Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Đẹp và buồn

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 5090 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Đẹp và buồn
Yasunari Kawabata

Chương 4

Khi viết đã mệt hay khi cạn mạch văn, Oki thường ra ngả lưng trên chiếc phản nhỏ kê tại hành lang ngoài phòng làm việc. Xế trưa, có khi ông thiếp đi một hai tiếng. Chỉ gần đây, ông mới ngủ ngày. Trước kia, ông thường đi bách bộ. Sau nhiều năm, ông đã quen thuộc với vùng Kamakura, từ đền đài cho tới đồi núi. Dậy sớm, ông thường đi một thời ngắn buổi sáng. Khi đã thức giấc, ông không ưa nằm trong giường và ra khỏi nhà trong khi người làm quét dọn. Trước cơm tối, ông đi bộ một thời dài hơn.
Hành làng ngoài phòng làm việc khá rộng, phía cuối kê bàn viết và ghế. Ông ra đây viết những khi chán viết trong phòng làm việc. Chiếc phản nằm rất thoải mái, đặt lưng xuống là những khó khăn trong đầu tan biến đi. Mỗi khi đang viết cuốn truyện, ông thường trằn trọc ban đêm và nằm mơ thấy đoạn văn đang dở dang. Nhưng ban ngày nằm trên phản, giấc ngủ tới dễ dàng và xoa dịu đi mọi ưu tư.
Hồi trẻ, ông không bao giờ ngủ ngày. Có khi ông tiếp khách suốt buổi chiều. Ông viết đêm, thường từ nửa đêm cho đến sáng. Bây giờ ông viết ban ngày và ngủ vặt, không nhất thiết giờ nào. Mỗi khi mạch văn cạn, ông ra phản ngả lưng, khi buổi sáng, khi buổi chiều. Không như hồi còn viết đêm, ông hiếm khi thấy mệt mỏi mà lại gia tăng trí tưởng tượng.
Ngủ ngày thế này chắc tại mình già, ông nghĩ. Nhưng dù sao chiếc phản như có phép lạ. Nằm xuống thì dễ ngủ, mà thức dậy thì tỉnh táo khỏe khoắn. Thường thường ngủ xong, ông tìm được lối ra khỏi mạch văn đang bí. Thật là nhiệm màu.
Tiết trời đang vào mùa mưa mà ông ghét nhất. Nhà ông cách biển khá xa, quá một dãy đồi, nhưng khi mưa, không khí vẫn sũng hơi nước. Trời thấp và buồn. Oki cảm thấy mắt mờ và thái dương trái nặng như có mốc meo đang mọc trong những nếp não thùy. Có ngày ông ngủ hai ba lần, sáng và chiều.
Một buổi trưa, Oki vừa thức giấc nhưng còn nằm trên phản thì người làm vào trình là có khách tên Sakami từ Kyoto tới thăm.
«Hay con bảo người ta là ông đang nghỉ?»
«Đừng. Một cô gái phải không?»
«Dạ đúng. Cô ta có đến đây một lần rồi.»
«Con dẫn cô ấy vào phòng khách đi.»
Ông nhắm mắt định thần và tĩnh trí lại. Cái ủ ê của ngày mưa nhờ giấc ngủ trưa đã nhẹ đi, nhưng nghe Keiko đến thì ông tỉnh hẳn. Ông nhỏm dậy, rửa mặt, sửa soạn áo xống cho lịch sự và bước ra phòng khách. Cô gái vội đứng dậy thi lễ. Mặt cô hơi ửng lên như bẽn lẽn.
«Em xin lỗi tới đường đột thế này.»
«Em tới thế này tốt lắm. Lần trước ta đi bách bộ, đã lỡ không gặp em. Giá hôm ấy em nán ở thêm một chút thì ta đã gặp rồi.»
«Anh Taichiro tiễn em ra ga.»
«Ta có nghe nó nói lại. Taichiro có dẫn em đi coi thành phố phải không.»
«Dạ phải.»
«Em gốc Tokyo chắc cũng chẳng xa lạ gì với thành phố này. Tất nhiên là Tokyo không thể sánh với Kyoto hay Nara được.»
