22.11.1971
Không có ai cầu nguyện cho mình cả. Những ngọn nến nhấp nháy trên sườn đồi là lô cốt địch. Còn những bảng đen ngòm kia là thằng Mỹ - Hãy cho chúng no đòn. Đồng đã đi qua mùa gặt. Hương lúa chia đều khắp các nhà và trăng lên sớm cho sân kho nhộn nhịp. Rơm còn phơi đầy trên ruộng, rơm gác lên đống rạ, mềm đi vì sương sớm… Dạo mới đến đây, rừng thả hạt dẻ lăn lách tách trên đồi. Còn bây giờ, lại mùa hoa dẻ. Hoa dẻ rừng trắng pha vàng như hoa nhãn, như hoa hồng bì.. . Cả rừng như mở ra cho vô vàn mùi hương lạ lùng thì thào cùng anh bộ đội.
Đàn dê đi lẫn trong vạt cây thấp, cây mua lá xanh mềm như nhung, cây khế rừng lá tím... Tiếng chuông thơ ngây trên cổ lũ dê rung lên bỡ ngỡ, tưởng chừng như giọt nhựa ứ ra và cuộn thành giọt, rơi từ tốn. Đó là những ống đếm thời gian của rừng già...
Đêm rủ bức màn lốm đốm sáng, đồi chìm vào chân mây, đất và trời bị xoá nhoà ranh giới... Còn anh bộ đội thì hồi hộp đợi chờ. Lần bắn thứ hai trong đời lính. Anh hãy nghĩ: Kia đúng là thằng Mỹ, là kẻ thù và ghìm súng vào ngực nó. Đừng lo bắn vào quả tim người, chúng nó chẳng có tim đâu!
Anh hãy nghĩ: Cuộc sống yên lành và ngân nga như lời thơ kia bị cào xé bởi ánh lửa ghê tởm trước mắt anh.
Hãy đứng trong chiến hào của đời mà bắn!
Sương dày nên đạn chưa căng. Tiếng nổ không chát chúa mà âm âm. Đèn vỡ tung, đạn xuyên qua phao dầu, đạn phá rách toang bia. Phải như thế, mới hả căm thù!
Thủ trưởng bảo: Ta bắn giỏi không phải như anh chàng trong “Hoa diếp dại”. Đạo đức cách mạng của người Việt Nam khác thế.
Tự hào lắm, khi được lang thang trên mảnh đất Mẹ hiền này và bảo vệ nó. Còn ai hạnh phúc hơn ta nữa. Trang sách của cuộc đời chưa mở cho ta, nhưng mới ghé mắt nhìn, ta đã ngây ngất cả người...
Tiếc thay, đã mấy ai nhận thấy?
23.11.1971
Sắp từ biệt đây rồi... Một ngày lặng gió, nhưng lá bạch đàn vẫn líu ríu ở đầu cây. Ôi, Tân Yên, vùng đồi trung du của dân ca quan họ, của tấm lòng cởi mở chân tình...
Tới đây từ 1.10, thế mà đã gần 2 tháng. Hai tháng đi qua cái cửa tre quen thuộc, cái thanh tre chống khung cửa dước dốc, cái hàng rào dứa khi mình đến, còn lưu lại vài qủa chín vàng, thơm lựng...
Ta muốn thăm lại thị trấn Nhã Nam, quả bàng chín rụng, thăm hòm thư của bưu điện giấu một niềm tâm sự, một lời thủ thỉ... Ta muốn lại ngồi trong quán nước, gặp bà hàng nhai trầu bỏm bẻm, muốn đi qua sân bóng, muốn vào thăm mái lều san sát của bãi chợ ồn ào...
Ta muốn vào thăm nhà bên kia đồi, có cái xe bò và có anh chàng canh đồi dẻ, thăm cụ già mù bật ngón trên cái kèn đưa người ra ruộng... Muốn đi trên cái dốc "hết ý" của ngày gánh lúa giúp dân...
Ta muốn mãi ngồi trên "đồi mặt trời" để sớm sương tan, mặt trời tròn đỏ ôm lấy ta mà bay lên... Muốn mãi ngồi trong bếp của bà, nghe bà kể chuyện. Cháu đun nước cho bà, bà khen cháu ngoan đi...
Nhớ lắm, nơi này, những con người ở đây… Ta cúi chào tất cả. Từ biệt Tân Yên, núi đồi và bạch đàn...
Đất này, tuyệt đẹp. Núi sông này vây bọc lấy đồng bằng đâu phải tôi bom cho quân thù trút lửa! Và con đò mộc đi trong lời thơ đâu phải mục tiêu cho kẻ thù bắn phá.
Hãy khoan đến ngửa tay cầu trời ban cho một bông tuyết trắng. Đêm buông yên lặng cho đôi chim tình tự, cho cây cỏ bình yên trỗi dậy và cho cả anh bộ đội chuẩn bị lên đường
Cháu Oanh và cháu Quế đã ngủ rồi. Bà và chị Nhàn cũng ngủ... ôi. ta xa rời ngôi nhà ấm cúng còn phảng phất khói hương này. Mười năm sau sẽ có biết bao thay đổi. Ta có được trở về thăm lại gốc chè xanh của bà, thăm luỹ tre vừa gieo mầm trong tháng... Lúc đó, sẽ khác nhiều và cuộc đời chắc đẹp, chắc thơ gấp bội.
