Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Lịch Sử >> Trăng nước Chương Dương

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 10714 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Trăng nước Chương Dương
Hà Ân

Chương 5
Cuối canh hai, Trung Thành vương và những gia tướng hộ vệ sang sông. Trung Thành vương được Trần Quốc Tuấn tiếp ngay trong lều trận. Hưng Đạo vương dồn dập hỏi ông hoàng bảy về tình hình giặc ở vùng ven kinh thành. Cách hỏi của Quốc công Tiết chế làm cho Lê Văn Hưu cũng phải kinh ngạc. Rõ ràng Hưng Đạo vương đã bày xong kế diệt giặc và ông đang mau chóng kiểm lại một vài tiểu tiết cần thiết. Trước hết, tin đáng lưu ý là giặc mở kho phát gạo cho binh lính. Giặc lùng sục các nhà dân trong kinh thành, cướp ruột tượng của đàn bà, cướp khăn, khố của đàn ông để làm đồ đựng gạo. Thứ hai là hệ thống truyền tin của giặc bằng ụ lửa, hiệu cờ và đèn lồng đang hỗn loạn. Quân ta đánh chiếm nhiều cột nêu, nhiều ụ lửa, lính ta treo hiệu đèn, hiệu cờ và đốt ụ lửa làm cho giặc không tin ngay cả hiệu lệnh của chúng nữa. Thứ ba là giặc giết bò kéo xe quân dụng. Thịt chia cho các quân phần ăn ngay, phần sấy khô. Thứ tư là đồn Giang Khẩu mới dựng một cọc nêu để làm hiệu cấp cứu nếu bị tấn công. Lúc nào ở dưới chân nêu cũng có một tì tướng giặc chực sẵn.
-Từ cửa đồn đến chân nêu xa bao nhiêu?
-Dạ, bẩm Quốc công chừng năm chục bước chân.
Trần Quốc Tuấn lẩm bẩm:
-Chưa được nửa tầm tên.
Ông sai lính hầu bày tiệc. Ông bảo Trung Thành vương:
- Ta chờ đức ông Chiêu Minh rồi bàn việc. Bây giờ vương đệ cần phải nghỉ ngơi chút đã.
Đêm nay, đức ông hoàng bảy mặc một chiếc áo thâm ra ngoài chiếc áo chiến bằng vóc tía. Chắc từ đêm qua, Trung Thành vương lăn lộn suốt chiều dài vòng vây để tìm hiểu những tin tức về địch, nên cặp mắt có quầng thâm càng như sâu thêm. Cái mũi thanh tú và vầng trán phẳng, thông minh của đức ông hoàng bảy càng đẹp hơn dưới ánh lửa chập chờn của đôi nến sáp ong màu vàng. Trung Thành vương khẽ ngả đầu dựa vào cọc lều trận. Dáng ngồi thoải mái bình lặng chứng tỏ đức ông hoàng bảy bằng lòng về cách làm việc và kết quả công việc của mình. Tiệc bày xong, quả nhiên khoảng giữa canh hai có tiếng quân reo, ngựa hí ở ngoài sông. Thượng tướng quân Chiêu Minh đại vương Trần Quang Khải và đoàn tùy tướng đã từ hành doanh Chương Dương sang sông phó hội với đức ông Quốc công Tiết chế. Trần Quốc Tuấn dẫn các tướng tả hữu ra nghênh đón Trần Quang Khải từ cổng hành trung doanh. Hai đức ông vái chào nhau trang trọng. Kể từ lúc xuất sư cuối tháng chạp năm ngoái đến nay đã hơn bốn tháng, hai người ít gặp lại nhau. Trần Quốc Tuấn cầm tay Trần Quang Khải dẫn đi thân mật. Ông thấy Trần Quang Khải có gầy đi đôi chút, nhưng gương mặt cứng rắn hơn, sắc sảo hơn và đôi mắt vốn dĩ trầm tư lại càng đen láng, lấp lánh. Trần Quang Khải cũng liếc ngắm Quốc công Tiết chế. Ông ngắm phần ông, ngắm thay cả phần của Quan gia ủy thác. Trần Quốc Tuấn khỏe ra, trẻ ra, dáng đi đường bệ vững chải. Cây gậy trúc xương cá cũng không thấy ông phải dùng đến. Ông mặc tấm áo chiến vóc đen hoa mờ hình long hổ hội, chính giữa ngực áo đính một tấm hộ tâm phiến bằng đồng thau đã cũ có những vệt xước hân gỉ xanh nhạt. Căn lều trận không rộng, nên Trần Quốc Tuấn đã sai dẹp văn án và ghế da hổ. Tiệc bày trên thảm da dê trải suốt nền lều. Ông mời Trần Quang Khải ngồi chính giữa, nhưng đức ông hoàng ba cười cợt xua tay:
-Chết nỗi, vương huynh vừa là anh, vừa là bề trên, vừa hơn tuổi, tôi có đến mười đầu cũng không dám phạm thượng.
Hai bên nài ép nhau một lát, rồi Trần Quốc Tuấn ngồi chủ tiệc, bên trái là Trần Quang Khải, bên phải là đức ông hoàng bảy. Biết nết rượu của mấy anh em, Trần Quốc Tuấn sai lấy một thứ rượu cúc thật mạnh, thật sánh, thật thơm ra thết. Trong khi đó binh lính của hành trung doanh, của hai đức ông hoàng ba và hoàng bảy cũng được ăn uống. Dã Tượng bảo họ biết Quốc công Tiết chế cho họ uống trước rượu mừng những chiến thắng sắp đến. Binh lính reo mừng ầm ĩ. Tiếng họ chúc thọ Quan gia, mừng tuổi Thượng tướng quân, mừng tuổi Quốc công Tiết chế vang ầm cả một khoảng ven sông khiến cho dân làng Xuân Đình kéo ra xem, rồi bà con cũng trở về đem rượu ra uống vui chung với binh lính. Bày tiệc chỉ để vui sum họp với nhau một chút giữa những khách chinh phu nay đây mai đó, nên cuối canh hai các đức ông đã sai triệt tiệc. Trần Quốc Tuấn sai gọi Trương Hán Siêu, Dã Tượng, Yết Kiêu đến lều trận. Đức ông Chiêu Minh cũng sai mời ông già chép sử Lê Văn Hưu, cho phép ông được ngồi nghe các tướng bàn kế. Trong khi chờ mấy người chưa đến. Chiêu Minh Vương cười nói:
-Cái ngón tay trỏ của tôi linh lắm. Hôm nay nó cứ máy giật lên, tôi biết chắc sang đây sẽ được uống rượu.
Trần Quốc Tuấn cũng cười. Ông cũng đoán rằng Chiêu Minh vương chắc chắn sẽ sang sông đêm nay. Ông nói:
-Ta thấy vương đệ không hẹn ngày sang, ắt sẽ sang ngay. Mà đêm nay thế nào vương đệ chả phải sang!
Ông hồ hởi kể cho Trung Thành vương nghe chuyện ông được Chiêu Minh vương tặng quà quý:
-Thượng tướng quân thâm thúy lắm. Sắp đến tiết đại thử nóng chảy mỡ ra mà lại tặng áo lông cáo ngự hàn! ấy là thượng tướng quân muốn nhắc ta giặc kia đang kỳ sống dở chết dở phải tính kế đánh gấp đi đó thôi.
