Giữa trùng khơi
Phương Trinh
Dạo đó, tôi đâm ra ngán ngẩm mọi thứ. Có những ngày phải đi làm, tôi vẫn nằm ườn trên giường, bất động, cho đến lúc toàn thân tê rần mới nhổm người lên.
Tôi là nhà phân phối sản phẩm, nếu bớt văn hoa đi thì tôi là người bán dạo cho một công ty mỹ phẩm nước ngoài chưa có tiếng tăm nhiều ở VN.
Cũng không hiểu tôi làm việc thế nào nhưng tôi có tên trong danh sách những nhân viên hiệu quả, được đi nghỉ mát ở Nha Trang. Tôi đồng ý đi, như một cách chống lại thứ axit chán nản mà tôi cảm giác rằng nó đang từ từ ăn mòn tôi.
Đêm đầu tiên ở Nha Trang, cả đoàn cùng ăn tối, sau đó về phòng. Tôi cùng Phi, Lưu để nguyên áo quần, nằm chèo queo trên giường, không nói gì cùng nhau. Tivi mặc sức chuyển từ bộ phim vụ án sang “chỉ có thể là Heineken”, từ “sữa mẹ là tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ” sang tin Mỹ có điệp viên cài trong mạng lưới Al-Qaeda...
Tôi không nghe hết, chỉ loáng thoáng có những âm thanh nhảy tọt vào tai tôi. Nhưng tôi ngờ rằng nếu không có tiếng động thì cả ba sẽ điên lên mất. Phi đứng dậy: “Ra biển chơi!”. Tôi và Lưu cũng nhổm người theo. Khi đi cùng nhau, tôi có cảm giác rất rõ ràng rằng “ba chúng tôi đi cùng nhau”. Cảm giác ấy, đối với tôi lúc này, như một thứ sữa mẹ tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Khi chúng tôi bước xuống tiền sảnh, Vân, Thủy đã ngồi ở đó. Cả hai bảo rằng họ đã ngồi đây từ lúc ăn cơm tối về và bỗng dưng chẳng buồn nhấc chân lên nữa. Thế là năm người gởi chìa khóa phòng cho tiếp tân, đi ra biển. Số 5 là số lẻ.
Khách sạn cách biển một khoảng khá xa. Con đường chúng tôi đi tối đen và không một bóng người. Không rõ mấy giờ. Trước khi đi, chúng tôi quên cả thời gian. Đối với tôi, đó là một đêm kỳ lạ đến khó quên trong đời. Dường như cả Nha Trang đã ngủ hết rồi. Phi ngửa mặt lên trời gào thật to: “Dậy đi!”. Chúng tôi chờ một tiếng quát, một ánh đèn hay một tiếng chó sủa cũng được. Nhưng không một tiếng động nào.
Bãi biển đây rồi. Quán cà phê ven bờ đã đóng cửa. Chúng tôi chỉ còn cách đi dọc bãi cát mênh mông. Tiếng sóng biển trầm trầm, độc một âm điệu đến nỗi chính nó cũng hòa vào lặng thinh. Âm thanh của những con sóng bạt ngàn và lữ thứ có khác gì vĩnh cửu lặng im. Đi trên cát, tôi chợt hoài nghi phải chăng mình đang đi trên sa mạc.
Một sa mạc mênh mang nước mà khát cháy âm thanh. Phi đột ngột dừng lại: “Đốt lửa không?”. Tôi nhớ mang máng có một người bạn bảo rằng không thể đốt lửa trên bãi biển vì các tàu ngoài khơi sẽ tưởng lầm đấy là tín hiệu. Lửa? Phải! Lửa sẽ là tiếng hú gọi bầy đàn, sẽ là tiếng kêu thét: “dậy đi” của cả năm người chúng tôi. Lửa sẽ gọi những con tàu, những người bảo vệ biển.