Keiko nhìn thẳng vào mắt ông:
«Hôm đó mặt trời lặn trên biển cũng đẹp lắm.»
Oki ngạc nhiên là con trai đã dẫn cô gái ra tận biển. Ông nói:
«Từ hôm Tết, ta đã không gặp em. Vậy mà nửa năm rồi.»
«Ông Oki, ông cho vậy là lâu sao? Nửa năm mà ông cho là lâu à.»
Không biết cô gái muốn dẫn câu chuyện đến đâu, ông nói:
«Lâu hay chóng thật ra cũng tùy...»
Keiko không cười, làm như câu trả lời của ông nhạt nhẽo. Ông nói thêm:
«Nếu không được gặp người yêu nửa năm, em sẽ thấy sáu tháng dài lắm.»
Keiko vẫn yên lặng với cái vẻ coi thường lúc nãy. Đôi mắt màu lục trân trân nhìn ông như thách thức. Oki bực mình. Ông tìm cách đưa cô gái vào thế bị động. Ông nói:
«Nếu có bầu sáu tháng, em có thể cảm thấy con nó ngọ nguậy trong bụng.»
Cô gái vẫn không trả lời. Như để chữa, ông xoay ra nói chung chung:
«Dù sao chúng ta đã trải qua hai mùa của năm, đông và hè, tuy hè mà mưa vẫn rả rích thế này. Thật ra chuyện thời gian, ngay các triết gia cũng không có giải thích thỏa đáng. Người ta bảo thời gian là giải pháp cho mọi vấn đề, nhưng ta vẫn nghi ngờ điều ấy. Ý em thế nào, Keiko. Phải chăng chết mới là hết phải không?»
«Em không bi quan đến thế.»
«Ta không cho thế là bi quan. Tất nhiên cùng khoảng thời gian nửa năm với ta khác với một người nữ trẻ như em. Thời gian lại càng khác nữa, chẳng hạn như với người bị ung thư chỉ còn nửa năm để sống... hay với kẻ chết bất kỳ tử vì xe cộ, chiến tranh, hay bị hành thích mà qua đời...»
«Nhưng ông Oki, ông là nghệ sĩ, đúng không? Ông không nghĩ nghệ sĩ bất tử vì tác phẩm mình để lại sao?»
«Ta sợ tác phẩm ta để lại quá xoàng xĩnh, nhắc đến chỉ thêm ngượng.»
«Ông không cần phải ngượng vì bất cứ tác phẩm nào của ông.»
«Ta cũng mong như vậy. Sự thật là tất cả sự nghiệp của ta sẽ mai một, mai hậu sẽ không để lại vết tích gì. Nhưng chuyện đó cũng không đáng phiền lòng.»
«Làm sao ông có thể nói như vậy. Ông biết rằng cuốn truyện ông viết về cô em sẽ không mai một với thời gian.»
Ông cau mày:
«Lại cuốn truyện đó. Em gần gũi cô em như vậy mà cũng nói như vậy sao?»
«Em nói như vậy có lẽ chính tại em hiểu cô em. Rất tiếc là em không làm khác được.»
«Có lẽ em nói đúng.»
Keiko trở nên lém lỉnh:
«Ông Oki, sau cô em, ông có yêu ai nữa không?»
«Có. Nhưng không phải như với Otoko.»
«Tại sao ông không viết về mối tình ấy?»
«À... tại người đàn bà này khẳng định là không muốn ta viết về nàng.»
«Vậy sao?»
«Thực ra không viết được có lẽ là tại chính ta. Ta nghĩ một đời người không thể vắt ra hai lần chừng ấy cảm xúc.»
«Nếu là em, ông có viết về em, em cũng chẳng phiền hà.»
«Ủa?»
Oki ngạc nhiên. Ông nghĩ đây mới là lần gặp gỡ thứ ba, nếu như thế này có thể gọi là gặp gỡ. Làm sao ông có thể viết về cô bé, trừ khi mượn cái nhan sắc này để gán ghép cho nhân vật nọ trong một tác phẩm tương lai.