Chiêu Minh vương xuê xoa:
-Chết nỗi, em đâu dám múa rìu qua mắt thợ. Thấy áo quý, nghĩ đến sức già của vương huynh, em gửi biếu. Chẳng qua kính lão để cầu được thọ mà.
Tiếng cười nói vui vẻ của các đức ông vang lều trận. Tráng khí náo nức niềm tin chiến thắng. Khi những người được gọi đã đến, Trần Quốc Tuấn cho phép họ đứng hầu nghe việc. Riêng ông già chép sử được ngồi mé dưới. Lê Văn Hưu đã từng được dự hầu nghe nhiều cuộc họp bàn của các vương hầu còn đông và long trọng hơn thế này nhiều, nhưng ông già chép sử hiểu rằng cuộc họp này tuy chỉ tính một đôi nước cờ nhưng là mấy nước khá tinh tế và hiểm hóc. Quả như ước đoán của Lê Văn Hưu, Trần Quốc Tuấn vừa nói vài điều mà cuộc họp đã căng thẳng, ai nấy đều khẽ rướn người chăm chú nghe Quốc công Tiết chế. Ý kiến của ông cực kỳ giản dị. Hiện nay, các cánh quân địch không liên lạc được với nhau, lương thiếu, cỏ ngựa thiếu, tiết trời nóng nực làm bệnh tật phát ra. Tình thế của chúng có thể dẫn đến bị tiêu diệt. Đáng ra, giặc phải tổ chức cuộc rút lui ngay thì mới đỡ thiệt hại, nhưng trái lại, chúng tỏ ra nửa muốn rút, nửa còn cố bám vùng chiếm đóng. Chính vì tướng giặc khát vọng chưa thỏa, lại sợ xuất quân không lập công, về nước bị trừng trị. Ông nói chậm và nghiêm khắc:
-Binh pháp đã dạy: “Có thể đoạt được lòng tướng địch”. Nay hai tướng giặc Thoát Hoan và A Lý Hải Nha tâm thần bất định. Chúng muốn chạy mà chưa quyết. Chúng chưa quyết chạy thì ta xua cho chúng bỏ chạy.
Chiêu Minh vương đập tay khen giỏi. Trần Quốc Tuấn giảng giải cho hai đức ông nghe về tài năng, tính nết, vị thế của hai tướng giặc. Ông nhấn kỹ: một tên trẻ ranh nhiều khát vọng, chỉ là học trò mà lại làm chánh tướng, trong khi đó tên kia là thầy lại chỉ làm phó. Lẽ thua là ở đó!
-Cho nên phải nổ sét ngang tai Thoát Hoan nhưng phải xuyên cho được một mũi dao thấu gan ruột A Lý Hải Nha mới thúc được hai thằng giặc này giục nhau bỏ chạy.
Lần này, cả hai đức ông cùng vỗ đùi mừng rỡ. Các đức ông bắt vào bàn về các trận đánh sắp tới. Nhiều mẹo được bày ra. Nào cho người phao tin có nội loạn ở nước chúng, vua Nguyên Hốt Tất Liệt băng hà, nào sắp quân tinh nhuệ diệt hai vạn quân cưỡi ngựa của Thoát Hoan đang bị vây khốn ở mé nam Thăng Long, nào khơi đê cho nước sông chảy ngập địa bàn đóng quân của giặc v.v... Nhiều mẹo cũng hay và táo bạo, nhưng xét đến cùng thì có mẹo lừa được Thoát Hoan nhưng khó lừa được A Lý Hải Nha như cách phao tin, có mẹo hay, nhưng quân ta, dân ta cũng bị tổn hại như mẹo phá đê, mẹo đánh diệt quân kỵ Thát Đát. Trung Thành vương nói:
-Cứ như lời Quốc công Tiết chế, tôi thấy đuổi thằng Thoát Hoan lúc này không gì bằng đốt đồn Giang Khẩu và đốt đội thuyền nhẹ của nó đậu ở sông Tô Lịch.
Trần Quang Khải trầm ngâm:
-Giang Khẩu nằm giữa một vùng có nhiều đồn địch. Một trận đánh có nhiều khó khăn lắm đây! Đúng như vậy. Con đường từ trận địa của ta đến Giang Khẩu phải qua một chặng mấy chục dặm rải rác có đồn địch, có trại quân, có những tên lính thám mã của giặc đi lại. Nếu đi con đường bên bờ phải con sông Cơ Xá thì còn vướng thêm một vùng đầm lầy và con sông rộng mênh mông ấy nữa. Như thế, muốn hạ đồn Giang Khẩu, phải hành quân bí mật, đánh úp bất ngờ ban đêm bằng đội quân ít người nhưng cực kỳ tinh nhuệ.
Trần Quốc Tuấn cũng hiểu trận này khó đánh, phải tướng giỏi quân giỏi mới thành công được. Trung Thành vương nghiêng đầu suy nghĩ giây lát, đôi mắt đẹp sắc sảo của ông đăm đăm nhìn một cái vết gì đó trên thảm da dê. Cuối cùng, ông nói:
-Bẩm Quốc công, tôi có kế đánh Giang Khẩu.
Trần Quốc Tuấn cho phép nói.
-Giang Khẩu là một đồn thấp, có vài trăm quân, bến thuyền cũng chỉ vài ngũ lính canh. Ta chỉ cần một đô tinh nhuệ, nửa đêm phóng hỏa đốt đồn, đốt thuyền. Giặc chữa lửa thì ta nấp kín mà bắn chết tướng. Trận đánh ắt xong. Còn đem nhiều quân vào thì không nên vì dễ lộ. Chỉ cần một tướng lĩnh mệnh vào Kiêu Kỵ lấy quân của Nguyễn Chế Nghĩa đi xuyên qua rừng đa chờ chập tối sang sông. Đầu canh hai đốt đồn rồi ra sông hạ thuyền thuận dòng mà về đây, quân kỵ của giặc có nhanh tài trời cũng không thể chặn bắt được.
Kế đánh của Trung Thành vương cũng giống như ý định của Trần Quốc Tuấn. Chính Hưng Đạo vương đã sai Yết Kiêu sắp sẵn mấy chục trạo nhi giỏi, cũng là để đưa tướng vào vùng đầm lầy và vượt sông. Cái khó không phải ở cách đánh mà ở việc chọn tướng và làm cho giặc hỗn loạn trong đêm tối không biết đồn nào bị đánh để chia binh đi cứu. Lê Văn Hưu vốn sâu sắc, ông đoán được ý nghĩ của Trần Quốc Tuấn. Ông già chép sử tò mò nhìn đức ông hoàng bảy. Người đánh Giang Khẩu phải là đức ông hoàng bảy, vừa thuộc đường, thuộc trận địa lại chính là người bày kế hạ đồn này! Nhưng tại sao Trần Quốc Tuấn còn ngần ngại gì mà chưa ra lệnh cho Trung Thành vương làm tướng trận này. Hay Hưng Đạo vương biết trận đánh này nguy hiểm? Nếu Trung Thành vương có mệnh hệ nào thì ông bị mang tiếng là đẩy người thù cũ vào cõi chết. Hay Quốc công Tiết chế muốn để Trung Thành vương tự xin? Kể ra như thế tiện hơn cả.
Lê Văn Hưu hơi áy náy vì ông nghĩ rằng giữa Quốc công và ông hoàng bảy chưa phải mọi điều đều đã trang trải cả. Đột nhiên, Trần Quốc Tuấn nói:
-Trận Giang Khẩu là dành cho thằng nhãi Thoát Hoan. Ta hãy bàn luôn đến phần của giặc già A Lý Hải Nha. Thằng này thao lược; muốn đuổi nó chạy phải đánh một đòn nặng vào ruột gan nó, làm cho nó dù tỉnh táo cũng phải hiểu rằng không chạy thì chẳng còn mảnh giáp.
