Tình hình thế giới ngày càng bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa Phát Xít. Ý, Đức, Nhật mở rộng những cuộc xâm lăng hoành hành ở khắp Âu Á. Nhật bản muốn gia tăng vị thế của mình ngang nhiên tuyên bố một trật tự mới bộc lộ tham vọng làm bá chủ Thái Bình Dương. Từ năm 1940-1941 Nhật chi phối tinh hình Đông Dương từ sự nhu nhược của chính quyền Vichy. Mỹ phong toả tất cả tài sản của Nhật. Ngày 7 tháng 12, Nhật bỏ bom Trân Châu Cảng, tấn công đột kích Hawaii, Midway, Guam.
Ngày 8 tháng 12, quốc hội Mỹ tuyên chiến với Nhật. Ba ngày sau Đức và Ý tuyên chiến với Mỹ.
Ngày 9 tháng 12, tổng thống Roosevelt chuyển thông điệp chiến tranh tới nhân dân Mỹ:
”… Powerful and resourceful gangsters have banded together to make war upon the whole human race. Their challenge has now flung at the United States of America… The congress and the people of the United States have accepted that challenge… The true goal we seek is far above and beyond the ugly field of battle. When we resort to force, as now we must, we are determined that this force should be directed towards ultimate good as well as against immediate evil. We, Americans are not destroyers – we are builders.” [ 1 ] (Bọn găngxtơ hùng mạnh và đầy thủ đoạn đang cấu kết toa rập để gây chiến với toàn thể nhân loại. Giờ thì sự thách thức của chúng đang nhắm vào Hoa Kỳ. Quốc hội và nhân dân Hoa Kỳ đã chấp nhận sự thách thức đó… Mục tiêu đích thực mà chúng ta tìm kiếm vượt xa nằm ngoài chiến trường xấu xa. Khi chúng ta phải chọn dùng vũ lực như phải làm lúc này chúng ta đã xác quyết rằng sức mạnh này phải được hướng đến điều tốt lành tối ưu cũng như để chống lại tội ác trắng trợn. Chúng ta, những người Mỹ không phải là những kẻ huỷ diệt – chúng ta là những người kiến thiết.)
Vào một buổi chiều trên đường thanh tra về Hưng nghe tin chiến tranh thế giới đã lan rộng. Tất cả các hoạt động bị ngưng trệ. Hưng không còn nhận được tin của người thân bên nhà. Chẳng bao lâu quân đội Mỹ đổ bộ lên các hòn đảo xứ này. Hầu hết các đồn điền trở thành trại binh. Mọi người tất bật làm ăn. Lính Mỹ hoàn toàn làm náo động đời sống lặng lẽ nơi đây. Các dịch vụ phục vụ lính Mỹ được bung ra: nhà trọ, rượu thịt, quán ba (bar)… Đời sống người công nhân do đó cũng có biến đổi. Tàu bè không đi lại được nên nếu ai đã hết hợp đồng với chủ sẽ được ra làm ăn tự do bên ngoài. Người công nhân Việt Nam với hai bàn tay trắng vẫn có cách khai thác đôla của lính Mỹ.
Lão Lúa ở gần nhà Mơ đã làm cho mọi người sửng sốt vì cách kiếm tiền quá dễ dàng. Sáng đi chiều về Mơ thấy hai bắp chân lão bó đầy đôla. Những đồng bạc lẻ thu về từ những vật bán được mà lão gọi là xu-vơ-nia (souvenirs). Những món quà kỷ niệm gồm khăn quàng đầu hay quấn quanh cổ, lão cắt ra từ những miếng vải trơn láng. Bàn tay tài hoa chỉ phác hoạ vài nét đơn sơ phong cảnh đặc trưng của xứ này. Vài hòn đảo, mấy cây dừa, cảnh biển khơi… Thế là đã có những món quà đầy gợi cảm gởi trọn tình thương về cho mẹ, cho chị, cho vợ, cho em… Lính Mỹ mua ào ào… Lão đã mau lẹ khai thác được tình cảm nhớ nhà của những người lính phải đi đánh trận xa. Cái thứ tình cảm này lão đã thấm thía, quá quen với nó hàng bao năm nay bởi vì lão cũng là người lang thang nơi đất khách quê người. Lão làm cả những xâu chuỗi kết bằng những con ốc lấy ngoài bờ biển về. Có khi làm không kịp lão nhờ Mơ phụ với và hứa sẽ trả tiền công cho Mơ. Thế là khi nào rảnh Mơ nhận ốc đã được ngâm rửa sạch về làm cho lão.