Ông chợt nghĩ con trai ông đã đi biển chơi với cô gái. Chuyện gì đã xảy ra hôm đó? Oki bất giác cười như để giấu sự nghi ngờ chợt đến trong đầu.
«Thế là ta có được người mẫu.»
Ông nói đùa, nhưng đang cười ông phải dừng lại nửa chừng vì cái đẹp quyến rũ mà dị kỳ của cô gái. Đôi mắt cô bé ướt như có ngấn lệ.
Keiko nói:
«Cô Ueno hứa vẽ chân dung cho em.»
«Vậy sao?»
Keiko lại nói:
«Hôm nay em mang một tấm tranh nữa lại cho ông coi.»
«Ta không dám nhận mình thạo tranh trừu tượng, nhưng em cứ cho ta coi thử. Phòng bên thoáng hơn, ta sang đó coi tranh. Hai bức tranh em mang tới kỳ trước, con trai ta nó đem treo trong phòng nó.»
«Hôm nay anh ấy không có nhà.»
«Hôm nay là ngày nó lên đại học giảng bài. Còn mẹ nó thì đi xem kịch.»
«Em mừng là ông ở nhà một mình,» Keiko khẽ nói rồi ra cửa lấy tranh mang vào. Khung tranh bằng gỗ mộc. Màu lục là màu chính, những màu khác tùy hứng thêm vào rất bạo. Cả bức tranh như dậy sóng.
«Ông Oki, em nghĩ vẽ thế này là hiện thực. Đây là một đồi chè ở Uji.»
Ông cúi xuống ngắm tranh. Rồi ông nói:
«Đồi chè mà trông như sóng cuộn. Một biển màu lục của lá chè nhờ tuổi trẻ của em mà dậy thủy triều lên. Thoạt tiên ta đã tưởng em vẽ một trái tim đang vỡ tung thành những ngọn lửa.»
«Ông ơi, em sướng quá. Được ông thấy tranh em như vậy...»
Trong phòng khách kiểu Nhật, Keiko quỳ sát bên ông trước bức tranh, cầm nàng gần như đụng vai ông. Ông nghe hơi thở tươi mát của cô gái bay lẫn vào tóc.
Keiko nói:
«Chao ôi, em sướng làm sao. Em sướng vì ông thấy được trái tim em trong tranh. Không, em thật ra không vẽ đồi chè.»
«Quả là đầy sức sống.»
«Tất nhiên khi vẽ, em tới tận nơi thực tế. Ông ạ, nhưng mà chỉ trong giờ đầu là em thấy đồi chè với luống chè...»
«Ta không hiểu.»
«Đồn điền trà hôm ấy rất tĩnh lặng. Thế mà bất thần em thấy tất cả những bụi chè bắt đầu lắc lư, xao động, và sau cùng thì em thấy cái cảnh như đã vẽ lại trong tranh. Không phải là trừu tượng đâu, mà là chính em thấy như vậy.»
«Em, cho đến hôm nay gặp em, ta thường nghĩ một đồi chè dù đầy lá non, vẫn là một cái gì thuần thục dè dặt...»
«Ông, em chưa bao giờ biết dè dặt hay thuần thục là gì đâu... Dù trong nghệ thuật hay trong cảm xúc.»
«Ngay cả trong cảm xúc?»
Ông nhìn Keiko, vai ông chạm vào cô và ông nghe cái êm mềm của bộ ngực người nữ. Mắt ngưng lại ở vành tai cô gái, ông nói:
«Em coi chừng, cứ đà này thì có ngày em tự cắt đi cái tai xinh đẹp này.»
«Em không có tài như Van Gogh. Muốn cụt tai, chắc em phải nhờ ai cắn dùm em mất thôi.»
Ngạc nhiên, Oki quay lại, Keiko vịn vào ông để khỏi mất thăng bằng. Ép mình hẳn lên người ông, Keiko nói:
«Em ghét đã cảm xúc mà còn đắn đo dè đặt.»
Chỉ cần kéo nhẹ là cô gái ngã vào lòng ông để đón nhận cái hôn. Nhưng ông bất động. Cô gái cũng bất động. Mắt nhìn mắt, cô gái thì thầm:
«Ông...»
