Tôi bỏ dở bộ phim đang đóng, từ chối mọi cuộc phỏng vấn. Nhưng mọi ống kính đều chĩa vào tôi ngày đưa tang anh đạo diễn. Tôi thực sự cũng không hiểu tại sao chúng tôi xa nhau. Sự có mặt của nhà sản xuất điện ảnh nghiệp dư chỉ là phần đuôi của một con mèo làm dáng. Tôi nghĩ anh phải biết chấp nhận cái tình huống tay ba nhũng nhẵng ấy, bởi vì anh cũng đã có vợ. Thế giới mù mờ và trơn tuột. Tôi mặc bộ đồ đen. Anh vẫn bảo thích tôi đen tuyền hoặc trắng toát. Những ẩn dụ làm tôi nghẹt thở. Những ánh mắt làm tôi ghê tởm. Bà có banh háng ra đâu mà chúng mày soi mói. Thế mà vẫn có bài báo nói tôi có ba vạn chín nghìn lẻ bảy sợi lông. Tôi cũng không hiểu đám đông đi theo tôi hay cái xác thối trong quan tài. Người ta chỉ chỏ vào mặt tôi. Nó đấy. Ừ, mẹ chúng mày đang giả vờ âu sầu đấy. Chúng mày có thấy mẹ mày vẫn quyến rũ không. Một tiếng nói đàn ông thầm thì bên tai tôi : Vâng, mẹ quyến rũ lắm, con phải thịt mẹ thôi. Hắn cũng đeo kính đen và tôi nghĩ hắn không ở trong đám nhân loại gọi là nghệ sĩ. Lại một thằng a dua đua đòi nữa à ? Tôi chưa bao giờ gặp hắn. Cô bạn đi bên cạnh tôi bảo : Nhà doanh nghiệp lớn nhất nước đấy. Thế thì duyệt. Tôi nhếch mép để thay cho một ánh mắt giấu kín sau cặp kính. Tôi ném cho anh một bông hồng và cả chiếc khăn tôi đang cầm. Đó là chiếc khăn mang tất cả bí ẩn đời con gái của tôi mà chính anh cũng không biết. Chiếc khăn đã lau sự trinh tiết lần đầu tôi bị lừa đảo. Tôi cũng không hiểu tại sao lại muốn giữ nó và đến lúc này, tôi muốn trang trải nó với anh. Hắn cầm tay nâng tôi dậy. Ống kính máy quay chĩa vào tôi. Người ta sẽ hiểu rằng nghĩa tử là nghĩa tận, tôi đã đến bên huyệt mộ anh bằng tất cả thương tiếc và đau buồn, đã ném cho anh viên đất cuối cùng, đã gục xuống…Các bạn đã hài lòng chưa ? Tôi đi đây. Hắn đẩy tôi vào trong xe. Độ lạnh và mùi quen thuộc của xe làm tôi tỉnh táo. Tôi nói cám ơn và ngả người ra sau. Hắn nhìn vào ngực tôi. - Xin chào. - Xin lỗi tôi chưa biết anh là ai. - Từ từ biết cũng không sao. - Cho tôi xuống xe. - Cứ bình tĩnh, tôi sẽ đưa cô đến nơi cô muốn đến. - Vậy thì cho tôi về nhà. - Tôi không tin là cô muốn về nhà lúc này. Chiếc xe rẽ vào một con đường nhỏ và dừng lại trước một nhà hàng sát bờ sông. Hắn bảo tôi chọn món ăn cùng lúc nói với người quản lý chuẩn bị một chiếc canô. - Cô cần phải tẩy xóa quá khứ. Hắn dìu tôi xuống canô và đích thân cầm lái. Quả thật gió làm tôi cảm thấy dễ chịu. Mọi người gọi tôi là anh Năm Sài Gòn, hắn nói chen với gió, cô cứ gọi như vậy cũng không sao. Tôi đã từng nghe nói tới tên này, nhưng không ngờ là hắn, lại càng không ngờ về tính cách của hắn. Tôi nói lững lờ: - Ở Sài Gòn có vài triệu anh Năm. Hắn bẻ nghiêng chiếc canô làm tôi suýt ngã xuống nước. - Tôi sẽ cầu chứng tên tôi trên cuộc đời cô. - Tốt. Anh có