Fumiko đang nấu bữa sáng trong bếp, nói vọng ra với chồng:
«Úi chà, nhà có khách. Chúng mình có hân hạnh được Thử Phu Nhân đến thăm. Bà đang núp dưới lò đây này.»
Thỉnh thoảng vợ ông vẫn giỡn ông bằng cách nói quá ư trịnh trọng.
Oki nói:
«Vậy sao?»
«Hình như bà Thử còn dẫn theo các cô các cậu nữa.»
«Ủa?»
«Thật đấy. Anh ra mà xem... có con chuột con vừa thập thò, mặt nó dễ thương làm sao.»
«Hừm.»
«Nó nhìn em, mắt nó đen lay láy.»
Oki không nói gì. Mùi canh tương chua chua từ bếp tỏa ra phòng ăn, nơi ông đang ngồi đọc báo.
«Nhà dột anh ạ. Ngay trong bếp. Anh nghe thấy không?»
Lúc ông thức giấc thì trời bắt đầu mưa. Bây giờ thì mưa tầm tã. Gió làm ngả nghiêng thông và trúc trên đồi, vừa đổi chiều và tạt mưa từ hướng đông lại.
«Bão thế này làm sao anh nghe được tiếng mái nhà dột hả em?»
«Anh xuống bếp mà coi.»
«Hừm.»
«Anh ạ, gió thổi mưa lên kẽ ngói rơi lã chã xuống như những giọt nước mắt...»
«Em tả mưa làm anh cũng muốn khóc theo.»
«Đêm nay mình phải đặt bẫy thôi. Ở trên gác bếp ấy. Lát nữa anh làm ơn lấy xuống cho em.»
Oki vẫn đọc báo, nhẹ nhàng nói:
«Em nhất định tính bẫy bà chuột và các cô các cậu à?»
«Thế chỗ dột thì tính sao, anh nhỉ.»
«Dột nặng không? Không phải tại gió thôi à. Mai anh sẽ leo lên xem.»
«Thôi đừng. Già mà leo trèo nguy hiểm lắm. Để em sai thằng Taichiro nó làm.»
«Em bảo ai già?»
«Ngành nào thì 55 tuổi chả về hưu, phải không?»
«Nghe sướng quá. Có thể anh cũng về hưu thôi.»
«Khi nào muốn về hưu, thì anh cứ việc.»
«Không biết nghề viết văn thì bao nhiêu tuổi về hưu nhỉ?»
«Chắc khi nào chết mới thôi viết.»
«Quả vậy.»
Nói xong, Fumiko xin lỗi chồng. Lấy giọng bình thường, nàng chữa:
«Em chỉ muốn nói là anh còn sống để viết dài dài...»
Oki nói:
«Viễn ảnh không hẳn thích thú, nhất là có bà vợ hay dằn vặt. Khác gì có con quỉ sau lưng cứ lấy đinh ba mà đâm.»
«Vậy sao? Em dằn vặt anh bao giờ?»
«Em dư biết là em có thể rất khó thương.»
«Như vậy là anh muốn nói gì?»
«Chẳng hạn như là em hay ghen.»
«Đàn bà nào chẳng ghen. Nhưng anh đã dậy em từ lâu là ghen là vị thuốc đắng nguy hiểm... như con dao hai lưỡi.»
«Để làm tổn thương chồng cũng như chính mình.»
«Dù sao đi nữa, em quá già để cùng với anh tự tử hay ly dị.»
«Người già ly dị đã đáng buồn, nhưng cả vợ lẫn chồng cùng nhau tự vận thì không có gì có thể buồn hơn. Người già chắc bất an nhiều khi đọc tin loại này trên báo. Người trẻ đọc tin những cặp tình nhân trẻ cùng nhau tự vận cũng không buồn như vậy.»
Fumiko nói:
«Nếu vậy thì anh đã có hồi muốn cùng người yêu tự tử... À, mà hồi ấy anh không cho cô nhân tình bé con của anh hay là anh muốn cùng chết với cô ta. Lẽ ra anh nên cho cô ta hay. Cô ấy tự vận, nhưng chắc không bao giờ dám mơ tưởng anh cũng muốn chết theo. Anh không thương hại cô ấy sao?»
«Cô ấy không chết...»
«Toan chết thì cũng vậy.»
Fumiko lại nói đến Otoko. Oki nghe trong bếp dầu sôi trong chảo, đoán vợ nấu thịt heo với bắp cải. Mùi tương nồng lên. Oki nói:
«Món tương của em, anh sợ quá lửa rồi.»
«Em biết rồi. Em biết em không thể nào nấu canh tương cho đúng ý anh. Anh cầu kỳ đã mua không biết bao nhiêu tương của cả nước này. Khiếp, anh đủ tương để ngâm em vào trong ấy.»
«Em có biết người Hán viết chữ tương thế nào không?»
«Không. Nhưng cứ phiên âm ra mà viết, khó gì.»
«Không phải vậy. Chữ tương gồm ba chữ kính.»
«Vậy sao?»
«Vì tương quan trọng cho chuyện bếp núc, nên phải nấu cho đúng.»
«Có thể canh tương của anh hôm nay không ngon, vì ngài tương không được em cung kính đủ.»
Fumiko lại trêu chồng. Oki nguyên quán miền tây, nên không bao giờ thoải mái với ngôn ngữ lễ phép của Tokyo; Fumiko ngược lại sinh trưởng ở đây nên nhiều khi giúp chồng chuyện này. Vậy mà Oki không phải bao giờ cũng nghe lời vợ. Nhiều khi bất đồng ý kiến đến chỗ cãi nhau, Oki chê tiếng Tokyo chẳng qua là một thổ âm tầm thường không truyền thống. Ông hay nói ở Kyoto và Osaka, ngôn ngữ trong chuyện đàm tiếu cũng lễ phép, khác hẳn ở Tokyo. Mọi vật từ nhà cửa, sông núi, ngay cả rau cá cũng được diễn tả bằng những từ trang trọng.
Fumiko thường bỏ cuộc. Bà nói:
«Như vậy thì anh nên hỏi thằng Taichiro. Dù sao, con nó cũng là một học giả.»
«Nó biết gì chuyện này. Nó có thể biết về văn học, nhưng chưa bao giờ nó học về cách nói năng cho lịch sự lễ phép. Em hãy nghe ngôn ngữ cẩu thả của nó với bè bạn. Ngay cả những bài khảo cứu, nó cũng không viết nổi bằng thứ tiếng Nhật lịch sự.»
