Cho đến mấy năm trước đây, cha tôi chưa bao giờ nói đến những chuyện ông đã trải qua trong thời gian chiến tranh. Chúng vẫn là những người bạn của tôi thời thơ ấu. Nhờ cuốn sách này, tôi đã lén lấy từ một góc giá sách của chúng tôi năm tôi 12 tuổi, tôi mới khám phá ra vì sao tôi không có ông bà nội, và vì sao cha tôi không bao giờ kể về gia đình ông. Cuốn sách tiết lộ một phần nhân thân của tôi. Tôi biết là ông đã biết tôi đọc cuốn sách ấy, nhưng cha con tôi chưa bao giờ bàn về nó, và đó có lẽ chính là nguyên nhân làm tôi sửng sốt khi thấy cuốn sách có ý nghĩa nhất định đối với nhiều người khác – anh bạn Wolf Biermann của tôi đã chỉ ra điều này khi tôi kể cho anh nghe về câu chuyện của cha tôi. Tôi đã sống ở Đức nhiều năm và luôn nhận thấy sự tuyệt giao đầy đau đớn giữa người Do Thái, người Đức và người Ba Lan. Tôi hy vọng cuốn sách này sẽ giúp khép lại những vết thương hãy còn hoác miệng. Cha tôi, Wladyslaw Szpilman, không phải là nhà văn. Ở Ba Lan, người ta gọi nghề của ông là “người sống trong âm nhạc”, một nghệ sĩ dương cầm và là nhà soạn nhạc, là hình ảnh đầy cảm hứng và đáng kể trong đời sống văn hoá của Ba Lan. Cha tôi học dương cầm với Arthur Schnabel ở Viện Hàn Lâm Nghệ Thuật Berlin, và ông cũng học sáng tác với Franz Schreker ở đấy. Năm 1933 khi Hitler lên cầm quyền, cha tôi trở về Warsaw và bắt đầu hành nghề nhạc công dương cầm cho đài phát thanh Ba Lan. Năm 1939 cha tôi bắt đầu sáng tác nhạc cho một số bộ phim, sáng tác những ca khúc cũng như phổ nhạc nhiều bài thơ rất được hâm mộ hồi đó. Trước chiến tranh, ông đã biểu diễn cùng với nghệ sĩ vĩ cầm nổi tiếng thế giới Bronislav Gimpel, Henryk Schoering và nhiều nghệ sĩ lừng danh khác. Sau năm 1945 ông bắt đầu làm việc tại đài phát thanh Ba Lan, là nghệ sĩ độc tấu trong các buổi hoà nhạc và nhạc thính phòng. Ông đã viết một số bản giao hưởng và khoảng ba trăm ca khúc rất phổ biến, trong số đó có nhiều tác phẩm đã thành công rực rỡ. Ông cũng sáng tác nhạc cho thiếu nhi, nhạc ngẫu hứng cho các vở kịch truyền thanh và viết nhạc cho nhiều phim. Ông là người lãnh đạo ban âm nhạc đài phát thanh Ba Lan cho đến năm 1963, ông từ chức để dành nhiều thời gian hơn cho các cuộc lưu diễn và cho Nhóm Ngũ tấu Piano Warsaw do ông và Gimpel thành lập. Sau hơn hai ngàn buổi trình diễn độc tấu và hoà nhạc trên khắp thế giới, năm 1986 cha tôi thôi trình diễn trước công chúng, và toàn tâm toàn ý dành thời gian cho sáng tác. Tôi lấy rất làm tiếc là các tác phẩm của ông hầu như vẫn chưa được thế giới phương Tây biết tới. Tôi nghĩ lý do là sau thế chiến thứ II, châu Âu đã chia thành hai nửa, cả về văn hóa lẫn chính trị. Trên khắp thế giới, nhạc nhẹ, nhạc giải trí đến với quần chúng nhiều hơn loại nhạc “nghiêm túc”, và Ba Lan cũng không phải là một ngoại lệ. Nhân dân Ba Lan đã lớn lên cùng với những ca khúc của cha tôi, vì ông đã tạo nên dòng nhạc đại chúng của Ba Lan suốt mấy thập kỷ, nhưng phương Tây đã ngăn chặn dòng nhạc loại này. Cha tôi đã viết trang đầu tiên của cuốn sách vào năm 1945, tôi nghĩ rằng ông viết cho bản thân mình hơn là công bố cho toàn nhân loại. Nó làm cho ông chịu đựng được bao điều trong thời gian chiến tranh ác liệt, giải toả được tinh thần và cảm xúc của ông để ông có thể sống tiếp tục. Cuốn sách chưa được in lại lần nào, dù trong những năm 1960 một số nhà xuất bản Ba lan đã thử phổ cập giá trị của nó với thế hệ trẻ hơn. Sau lần xuất bản đầu tiên đến nay đã hơn 50 năm, giờ đây cuốn sách lại được xuất bản, biết đâu là một bài học có ích cho nhiều người thiện chí ở Ba Lan, và có thể thuyết phục họ tái bản nó ở nước họ. Andrzej Szpilman Dịch giả : Thanh Vân Nhà xuất bản văn hóa thông tin