Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Cuộc Chiến VN >> Mãi mãi tuổi hai mươi

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 13649 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Mãi mãi tuổi hai mươi
Nguyễn Văn Thạc

Lời tựa của nhà thơ Đặng Vương Hưng
Đó là người đã đoạt giải Nhất cuộc thi học sinh giỏi Văn lớp 10 toàn miền Bắc năm học 1969-1970. Nguyên là sinh viên xuất sắc của khoa Toán – Cơ, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, anh nhập ngũ cuối năm 1971, hy sinh tại chiến trường Quảng Trị năm 1972, khi chưa đầy 10 tháng tuổi quân và 20 tuổi đời…
Người ấy là Nguyễn Văn Thạc!
Trong khi sưu tầm “Những lá thư và nhật ký thời chiến Việt Nam” để phục vụ cho việc biên soạn bộ sách cùng tên, tôi bất ngờ nhận được một tư liệu qúy do ông Nguyễn Văn Thục - người anh trai của liệt sĩ, thay mặt gia đình chuyển đến. Đó là hàng trăm lá thư, cùng cuốn nhật ký dày 240 trang chép tay, của tác giả Nguyễn Văn Thạc mang tên “Chuyện đời” (trước khi kính chuyển bản thảo tới Nhà xuất bản Thanh Niên, tôi đã đề nghị với gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc đổi tên là “Mãi mãi tuổi hai mươi”).
Điều khiến ta không khỏi kinh ngạc là trong một số lá thư viết năm 1971 gởi cho bạn gái, Nguyễn Văn Thạc đã tiên cảm được ngày 30-4-1975.
Đọc những trang tư liệu trên, cuộc đời ngắn ngủi, nhưng đầy bi tráng của một trong những thanh niên ưu tú nhất Hà Nội đã dần được hé mở…
Nguyễn Văn Thạc sinh năm 1952 tại làng Bưởi, Hà Nội trong một gia đình thợ thủ công. Cha mẹ có xưởng dệt nhỏ, thuê người dệt áo len và áo sợi. Khi Mỹ gây chiến tranh phá hoại miền Bắc, cha mẹ cậu bé phải bán rẻ hết nhà cửa, xưởng máy, để sơ tán về quê tại xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm. Hợp tác xã không có việc làm, nhà lại đông con (Thạc là con thứ 10 trong 14 anh em) tài sản gia đình nhanh chóng khánh kiệt. Bà mẹ Thạc phải đi cắt cỏ bán lấy tiền ăn.
Nhà nghèo, nên chú bé Thạc vừa đi học, vừa phải đi làm thêm giúp đỡ bố mẹ nuôi sống gia đình. Bù lại, Thạc học rất giỏi. Suốt 10 năm học phổ thông, cậu bé đều đạt loại học sinh A I (giỏi toàn diện). Năm lớp 7, Thạc đạt giải Nhì (không có giả Nhất) học sinh giỏi Văn thành phố Hà Nội.
Khi gia đình đã sơ tán về quê ở Cổ Nhuế, Thạc học cấp III tại trường Yên Hoà B. Hằng ngày, anh phải đi bộ 4 cây số đến trường học; ngày nghỉ, thì đi bộ hàng chục cây số đến tận Thư viện Hà Nội để đọc sách. Vất vả, nhưng Thạc thông minh nên giỏi đều tất cả các môn, anh đặc biệt có năng khiếu về môn văn.
Năm lớp 10 (niên học 1969-1970), Nguyễn Văn Thạc đã đạt giải nhất cuộc thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc.
Với thành tích học tập kể trên, Thạc đã được Ban Tuyển sinh Hà Nội xếp vào diện đi đào tạo tại Liên Xô. Nhưng theo chủ trương chung, phần lớn những nam học sinh xuất sắc năm đó đều phải ở lại để tham gia quân đội.
Trong khi chờ gọi nhập ngũ, Thạc đã xin thi và đỗ vào Khoa Toán – Cơ của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Vừa học năm thứ nhất, anh vừa tự học thêm để hoàn thành chương trình năm thứ 2 và được nhà trường đồng ý cho lên học thẳng năm thứ 3…
Nhưng đó cũng là thời gian cuộc kháng chiến chống Mỹ đang bước vào giai đoạn mới. Chiến trường miền Nam ngày càng gay go và ác liệt. Hàng ngàn SV các trường đại học phải tạm ngừng việc học tập để bổ sung lực lượng chiến đấu cho quân đội. Nguyễn Văn Thạc đã nhập ngũ ngày 6-9-1971...