Thật ra Oki không thích hỏi ý kiến con, hay để con giảng cho mình điều gì. Ông thích hỏi vợ hơn. Nhưng dù là người Tokyo, vợ ông nhiều khi cũng không có câu trả lời dứt khoát cho ông. Sáng nay, ông lại than phiền ngôn ngữ ngày nay suy đồi:
«Ngày xưa học giả biết chữ Hán, văn xuôi của họ chuẩn và chững chạc.»
Fumiko cãi:
«Nhưng nói thường, ai lại kiểu cách như vậy. Những từ mới xuất hiện mỗi ngày như chuột con. Không biết chúng ăn gì mà ngộ nghĩnh như vậy. Chữ nghĩa thay đổi liền liền, đến chóng mặt.»
«Nghĩa là những chữ mới này chết yểu. Và ngay cả khi chúng sống sót, chúng mang tính thời gian_như tác phẩm tiểu thuyết vậy. Hiếm hoi có cuốn truyện sống quá năm năm.»
Fumiko bưng mâm điểm tâm vào.
«Chữ nghĩa mà sống sót qua đêm là quý rồi. Ngay cả em, cũng may mà em còn sống năm này qua năm khác được đến bây giờ, kể từ ngày anh muốn chết theo cô nhân tình bé con của anh.»
Oki nói:
«Thật đáng tiếc là sự nghiệp làm vợ không có chuyện về hưu, em nhỉ.»
«Nhưng vẫn có ly dị. Em có hồi tò mò không biết ly dị nó ra làm sao, dù chỉ một ngày.»
«Bây giờ cũng chưa chậm đâu.»
«Bây giờ thì em không muốn ly dị nữa. Anh biết câu phương ngôn là nắm lấy tóc cơ hội để làm gì, khi cơ hội đã trọc đầu.»
«Tóc em chưa rụng, mà cũng chưa bạc.»
«Tóc anh bạc rồi.»
«Đó là cái giá anh trả để khỏi ly dị. Để em khỏi ghen.»
«Anh làm em nổi nóng đó nghe.»
Vừa chí chóe, hai vợ chồng già vừa ăn sáng với nhau. Nhưng hôm nay Fumiko vui tính, không muốn bới thêm chuyện cũ. Mưa đã thưa hạt dù trời vẫn còn kín mây. Oki hỏi vợ:
«Thằng Taichiro vẫn còn ngủ. Em vào đánh thức nó dậy.»
Fumiko gật đầu:
«Để em gọi nó. Nhưng chắc nó không chịu đâu, lấy cớ hôm nay là ngày nghỉ.»
«Nó có tính đi Kyoto không?»
«Cơm tối xong nó sẽ ra phi trường... Nhưng sao mà nó phải đi Kyoto nhỉ... trời nóng nực thế này.»
«Em có thể hỏi nó. Nó có ý định thăm lại mộ Sanetaka. Hình như nó định viết luận án về Sanetaka... Em có biết Sanetaka là ai không?»
«Một nhà quý tộc?»
«Ông tất nhiên là quý tộc. Không quý tộc mà làm đến thượng thư thời Yoshimasa. Ông thân với Sogi và các thi sĩ khác trong thi đàn Sogi. Sanetaka có công gìn giữ cho văn học nghệ thuật khỏi bị sao nhãng vì chinh chiến trong thế kỷ 16. Xem ra một con người đặc biệt. Ông để lại một pho bút ký dày. Taichiro dùng sách này làm tài liệu nghiên cứu văn hóa thời ấy.
«Vậy sao? Thế đền ở đâu nhỉ?»
«Chân núi Ogura.»
«Nhưng núi ở đâu hả anh? Anh đã dẫn em đến đấy một lần phải không?»
«Lâu lắm rồi. Đó là một chỗ có nhiều liên hệ đến thi ca.»
«Ở Saga, phải không? Bây giờ thì em nhớ.»
Oki kể:
«Taichiro kiếm được rất nhiều chi tiết mà nó nghĩ anh phải cho vào tiểu thuyết. Nó gọi những chi tiết ấy là những chuyện dã sử không có giá trị khoa học. Anh nghĩ nó tự cho mình là một học giả, khi khuyên anh nên dùng những chi tiết vô dụng và những truyền kỳ phóng đại nó kể cho để làm linh động truyện của anh.»
Fumiko kín đáo mỉm cười.
«Em đi đánh thức cái nhà học giả của em đi. Ai đời bố dậy từ sớm bắt tay vào việc rồi mà con còn ngủ.»
Nói xong, Oki vào thư phòng. Ngồi trước bàn giấy, hai tay chống cầm, ông suy tư câu chuyện nhà văn về hưu vừa trao đổi với vợ. Ông thấy câu chuyện không khôi hài chút nào. Ông nghe tiếng súc miệng trong nhà tắm, và lát sau Taichiro bước ra, tay cầm khăn bông lau mặt. Oki nói:
«Dậy hơi trễ, con nhỉ?»
«Con dậy lâu rồi, nhưng nằm mơ màng vậy thôi.»
«Mơ màng chuyện gì?»
«Cha. Cha có biết người ta khai quật mộ phần công nương Kazunomia không?»
«Sao, người ta xúc phạm đến mộ phần công nương à?»
«Cha gọi như vậy là xúc phạm, con nghĩ cũng đúng. Nhưng không phải người ta vẫn mở những ngôi cổ mộ để khảo cứu sao?»
«Nếu là mộ công nương Kazunomiya thì không thể gọi là cổ mộ được. Công nương chết năm nào hả con?»
«Năm 1877,» Taichiro mau mắn trả lời.
«Vậy chưa đầy thế kỷ.»
«Dạ đúng. Họ nói tất cả chỉ còn lại bộ hài cốt.»
Oki cau mày. Taichiro kể tiếp:
«Họ nói cả cái gối công nương nằm lẫn quần áo, tất cả đã tiêu hết. Chỉ còn xương là chưa tiêu.»
«Đào mả người ta như vậy bất nhân lắm.»
«Dáng công nương nằm đẹp lắm, như vô tư lự, như một em bé gái nằm ngủ.»
«Con đang nói bộ xương.»
«Dạ. Và có món tóc đằng sau sọ. Món tóc đen cắt theo kiểu góa phụ trẻ thời ấy.»
