Sau những lời chào tạm biệt cuối cùng và khi tiếng bánh xe và vó ngựa cuối cùng đã tắt, Xcarlett vào thư phòng của của bà Ilơn, lấy ra một vật lấp lánh mà đêm qua nàng đã giấu vào giữa một tập giấy vàng khè trong ngăn kéo bàn viết.Nghe thấu Pork vừa sụt sịt khóc vừa dọn bữa ăn trên lên phòng ăn, nàng lên tiếng gọi bác ta. Bác tiến lại phía nàng, bộ mặt đen thiểu não như một con chó bọ lạc và mất chủ.
- Pork, nàng nghiêm nghị nói, anh còn khóc nữa thì tôi.. thì tôi cũng khóc luôn bây giờ. Anh phải nín đi.
- Veng xơ cô. Tôi đã cố, dưng mà cứ mỗn lần cố, tui lại nghĩ đến mexừ Giêrơlđ, thế là...
- Vậy thì đừng nghĩ đến nữa. Mọi ngươi khác khóc thì tôi còn chịu được, nhưng anh thì không. Này, nàng chuyển giọng dịu dàng hơn, anh không hiểu ư? Tôi không chịu nổi vì tôi biết anh yêu ba tôi nhường nào. Hỉ mũi đi, Pork. Tôi có một món quà cho anh đây.
Pork hỉ mũi ầm ĩ, mắt thoáng lộ vẻ quan tâm, nhưng vì lịch sự hơn là vì thích thú.
- Anh có nhớ cái đêm anh bị bắt vì đi ăn trộm gà không?
- Lạy chúa, cô Xcarlett! Tui không bao giờ...
- Chà, anh có ăn trộm, chuyện đã quá lâu rồi cho nên đừng có nói dối tôi làm gì. Anh có nhớ tôi đã nói là sẽ thưởng cho anh một cái đồng hồ về sự trung thành của anh không?
- Veng xơ cô, tui nhớ. Tôi ngỡ cô đã quên.
- Không, tôi không quên. Đây, nó đây.
Nàng chìa ra cho bác một cái đồng hồ vàng to tướng đầy nét chạm nổi, với một sợi dây đeo lủng lẳng những đồ trang sức vặt vãch.
- Lạy chúa, cô Xcarlett! Pork kêu lên. Đó là cái đồng hồ của mexừ Giêrơlđ! Tui đã thấy ống xem giờ ở cái đồng hồ này hàng tỉ lần!
- Phải, đó là chiếc đồng hồ của ba tôi, bây giờ tôi cho anh. Anh cầm lấy.
- Ồ, không! Pork sợ hãi lùi lại. Đó là một cái đồng hồ “ dentơlơmơn “ da trắng, hơn nữa lại là của mexừ Giêrơlđ. Làm sao lại nói đến chuyện đem nó cho tui, cô Xcarlett? Cái đồng hồ này, theo phép nhà, là thuộc về chú Uêđ Hentơn.
- Nó thuộc về anh đấy. Uêđ Hentơn có bao giờ làm gì cho ba tôi?Nó có bao giờ chăm nom ba tôi khi ông cụ ốm yếu? Nó có bao giờ tắm rửa, mặc quần áo và cạo râu cho ông cụ? Nó có ở liền bên ông cụ khi bọn Yanki đến đâu? Nó có vì ông cụ mà đi ăn trộm đâu? Đừng có vớ vẩn. Pork. Nếu có ai đáng được thưởng cái cái đồng hồ ấy, thì đó là anh và tôi biết ba tôi ắt cũng đồng ý. Đây.
Nàng cầm lấy tay bác và đặt chiếc đồng hồ vào trong bàn tay đen bóng. Pork kính cẩn nhìn và niềm vui sướng dần thắp sáng bừng cả gương mặt bác.
- Cho tui thật à, cô Xcarlett?
- Phải, thật chứ.
- Nhè xơ cô... cảm ơn cô.
- Anh có muốn tôi đem nó đi Atlanta để khắc không?
- “ Khéc “cái gì ạ? Giọng Pork có vẻ nghi ngờ.
- Là ghi đằng sau một dòng chữ, chẳng hạn như... như: “ Gia đình Âuherơ tặng Pork, người nghĩa bộc trung thành”.
- Không... cảm ơn cô. Chả cần khéc.
Pork lùi một bước, tay nắm chắc chiếc đồng hồ.
Xcarett khẽ nhếch môi tủm tỉm.
- Có chuyện gì vậy, Pork? Anh không tin là tôi sẽ mang nó về ư?
- Không phải ạ. Tui tin cô... có điều là cô có thể thay đổi ý kiến.
- Tôi không làm thế đâu.
- Có thể cô lại bán nó đi. Tui chắc được úi tền.
- Chẳng lẽ anh lại nghĩ tôi có thể đem bán cái đồng hồ của ba tôi?
- Veng xơ cô...nếu cô cần tền.
- Anh đáng đánh đòn vì ý nghĩ đó, Pork ạ. Tôi đam muốn lấy lại cái đồng hồ ấy.
- Không. Cô chả làm thế đâu!- Lần đầu tiên trong ngày, một nụ cười yếu ớt hiện ra trên bộ mặt phờ phạc vì đau buồn của Pork – Tui bết tính cô... mấy lị, cô Xcarlett.
- Sao kia, Pork?
- Nếu với người da chắng cô chỉ cần tử tế bằng nửa phần với bọn níchgơ thì tui chắc thên hạ xẽ đối xử với cô tốt hơn.
- Họ đối với tôi cũng khá tốt rồi, nàng nói. Bây giờ anh đi kiếm cậy Ashley, bảo tôi muốn gặp cậu ở đây ngay lập tức nhé.
Ashley ngồi trên chiếc ghế của bà Ilơn cạnh bàn viết trong khi Xcarlett đề xuất chuyện chia cho chàng nửa số lợi nhuận của xưởng máy. Thân hình cao lớn của chàng làm cho chiếc ghế đã nhỏ lại càng thêm nhỏ. Không một lần nào mắt hai người giao nhau. Không một lần nào chàng cất tiếng ngăt lời nàng. Chàng ngồi nhìn xuống tay mình, từ từ xoay đi xoay lại ngắm nghía hết gan bàn tay đến mu bàn tay như thể mới thấy lần đầu. Mặc dầu làm việc nặng, chúng vẫn thanh mảnh, vẫn có vẻ nõn nà và được chăm chút cẩn thận so với một bàn tay nông dân.
Thấy chàng chỉ cúi đầu im lặng, nàng hơi bối rối và càng cố gắng mô tả xưởng máy cho thật hấp dẫn. Nàng cũng huy động tất cả các nụ cười, ánh mắt duyên dáng nhất để trợ lực, nhưng vô ích, vì chàng không hề ngước mắt lên. Giá mà chàng nhìn nàng đến một cái! Nàng không hề nhắc đến Uyl đã thông báo cho nàng về việc ashley quyết định lên miền Bắc và giả bộ tin chắc rằng không có gì cản chàng đồng ý với kế hoạch của nàng. Tuy nhiên chàng vẫn chẳng nói chẳng rằng và cuối cùng, nàng cạn lời, im bặt. Đôi vai mảnh dẻ của chàng bành ra với một vẻ kiên quyết khiến nàng cảm thấy đâm hoảng. Chắn chắn, chàng sẽ không khước từ! Chàng có lý do gì để khước từ mới được chứ?
- Ashley, nàng mở đầu, định nói tiếp, rồi lại ngừng. Lúc đầu, nàng không định nêu tình trạng mang thai của mình để thuyết phục chàng, thậm chí chỉ nghĩ đến việc Ashley thấy mình sồ sề và xấu thế, nàng đã rụt lại, nhưng vì những lý lẽ khác dường như không có tác dụng gì, nên nàng quyết định dùng cái đó cùng với tình cảm đơn độc của mình làm con bài cuối cùng.
- Anh phải đến Atlanta. Hiện giờ tôi đang cần sự giúp đỡ của anh vì tôi không thể trông coi các xưởng máy được. Phải nhiều tháng nữa tôi mới có thể... bởi vì.. anh thấy đấy... à, bởi vì...
- Thôi tôi xin! Chàng cộc cằn nói. Lạy chúa, thôi đi, Xcarlett,
Chàng đứng dậy và đột ngột ra cửa sổ, đứng xây lưng về phía nàng, nhìn đàn vịt trịnh trọng diễu hàng một qua sân.
- Có phải.. có phải vì thế mà anh không muốn nhìn vào tôi? Nàng ngao ngán hỏi. Tôi biết nom tôi bây giờ...
Chàng quay ngoắt lại, đôi mắt xám nhìn xoáy vào mắt nàng mắt nàng dữ dội đến nỗi nàng bất giác đưa hai tay lên cổ họng.
- Nom cô thế nào không thành vấn đề! Chàng nói nhanh và mạnh mẽ. Cô biết bao giờ tôi cũng thấy cô đẹp.
Hạnh phúc tràn ngập lòng nàng, dâng lệ lên khóe mắt.
- Tuyệt vời biết bao lời anh vừa nói! Vì em rất xấu hổ để anh phải nhìn thấy em...
- Xcarlett xấu hổ ư? Tại sao Xcarlett lại phải xấu hổ?Tôi mới là kẻ phải thấy xấu hổ và thực tế là tôi lấy làm xấu hổ. Nếu tôi không ngu xuẩn thì Xcarlett ắt không đến nông nỗi này, ắt chẳng bao giờ lấy Frank. Lẽ ra mùa đông năm ngoái, tôi không nên để cho Xcarlett đi ra khỏi ấp Tara. ÔI, tôi thật ngu dại! Lẽ ra tôi phải biết... phải biết là Xcarlett tuyệt vọng đến nước... đáng lẽ tôi phải... tôi phải...
Mặt chàng bỗng đờ đẫn.
- Tim Xcarlett đập cường loạn. Chàng đang tiếc là đã không bỏ trốn đi với mình.
- Điều tối thiểu tôi có thể làm hồi bấy giờ là đi cướp đường hoặc giết người để lấy tiền cho Xcarlett nộp thuế, đáp lại công ơn Xcarlett đã cứu độ và cho chúng tôi nương nhờ. Ôi, tôi đã làm hỏng hết mọi sự.
Tim nàng thắt lại vì thất vọng, niềm vui sướng tan đi phần nào vì đó không phải là những lời nàng hy vọng được nghe.
- Dù sao đi nữa, hồi ấy tôi cũng phải đi, nàng mệt mỏi nói. Làm sao tôi có thể để cho anh làm những điều như vậy. Và dù sao đi nữa, đó cũng là chuyện đã qua.