Trong một lá thư gởi cho gia đình đề ngày 19-9, Thạc viết “Đơn vị của con toàn sinh viên và cán bộ giảng dạy. Hình như có cả một sư đoàn sinh viên Trường Tổng hợp đi hơn 300 người, chia thành 3 đại đội. Con nghe nói sắp lấy thêm một số nữa (khoảng 3 trung đội) ở trường và tháng 11-1971 lại tiếp tục thêm một đợt nữa…”.
(Một chi tiết thú vị là: trong số 300 sinh viên của trường Tổng hợp Hà Nội cùng nhập ngũ một đợt với Thạc có nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm. Sau này, trong nhật ký của mình, nhiều đoạn Nguyễn Văn Thạc có ghi chép và nhắc đến tác giả “Xúc xắc mùa thu”, với một tình cảm đặc biệt).
Họ được cấp tốc đưa đi huấn luyện chiến sĩ mới… Đây là một đoạn thư Thạc viết cho bố mẹ kể về gia đình người chủ nhà anh đã đóng quân tại xã Tân Trung, huyện Tân Yên, tỉnh Hà Bắc cũ (nay thuộc tỉnh Bắc Giang):
“Sáu đứa chúng con được phân vào một nhà. Gia đình chỉ có hai vợ chồng và bốn đứa con nhỏ. Cháu lớn mới 7 tuổi. Khi chúng con vào nhà, các cháu đã ngủ yên, anh chị ra đón và tất bật suốt đêm dọn chỗ. Sáng ra, anh chị ở nhà dọn xuống nhà dưới, dành nhà trên, ba gian, cho sáu đứa chúng con.
Chị chủ còn trẻ, 28 tuổi. Rất tốt vì thương chúng con. Chị cho 2 nải chuối và rất nhiều lạc để ăn sáng. Con cũng không ngờ nổi rằng gia đình lại phóng khoáng đến như vậy. Chúng con nhận luôn, và bảo nhau là: Sẽ trả tiền bằng phương pháp riêng của bộ đội!
Anh chủ khoảng 32 gì đó, là giáo viên cấp I. Ở đây có điều đặc biệt là không uống chè, toàn nước đun sôi, giản dị và lành mạnh. Anh không biết hút thuốc. Không có bàn thờ. Không kiêng cấm gì cả. Chúng con rất thích thú.”.
Tháng 4-1972, đơn vị của Thạc cùng lên đoàn tàu quân sự vào chiến trường. Trong một trang nhật ký của mình, anh viết:
“Vừa ao ước thế, vừa buồn vì mình đang ngồi ở đây, dưới trời mưa thanh thản, rồi sắp lên tàu đến Mỏ Trạng, Yên Thế diễn tập. Nhưng ra ga, thì lính ồ lên phấn khởi, đầu tàu hướng về phía Hà Nội – “Đi” rồi! Thế là nhất định vào trong ấy. Vội vàng viết thư – Tàu qua Cửa Nam những cánh thư trắng bay ào ạt xuống đường - Gửi hộ nhé, gửi hộ nhé – Báo cho những người thân của chúng tôi rằng chúng tôi đã xa Hà Nội, lúc ấy là 12 giờ trưa 9.4.1972”
Trang thư viết vội khi Thạc ngồi trên chuyến tàu tròng trành lắc lư trên đường hành quân ra trận hôm đó đã được một người dân Thủ đô nhật được, nhiệt tình chuyển đến tận gia đình của Thạc.
Là người giỏi Văn, nên Thạc viết thư cũng rất hay. Nhiều trang thư của anh thực sự là những đoạn văn với những cảm nhận tinh tế về cuộc sống “Chân bước trên rơm thơm, khó ai định liệu được mình còn ao ước cuộc sống nào hơn thế nữa. Mặc dù hạnh phúc ấy mỏng manh như chính số người nhận ra cảm xúc ấy là hạnh phúc của cuộc đời…”. Và “Cuộc sống của đất nước còn lam lũ lắm. Đầu tắt mặt tối mà nào đâu có đủ miếng ăn. Rồi mất cắp. Rồi đánh chửi nhau. Rồi thiên tai, địch hoạ. Cơm độn ngô rồi còn độn sắn. Vậy mà những chiếc lá tre kia vẫn dịu dàng, vẫn đưa ta vào cõi êm ả của tâm hồn. Thật lạ biết bao!”
Thạc cũng là người viết rất nhiều thư. Anh tiết lộ, đã có thời gian “…Phải nhờ bạn học cùng lớp viết thư trả lời. Có ngày tới 16 cái! Một kỷ lục chưa có ai phá nổi. Có lẽ chỉ có Lépnít, nhà bác học cả đời viết hàng vạn bức thư mới là địch thủ(!)”. Chỉ riêng một người bạn gái, trong 4 tháng anh viết cho cô tới… 500 trang thư, có thư dày tới… 54 trang!