sợ dư luận không ? - Tôi tạo ra dư luận theo ý mình thích. - Giỏi. Anh không sợ chết vì tôi à ? - Tôi sống trên cái chết của người khác. - Được. - Tôi muốn cô có một bữa ăn ngon, hắn nói sau khi chúng tôi lên bờ. Tôi lắc lắc cái đầu như thể muốn thôi kệ cái sự mặc nhận ý nghĩ “chúng tôi” thay cho “tôi” và “hắn”. Dư luận thông cảm cho tôi nhé. Trước một người đàn ông giàu có, bản lĩnh và “hay” như thế , tôi đành phải chào tạm biệt với lòng biết ơn những kẻ lót đường. Anh đạo diễn ơi, mồ yên mả đẹp nhé. Còn nhà sản xuất điện ảnh nghiệp dư, anh chịu khó an dưỡng cho nên người. Tôi phải thành thật thú nhận rằng, ngay trong ngày hôm ấy, anh Năm Sài Gòn đã thịt tôi. Và tôi không thể nào không nhớ tới thịt anh đạo diễn và thịt anh nghiệp chủ kiêm nhà sản xuất điện ảnh của tôi. Ống kính đặc tả hai ống chân tôi trong chiếc váy ngắn với chú thích :”Trường túc bất tri lao”. Tôi bảo không đến lân chúng mày. Dư luận nhẩy chồm lên bằng một cuộc phỏng vấn có tựa đề :”Tình yêu hầm hố”. - Cô có thể cho một ví dụ về tình yêu ? - Đó là một cuộc marathon không giới hạn. - Với những người đàn ông của cô hay với những người đàn bà khác ? - Anh chạy với cả hai chăng ? - Cứ cho rằng như thế, còn cô ? - Tôi chạy một mình. Khi bài báo đăng, tôi hỏi lại anh nhà báo tình yêu của tôi có chi hầm hố ? Anh ta gãi đầu bảo “thật ra tôi viết là hàm hồ, chữ hầm hố có thể là do người biên tập sửa, hoặc do sai lỗi mo-rát”. Thưa anh dư luận, dù là hầm hố hay hàm hồ thì cũng không phải là tôi, nó là anh. Anh làm ơn quay mặt đi chỗ khác, tôi muốn cởi áo cho mát. Tôi kể lại chuyện này cho anh Năm nghe. Anh Năm bảo dưới mắt công chúng em phải là một cô gái đức hạnh, họ đòi hỏi thế và em phải như thế. Chuyện này để anh lo. Trong vòng ba tháng liền, hình ảnh tôi xuất hiện trên tất cả các báo cùng với những hàng tít: Tôi chỉ có một tình yêu duy nhất, Tình yêu không thể so sánh, Thủy chung là phẩm hạnh đàn bà… Kịch bản những cuộc giao lưu với khán giả cũng được chuẩn bị rất kỹ. Kết thúc chiến dịch “Xoay đổi con mắt” theo cách nói của anh Năm, tôi được cơ quan chủ quản cấp cho bằng khen “Cá nhân văn hóa”. Biết đây là một thứ trò hề nhưng tôi cần phải làm cho nó đáng giá. Tôi lộng tấm bằng trong khung kính và treo trang trọng giữa phòng khách. Tôi cũng photocopy một tấm ép plastic sử dụng thay chứng minh nhân dân và sẵn sàng đập vào mặt bọn vô văn hóa. Cùng lúc ấy, bộ phim truyền hình nhiều tập Người đẹp dưới ruộng do tôi thủ vai chính mà số phận của nhân vật khiến cho những kẻ vốn coi thường nhân cách tôi cũng phải câm họng, còn dư luận thì chảy nước mắt mỗi buổi chiều. Nhân dân ôm tôi vào lòng, anh Năm kẹp chặt tôi bằng hai cái đùi cứng như cây chuối và xiết tôi thành nước. Trong nước ấy, anh Năm pha đường, hoa quả và ngân phiếu uống cạn.