«Lúc nãy trong giường là con mơ tưởng về bà góa phụ ấy ư?»
«Dạ. Nhưng còn một di vật khác, rất đẹp, rất huyền bí, rất mảnh dẻ...»
«Vật gì vậy?»
Oki không hiểu nổi nỗi hân hoan của con trai. Ông bất đồng với việc vi phạm mộ phần và xót xa cho công nương yểu mệnh đã mãn phần trước tuổi ba mươi. Đứng trước mặt bố, tay cầm chiếc khăn bông, Tachiro nói:
«Một di vật cha không thể ngờ.»
Oki nói:
«Thế gọi mẹ con ra đây cho bà nghe luôn.»
Khi cùng mẹ trở về phòng sách của bố, Taichiro kể lại phần đầu câu chuyện. Oki đã lấy cuốn tự điển lịch sử Nhật Bản từ tủ sách ngoài hành lang, mở trang về Kazunomiya, và thắp điếu thuốc. Thấy con trai đang cầm một tờ tạp chí mỏng, Oki hỏi có phải là phúc trình của vụ khai quật không? Taichiro nói:
«Không, đây là bản tin của bảo tàng viện. Một nhân viên của viện viết bài tùy bút tựa là «Dung Nhan Vô Thường», kể lại hiện tượng huyền bí ông ta được chứng kiến. Có thể chuyện này không được nhắc tới trong bản phúc trình chính thức của cuộc khai quật.»
Taichiro tóm tắt cho bố mẹ:
«Người ta tìm thấy một tấm kính nhỏ hơn tấm danh thiếp một chút giữa hai xương bàn tay của công nương. Xem ra đây là di vật độc nhất tìm thấy trong hòm. Nhân đang khai quật mộ phần của các chúa Tokugawa vùng Shiba, họ luôn tiện khai quật mộ phần công nương. Người viết nghĩ di vật có thể là cái gương bỏ túi hay là tấm ảnh. Anh ta lấy giấy gói lại và mang về viện bảo tàng.»
Bà mẹ hỏi:
«Chắc là loại ảnh in trên kính phải không?»
«Dạ đúng. Họ bôi thuốc lên kính, và hình hiện ra khi thuốc còn ướt. Mẹ biết không, những ảnh kiểu cổ ấy.»
«Ồ, những ảnh kiểu ấy, ấy à.»
«Tấm kính mới trông thì trong suốt. Khi người viết trở về viện bảo tàng coi kỹ lại, soi kính lên đèn thì thấy hình một chàng trai trẻ mặc triều phục. Tấm kính hóa ra một tấm ảnh, tất nhiên đã bị phai đi nhiều.»
Thấy chuyện ly kỳ, Oki hỏi:
«Có phải là chúa Iemochi không?»
«Thưa cha hình như là vậy. Có lẽ công nương được chôn với tấm ảnh của người chồng đã chết. Tác giả bài tùy bút viết vậy. Anh ta tính hôm sau sẽ mang tấm ảnh đến Viện Di Vật Văn Hóa để xin ý kiến... Nhưng sáng hôm sau thì hình người biến mất, chỉ còn trơ lại miếng kính.»
Fumiko nhìn con trai, nét ngạc nhiên hiện trên mặt.
Oki cắt nghĩa:
«Như vậy là tại vật chôn nhiều năm, bây giờ bị mang ra không khí và ánh sáng...»
«Đúng vậy, cha ạ. Chuyện này có nhân chứng. Tác giả bài tùy bút có đưa cho một người lính gác xem tấm ảnh khi anh ta tình cờ bước qua. Và anh ta kể đã chính mắt thấy hình ảnh nhà quý tộc trên tấm kính.»
«Chà...»
«Tác giả bài tùy bút gọi đó là một truyện có thật về cuộc sống phù du.»
Sau một phút, Taichiro nói tiếp:
«Nhưng ông ta có xu hướng tiểu thuyết nên thay vì chấm hết ở đây, thì lại thêm dầu giấm vào. Cha biết, người ta đồn hoàng thân Arisugawa mê say công nương Kazunomiya. Có thể tấm ảnh là của hoàng thân chứ không phải của chồng công nương. Có thể lúc hấp hối, công nương bí mật dặn con hầu thân tín là chôn theo tấm ảnh tình lang của bà. Tác giả nói, sự việc như vậy cũng phù hợp với một công nương lãng mạn.»
«Chắc tác giả tưởng tượng ra thôi, con có nghĩ vậy không? Câu chuyện hấp dẫn hơn khi di ảnh của tình lang biến đi một đêm sau khi mang lên từ mộ phần công nương đa tình và bất hạnh.»
«Tác giả viết là lẽ ra tấm ảnh không nên bao giờ được thấy ánh sáng mặt trời. Hình ảnh biến đi đêm ấy cũng phù hợp với ý nguyện của công nương Kazunomiya.»
«Cha cũng đoán vậy.»
«Để kết luận, tác giả bài báo nêu lên ý kiến là một nhà văn có thể bắt lại cái câu chuyện rất đẹp vừa biến đi bằng một tác phẩm văn học. Cha, cha có muốn viết gì với tư liệu này không?»
«Cha không chắc. Có thể viết một truyện ngắn, mở đầu bằng cảnh khai quật... Nhưng cha thấy bài tùy bút cũng đã đủ rồi.»
Taichiro lộ vẻ thất vọng. Anh nói:
«Cha nghĩ vậy sao? Sáng nay nằm trong giường đọc bài này, con đã nôn nóng kể cho cha nghe. Con để bài tùy bút đây cho cha nhé.»
«Cha sẽ đọc.»
Khi Taichiro ra cửa, Fumiko hỏi con:
«Thế bộ xương của công nương thì sao hở con. Họ có định mang vào viện bảo tàng hay trường đại học nào không? Nếu vậy thì nhẫn tâm quá. Họ nên chôn người ta lại như cũ cho tử tế. Như thế mới phải.»
«Bài tùy bút không nói rõ, nhưng con chắc vậy.»
«Nhưng tấm ảnh đã mất. Tội nghiệp công nương cô độc một mình.»
Taichiro nói:
«Chuyện mẹ nói, con không nghĩ ra. Hay là cha viết với ý này đưa vào kết luận.»
«Có lẽ như vậy thì hơi ướt át.»
