tuyền
* Nắng Đào tên tập thơ của Nguyễn Xuân Huy