Trần Quang Khải mỉm cười nhìn Trần Quốc Tuấn. Chiêu Minh vương đã đoán ra nơi Trần Quốc Tuấn muốn tiêu diệt. Chính đức ông hoàng ba đã gửi tặng Hưng Đạo vương một bộ đồ đánh lửa Thát Đát.
-Đánh A Lỗ!-Trần Quang Khải buông một câu.
-Đánh A Lỗ!-Nhiều người cùng xôn xao nói chen.
-Đốt A Lỗ! - Trần Quốc Tuấn dằn giọng. Ông nói thêm rằng hiện nay A Lỗ có hơn một vạn quân giặc, nhưng hai phần ba là lính chèo thuyền vận tải, lính coi ngựa, coi lừa và bọn câu kê làm sổ sách tính toán lương tiền. Số lính chiến còn lại chỉ hai, ba ngàn tên và cũng không phải loại giỏi. Vả chăng, trong một trại quân đông người, ô hợp và của cải để ngổn ngang như thế, kỷ luật sẽ hết sức lỏng lẻo. Đánh A Lỗ, đốt A Lỗ chủ yếu bằng lửa. A Lý Hải Nha còn trông ở mấy tháng lương thảo tích ở đó. Nếu A Lỗ bị diệt, giặc sẽ đói, ngựa giặc sẽ đói. Trần Quốc Tuấn tin rằng nếu đánh xong A Lỗ ngày nào, A Lý Hải Nha sẽ dẫn quân chạy ngày ấy. Vậy thì quân tinh nhuệ của ta sẽ dàn ra, chọn đất hiểm mai phục chờ sẵn. Giặc sẽ bị chẹn đánh tơi tả ở các bờ sông Thiên Đức, Lục Đầu... Giặc sẽ bị đánh tơi tả ở cửa quan Anh Nhi, ở cửa Đầu Quỷ... Ông bảo Trương Hán Siêu:
-Nhà ngươi về tụ tập thư nhi thảo lệnh cho các hành doanh.
Trương Hán Siêu vội vã vái chào ba đức ông, rồi ra khỏi lều trận. Trần Quốc Tuấn hỏi Dã Tượng:
-Một ngàn quân tinh nhuệ ta sai tuyển chọn đã có chưa?
-Bẩm Quốc công, nghìn quân này cực kỳ tinh nhuệ.
-Cho sắp sẵn cung đơn, khiên nhẹ, kiếm ngắn, tên lửa và đồ dẫn lửa. Cho ăn no, phát một ngày lương khô, hẹn canh tư đêm mai lên đường.
Dã Tượng vái chào ba đức ông, xin lui. Trần Quốc Tuấn nghiêm sắc mặt đứng lên. Ông nói với Chiêu Minh vương và Trung Thành vương:
-Giang Khẩu là trận đánh khó. Ta phải xét kỹ lưỡng việc chuẩn bị xuất quân. Mời hai em đi với ta xem lính, xem thuyền thế nào.
Yết Kiêu cầm đèn lồng đưa ba đức ông ra khỏi lều trận. Ông già chép sử cũng được đi theo. Bấy giờ đã đầu canh ba. Phương ngôn ta có câu: “Nửa đêm giờ tí, canh ba”. Ý nói đã sang một ngày mới. Đã sang một ngày mới nhưng còn hai trống canh nữa mới đến rạng đông, thế mà ở mấy cái bãi rộng, binh lính và dân làng Xuân Đình vẫn đang vui đùa trên những chiếu rượu khao quân đã hết rượu, hết đồ nhắm. Khi ba đức ông đi tới vùng có lửa đuốc chiếu sáng, dân và lính nhận ra các tướng. Tiếng tung hô muôn tuổi, tiếng chúc sức khỏe ồn lên. Trần Quốc Tuấn đi vào giữa đám đông. Ông hỏi lớn:
-Còn rượu không?
Rượu hết. Trần Quốc Tuấn bảo tả hữu:
-Rượu hết thì đem thêm ra. Tiệc lần này ta khao sao lại để thiếu rượu?
Thế là lính hỏa đầu ba chân bốn cẳng chạy đi lấy thêm đồ nhắm, những tì tướng cũng vắt chân lên tai vội vã đi khiêng những vò rượu. Rượu lại rót tràn trề các bát lớn. Trần Quốc Tuấn lại sai lấy rượu nữa. Ông nhớ tới đêm Trung thu năm ngoái, ông đã mở tiệc khao quân sau những ngày tập luyện cực kỳ khó nhọc ở ven sông Lục Đầu. Hôm ấy, ông đã hiểu rằng ngọn cờ tiết chế của ông là ngọn cờ của trăm họ. Ông đã vì trăm họ mà luyện quân. Sĩ tốt cũng vì trăm họ mà theo ông. Như thế sĩ tốt sẽ chiến đấu trong niềm tin yêu, trong công sức đóng góp của trăm họ như đàn cá kình trong biển rộng sông dài. Tiệc đêm Trung thu ấy, cụ Uẩn đã dâng ông bát rượu thọ mà quân sĩ nâng mời ông cụ. Bây giờ ông cụ vui thú nơi nao? Cái nghĩa tử tiết của con người đó thật đáng cho ngay chính ông ngẫm ngợi. Trần Quốc Tuấn sai rót rượu. Ông muốn tiệc rượu đêm nay phải thật vui, thật náo nhiệt. Ông muốn không khí hào sảng ấy làm phai mờ những nỗi nhớ thương trong lòng ông, trong lòng Dã Tượng và Yết Kiêu, trong lòng Hoàng Đỗ và Hoa Xuân Hùng... Ông cất tiếng sang sảng:
-Đêm nay, ta cùng các ngươi uống cho thật vui. Ngày mai, các quân sẽ lên đường vào cuộc chiến đấu mới nữa để tống cổ giặc ra khỏi kinh thành rồi quét chúng ra khỏi đất nước. Các ngươi vác đòng theo ta đã lâu, khi thì thầy trò uống rượu vui vẻ với nhau, khi cùng chiến đấu giáp lưng vào nhau, vuốt máu vuốt nước mắt để nhìn cho rõ quân giặc. Lần này ra trận phải đánh cho hả dạ căm thù, cho bù lại những đêm trằn trọc vỗ gối đến sáng. Giặc tự phụ là dòng dõi thần Chó sói núi Tuyết. Chúng ta đây là con Rồng nòi Tiên có kém gì? Tổ tông sẽ phù trợ tay cung, tay giáo ta cứng, phù trợ hễ ta đánh là thắng lớn. Nào! Nâng bát lên ta uống!
Tất cả theo Quốc công Tiết chế uống cạn bát rượu trên tay.
Trần Quốc Tuấn sai đập các hũ rượu. Ông muốn tỏ cho sĩ tốt biết rằng từ nay cho đến khi thắng giặc, sẽ không uống rượu nữa! Nếu uống lần sau, sẽ là rượu trong lễ dâng tù binh ở Thái miếu, rượu đựng trong chóe quý mừng đất nước sạch làu bóng giặc. Tiếng côn bịt sắt đập vỡ các vò rượu gây ấn tượng rất mạnh trong lòng mọi người. Trần Quốc Tuấn gọi Yết Kiêu và hỏi:
-Mấy ngũ lính trạo nhi của ngươi đâu?
