Ngày 31 tháng Tám 1939, dân chúng Warsaw tin rằng cuộc chiến với Đức là không thể tránh khỏi. Chỉ những người lạc quan đến cố chấp mới ấp ủ ảo tưởng rằng đến lúc cuối cùng lập trường kiên quyết của Ba Lan sẽ làm Hitler nhụt chí. Chủ nghĩa lạc quan của những người khác có lẽ là chủ nghĩa cơ hội theo tiềm thức: một niềm tin cố hữu, bất chấp mọi logic, là dù chiến tranh nhất định sẽ đến – đã quyết đóan trước đó từ lâu – nhưng sẽ trì hoãn ngày bùng nổ, cho nên họ có thể sống lâu hơn chút nữa. Vả lại được sống là tốt lắm rồi.
Ban đêm, thành phố hoàn toàn tối om. Dân chúng niêm phong các phòng định dùng để tránh hơi độc, và thử dùng các mặt nạ phòng độc. Hơi độc trở thành ghê sợ hơn bất cứ thứ gì.
Trong khi đó đàng sau các cửa sổ tối om của tiệm cà phê, các ban nhạc vẫn chơi, các khách hàng vẫn uống, khiêu vũ và được các bài hát khiêu chiến kích thích lòng yêu nước. Vì cần lẩn trốn, may mà trên vai vẫn lủng lẳng mặt nạ phòng hơi độc, một cuốc taxi về nhà ban đêm xuyên qua các phố bỗng thêm vào gia vị khác lạ hẳn cho cuộc sống, nhất là đang bị nỗi hiểm nguy thật sự đang rình rập.
Ghetto chẳng có gì tất bật, tôi vẫn sống cùng cha mẹ, các anh chị tôi ở phố Sliska, làm nhạc công dương cầm cho đài phát thanh Ba lan. Ngày cuối cùng của tháng Tám, tôi về nhà rất muộn và thấy rất mệt nên đi nằm ngay. Căn hộ của gia đình tôi ở tầng ba là nơi có nhiều lợi thế, vào những đêm hè, bụi và các mùi đường phố lắng đi, không khí tươi mát từ trên cao ùa qua các cửa sổ mở toang, mang theo hơi ẩm dâng lên từ sông Vistula.
Nhiều tiếng nổ đánh thức tôi dậy. Trời đã sáng. Tôi nhìn đồng hồ, sáu giờ sáng. Tiếng nổ không to lắm, và có vẻ còn xa, có lẽ bên ngoài thành phố. Hẳn là quân đội đang diễn tập, mấy ngày vừa qua chúng tôi đã quen với việc đó. Vài phút sau, những tiếng nổ ngừng. Tôi không biết có nên ngủ lại không, nhưng lúc này trời đã sáng rõ và có ánh mặt trời. Tôi quyết định sẽ đọc cho đến bữa ăn sáng.
Chắc phải tám giờ lúc cửa phòng của tôi bật mở. Mẹ tôi đứng đó, ăn mặc chỉnh tề như thể sẽ ra phố bất cứ lúc nào. Bà xanh xao hơn thường lệ và không dấu được sự bất bình khi thấy tôi vẫn nằm đọc sách trên giường. Bà mở miệng, nhưng lời nói đầu tiên của bà bị tắc lại, bà phải hắng giọng. Rồi bà nói bằng giọng căng thẳng, vội vàng:
- Dậy đi! Chiến tranh…Chiến tranh bắt đầu rồi!
Tôi quyết định đến thẳng đài phát thanh, để có thể gặp bạn bè và biết những tin tức mới nhất. Tôi mặc quần áo, ăn sáng và ra đi.