Đọc thư của Nguyễn Văn Thạc, ta không chỉ cảm nhận và khám phá được nhiều điều thú vị về cuộc sống và xã hội miền Bắc nước ta những năm 1966-1972; mà còn hiểu được đời sống, tâm tư, tình cảm của thế hệ thanh niên - chiến sĩ thời đó. Hình như anh viết thư không chỉ là thông tin tình cảm riêng cho bố mẹ, cho anh trai, hay cho bạn bè… mà còn ấp ủ những tư tưởng và mơ ước lớn hơn nhiều. “Em muốn những trang thư là những dòng suy nghĩ về đời, về người, về cuộc sống, về những chân lý mà bất kỳ ai sống có trách nhiệm cũng phải suy nghĩ đến…” – Trong một lá thư gửi anh trai của mình, Thạc đã viết như thế.
Đặc biệt, trong một lá thư gởi người bạn gái thân thiết, Nguyễn Văn Thạc có dự cảm kỳ lạ: “Bất kỳ một sự vinh quang nào cũng cần phải trả bằng một giá. Và khó khăn gian khổ càng nhiều và thử thách càng nhiều, sự vinh quang đó còn trở nên rực rỡ. Chúng ta đừng đi tìm những chân lý sâu xa đơn thuần qua những áng văn và những bài thơ và bài toán.
30-4-1975, T. sẽ trả lời cho P. câu: Hạnh phúc là gì?”… Bây giời, thì hầu hết người dân Việt Nam và nhiều người khác trên thế giới mỗi khi nhắc đến ngày 30 – 4 – 1975 đều hiểu đó là ngày gì! Nhưng xin qúi độc giả nhớ cho: Nguễn Văn Thạc viết lá thư này từ ngày 18-9-1971, nghĩa là gần 4 năm sau mới tới ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30-4-1975… Nhờ đâu mà lời hẹn với người bạn gái của anh như một sự tiên cảm kỳ diệu vậy?
Đọc lại những lá thư Nguyễn Văn Thạc viết cho người bạn gái, ta phát hiện ra một điều thú vị: không chỉ một lần anh nhắc đến ngày 30-4-1975. Thậm chí, trong một lá thư đề ngày 4-9-1971, Thạc còn “đính chính”: “Anh nhớ nhầm rồi, Lan (tức Thạc - mật danh quy ước giữa hai người – Đ.V.H) bảo ngày 30-4-1975 mới trả lời câu “hạnh phúc là gì” cơ mà, chứ có phải ngày 11-4-1975 đâu?”.
Ngày 2-10-1971, nghĩa là 28 ngày sau khi nhập ngũ, Nguyễn Văn Thạc đã ghi những dòng nhật ký đầu tiên: “Nhiều lúc mình cũng không ngờ nổi rằng mình đã đến đây. Không ngờ rằng trên mũ là một ngôi sao. Trên cổ áo là quân hàm đỏ. Cuộc đời bộ đội đến với mình tự nhiên quá, bình thản quá và cũng đột ngột quá”.
Cho đến cuối tháng 5-1972, nghĩa là sau gần 7 tháng trời, vừa huấn luyện, vừa hành quân vào mặt trận; mặc dù phải đi xa, đeo nặng, nhưng tranh thủ những giờ nghỉ, ngày nghỉ, thức khuya, dậy sớm… anh đã viết được 240 trang sổ tay.
Vậy Nguyễn Văn Thạc đã viết những gì trong cuốn số nêu trên?
Đây quan niệm của anh về việc ghi nhật ký:
“Nếu như người viết Nhật ký là viết cho mình, cho riêng mình đọc thì cuốn Nhật ký đó sẽ chân thật nhất, sẽ bề bộn và sầm uất nhất - Người ta sẽ mạnh dạn ghi cả vào đấy những suy nghĩ tồi tệ nhất mà sự thực họ có. Nhưng nếu cuốn Nhật ký mà có thể có người xem nữa thì nó sẽ khác và khác nhiều - Họ không dám nói thật, nói đúng bản chất sự kiện xảy ra trong ngày, không dám nói hết và đúng những suy nghĩ đã nảy nở và thai nghén trong lòng họ. Mà đó chính là điều tối kỵ khi viết Nhật ký – Nó sẽ dậy cho người viết tự lừa dối ngòi bút của mình, tự lừa dối lương tâm của mình – Tóm lại, tạo ra 2 con người.