- Phải, bây giờ thì chuyện đã qua rồi, chàng chậm rãi nói, giọng đầy cay đắng. Xcarlett không chịu để tôi làm điều gì ô nhục, nhưng chính Xcarlett thì lại tự bán mình cho một người đàn ông mà Xcarlett không yêu... và có mang với anh ta, để cho tôi và gia đình tôi khỏi chết đói. Xcarlett cho chúng tôi nương nhờ trong lúc không biết dựa vào đâu, thật quý hóa.
Cái nốt chát chúa trong giọng chàng tố giác một vết thương ứa máu chưa lành còn nhức nhối trong lòng và mắt nàng lộ vẻ xấu hổ khi nghe chàng nói. Chàng mau chóng nhận ra điều đó và sắc mặt chàng chuyển sang dịu dàng.
- Xcarlett không nghĩ là tôi phê phán Xcarlett đấy chứ? Lạy chúa, không biết, Xcarlett! Xcarlett là người phụ nữ can đảm nhất tôi từng thấy.Tôi đang phê phán chính tôi đấy.
Chàng quay đi và lại nhìn ra ngoài cửa sổ. Lúc này, đôi vai trước mặt nàng không có vẻ găng như trước nữa. Xcarlett im lặng chờ một hồi lâu, hy vọng Ashley trở lại cái tâm thái lúc chàng nói về sắc đẹp của nàng, hy vọng chàng nói thêm những lời thân thiết mà nàng có thể nâng niu như báu vật trong trí nhớ. Đã bao lâu nàng chưa gặp lại chàng và nàng đã sống bằng những kỳ niệm lâu dần cũng mòn đi. Nàng biết chàng vẫn còn yêu nàng. Điều đó thật hiển nhiên trong từng đường nét của chàng, trong từng lời chua chát tự lên án mình, trong nỗi oán hận về chuyện nàng có thai với Frank. Nàng rất đỗi khát khao được nghe Ashley phát biểu nỗi niềm đó thành lời, rất muốn chính mình nói những lời có thể khêu gợi một sự thú nhận, song nàng không dám. Nàng nhớ lại lời hứa của mình trong vườn cây ăn quả hồi mùa đông năm ngoái là sẽ không bao giờ lăn xả vào chàng nữa. Nàng buồn bã nhận ra rằng muốn cho Ashley vẫn ở gần mình thì phải giữ lời hứa đó. Chỉ một tiếng khao khát yêu đương, chỉ một cái nhìn van vỉ tỏ ý muốn được chàng ôm ấp, là chấm dứt vĩnh viễn mọi sự. Ashley sẽ đi Niu Yóoc, chắn chắn thế. Mà mục tiêu của nàng là không để chàng đi.
- ÔI, Ashley, anh đừng tự phê phán! Làm sao lại là tội lỗi tại anh được?Anh sẽ đến Atlanta giúp tôi chứ?
- Không.
- Nhưng Ashley, giọng nàng bắt đầu nghẹn ngào vì đau đớn và thất vọng, nhưng tôi đã đặt hy vọng vào anh. Tôi rất cần anh đấy. Frank không thể giúp tôi được. Anh ấy quá bận bịu với cửa hàng và nếu anh không đến Atlanta thì tôi không biết đâu ra người giúp việc! Tất cả những người thông minh ở Atlanta đều bận công chuyện riêng, còn lại thì đều không có năng lực, và...
- Cô ích, Xcarlett ạ.
- Anh muốn nói là thà anh đi Niu Yóoc, sống với bọn Yanki, chứ không đến Atlanta?
- Ai bảo Xcarlett thế? Chàng quay lại đối mặt với nàng, trán hơi cau vì khó chịu.
- Uyl.
- Phải, tôi đã quyết định lên miền Bắc. Một người bạn cũ, hồi trước chiến tranh cùng đi du lịch châu Âu với tôi, đã dành cho tôi một chân trong nhà băng của anh ta. Thế là hơn, Xcarlett ạ. Tôi chẳng có ích gì cho Xcarlett. Tôi chẳng biết gì về việc doanh thương gỗ cả.
- Nhưng về công việc nhà băng, anh lại càng không biết, mà việc đó còn khó hơn! Và tôi dám chắc tôi sẽ chiếu cố sự thiếu kinh nhiệm của anh gấp bội bọn Yanki!
Ashley cau mặt và nàng biết là mình đã lỡ lời. Chàng lại quay nhìn ra ngoài cửa sổ.
- Tôi không cần chiếu cố. Tôi muốn tự lực đứng trên đôi chân của mình đúng với cái giá trị của mình. Tôi đã làm gì đời tôi cho đến bây giờ? Đã đến lúc tôi phải làm nên một cái gì đó cho thành thân... hoặc tự chôn vùi mình. Tôi đã ăn bám Xcarlett quá lâu rồi.
- Nhưng tôi đề nghị anh hưởng nửa số lợi nhuận của xưởng máy kia mà. Ashley! Anh sẽ độc lập bởi vì... anh thấy đấy, chính anh sẽ là chủ công việc kinh doanh.
- Đâu sẽ vẫn hoàn đấy. nửa sổ lợi nhuận ấy, tôi đâu có bỏ tiền ra mua, mà chỉ nhận như một món quà tặng. Mà tôi thì nhận quá nhiều quà tặng của Xcarlett rồi – một mái nhà để nương náu, cơm ăn và thậm chí cả áo mặc cho bản thân tôi, Melơni và cháu bé. Và tôi chẳng đền bù gì cho Xcarlett cả.
- Ồ, có chứ! Một mình Uyl thìkhông thể...
- À, bây giờ tôi có thể trẻ củi rất gọn chứ gì?
- Ôi, Ashley! Nàng tuyệt vọng kêu lên, nước mắt long lanh, khi nghe cái giọng châm biếm của chàng. Chuyện gì đã xảy ra với anh từ khi tôi đi vậy? Anh ăn nói thật phũ phàng và chua chát. Trước kia anh có thế đâu.
- Chuyện gì xẩy ra ư? Một điều rất đặc biệt, Xcarlett ạ. Tôi đã bắt đầu suy nghĩ. Tôi thấy rằng kể từ khi Liên bang đầu hàng đến khi Xcarlett đi khỏi đây, tôi chẳng suy nghĩ gì thật sự. Tôi đã ở trong một tình trạng trì trệ và dường như chỉ cần có cái gì để ăn, có cái giường để nằm là đủ. Nhưng khi Xcarlett đi Atlanta, ghé vai đảm đương gánh nặng của một người đàn ông, thì tôi thấy mình không đáng mặt đàn ông... thực vậy, còn thua xa phụ nữ. Những ý nghĩ như vậy thật chẳng thú vị chút nào và tôi không muốn phải mang chúng trong đầu nữa. Nhiều người đàn ông khác ra khỏi chiến tranh còn thiếu thốn hơn tôi, vâyh mà bây giờ, hãy nhìn họ xem. Cho nên tôi sẽ đi Niu Yóoc.
- Nhưng... tôi không hiểu đấy! Nếu anh chỉ cần việc làm thôi, thì Atlanta có khác gì Niu Yóoc. Và xưởng máy của tôi...
- Không, Xcarlett. Đây là cơ hội cuối cùng của tôi. Tôi sẽ lên miền Bắc. Nếu tôi đến Atlanta làm việc cho Xcarlett, đời tôi dứt khoát sẽ tiêu.
Cái tiếng “ tiêu – tiêu – tiêu “ vang lên khủng khiếp trong nàng như hồi chuông báo tử. Nàng vội nhìn vào ánh mắt chàng, nhưng cặp mắt màu xám ấy đang trừng trừng nhìn xuyên qua nàng vào khoảng không như quan sát một số phận nào đó mà nàng không thấy được, không hiểu được.
- Tiêu? Anh muốn nói... phải chăng anh đã làm điều gì khiến bọn Yanki ở Atlanta có thể bắt anh. Có nghĩa là về chuyện giúp Tôni chạy trốn... hay... Ôi, Ashley, anh không ở trong đàng 3K đấy chứ?
Đôi mẵta xăm vụt quay trở lại nhìn nàng và chàng thoáng mỉm cười, mắt vẫn buồn rười rượi.
- Tôi quên mất là Xcarlett là người thực dụng thường hiểu một sự theo nghĩa đen. Không, tôi không sợ bọn Yanki. Tôi muốn nói là nếu tôi đi Atlanta và lại nhận sự giúp đỡ của Xcarlett nữa, tôi sẽ chôn vùi mọi hy vọng lập thân một mình.
- Ồ, nàng thở dài, nhẹ hẳn người, nếu chỉ có thế!
- Phải, chàng lại cười một nụ cười còn giá băng hơn trước. Chỉ có thế. Chì vì lòng tự ái đàn ông của tôi, lòng tự trọng của tôi và – nếu Xcarlett muốn gọi thế cũng được – vì linh hồn bất tử của tôi.
-Nhưng, nàng chuyền qua một chiến thuật khác, anh có thể dần dần từng bước mua lại xưởng máy ấy của tôi, nó sẽ trở thành của riêng anh và lúc đó...
-Xcarlett, chàng quyết liệt ngắt lời, tôi xin nói là không! Còn có những lý do khác nữa.
- Lý do gì?
- Lý do gì thì Xcarlett biết rõ hơn ai hết trên đời này.
- Ồ... thế à? Nhưng... cái đó sẽ ổn thôi, nàng vội trấn an chàng. Anh biết đấy, tôi đã hứa cái hôm ở ngoài vườn, hồi mùa đông năm ngoái ấy, và tôi sẽ giữ lời hứa và...
- Vậy là Xcarlett tự tin hơn tôi. Tôi không tin là mình đủ sức giữ được một lời hứa như vậy. Đáng lẽ tôi không nên nói thế nhưng tôi phải làm cho Xcarlett hiểu. Xcarlett ạ, tôi sẽ không nói chuyện này nữa đâu. Thế là xong rồi. Bao giờ Uyl và Xuelơn cưới, tôi sẽ đi Niu Yóoc.
Cặp mắt giương to, dữ dội còn chàng xoáy vào mắt nàng một lát rồi chàng rảo bước đi ngang qua căn phòng. Tay chàng đã đặt trên đấm cửa. Xcarlett đăm đăm nhìn theo, đau đớn. Cuộc hội kiến đã kết thúc và nàng đã thất bại. Kiệt sức vì sự căng thẳng cùng nỗi buồn khổ ngày hôm qua, cộng thêm nỗi thất vọng lúc này, thần kinh nàng đột ngột rời rã và nàng kêu lên: “ Ôi, Ashley!” và gieo mình xuống chiếc xôfa rệu rạo, và khóc như điên dại.