Yết Kiêu vội dẫn lính đến. Họ chào lạy ba đức ông. Trần Quốc Tuấn nghiêm khắc ngắm những người lính cứng cáp, dạn dày nắng gió, nai nịt rất gọn ghẽ. Ông nắm thắt lưng một người giật mạnh. Múi thắt lưng không sổ. Binh lính của Yết Kiêu bao giờ cũng vậy, Yết Kiêu dạy họ từng lá từng tí, kể từ việc gạt cỏ gianh xe sợi bện dép cỏ. Những người lính này thuộc mấy ngũ trạo nhi đã hộ tống Trung Thành vương sang sông và cũng có người do Yết Kiêu dẫn sang theo lệnh đòi của Trần Quốc Tuấn. Họ đều là người ở hai bên bờ sông Lục Đầu, cả đời sống trên sóng nước. Bộ áo lính trạo nhi của họ xắn gọn để lộ bắp tay bắp chân chàm những con thuồng luồng cổ quá. Thật là những người lính chiến xứng đáng với hào khí Đông A kiêu hãnh!
-Nào! Còn thuyền đâu?
Những người lính trạo nhi mời các đức ông xem thuyền của họ.
Đó là những chiếc thúng cóc nhỏ và thấp mạn nhưng Trần Quốc Tuấn đã từng xem lính trạo nhi bơi loại thuyền này qua những khúc sông rộng nước xoáy cuồn cuộn một cách cực kỳ vững chắc. Trần Quốc Tuấn hỏi họ:
-Các ngươi có ai thuộc đường đầm sang Kiêu Kỵ không?
Những người lính trạo nhi không ai biết đường này nhưng dân Xuân Đình có người biết. Người này là một người đàn ông đứng tuổi, dáng thấp nhỏ, chính là ông đánh đó tôm mà Trần Quốc Tuấn đã trú tạm trong nhà ông ta trước đây hơn hai tháng. Ông ta hiện đang sung làm phu tải lương cho hành trung doanh. Ông ta nói:
-Bẩm đức ông, vượt đầm lầy nên dùng thuyền to hơn đi cho nhanh.
Trần Quốc Tuấn cười nói:
-Thuyền cóc này để dùng vào việc khác. Ta đã định nhờ dân Xuân Đình cho mượn hai chục thuyền to rồi. Thuyền Xuân Đình rất sẵn mà ta đã từng được thử qua.
Ông ngoảnh nhìn dân làng và hỏi to:
-Thế nào! Xuân Đình các ngươi nghĩ sao?
Dân Xuân Đình ồn lên:
-Bẩm đức ông, đến hai trăm thuyền, chúng tôi cũng xin có ngay.
-Bẩm đức ông, có cả người giỏi đò giang nữa ạ.
-Thế thì lên đường ngay!
Người Xuân Đình nói không sai. Chửa nhai giập miếng trầu đã thấy người ta đội thuyền nan đến, không phải hai chục chiếc mà đến năm chục chiếc, nhưng Trần Quốc Tuấn chỉ chọn đủ số mà thôi. Ông dặn đêm mai sắp cho ông hai trăm thuyền nữa. Trần Quốc Tuấn ngoảnh nhìn Trung Thành vương. Lê Văn Hưu chăm chú ngắm hai đức ông. Ông già chép sử hiểu rằng sắp có một điều gì đó xảy ra. Trần Quốc Tuấn cầm lấy tay Trung Thành vương. Hai người im lặng nhìn nhau. Một lát sau, Hưng Đạo vương nhủ:
-Muốn giặc hỗn loạn không ứng cứu được Giang Khẩu thì phải diệt ngay từ đầu thằng giữ cột nêu hiệu.
Trung Thành vương nói:
-Bẩm đức ông Tiết chế, như vậy phải có người bắn giỏi tuyệt luân.
-Được! Người đó có rồi. Thật là một tay cung nhất tiễn lập công!
Trần Quốc Tuấn rờ tay lên vai Trung Thành vương nói tiếp:
-Ta xem chiều trời đêm mai còn chuyển gió mùa đông bắc. Có thể trở lạnh đôi chút. Em đem cái này đi phòng sẵn.
Ông gọi người lính hầu ôm cái bọc đi sau. Ông lấy bọc đưa cho Trung Thành vương. Trung Thành vương giở lần lụa bọc ngoài. Đó chính là cái áo lông cáo tuyết lấy được của giặc trong trận Chương Dương. Trung Thành vương nhận áo, vái chào từ biệt Trần Quốc Tuấn và Trần Quang Khải. Một lát sau, đức ông hoàng bảy dẫn đội quân nhỏ lên đường. Những người lính trạo nhi đội lên đầu những chiếc thúng cóc. Những người chân sào Xuân Đình dẫn họ đi về phía bắc. Đêm đã sang đầu canh tư. Không gian chuyển sang màu chì lỏng. Lê Văn Hưu cúi đầu ngẫm nghĩ. Biết chép thế nào vào quốc sử cái điều đẹp đẽ mới xảy ra? Bỗng nhiên, Trần Quốc Tuấn nói với ông già chép sử:
-Tất cả các mũi giáo đều phải chĩa về phía địch. Mãi sau này rồi vẫn thế đấy tiên sinh ạ.
Câu nói làm cho Lê Văn Hưu phải sững sờ về sự tinh tế và bóng bẩy.
* * *
Mờ sáng, đoàn quân nhỏ đến ngã ba có nẻo rẽ vào vùng đầm. Họ gặp một ngũ lính thám mã của giặc cắm trại bên vệ đường. Ngựa của chúng không tháo yên nhưng lính giặc trải chăn lông cừu ngủ bên một đống lửa đốt để đuổi muỗi. Một tên thám mã chống cây giáo ngắn ngủ gà ngủ vịt bên ngoài quầng sáng của đống lửa. Đó là tên canh phiên. Đoàn quân của Trung Thành vương dừng lại từ xa. Mấy chú lính viễn thám của Hoàng Đỗ đi trước dò đường đã phái người về báo tin đường bị nghẽn, có giặc. Hoàng Đỗ vội quay lại yết kiến Trung Thành vương. Đức ông hoàng bảy ra lệnh cho viên đội trưởng viễn thám phải diệt gọn ngũ lính giặc. Những tên thám mã vẫn ngủ say, nhưng đàn ngựa thính hơi bắt đầu bồn chồn gõ móng, hí khẽ. Tiếng bàn đạp, tiếng hàm thiếc lách cách chạm nhau làm cho tên lính canh mở choàng mắt đứng lên. Nó uể oải lại gần đàn ngựa, lấy cỏ đựng trong cái túi vải, vãi cho những con vật. Đàn ngựa chen nhau thở phì phò, con cúi đầu ăn cỏ, con nghếch đầu đánh hơi. Nhưng thằng lính canh của giặc chưa kịp hiểu ra điều gì thì một mũi tên từ bóng đêm đã bay như một làn sáng mờ..., mũi tên trúng cổ tên giặc khiến cho nó ngã xuống không kêu được một tiếng.