Cuộc sống mọi người đều khấm khá lên. Phụ nữ Việt nam khi được ra líp ( libre- tự do) cũng kiếm bộn tiền. Những bộ đồ lính được họ nhận về nhúng vào nước đạp nhồi vài cái, treo lên phơi khô, là ủi thẳng, hoặc đẩy cái xe nho nhỏ bán kẹo cao su thuốc lá, sô-cô-la cũng có đôla rủng rỉnh rồi!. Hầu như mọi người đều hứng khởi mặc dù lâu lâu vẫn giật mình vì những tiếng nổ giao tranh giữa quân đội Mỹ và Nhật từ đảo Solomon ở gần đó vọng về.
Mùa thu năm 1944, lực lượng Anh và Mỹ với sự yểm trợ của không quân bất ngờ đổ bộ xuống bờ biển Normandy. Sau đó Đồng minh bắt đầu bung ra ồ ạt tràn vào nước Pháp. Ngày 25 tháng 8 năm 1944, Paris được giải phóng, quân đồng minh tiếp tục vượt qua sông Rhine trở ngại cuối cùng để tiến thẳng vào nước Đức tuy gặp sự kháng cự quyết liệt nhưng rồi phát xít Đức đã đầu hàng vào ngày 8 tháng 5 năm 1945 sau khi lực lượng của họ ở phía tây đã bị xiết chặt vòng vây.
Trong lúc đó chiến tranh ở Thái Bình Dương tuy đạt nhiều thắng lợi vang dội như chiến thắng biển San hô (Coral sea), biển Phi luật Tân (Philippine Sea) nhưng theo sự ước đoán của các chuyên gia chiến tranh sẽ phải kéo dài thêm vài năm nữa nếu Mỹ không có phản ứng quyết liệt nào đó. Tổng thống Truman vội vã triệu tập các cố vấn của ông.
Từ ngày 6 tới ngày 9 tháng 8 năm 1945, hai quả bom nguyên tử bất ngờ được thả xuống Hiroshima và Nagasaki. Một trăm ngàn người chết ngay lập tức. Nhật đầu hàng vô điều kiện. Chiến tranh kết thúc đột ngột mau lẹ.
Biến động thế giới mau chóng ảnh hưởng đến nội tình Việt Nam. Việt minh cướp lấy thời cơ, diệt Phát xít Nhật và tìm cách thuyết phục Bảo Đại thoái vị trao quyền lại cho họ, một sự kiện làm tăng thêm tính hợp pháp chánh đáng của lãnh tụ Hồ Chí Minh trong con mắt người dân Việt Nam. Bù lại Bảo Đại sẽ là cố vấn tối cao của chính phủ mới. Những ngày cuối tháng 8 năm 1945, thành phố Huế trầm lặng mộng mơ bỗng bừng bừng khí thế cách mạng. Bốn giờ chiều ngày 30-8 xe của Phái Đoàn Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời từ Hà nội tiến thẳng vào cửa Ngọ Môn. Bảo Đại khăn vàng, áo vàng, quần trắng, giày dừa thêu rồng ra nghênh tiếp.
Trong nỗi xúc động đến nghẹn lời, Hoàng đế Bảo Đại khó khăn lắm mới kết thúc Chiếu Thoái Vị. Trên kỳ đài cờ vàng của Hoàng Tộc từ từ hạ xuống, cờ đỏ sao vàng được kéo lên tung bay trong tiếng súng lệnh chào quốc kỳ mới, quốc ấn quốc kiếm vàng nạm ngọc biểu tượng của một thời quyền quý cao sang được vua Bảo Đại trịnh trọng nâng lên trao lại cho trưởng đoàn cách mạng Đại biểu Chính phủ. Thành phố Huế như bừng tỉnh rợp bóng cờ hồng và tiếng tung hô vang dậy:”Việt Nam độc lập muôn năm! Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà muôn năm!”.
Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại quảng trường Ba Đình Hà Nội, Hồ Chủ Tịch thay mặt Chính Phủ Lâm Thời đọc Tuyên Ngôn Độc Lập.
Chẳng bao lâu sau Pháp quay lại Việt nam. Ngày 19 tháng 12 năm 1946, hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ Tịch, toàn quốc bước vào giai đoạn mới khẩn trương tiếp tục cuộc kháng chiến chống Pháp. Đây cũng là lúc Cựu Hoàng Bảo Đại nhận ra rằng người cộng sản không hề muốn chia sẻ quyền lực với ông. Lại thêm ý muốn xâm chiếm Việt Nam trở lại bằng võ lực của thực dân Pháp cùng với sự va chạm xung đột giữa các đảng phái trong nước, Bảo Đại thất vọng quyết định ra đi sống lưu vong ở Hồng kông và Trung Quốc
Khi chiến tranh kết thúc, một hôm Hưng nhận được cùng một lúc những lá thư đẫm đầy nước mắt của người chị dâu báo tin anh cả và hai em trai đã mất. Nhìn dấu bưu điện Hưng biết thư viết đã lâu lắm rồi! Thư đến tay Hưng quá trễ!