Có thể thấy nhiều tấm áp phích lớn màu trắng dán trên tường các ngôi nhà và các cột quảng cáo, thông báo của Tổng thống gởi cả nước tuyên bố Đức đã tấn công. Một số người tụ tập thành từng nhóm nhỏ đang đứng đọc, trong lúc những người khác vội vã tản ra nhiều hướng khác nhau để giải quyết những việc cấp bách nhất của họ. Bà chủ cửa hiệu góc phố, cách nhà tôi không xa đang dán những băng giấy màu trắng chéo trên những khung cửa sổ, hy vọng giữ chúng nguyên vẹn khi bị ném bom. Trong lúc đó con gái bà đang bày biện những đĩa salad trứng, dăm bông và một vòng xúc xích cắm những lá cờ tổ quốc và chân dung các vị có quyền cao chức trọng ở Ba Lan. Trẻ con bán báo chạy xuống phố, rao hết hơi bán những số báo đặc biệt.
Chẳng có gì hốt hoảng. Tâm trạng xen giữa tò mò – rồi sẽ xảy ra chuyện gì đây? Và ngạc nhiên: đây là cái kiểu khởi đầu ư?
Một người đàn ông tóc hoa râm, mặt cạo nhẵn đứng như mọc rễ cạnh một trong những cột dán lời tuyên bố của Tổng thống. Sự bối rối của ông ta biểu hiện thành những vệt đỏ nhạt trên mặt và cổ, ông ta bắt đầu đẩy mũ ra sau gáy, việc mà chắc ông chẳng bao giờ làm trong những hoàn cảnh bình thường. Ông ta ngắm nghía kỹ càng bản thông báo, lắc đầu hoài nghi và vừa đọc lại, vừa đẩy cái kính kẹp mũi lên một cách quả quyết hơn. Ông đọc to vài lời, vẻ phẫn nộ:
- Chúng tấn công chúng ta…mà không tuyên bố!
Ông nhìn khắp những người xung quanh đợi phản ứng của họ, rồi đưa tay chỉnh lại cái kính kẹp mũi, ông ta vừa lắc đầu vừa thì thầm:
- Không, không thể thế được!
Tôi ở rất gần trung tâm phát thanh, nhưng đi đến được chỗ đó chẳng dễ dàng gì, quãng đường đi bộ dài gấp đôi ngày thường. Sắp đến được nửa đường thì tiếng còi báo động hú lên từ các loa lắp trên cột đèn, trong các cửa sổ và trên ngưỡng cửa hiệu. Sau đó tôi nghe thấy giọng xướng ngôn viên “Đây là lời báo động cho thành phố Warsaw…Hãy cảnh giác! Hiện nay đường đi của chúng là…” Đúng lúc đó phát thanh viên đọc một dãy các con số và chữ abc theo mã số quân sự, trong tai dân thường cứ như những thần chú bí hiểm. Các con số có phải số máy bay đang trên đường? Mã chữ cái là địa điểm sẽ ném bom? Và lúc này chúng tôi có đang đứng trên một trong những nơi đó hay không?
Đường phố nhanh chóng vắng ngắt. Đàn bà trẻ con vội xuống hầm khi nghe báo động. Đàn ông không muốn xuống, họ đứng ở ngưỡng cửa, nguyền rủa bọn Đức, tỏ ra can đảm và thể hiện sự giận dữ với chính phủ đang làm hỏng việc động viên, nên chỉ có một số nhỏ đàn ông thích hợp với việc phục vụ trong quân ngũ được gọi. Những người còn lại gặp hết vị này đến vị khác có chức sắc trong quân đội, nhưng không thể vào được vì tình yêu hoặc tiền bạc.
Không thể nghe được tin gì trên đường phố vắng tanh vắng ngắt, không sinh khí ngoài những cuộc cãi vã giữa đội dân phòng phòng không và những người cứ khăng khăng rời nhà vì công việc làm ăn và đi theo cách của họ, sát vào các bức tường. Một lát sau có nhiều tiếng nổ nữa nhưng chưa quá gần.
Tôi đến trung tâm phát thanh đúng lúc còi báo động hú lên lần thứ ba. Song chẳng ai có thời gian chạy ra hầm trú ẩn mỗi khi còi hú nữa.
Lịch trình phát thanh đang bị đảo lộn. Nó giống như một chương trình tạm thời, nhào trộn hấp tấp các bản tuyên bố quan trọng sẽ đến, hoặc từ mặt trận hoặc một lời tuyên bố ngoại giao. Mọi thứ đều bị ngắt quãng để phát tin tức càng nhanh càng tốt, xen giữa là các bản hành khúc và các bài ca yêu nước.