Nàng nghe thấy tiếng chân chàng phân vân rời chỗ cửa, quay lại và giọng chàng luống cuống lặp đi lặp lại gọi tên nàng ngay trên đầu. Có tiếng chân lật đật chạy từ bếp qua tiền sảnh và Melơni vào phòng, mắt giương to hốt hoảng.
- Xcarlett... cái thai có...?
Xcarlett giũi đầu vào lớp vải bọc bụi bặm và lại la to:
- Ashley... thật nhỏ mọn! Thật độc ác... thật đáng ghét!
- Ôi, Ashley, anh đã làm gì chị ấy? Melơni quì xuống sát cạnh xôfa và ôm lấy Xcarlett. Anh đã nói gì? Làm sao anh nỡ thế? Anh có thể làm chị ấy sẩy thai đấy! Có gì không ổn, chị?
- Ashley... chú ấy thật... thật ương bướng và đáng ghét!
- Ashley, em thật lấy làm lạ về anh! Ai lại làm chị ấy xáo đảo lên đến thế giữa lúc bụng mang dạ chửa và khi bác Âuherơ chưa ấm chỗ dưới mồ!
- Đừng có làm ầm lên với chú ấy! Xcarlett vặc lại, bất chấp lôgich, nhấc đầu lên khỏi vai, mái tóc đen cứng xổ ra khỏi lưới, mặt hoen vệt nước mắt. Chú ấy có quyền làm những gì chú ấy thích!
- Melơni, Ashley nói mặt tái nhợt, để anh nói rõ đầu đuôi. Xcarlett có nhã ý mời anh đến Atlanta làm quản đốc một trong hai xưởng máy cưa của chị ấy...
- Quản đốc! Xcarlett bất bình kêu lên. Tôi đề nghị chia cho chú ấy nửa số lợi nhuận và chú ấy...
- Và anh nói với chị ấy là anh đã thu xếp để gia đình mình lên miền Bắc và chị ấy...
- Ôi, Xcarlett lại kêu lên, lại bắt đầu nức nở, tôi đã nói đi nói lại với chú ấy rằng tôi rất cần chú ấy... rằng tôi không thể kiếm được ai cai quản xưởngmáy... rằng tôi sắp sửa sinh cháu... vậy mà chú ấy vẫn cứ từ chối! Và bây giờ... bây giờ, tôi sẽ phải bán xưởng máy, và tôi biết chắc là không thể bán được giá, tôi sẽ mất tiền, rồi có thể chúng ta sẽ thiếu đói cũng nên, nhưng chú ấy bất cần. Chú ấy thật ác!
Nàng lại rúc đầu vào bờ vai của Melơni và một hy vọng li lói nhóm lên, xua một phần nỗi đau thực sự khỏi tim nàng. Nàng có thể tìm thấy ở tấm lòng tận tụy của Melơni một đồng minh, biết rằng Melơni sẵn sàng phẫn nộ với bất kỳ ai, kể cả người chồng yêu dấu của mình, làm Xcarlett phải khóc. Melơni lao vào Ashley như một con chim bồ câu nhỏ quyết liệt, lần đầu tiên trong đời, giương mỏ mổ chàng.
- Ashley, làm sao anh nỡ từ chối chị ấy? Bất kể cả những gì chị ấy đã giúp đỡ cưu mang chúng ta! Anh làm cho chúng ta có vẻ vô ơn biết chừng nào! Mà bây giờ chị ấy đang không biết xoay xở ra sao với cái th... Anh thật chẳng hào hiệp chút nào! Chị ấy đã giúp đỡ chúng ta khi chúng ta cần được giúp đỡ và bây giờ, khi chị ấy cần anh thì anh lại từ chối!
Xcarlett tinh quái liếc trộm Ashley vẻ ngạc nhiên, hoang mang in rành rành trên nét mặt chàng khi chàng nhìn vào đôi mắt đen đầy công phẫn của Melơni. Chính Xcarlett cũng ngạc nhiên về sự công kích mạnh mẽ của Melơni vì nàng biết Melơni coi chồng mình là hoàn hảo, không có gì khiến vợ có thể trách cứ, coi mọi quyết định của chàng chỉ đứng sau ý Chúa.
- Melơni... chàng mở đầu, rồi xòe tay ra, vẻ bất lực.
- Ashley, làm sao anh có thể do dự?Anh thử nghĩ xem chị ấy đã làm những gì cho chúng ta – cho em! Không có chị ấy thì em đã chết ở Atlanta khi sinh bé Biu rồi! Và chị ấy... phải, chị ấy đã giết một tên Yanki để bảo vệ mẹ con em. Anh có biết chuyện ấy không. Chị ấy đã giết người vì mẹ con em. Chị ấy đã làm quần quật như một tên nô lệ trước khi anh và Uyl trở về, để chúng em khỏi chết đói. Khi em nghĩ đến những lúc chị ấy cày ruộng, hái bông, em có thể... Ôi, chị thân yêu!
Nàng cúi đầu, hôn lên mái tóc bù rối của Xcarlett với tất cả lòng gắn bó cuồng nhiệt.
- Và bây giờ lần đầu tiên chị ấy yêu cầu chúng ta giúp đỡ một việc thì...
- Em không cần phải kể với anh những gì chị ấy đã làm cho chúng ta.
- Và Ashley, anh thử nghĩ mà xem! Ngoài việc giúp đỡ chị ấy, anh thử nghĩ xem điều ấy có ý nghĩ như thế nào đối với chúng ta – được sống ở Atlanta giữa bà con mình chứ không phải sống với bọn Yanki, có cô Pittin, có bác Henri và tấtcả bạn bè chúng ta, bé Biu sẽ có rất nhiều bạn cùng chơi và sẽ được đi học. Nếu lên miền Bắc, chúng ta ắt sẽ không thể cho con đi học, đàn đúm với bọn trẻ Yanki và ngồi cùng lớp với lũ nhóc đen! Chúng ta sẽ phải thuê một cô gia sư và em thấy chúng ta khó mà có khả năng...
- Melơni, Ashley nói, giọng thản nhiên một cách dễ sợ, có thực em muốn đi Atlanta đến như vậy không? Em không hề nói thế khi chúng ta bàn chuyện đi Niu Yóoc. Em không hề tỏ ya...
Ồ, nhưng mà khi chúng ta bàn chuyện đi Niu Yóoc, em tưởng ở Atlanta không có việc gì cho anh, vả chăng, em đâu có cương vị để cãi lại. Bổn phận người vợ là phải theo chồng, chồng đi đâu thì mình đi đấy. Nhưng bây giờ Xcarlett đang rất cần chúng ta và có một việc chỉ có mình anh đảm nhiệm được thì chúng ta có thể về nhà! Về nhà!
Nàng ôm ghì lấy Xcarlett, giọng trở nên say sưa:
- Em sẽ lại được thấy Ngã Năm và con đường Cây Đào và...và... ôi, sao mà em nhớ tất cả những cái đó! Và biết đâu chúng mình chẳng có thể có một căn nhà riêng nho nhỏ! Dù nhỏ bé, tồi tàn mấy em cũng chẳng cần miễn là... một căn nhà riêng của chúng ta!
Mắt nàng ngời ngời phấn khởi và hạnh phúc trong khi hai người kia đăm đăm nhìn nàng. Ashley thì ngớ ra, còn Xcarlett thì vừa ngạc nhiên vừa xấu hổ. Không bao giờ Xcarlett nghĩ rằng Melơni nhớ Atlanta đến thế, khao khát được trở về và có một căn nhà riêng đến thế. Xưa nay Melơni vẫn có vẻ rất bằng lòng ở ấp Tara thành thử khi nàng bộc lộ nỗi nhớ nhà, Xcarlett không khỏi sửng sốt.
- ÔI, Xcarlett, chị thu xếp này cho bọn em, thật tốt quá! Chị biết em ao ước được về nhà xiết bao!
Như tất cả mọi lần đứng trước cái thói quen của Melơni thường gắn những động cơ đẹp cho những việc chẳng có gì tốt đẹp, Xcarlett cảm thấy vừa ngượng vừa bực, và đột nhiên nàng không dám nhìn thẳng vào mắt cả Ashley lẫn Melơni.
- Bọn em sẽ có thể có một căn nhà riêng nho nhỏ. Chị có thấy không chúng em lấy nhau đã năm năm mà không có lấy một tổ ấm?
- Cô chú có thể cùng ở nhà cô Patti với chúng tôi. Đó là nhà của cô chú, Xcarlett lầm bầm nói, tây vân vê chiếc gối, mắt nhìn xuống để giấu vẻ đắc thắng vừa chớm nên trong đó khi nàng cảm thấy tình hình đảo ngược theo chiều thuận lợi cho mình.
- Không. Nhưng dù sao cũng cảm ơn chị,. Xcarlett thân yêu. Ở thế thì chật quá. Chúng em sẽ kiếm được một cái nhà... Ashley, anh nói đồng ý đi!
- Xcarlett, Ashley nói, giọng mất hết âm sắc, hãy nhìn tôi.
Giật mình, nàng ngước lên và bắt gặp đôi mắt xám đầy vẻ vô vọng mệt mỏi và cay đắng.
Xcarlett, tôi sẽ đi Atlan... Tôi không đủ sức chọi lại với cả hai người.
Chàng quay gót bước ra khỏi phòng. Một nỗi sợ nhay nhứt làm giảm phần nào niềm vui chiến thắng trong tim nàng. Mắt Ashley vừa rồi có cái vẻ y hệt như lúc chàng bảo là đời chàng sẽ tiêu nếu chàng đi Atlanta.
Sau khi Xuelơn và Uyl thành hôn và Kerin vào tu viện Charlztơn, Ashley, Melanie cùng Biu đến Atlanta, mang theo Đili để nấu bếp và làm bảo mẫu. Pirxi và Pork được để lại ấp Tara đến khi nào Uyl kiếm được những lực điền da đen khác để làm đồng, thì cũng sẽ về thành phố nốt.
Ngôi nhà gạch nhỏ Ashley thuê được cho gia đình mình, ở phố Cây Trường Xuân, ngay đằng sau nhà bà vô Pitti và hai mảnh sân sau liền nhau, chỉ ngăn bời một hàng rào thủy tạp um tùm lởm chởm. Melơni đã chọn nó chính vì lẽ ấy. Buổi sáng đầu tiên trở về Atlanta, trong khi vừa cười vừa khóc, vừa ôm hôn Xcarlett và bà cô Pitti, nàng nói nàng đã bị cách chia khỏi những người thân yêu lâu đến nỗi giờ đây có ở gần nhau mấy cũng chưa đủ.