Taichiro rời phòng sách. Fumiko cũng sửa soạn đi. Bà hỏi chồng:
«Anh không định làm việc sao?»
Oki đứng dậy rời bàn giấy:
«Lát nữa. Sau một câu chuyện như vậy anh cần phải đi bách bộ. Mưa cũng tạnh rồi.»
Fumiko nhìn ra bầu trời nặng mây:
«Có mưa cũng mát. Anh làm ơn vào bếp xem qua chỗ dột cho em.»
«Vừa than thở cho bà công nương lẻ loi vì mất ảnh người yêu, em đã sẵn sàng kiếm ra chuyện thực tế cho anh làm. Như đi tìm chỗ dột trên mái.»
Fumiko lại thùng giày nơi cửa bếp lấy ủng đi mưa cho chồng. Bà nói:
«Taichiro vừa nói về một ngôi mộ, anh có nghĩ con nó không nên đi Kyoto thăm một ngôi mộ khác ngay không?»
Giật mình, Oki nói:
«Sao lại không? Em đúng là chuyện nọ xọ truyện kia.»
«Em không lạc đề đâu. Em bắt đầu suy nghĩ từ khi nó kể chuyện công nương Kazunomiya.»
«Nhưng các lăng tẩm Sanetaka con nó đi xem bây giờ thì cổ hơn cái mộ công nương cả mấy thế kỷ.»
«Con nó đi Kyoto để gặp cái cô gái trẻ bữa trước.»
Oki ngỡ ngàng. Fumiko đã sắp sẵn giày đi mưa cho ông, bây giờ đứng dậy nhìn thẳng vào mắt chồng:
«Cái cô gái đẹp như chồn tinh ấy. Anh có nghĩ cô ta đẹp một cách dễ sợ không?»
Oki ngần ngừ. Ông đã giấu vợ cái đêm ở khách sạn với Keiko. Fumiko mắt vẫn không rời chồng:
«Em có linh tính không lành về chuyện này. Mùa hè này, mình chưa có cơn giông nào đáng kể là cơn giông.»
«Em lại chuyện nọ xọ chuyện kia.»
«Nếu đêm nay có giông, thì con nó đi tầu bay nguy hiểm lắm.»
«Em đừng lo vô lý. Anh chưa bao giờ nghe tàu bay bị sét đánh ở Nhật.»
Oki ra khỏi nhà. Ông nhìn bầu trời thấp nặng mây. Không khí ẩm ướt. Nhưng dù trời có quang đãng, Oki chắc cũng không thoải mái. Ý nghĩ con trai đi Kyoto gặp Keiko đè nặng trong đầu ông. Tất nhiên không có gì chắc chắn, nhưng từ khi vợ nêu lên, ông thấy sự việc rất có thể xảy ra.
Lúc rời nhà, ông có ý định thăm một trong những ngôi đền của Kamakura. Vì Fumiko có nhận xét bất thường về lăng tẩm, đền đài lại thường có nhiều mồ mả nên ông đổi ý. Ông đi thăm cánh rừng trên ngọn đồi gần nhà.
Mùi đất cùng với mùi cây dâng lên, những tàn lá rậm kín xanh mướt như che đậy cho ông. Trong kín đáo riêng tư, hình ảnh Keiko trở về sinh động trong đầu. Trước tiên ông thấy lại núm vú của cô gái. Cái núm vú hồng, da mỏng gần như trong suốt. Gái Nhật có người da trắng như rạng rỡ nữ tính, có lẽ còn thanh hơn đẹp hơn gợi tình hơn con gái tây phương. Và núm vú của những cô gái Nhật ấy hồng một cách muôn vàn thanh lịch. Nước da Keiko không trắng như vậy, nhưng núm vú sắc hồng tươi mát như vừa tắm gội. Núm vú giống cái nụ đặt trên nhũ hoa mịn như kem. Không có những đường da lằn, và cũng không sần sùi có hạt, vừa cỡ để bú cho thỏa tình yêu đương.
Nhưng Oki nhớ lại núm vú của Keiko không phải chỉ vì nó đẹp. Nhớ lại là vì đêm ở khách sạn, cô gái cho ông núm vú phải nhưng khước từ ông núm vú trái. Ông toan sờ thì Keiko lấy tay bưng chặt vú lại giấu đi. Khi ông kéo tay Keiko ra, cô gái vùng vẫy kháng cự.
«Đừng, ông đừng làm vậy... Vú bên trái không tốt đâu.»
Oki khựng tay lại.
«Nó làm sao?» ông hỏi.
«Nó không chịu chui ra.»
«Không chịu chui ra?» ông ngạc nhiên hỏi lại.
«Nó không tốt đâu. Em ghét nó,» Keiko hổn hển trả lời.
Oki hoàn toàn không hiểu. «Nó không chịu chui ra» và «Nó không tốt đâu» là nghĩa lý gì. Phải chăng núm vú chìm, hay méo mó. Phải chăng Keiko sợ mình bị coi như dị dạng. Hay cô gái thẹn thùng không muốn nhận là hai núm vú của mình không giống nhau. Oki nhớ lại lúc bế cô gái lên giường, cô co người lại như con cuốn chiếu như để giấu đi cái vú trái. Nhưng ông đã thấy cả hai vú của cô gái, trước cũng như sau lúc đó. Nếu núm trái có gì bất thường, hẳn ông đã biết.
Thật ra, khi ông dùng sức kéo tay Keiko ra và nhìn kỹ núm vú trái, ông không thấy gì lạ. Cùng lắm là nhỏ hơn núm vú phải một ít. Như vậy có gì bất thường đâu. Vậy thì tại sao Keiko lại phải giấu. Sự chống đối của cô gái lại càng làm ông ham. Sờ đầu vú trái của cô gái, ông hỏi:
«Chắc có ai đặc biệt, nên em dành nó cho người ta?»
Keiko lắc đầu:
«Không, không có ai.»
Mắt mở to, cô gái nhìn thẳng ông. Tất nhiên ông không tin hẳn, nhưng mắt cô gái buồn vời vợi, gần như sắp khóc. Mắt này không phải là mắt người đàn bà đang được ve vuốt. Tuy về sau, Keiko nhắm mắt lại và để ông tự do, cô gái như không còn dự phần nữa.
Phải chăng vú phải của Keiko đã mất trinh, còn vú trái vẫn còn nguyên tiết hạnh. Có điều là mỗi bên vú cho cô gái những phản ứng khác nhau.