Tháng 2, bà trở lại Thái Bình. Cháu lại đi với mối thù thằng Tây mũi lõ, thằng Tây quấn thừng đã làm một đời bà khổ. Khi thắng lợi trở về chắc bà không còn nữa. Song, đời bà đã mấy mươi lần tiễn các con đi... Chị Nhàn vất vả mà vui, ấy, người phụ nữ đảm đang có chồng là liệt sĩ. Khuya thế này chị còn đi đâu, ánh đèn bão lung linh sau hàng dâm bụt... Ừ, như thế, những tâm hồn cao thượng đang nằm nghỉ, ngày mai, họ lại viết tiếp lịch sử của loài người.
Ta bỗng nhớ xa xôi đến đỉnh màn thân yêu, mùa hè thì nóng, mùa đông thì lạnh. Nhớ vườn mía mùa này ngọn gió cũng mang vị ngọt...
Ta nhớ bạn, nhớ Lăng, Hậu, Hải, nhớ từ thằng Kiểm đến dáng người xa lạ ta gặp ở bến xe... Đêm nay có phải là đêm chuẩn bị hành quân vào trong ấy, mà kỷ niệm thức dậy. Ngồi trầm tư trước ngọn đèn...
Mai, Minh đi tiền trạm. Tế vẫn đau bụng rồi hành quân ra sao. Củi không hiểu đã đủ chưa, sáng mai đi lấy gạo. Cải nhổ được rồi đấy, cân cho nhà bếp là vừa... Lỉnh kỉnh lắm, nhưng gọn biết bao, chỉ day dứt là cái lòng anh Đất này, Tân Yên...
Em đừng khóc, các anh đi rồi lại trở về mà. Lau nước mắt đi em. Ta là người Việt Nam, sống trên đất nước Việt Nam...
“Đất nước của những người con gái con trai
Đẹp như hoa hồng, cứng hơn sắt thép
Lúc chia tay không hề rơi nước mắt
Nước mắt chỉ dành cho ngày gặp mặt... "
Rồi cuộc đời ta sẽ quen với những lần chia tay, những giờ bịn rịn, nhưng lúc này, ta lại nhớ đến P. . Buồn biết bao, khi đi xa không có P. ở bên, không có người thân yêu nhất của mình.
Sương xuống lạnh buốt, phải mặc áo rét vào và đi tất. Cái lạnh... Chao ôi...
P . đang làm gì ở nơi xa xôi ấy? Ta lại phải chia tay, lủi thủi một mình, đơn chiếc, ánh mắt kia đâu phải của người ta yêu quí, và gốc cây này, của các bạn thôi...
12 giờ đêm 23.11.1971...
…Vẫn chỉ là tấm ảnh... “Những ngày cuối cùng ở Hà Nội. Sau một đêm thức trắng đấy! A. 2.7.1971". Đôi mắt vừa âu yếm, vừa buồn bã. Đôi môi cười ư? Không phải. Chỉ biết cứ nhìn...Ta cúi xuống và hôn...
Lại thế nữa cơ, nhưng chả là như vậy. Nhớ lắm P. ơi, và đừng nỡ trách… Buồn biết bao nhiêu khi để lại trên môi hơi lạnh của mùa đông... Ta chỉ còn tấm ảnh, ta trò chuyện cùng tấm ảnh, ta thổi vào tấm ảnh một linh hồn...
26-11-1971
Thế là tạm biệt Tân Yên, tạm biệt đồi bạch đàn thân yêu. Cái lô cốt trên đồi chắc đã nhắm mắt và chui vào lòng đất sương mù lại choàng khăn trắng ở lưng đồi. Đang mùa dẻ ra hoa. Hoa dẻ hăng hăng, mảnh mịn và nhỏ li ti, nhưng gần gũi và thân thiết biết bao...
Ba giờ chiều rồi, bà đang làm gì? Nồi nước đun dở đã sôi chưa? Hai bà cháu đun nồi nước cuối cùng vào 4 giờ đáng 25.11, vòi ấm chưa phì ra hơi nước, cháu đã khoác ba lô lên vai rồi... Thôi, thế là mãi mãi không còn gặp bà nữa. Bà cô đơn suốt cuộc đời nên có bao nhiêu con là bộ đội.
Những chân rạ, hồ cá, cửa tre, giếng nước... Bà, chị và hai cháu... Các bà mẹ, các cô gái, các bạn nhỏ trên đồi... hãy ở lại yên lành và hạnh phúc. Hãy trông nom đồi bạch đàn cho cao lớn...
Chia tay trong sương mù. Ban đêm, rạng sáng, những hạt đen nhỏ li ti giấu hộ dân làng nỗi xúc động oà ra nơi loé mắt... Dẫu thế nào, ta vẫn là thiếu thốn...
Cột cây số chỉ Bắc Giang 22km. Tiến về phía đó... 600 con người gò lưng và bước. 30kg trên lưng, đường bụi... Phải, lần nào hành quân cũng vậy. Không còn nghĩ ngợi được gì nữa. Thiên nhiên thu hẹp bằng nắp vung dưới gót chân người đi trước. Không gian như co, như dồn, như ép, ép mạnh vào khắp cơ thể, vào cổ, vào vai, vào lưng, vào chân. Mệt lắm, nặng lắm. Sự thật gồ ghề biết chừng nào.