«Vành tai em đẹp quá. Bán diện em đẹp như thiên thần.»
Làn da mịn trên cái cổ mảnh và dài ửng đỏ lên một chút. Cô nói:
«Em sung sướng được ông khen. Cho đến chết chắc em cũng không quên. Nhưng sắc đẹp con người bền được bao lâu, ông nhỉ. Đàn bà khi nghĩ đến chuyện già chuyện xấu cũng buồn lắm.»
Ông lặng yên. Keiko lại nói:
«Bị chiêm ngưỡng một cách sỗ sàng tất nhiên là khó chịu, nhưng được một người đàn ông như ông khen đẹp, đàn bà nào mà không lâng lâng trong lòng.»
Oki sững sờ vì lời nói bạo. Nếu cô gái đã nói thẳng ra cô mê ông hay yêu ông, chắc ông cũng chỉ ngạc nhiên đến thế.
Lấy giọng trân trọng, ông nói:
«Ta cũng sung sướng đã được chiêm ngưỡng em. Tuy nhiên còn bao nhiêu vẻ đẹp khác nơi em, ta nào đã thấy.»
«Ông nghĩ vậy sao? Em không phải người mẫu. Em chỉ là một người thích vẽ.»
«Họa sĩ được sử dụng người mẫu. Nhiều khi ta ước nghề văn của ta cũng được như vậy.»
«Nếu ông muốn, em xin làm người mẫu cho ông...»
«Cám ơn em.»
«Em đã nói mà, em không quản ngại nếu ông viết về em. Em chỉ tiếc là em không sánh nổi cô gái lý tưởng trong hư cấu của ông.»
«Em muốn ta viết về em một cách hiện thực hay trừu tượng?»
«Viết làm sao là hoàn toàn tùy ông.»
«Chắc em biết làm người mẫu cho nhà văn khác làm người mẫu cho họa sĩ.»
Keiko chớp đôi hàng mi cong dài. Cô gái nói:
«Em biết. Nhưng ông nghĩ sao khi em vẽ đồi chè là cảnh thiên nhiên, mà chung cuộc lại hóa ra cảnh nội tâm của chính em.»
«Tranh nào chẳng vậy, phải không? Dù tranh hiện thực hay trừu tượng... Nhưng với họa sĩ, người mẫu chủ yếu chỉ là một tấm hình hài. Còn với nhà văn, người mẫu trước hết phải là một con người. Nhà văn sẽ không biết làm gì với người mẫu nếu cô ta hay anh ta trông vào chỉ gợi ra một phong cảnh hay một bó hoa.»
«Ông Oki, em là một con người như ông định nghĩa đấy.»
«Em nói đúng. Em quả là một con người, một con người xinh đẹp nữa.»
Đưa tay kéo Keiko đứng dậy, ông nói tiếp:
«Nhưng người mẫu ngay cả khi ngồi khỏa thân cho họa sĩ vẽ, anh ta hay cô ta chỉ cần ngồi bất động lúc lâu là đủ. Nhưng như vậy chưa đủ cho một nhà văn.»
«Em biết.»
«Chắc không?»
«Chắc.»
Oki lúng túng vì cô gái quá bạo. Ông nói lảng:
«Vậy thì ta sẽ mượn đôi nét mỹ miều của em để gán cho nhân vật truyện ta.»
Cô gái nhất định không tha:
«Làm người mẫu như vậy thì có gì vui thú.»
Oki đổi đề tài:
«Mà Keiko này, đàn bà thật là lạ. Có mấy bà tự nhiên bảo là ta đã dựa vào họ mà dựng ra nhân vật này nhân vật nọ.»
«Ông ạ, phụ nữ bất hạnh thường tự an ủi mình bằng ảo tưởng.»
Ông nói:
«Có thể họ không được thăng bằng bộ thần kinh.»
Keiko bắt vào:
«Đàn bà dễ mất thăng bằng. Em nghĩ ông dư sức làm cho họ mất thăng bằng phải không?»
Oki không biết nói gì.