Bây giờ thì ông tìm hiểu tại sao cô gái bảo vú trái «không tốt». Thật là quá bạo cho một cô gái nói ra như vậy khi được ông ve vuốt lần đầu. Có thể đây là thủ đoạn sành sỏi. Đàn ông nào lại không bị quyến rũ bởi một người đàn bà mà mỗi bên vú lại tạo ra một khoái cảm khác nhau. Ít nhất cũng muốn thử làm cho hai bên như một. Dù Keiko không sành sỏi mà bẩm sinh như vậy, Oki thấy cô gái rất quyến rũ. Chưa bao giờ ông gặp một người đàn bà mà trình độ nhậy cảm hai núm vú lại khác nhau như vậy.
Nói chung, đàn bà không ai giống ai trong cách thức khoái cảm khi được vuốt ve. Phải chăng phản ứng của Keiko chỉ là một trường hợp rõ hơn về hiện tượng này. Nhiều người nữ sở thích tình dục được uốn nắn bởi thói quen của tình lang. Trong trường hợp ấy, núm vú trái lãnh cảm trở nên một đối tượng vô cùng lý thú. Có thể nguyên do là một tình lang vụng về không kinh nghiệm với phái nữ. Ý nghĩ núm vú trái còn trinh khêu gợi sự thèm khát của ông. Nhưng làm cho hai bên bình đẳng chắc phải mất nhiều thì giờ, và ông nghĩ ông không có thể gặp Keiko thường xuyên như vậy. Ông kết luận là ngay lần đầu ôm ấp mà cứ ép nài cho được bên trái là ngu muội. Ông bèn tìm những điểm kích thích khác của cô gái. Và ông tìm thấy.
Nhưng khi ông bắt đầu động thủ ráo riết, thì cô gái buột miệng gọi tên Otoko. Ông khựng lại, và cô gái đẩy ông ra. Cô ngồi dậy ra bàn phấn sửa lại mái tóc rối. Bên ngoài lại mưa nặng hạt, Oki cảm thấy đơn độc. Niềm cô đơn lúc có lúc không, như không kiểm soát được. Keiko trở lại giường. Cô ngọt ngào:
«Ông ôm em ngủ nhé?»
Không trả lời, Oki ngả lưng xuống đệm ôm cô gái vào lòng. Kỷ niệm của Otoko lần lượt về lại trong trí ông. Lát sau, ông nói:
«Bây giờ thì ta nghe được mùi hương của em.»
«Mùi em?»
«Mùi hương đàn bà của em.»
«Em vô ý quá, chắc tại thời tiết nóng nực ẩm thấp... Em xin lỗi.»
«Không, không phải như em nghĩ. Ta muốn nói cái mùi đáng yêu của người nữ.»
Ông muốn nói cái mùi hương tự nhiên mà đàn bà tiết ra trong vòng tay người yêu. Người nữ nào cũng có mùi hương như vậy, dù chỉ mới là một cô gái nhỏ. Mùi hương không những kích thích gợi tình mà còn làm cho người đàn ông tự tin và cảm thấy mình được đáp ứng. Từ thân xác người đàn bà tiết ra như tâm tình hiến dâng, mùi hương là tất cả đem tặng tình lang. Oki úp mặt giữa hai nhũ hoa, chứng tỏ ông thích thú. Ông nhắm mắt nằm yên, ngụp lặn trong mùi hương của cô gái.
Giờ đây trong lùm cây, hình ảnh cuối cùng của thân thể cô gái hiện ra trước mắt ông là cái núm vú, tươi trẻ và sinh động. Không thể để Taichiro liên hệ với cô gái. Không, không thể để chuyện này xảy ra. Nắm chặt một cây non, ông nghĩ làm thế nào bây giờ. Ông lắc mạnh thân cây, nước đọng trên lá lã chã rơi xuống. Đất vừa mưa còn ẩm, và ông nghe ngón chân ông ướt sũng trong ủng. Ông nhìn những lá cành bao bọc quanh ông, ngột ngạt trong mầu lục non của thảo mộc.
Ông nghĩ chỉ có một cách giữ thằng Taichiro khỏi mê Keiko, là cho nó biết ông đã ngủ với cô gái ở Enoshima. Bằng không, ông có thể đánh điện nhờ Otoko...
Oki vội vã về nhà tìm con trai.
Vợ ông cho hay:
«Nó đi Tokyo rồi.»
«Sớm vậy sao? Nhưng chiều nay nó phải lấy chuyến bay đi Kyoto mà. Nó sẽ ghé nhà trước khi ra phi trường chứ?»
«Không... Về nhà thì ngược đường. Nó bảo nó sẽ ghé lại viện lấy ít tài liệu để mang theo.»
«Anh ngạc nhiên.»
«Chuyện gì vậy anh? Anh có sao không?»
Tránh mắt vợ, Oki vào thẳng phòng văn. Ông đã không kịp gặp con trai, cũng như quá trễ để dặn dò Otoko...
*
Taichiro lấy chuyến bay sáu giờ đi Kyoto. Keiko ra phi trường đón. Anh lúng túng chào hỏi cô gái:
«Tôi không ngờ cô lại ra đón. Cô cẩn thận quá.»
«Anh không biết ơn em sao?»
«Biết ơn chứ. Nhưng mất công cô quá.»
Mắt người con trai sáng lên, cô gái làm bộ thẹn thùng cúi đầu. Vụng về, Taichiro hỏi:
«Cô tới từ Kyoto?»
«Dạ, từ Kyoto. Nhà em ở Kyoto mà. Không từ Kyoto tới thì còn từ đâu tới hả anh?»
Anh cười ngượng, nhìn xuống, mắt gặp chiếc thắt lưng của cô gái.
«Cô đẹp rạng rỡ. Thật là hân hạnh cho tôi được cô ra đón.»
«Anh khen áo em đẹp đấy à?»
«Đúng, áo cô, thắt lưng cô, và cả...»
Anh muốn nói mặt cô, tóc cô.
«Mùa hè em thấy mặc kimono mà thắt lưng cho sát thì mát hơn. Em ghét áo quần lụng thụng...»
Taichiro thấy chiếc áo của cô gái trông như mới nguyên. Keiko nói:
«Em thích những màu nhã cho mùa hè, như màu chiếc thắt lưng này. Hoa văn này tự tay em vẽ đấy.»