Đàn ngựa hoảng sợ giằng thừng định chạy, nhưng nút thừng buộc chặt quá, chúng giằng không được. Ngựa hí lên, tiếng ngựa hí lanh lảnh trong đêm tối lôi giật những tên thám mã khỏi giấc ngủ mệt mỏi. Chúng choàng dậy; theo thói quen của lính chiến, chúng vớ vũ khí ở bên người, quỳ một gối hướng mũi giáo ra mé ngoài. Nhưng từ khoảng tối, mấy ngọn thiết lĩnh vươn như trăn gió, trong chớp mắt đánh trúng những tên giặc. Thật là những đòn bậc thầy; những tên giặc không kêu được một tiếng, ngã ra đất giãy chết, trừ một tên chỉ bị thương. Thằng này thoát chết chính là vì viễn thám muốn bắt sống một tên để tra hỏi những điều cần biết gấp. Tên giặc bị thương được rịt thuốc dấu và lính viễn thám trói nó lại, dẫn nó đến hầu đức ông hoàng bảy. Hoàng Đỗ vỗ gáy nó, giúi nó xuống đất. Tên giặc hiểu ý, bò nhoài dưới chân Trung Thành vương nó nói một tràng líu nhíu, rền rĩ. Nghe nó nói, Trung Thành vương biết ngay nó là quân Tân Phụ, thứ quân cũ của nhà Tống đã đầu hàng nhà Nguyên. Tiếng Tống thì Trung Thành vương biết. Ông hỏi tên giặc. Hỏi câu nào, nó vội vã đáp lại ngay. Qua những câu trả lời của nó, Trung Thành vương được biết rằng giặc mới chuyển sang bờ đông con sông Cơ Xá số lương thực còn lại. Chúng sợ bị đánh úp và bị đốt nốt số lương thực này nên đã phái thám mã đóng trại xa để canh phòng. Trạm canh này là trạm xa nhất mé đông nam. Như vậy, đường từ đây vào đến hành doanh của tướng quân Nguyễn Chế Nghĩa rất thông, Trung Thành vương quyết định cho Hoàng Đỗ và những người lính viễn thám hộ tống quay trở về Thiên Mạc. Trước khi ra lệnh đó, ông hỏi Hoàng Đỗ:
-Nhà ngươi đã bắn chết tên lính canh phải không?
Hoàng Đỗ thưa:
-Bẩm đức ông, vâng.
Khi Hoàng Đỗ lạy từ ông, Trung Thành vương lưỡng lự rồi hỏi:
-Hay là nhà ngươi theo ta vào Giang Khẩu nhé? Ta sẽ cho người xin với Quốc công.
Thoạt nghe, Hoàng Đỗ thích lắm, nhưng chú bé ấy đã biết suy nghĩ, rồi ngần ngại tạ rằng:
-Bẩm đức ông, con có lệnh quay lại ngay sau khi đã hộ tống đức ông đến đường rẽ chu toàn... Vả chăng... con bắn cũng không bằng bạn con.
Trung Thành vương mỉm cười:
-Bạn con là ai?
Hoàng Đỗ chỉ Hoa Xuân Hùng lúc ấy đã đội chiếc thúng cóc lên đầu. Đức ông hoàng bảy cầm lấy chuỗi răng sấu ở cổ Hoàng Đỗ đưa ngang mắt ngắm xem. Ông ngẫm nghĩ rồi gỡ chiếc bài vàng chạm mặt hổ ra quàng cho Hoàng Đỗ. Ông dịu dàng nhủ chú lính viễn thám:
- Mai này tan giặc, con hãy đến tìm ta ở phủ đệ Trung Thành nhé. Có thể lúc ấy ta sẽ làm được chút gì cho con. Thôi, con đi.
Ông đứng nhìn Hoàng Đỗ lại chia tay với các bạn đồng ngũ. Ông thấy Đỗ gỡ từ chuỗi răng sấu ra chiếc khóa bạc nhỏ xíu tự đeo vào cổ tay cho Hoa Xuân Hùng. Những người lính chiến cúi đầu chào nhau. Khi họ đã cách nhau vài trượng, Hoàng Đỗ gọi với theo:
-Bắn cho linh tay nhé!
Tiếng những người ra quân đáp lại:
-Về nhớ! Sửa sẵn rượu mừng đi!
-Đi nhớ! Đốt cho nhanh nhớ!
-Về nhớ! Hẹn ngày dâng tù binh nhớ!
-Đi nhớ! Bắn cho linh tay nhớ! Đi! Về! Bắn! Đốt! Hẹn nhau!
Những người lính ra đi với hào khí hồ hởi, làm cho Trung Thành vương thấy ông đang sống khoảnh khắc đẹp nhất trong đời.
* * *
Đến sáng bạch nhật, Hoàng Đỗ dẫn mấy người lính viễn thám trở về hành trung doanh, mang tin Trung Thành vương đã xuống thuyền vào vùng đầm. Nhưng hành doanh đã biết tin ấy rồi và Trần Quốc Tuấn còn biết hơn thế nữa: hiệu cờ truyền theo trạm nêu báo tin tức ông hoàng bảy đã đến chỗ tướng quân Nguyễn Chế Nghĩa đóng quân! Trần Quốc Tuấn và Trần Quang Khải chỉ vừa ngả lưng chợp mắt được một tí. Tin vui làm cho hai ông không ngủ được nữa, mặc dầu mấy bữa rày việc quân vất vả, ăn uống cũng thất thường. Trần Quang Khải tung chiếc chăn bọc gấm ra. Ông vùng đứng lên, ra khỏi lều trận, sang trướng hổ của Trần Quốc Tuấn thì thấy Quốc công Tiết chế cũng đã ngồi xem các bản cáo mới từ các mặt trận gửi về. Hai đức ông bàn chọn mấy tướng giỏi đem thêm quân tinh nhuệ mai phục ở những nơi hiểm yếu. Chiêu Minh vương cử Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản đem đội quân sáu trăm thiếu niên hào kiệt lên chặn ở sông Như Nguyệt. Ông nói:
- Ởsông này, ta cần cậy tới tráng khí của cháu Hoài Văn. Trận phủ đầu phải sấm sét.
-Nhưng phải ra lệnh cho nó không được ham đánh. Đây mới là tuyến mai phục đầu tiên, giặc còn đông, đang hăng chạy. Triền sông Thiên Đức ta giao cho em Chiêu Văn cùng tướng quân Nguyễn Chế Nghĩa thống lĩnh dân binh lộ Thượng Hồng. Ở mạn sông này, có thể ta đã bắt được vài tướng giặc.
- Vương huynh tính đánh quyết liệt ở sông Lục Đầu chăng?
-Phải đó. Ta nghĩ giặc sẽ chạy qua Vạn Kiếp. Ta đã lệnh cho hành doanh Lục Đầu chưa được đánh kho lương Vạn Kiếp và mặc cho chúng thông báo hiệu nêu cờ. Ta muốn nhử giặc đến đây. Ta cử Điện súy Phạm Ngũ Lão đem cả hai quân tả và hữu Thánh dực về đó. Tướng đánh trận này phải trí dũng song toàn.