Ta như lần tay trên cạnh sắc lạnh của cuộc đời, và nhớ da diết đến P.; dường như đối lập với cái khô khỏng và dữ dội ấy là hạnh phúc êm đềm khi đứng bên P.. Ôi, đôi vai tròn, nhỏ nhắn, gò má và đôi mắt mềm đằm thắm biết chừng nào... Nhìn mãi, nhìn mãi mà không thấy P. đâu. Chỉ thấy bụi, cát, ồn ào và nặng nề, mỏi mệt. Chỉ thấy gánh nặng của đời đè gí hai vai. Hình như đâu đây có tiếng nghiến răng, tiếng ồ ồ từ lòng đất như một lời cảnh báo: Mày muốn xa rời đất này ư? Muốn đi đến thế giới huyền ảo ư? Thì đấy, hãy chôn chân mày, dán chân mày xuống đất và cúi gằm xuống đất này mà đọc lời nguyền rủa!
Đúng lắm, mình có lỗi lắm. Thần Prômêtê bị xiềng trên bờ biển vì đánh cắp lửa cho những trái tim. Còn mình, muốn trốn trách nhiệm hay sao?
Chỉ nghĩ được thế thôi, và trong phút giây nào dám ngước nhìn ra xung quanh, có chút tự hào về đất nước, về những con đường dành cho những người đầy nghị lực, không sợ chông gai.
Phía xa là sân bay Kép, từng biên đội đang cất cánh, nhìn rõ cả mũ và buồng lái. D ĩ nhiên phải có màu xanh giản dị và trùng điệp ở dưới này...
Nặng quá và xa lắm. Được nghỉ là ngã luôn xuống vệ đường, không đủ sức tháo người ra khỏi balô nữa. Nếu như có P. ở đây, P. sẽ nghĩ gì ? Có thương mình không nhỉ? P. sẽ nghĩ gì khi người bạn của riêng P. nằm há hốc mồm mà thở, rời rã chân tay và ngủ thiếp đi trên cánh đồng khô đầy bụi và chang chang nắng... Nhưng nếu có P. ở đây có lẽ mình cũng không nằm thế và sẽ đi bắt chuồn chuồn!
Đằng kia là núi Yên Tử - Trường Sơn thu nhỏ và đang chờ đợi.
Đi đông là niềm tự hào lớn lao của anh bộ đội. Người nào cũng nhận ra trung đoàn quân ấy một chút thân thể của mình và đều thương anh bộ đội. Còn mình, cũng tự hào là 1 phần tử nhỏ trong sợi dây xích màu xanh.
Em nhỏ bảo đây là Ngọc Lý, đã sang huyện Việt Yên. Lại Yên! YênSở, Yên Thế, Tân Yên, Việt Yên... chữ “huyện” ở đây đây gọi là "sểnh" thì phải, nghe là lạ...
Đến Sen Hồ vào 11 giờ trưa, tên "Sen Hồ" thì mát, thế mà Sen Hồ vừa bụi vừa bức bối, Sen Hồ cách Nhã Nam 18km... Lần đầu tiên trong đời đi bộ được quãng đường xa như thế, với 30kg trên vai! Kỳ công thật!
Thị trấn của Việt Yên, qua cái dốc và kia, đường nhựa. Ôi đường nhựa. Ôi Hà Nội... Bộ đội ùa ra và dẫm chân lên đường nhựa mà reo... Con đường thân yêu trải dài trước mắt. Hãy đặt ba lô và xoa tay trên mặt đường...
Nhưng, chỉ 1 loáng, chiều rộng của con đường chỉ đủ cho anh lính đi trong giây lát... Ta lại đi ngang những cuộc đời bận rộn của thị trấn. Cô thợ cắt tóc, cửa hàng chữa đồng hồ. Bà già bán ớt, bán cam, chanh, đủ cả chua, cay, mặn, chát, ngọt, bùi. Như là chính cuộc đời của bà...
Ga Sen Hồ, có tiếng còi xe lửa. Kia là quốc lộ số 1, một ngả về Hà Nội và một ngả đi Lạng Sơn, đi về phương Nam và đi lên phương Dắc... Đất nước làm thức dậy trong ta những kỉ niệm còn tươi và những kỉ niệm bị lãng quên tù rất lâu rồi. Ta thấy trái tim như nghẹn lại. Nước mắt đã khô trên gò má, nhưng quả tim thì khó lòng mà kìm lại được... Nhất là đường xe lửa với cột đèn tín hiệu, với tiếng còi tàu gợi một chuyến đi xa… Như Anh ơi, T. khổ biết chừng nào…
Bắt đầu đến trạm dừng chân, làng nằm ven đường quốc lộ 1A, bộ đội lê chân vào sâu trong xóm. 2 giờ chiều rồi, bụng đói, mệt và đau. Chân phồng rát như phải bỏng và cứng đờ.
Thôn xóm không nguyên lành. Dân ở đây sơ tán vừa về một vài gia đình nhà cửa bị bom Mỹ phá sập, đang dần hồi phục. Mùi xoan ngâm quen thuộc, không dễ ngửi mà đi sâu vào lòng người. Gia đình có cụ già làm thuốc. Cây thuốc mọc quanh nhà, đầy vườn và cả bên giếng nữa. Một chái nhà còn trống hoác và hở ra cả một khoảng trời trong vắt. Lạ, năm nay trời xanh rất lâu...
Cây na, quả chín nẫu, tím sẫm trên trời.
Gia đình có cô gái học ở Kháccốp... Nói chung, mọi sự đều như thế. Bom rơi trên mái nhà và người ta vẫn đi cho mai sau. Bao nhiêu ý nghĩ trên đời này đều hướng tới tương lai, nhưng bàn tay họ thì chạm vào hiện tại. Nhất là những người mặc áo nâu hở cúc này.