Trong các hành lang trung tâm có cả sự lẫn lộn, thất vọng, tràn ngập tâm trạng tự tin của một nước đang tham chiến. Một trong các nhân viên của đài được gọi vào lính đến chào tạm biệt các đồng sự và khoe bộ quân phục. Chắc anh ta mong mọi người sẽ vây quanh và một cảnh chia tay cảm động, đầy kích thích, nhưng thất vọng: chẳng ai chú ý đến anh ta nhiều lắm. Anh đứng đó, níu lấy các đồng sự lúc họ vội vã đi qua, và cố đưa một phần chương trình của anh ta có tiêu đề “Cuộc chia tay của một công dân” lên sóng, để có một ngày có thể kể cho con cháu của anh ta nghe. Anh ta không biết rằng chỉ hai tuần sau, người ta không còn thì giờ cho anh, thậm chí chẳng có thời gian tưởng niệm với một tang lễ hợp thức cho anh nữa.
Bên ngoài studio, một nhạc công dương cầm già đang làm việc cho đài nắm lấy cánh tay tôi. Vị giáo sư già Ursztein kính mến. Trong lúc người ta chia cuộc sống thành ngày và giờ, nhiều thập kỷ nay ông chia cuộc sống của ông thành các khúc nhạc đệm dương cầm. Lúc đó vị giáo sư cố nhớ lại chi tiết vài sự kiện vừa qua, ông nói:
- Bây giờ chúng ta xem nào. Lúc nào tôi cũng đệm đàn…
Và lúc xác định được ngày tháng của một đoạn nhạc đệm đặc biệt, như một cột mốc ven đường, ông đê ký ức tràn ngập những hồi tưởng nhỏ nhặt nhất. Lúc này ông đứng sững sờ, mất phương hướng bên ngoài studio. Làm sao mà cuộc chiến này lại bắt đầu mà không có các khúc nhạc đệm dương cầm – vậy nó giống cái gì kia chứ?
Bối rối, ông than thở:
- Người ta không để cho tôi làm việc ngày hôm nay…
Chiều hôm ấy cả hai chúng tôi làm việc, mỗi người một chiếc dương cầm. Âm nhạc vẫn tiếp tục được truyền đi, dù không theo lịch trình như thường lệ.
Vào lúc giữa ngày, một số người trong chúng tôi thấy đói và rời trung tâm phát thanh đi ăn trưa ở một nhà hàng gần đấy. Các đường phố trông hầu như bình thường. Trên các phố lớn có nhiều xe cộ, xe điện và người đi bộ, các cửa hiệu vẫn mở, và vì thị trưởng kêu gọi dân chúng không tích trữ lương thực, cam đoan với chúng tôi rằng không cần phải làm như thế, nên bên ngoài các cửa tiệm không còn cảnh xếp hàng rồng rắn nữa. Nhiều người buôn bán trên phố đang bán thứ đồ chơi bằng giấy tựng trưng một con lợn, nhưng nếu ghép các tờ giấy lại với nhau và mở ra theo một kiểu nhất định, lại biến thành bộ mặt Hitler.
Chúng tôi kiếm một bàn ở nhà hàng dù khá khó khăn, té ra hôm nay không có một số món ăn bình thường trong thực đơn, còn các món khác đắt hơn ngày thường. Bọn đầu cơ đã bắt đầu ra tay.
Câu chuyện xoay quanh chủ đề chính là mong sao sắp tới, Pháp và Anh tuyên chiến. Phần lớn chúng tôi, ngoài một số người bi quan, đều tin rằng họ sẽ tham chiến nay mai, và một số người tin rằng cả Mỹ cũng sẽ tuyên chiến với Đức. Các lý lẽ đều xuất phát từ kinh nghiệm của cuộc chiến tranh Vĩ Đại, và cảm giác chung là mục tiêu duy nhất của cuộc xung đột này cho chúng tôi thấy cách tiến hành hiện tại khá hơn và lần này cuộc chiến sẽ hợp thức hơn.