Keiko làm tới:
«Em nghĩ thật ra ông không cần làm gì cho họ mất thăng bằng, ông chỉ cần bình tĩnh ngồi đợi cho họ tự mất thăng bằng lấy.»
Ông cố gắng xoay hướng câu chuyện:
«Dù sao, làm người mẫu cho nhà văn rất khác. Đó là một sự hy sinh không bao giờ được đền bù.»
Cô không buông tha:
«Em ao ước được hy sinh. Có lẽ hy sinh cho người khác là lẽ sống của em.»
Ông càng ngày càng ngạc nhiên vì cô gái. Ông nói:
«Trường hợp em, em tự ý hy sinh. Và hy sinh xong, em sẽ đòi hỏi người ta phải hy sinh lại cho em cái gì...»
«Ông nói không đúng. Hy sinh xuất phát từ tình yêu, từ khát khao...»
«Không phải là em đang hy sinh cho cô Otoko sao?»
Keiko không trả lời.
Đến lần ông làm tới:
«Đúng như vậy, phải không nào?»
«Em thương cô Otoko, đúng. Nhưng dù sao cô em vẫn là đàn bà. Không có gì trong sạch trong việc một người đàn bà hiến dâng đời mình cho một người đàn bà khác.»
«Chuyện này thì ta không có ý kiến.»
«Yêu đương như vậy, cả hai sẽ tự hủy diệt.»
«Hủy diệt?»
«Dạ, hủy diệt.»
Giây sau, Keiko nói tiếp:
«Em không mơ hồ về chuyện này đâu. Em ao ước gặp được người đàn ông làm cho em hoàn toàn quên bản thân em, dù chỉ năm mười ngày em cũng chấp nhận.»
«Em đòi hỏi quá nhiều ở tình yêu. Ngay trong hôn nhân, ta cũng không nghĩ có chuyện quên mình như em vừa nói.»
«Nhiều đám muốn hỏi em làm vợ. Nhưng cái thứ hy sinh vợ chồng đó không đáng kể. Vì trong hôn nhân, em sẽ vẫn còn lo cho thân em. Và ông biết, em đã nói em ghê sợ thứ cảm xúc dè dặt chừng mực trong một vòng phấn.»
«Nghe em, ta tưởng như em chỉ còn một giải pháp là tự vận sau khi gặp được ý trung nhân vài ngày.»
«Em không sợ tự vận, chết còn sướng hơn là sống trong chán chường vô vị. Ông có thể bóp cổ em cho chết ngay bây giờ, em vẫn sung sướng. Em muốn nói là ngay sau khi ông dùng em làm người mẫu cho truyện của ông.»
Oki không muốn tin cô gái chỉ có ý định quyến rũ mình. Ông không nghĩ cô là hạng đàn bà mưu mô loại đó. Ông lại nghĩ dù sao, cô gái có thể là một mẫu nhân vật ly kỳ thú vị. Tuy nhiên ông sợ một cuộc tình kết thúc bằng chia lìa rất có thể đưa cô gái vào nhà thương điên, như trường hợp Otoko.
Ông chợt nhớ hồi đầu xuân, khi Keiko mang hai bức tranh tới, Taichiro đã tiếp cô gái, lại đưa cô ta ra tận biển Kamakura. Cô gái chắc đã chinh phục con trai ông. Liên hệ với Keiko sẽ nguy hiểm cho Taichiro. Ông tự nhủ ông nghĩ vậy chỉ vì lo cho con, và không hề có ý ghen tuông.
Keiko nói:
«Bức tranh đồi chè này, em mong ông treo trong phòng làm việc của chính ông nhé.»
Ông ậm ừ. Cô nói tiếp:
«Em mong ông nhìn tranh em một lần ban đêm, dưới ánh đèn mờ. Bấy giờ màu xanh của đồi chè sẽ hòa vào màu nền, và tất cả những màu sặc sỡ của em sẽ nổi bật lên và trôi ra ngoài tranh...»
«Ta nghĩ xem tranh xong, chắc ta sẽ có những giấc mộng kỳ dị lắm.»
«Em tò mò, không biết ông sẽ mơ thấy gì nhỉ?»