Trần Quang Khải khen phải, nhưng tỏ ý e ngại hai quân Thánh dực chưa đủ sức đánh trận quyết liệt này. Trần Quốc Tuấn không trả lời, tủm tỉm cười nhìn Trần Quang Khải. Trần Quang Khải cũng cười và không hỏi thêm. Ông rời hành trung doanh trở về bên kia sông ra lệnh cho các đội quân dưới quyền vừa dùng tất cả hiệu nêu hiệu cờ, vừa dùng từng đô đánh vào các trạm viễn tiêu của giặc để làm rối loạn sự phán đoán của tướng giặc. Trần Quốc Tuấn ở lại trướng hổ. Ông sai đốt một lư trầm tinh khiết, ngồi tĩnh tâm suy nghĩ lá sớ dâng vua. Bên ngoài cửa trướng hổ, Dã Tượng cắp gươm tuốt trần trấn giữ. Viên tướng coi quản hành trung doanh được lệnh nghiêm cấm quân lính trong trại không được làm náo động. Đàn ngựa của hành trung doanh cũng phải cho dắt xuống chăn ở cuối bãi Màn Trò. Chiêng, trống không được đánh. Đến cuối giờ tị đột nhiên Trần Quốc Tuấn sai gọi ông già Lê Văn Hưu đến hầu. Đi trong hành doanh im lặng, Lê Văn Hưu đã kinh ngạc, nhưng khi bước vào trướng hổ, ông già lạnh người trước vẻ thành kính, uy nghi của Trần Quốc Tuấn. Quốc công mặc áo chiến đại trào vóc tía thêu rồng bốn móng, ngồi trên ghế da hổ nom thật đường bệ và nghiêm khắc. Trên mặt văn án bày đủ văn phòng tứ bảo; cây kiếm Thượng Phương chém trước tâu sau vỏ nạm vàng, chuôi nạm ngọc đặt ngang án. Khói lam từ chiếc lư đồng điếu bay lên nóc lều trận thẳng đứng. Lê Văn Hưu cúi chào cung kính.
-Mời tiên sinh ngồi xuống đây.
Trần Quốc Tuấn chỉ tay vào chiếc ghế để sẵn ở cạnh văn án ra hiệu cho Lê Văn Hưu ngồi xuống. Đi theo hành trung doanh đã lâu, Lê Văn Hưu cũng hiểu Trần Quốc Tuấn là bậc tướng gồm đủ ân, uy, trí, dũng, nhưng chỉ đến trưa hôm nay ông già chép sử mới hiểu rằng trước đây ông chưa cân lường nổi tầm vóc các đức tính của Quốc công Tiết chế. Hưng Đạo vương sai ban trà cho Lê Văn Hưu, sai ban trầu cau, miếng trầu đã được giã nhiễn trong cối ngà bằng chày bạc.
-Ta muốn phiền tiên sinh một việc. . Khoảng 11 giờ trưa.
- Bẩm đức ông cứ phán, kẻ bồi thần có bao nhiêu sức già cũng xin dùng hết.
- Không, việc này không phải có sức mà làm được. Ta muốn thảo sớ dâng Quan gia. Phải phiền tới bậc đại bút như tiên sinh.
“Bậc đại bút”! Ông già chép sử giật mình. Bậc đại bút phải là Quốc công, con người nổi tiếng văn võ song toàn, sự hiểu biết thấu suốt cổ kim. Trần Quốc Tuấn dường như hiểu ý Lê Văn Hưu, ông bình thản nói:
-Tiên Sinh hãy thay ta thảo lá sớ này!
Và ông vạch tỉ mỉ từng ý phải có. Trước hết, ông nhận định rằng giặc sắp bỏ chạy. Các hành doanh đã được lệnh mai phục trên cả hai đường thủy, bộ để tiêu diệt chúng. Ông xin Thượng hoàng và Quan gia cũng tiến quân diệt Toa Đô. Xin Quan gia cứ để Toa Đô kéo quân ngược sông vào sâu nữa trong đất liền. Như thế khả năng rút ra của chúng sẽ không còn nữa, tướng giặc ắt bị chém đầu. Điều ông nói kỹ, nói tỉ mỉ là âm mưu giặc. Ông nói giặc thuộc nòi kiệt hiệt, thua trận này chưa thể làm nhụt chí xâm lược của chúng. Vả chăng, mưu mẹo thâm hiểm của chúng đã lộ ra: chúng đã cho dẫn bọn gian tặc Trần Ích Tắc, Trần Văn Lộng, Trần Kiện về nước chúng. Nhờ phúc ấm tổ tông, ta đã bắn chết Trần Kiện, nhưng mấy tên kia vẫn chạy thoát. Giặc đem bọn gian tặc đi, chứng tỏ chúng còn muốn sang ta nữa. Trần Quốc Tuấn hỏi Lê Văn Hưu:
-Tiên Sinh đã hiểu ý ta chưa?
-Bẩm, Quốc công muốn nhắc lại kế rễ sâu gốc vững!
-Đúng đó. Vừa qua tiên sinh hỏi ta về tôn trọng người hiền, kẻ sĩ, nhưng ta muốn nhìn thế cục rộng hơn. Ta hỏi tiên sinh: Ngày xưa, khi cuộc đao binh sắp xong, bậc đế vương phải làm gì? Tiên Sinh hãy soi trong sử xanh cổ kim nam bắc, tìm xem các minh quân thánh chúa đã làm thế nào để nước mạnh dân giàu? Thời chiến, lấy rễ sâu gốc vững mà giữ nước. Thời bình cũng phải lấy rễ sâu gốc vững mà dựng nước. Tiên Sinh còn nhớ lời Thái sư Trần Thủ Độ trối trăng với Tiên đế không?
-Bẩm nhớ!
Trần Quốc Tuấn nói tách bạch từng tiếng:
-Thái sư đã nói: “Thần là người vô học cầm quyền coi việc nước, chỉ nghĩ trăm họ yên vui no ấm là kế sách giữ nước thần diệu nhất”. Tiên Sinh hãy thảo sớ sao cho văn chất tha thiết mà vẫn bình dị, ý tứ sâu xa mà vẫn gần gụi người đời. Ta muốn lá sớ này phải có hơi hướng trên ba ngàn năm dựng nước của tổ tông ta.
Lê Văn Hưu lĩnh ý, tạ từ. Trần Quốc Tuấn sai tả hữu lấy ban cho ông già chép sử một đôi bút song Chu, một thỏi mực Hương Lan, một chiếc nghiên ngọc đỏ vân trắng và một bình trà Yên Tử ướp sen.
-Để cho sử bút của tiên sinh thêm đanh thép!
Lê Văn Hưu ra khỏi trướng hổ. Trần Quốc Tuấn lập tức cho gọi thư nhi, tì tướng của hành trung doanh đến hầu. Chúa tôi đằm vào những công việc tưởng như tủn mủn nhưng kỳ thực hết sức cần thiết cho một chiến cuộc to lớn: việc tính toán số lương khô cần phát cho mỗi người lính tính theo đoạn đường từ nơi xuất quân đến nơi mai phục; việc tính số thuyền cần thiết cho mỗi bến đò ngang; việc đôn thúc các lộ Tam Đái, quá Hóa nộp nứa để làm cầu phao trên các triền sông Như Nguyệt, Thiên Đức; việc lấy dân phu làm gấp hai triệu mũi tên cho hành doanh Lục Đầu và việc làm mấy kho cỏ bí mật ở ven sông Sách dành cho đội voi trận... Trần Quốc Tuấn ra nhiều mệnh lệnh. Ông làm việc mê mải, toàn tâm toàn ý cho trận đánh giải phóng kinh thành và cuộc chiến quét giặc ra khỏi đất nước. Cách làm việc nhanh, mạnh, dứt khoát chứng tỏ Hưng Đạo vương tràn trề niềm tin chiến thắng, một niềm tin hình thành do sự hiểu biết sâu sắc thế chiến trường và sự suy nghĩ thấu đáo về tâm trạng tướng lĩnh đôi bên.