Ngày 3 tháng Chín, Pháp và Anh tuyên chiến.
Tôi vẫn đang ở nhà, dù lúc đó là mười một giờ trưa. Chúng tôi mở radio suốt ngày để không bỏ sót một lời các bản tin quan trọng. Các thông báo từ mặt trận không phải là thứ chúng tôi mong đợi. Kỵ binh của chúng tôi đã tấn công Đông Phổ và máy bay của chúng tôi đang oanh kích các mục tiêu quân sự Đức. Nhưng ngay lúc ấy lực lượng quân đội mạnh nhất của địch vẫn buộc quân đội Ba Lan rút khỏi nơi này, nơi khác. Làm sao lại có thể như thế khi cơ quan tuyên truyền của chúng tôi đã nói rằng máy bay và xe tăng Đức làm bằng giấy các tông và chạy bằng thứ nhiên liệu tổng hợp thậm chí không thích hợp được với cả một cái máy bật lửa? Vài máy bay Đức đã bị bắn rơi trên bầu trời Warsaw, và một người chứng kiến đã mô tả thấy xác các viên phi công mặc quần áo giấy và đi giầy bằng giấy. Làm sao binh lính được trang bị tồi tệ đến thế buộc chúng ta phải rút lui? Thật là vô nghĩa lý.
Mẹ tôi đang bận tíu tít trong phòng khách. Cha tôi chơi vĩ cầm còn tôi đang ngồi đọc sách trên ghế thì một chương trình không quan trọng bị ngắt quãng, và một giọng nói sắp có một bản tuyên bố cực kỳ quan trọng. Cha tôi và tôi vội đến bên radio trong lúc mẹ tôi sang phòng bên gọi các anh chị tôi. Trong khi đó radio vẫn dạo một bản hành khúc. Phát thanh viên nhắc lại lời lưu ý trên, rồi lại một bản hành khúc khác và hết tuyên bố này đến tuyên bố khác. Chúng tôi khó mà chịu nổi sự căng thẳng khi cuối cùng lúc mà bài quốc ca chấm dứt và tiếp theo là bài quốc ca Anh. Lúc đó chúng tôi hiểu rằng chúng tôi không đơn thương độc mã đối diện với kẻ thù, chúng tôi có đồng minh hùng mạnh và nhất định sẽ thắng, dù có mọi sự thăng trầm, dù cho tình hình của chúng tôi không phải là quá tốt trong thời gian hiện tại.
Thật khó miêu tả cảm xúc của chúng tôi khi lắng nghe bản tuyên bố trên radio. Mẹ tôi dàn dụa nước mắt, cha tôi khóc không chút ngượng ngùng và anh Henryk tôi nắm ngay lấy cơ hội thụi cho tôi một quả, cáu kỉnh nói:
- Cho mày này! Tao đã bảo mà, nhớ không?
Regina không muốn trông thấy chúng tôi cãi cọ và lúc đó nên bình tĩnh xen vào:
- Thôi đi, tất cả chúng ta đều hiểu chuyện này rồi sẽ đến mà – Chị ngưng lại rồi nói thêm – Đây là kết quả của các cuộc thương lượng…
Regina là luật sư và thành thạo về các chủ đề này cho nên chẳng dại gì mà cãi lại chị.
Trong lúc đó Halina vẫn ngồi bên radio, cố chỉnh sóng đài London, chị muốn trực tiếp khẳng định các tin tức.
Các chị tôi là những thành viên bình tĩnh nhất trong gia đình. Họ giống ai nhỉ? Nếu có, ắt là mẹ tôi, nhưng bà vẫn là người dễ xúc động so với Regina và Halena.