«Ồ. Chắc là những giấc mơ trẻ. Khẳng định là vậy.»
«Ông tử tế với em quá. Ông thật nghĩ như vậy ấy ư?»
«Em trẻ, chuyện ấy tất nhiên thôi.»
Ông nói tiếp:
«Những làn sóng chè mềm mại là ảnh hưởng của Otoko, còn màu sắc thì là của em.»
«Ông treo tranh em một ngày là đủ, sau đó ông cho nó nằm hứng bụi trong ngăn tủ, em cũng không buồn. Bức tranh không đúng ý em. Một ngày nào đấy em sẽ tới cắt vụn nó ra thành giẻ rách.»
«Em nói cái gì?»
Dáng điệu bỗng dễ thương hiền thục, cô gái nói:
«Em nói thật đấy. Bức tranh này xấu xí, nhưng nếu ông treo trong phòng đọc sách của ông một ngày là em mãn nguyện...»
Ông không biết nói gì. Keiko yên lặng cúi đầu. Rồi nàng trở lại chuyện mộng mị:
«Em tò mò không biết bức tranh đem lại cho ông giấc mơ gì?»
«Ta sợ ta sẽ mơ thấy em.»
«Ông cứ mơ đi nhé, ông muốn mơ gì thì mơ.»
Má nàng đỏ hồng thẹn thùng. Nàng lại nói:
«Ông Oki, nhưng ông chưa làm gì nên chuyện, để có chuyện mà mơ về em.»
Mắt cô gái như dại đi.
«Vậy thì để ta tiễn em về, như thằng Taichiro tiễn em bữa trước. Nhà đi vắng cả, ta không tiện mời em ở lại dùng cơm tối. Để ta gọi taxi.»
*
Xe chạy quá Kamakura, dọc theo bãi biển Shichiri. Biển và trời cùng một màu xám. Oki cho xe đậu tại sở cá. Ông mua mực và cá mòi để cho cá heo ăn. Keiko đưa mồi ra cho cá nhảy lên đớp. Cô đưa mồi mỗi lúc một cao, và cá heo nhảy cao lên theo. Cô vui thích như trẻ thơ, không để ý là bắt đầu có hạt mưa.
Lát sau Oki giục:
«Ta về thôi, kẻo mưa lớn. Quần áo em ẩm nước rồi đấy.»
«Ô, em vui quá.»
Trong xe, Oki nói có nhiều đàn cá heo hay về phía bên kia vịnh, quá suối nước nóng ngầm một chút. Ông kể:
«Người ta lùa cá vào gần bờ và đàn ông tay không cởi truồng nhảy xuống bắt. Cá heo rất thích được cù dưới mang, nên bị bắt mà cứ tưởng là được ôm nên không chống cự.»
«Tội nghiệp cá chưa.»
«Không biết một cô gái ngoan có thích được người ta cù không, em nhỉ?»
«Ông nói gì mà ghê vậy. Em nghĩ cô gái ngoan của ông sẽ cào cấu cho nát mặt cái anh đàn ông dê ra.»
«Xem vậy thì cá heo dễ thương hơn con gái.»
Xe taxi đến một khách sạn trên đình đồi có tầm nhìn bao quát vịnh Enoshima. Đảo màu xám, và bán đảo Miura lờ mờ trong sương. Mưa nặng hạt và sương mù thường lệ cho mùa này lơ lửng trong không. Cả rặng thông gần cũng mờ sương. Lên đến phòng, hai người ướt sũng, quần áo dính láp nháp. Ông nói:
«Sương dày lắm, chắc không về tối nay được.»
Keiko gật đầu. Ông ngạc nhiên cô gái thuận ở lại đêm với ông một cách dễ dàng. Lấy tay xoa nước trên mặt, ông nói:
«Chúng ta phải tắm trước khi ăn tối.»
Rồi ông đề nghị:
«Em chơi trò cá heo với ta nhé.»
«Ông thích nói bậy bạ. Ví em với cá, ông muốn sỉ nhục em đến như vậy sao? Cá heo với cá mú...»
Rồi tựa khung cửa sổ nhìn ra khơi, Keiko nói một mình:
«Biển tối thui.»