Ngôi nhà này thoạt kỳ thủy có hai tầng, nhưng tầng trên đã bị đại bác phá hủy trong thời kỳ bị bao vây và chủ nhà trở về nhà sau khi Liên bang đầu hàng, không đủ tiền để xây lại. Ông ta đành chỉ lợp một mái bằng lên tầng dưới còn lại, làm cho căn nhà có cái dáng bè bè mất cân đối của một cái nhà xếp bằng những hộp đựng giầy trẻ con chơi. Dựng trên một căn hầm chứa, trên nền nhà cao hơn mặt đất nhiều và một cầu thang dài dẫn lên cửa vào làm nó hơi có vẻ lố lăng. Nhưng cái vẻ vô duyên ấy phần nào được bù lại bởi hai cây sồi già đẹp rủ bóng lên ngôi nhà và một cây ngọc lan với vòm lá bụi bặm điểm những chumg hoa trắng mọc cạnh thềm. Bãi cỏ xanh rộng san sát cỏ ba lá, xung quanh có hàng rào thủy tạp lô xô rậm rạp xen lẫn với những bụi kim ngân thơm ngào ngạt. Đây đó, giữa đám cỏ, vương ra những nhánh hoa hồng từ những thân già bị chà đạp cùng những nhánh hoa hồng và trắng vẫn ngoan cường nở rộ như thể chưa hề biết đến chiến tranh và lũ ngựa Yanki phá phách.
Xcarlett nghĩ đó là ngôi nhà ở xấu nhất nang từng trông thấy nhưng đối với Melanie thì Trại Mười Hai Cây Sồi vào lúc huy hoàng nhất cũng không đẹp hơn. Đó là tổ ấm: cuối cùng, nàng và Ashley cùng Biu đã được sum họp dưới mái nhà của chính mình.
Từ Mêicơn, nơi cô cùng sống với Haiđi từ năm 1862, Inđiơ Uylkz trở về với anh trai, làm cho căn nhà nhà đâm chật. Nhưng Ashley và Melơni hoan hỉ đón tiếp cô. Thời thế đã thay đổi, tiền nong eo hẹp, nhưng không gì làm suy chuyển các quy tắc sinh hoạt ở miền Nam là các gia đình bao giờ cũng vui vẻ dành chỗ cho họ hàng nghèo hoặc thuộc phái nữ chưa chồng.
Hani đã lấy chồng và, theo lời của Inđiơ, người chồng thuộc tầng lớp dưới, một gã đàn ông thô kệch miền tây, từ Mixixipi đến sinh cơ lập nghiệp ở Mêicơn. Gã có bộ mặt tròn đỏ phừng phừng,giọng nói oang oang, cung cách bông phèng, Inđiơ không tán thành cuộc hôn nhân và, do đó chẳng sung sướng gì ở nhà em rể. Cô mừng rỡ nghe tin Ashley giờ đã có nhà riêng và cô có thể rút khỏi cái môi trường không thích hợp đồng thời thoát cái nạn phải nhìn thấy đứa em gái ngu ngốc đú đởn hạnh phúc với một gã đàn ông không xứng với mình.
Những người khác trong gia đình lại thầm cho rằng cô nàng Hani đần độn lúc nào cũng cười rinh rích đã thành công vượt mức chờ đợi và đều ngạc nhiên thấy cô vớ được một chàng. Đó là một người quý phái và khá sung túc, nhưng đối với Inđiơ, vốn sinh trưởng ở Giorgia và được nuôi dậy theo những truyền thống của Virginia, bất kỳ ai không ở vùng duyên hải phía Đông đều là nhà quê và mọi rợ. Có lẽ chồng Hani thoát được cảnh ở chung nhà với Inđiơ cũng sung sướng như khi cô đi khỏi đó, vì dạo này, sống cạnh cô chẳng dễ chịu gì.
Giờ đây, Inđia đã dứt khoát không màng đến chuyện lấy chồng. Cô đã hai mươi lăn cái xuân xanh và bề ngoài nom phù hợp với tuổi, cho nên khỏi cần phải cố làm duyên làm dáng nữa. Cặp mắt bền bệt không lông mi của cô nhìn thẳng vào thế giới với thái độ không khoan nhượng và đôi môi mỏng luôn luôn mím chặt, kiêu kỳ. Kể cũng lạ, cái vẻ trang trọng và tự hào của cô hiện nay lại hợp với cô hơn là cái yểu điệu thiếu nữ dịu dàng hồi ở Trại Mười Hai Cây Sồi. Thế của cô bây giờ gần như thế của một quả phụ. Ai nấy đều biết rằng nếu Xtiuớt Tarltơn không tử trận ở Ghettixbơg thì hẳn cậu đã lấy cô, cho nên người ta đành cho cô sự kính trọng cần có đối với một phụ nữ đã hứa hôn nhưng chưa kịp thành hôn.
Sáu buồng của ngôi nhà phố Cây Trường Xuân chẳng bao lâu đã được bày biện sơ sài bằng những đồ gỗ thông và gỗ sồi rẻ tiền nhất ở cửa hàng của Frank vì Ashley không có tiền, buộc phải mua chịu nên chàng từ chối mọi thứ đắt tiền và chỉ mua những thứ tối cần thiết. Điều đó khiến Frank, vốn rất quý Ashley, rất khó xử và làm Xcarlett khổ tâm. Cả nàng lẫn Frank đều sẵn sàng biếu không chàng những đồ đạc bằng gỗ bồ đào và gỗ hồng chạm trổ đẹp nhất trong cửa hàng, song vợ chồng Uylkz một mực từ chối. Trong nhà trỏng trơ và xấu xí, nom đến cám cảnh. Xcarlett đau lòng nghĩ đến Asli phải sống trong những căn phòng không thảm trải, không rèm che. Nhưng chàng thì dường như không để ý đến những tiểu tiết xung quanh ấy, còn Melanie, lần đầu tiên từ khi lấy chồng có được căn nhà riêng, thì sung sướng và thực sự hãnh diện về tổ ấm của mình. Xcarlet ắt sẽ cảm thấy nhục nhã ê chề nếu phải tiếp bạn bè trong một căn nhà không màn che trướng rủ, không nệm không thảm, không đủ ghế ngồi, không đủ tách uống trà và cùi-dìa. Nhưng Melơni thì trân trọng ngôi nhà của mình như thể trong đó đầy những rèm nhung và xôfa bọc gấm vậy.
Mặc dầu rõ ràng là Melanie cảm thấy hạnh phúc, nàng vẫn không khỏe lên được. Việc sinh bé Biu đã làm nàng kiệt lực và sau đó, công việc nặng nhọc ở ấp Tara lại càng hủy hoại sức khỏe của nàng. Nàng gày đến nỗi tưởng như những lóng xương nhỏ bé sẵn sàng chòi ra khỏi làn da trắng xanh. Đứng từ xa nhìn nàng chơi nhởn với con trai ở sân sau, Melanie tựa như một cô gái nhỏ vì thân nàng nhỏ không tưởng tượng nổi gần như không có “ co “, không có ngực mà mông thì phẳng như mông bé Biu. Đã thế nàng lại không biết tự trọng, cũng không đủ ý thức khôn ngoan ( là Xcarlett nghĩ thế ) để khâu thêm tí điền đăng ten tổ ong vào ngực áo hoặc đệm coocxê, thành thử dáng nét gày guộc lộ ra rất rõ. Cũng như thân hình, mặt nàng quá mảnh dẻ, quá xanh xao và cặp lông mày óng ả cong cong, thanh tú như vòi bướm càng đậm nét đen trên nền da tái nhợt. Trong khuôn mặt nhỏ, đôi mắt quá to để có thể coi là đẹp, càng có vẻ đồ sộ vì những quầng đen bên dưới, nhưng cái thần biểu hiện trong đó thì vẫn y nguyên như thời nàng còn là cô gái vô tư. Chiến tranh cùng với khổ đau và công việc cực nhọc thường xuyên đều không làm gì được vẻ bình thản dịu dàng của đôi mắt ấy. Đó là đôi mắt của một người đàn bà hạnh phúc, một người dù bão tố có lồng lộn quanh mình cũng không khuấy đảo được niềm thanh thản ở tận đáy lòng.
Làm sao cô ta có thể giữ được đôi mắt trong sáng thế, Xcarlett nghĩ thầm trong khi nhìn Melanie một cách thèm muốn. Nàng biết mắt mình đôi khi có cái vẻ của một con mèo đói. Có lần Rét đã nói với gì về đôi mắt của Melanie – một sự so sánh vớ vẩn thế nào đó với những ngọn nến? À, phải, giống như hai điều thiện giữa một thế giới tàn ác. Phải, đó là hai ngọn nến được che khỏi mọi cơn gió, hai đốm sáng êm dịu ngời ngời niềm hạnh phúc lại được trở về nhà giữa bạn bè thân thiết.
Ngôi nhà nhỏ lúc nào cũng đông khác. Ngay từ nhỏ. Melanie đã được mọi người yêu mến và bà con hàng phố ùn ùn kéo đến chúc mừng nàng trở về. Ai nấy đều mang theo quà: đồ linh tinh, tranh ảnh, một vài chiếc cùi-dìa, áo gối, khăn ăn, thảm nhỏ, những vật xinh xẻo thoát khỏi bàn tay cướp bóc của bọn lính Sơnơm và giữ như của báu, nhưng khi đem đến tặng thì họ thề lấy thề để rằng chúng chẳng được việc gì cho họ.
Những ông già đã từng xông pha chiến trận ở Mêxico với cha nàng tới thăm, đưa theo những vị khách giới thiệu với “ cô con gái dịu dàng của đại tá Hemiltơn thân mến “. Các bạn cũ của mẹ nàng thường xúm quanh nàng vì Melanie hết sức kính trọng người trên, một an ủi lớn cho các bà già trong cái thời buổi nhố nhăng này, khi mà lớp trẻ dường như quên hết các phép tắc lễ nghĩa. Nhưng phụ nữ thuộc lứa tuổi nàng, người có chồng có con, kẻ đã thảnh quả phụ, đều yêu quí nàng vì nàng đã trải những nỗi đau của họ mà không trở nên chua chát và luôn thông cảm lắng nghe họ thổ lộ nỗi niềm. Đám thanh niên đến như bao giờ cũng vậy, chỉ vì ở nhà nàng, họ có thể vui chơi và gặp những bạn bè họ muốn gặp.