Người viết Nhật ký có rất nhiều phương pháp – Và mỗi người tuỳ theo ý thức và sự quen thuộc của mình mà ghi chép. Có người chỉ thích viết ý nghĩ, có người hoàn toàn ghi những sự kiện nhỏ nhặt hàng ngày – Còn mình, mình không biết thế nào, có lẽ vừa ghi những sự kiện, vừa ghi những suy nghĩ - Nhiều lúc cũng khó mà phân biệt đâu là suy nghĩ, đâu là sự kiện – Và sự trộn lẫn ấy – là một điều rất qúi (…) Việc rút ra những ý nghĩa từ trong hiện tượng ngay tức khắc có một tác dụng rất lớn lao – nó cho phép người ta tìm thấy và nắm chắc bản chất sự vật và không sa vào cái vụn vặt, không bị choáng trước những hình thức màu mè ở bên ngoài.
… Vấn đề chủ yếu vẫn là anh viết Nhật ký để làm gì? Anh có lấy Nhật ký làm người bạn đường nghiêm khắc và tốt bụng để đưa đường cho anh? Hay là anh lấy Nhật ký làm đồ trang sức, làm một cái gì đó để khoe khoang. Hay tệ hơn, làm một cái bồ để trút vào đó những lời than thở, những suy nghĩ giả tạo, nhằm đắp điếm cho một con người giả tạo, sống rất tồi, rất nghèo nàn mà cứ tưởng mình phong phú và bận rộn lắm với công việc hằng ngày…”.
Và Nguyễn Văn Thạc đã ghi chép rất kỹ những điều mắt thấy, tai nghe và cả những điều anh cảm nhận được. Đó là chuyện về gia đình những người dân nơi anh đóng quân, chuyện về những anh lính cùng đơn vị, về những cán bộ chỉ huy tiểu đội, trung đội, trung đoàn… Có rất nhiều chuyện vui, nhưng cũng có cả những chuyện buồn. “Không ai muốn cuộc đời mình phải buồn bã cả, nhưng rất ít người trên đời này đạt được điều mình mong muốn. Mất mát nhiều, nhưng cố gắng làm sao cho mình khỏi thất vọng, khỏi phải mất nghị lực luôn hun cháy lòng mình. Đó mới là điều quan trọng” – Trong một trang sổ tay, Thạc đã viết như thế.
Là người học sinh giỏi văn, nên không hiếm những đoạn Thạc ghi nhật ký mà như làm văn, với những cảm nhận tinh tế: “Mùa đông chưa về đến đây. Mình yêu cái chuyển tiếp giữa hai mùa này, xốn xang trong lòng nhiều kỷ niệm. Cây sầu đông chưa nở ra những mối sầu cho mình an ủi. Chùm quả chín vàng lấm tấm trên tà áo xanh của bầu trời, nhắc mình nhớ vể cái ngõ hẹp vào nhà. Ao cô Tơ còn mọc trên làn nước chùm hoa lau cho tụi con trai đánh trận hay không? Mấy cây hồng bì, cây nhãn bên sân hàng xóm có còn hay không, ngày trước, đấy là nơi tụi trẻ bán hàng và đám cưới; cái dù vàng che cô dâu, chú rể, giờ tơi tả khắp bốn phương.
Kỷ niệm càng dâng lên và trào ra như nước mắt. Sáng lạnh nhiều sương, gió táp, cây trên đồi chắc là buốt lắm, nằm nghĩ về những người thân yêu mà se thắt trái tim”.
Về tác giả của “Xúc xắc mùa thu” nổi tiếng sau này, Nguyễn Văn Thạc có những nhận xét thú vị, dự báo về một nhà thơ tài hoa trong tương lai:
“Cầm (tức Hoàng Nhuận Cầm – Đ.V.H) viết được nhiều, quả thực ở nó có tài năng, hay ít ra đó cũng là một khả năng tốt. Khanh bảo Cầm nó chăm lắm, mặc dù sức khoẻ yếu. Mình nhớ dạo mới đi bộ đội, hay gặp Cầm lang thang trong đêm. Có lần đi gác, Cầm nó ngủ ngay trên cái cầu xi măng bắc qua sông Tô Lịch. Nó bảo nó nằm nhớ lại dĩ vãng xa xưa của nó ở Kinh đô, đôi guốc mộc và cái quần chùng, hàn huyên với các sư huynh bên quán nước.
Kể cũng lạ, ở nó có gì đáng học đâu, ngoài những ý sáng tạo trong thơ. Cách sống của nó hơi ngang tàng và thiếu nghiêm túc. Nhưng vì sao nó nắm bắt mạch thơ đúng thế. Tưởng như lời nào của nó cũng là thơ (!).