Oki nói:
«Ta xin lỗi em.»
Keiko nói:
«Ông có thể đòi ngắm em khỏa thân. Thậm chí ông có thể đòi ôm em...»
«Em có chịu không?»
«Chịu hay không, chưa biết. Nhưng rủ em chơi trò cù nách như cá heo là sỉ nhục em. Dù sao em không phải là thứ đàn bà lang chạ. Xem ra ông là con người trác táng.»
«Vậy sao?» Oki vừa nói vừa đi vào phòng tắm.
Oki tắm bằng hương sen, Rồi tráng qua bồn xứ, ông mở nước. Ông ra khỏi nhà tắm lấy khăn lau tóc. Không nhìn Keiko, ông nói:
«Em nên đi tắm. Ta vặn nước nóng vào bồn chắc đã đầy phân nửa rồi.»
Nét mặt vẫn tư lự, Keiko nhìn ra khơi. Cô gái nói:
«Hóa ra mưa to. Cả đảo lẫn bán đảo đều chìm trong mù.»
«Em buồn chuyện gì?»
«Em ghét màu mấy ngọn sóng, vậy thôi.»
«Ướt át chắc khó chịu lắm. Em đi tắm đi.»
Keiko gật đầu vâng lời. Ông không nghe tiếng nước chảy trong nhà tắm, nhưng cô trở ra với cái mát mẻ của người vừa tắm xong. Keiko đến trước bàn phấn mở túi xách tay ra trang điểm. Oki tới đứng sau lưng cô gái. Ông nói:
«Ta gội đầu, nhưng họ chỉ có bri-ăng-tin. Mùi bri-ăng-tin thật khó chịu.»
«Ông dùng thử nước hoa của em.»
Keiko đưa cho ông một chiếc lọ nhỏ. Oki xịt vài giọt đưa lên mũi ngửi.
«Rắc vào bri-ăng-tin à?»
Keiko mỉm cười:
«Vài giọt thôi nhé.»
Oki chụp tay Keiko, không cho nàng trang điểm:
«Keiko, đừng.»
«Ông làm đau tay em. Ông hư lắm.»
«Ta thích em tự nhiên, không son phấn. Hàm răng em đẹp, lông mày em đẹp...»
Ông hôn vào má cô gái. Cô khẽ kêu lên. Ông làm nghiêng chiếc ghế và cô ngã chúi vào ông. Môi hai người chạm nhau. Cái hôn dài. Thấy ông ngưng để thở, Keiko nói vội:
«Đừng, đừng ngừng dở chừng. Ông hôn nữa đi...»
Keiko ghì chặt lấy ông. Giấu sự ngạc nhiên, ông nói đùa:
«Cả mấy cô thợ lặn ngọc trai chuyên nghiệp chắc cũng không nín thở giỏi bằng em. Nhịn thở lâu thế có thể ngất đi đấy.»
«Ông làm cho em ngất đi, ông...»
«Đàn bà dài hơi hơn đàn ông,» ông nói. Ông hôn lại cô gái. Cái hôn dài làm ông lại hụt hơi như lần trước. Ông bế cô gái lên giường. Keiko cuộn mình tròn như con cuốn chiếu. Cô không cưỡng lại, nhưng ông phải khó khăn mới làm cho cô ruỗi thẳng người ra. Thấy Keiko không còn trinh nữa, ông vuốt ve bạo hơn. Nằm dưới ông, Keiko rên lên vì khoái lạc. Bất thần cô gái gọi:
«Otoko, Otoko ơi...»
«Cái gì?»
Oki mới đầu tưởng Keiko gọi tên mình, nhưng hụt hẫng khi nghe ra cô gái gọi tên cô giáo.
Tỉnh cơn mê, ông hỏi:
«Em gọi ai? Em gọi Otoko à?»
Không trả lời, Keiko lẳng lặng đẩy ông ra.


Nguồn: Dịch từ bản tiếng Pháp Tristesse et Beauté của Amina Okada, Albin Michel, 1961
 

<< Chương 3 | Chương 5 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 150

Return to top