Xunh quanh con người tế nhị và khiêm nhường của Melanie mau chóng hình thành một nhóm cả trẻ lẫn già, đại diện cho phần tinh hoa còn lại của xã hội tiền chiến ở Atlanta, tất cả đều nghèo tiền của nhưng cao sang về gia thế, thuộc loại “ giấy rách giữ lấy lề “ kiên cường nhất, cứ như thể cái xã hội Atlanta, bị chiến tranh làm tan tác, phân li, chết vợi đi, hoang mang vì thời thế thay đổi, đã tìm thấy ở nàng một hạt nhân bất khuất quanh đó nó có thể phục hưng lại.
Melanie còn trẻ nhưng có đầy đủ các đức tính mà số người còn lại dày dạn trên đời này rất quí trọng: nghèo mà vẫn tự hào, can đảm chịu đựng không kêu ca phànnàn, hồ hởi vui vẻ, hiếu khách, đôn hậu và nhất là trung thành với mọi truyền thống cũ. Melanie không chịu thay đổi, thậm chí không chịu thừa nhận là có lý do gì để thay đổi trong thế giới đổi thay. Dưới mái nhà nàng, những ngày xưa dường như trở lại, mọi người phấn chấn lên và cảm thấy khinh bỉ cái trào lưu sống cuồng dại và sa hoa đang cuốn băng bọn Bị Thảm và bọn Cộng Hòa mới phất.
Khi họ nhìn vào gương mặt trẻ của nàng và đọc thấy trên đó sự trung thành không thể lay chuyển với quá khứ, họ có thể tạm quên những kẻ phản bội trong giai tầng của chính họ, những kẻ đang gây căm phẫn, lo sợ và đau buồn. Mà những kẻ như vậy lại khá nhiều. Có những người con nhà dòng dõi, bị cảnh nghèo đẩy đến chỗ tuyệt vọng chạy sang hàng ngũ địch, trở thành đảng viên đảng Cộng Hòa và chấp nhận những vị trí do kẻ chiến thắng ban cho, để gia đình khỏi phải đi ăn xin. Có những cựu binh còn trẻ mà không đủ can đảm vật lộn kiên trì nhiều năm để xây dựng cơ đồ. Những thanh niên đó, theo đuôi Rhett, ăn cánh với bọn Bị Thảm xoay sở kiếm tiền bằng những thủ đoạn bẩn thỉu.
Xấu xa nhất trong bọn phản bội lại là đám con gái của một số gia đình thượng đẳng ở Atlanta. Đám này, lớn lên từ sau khi Liên bang đầu hàng, chỉ có những kỷ niệm con nít về chiến tranh và thiếu hẳn lòng căm ghét cay đắng của các bậc cha mẹ anh chị. Họ không hề mất chồng, mất người yêu. Họ không nhớ gì mấy về sự giàu có, huy hoàng đã qua, trong khi bọn sĩ quan Yahki thì... sao mà đẹp trai, bảnh bao, sao mà hồn nhiên vô tư lự! Bọn này mở những vụ hội thật huy hoàng, cười những con ngựa thật đẹp và rất mực tôn sùng các thiếu nữ miền Nam. Họ trọng đãi các cô nàng như những bà hoàng, hết sức ý tứ không đụng chạm đến lòng tự ái dễ tổn thương của các cô nàng, vậy nói cho cùng thì... tại sao lại không giao du với họ?
Họ hấp dẫn gấp bội các chàng trai địa phương ăn vận xoàng xĩnh, lúc nào cũng nghiêm nghị và làm việc đầu tắt mặt tối chẳng còn mấy thì giờ để vui chơi. Thành thử đã có một số vụ bỏ nhà theo các sĩ quan Yahki làm cho các gia đình hết sức đau lòng. Có những người anh trai hay em trai gặp chị gái hay em gái ngoài phố không thèm hỏi, những ông bố bà mẹ không bao giờ nhắc đến tên con gái nữa. Nhớ đến những bi kịch ấy, những người nêu cao phương châm: “ Không đầu hàng “ cảm thấy một nỗi sợ lạnh toát ngấm vào tận mạch máu, vậy mà chỉ cần thấy gương mặt dịu dàng nhưng bất khuất của Melanie là nỗi sợ đó tan biến. Như các bà già nói, nàng là một tấm gương lành mạnh và tuyệt hảo cho các cô gái trong thành phố. Và vì nàng không hề phô trương đức hạnh của mình, nên các cô không có lý do dì để giận nàng.
Không bao giờ Melanie nghĩ rằng nàng đang trở thành thủ lĩnh của một hội mới. Nàng chỉ nghĩ là mọi chuyện là mọi người có nhã ý đến thăm nàng và muốn rủ nàng gia nhập các câu lạc bộ khâu may hoặc nhảy múa hoặc âm nhạc của họ. Mặc dù các thành phố bạn ở miền Nam thường chê bai Atlanta tà thiếu văn hóa, nơi này từ trước đến nay vẫn là một trung tâm âm nhạc, yêu thích nhạc hay, và hiện nay ở đây đang sống lại một đam mê cuồng nhiệt đối với âm nhạc ngày càng tăng lên theo tỷ lệ thuận với khó khăn căng thẳng của thời cuộc. Khi nghe nhạc, người ta có thể quên dễ dàng hơn những bộ mặt đen trâng tráo ở ngoài phố cùng những bộ quân phục xanh.
Melanie hơi lúng túng khi thấy mình được đặt ở cương vị đứng đầu Câu Lạc Bộ Âm Nhạc Tối Thứ Bảy mới được thành lập. Nàng chỉ có thể cắt nghĩa việc đó bằng cái lý do là nàng có thể đệm Piano cho bất kỳ ai, kể cả chị em nhà Mơnhur hát rất sai giọng mà lại thích song ca.
Sự thật Melanie, như một nhà ngoại giao tài giỏi, đã liên kết được nhiều nhóm nữ nghệ sĩ chơi đàn hạc, câu lạc bộ hợp xướng nam nhiều bè và hội măngđôlin và ghita thiều nữ với Câu Lạc Bộ Âm Nhạc Tối Thứ Bảy, khiến cho Atlanta hiện nay có những buổi hòa nhạc bõ nghe. Thực tế, nhiều người nói rằng Câu Lạc Bộ chơi bản Cô gái Bôhêmiêng còn vượt xa những buổi biểu diễn chuyên nghiệp họ được nghe ở Niu Yóoc. Chính sau khi nàng “ thu phục “ được nhóm nữ nghệ sĩ chơi đàn hạc, bà Meriuêzơ mới bàn với các bà Miđ và Oaitinh là phải đưa nàng lên cầm đầu chơi đàn hạc thì nàng có thể hòa hợp được với bất kỳ ai, bà Meriuêzơ tuyên bố thế. Bản thân bà chơi đại phong cầm cho hội hát ở nhà thờ Hội Giám Lý và, với tư cách là người chơi đại phong cầm, bà chẳng trọng đàn hạc hoặc những người chơi đàn hạc gì lắm.
Melanie cũng được bầu làm thư ký cho cả Hội Làm Đẹp Mồ Mả Các Liệt Sĩ Vẻ Vang của Chúng Ta lẫn của Câu Lạc Bộ Khâu May của Quả Phụ - Cô Nhi Liên Bang. Vinh dự mới này đến sau một cuộc họp liên tịch sôi động của các tổ chức nói trên suýt kết thúc dữ bằng sự tan vỡ của những quan hệ bạn bè sống chết có nhau. Trong cuộc họp đã nảy ra vấn đề là có nên dọn cỏ trên những ngôi mộ của lính Hợp Chủng Quốc ở cạnh mộ của các chiến sĩ Liên Bang hay không. Sự lộn xộn không hàng lỗi của các nấm mồ Yanki làm phí công của các bà cô nhằm làm đẹp nơi yên nghỉ của các tử sĩ bên mình. Lập tức những ngọn lửa âm ỉ trong những lồng ngực bùng lên dữ dội và hai tổ chức liền phân biệt gườm gườm nhìn nhau. Câu Lạc Bộ Khâu May tán thành việc dọn cỏ, còn Hội Làm Đẹp Mồ Liệt Sĩ thì kịch liệt phản đối.
Bà Miđ nói lên quan điểm ủa nhóm sau: “ Rẫy cỏ trên mồ bọn Yanki ư? Chỉ cần hai xu, tôi sẽ đào xác tất cả bọn Yanki lên, ném vào hố rác của thành phố!”.
Nghe những lời sang sảng ấy, các thành viên của hai hội đứng cả lên, mỗi bà mỗi cô đều bộc bạch tâm tư và không ai nghe ai cả. Cuộc họp được tổ chức ở phòng khách nhà bà Meriuêzơ và cụ cố Meriuêzơ, bị “ sơ tán “ vào bếp, sau này cụ kể lại là tiếng náo động nghe hệt như loạt pháo mở màn trận Franklin. Và cụ - nói thêm – cụ cho rằng ở giữa trận Franklin còn an toàn hơn ở giữa cuộc họp đó của các bà.
Không hiểu sao Melanie len được vào giữa đám đông đang kích động ấy và không hiểu sao cái giọng mọi khi vốn êm ái của nàng lại vượt lên trên tiếng huyên náo, lọt được vào tai mọi người. Tim nàng như thót lên cổ vì sợ - đám phát biểu giữa cuộc họp sục sôi phẫn nộ này!-Giọng nàng run lên, nhưng nàng vẫn tiếp tục kêu: “ Cho phép tôi, các bà các chị!” cho đến khi sự ồn ào xẹp xuống.
- Tôi muốn nói... có nghĩa là từ lâu tôi đã nghĩ rằng... rằng không những ta phải nhổ cỏ, mà con phải trồng hoa trên đó nữa. Tôi.. tùy các bà các chị muốn nghĩ sao thì nghĩ, nhưng mỗi lần mang hoa đến mộ anh Charli thân yêu, tôi đều đặt một vài bông hoa trên một một người Yanki không quen biết ở cạnh đó. Nom nó... thật hoang phế tội nghiệp!
Lại nhao nhao to tiếng hơn và lần này hai phe nhập làm một đồng thanh phản đối.
- Trên mộ bọn Yanki ư? Ôi, Meli, làm sao cô có thể thế!- Chúng đã giết Charli – Chúng suýt giết cả cô nữa!- Chao, bọn Yanki có thể đã giết Biu từ khi mới lọt lòng!- Chúng đã định đốt ấp Tara để cô mất nơi nương tựa!
Melanie bíu chặt lấy thành ghế, hồ như rụn xuống dưới trọng lượng của một sự bất đồng tình nàng chưa từng vấp phải bao giờ.