Ở đây vẫn thuộc Việt Yên. Ngủ đêm trên cái chõng nan lạch phạch. Bốn đứa co quắp và ngủ thiếp đi. Cái chân đau rát khi chiều đã dịu và hơi tê tê do ngâm nước muối. Ta vẫn bắt gặp vành trăng quen thuộc trên vòng tròn của miệng giếng và mánh trăng sáng trắng vỡ tung.
Như mọi lúc ta tự hỏi: giờ này, Như anh đang làrn gì? Kìa, mái tóc rơi vào trang sách rồi- Cẩn thận kẻo nhoè mất chữ. Còn ở đây chỉ nghe tiếng vỏ cây nứt, tiếng chó sủa và tắc kè ran ở xung quanh.
3 giờ sáng đã dậy, nấu cơm và lên đường. Vốc nước rửa mặt, nhớ câu thơ của ai đó “Quân đi lòng mẹ bùi ngùi/ Tiếng hò kéo pháo bên đồi vọng sang”… Đúng lắm, và hay lắm. Câu thơ hay vì bước ra từ một đêm dừng chân như đêm nay.
Thị trấn còn ngủ, cành bàng xoè che những mái nhà êm ấm. Ta đứng trầm tư trên đường sắt và nhìn về phương Bắc - Chân trời phía xa mù tịt, gió lạnh thổi buốt giá mặt mũi và chân tay... Tìm mãi, đâu rồi khoảng không gian mà Như Anh chiếm chỗ, khi con tàu đưa người ta yêu quí đi xa. Lúc Như Anh đến trên cùng một mặt cắt với T. ở đường xe lửa này, dáng người yêu dấu ấy là đâu?
Lúc qua đây, Như Anh nhìn về bên trái hay bên phải? Chắc là bên phải, phía đường quốc lộ, vì T. đang đi trên con đường này… Không hiểu có phải thế không?
Ta gặp nhau ở giữa Thủ đô và ở cả trên mọi nẻo đường đất nước… Ta gặp nhau và sẽ mãi mãi bên nhau…
Đến Đáp Cầu, sông Cầu, ngày nào ta đọc bài thơ của Chế Lan Viên: “Có gì đâu, sông Cầu/ Có gì đâu, gì đâu…” hôm nay đã đến - Cầu bị lật sang bên đường, nhưng xe lửa còn đi được. Nãy, một đoàn bộ đội trên tàu đi ngược lên phía Bắc và vẫy mãi, lính gặp lính mà.
Phố bên kia già nua và cũ kỹ lắm rồi. Dường như nó lật áo cho bộ đội xem vết thương của chiến tranh. Than đen đầy trên bến, lam lũ lắm. Bụi than bám đen cả mặt mũi, cả trên vai và ba lô. Vùng này bị lụt nước sông Hồng dâng cao, ngày 31.8.1971, nước ngập quá mặt đê 30cm.
Còn bây giờ, sông Cầu đang rút nước. Nhưng mặt sông còn mênh mông lắm. Thuyền câu, thuyền đánh cá miên man với làn nước biếc. Buồm trắng, buồm nâu se từng sợi gió và lấp dần vào khúc ngoặt của dòng sông. Những chiếc xà lan nông nổi vẫn ngược dòng chở đá. Tiếng chuông nhà thờ thành kính gọi mây trời... Sang đất đạo rồi! Loáng thoáng thấy gác chuông và cây thập giá. Qua ống nhòm, thấy cả chúa Giêsu giang tay chịu cực hình, và con đường được nhận ra bởi hàng cây rất xanh...
Bộ đội nằm ngổn ngang ở sườn đê. Thịnh ngó vào mắt mình và thét lên: "Mày hết cả lãng mạn rồi?" Khổ thế, mắt mình có gì mà lãng mạn. Đôi mắt chết ấy, có lẽ là lãng mạng thì đúng hơn! Nhưng vùng này quả là đẹp, như trong tưởng tượng của mình về đồng quê, cánh cò trắng muốt vỗ nhịp vào ra trong lời mẹ hát. Càng gần Bắc Ninh, xứ sở của dân ca, phong cảnh càng êm dịu, càng quen thuộc và mênh mông như bài quan họ "Trên rừng 36 thứ chim”…
Dẫu rằng đất này vừa bị lụt, đồng còn nâu bạc, cỏ cũng úa vàng, và người làm đồng thì thưa thớt, rơm rạ còn mắc đầy trên dây điện và bốn bề có mùi cá tanh tanh...
Nhưng vùng quê vẫn đậm đà phong vị dân tộc ở tà áo, nét cười, dáng tất tưởi; Ở bầu trời xanh màu Tổ quốc và dãy xoan, lốm đốm chùm hoa đỏ, nhất là luỹ tre le te, lúc lắc, rì rào, tâm hồn của nông thôn Việt Nam...
Xã trú quân là Đại Xuân, thôn Xuân Hoà - Quế Võ. Xã công giáo và từ rất lâu, bộ đội không đóng quân ở đấy. Phức tạp lắm... Bọn mình rất lo và yên lặng tiến vào. Nhà cửa đổ sụp sau lần bị lụt được tạm bợ dựng lên, tường còn vô vàn lỗ thủng cho gió lùa vào. Chuông nhà thờ từ cõi sâu tịch mịch vẳng ra... Phải đấy, đấy là phía quân tiến vào.