Xúc động vì những hung tin sau một thời gian bặt vô âm tín về người nhà, Hưng không còn làm chủ được mình nữa. Hưng rơi vào một trạng thái khủng hoảng. Mất ngủ mấy đêm liền. Hưng không sao chợp mắt được cứ nghe văng vẳng bên tai tiếng đàn bầu ngày xưa khi ở quê nhà người anh cả thường gẩy lúc thư nhàn hoặc tiếng người thì thầm bên tai nói cười khúc khích. Đến khi chịu không nổi nữa Hưng bắt đầu ném vỡ tất cả những gì Hưng thấy trong căn phòng hầu muốn lấp đi những âm thanh bí ẩn cứ nghe văng vẳng bên tai. Thấy thái độ kỳ lạ buồn khổ của chồng Mơ chỉ biết im lặng nhưng luôn dòm chừng để ý nên khi nghe tiếng va chạm đổ vỡ Mơ ở phía sau nhà chạy lên ngay, cùng lúc đó cô bạn hàng xóm Helen có bạn trai là lính Mỹ đang đóng quân ở gần cũng chạy qua, cô ta nhấc điện thoại gọi xe cấp cứu… Nhân viên y tế tới mang theo tấm mền tẩm thuốc mê trùm lên người Hưng. Hình ảnh cuối cùng Hưng còn nhớ được trước khi mê hẳn là khuôn mặt đau khổ sững sờ của Mơ nhạt nhoà bên khung cửa sổ…
Hưng được đưa vào bệnh viện tâm thần nơi các lính Mỹ đang điều trị. Là người châu á, trong khi tất cả người Nhật trên đảo đang bị phân biệt đối xử, bị lùa vào giam tại các nhà tù, số phận của Hưng thật may mắn!
Mê man trong suốt mấy ngày trời, khi tỉnh dậy bác sĩ khuyên Hưng nên nghỉ ngơi một thời gian để tránh sự căng thẳng có nguy cơ làm bệnh thêm nặng. Hưng được nghỉ một năm mà vẫn có lương. Được đi nghỉ dưỡng tại Nouvelles Caledonie nơi có khí hậu mát mẻ.
Mơ còn lo một số việc và phải đợi có giấy phép hợp pháp mới đi được đành qua sau để chồng đi trước.
Hưng cư trú tại Noumea, thủ đô của xứ này. Noumea khí hậu mát mẻ khiến Hưng lành bệnh chỉ trong vòng một tháng và quyết định đi làm thêm dù cho có chế độ nghỉ dưỡng. Noumea là một hải cảng lớn thơ mộng. Những dãy núi chập chùng chạy suốt từ tây bắc đến đông nam cung cấp những nguồn tài nguyên khổng lồ. Các khoáng sản như Nickel, Chrome, nông sản như dừa, càphê. Những bãi biển dài nước trong xanh đầy hải sâm và ốc biển. Nơi đây có lò dã kim (Hauts fourneaux) của hãng Le Nickel dùng cả công nhân Việt và Java làm theo ca mỗi ca tám tiếng.
Đất đai phì nhiêu, khí hậu lý tưởng nhưng tất cả những nhu yếu phẩm đều phải nhập từ Pháp và Úc Đại Lợi. Chính sách độc quyền của tư bản thực dân nhằm khống chế dân xứ này phục tùng mọi mệnh lệnh của chúng. Ai lăm le muốn tạo những cơ ngơi để sản xuất lương thực như trồng lúa mì, xây xưởng xay bột hay mơ đến những cánh đồng khoai tây bạt ngàn trên mảnh đất phì nhiêu này thì sẽ phải thất vọng ngay!
Người ta chờ cho mùa thu hoa lợi bắt đầu, sẽ nhập những mặt hàng lương thực chủ yếu ấy rồi tung ra thị trường với giá rẻ mạt. Hàng hoá làm ngay tại đây sẽ không bán được cho ai, sẽ hư hỏng vì thiếu phương tiện bảo quản. Những xưởng xay bột sẽ bị đốt cháy. Những cánh đồng lúa mì mặc sức cho đàn gia súc ăn. Thế lực tư bản thực dân sẵn sàng diệt mọi cạnh tranh hoặc chống đối họ. Khi không còn bị đe doạ bởi cạnh tranh, chỉ cần gởi bức điện sang Sydney, một tuần lễ sau sẽ có đủ mặt hàng cần thiết và họ chỉ cần ấn định mức lời 30%, một mức lời chắc chắn, không thể nào lỗ. Dễ dàng biết bao! Không cần tính toán chi cho mệt óc. Không cần khổ công điều đình thương lượng với ai. Các hãng khai thác khoáng sản, các hãng buôn lớn và Ngân Hàng Đông Dương họp thành một liên doanh “Trust”, thao túng đời sống chính trị kinh tế xã hội văn hoá xứ này. Người bản xứ còn vậy huống chi là công nhân Việt Nam.