Bốn giờ sau Pháp tuyên chiến với Đức. Chiều hôm đó cha tôi nhất quyết tham gia biểu tình bên ngoài toà đại sứ Anh, Mẹ tôi không vui lắm nhưng ông cứ đi. Ông trở về trong trạng thái cực kỳ hân hoan, tóc tai rối bời vì bị đám đông chen lấn. Ông đã nhìn thấy bộ trưởng ngoại giao nước tôi và các vị đại sứ Anh và Pháp, ông đã vui mừng và còn hát với mọi người, nhưng đột ngột đám đông bị yêu cầu giải tán nhanh chừng nào hay chừng ấy vì có thể bị oanh kích. Đám đông vội làm theo yêu cầu và cha tôi suýt nữa bị chết ngạt. Dù sao chăng nữa ông rất vui và phấn chấn.
Thật không may, niềm vui của chúng tôi quá ngắn ngủi. Các bản thông báo ngoài mặt trận ngày càng gây nhiều hoang mang. Ngày 7 tháng Chín, trước lúc rạng đông, một tiếng gõ rất to trước cửa nhà chúng tôi. Người hàng xóm ở đối diện với căn hộ chúng tôi là một bác sĩ đang đứng bên ngoài, ông đi ủng cao của quân đội, áo khoác đi săn, mũ thể thao và đeo ba lô. Ông đang vội, nhưng ông nghĩ ông có nhiệm vụ báo cho chúng tôi biết quân Đức đang tiến đến Varsaw, chính phủ đã dời đến Lublin và tất cả đàn ông đủ tiêu chuẩn nghĩa vụ quân sự đã rời thành phố qua bên kia sông Vistula, nơi sắp lập một phòng tuyến mới.
Ban đầu, không một ai tin ông. Tôi quyết định đi lấy thử tin tức từ các người hàng xóm khác. Henryk bật radio, nhưng lặng ngắt, đài phát thanh đã biến vào không khí.
Tôi không sao tìm ra nhiều hàng xóm. Nhiều căn hộ đã khoá kín. Cánh phụ nữ đang thu xếp đồ đạc cho chồng và anh em trai, họ khóc nức nở và sẵn sàng cho những chuyện xấu nhất. Không còn nghi ngờ gì nữa, việc ông bác sĩ nói là sự thật.
Tôi nhanh chóng quyết định sẽ ở lại. Đây không phải là lúc lang thang ngoài phố, nếu phải chết, tôi sẽ chết ở nhà. Và tôi nghĩ, hơn thế nữa, cần có người chăm sóc mẹ tôi và các chị tôi nếu cha tôi và Henryk ra đi chứ. Tuy nhiên lúc chúng tôi bàn bạc, tôi thấy họ cũng quyết định ở lại.
Cảm giác trách nhiệm làm mẹ tôi cố thuyết phục chúng tôi rời thành phố, tất cả chúng tôi. Bà nhìn hết người này sang người khác, mắt bà mở to sợ hãi, nêu nhiều lý lẽ ủng hộ việc rời Warsaw. Tuy vậy khi chúng tôi nhất quyết ở lại, sự nhẹ nhõm và hài lòng theo bản năng lộ rõ trong cặp mắt đẹp, đầy biểu cảm của bà: dù xảy ra bất cứ chuyện gì đi chăng nữa, tốt nhất là ở bên nhau.
Tôi đợi đến lúc tám giờ, và lúc ra ngoài, chỉ thấy không thể nhận ra thành phố. Sao chỉ mới trong vài giờ, diện mạo của nó lại thay đổi nhanh đến thế, hoàn toàn đến thế?
Tất cả các cửa tiệm đều đóng cửa. Đường phố không một bóng xe điện, chỉ có xe hơi bị nhồi chật ních và phóng thật nhanh, tất cả đều lao về một hướng – thẳng đến những cây cầu bắc qua sông Vistula. Một biệt đội đang diễu hành trên phố Marszalkowska. Họ cư xử ngang ngược, và hát, song có thể thấy kỷ luật lỏng lẻo một cách khác thường: mũ mòn xơ các góc, đeo súng mỗi người một kiểu và đi không đều nhịp. Trên mặt họ có vẻ làm ta thấy họ đã mất vẻ chủ động của riêng họ lúc ban đầu, từ lâu họ trở thành một phần của bộ máy chính xác, hoàn hảo là quân đội.