Tiền trạm cho biết, tình hình rất căng. Hoạt động chính trị còn nhiều việc cần giải quyết. Chỉ những người trong chi bộ mới biết ai là đảng viên. Bà Trùm, khi chết, cả xã mới ngã ngửa người vì lúc ấy mới rõ, bà là đảng viên từ năm 1958.
Nhưng dân công giáo cũng không khác gì mọi người. Đều quí và thương anh bộ đội. Đón bọn mình ở đình làng, cửa tam quan bị sụp, trống huếch, trống hoác, nhưng các mẹ ở hội Mẹ chiến sĩ nhiệt tình lắm, và rất vui khi thấy bọn mình khoẻ trẻ, sung sức, chỉnh tề.
Mình vào nhà anh Cương, 35 tuổi và có 6 con, chủ nhiệm HTX. Chị vợ vừa sinh cháu được một tháng, đúng vào vụ lụt. Nhà cửa đổ hết, mà anh đi họp, đi công tác suốt ngày. Bà mẹ đã già và rất yếu, ngồi ăn cơm ngô trệu trạo, nhìn mà rớt nước mắt.
Nước ngập lên hết tường, ngập lưng thân mía. Thóc, lúa bị tàn phá nặng. Song cũng giống ở Sen Hồ, nhân dân vẫn lạc quan, tin tưởng, và sớm chiều, nhà thờ vẫn thong thả gióng hồi chuông gọi con chiên đi cầu chúa...
Vùng đất của nhà chung khá rộng. Cây cối nhiều, nhất là mía, ăn thả cửa. Nhà nào cũng theo Đạo, và trong nhà treo đầy ảnh chúa.
Nhà thờ khá rộng và đồ sộ. Mình dừng chân ở bậc đá khi trời vừa sụp tối, ánh sáng nhờ nhờ của buổi hoàng hôn tăng vẻ huyền bí, giọng cầu kinh âm rung trên vòm cong của nhà thờ, nghe rờn rợn quá. Trong nhà treo lá cờ đen, có hai khúc xương bắt chéo đỡ lấy bộ xương đầu. À, hôm nay là tháng 11, đọc kinh cầu hồn cho người quá cố. Cụ trùm trưởng già, đầu nhẵn thín, khoác bộ quần áo đen như một linh mục. Tiếng cầu kinh như rên rỉ, than vãn nhưng mạnh mẽ, dồn dập và không khi nào ngừng. Nó thổi vào lòng người một sự cuồng tín, tin tưởng ở một sức lực siêu phàm. Nó đè bẹp mọi ý nghĩ phản kháng, và bao trùm lên tất cả những bài ca đều đều, buồn ỉu ấy là sự phục tùng, nhịn nhục...
29-11-1971
Nói chung, mỗi địa phương, mỗi thị trấn nhỏ, một ngôi nhà khiêm tốn nép ở bên đường đều nói với khách bộ hành một lời nào đó rất riêng và rất chung. Khiến người ta không sao quên được.
Ví như trường cấp 3 Tân Yên, trường cấp 3 Quế Võ, các em nhỏ đang ngồi trong lớp học. Còn cô giáo đứng ở ngoài cửa, chờ tiếng kẻng mở tâm hồn...
Những khuôn mặt hồn nhiên và tự tin hết sức. Ngày mai, đó sẽ là những người con quí giá của Tổ quốc. Có điều các em có nhận ra điều ấy hay không?
Qua Phố Mới, phố không còn mới nữa. Nhưng Phố Mới cứ gợi cho mình thị trấn Bố Hạ mà mình đã đến chơi, khi ra bến Sỏi. Chợ Bố Hạ mùa này chưa có cam, nhưng khách đã dập dìu.
Hà Bắc có mấy thị trấn nhỏ thì đều quét vôi lại và cũng khá vui. Phố Mới giống như ô Cầu Giấy, cũng có chi nhánh ngân hàng và cửa hàng Bách hoá.. . Ở đâu, cũng gặp quá khứ, cũng gặp tương lai.
Đi trên cánh đồng Xuân Hoà, ta dừng chân nghỉ bên cạnh nghĩa trang liệt sĩ. Lạ lùng thay, trên những tấm bia đá đơn sơ trầm mặc, có cả tên ta. Cùng họ, cùng tên đệm và cùng tên. Người đó già hay trẻ, chỉ biết hy sinh ngày 9.10.1952, 5 ngày trước khi mình cất tiếng khóc chào đời.
Vậy mà đêm trước, mình không biết. Thế là qua một đêm, "người kiếp trước” của mình sống cô độc dưới nấm mồ. Nhưng không dừng lại lâu được. Ta chỉ yên lặng, bỏ mũ và thầm hứa theo bước người.
Mười mấy năm trời sống dưới bầu không khí thanh bình, mình chưa từng biết rằng, mình đã sống một đời cho cách mạng. Có phải “tiền kiếp của mình chưa trao vào tay mình nhiệm vụ còn bỏ dở, để mình lớn lên, lớn lên cho kịp với yêu cầu của cách mạng. Và mãi bây giờ, vào buổi bình minh, mặt trời cháy đỏ từ 99 đỉnh của núi Neo, vào lúc cả đơn vị hành quân, mới thức dậy và tin cẩn trao vào trái tim ta.
Hỡi "người kiếp trước" đang yên nghỉ trong sự yêu thương của dân làng, hãy yên tâm vì con cháu. Không có sự mất đi vĩnh viễn trong cuộc sống của những con người hết lòng vì dân tộc, vì giai cấp, vì Tổ quốc thân yêu.