Chúng tôi tìm được một cái sọt đã hư, móc card ra làm mồi châm lửa. Và ngọn lửa yếu đuối bừng lên. “Múa Hơ-mông đi!” - Vân lắc mông mình bên lửa. Váy Vân mỏng và ánh lửa soi sáng cả nội y. Thủy nhảy múa, uốn éo. Áo trễ ra, ngực tròn núng nính. Phi móc cả những tờ giấy bạc ra làm mồi lửa.
Tràng cười của Phi đầy kích động. Tràng cười ấy nhắc tôi nhớ rằng trước ngày đi Nha Trang, Phi bảo rằng Phi sẽ bỏ việc. Có cảm giác chúng tôi đã vất vào ngọn lửa này tất cả, tiền bạc, ý thức, thời gian, những nguyên tắc của xã hội... Không có con tàu nào vào bờ, không có người bảo vệ nào nhắc nhở.
Lửa tàn. Lúc này, xung quanh mù mịt hệt chúng tôi bị nuốt vào bao tử khổng lồ của một con quái vật. Sực nhớ đến ánh đèn flash, tôi rút máy hình ra, chụp bốn người còn lại để tất cả được nhìn một ánh sáng nhỏ nhoi.
Rồi chúng tôi rời biển. Chúng tôi nằm lăn giữa đường phố Nha Trang, cùng rú lên cười khi một chiếc Dream lao đến. Anh tài xế lách người qua chúng tôi và chửi váng lên. Khoảnh khắc ánh đèn xe rọi vào mắt, chúng tôi cảm thấy mình như một đàn thiêu thân lao đến lửa.
Cuối cùng thì chúng tôi cũng trở về. Ngày hôm sau, chúng tôi theo đoàn đi ngắm đảo Yến, rồi lên thuyền đáy bằng ngắm san hô cùng sinh vật biển. Tất cả đều tề chỉnh, như chưa từng có đêm thác loạn đã qua. San hô sống lay động còn san hô chết cứng đờ người. Có một nghĩa trang lặng thầm, bát ngát dưới đại dương. Xong, chúng tôi ghé hòn Tằm tắm biển. Ở đó, chúng tôi gặp một con bé cứ loay hoay quanh những con sóng, tìm một sợi dây chuyền có lẽ đã bị cuốn đến trùng khơi.
Sau chuyến đi chơi, chúng tôi trở về làm việc vào ngày thứ hai. Ngày thứ ba, tôi đọc báo, nhận ngay ra người trong ảnh là Phi. Phi đã nằm giữa đại lộ Sài Gòn. Tài xế xe tải không nhìn thấy Phi. Khi khám nghiệm tử thi, người ta kết luận người chết không uống rượu hoặc dùng bất cứ một loại thuốc kích thích nào.
Có lẽ khi xe tải lao đến, Phi đã được nghe tiếng động cơ xe và được nhìn thấy ánh đèn trong cuộc đời tối tăm, nín lặng của mình. Không ai hiểu vì sao Phi tự tử, nhưng tràng cười điên dại trên bãi biển Nha Trang đêm nào cho tôi một lý do...
Có lúc tôi ước rằng đêm ấy, người bảo vệ biển quát nạt Phi, một con chó nào đó tru lên đáp lời Phi gọi. Nếu mọi việc diễn ra như thế thì có thể Phi sẽ không chết. Tôi run rẩy lật sang trang báo khác rồi bần thần trước một tin khoa học: một giọt nước có thể cắt được cả kim cương...
Bốn người chúng tôi vẫn là những “nhân viên làm việc hiệu quả”, gặp nhau thường hơn lúc trước. Số bốn là số chẵn. Bức hình tôi chụp chỉ có độc một ngọn lửa leo lét và màn đêm, không có hình người...Tôi bỗng nâng niu từng bữa ăn, giấc ngủ của mình, quyến luyến từng gương mặt thiết thân. Liệu tôi có giống con bé ở hòn Tằm ngẩn ngơ tìm sợi dây chuyền giữa biển?
(Truyện đoạt giải Ba cuộc thi viết truyện ngắn 1.200 chữ do báo Tuổi Trẻ tổ chức).