Keiko theo Taichiro khi anh đi lấy hành lý. Anh quay lại ngắm áo. Cô gái hỏi:
«Anh có đoán được em vẽ gì không nào?»
«Để coi. Tôi thấy nước này. Cô vẽ con suối phải không?»
«Không phải. Em vẽ cầu vồng. Một cái cầu vồng không có màu... chỉ gồm những đường cong bằng mực đậm nhạt. Không ai nhận ra đâu. Nhưng ý là em quấn mình trong chiếc cầu vồng đang mọc trong núi lúc đêm xuống.»
Keiko quay người cho xem mặt sau thắt lưng. Trên múi thắt bồng là rặng núi màu lục với màu trời hoàng hôn hồng nhạt.
«Thắt lưng hai mặt hai kiểu khác nhau,» cô gái nói, lưng vẫn quay lại cho Taichiro ngắm. «Cái thắt lưng do cô gái bất thường vẽ thì phải bất thường thôi, phải không anh?»
Taichiro bị lôi cuốn bởi màu hồng nhạt trên cái cổ trắng xinh đẹp lộ ra dưới những món tóc chải ngược lên đỉnh đầu.
Hành khách đi Kyoto được hãng hàng không kiếm taxi cho. Taichiro và Keiko được cấp riêng một xe. Lúc rời phi trường, Taichiro nói:
«Đi đón tôi giờ này, chắc cô không kịp ăn tối.»
«Anh vẫn coi em như người xa lạ. Ăn trưa em cũng không thèm, nói chi ăn tối. Em để đói ăn với anh một thể.»
Rồi cô nói khẽ:
«Anh biết không? Em ngắm anh từ tầu bay bước xuống. Anh là người thứ bẩy.»
«Vậy sao?»
Keiko nói rõ ràng từng chữ:
«Đúng, người thứ bẩy. Còn anh, anh không thèm tìm xem có em ở dưới hay không. Người ta ra đón anh thì tất nhiên là đợi anh ở cửa chứ. Vậy mà anh cứ thản nhiên bước xuống. Anh làm em xấu hổ chỉ muốn trốn đi cho mất tăm.»
«Tôi nào ngờ được cô ra đón.»
«Thế tại sao anh lại viết thư hỏa tốc cho em, báo tin anh tới giờ nào?»
«Có lẽ tôi định cho cô hay là tôi đã nhất định đi Kyoto.»
«Anh viết thư mà như người đánh điện tín. Vỏn vẹn chỉ có giờ tàu tới. Em nghĩ anh muốn thử em thôi, để xem em có tới không. Anh định thử em phải không? Anh thử hay không thì em cũng đi đón anh.»
«Oan quá. Nếu thử thì tôi đã phải nhớn nhác tìm cô, đúng không?»
«Trong thư anh cũng không cho hay anh sẽ ở đâu. Nếu em không ra phi trường thì làm sao mà biết được?»
Taichiro rụt rè:
«Thật ra tôi chỉ muốn cho cô hay là tôi đi Kyoto.»
«Em không thích cái điệu này tí nào. Em không biết anh còn định hành hạ em thế nào nữa đây.»
«Tôi nghĩ tôi sẽ gọi điện thoại thăm cô.»
«Và nếu không gọi được, anh sẽ trở về thẳng nhà sao. Có phải anh chỉ muốn cho em biết là anh tới tỉnh. Anh muốn làm nhục em phải không, tới Kyoto mà không thèm gặp em.»
«Không, tôi viết thư cho cô để lấy thêm can đảm đi gặp cô.»
«Can đảm để gặp em?»
Keiko xuống giọng thì thầm:
«Em nên vui không? Hay em nên buồn? Nhưng anh đừng thèm trả lời em. Em rất sung sướng đã đi đón anh. Em không phải là cô tiểu thư mà anh phải cần can đảm mới dám tới gặp. Em chẳng đáng gì, có khi em chỉ muốn chết cho rồi. Anh, anh cứ việc chà đạp lên em.»
«Tại sao cô lại nông nổi bất thần như vậy.»
«Không bất thần đâu. Tính em vẫn như vậy đó. Em cần có người làm cho em không còn tự ái.»
«Tôi sợ tôi không phải hạng người thích làm người khác mất tự ái.»
«Anh có vẻ như vậy. Nhưng với em như vậy không đủ. Anh cứ việc chà đạp lên em.»
«Cô nói như vậy làm gì?»
«Em không biết nữa.»
Keiko lấy tay giữ mái tóc khỏi rối vì bị gió ngoài cửa xe thổi vào. Cô gái nói tiếp:
«Có thể tại em không có hạnh phúc... Nhưng vừa rồi khi ở cửa tầu bay nhìn xuống, sao anh buồn như vậy. Em đứng đợi đón anh, mà anh như không thèm biết có em trên quả đất này.»
Keiko lại nói:
«Anh thờ ơ một chút mà em đã khốn khổ. Tại vì em ích kỷ... Nhưng em phải làm sao cho anh nghĩ là có em trên đời này?»
Anh thú thật:
«Tôi luôn luôn nghĩ đến cô. Ngay cả bây giờ.»
Keiko thì thầm:
«Anh nghĩ đến em thật sao? Ở bên anh bây giờ mà em vẫn chưa tin. Mà em sung sướng lắm. Em chỉ muốn ngồi yên nghe tiếng anh nói.»
Xe taxi chạy qua mấy nhà máy ở Ibaraki và Takasuki. Tới khu đồi gần Yamazaki, hãng rượu Suntory đèn thắp sáng trưng, sừng sững đàng trước.
Keiko hỏi:
«Chuyến bay có xóc không anh? Em lo cho anh, chiều nay Kyoto có cơn giông lớn.»
«Chuyến bay cũng khá êm. Nhưng có lúc hú vía khi máy bay như đâm thẳng vào núi.»
Keiko sợ hãi nắm lấy tay Taichiro. Anh nói tiếp, bàn tay vẫn bị cầm giữ trong bàn tay cô gái:
«May quá, hóa ra chỉ là đám mây đen.»
Taxi vào Kyoto, đến đại lộ số 5 thì rẽ về hướng đông. Trời im gió, những cành dương liễu bên đường rũ lá đứng lặng, nhưng nhờ vừa mưa nên không khí mát mẻ. Xa xa cuối hàng cây, mây chiều che khuất nửa mấy ngọn đồi phía đông. Mới tới ven đô, Taichiro đã cảm thấy không khí Kyoto.