Với ý nghĩ đó, ba lô trên vai cũng bớt nặng đi nhiều. Lại sang đường nhựa. Đây là đường 18, cột cây số chỉ cho biết cách Bắc Ninh 19km.
Ở đây vẫn là vùng bị lụt. Mênh mông ở xung quanh là màu đất phù sa, chỉ lác đác, trơ trọi màu vàng úa của cây cỏ… Và càng như thế, luỹ tre làng xa kia càng trở nên xanh, như tâm hồn và ý chí của người dân ở đất ngọt ngào.
Các em nhỏ, các cụ già dừng lại bên đường vẫy chào anh bộ đội. Mình trở thành người độc đáo nhất tiểu đoàn vì đi chân đất. Hôm trước phồng rát cả gan bàn chân, bây giờ vỡ ra, không thể đi giày, đi dép được. Vả lại. đi chân không trên đường nhựa thì cũng không có gì đáng sợ cho lắm. Thế là phăm phăm bước theo ngón tay chỉ và nụ cười rất đáng yêu của các em nhỏ bên làng.
Đường 18 đi đâu, về đâu? Không cần biết, đọc trên cột mốc, chỉ thấy Phả Lại... Chỉ cần nhìn vết xích xe sắt băm nát mặt đường là đủ rồi, là đủ tự hào, tự tin, đủ hứng thú và nghị lực đi lên.
Mà cũng phải, chẳng lẽ lại dừng chân khi cả đoàn quân đang vượt lên phía trước. Khi xóm làng còn xơ xác vì trận lụt, khi lối vào nghênh ngang tấm biển: “Có dịch lợn”. Mọi cái, đều giục anh, đều nhắc nhở trong lòng anh: Đi nhanh, đi nhanh chóng về nhà, quê hương đang chờ anh xây dựng.
Đất nước thật nên thơ, nhưng phải nhói trong lòng anh xót xa vì cảnh tiêu điều, xơ xác, anh mới thật sự yêu thương, thật sự cảm biết đấy là máu thịt của anh, đấy là cuộc sống của anh.
Cảm ơn hôm nay, cảm ơn viền xanh của ruộng bậc thang và cảm ơn cánh cò trắng thuỷ chung đem về cho lòng ta mềm yêu tha thiết và gắn bó với đất nước, với những con người đang lam lũ làm ăn.
Trong tình yêu Tổ quốc, lại càng thêm nhớ Như Anh. Nhớ người bạn đang ở đầu kia của Trái đất. Không được đi trên con đường mà mình đang cất bước. Không được thấy cảm giác mát lạnh và nóng bức, không được đi chân đất mà miết xuống lòng đường, lòng đất Tổ quốc.
Chắc ở nơi xa xôi ấy, Như Anh nhớ lắm, quê hương. Chắc Như Anh không quên được những con đường đỏ bụi, những đường cây, những buổi hoàng hôn thong thả và những chiếc lá khô lười biếng lăn trên mặt đường. Nhất là con người và kỷ niệm.
3 năm, 6 năm xa Tổ quốc, Như Anh có trở nên xa lạ với những người ngày đêm lầm bụi của cuộc đời?
3 năm, 6 năm xa đất nước, Như Anh có thêm yêu Tổ quốc, thêm gắn bó với mảnh đất đã sinh và nuôi Như Anh lớn?
Ở đó lạnh lắm, băng giá và mùa đông. Nhưng chớ để lòng mình nguội lạnh.
Mình mong mỏi và rất tin Như Anh sẽ giữ được những tình cảm đẹp đẽ và trong sáng đó của mình vĩnh viễn.
Mới đó đã 4 tháng trời, 26.7, còn ở bên Như Anh, 1 giờ sáng 28.7, con tàu đưa Như Anh đi xa… Bốn tháng, biết mấy mấy thương yêu, buồn khổ và nhớ nhung. Niềm vui chỉ là lòng yêu đất nước và những lá thư âu yếm của Như Anh. Niềm sung sướng chỉ là được Như Anh nhớ nhung, chỉ là những giờ phút nghĩ về dáng người mà ta yêu quí.
Còn tất cả. Đều khó khăn, đều sầu muộn. Thiên nhiên và con người. Suy tưởng và thực tại. Mơ ước và làm việc. Tất cả cứ rối bung, rối mù.
Chân cứ bước trong xa xăm, và con đường thì dài mãi. Và để người ta khoan khoái nói được câu: "Rồi cuối cùng cũng đến nơi!" thì bao nhiêu mồ hôi đã đổ, và bao nhiêu đôi chân tê dại.
Có phải cuộc đời cũng chính là như thế? Càng ở lâu trong quân đội càng hay nhớ đến Paven, nhớ Phạm Hồng Sơn. Nghị lực, chưa có trong con người ta!
Gặp một tiểu đoàn đi ngược lại. Lính cũ rồi, họ chuẩn bị đi B, quân phục và cả những gương mặt đều mới, đều hồ hởi - Bắt tay. bắt tay, thân thiết biết bao. Các anh đi trước nhé. Trên ngực áo người nào cũng lấp lánh huy hiệu của Đoàn Thanh niên giải phóng - Bọn mình lính mới cứ nhìn mà thèm.
Tiểu đoàn bạn đông thế mà không gặp lấy một người quen. Bọn bạn mình đi đâu hết cả? Thế mới biết quân đội mình đông lắm, nhiều lắm và trùng điệp vô cùng. Giọng Nghệ An, Thanh Hoá, Khu tư nằng nặng, giọng Thái Bình, Hà Nội... Cái giọng Việt Nam ấy, dễ gần lắm. Ngày mai họ đã là quân giải phóng rồi. Sướng mê đi!