Giới thiệu bài hát, nó bảo: mười con chim sơn ca nuôi trong cổ họng xin ca nhạc phẩm “Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây” nhạc của (…), lời Phạm Tiến Duật. Nhạc Việt Nam được trộn pha ácjangtin … liến thoắng như cái máy mà hấp dẫn. Lúc ấy, nó thật đáng yêu, và con người nó hoàn toàn là của nghệ thuật.
Có điều là những cái nó viết ra xanh xao lắm, và hơi trừu tượng, nó đèm đẹp và trơn tru, nhẵn nhụi; Nó thiếu một sức ấm nóng lan toả. Có lẽ điều đó không phải không đáng ngại.
Mình không muốn và không được đi theo con đường ấy - Cứ kiên trì, bình tĩnh và tích cực, mình sẽ làm được hết”…
Không chỉ có vậy, ở một trang khác, Nguyễn Văn Thạc đã thốt lên:
“Không thể nào tin được Hoàng Nhuận Cầm lại có thể viết tốt hơn thế được. Nếu như Cầm nó không thay đổi cuộc sống của nó - Thời gian lơ lửng trên hè phố của nó quá nhiều, nó “trầm tư trên mái phố” quá nhiều đã tàn phá của nó khá nhiều thiên tư văn học. Cầu mong đất nước đừng để rơi một khả năng đáng quí – Nó sẽ chẳng bao giờ còn bê tha ở chợ Nhã Nam, mà cống hiến những tháng ngày còn lại cho thơ”.
Đan xen với những nhận xét giữa người và việc, là rất nhiều đoạn tự sự. Đó là những trang viết mà Nguyễn Văn Thạc tự nhận xét và đánh giá chính bản thân mình. Có những đoạn anh tự phê bình gay gắt: “Không nên yếu đuối, không nên chùn bước, hãy cố gắng lên, nhất định sẽ vượt qua”.
Ảnh hưởng chung của tập nhật ký là tinh thần lạc quan, sẵn sàng ra trận, sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc của một thanh niên trí thức. Nhưng không thể không nhắc đến điều này: Nếu ta đặt cương vị mình vào Nguyễn Văn Thạc - một thủ khoa của cuộc thi học sinh giỏi Văn toàn miền Bắc, mới thấy sức ép tâm lý luôn đè nặng và ghê gớm tới mức nào! Không chỉ một lần anh lo lắng tự hỏi: “Liệu mình có thể làm được gì, đóng góp được gì cho Văn học chống Mỹ hay không? Biết bắt đầu từ đâu và đi theo con đường nào? Làm sao có được một bàn tay dẫn dắt của người đi trước?”
Nguyễn Văn Thạc luôn mơ ước khi ra trận mình sẽ làm được như Bôrit Pêlôvôi - một nhà văn Liên Xô nổi tiếng với những tác phẩm viết về chiến tranh. Anh sẽ thu thập thật nhiều vốn sống, để viết văn, làm thơ, ca ngợi những con người đã hy sinh những gì quí giá nhất của riêng mình cho giai cấp, cho dân tộc.
Có thể không nói quá rằng: Thần tượng của Nguyễn Văn Thạc trước khi ra trận chính là nhà thơ trẻ Phạm Tiến Duật trên tuyến đường Trường Sơn. Thạc luôn mơ ước mình cũng sẽ làm được như thế và hơn thế! Nhưng giữa mơ ước và hiện thực luôn là một khoảng cách rất xa, mà không phải ai cũng có thể vượt qua!
Bởi thế, đã có những lúc thạc bi quan: "Kể ra, bây giờ giờ mà chết thì chật đáng tiếc. Những ngày còn bé, những lúc đi học chẳng bao giờ phải phiền toái đến chuyện đó cả, chỉ miên man với tương lai anh sẽ làm gì và sống ra sao. Nhưng bây giờ, những ý nghĩ đó mọc ra.