Taxi chạy lên phố Horikawa, rồi dọc đường Oiki tới hãng Hàng Không Nhật. Taichiro đã giữ phòng tại Khách Sạn Kyoto, toan ghé lại cất va-li. Anh nói:
«Ta đi bộ nhé. Ngay cuối phố thôi.»
«Không, em không chịu đâu.»
Keiko trở lại taxi ngồi. Gọi Taichiro vào lại xe, cô gái nói với tài-xế:
«Cho chúng tôi tới Kiyamachi nhé. Quá đại lộ số 3 một tí.»
Taichiro dặn riêng:
«Trên đường thì làm ơn thả tôi tại Khách Sạn Kyoto.»
Nhưng Keiko vẫn không bằng lòng:
«Khỏi cần, bác tài ơi. Làm ơn đưa chúng tôi đến thẳng Kiyamachi.»
Hai người tới một trà thất cuối con hẻm. Nhân viên nhà hàng đưa khách vào căn phòng nhỏ nhìn ra sông. Nhình quang cảnh xung quanh, Taichiro thích thú hỏi làm sao cô gái lại biết chỗ đặc biệt này.
«Cô giáo em hay đưa em tới đây.»
«Cô muốn nói cô Ueno?»
«Đúng, em muốn nói cô em.»
Nói xong, Keiko ra khỏi phòng. Anh đoán cô gái ra gọi cơm tối cho hai người. Lát sau trở lại, cô gái nói:
«Em mong anh không bực mình. Em muốn anh trọ tại đây. Em vừa gọi khách sạn của anh cho hay là anh không cần phòng nữa.»
Taichiro hết sức ngạc nhiên. Anh nhìn cô gái, Keiko e sợ cúi xuống. Cô phân trần:
«Tha lỗi cho em. Em đường đột chỉ vì không muốn anh trọ tại một khách sạn xa lạ với em.»
Taichiro không biết nói gì.
«Anh, anh ở đây đi. Chuyến này anh chỉ ở Kyoto có hai ba ngày thôi phải không?»
«Đúng.»
Keiko ngẩng lên nhìn Taichiro. Nét mày cong đều đặn vẽ nhạt hơn làn mi một chút làm đôi mắt đen lánh như ngọc huyền. Vành môi tô nhạt, nhưng đôi má không phấn. Keiko trông ngây thơ ngoan ngoãn.
Cô gái chớp mắt, nói:
«Thôi đi anh. Tại sao anh cứ nhìn em chầm chập như vậy?»
«Lông mi cô thật là dầy.»
«Lông mi thật đấy. Không tin anh kéo thử mà xem.»
«Tôi quả có muốn kéo mi cô.»
«Anh cứ việc. Kéo đi, em không buồn đâu.»
Cô vừa nói vừa chìa mặt tới, mắt nhắm, sẵn sàng. Cô lại nói:
«Mi em trông dài có lẽ tại vì cong.»
Keiko đợi, nhưng Taichiro không đụng tới mi nàng. Anh bảo:
«Cô đừng nhắm nữa, nhìn lên một chút và mở mắt thật to ra.»
Làm theo lời, Keiko hỏi:
«Anh có muốn em nhìn thẳng mắt anh không?»
Vừa lúc đó, nhà hàng mang đồ uống và mấy món khai vị ra.
Keiko hỏi:
«Anh uống bia hay sa-kê? Em không uống rượu đâu.»
Hình như có đám tiệc linh đình với cả ca kỹ ngoài sân thượng, bên kia vách giấy. Đám tiệc bỗng yên lặng, và có tiếng đàn nhị và tiếng phường nhạc đang đi dưới bến sông.
Keiko hỏi:
«Mai anh tính làm gì?»
«Thứ nhất, tôi muốn thăm một ngôi mộ cổ gần đền Nisonin. Ngôi mộ rất đẹp, thuộc một gia đình hoàng tộc.»
Mắt nhìn chiếc quạt điện, Keiko nói:
«Cho em đi theo với. Em định rủ anh thuê tàu máy đi hồ Biwa chơi, nhưng hôm khác cũng được.»
Taichiro ngần ngại:
«Tôi không biết lái tàu máy.»
«Em biết.»
«Cô biết bơi không?»
Cô gái nhìn anh:
«Phòng khi tàu lật ấy à? Khi ấy anh sẽ cứu em. Anh sẽ vớt em chứ? Em sẽ ôm chặt lấy anh.»
«Nếu cô ôm chặt thì làm sao tôi cứu cô được.»
«Vậy thì em phải làm gì?»
«Tôi phải ôm cô, từ đằng sau ôm tới.»
Nghĩ chuyện ôm cô gái xinh đẹp này để cứu cô ta nếu đắm tầu, người con trai đỏ mặt.
Keiko nói:
«Em không sợ tầu chìm.»
«Tôi không chắc có thể cứu nổi cô đâu.»
«Anh không cứu nổi em thì đã sao.»
«Không nên nói gở. Cô nên bỏ ý định đi tầu máy đi.»
«Nhưng em trông chờ đã lâu. Không có gì phải sợ đâu.»
Rót thêm bia cho Taichiro, cô nói:
«Anh không thay kimono cho nó mát.»
«Thôi khỏi. Tôi thoải mái như thế này.»
Hai chiếc áo ngủ một nam một nữ, gấp gọn ghẽ để sẵn góc phòng. Taichiro tránh mắt, nhìn đi chỗ khác. Anh đoán cô gái đã giữ một phòng ngủ chung cho hai người. Phòng ăn hai người đang ngồi không có chỗ thay quần áo, mà anh cũng không muốn thay trước mặt cô gái.
Cô chiêu đãi viên lặng lẽ bưng món ăn vào. Keiko cũng yên lặng. Có tiếng đàn Samisen từ cuối sông vọng lại. Bàn tiệc ngoài sân thượng cũng bắt đầu huyên náo, và một thực khách nói oang oang giọng Osaka nghe rõ mồn một. Tiếng nhị cũng như lời ca trữ tình đằng xa nhỏ dần. Từ bàn ăn thấp giữa phòng, hai người không còn thấy cảnh sông nữa.
Keiko hỏi:
«Ông có biết anh đi Kyoto không?»