Bộ đội sắp đi B có khác, ba lô nặng trĩu và lính thì to khoẻ. Tự hào vô cùng về chúng ta. Chúng nó rồi sẽ chết, các anh nhỉ. Tạm biệt, hẹn gặp nhau ở chiến trường...
Có lẽ đấy là cảm xúc hào hứng và phấn khởi cuối cùng của đợt hành quân.
Bộ đội nghỉ ở chân một con đê. Có đê thật, nhưng nhìn cả hai bên đê thì chẳng thấy sông đâu cả. Các bạn bảo xung quanh đây rất nhiều sông. Và sông Thương thì gần hơn cả. Trời trưa, nắng dữ dội hơn và nhìn ra xa chỉ thấy cát, đường đê đầy bụi, đồi trọc và trời xanh thăm thẳm.
Lác đác có bộ đội từ trong làng đi ra. Bọn mình sẽ vào đóng quân thay họ đây. Hỏi thăm, họ bảo: "Gần thôi!". Nhưng vẫn chưa thấy tiền trạm đâu cả. Tiền trạm luôn đứng đón cách chỗ trú quân 3km. Tức là chỗ này còn phải đi hơn 3km nữa! Sợ thật!
Đường từ đây không còn cây nữa, cây chỉ có phi lao ở xa xa phía bãi cát trắng trông nhức mắt. Nắng buổi trưa bức bối vô cùng – Có tiếng máy bay ta, ngửa cổ nhìn lên, chỉ gặp màu xanh da trời đến tận cùng. Một tí gió cũng không có, một tẹo gió cũng không có. Càng hay, có gió chắc thổi tung cát mù mịt. Lẻ tẻ, có người tụt giại phía sau - không có quyền tụt. Không có quyền rời bỏ hàng ngũ. Và vẫy gọi ở phía trước là đôi mắt âu yếm, khích lệ của người mà ta yêu quí. Như Anh: T. cố lên, cố lên tí nữa, con chim đầu đàn của Như Anh!
Lúp xúp dưới chân đồi là những mái nhà, mái rạ lèo tèo ở đây cũng có rừng bạch đàn, rậm hơn ở Tân Yên, nhưng thấp hơn và thân cong queo nom rối mắt. Xấu lắm. Ở dưới lại toàn cát, bao nhiêu là dấu chân, bao nhiêu câu chuyện ở đất này.
Mình sẽ ở đây ư, mình rời bỏ vùng đồi Tân Yên rất thơ và đến với vùng cát trắng này (nhưng không phải bãi cát rất đẹp của biển!).
Thỉnh thoảng, bắt gặp một chiếc xe vận tải quân sự nằm lăn lóc ở vệ đường, thùng xăng, đầu xe, dầu mỡ, sắt rỉ…
Bắt đầu vào làng, chỗ này là Đông Du thì phải. Dân thưa thớt và bộ đội thì đông hơn dân nhiều. Có người tính tỉ lệ 9/10. Kể thì hơi ngoa. Nhưng cũng có lý đấy. Tiểu đoàn trưởng đứng đợi dưới một gốc tre. Cán bộ của mình cũng chẳng khác gì chiến sĩ, cũng balô, cũng gạo và súng. Chỉ khác, các đồng chí đó đi thẳng người và bước vững vàng hơn lính nhiều. Cũng phải thôi, đánh Pháp rồi đánh Mỹ, bao nhiêu năm đi trên con đường lửa, con đường lớn của dân tộc.
Sao con đường dài thế, dài mãi.
Sao con đường dài thế, dài mãi. Mất hết cảm giác về vai và chân bước hoàn toàn theo cảm tính. Ai có đi bộ đội mới thông cảm với người lính chiến. Tự dưng, mình thầm cảm phục nhưng ngươi đi trước. Đáng phục lắm. “Trâu bò” không không ăn thua đâu. Chủ yếu là nghị lực, căn bản là nghị lực.
Đến ngã ba, chưa gặp giao liên, bộ đội ùn lại và cúi gập người cho balô đỡ siết vào vai. Khát quá, nhưng chỉ có nước ao. Biđông chưa được phát. Dường như cấp trên cố ý tạo ra tình huống này - “Rèn”! Chao ôi, cái chữ đáng ghét thế!
Thôi, đây rồi, tụi quỉ, tiền trạm gì mà “hậu” thế! Mãi bây giờ mới gặp. Và thế là “chỉ còn 3km”. Quên đi, cái balô ác nghiệt trên vai, cái nắng trên đầu, cái nóng, cái mệt trong người và hãy nghĩ đến cái dịu dàng, thắm thiết của đôi mắt N. Anh, của đôi vai N. Anh, của hai bàn tay thấm mát hơi xuân...
Đỉnh dốc là chỗ ở, vậy mà 2/3 quân số nằm lăn ở chân đồi, cúi mãi, cúi mãi, tưởng như muốn đi bằng cả hai tay và hai chân. Bò lên, bò lên!
Nhưng, thế còn sung sướng lắm. Thế mới chỉ là cái vất vả, cái gian khổ về cơ thể, về vật chất. Còn cái khổ hơn, cái đau đớn về tinh thần là sự thờ ơ của bà con trong xóm đồi.