- Ôi, các bà các chị! Nàng kêu lên, van vỉ. Xin cho phép tôi nói nốt! Tôi biết không có quyền nói về vấn đề này vì tôi không có người thân yêu nào tử trận ngoài Charli và đội ơn Chúa, tôi lại biết nơi anh tôi an nghỉ! Nhưng trong chúng ta hôm nay, có biết bao người không biết chồng, con, anh, em mình chôn ở đâu và...
Nàng nghẹn lời và căn phòng lặng hẳn đi.
Cặp mắt nảy lửa của bà Miđ tối sầm lại. Bà đã làm cuộc hành trình dài đến Ghéttixbơg sau trận đánh ở đó định mang thi hài Đarxi về, nhưng không ai có thể chỉ cho bà biết cậu được chôn ở đâu. Đâu đó, trong một cái hố đào vội vàng ở vùng đất địch. Và kia, miệng bà Elixơn run lên. Chồng bà và em trai bà đã tham gia cuộc đột kích không may của tướng Mogân vào Ôhaiô và tin tức cuối cùng bà nhận được về họ là cả hai đã ngã xuống bên bờ sông khi kỵ binh Yanki xông lên tấn công. Bà không biết hiện họ nằm ở đâu. Con trai bà Elixơn chết trong một trại tù binh ở miền Bắc và, là người nghèo nhất trong số những người nghèo, bà không có cách nào để đưa hài cốt con về. Nhiều người khác đọc thấy trên danh sách thương vong tên người thân kèm theo mấy chữ “ Mất tích... coi là chết “ và đó là thông tin cuối cùng họ được biết về những người đàn ông họ đã tiễn ra mặt trận.
Họ hướng về Melanie những con mắt như muốn nói: “ Tại sao cô lại khởi lại những vết thương ấy làm gì? Đó là những vết thương không bao giờ lành – những vết thương đó không biết người thân yêu của của mình nằm đâu “.
Tiếng Melanie mạnh lên trong tĩnh lặng căn phòng.
- Mộ của họ ở đâu đó trên miền đất Yanki cũng như những nấm mồ Yanki ở đây, và... ôi, sẽ khủng khiếp biết bao nếu ta biết một phụ nữ Yanki nào đó nói đến chuyện họ đào họ lên và...
Bà Miđ khẽ nấc lên một tiếng nghe dễ sợ...
- Nhưng sẽ tuyệt diệu biết bao nếu ta biết một phụ nữ Yanki phúc hậu nào đó... Mà nhất định là phải có một số phụ nữ Yanki phúc hậu. Thiên hạ muốn nói gì thì nói, không thể nào tất cả phụ nữ Yanki đều xấu. Tuyệt diệu biết bao nếu ta biết họ dọn cỏ trên những người của chúng ta và mang hoa đến đặt trên đó, cho dù họ là kẻ thù của ta. Giả sử Charli yên nghỉ trên miền Bắc, tôi sẽ ấm lòng biết mấy nếu được biết là có một người nào đó... Và các bà các chị muốn nghĩ về tôi như thế nào thì nghĩ – giọng nàng lại vỡ ra – tôi sẽ xin ra khỏi cả hai câu lạc bộ và sẽ... sẽ nhổ tất cả mọi ngọn cỏ trên tất cả mọi nấm mồ Yanki mà tôi gặp, không những thế, còn trồng cả hoa nữa... và... tôi dám thách ai ngăn được tôi!
Và vừa nói lời thách thức cuối cùng đó, Melanie liền òa lên khóc và cố loạng choạng bước về phía cửa ra vào.
Một giờ sau, cụ cố Meriuzơ, yên trí ngồi đằng hoàng trong khu vực nam giới của tiệm “ Gái Thời Đại “, kể lại cho ông bác Henri Hemơltơn rằng sau câu nói đó, mọi người đều khóc và ômg hôn Melanie. Mọi sự kết thúc trong dào dạt thương yêu và Melanie được bầu làm thư ký của cả hai tổ chức.ư
- Và thế là họ sẽ dọn cỏ. Điều chán ốm là Đôli lại gợi ý giao cho tôi việc ấy bởi vì tôi chẳng có việc gì khác mà làm. Tôi chẳng thù ghét gì bọn Yanki và tôi nghĩ Meli có lý, còn các mụ thần nanh đỏ mỏ ấy sai. Nhưng ở tuổi tôi, lại thêm chứng đau lưng mà lại phải đi nhổ cỏ!
-Melanie ở trong ban giám đốc Cô Nhi Viện gồm toàn nữ và góp phần sưu tầm sách cho Hội Thành Lập Thư Viện Thanh Niên mới được thành lập. Cả đến câu lạc bộ kịch nghiệp dư, những đệ tử của Thexpix, mỗi tháng trình diễn một lần, cũng kêu gào nàng tham gia. Nàng quá nhút nhát không dám xuất hiện trên sàn khấu dưới ánh đèn dầu hỏa, nhưng nàng có thể may trang phục bằng những bao gai trong trường hợp đó là chất liệu duy nhất có trong tay. Chính nàng đã bỏ lá phiếu quyết định ở
Câu Lạc Bộ Đọc Sêchxpia ủng hộ việc xen giữa các tác phẩm của nhà đị thi hào để “ đổi món “ bằng Đichkinz và Bulver Littơn chứ không phải bằng những bài thơ của Bairơn như gợi ý của một thành viên Câu Lạc Bộ còn trẻ, độc thân mà Melanie thầm lo là rất phóng đãng.
Những tối cuối hè, ngôi nhà nhỏ thiếu ánh sáng của nàng bao giờ cũng đầy khách. Không bao giờ có đủ ghế và thường khi các bà các cô phải ngồi trên những bậc thềm hiên trước, còn quanh họ nam giới ngồi trên lan can, trên những chiếc hòm hoặc trên bãi cỏ mé dưới. Đôi khi nhìn thấy khách khứa ngồi ngay trên cỏ uống trà, món giải khát duy nhất mà gia đình Uylkz có thể mời họ, Xcarlett băn khoăn tự hỏi làm sao Melanie có thể quyết định phô bày sự nghèo túng của mình như thế mà không xấu hổ. Chừng nào Xcarlett chưa có khả năng sắm đồ đạc bày biện ngôi nhà bà cô Pitti như hồi trước chiến tranh và đãi khách bằng vang ngon, Uytxki pha bạc hà, Jămbông sấy, đùi nai ướp lạnh thì nàng chưa có ý định mời khách đến nhà – đặc biệt là loại thượng khách như những người thường lui tới nhà Melanie.
Tướng Jon B. Gôđơn, vị anh hùng lớn của bang Giorgia thường xuyên đến đó cùng với gia đình. Cha Raiân, vị linh mục – thi sĩ, mỗi lần qua Atlanta đều không bao giờ quên ghé thăm. Ông chinh phục những người tụ tập ở đó bằng trí tuệ của mình và hiếm khi cần phải nài nỉ nhiều mới chịu đọc bài “ Thanh gươm của tướng Li “ hoặc bài “Ngọn lửa chiến bại “ bất tử của ông, những vần thơ bao giờ cũng làm các thính giả rơi lệ. Elich Xtiphânz, cựu phó tổng thống Liên Bang, lần nào về thành phố cũng tới thăm và mỗi khi được biết ông đang ở nhà Melanie, mọi người kéo đến chật nhà, ngồi hàng giờ say mê nghe chuyện con người tàn phế mảnh khảnh có giọng nói sang sảng. Trong những buổi đó thường có khoảng một tá trẻ con hàng tiếng đồng hồ sau giờ ngủ thường lệ vẫn còn thức, đầu gật gà gật gù trong tay bố mẹ. Gia đình nào cũng muốn con cái mình nhiều năm sau có thể kể rằng chúng đã được Phó tổng thống vĩ đại hôn hoặc đã được bắt bàn tay từng góp phần chèo lái con thuyền Đại Nghĩa của Liên bang. Tất cả các nhân vật quan trọng đến thành phố đều ghé thăm nhà Uylkz và nhiêu khi nghỉ đêm tại đó. Trong những trường hợp ấy, ngôi nhà nhỏ mái bằng trở nên chật cứng, Inđiơ buộc phải nằm trên một nệm rơm ttrong cái khoang nhỏ dùng làm buồng trẻ dành cho Biu, còn Đilxi thì hối hả luồn qua hàng rào sau nhà chạy sang vay chị bếp nhà bà cô Pitti ít trứng để chuẩn bị bữa điểm tâm. Dù thế nào mặc lòng, Melanie vẫn tiếp đãi họ lịch sự, như thể nhà nàng là một tòa lấu đài vậy.
Không, Melanie không hề nghĩ rằng người ta tập hợp quanh nàng như quanh một ngọn cờ yêu dấu đã bạc phai. Cho nên nàng vừa kinh ngạc vừa bối rối, khi, kết thúc một buổi tối thù vị tại nhà nàng trong đó ông đã đọc vai Mácbết rất đạt, bác sĩ Miđ hôn tay nàng và phát biểu những nhận xét sau đây bằng cái giọng trước kia ông thường dùng để nhắc đến sự Nghiệp Vinh Quan của Chúng Ta:
-Tiểu thư Meli thân mến của tôi, những giờ phút dưới mái nhà tiểu thư bao giờ cũng là một đặc quyền và mọi điều thích thú, bởi vì tiểu thư và những phụ nữ như tiểu thư là trái tim của tất cả chúng ta, là tất cả những gì còn lại của chúng ta. Bọn chúng đã cướp đi tuổi hoa các chàng trai của chúng ta, cướp đi tiếng cười của các cô gái của chúng ta. Bọn chúng đã hủy hoại sức khỏe của chúng ta, trốc rễ cuộc đời chúng ta. Bọn chúng đã tàn phá sự phồn thịnh của chúng ta, kéo chúng ta lùi lại năm chục năm và chất một gánh nặng quá lớn lên vai các trẻ nhò của chúng ta lẽ ra phải được cắp sách đến trường, lên vai những người già của chúng ta lẽ ra phải được thoải mái sưởi nắng. Nhưng chúng ta sẽ xây dựng lại vì chúng ta có những trái tim như trái tim của tiểu thư làm nền móng. Và chừng nào chúng ta còn những trái tim như vậy, bọn Yanki không thể chiếm đoạt hết được!
Cho tới khi thân hình Xcarlett xồ ra tới mức mà cả đến tấm khăn san đen to của bà cô Pitti cũng không giấu nổi nàng vẫn thường xuyên cùng Frank lách qua hàng rào sau nhà tham gia các cuộc tụ tập những đêm hè ở hiên nhà Melanie. Bao giờ nàng cũng ngồi hẳn ngoài vòng ánh sáng, khuất trong bóng tối chở che, vừa không phải phơi mình ra lồ lộ vừa có thể kín đáo nhìn ngắm khuôn mặt Ashley cho thật đã.