«Cha tôi ấy à? Tất nhiên là ông biết. Nhưng ông không thể nào đoán được là cô ra phi trường đón tôi, và bây giờ chúng mình đang ngồi với nhau thế này.»
«Thế là em thỏa chí. Được anh trốn cha đi với em.»
«Tôi không có ý định giấu ông chuyện gì... Cô nghĩ tôi giấu cha tôi sao?»
«Dù sao thì kết cuộc cũng vậy thôi.»
«Thế còn cô Ueno của cô?»
«Em không thở ra cho cô em một tiếng. Tuy nhiên em sẽ không ngạc nhiên nếu cả hai người đều nghi chúng mình. Nếu mà như vậy thì em thật thỏa chí.»
«Tôi không nghĩ hai người nghi ngờ điều gì đâu. Cô Ueno chưa bao giờ nghe chuyện chúng mình, đúng không? Cô có nói gì với cô ấy không?»
«Em có nói với cô em là anh dẫn em đi xem cảnh ở Kamamura. Khi em nói là em thích anh, cô em tái mặt đi.»
Mắt Keiko long lanh, và má cô gái ửng hồng. Cô lại nói:
«Anh nghĩ cô em có thể dửng dưng khi nghe chuyện con trai của người đã gây ra cho cô bao nhiêu buồn đau? Cô em kể: cô đã vô cùng khốn khổ khi nghe tin mẹ anh sanh em gái anh.»
Taichiro lặng yên.
«Cô em đang vẽ bức tranh cô đặt tên là «Em bé lên trời». Bức tranh vẽ đứa bé ngồi trên đám mây ngũ sắc, tuy rằng em nghe nói đứa bé ấy chết sớm trước cả khi biết ngồi.»
Dừng lại một giây, Keiko nói:
«Nếu sống, chắc nó lớn hơn em gái anh vài tuổi.»
«Cô kể những chuyện này cho tôi làm gì?»
«Em muốn trả thù cho cô em.»
«Nhắm cha tôi mà trả thù?»
«Và cả anh nữa.»
Taichiro lấy đũa gượng gạo xắn miếng cá trong đĩa trước mặt. Thấy vậy, Keiko kéo đĩa cá về mình và nhanh nhẹn lóc xương cho Taichiro. Cô hỏi:
«Cha anh có nói gì về em không?»
«Không. Mà tôi cũng không nói với ông chuyện cô.»
«Tại sao không?»
Mặt như có đám mây mù che, Taichiro cảm thấy một bàn tay lạnh ngắt vừa sờ vào anh. Anh nói:
«Tôi không bao giờ nói với cha tôi chuyện đàn bà.»
Nụ cười thích thú trên môi, cô gái nhắc lại:
«Chuyện đàn bà?»
Giọng khô khốc, anh hỏi:
«Cô định trả thù tôi như thế nào?»
«Em không biết nói làm sao... Có lẽ em sẽ yêu anh.» Mắt cô gái xa xăm, như đang nhìn bên kia sông. «Anh có cho là tức cười không?»
«Cô trả thù bằng cách yêu tôi?»
Keiko thẹn thùng gật đầu. Như người cất được gánh nặng, cô gái khẽ nói:
«Đó là cái ghen của đàn bà.»
«Ghen cái gì?»
«Em ghen vì cô em vẫn còn yêu cha anh... Vì cô em không chút oán hận ông.»
«Cô yêu cô Ueno nhiều đến như vậy?»
«Nhiều đủ để chết vì cô em.»
«Chuyện ngày xưa, tôi không thay đổi được. Nhưng chuyện chúng ta ngồi đây với nhau liên quan gì đến cố sự giữa cô Ueno và cha tôi?»
«Tất nhiên là liên quan. Nếu em không sống với cô em, thì anh đã không hiện hữu với em. Em đã chẳng bao giờ có cơ hội gặp anh.»
« Cô không nên nghĩ như vậy. Một cô gái trẻ nghĩ như vậy là bị ám ảnh bởi những hồn ma quá khứ. Có lẽ vì vậy mà cổ cô cao và mảnh như cổ ma... Tất nhiên là cao mà đẹp.»
«Gái cổ cao không bao giờ yêu ai, cô em nói vậy... Nhưng em ghét cổ mập.»
Taichiro cố nhịn không đưa tay ra sờ cổ cô gái. Anh nói:
«Cô bị ma ám đấy.»
«Không, em tương tư thôi.»
«Cô Ueno không biết gì về tôi phải không?»
«Khi em đi Kamakura về, em nói với cô em là anh chắc giống cha anh khi ông còn trẻ.»
Taichiro khó chịu. Anh nói:
«Vô lý. Tôi không giống cha tôi chút nào.»
«Anh bực sao? Anh không thích giống cha sao?»
«Cô luôn luôn không thực với tôi. Từ lúc gặp nhau ở phi trường đã vậy, đúng không? Cô không muốn tôi biết cô đang nghĩ gì trong đầu.»
«Em không định dối gì anh.»
«Vậy thì lúc nào cô cũng ăn nói điệu này sao?»
«Anh không công bình với em. Anh ác với em lắm.»
«Tại lúc nãy cô nói tôi cứ việc giẫm lên cô, cô còn nhớ chứ.»
«Anh nghĩ là phải hành hạ em, anh mới biết được sự thật sao? Em không nói dối đâu. Chỉ có anh là không chịu hiểu em nói gì. Anh mới là người giấu ý nghĩ của mình. Chính vì vậy mà em khổ thân anh ạ.»
«Cô khổ thân?»
«Tất nhiên rồi. Nhưng mà không, em không biết em khổ hay sướng nữa.»
«Còn tôi thì tôi không biết đến đây với cô để làm gì.»
«Không phải anh đến vì anh yêu em sao?»
«Tất nhiên rồi. Nhưng mà...»
«Nhưng mà cái gì hở anh?»
Taichiro không trả lời. Hai bàn tay cô gái nắm lấy tay anh lay mạnh, Keiko hỏi tới:
«Nhưng mà chuyện gì?»
Anh nói:
«Cô không ăn gì cả.»
«Cô dâu nào lại ăn nhiều ngay bữa tiệc cưới của mình.»
«Cô lại nói cái điệu như vậy.»
«Anh khơi ra nói chuyện ăn uống chứ đâu phải em.»
Dịch giả:Mai Kim NgọcNguồn: Dịch từ bản tiếng Pháp Tristesse et Beauté của Amina Okada, Albin Michel, 1961