Thấp thoáng trong nhà lưng chừng dốc là những cặp mắt nghi ngờ, hơi xa lạ. Ta tự hỏi: Họ là ai, có phải là bà mẹ Việt Nam từ ngàn đời thương anh bộ đội? Có phải các cháu nhỏ, các em thơ ríu rít quấn lấy tay anh? Mà sao bàng quan thế, dửng dưng thế... Ôi chao là buồn...
Họ nhìn quanh, lạnh lẽo và thụt vội vào nhà trong, cánh cửa tre hạ xuống, chó sủa ran...
Thật tệ hơn cả “cô giáo vùng cao”
Bọn mình mệt quá rồi, không đủ sức đứng dậy vào nhà nữa và nằm lăn dưới bóng tre mà nghỉ và kiếm cách vào nhà.
Không gian im ắng quá. Và chẳng thấy lũ trẻ chơi trong ngõ nhỏ. Xung quanh chỉ toàn cây, tre, chay, cây đen, cây mít. Cây um tùm như an ủi, phải, cây lá này vẫn cây lá quê hương. Nó đâu lạnh lùng với anh bộ đội...
Nghỉ chán, bọn mình chia nhau vào các gia đình vận động. Bẩn quá, bẩn quá, nhà cửa có một thứ mùi chua, mốc, mùi thời gian quá dài chưa quét dọn. Nét đặc trưng là lắm ruồi và nhiều “tàu há mồm” quá. Nhà nào ít nhất cũng năm đứa trẻ dưới 10 tuổi! Ồn ào và luộm thuộm, chứng tỏ mức độ giác ngộ của dân chưa cao lắm.
Vào nhà nào họ cũng đuổi. Lắm lý do đến thế, nào là : Đợi ông ấy về... Tệ hơn, có gia đình không thèm tiếp và trả lời: Gia đình tôi chưa có ai đi bộ đội nên không biết đối xử với các chú như thế nào!
Bọn mình không biết nói sao nữa. Ra ư, thì chỉ có bụi tre và đỉnh đồi thôi. Phải bám vào dân mà sống! Bám lấy dân.
Thế là chưa được cơm cháo gì, bụng đói, mệt, bọn mình vào nhà, giúp gia đình quét dọn, gánh nước, xe tơ. Nhà ở trên đồi nên nước hiếm hoi. Phải xuống chân dốc và ở đó có cái giếng chung của cả làng.
Vừa làm vừa trò chuyện, vừa xin vào ở một góc nhà đặt balô thôi. Mãi đến chiều họ mới cho vào nhà, cho giường chiếu hẳn hoi và giục “các chú nấu cơm ăn”.
Khi đó mới biết đơn vị trước ở đây làm mất uy tín ghê quá, toàn đánh nhau, cãi nhau, đánh cắp của nhau. 3/4 số xoong quân dụng bị mất, rồi quân trang, quân dụng mất lung tung. Tệ quá.
Bậy bạ thế thì thôi. Nhưng hậu quả lại dồn lên đầu bọn mình. Ngay đêm, đại đội họp cấp tốc trên thửa ruộng còn trơ chân rạ. Phải gấp rút khôi phục uy tín của quân đội.
Gia đình mình ở có chín người. Bác chủ nhà 55 tuổi rồi và ngày ngày vác thuyền nan đi đánh lưới trên sông. Tụi nhóc còn nhỏ, cô gái thứ hai tên là Thà, 17 tuổi, đi làm suốt ngày và ban đêm cũng chẳng về. Nhưng nếu cô ta về thì cả nhà biết ngay vì cái mồm to và liến thoắng của cô. Cái giọng chan chát nghe đến chói tai. Khổ cho anh chàng nào vớ phải cô ấy suốt đời có lẽ chẳng được nghe cô ấy thì thầm (!).
Còn tụi nhóc thì bẩn, bẩn lắm. Chân tay bọc một lớp đất đen như da cóc. Toàn uống nước lã và không bao giờ rửa tay cả. Đêm đi ngủ thì tót lên giường, sáng dậy lấy khăn mặt còn ướt của người lớn lau cuống quít và thế là mở đầu một ngày!
Mình rất không thích cái tò mò, cái ưa lục lọi của tụi nhóc ấy. Đặt balô xuống là sà đến và nắn cái nọ, sờ cái kia, chẳng ra làm sao cả. Nhất là thằng Hành, học vỡ lòng, hư lắm.
Tế bảo: “Phải rèn bọn này mới được”. Bỏ một buổi rủ chúng nó đi chơi và dặn dò: “Các chú để súng đạn trong balô, đừng đụng gì đến nó nổ”...
Thế là ổn. Còn phải vệ sinh vệ sống cho các ngài nữa chứ. Rõ khổ.
Nhưng cũng thấy thương gia đình và các cháu. Lỗi ấy đâu phải vì bố mẹ hay vì bản thân chúng. Mà vì thằng đế quốc, vì lụt lội. Vì kẻ thù của dân tộc ở bên kia bờ Thái Bình Dương...
Đêm ngủ, mình lại mơ thấy hôm ở Xuân Hoà, ngồi ăn mía với anh Cương. Anh kể chuyện về Chúa, về bà Maria. Mình hỏi rất thật thà: "Thế anh có tin rằng những điều đó là sự thật không?" Bỗng dưng, anh Cương nhíu mày, thẳng cánh ném con dao nhọn vào mặt mình... Giật thót người và tỉnh dậy, Tế gọi, mồ hôi vã ra như tắm. Mình nghĩ đến một điều: Trong công tác dân vận cần thận trọng, hết sức thận trọng. Đấy, cái gia đình mình đang sống...