* * *
Đến chiều, Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản dẫn quân sang sông để tiến về sông Như Nguyệt. Ngoài sáu trăm thiếu niên hào kiệt, đội quân của hầu tước Hoài Văn còn tăng thêm mấy nghìn dân binh kinh thành. Những người dân binh các phường phố qua mấy tháng chiến đấu đã mau chóng trở nên những người lính thiện chiến, dày dạn, nhưng từ cách nai nịt, cách cầm binh khí người ta vẫn nhận ra một chút gì đó của kinh thành duyên dáng. Đội quân vừa đi vừa hát. Sau đoàn quân, lính coi ngựa dắt theo mấy chục con chiến mã Thát Đát. Đội quân mang cờ đề sáu chữ vừa khuất sau lđá tre làng Xuân Đình thì tướng quân Phạm Ngũ Lão dẫn quân Thánh dực trẩy qua. Đội quân này nổi tiếng vũ dũng thiện chiến. Phạm Ngũ Lão và các tì tướng hiên ngang trên lưng những con ngựa chiến lực lưỡng. Giàn trống đồng, chiêng đồng của quân Thánh dực giữ nhịp đi cho toàn đội. Những lá cờ đại, những lá phướn mang hiệu từng vệ bay phấp phới. Thỉnh thoảng lính thông hiệu phi ngựa ngược xuôi, miệng quát lớn:
-Tránh ra, tránh ra cho ngựa quan trẩy.
Những đội dân binh lộ Khoái và lộ Quốc Oai cũng ra sông qua đò Chương Dương. Hai làng Xuân Đình, Chương Dương được lệnh phải làm việc quân ở bến đò, lúc nào cũng có thuyền đậu ở hai bên bờ sông, thuyền to để chuyên chở quân và lương thảo, thuyền nhỏ dành cho lính thông hiệu, lính hỏa bài. Dân binh tiến về vùng giáp kinh thành để rút bớt quân tinh nhuệ mặt trận này đem lên mai phục ở các triền sông vùng đông bắc. Trong lúc đó cả một vùng rộng lớn ven kinh thành, hiệu cờ, hiệu khói đôi bên cùng báo những tin tức cấp bách, nhưng hiệu của giặc khá rối loạn chứng tỏ các đơn vị của ta đã làm chủ được chiến trường. Sẩm tối, Chiêu Minh vương sang sông. Bên trại Chương Dương, đoàn chu sư của đức ông hoàng ba đã cắm cờ và nêu hiệu ở đầu thuyền, sẵn sàng nhổ neo. Chiêu Minh vương dẫn sang Màn Trò cả tì tướng, thư nhi trong hành doanh của ông, chứng tỏ đạo quân lớn ấy cũng sắp lên đường. Hành trung doanh của Trần Quốc Tuấn được lệnh cuốn cờ, nhổ lều trại. Quân sĩ chia nhau, người thu dọn lều cọc, lương thực, xếp lên lưng những con ngựa thồ, người làm cơm đêm và nắm cơm cho hai bữa nữa. Chiêu Minh vương cưỡi trên lưng một con ngựa ô lĩnh cực đẹp, vó trước bên phải có một vệt lông trắng nõn làm cho nó có vẻ nghịch ngợm lúc phi nước kiệu nhỏ. Trần Quốc Tuấn đón Chiêu Minh vương ở cửa trại. Ông cũng sai đem ngựa đến. Con ngựa tía mật của đức ông Tiết chế hí vang lên. Hai đức ông tế ngựa ra ven sông, sau lưng là một đoàn tuỳ tùng đông đảo. Màu chiến bào tía của hai đức ông, màu áo chiến các vệ, các đô, màu thắt lưng, khăn võ của các tướng dưới ánh lửa của hàng trăm bó đuốc càng rực rỡ. Tiếng loa thét lệnh, tiếng trống đồng, tiếng tù và, tiếng pháo hiệu của rất nhiều đội quân đóng chung quanh làm huyên náo cả cảnh sông đêm vốn dĩ êm tĩnh. Chiêu Minh vương nói với Trần Quốc Tuấn:
-Bên chỗ đệ tưởng đánh dứ mà hóa đánh thật!
Tiếng nói của Chiêu Minh vương bị bạt gió nên Trần Quốc Tuấn nghe không rõ. Ông rướn người trên lưng ngựa hỏi to:
-Vương đệ bảo cái gì thật?
- À!... Có nhiều trận đánh dứ để quấy rối giặc, nhưng mà chúng nó chống cự yếu ớt quá thành ra quân ta ùa vào diệt đồn luôn. Chúng nó hết kiếp rồi!
Hai đức ông cười ha hả. Bên kia sông, lửa đuốc kéo giăng giăng thành nhiều đường trên cánh đồng rộng lớn. Trần Quốc Tuấn hỏi:
-Quân nào trẩy bên kia thế?
-Không phải quân. Dân đấy. Dân mé nam kinh thành trở về làng.
-Vừa đúng lúc gặt chiêm sớm. Lúa năm nay thế mà được mùa to. Đi đến đâu cũng thấy cánh đồng tốt bời bời...
Trần Quốc Tuấn thấy lòng sung sướng, thơ thới. Binh đao xảy ra trên đất Việt nhưng trăm họ nước Việt càng tỏ rõ sức sống mãnh liệt của mình. Công lao giữ nước, công lao làm đẹp làm giàu cho đất nước là do ý chí và bàn tay của triệu triệu người Việt vun góp vào. Hai bên bờ những dòng sông Việt lừng lẫy chiến công, những người dân Việt lại sẵn sàng vào một mùa lúa mới khi lửa binh đao đang tắt dần dần. Đêm hè, gió thổi lộng lên... Hai đức ông và đoàn tùy tùng ra đến bờ sông Thiên Mạc lúc đầu canh hai. Hiệu lửa từ hành doanh Kiêu Kỵ báo tin về: đức ông hoàng bảy đã đem quân lén qua sông Cơ Xá từ lúc chẽng vẽng tối! Trần Quốc Tuấn bảo Trần Quang Khải:
-Ta chờ hiệu lửa báo tin Giang Khẩu rồi lên đường là vừa. Chắc khoảng cuối canh một, trận đánh bắt đầu. Nếu đánh nhanh thì bây giờ đã xong từ lâu rồi.
Hai đức ông lên trên một gò đất cao nhìn về phía Thăng Long, nhưng mấy đêm rày nhiều đám cháy bốc lên đó đây, chẳng thể nào phân biệt được cháy ở đâu và cháy cái gì. Chiêu Minh vương nhìn trời vần vụ mây, nói:
-Gió đông
- Ðông bắc, trời không trở lạnh lắm đâu.
-Nhưng lúc rút ra bằng đường sông thì cũng cần áo ấm lắm đấy. Không khí chờ đợi thật khắc khoải.