Khó gì đâu - cái chết - chỉ một viện đạn lạc hay một hơi bom. - Sự thật bi đát đó không trừ một ai cả” Thậm chí, đã có những giây phút, Thạc lâm vào trạng thái rời rã, chán nản và thất vọng đến cùng cực. Có một trang sổ tay Thạc viết bằng bút chì.Viết xong, anh liền gạch chéo và xóa đi. Đọc lại, ta có thể cảm nhận được tâm trạng rối bời, khổ đau đến tột độ của người viết:
"Phải hết sức trấn tĩnh, tôi mới không xé hoặc không đốt đi cuốn Nhật ký này. Trời ơi! Chưa bao giờ tôi chán nản và thất vọng như buổi sáng nay, như ngày hôm nay cả. Tôi không giải thích ra sao nữa. Người ta giải thích được cần phải trấn tĩnh mới hiểu lý do và lung tung. Còn tôi, rời rã tôi chán nản với hết thảy mọi điều, mọi thứ trên trái đất này. Phải, tôi hiểu rằng, với một người con trai đang khoẻ mạnh, đang sung sức đang ở giữa mùa xuân của đời mình thì buồn nản, thì chán đời là một điều xấu xa và không thể nào tưởng tượng được - Người đã chửi rủa biết bao lần những thanh niên như thế - Nhưng tôi biết làm sao khi chính bản thân tôi đang buồn nản đến tận cùng này. Tôi lê gót suốt con đường mòn - Con đường mòn như chính cuộc đời tôi đang mòn mỏi đi đây - Tôi ngồi bệt xuống bờ sông, con sông cạn đang rúc nước. Tôi vốc bùn và cát ở dưới lòng sông, và qua kẽ ngón tay tôi nó rớt xuống, rớt xuống. Tôi muốn khóc, khóc với dòng sông. Không, chẳng có ai có thể đem lại cho tôi được chút gì niềm an ủi hay vui sướng cả. Mọi người không hiểu được tôi, mọi người gắt gỏng với tôi. Trời ơi, giá lúc này tôi có chế chết ngay đi được. Có thể quên hết nỗi phiền muộn và sầu não ngập tràn cả hồn tôi thì sung sướng biết bao…”
Nhưng đó chính là suy nghĩ rất thật của một chàng trai sống thiên về nội tâm, luôn nhạy cảm. Xin đừng ai vội kết tội anh là hèn nhát, là xấu xa. Bởi anh cũng là một con người, với bao cảm xúc buồn vui và tình yêu không bao giờ vơi cạn. Điều quan trọng là anh đã biết vượt lên, đã tiếp tục chiến đấu cho tới hơi thở cuối cùng và hy sinh ngay tại mặt trận!
Xin hãy đọc kỹ đoạn cuối củng của cuốn sổ nêu trên, mới thấy hết được tâm trạng vừa hồi hộp, háo hức vừa trống trải và bí ẩn của người lính trẻ khi biết mình sắp bước vào cõi chết mà vẫn bình thản đến bi hùng:
"Và bây giờ, tạm biệt cuốn Nhật ký đầu tiên của đời lính. Không kịp xem lại một lần. Không kịp chữa những âm bằng âm trắc trong cấu trúc một câu văn vội vàng và bụi bặm...
Ngày mai, ngày kia... Phải để lại tất cả ở đằng sau. Tôi không thể để cho ai đọc những dòng suy nghĩ này. Trừ khi tôi không còn sống mà gìn giữ nữa...
...Kẻ thù không cho tôi ở lại. Phải đi. Tôi sẽ gửi về cuốn nhật ký này, khi nào trở lại, khi nào trở lại tôi sẽ viết nốt những gì lớn lao mà tôi đã trải qua từ khi xa nó, xa cuốn nhật ký thân yêu của đời lính.
Ừ, nếu như tôi không trở lại, ai sẽ thay tôi viết tiếp những dòng sau này? Tôi chỉ ao ước rằng, ngày mai, những trang giấy còn lại đằng sau sẽ toàn là những dòng vui vẻ và đông đúc. Đừng để trống trải và bí ẩn như những trang giấy này.
Một ngày cuối tháng 5-1972, Hà Tĩnh
Anh lính binh nhì”
Có thể coi những trang nhật ký “Chuyện đời” là một cuộc trải nghiệm thực tiễn vô cùng gian khổ, nhiều hy sinh, nhưng lại đầy mê say và hấp dẫn của một thanh niên trí thức Hà Nội, trong những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước.