Hai phụ nữ trẻ đứng trên vỉa hè ném cho họ những bông cúc tây màu hồng và gọi to câu gì đó một cách kích động, gọi một lần nữa, gọi mãi. Không ai tỏ ra chú ý. Người ta đang hối hả, và rõ ràng là tất cả mọi người đều muốn vượt qua sông Vistula lo kiếm một số thứ quan trọng nhất trước khi quân Đức tấn công.
Những người này trông cũng khác hẳn tối hôm qua. Warsaw vốn là một thànn phố thanh lịch như thế! Cái gì đã làm cho các quý ông các quý bà ăn mặc như thể vừa bước thẳng từ trong tạp chí thời trang ra vậy? Hôm nay nhìn mọi người ở tứ phía đang cuống quýt, ăn mặc kỳ quặc như những người đi săn hoặc khách du lịch. Họ đi ủng cao, giày trượt tuyết. quần trượt tuyết, quần ống túm, khăn chùm đầu và đều xách bọc gói, đeo ba lô và cầm gậy. Họ chẳng buồn để ý đến vẻ văn minh vì ăn mặc quá cẩu thả và hấp tấp.
Đường phố hôm qua sạch sẽ là thế, hôm nay đầy rác rưởi và bụi bậm. Nhiều binh lính đang ngồi hoặc nằm ườn bên kia đường, ngay trên vỉa hè, trên lề đường lát đá, ngay cả trên lòng đường. Họ đi thẳng từ mặt trận về, mặt mũi, trang phục và cử chỉ lộ rõ vẻ quá ư là mệt mỏi và chán nản, đến nỗi những người đứng xem hiểu ngay lý do họ ở đây chứ không phải ở mặt trận, vì đâu còn mặt trận nữa. Thật chẳng bõ công. Nhiều nhóm nhỏ truyền những tin tức về các chiến trường lượm lặt được từ các binh lính. Tất thảy đều là các tin xấu.
Theo bản năng, tôi nhìn quanh để tìm các loa phóng thanh công cộng. Có lẽ họ đã dỡ bỏ đi rồi? Không, chúng vẫn ở đấy nhưng hoàn toàn câm lặng.
Tôi vội vã đến trung tâm phát thanh. Sao không hề có thông báo? Sao không có lấy một người yêu qúy dân chúng và ngăn chặn cuộc di cư khổng lồ này lại? Nhưng nơi này đóng cửa im ỉm. Bộ phận quản lý đài đã rời bỏ thành phố, chỉ còn các thủ quỹ đang hấp tấp thanh toán ba tháng lương cho các nhân viên và các nghệ sĩ biểu diễn của đài, thay cho lời thông báo.
- Bây giờ chúng ta phải làm gì đây? – tôi nắm lấy tay của một vị quản lý cấp cao.
Ông ta ngây ra nhìn tôi, rồi tôi thấy vẻ khinh miệt trong ánh mắt ông ta và sự giận dữ trong cách ông ta giật bàn tay ra khỏi tay tôi:
- Ai cần nữa? – Ông ta gào lên, nhún vai rồi sải bước ra phố. Ông ta đóng sầm cánh cửa lại sau lưng.
Thật không thể nào chịu đựng nổi.
Không có người nào có thể thuyết phục được đám dân chúng này đừng bỏ chạy. Loa phóng thanh trên các cột đèn câm lặng, không có người quét dọn rác rưởi trên đường phố. Rác rưởi hay sự sợ hãi? Hay nỗi xấu hổ vì đã bỏ các phố phường thay vì chiến đấu?
Giá trị của chốn kinh thành bỗng nhiên mất tiêu không thể phục hồi. Đấy chính là sự thất bại.
Tôi trở về nhà, hết sức nản lòng.
Tối hôm sau quả đạn đầu tiên của pháo binh Đức rơi vào xưởng gỗ đối diện nhà tôi. Cửa sổ của các cửa tiệm ở góc phố được dán băng keo trắng cẩn thận đến thế là những thứ rơi vỡ đầu tiên.