Ngay những con ngựa chiến hình như cũng hiểu lòng chủ, chúng gõ móng bồn chồn, thỉnh thoảng lại hí khẽ trong họng. Trần Quốc Tuấn đăm đăm nhìn bóng đêm mỗi lúc mỗi nhạt dần. Trăng đã lên! Đêm nay mười sáu trăng treo, mọc muộn. Trời nhiều mây nên ánh sáng lúc tỏ, lúc mờ. Trần Quốc Tuấn nhớ lại đêm đầu tiên ông trở lại đất này. Mới hai đêm mà sao ông tưởng như lâu lắm rồi. Hai đêm qua đi nhưng vòm trời Thiên Mạc vần vụ mây mù đã đem lại cho ông nhiều thay đổi. Những gì đã xảy ra trên mảnh đất kỳ diệu này sẽ được ghi vào quốc sử? Trận Thiên Mạc của Trần Bình Trọng; trận Hàm Tử của Trần Nhật Duật; trận Chương Dương của Trần Quang Khải. Trăng nước, cỏ cây chứng kiến những chiến công kỳ diệu ấy. Đấy là những chiến công sẽ được chép trang trọng trên những trang sử vàng chói lọi. Nhưng còn biết bao nhiêu trận đánh mà sử sách sẽ không chép tới: những trận đánh úp kho lương kho cỏ, những trận đánh chiếm nêu cờ nêu đèn, những trận đánh bọn thám mã giặc vướng đường, phải kể hàng trăm hàng ngàn trận đánh như vậy đã diễn ra, đã không chép vào chính sử! Ngay cả trận Giang Khẩu nữa, có thể ông già chép sử kia cũng không dành được một dòng nào để chép cho một câu trang trọng. Cả một võ công đánh Tống bình Chiêm lẫy lừng của bậc tướng tiền bối Lý Thường Kiệt trước đây hơn một trăm năm, cũng chỉ được nửa trang trong quốc sử. Chính Trần Quốc Tuấn đã đọc đi đọc lại nửa trang sử ấy. Nhưng đêm nay, ông mới hiểu thấu đáo rằng dù cho có đem tất cả vàng của đất nước đúc lại cũng chưa xứng với nửa trang sử đó. Cảm ơn các bậc tiền liệt, tất cả các bậc tiền liệt. Các Người đã đem thân mình đền đáp non sông, xây dựng non sông. Tên tuổi các Người dù được ghi trang trọng hay không chép vào quốc sử thì nhân dân đất Việt vẫn đời đời nhớ ơn. Nhân danh cá nhân ông, nhân danh những người còn sống và sẽ Sinh thành trên đất Việt, Trần Quốc Tuấn thành kính tưởng nhớ và ghi sâu công ơn của các tiên liệt. Giữa canh ba, hiệu nêu Kiêu Kỵ báo tin chiến thắng Giang Khẩu, nhưng cùng lúc đó đoàn thúng cóc từ Thăng Long thuận dòng xuôi về Thiên Mạc cũng cập bến. Từ bến thuyền, Trung Thành vương đi như chạy lên phía Trần Quốc Tuấn và Trần Quang Khải. Đến nơi, Trung Thành vương hất chiếc áo khoác lông cáo tuyết xuống đất, chống kiếm quỳ một gối ra mắt hai vị tướng văn tướng võ của nước Việt.
-Kính lạy hai đức ông! Nhờ phúc ấm của tổ tông, của hoàng triều, đồn Giang Khẩu đã ra tro, đoàn thuyền giặc đậu trên sông Tô Lịch đã ra tro, tướng giặc Mã Vinh đã bị bắn chết.
Binh tướng tùy tùng đứng chung quanh giơ cả binh khí lên cao, hét lên sung sướng:
-Đức ông hoàng bảy muôn tuổi! Đức ông hoàng bảy muôn tuổi!
-Đức ông lưu thủ kinh thành muôn tuổi! Muôn tuổi!
Trần Quốc Tuấn nâng Trung Thành vương dậy. Hai mắt đức ông hoàng bảy sáng quắc lên dưới lửa đuốc. Trần Quốc Tuấn gỡ chiếc bài vàng chạm rồng đeo ở cổ mình, choàng lên ngực Trung Thành vương. Ông nói:
-Tướng quân hễ xuất trận là lập công. Thật không hổ trai họ Đông A!
Trần Quốc Tuấn ngoảnh nhìn Trần Quang Khải. Mọi dự đoán đã thành rồi! Đến lúc phải chia tay! Trần Quốc Tuấn cầm lấy tay Thượng tướng quân. Ông nhủ:
-Trừ hại cho trăm họ xong thì đến lúc làm lợi cho trăm họ! Ta đã thảo sớ dâng Quan gia. Em sẽ đem đại binh xuôi về đón Ngự giá tiến quân diệt Toa Đô. Mặt Thăng Long sẽ giao cho em hoàng bảy.
Trần Quang Khải cố hỏi:
-Như vậy vương huynh không có mặt để phò giá đem quân chiến thắng về kinh thành chăng?
- Đúng vậy! Thăng Long sẽ giải phóng sớm. Bây giờ ta tiến quân đánh A Lỗ, rồi qua sông mai phục ở Lục Đầu. Giặc có thể lại sang, nên ngay lần này phải đánh cho tan niềm tin vô địch của chúng.
Nghe Trần Quốc Tuấn nói sẽ đích thân chỉ huy trận A Lỗ, Trần Quang Khải đăm đăm nhìn bậc đàn anh ân, uy, trí, dũng. Ông rất hiểu Quốc công Tiết chế; ngoài các đức tính ân, uy, trí, dũng ra, Trần Quốc Tuấn còn là một vị tướng có lòng nhân đạo vô tận. Quốc công thân đánh A Lỗ đâu phải vì trận này khó đánh mà chính để tạ lòng các bậc tiên liệt, nhất là những người vô danh đã trận vong. Trần Quốc Tuấn bảo Lê Văn Hưu:
-Tiên Sinh đi theo đức ông Chiêu Minh vương. Lễ ban sư hồi trào sẽ cực kỳ long trọng, cần đến sử bút của tiên sinh để lưu lại muôn đời.
Ông liếc nhìn Trần Quang Khải:
-Có thể lúc đó đức ông Chiêu Minh nổi hứng sẽ làm được một vần thơ tuyệt diệu. Bài thơ tráng khí võ công ấy chép vào chính sử càng rực rỡ phải không tiên sinh?
Trần Quang Khải, Trung Thành vương lạy từ Trần Quốc Tuấn để đem quân lên đường. Đội thúng cóc hai mươi chiếc theo đức ông hoàng bảy nay còn mười một chiếc. Hoa Xuân Hùng, tay phải quấn vải buộc chéo lên cổ, cầm cung ở tay trái, đứng tần ngần nhìn Hoàng Đỗ. Trần Quốc Tuấn liếc thấy. Ông cười hóm hỉnh:
-Lại đây! Cung thủ nhất tiễn lập công!
Ông cho phép Hoa Xuân Hùng về đoàn tùy tùng của hành trung doanh chỉ huy những người lính trạo nhi mới họp thành đô để tiện di chuyển trong vùng nhiều sông đầm. Ông nghĩ thầm Hoa Xuân Hùng đã đánh một trận không chép trong chính sử thì sẽ cho chú ta vinh dự -cùng với ông-lập một võ công cũng không chép trong chính sử. Thiên Mạc-Hàm Tử -Chương Dương chợt ngời lên dưới ánh trăng. Mây trôi. Trăng sáng. Nước Thiên Mạc đều đều xuôi về biển Đông. Trần Quốc Tuấn thấy mình được nâng cao lên, có nhiều thay đổi trong tâm hồn. Nhờ ơn tổ tông, nhờ sự dạy dỗ của những người đã khuất, ông hiểu biết sâu xa hơn về chiến tranh giữ nước, hiểu biết sâu xa hơn về sức chứa đựng của mỗi chữ trong sử xanh. Trần Quốc Tuấn ra lệnh xuất quân. Hành trung doanh tiến về phía A Lỗ.

Thăng Long năm Hổ.

<< Chương 4 |


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 579

Return to top