Ashley là lực duy nhất hút nàng tới đó, vì các cuộc chuyện trò đều khiến nàng buồn chán, bao giờ cũng rập theo một khuôn: đầu tiên là thời buổi khó khăn; sau đó, tình hình chính trị; rồi tất yếu đến chiến tranh. Các bà kêu ca về chuyện mọi thứ đều đắt đỏ. Theo ý các ông, liệu thời tốt đẹp có bao giờ trở lại hay không, các bà hỏi vậy. Và các ông thông kim bác cổ bao giờ cũng trả lời dứt khoát là có. Chóng, thầy chỉ là chuyện thời gian thôi. Khó khăn chỉ là tạm thời. Các bà biết là các ông nói dối và các ông biết là các bà nói dối và các bà giả vờ tin các ông. Ai nấy đều biết thời buổi khó khăn còn kéo dài vô hạn độ.
Hết chuyện thời buổi khó khăn, các bà chuyển sang bản vẽ thái độ ngày càng trâng tráo của bọn da đen, những hành động xúc phạm của bọn Bị Thảm và nỗi nhục phải thấy bọn lính Yanki la cà ở mọi góc phố. Theo ý các ông, liệu có bao giờ bọn Yanki dứt điểm với việc “ Tái Thiết “ bang Giorgia không? Các ông trấn an rằng công cuộc Tái Thiết sẽ kết thúc chóng vánh thôi –ngay khi nào những đảng viên Dân Chủ lại được quyền bầu cử. Các bà dù tế nhị để không hỏi khả năng đó bao giờ thành hiện thực và hết chuyện chính trị, người ta lại bắt đầu luận về chiến tranh.
Bất cứ khi nào hai người cũ của Liên Bang gặp nhau ở bất cứ nơi nào, cũng chỉ có một đầu đề nói chuyện duy nhất, và khi nào khoảng trên dưới một tá tụ tập lại là y như rằng các kỷ niệm chiến trận lại trở nên sống động và bao giờ chữ “ nếu “ cũng chiếm ngôi thượng đẳng trong câu chuyện.
- “ Nếu bây giờ nước Anh đã công nhận chúng ta “.. “ Nếu Jet Đevix kịp trưng thu toàn bộ bông và đưa được sang Anh trước khi hàng rào phong tỏa thắt chặt lại “... “ Nếu ở Ghettizbơg, Longxt’rit chấp hành đúng mệnh lệnh “... “ Nếu Jeb Xtiuớt không vì cuộc đột kích ấy mà vắng mặt khi Macxơ Bob cần đến ông... “ “ Nếu chúng ta không mất tướng Xtônuâl Jêchxơn... “ “ Nếu Vichơg không thất thủ...” “ Nếu chúng ta cầm cự được thêm một năm nữa..”
Và bao giờ cũng: “ Nếu họ đừng đưa Huđ thay thế Jonxơn...” hoặc “ Nếu họ giao cho Huđ chỉ huy ở Đaltơn, thay vì Jonxơn”...
Nếu! Nếu! Những giọng kéo dài bốc lên rạo rực một niềm phấn hứng xa xưa khi họ trò chuyện trong bóng tối tĩnh lặng – những người lính bộ binh, kỵ binh, pháo binh gợi lại hồi ức thời kỳ cuộc đời thăng hoa nhất như giữa hoàng hôn mùa đông hiu hắt nhớ về cái nóng hừng hực độ đương hè.
“ Họ chẳng nói chuyện gì khác “, Xcarlett nghĩ: “ Toàn chiến tranh là chiến tranh, lúc nào cũng vậy. Và họ sẽ chỉ nói độc một chuyện ấy cho đến khi chết “.
Nàng nhìn quanh, thấy những chú nhỏ nằm trong tay cha, mắt long lanh, hơi thở gấp khi nghe nói đến những cuộc xuất kích ban đêm, những đợt kỵ binh xông lên cắm cờ trên chiến lũy địch. Tưởng chừng như chúng nghe thấy cả tiếng trống trận, tiếng kèn thúc quân, tiếng hô giáp chiến, trông thấy những đoàn quân đi trong mưa, chân đau nhừ, cờ tả tơi rũ rượi.
“ Và cả những đứa trẻ ấy nữa cũng sẽ không nói chuyện gì khác. Chúng sẽ nghĩ: Chiến đấu với bọn Yanki và trở về mù lòa, què cụt hoặc... Không trở về nữa, là điều tuyệt vời và và vinh quang. Tất cả đều thích nhớ lại và nói chuyện về chiến tranh. Nhưng mình thì không. Thậm chí mình không thích nghĩ đến nó. Mình sẽ quên hết những gì dính dáng đến chiến tranh nếu mình có thể... ôi, nếu mình có thể!”
Nàng sởn da gà khi nghe Melanie kể lại những chuyện ở ấp Tara, nêu Xcarlett thành một nữ anh hùng khi đối mặt với những tên xâm lược, cứu được thanh gươm của Charli, kheo Xcarlett đã dập tắt lửa như thế nào. Xcarlett chẳng cảm thấy thích thú hay tự hào gì về những điều đó. Nàng hoàn toàn không muốn nghĩ đến chúng.
“ Ôi, tại sao họ không thể quên được nhỉ? Tại sao họ không thể nhìn về phía trước và đừng ngoái lại? Chúng ta thật ngu dại mới lao vào cuộc chiến tranh ấy. Chúng ta càng sớm quên nó đi càng tốt “.
Nhưng không ai muốn quên cả, dường như không ai khác ngoài nàng, cho nên Xcarlett lấy làm sung sướng có thể thành thật nói với Melanie rằng nàng rất ngượng khi phải xuất hiện trước mọi người, dù là trong bóng tối. Melanie hiểu ngay lời giải thích ấy, nàng vốn cực kỳ nhạy cảm với mọi vấn đề có liên quan đến sinh nở. Melanie rất muốn có một đứa con nữa, nhưng cả bác sĩ Miđ lẫn bác sĩ Fônten đều đã khẳng định là nàng sẽ chết nếu đẻ thêm đứa nữa. Cho nên chỉ cam phận một nửa, nàng qua phần lớn thời gian bên cạnh Xcarlett để hưởng lây niềm khoái cảm về một sự mang thai không phải của mình. Đối với Xcarlett, vốn chẳng những không muốn có đứa con sắp tới mà còn khó chịu về sự có mang không đúng lúc này, thái độ đó là tột đỉnh của thói đa cảm ngu xuẩn. Nhưng nàng có một cảm giác thích thú tội lỗi khi nghĩ đến lệch của các bác sĩ cấm mọi sự gần gũi chung đụng thực sự giữa Ashley và vợ chàng.
Dạo này Xcarlett gặp Ashley luôn, nhưng không bao giờ gặp một mình. Tối nào trên đường từ xưởng về nhà, chàng cũng ghé qua nhà nàng để tường trình công việc trong ngày, nhưng Frank và bà Pitti thường có mặt hoặc, tệ hơn nữa, cả Melanie và Inđiơ nưa. Nàng chỉ có thể hỏi những câu dính dáng đến công việc, góp ý kiến rồi nói: “ Anh ghé qua như thế này thật là tốt. Chúc ngủ ngon”.
Giá mà nàng không có mang! Đây là một cơ hội trời cho để sáng sáng đi xe ngựa với chàng đến nhà máy, qua những khu rừng hiu quạnh, xa những cặp mắt nhòm ngó, tưởng tượng như mình đang sống lại những ngày ung dung nhàn nhã ở Hạt cũ trước chiến tranh.
Không, nàng sẽ không tìm cách gọi chàng nói một lời yêu đương nào! Nàng sẽ không ám chỉ đến tình yêu bằng bất cứ giá nào. Nàng đã thề độc với mình là sẽ không bao giờ làm thế nữa. Nhưng, nếu nàng có dịp một mình với chàng một lần nữa, biết đâu chàng có thể bỏ cái mặt nạ xã giao chung chung chàng vẫn đeo từ ngày đến Atlanta. Biết đâu chàng chẳng có thể lại trở về bản ngã khi xưa, lại là chàng Asley mà nàng đã biết từ trước cái buổi tiệc ngoài trời, trước khi bất kỳ lời yêu đương nào được thốt ra giữa hai người. nếu không thể thành tình nhân của nhau, thì có thể lại là bạn và nàng có thể sưởi trái tim lạnh lẽo, cô đơn của mình trong lửa ấm tình bạn của nàng.
“ Giá mình có thể đẻ xong phắt đứa bé này “, nàng sốt ruột nghĩ thầm, “ sau đó mình sẽ có thể ngày nào cũng đi xe ngựa với chàng và chúng mình sẽ trò chuyện...”
Không phải chỉ có niềm khao khát được gần chàng làm Xcarlett quằn quại sốt ruột mong chóng tới lúc ở cữ. Hai xưởng xưa đang cần đến nàng. Cả hai xưởng đã lỗ từ khi nàng nghỉ không trực tiếp giám sát, giao lại cho Hiu và Ashley phụ trách.
Hiu hoàn toàn không có khả năng kinh doanh mặc dù chàng đã cố gắng hết sức. Chàng buôn bán đã kém, điều khiển lao động lại còn kém hơn, bất kỳ ai cũng có thể nài được chàng giảm giá. Nếu một tay thầu khoán náu cá nào nói rằng gỗ thuốc loại kém, không xứng với giá đặt, Hiu liền cảm thấy trong trường hợp ấy có một người hào hoa chỉ có thể xin lỗi và hạ giá xuống. Khi Xcarlett được biết giá tiền chàng bán một nghìn “ Fút “ gỗ sàn, nàng tức đến phát khóc. Loại gỗ sàn tốt nhất nhà máy từng sản xuất ra, mà chàng gần như cho không! Và chàng không sao quản lý được các kíp thợ. Bọn da đen đòi được trả lương hàng ngày và thường thường được đồng nào là uống say khướt, sáng hôm sau không đến làm việc. Trong trường hợp ấy, Hiu bắt buộc phải kiếm thợ mới, và công việc lại chậm trễ. Với những khó khăn đó, nhiều ngày liền, Hiu không rút ra được để vào thành phố bán gỗ.
Thấy những món lời tuột khỏi tay Hiu, Xcarlett đâm điên đầu với sự bất lực và ngu xuẩn của chàng. Khi nào đẻ xong, có thể trở về làm việc được, nàng sẽ cho Hiu thôi ngay và mượn một người khác. Bất cứ ai cũng có thể làm tốt hơn. Và nàng đã không bao giờ dính dáng tới bọn níchgơ tự do nữa. Làm sao có thể hoàn thành được cái gì với bọn níchgơ luôn bỏ việc.