Trong nhật ký của mình, Nguyễn Văn Thạc đã nhiều lần nhắc đến những cái tên viết tắt: P., N.A, hoặc N. Anh... Tất cả đều chỉ chung một người: Phạm Thị Như Anh - cô bạn gái thân thiết nhất của anh. Đây là "nhân vật" xuất hiện nhiều nhất, được tác giả viết bằng một tình cảm đặc biệt và thường được coi như cái cớ, như nguồn cảm hứng bất tận để anh bộc bạch mọi buồn vui. (Trong cuốn sách này, chúng tôi giữ nguyên tắc: Tôn trọng tối đa văn bản chính.Từ cách diễn đạt và câu chữ thường dùng của người viết đến những từ ngữ địa phương, thậm chí cả cách viết tắt, thói quen dùng dấu gạch nối (-), hay gạch chéo (/), hoặc chấm (.) giữa các chữ số khi đề ngày tháng trong nhật ký,... đều cố gắng giữ nguyên. Riêng các chừ N.A, A., N.Anh, NA - được sự đồng ý của TS. Phạm Thị Như Anh và để thuận tiện cho bạn đọc tiếp cận cuốn sách, chúng tôi viết rõ thành Như Anh – Ghi chú của NXB)
Vậy Phạm Thị Như Anh là ai? Chị là con gái của luật sư nổi tiếng Phạm Thành Vinh (nguyên chủ tịch Hội Sinh viên Đông Dương, nguyên Chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng); cháu ngoại của cụ Hồ Đắc Điềm (nguyên Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch đầu tiên của Uỷ ban Hành chính Thủ đô Hà Nội, anh ruột của GS.TS Hồ Đắc Di).
Phạm Thị Như Anh kém Nguyễn Văn Thạc một tuổi, học sau một lớp cùng trường cấp III Yên Hòa B và cùng là học sinh giỏi Văn của Hà Nội. Họ quen nhau trong một buổi liên hoan họp mặt các học sinh giỏi Văn của Thủ đô vào tháng 4-1971. Đôi lần hẹn gặp tại phòng đọc của Thư viện Hà Nội. Hai người đều thích cuốn sách "Bàn về hạnh phúc thanh niên" của Nguy Nguy. Ngay trong trang đầu tiên của cuốn sách này, (hiện gia đình còn lưu giữ được), có bút tích của Thạc viết: "Bạn Phạm Như Anh, có nhớ ngày 30-4- 1971?”.
Đó là ngày họ gặp nhau, với kỷ niệm đẹp và lời hẹn ước không quên: Bốn năm sau sẽ trả lời chính xác câu "hạnh phúc là gì" Trong đêm chia tay trước ngày đi xa, (Thạc vào bộ đội, ra trận, còn Như Anh đi du học tại Liên Xô) hai người cùng đạp xe lên dạo tại Hồ Tây...Theo chị Như Anh nhớ lại thì trong khoảng 4 tháng trời quen biết, tổng cộng thời gian anh chị gặp nhau 5 lần, với khoảng 20 giờ đồng hồ. Nhưng chừng đó cũng đủ để hình bóng họ không bao giờ phai mờ trong nhau.
Trong thư và nhật ký, khi nhớ tới Như Anh, Thạc thường nhắc nhiều và ấn tượng nhất là chiếc áo màu xanh da trời chị hay mặc. (Trời xanh thì ai nhìn cũng thấy, ngỡ như rất gần mà không thể nào với tới được!). Thạc cũng có một chiếc áo màu xanh y như thế. Sau này, anh đã đề nghị chị Như Anh hãy cất giữ chiếc áo đó làm kỷ niệm, để nhớ mãi những ngày xa nhau...
Ngồi kể lại cho tôi nghe những kỷ niệm của hơn 30 năm về trước, chị Như Anh đã không cầm được nước mắt. Đó là những giọt lệ hiếm hoi của một người phụ nữ đã ngoài năm mươi, từng trải và cứng rắn. Hiện TS. Phạm Thị Như Anh đang cùng gia đình định cư tại nước ngoài. Là một doanh nhân thành đạt, chủ một công viên mang tên "Chín con rồng” nổi tiếng của người Việt Nam tại vùng Hannover của CHLB Đức, chị đã từng được báo Lao Động dành cả trang giới thiệu trong số Tết Nguyên Đán Ất Dậu, với bài "Hồn Việt giữa lòng châu âu”.
- Với tôi, những kỷ niệm về Nguyên Văn Thạc gắn liền với tuổi trẻ trong sáng, lãng mạn và quãng đời đẹp nhất của thời con gái - TS. Phạm Thị Như Anh tâm sự - Đã có cả một thế hệ thanh niên sinh viên Hà Nội, những người con ưu tú nhất của Thủ đô ngày ấy, từ trường đại học cầm súng bước thẳng ra mặt trận, nhiều người đã ngã xuống và không trở về.
Có lẽ bởi thế, TS. Phạm Thị Như Anh luôn coi gần một ngàn trang thư mà Nguyên Văn Thạc đã viết cho chị, cùng cuốn sổ ghi nhật ký bìa bọc ni-lông màu xanh da trời như những kỷ vật vô giá. Những trang giấy mỏng manh đã ố vàng vì thời gian ấy, càng trở nên thiêng liêng hơn kể từ sau ngày chị nhận được tin anh hy sinh tại chiến trường Quảng Trị...