- Frank ạ, nàng nói với chồng sau một cuộc hội kiến nảy lửa với Hiu về đám thợ bỏ việc, em gần như quyết định thuê bọn tù làm việc cho hai xưởng cưa. Cách đây ít lâu, em có phàn nàn với Jonni Gheligơ, tay đốc công của Tommi Uelbơn, về những khó khăn trong việc đôn đốc bọn da đen làm việc và anh ta hỏi tại sao em không thêu bọn phạm nhân. Em thấy đó là một ý hay. Anh ta bảo em có thể thuê lại một số với tiền công xá chẳng đáng là bao và nuôi chúng ăn hết sức rẻ mạt. Anh ta còn nói rằng em có thể bắt chúng làm việc theo bất cứ cách nào mình thích mà không bị bọn Phòng Phóng Thích nhâu nhâu đến thò mũi vào những chuyện khônng liên quan gì đến chúng. Và khi Jonni Gheligơ hết hợp đồng với Tommi, em sẽ thêu ngay anh ta để thay Hiu. Một kẻ đã điều hành được một đám người Ailen man dại dưới quyền mình, chắc chắn sẽ có thể bắt bọn tù làm được khối việc với năng suất cao.
Tù nhân! Frank không biết nói sao. Thuê tù nhân, đó là điều quá xá nhất trong tất cả những kế hoạch điên cuồng Xcarlett đã đề ra, thậm chí còn tệ hơn cả cái ý định mở tiệm giải khát nữa.
Chí ít đó cũng là ý kiến của Frank và giới thủ cựu trong đó chàng sinh hoạt. Cái chế độ thuê tù nhân làm việc này mới nảy sinh do sự nghèo nàn của bang sau chiến tranh. Không đủ khả năng nuôi tù. Bang phải cho họ ra làm thuê cho những người cần nhiều nhân công lao động trong việc xây dựng đường sắt, khai thác dầu thông và gỗ rừng. Tuy Frank và các bạn hữu điềm đạm ngoan đạo của chàng hiểu rõ sự cần thiết của chế độ ấy, họ vẫn coi đó là điều đáng phàn nàn. Nhiều người trong số đó trước kia thậm chí đã không ủng hộ chế độ nô lệ và bây giờ họ cho hiện tượng này còn tệ hơn nhiều.
Vậy mà Xcarlett lại muốn thuê tù! Frank biết nếu nàng làm như thế, chàng sẽ không bao giờ dám cất cao đầu lên nữa. Việc đó còn tệ hại gấp bội việc nàng sở hữu và tự điều hành hai xưởng cưa hoặc bất cứ việc gì khác nàng đã làm. Trước đây, mỗi lần đưa ý kiến phản đối, bao giờ chàng cũng kèm theo câu hỏi: “ Mọi người sẽ nói sao?”.Nhưng bây giờ, cái nỗi này... cái nỗi này còn sâu hơn cả nỗi sợ công luận kia nữa. Chàng cảm thấy đây là một sự mua bán thân thể con người ngang tầm với tệ mãi dâm, một tội lỗi sẽ hàn vết lên tâm hồn chàng nếu chàng để cho nàng làm thế.
Tin chắc điều đó là sai trái, Frank thu hết can đảm Xcarlett không được làm như vậy, đưa những nhận xét mạnh đến nỗi nàng sửng sốt im bặt. Cuối cùng, để làm chàng yên lòng, nàng nhu mì nói rằng, nàng không có chủ trương thực sự như vậy. Chỉ tại quá mệt mỏi với Hiu và bọn níchgơ tự do nên nàng mới phát khùng thế thôi. Trong thâm tâm, nàng vẫn ngấm ngầm nghĩ đến chuyện ấy với đôi chút thèm muốn. Lao động tù nhân sẽ giải quyết được một trong những vấn đề gay go nhất của nàng, nhưng nếu Frank làm to chuyện thế...
Nàng thở dài. Nếu chí ít một trong hai xưởng cưa sinh lợi thì nàng còn có thể đành lòng vậy, nhưng Ashley làm ăn cũng chẳng hơn Hiu là mấy.
Thoạt đầu, Xcarlett bất bình và thất vọng vì Ashley không nắm được ngay và làm cho xưởng máy sinh lợi gấp đôi thời kỳ nàng quản lý. Chàng thông minh thế, đọc nhiều sách thế, chẳng có lý do gì khiến chàng không thành công rực rỡ và làm ra hàng đống của. Thế nhưng chàng lại chẳng thành công gì hơn Hiu. Những sai lầm, sự thiếu kinh nhiệm, thiếu đầu óc kinh doanh cùng những đắn đo áy náy trong thủ đoạn giao dịch ở chàng thật giống hết ở Hiu.
Tình yêu nồng cháy trong Xcarlett vội vàng tìm cớ biện hộ cho Ashley, nàng không nhìn hai người dưới cùng một góc độ. Hiu thì rành là ngu xuẩn hết đường cứu vãn rồi, còn Ashley chỉ là bỡ ngỡ trong kinh doanh mà thôi. Tuy nhiên, muốn hay không, nàng vẫn phải thừa nhận rằng không bao giờ Ashley có thể nhẩm tính nhanh trong đầu và định một giá chính xác như nàng đã được. Đôi khi nàng tự hỏi có bao giờ chàng biết phân biệt nổi gỗ ván sàn với gỗ đà ngang. Bản thân chàng vốn là người hào hoa và bởi bản thân chàng là người đáng tin cậy, nên Ashley tin cậy mọi tên vô lại đến với mình và nhiều lần suýt làm nàng mất tiêu của nếu nàng không khéo léo can thiệp vào. Và nếu chàng cảm tình với ai, chàng sẵn sàng bán chịu gỗ cho họ, không cần nghĩ đến chuyện tìm hiểu xem họ có tiền gửi ngân hàng hoặc có tài sản gì không. Về mặt này, chàng cũng ngờ nghệch như Frank.
Nhưng chắc chắn chàng sẽ vỡ vac tinh khôn ra! Và trong khi chờ đợi chàng rút được bài học, nàng rất mực khoan dung và kiên nhẫn với những sai lầm của chàng, như một người mẹ yêu thương. Mỗi tối khi chàng ghé qua nhà nàng, phờ phạc và chán nản, nàng tìm mọi cách khéo léo gợi ý giúp đỡ, không biết mệt. Nhưng mặc dầu nàng ra sức khuyến khích động viên, mắt chàng vẫn có một vẻ đờ đẫn kỳ lạ mà nàng không hiểu nổi và đâm sợ. Chàng đã khác đi nhiều, không còn là Ashley ngày xưa nữa. Nếu gặp được chàng một mình, chưa chừng nàng có thể tìm ra lý do cũng nên.
Tình hình đó làm nàng nhiều đêm mất ngủ. Nàng băn khoăn về Ashley vừa vì biết chàng chẳng sung sướng gì, vừa vì thấy rằng tình trạng ấy ắt không giúp chàng trở thành nhà kinh doanh gỗ giỏi. Nàng cảm thấy như bị cực hình vì nỗi các nhà máy của mình nằm trong tay hai kẻ không có chút ý thức kinh doanh nào như Hiu và Ashley, đau lòng thấy những kẻ cạnh tranh cướp mất những khách hàng sộp nhất mặc dầu nàng đã làm việc cật lực và vạch kế hoạch thật cẩn thận cho những tháng phải nằm thúc thủ này. Ôi, giá nàng có thể trở lại làm việc! Nàng sẽ phị trách Ashley và nhất định chàng sẽ thạo dần. Và Jonni Gheligơ có thể điều hành nhà máy kia để nàng lo việc bán gỗ và mọi sự sẽ tốt đẹp. Còn Hiu, anh ta có thể đánh xe đi giao hàng nếu anh ta vẫn muốn làm việc cho nàng. Anh ta chỉ có khả năng làm việc ấy thôi.
Dĩ nhiên, Gheligơ có vẻ là một tay vô lương tâm, mặc dầu rất thông minh, nhưng... nàng biết kiểm ra ai khác? Tại sao những người khác vừa thông minh vừa lương thiện lại ngại làm việc cho nàng đến thế? Nếu nàng thuyết phục được một trong những người đó nhận làm cho nàng, thay chân Hiu, nàng sẽ không phải lo lắng nhiều đến thế này, nhưng...
Tommi, mặc dầu lưng bị tật, là nhà giàu thầu khoán nhiều việc nhất thành phố và, theo lời mọi người làm ra khối tiền. Bà Meriuêzơ và Rơnê phát tài, hiện đã mở một hiệu bánh ở khu trung tâm. Cửa hiệu được Rơnê quản lý với một tinh thần tiết kiệm chính cống Pháp và cụ cố Meriuêzơ giờ thay Rơnê đánh xe đi bán patê, sung sướng được thoát khỏi cái gốc lò sưởi của mình. Các chàng trai nhà Ximmơn nhiêu nơi đặt mua gạch đến nỗi phải nung lò ba ca mỗi ngày. Và Kelz Oaitinh cũng hốt tiền bằng cái máy làm duỗi tóc vì anh ta bảo đám da đen rằng họ sẽ không bao giờ được phép bầu cho liên danh ứng cử viên Cộng Hòa nếu còn để tóc quăn.
Tất cả những thành viên thông minh khác mà nàng quen biết người bác sĩ, luật sư, kẻ bán hàng cũng đều khấm khá. Tình trạng uể oải bơ phờ xâm chiếm họ thời kỳ ngay sau chiến tranh đã biến mất hoàn toàn và họ quá bận rộn lo xây dựng cơ nghiệp của bản thân, đâu còn thì giờ giúp xây dựng cơ nghiệp của nàng. Những người không bận rộn là những tay thuộc loại Hiu... hay Ashley.
Định làm ăn kinh doanh mà lại có mang thì thật rắc rối!
“ Mình sẽ không bao giờ có con nữa “, nàng quyết định dứt khoát. “ Mình sẽ không chịu giống những phụ nữ khác, năm nào cũng đẻ sòn sòn. Lạy chúa, thế sẽ có nghĩa là mỗi năm mất rõ ràng mình không thể vắng mặt ở đó lấy một ngày. Mình sẽ nói thẳng với Frank rằng mình không muốn có con nữa “.
Frank thì muốn có một gia đình đông đúc, nhưng nàng sẽ có cách thuyết phục chàng. Đây là đứa con cuối cùng của nàng. Hai xưởng cưa quan trọng hơn nhiều.