Trong một trận đánh ác liệt bên Thành cổ Quảng Trị, chiến sĩ thông tin Nguyễn Văn Thạc đã bị trọng thương, mảnh pháo đã cắt ngang đùi trái. Sau này, một đồng đội của anh kể lại: Mặc dù đã được ga rô và băng bó, nhưng mất máu quá nhiều, nên sắc mặt Thạc tái dần đi. Tuy nhiên, anh lại rất tỉnh. Đồng đội vừa cấp cứu, vừa động viên Thạc. Nhưng anh nói: “Mình tỉnh thế này tức là sắp chết rồi… Chỉ tiếc là không còn chiến đấu được nữa... bao dự định còn dang dở”. Sau đó, Thạc tắt thở trong vòng tay của đồng đội. Như nhiều người lính ngã xuống ngoài chiến trường, thi hài của anh được đồng đội bọc trong một tấm tăng ni-lông và chôn cất ngay tại nơi hy sinh, gần mặt trận.
Khi còn sống, Thạc vốn là người con hiếu thảo chăm chỉ, nên được mọi người yêu quý và đã là niềm tự hào trông đợi của cả gia đình. Nhà đông anh em nhưng Thạc hay tâm sự với người anh cả là Nguyễn Văn Thục. Giữa họ, hình như không chỉ có tình thân thiết ruột thịt, mà còn như một đôi bạn tri kỷ. Thạc gửi gắm nhiều tâm tư vào người anh cả. Vì vậy, nhiều trang viết riêng tư và thư của bạn gái thân thiết phải để lại nhà khi ra trận, Thạc chỉ muốn riêng anh cả giữ và đọc, có gì cần thiết thì nói cho bố mẹ và gia đình biết.
Kể từ lá thư cuối cùng ghi ngày 21 -7- 1972, Thạc gửi về gia đình báo tin đã đi chiến trường, gia đình không nhận được tin tức gì của anh nữa nên rất bồn chồn, lo lắng và linh cảm có chuyện chẳng lành. Tháng 5- 1 973, khi gia đình chưa nhận được giấy báo tử, thì một đồng đội thân thiết của Thạc báo tin anh đã hy sinh.
Thư viết rất rõ: “Mộ của Thạc ở thôn Đầu Kênh, xã Triệu Long, quận Triệu Phong, Quảng Trị (tiếp giáp thôn Hà Mi, Phương Ngạn, gần lộ 4). Một được đặt ở thửa ruộng khá cao, cùng hai ngôi mộ khác, Thạc đặt đầu tiên".
Nhận được hung tin, cả gia đình Thạc buồn đau và thương tiếc. Đặc biệt là cha mẹ Thạc đã già yếu, lại càng đau ốm hơn. Vừa thương tiếc người em trai tình nghĩa, vừa xót thương cha mẹ buồn khổ, ông Nguyên Văn Thục đã quyết tâm đi tìm mộ em trai, để cha mẹ và gia đình được an lòng.
May mắn thay, cuối năm 1976, Công ty 16 - Bộ Giao thông Vận tải vừa hoàn thành việc thi công khôi phục đường Hiền Lương - Dốc Miếu, ông Thục với cương vị là Phó chủ nhiệm Công ty (như chức Phó giám đốc hiện nay) được giao nhiệm vụ chỉ đạo vận chuyển vật tư, thiết bị thi công ra Hà Nội. Nhân cơ hội này, ông báo cáo giám đốc giúp đỡ, kết hợp tìm mộ em trai.
Hồi đó, miền Nam vừa giải phóng, mộ liệt sĩ còn nằm rải rác khắp nơi, chưa được quy tập về nghĩa trang như bây giờ, nên việc tìm kiếm gặp không ít khó khăn. Nhưng được giám đốc Công ty 16 cũng như lãnh đạo và nhân dân địa phương giúp đỡ, ông Thục đã thực hiện được nguyện ước là đưa hài cốt người em trai về Hà Nội vào giáp Tết Đinh Tỵ (1977)...
Bây giờ, ngôi mộ của anh lính binh nhì Nguyễn Văn Thạc - người giỏi Văn nhất miền Bắc một thời, người đã có dự cảm về ngày 30-4- 1 975 trước gần 4 năm, tác giả của tập nhật ký mang tên “Mãi mãi tuổi hai mươi” mà bạn đọc có trên tay đang nằm trong nghĩa trang của huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội.
Hà Nội, tháng 4-2005
Đ.V.H

<< Tập 8 |


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 591

Return to top