Khi đã hoàn toàn khỏi bệnh Hưng không trở về Nouvelles Hebrides mà quyết định ở lại xứ này làm việc và tìm cách để cho Mơ qua định cư luôn ở đây chứ không phải đi với tư cách thăm chồng nữa. Đây cũng là lúc Hưng cảm thấy một ngọn lửa phẫn uất đang từ từ dâng lên… Hình như chỉ cần một làn gió lướt qua là bùng cháy.
Làn gió ấy cuối cùng đã được các đảng viên cộng sản chỉ huy từ Pháp thổi bùng lên lan rộng toàn khắp đưa đến những cuộc đình công toàn diện của công nhân. Quay cuồng trong cơn lốc, đôi khi Hưng không biết mình là người bị cuốn theo chiều gió hay đang đi ngược chiều?
Những cuộc thương lượng bắt đầu. Làm việc cho Toàn Quyền Pháp, Hưng đã chứng kiến sức mạnh của binh lực được huy động sẵn sàng cho những cuộc thương lượng bị đổ vỡ.
Một lần đến nơi xuất phát cuộc “nổi loạn”, Hưng thấy mình thật đơn độc. Hưng là người Việt duy nhất phải dấn thân vào nơi nguy hiểm. Phải bỏ lại người Pháp ở ngoài xa, Hưng hồi hộp khi trực tiếp thương lượng với đồng hương ở tư thế đối lập. Khi chỉ thấy Hưng vào trại và tự giới thiệu, mọi ánh mắt lo sợ mau chóng biến mất chỉ còn lại sự vui mừng khôn xiết. Những yêu cầu xác đáng được đưa ra để thương lượng mong giải quyết sớm để còn trở lại làm việc. Chẳng ai muốn đổ máu! Mọi người đều muốn đấu tranh cho quyền lợi của mình. Một bên dùng binh lực để thị uy một bên chỉ đình công để đòi hỏi thêm cho khỏi bị thiệt thòi. Hưng lắng nghe, góp ý, hướng dẫn. Phẫn nộ dần dần lắng xuống…
Người đại diện cho công nhân nói:
_ Hân hạnh được biết ông. Tôi nghe tên ông đã lâu nhưng nay mới biết mặt. Nghe nói cuộc thương lượng ở mỏ Nickel Thio bị đổ vỡ và có đổ máu phải không?
_ Quân đội bắn chết một công nhân, anh em được đưa sang Mouville, một hòn đảo nhỏ gần đó nhưng bây giờ thương lượng xong anh em cũng trở lại làm việc.
Người công nhân tâm sự:
_ Tôi có người bạn ở Nouvelles Hebrides, do đó tôi biết ông trước khi biết mặt. Ông có thể ở lại đến sáng mai không?
Hưng hỏi lại:
_ Có chuyện gì gấp à?
Người trưởng đoàn công nhân nói:
_ Không! Tôi muốn ông ở lại một đêm để anh em tâm sự vậy thôi!
Hưng dặn dò:
_ Bây giờ tôi mời phái đoàn vào, các anh cứ trình bày như đã thương lượng trước với tôi. Tôi cũng muốn ở lại tìm hiểu sâu hơn ước vọng của mọi người nhưng phải về gấp vì còn nghiên cứu và soạn thảo một quy chế cho các công nhân.
Người công nhân e dè hỏi:
_ Tôi muốn nêu một vấn đề nằm ngoài cuộc thương lượng được không?
Hưng gật đầu:
_ Xin ông cứ trình bày!
Người công nhân nói:
_ Trước đây có quy chế tự do cư trú (résidence libre) tức là không bị ràng buộc bởi hợp đồng cũ và muốn làm với ai hay kinh doanh tuỳ ý. Thế nhưng người ở khu hành chánh nào phải sinh sống ở khu hành chánh đó không được ra ngoài địa phận mình cư trú. Nay có anh em bị toà án Thio xử phạt về tội đã thay đổi địa hạt mà không có giấy phép. Bây giờ theo ông thì phải làm sao?
Hưng góp ý:
_ Vậy thì hội các công nhân Việt Kiều nên chống án. Tôi sẽ soạn thảo một văn thư, gởi luật sư yêu cầu toà án từ chối áp dụng quy chế chia Tân Caledonie thành nhiều khu vực cư trú bắt buộc cho Việt Kiều.
Người công nhân mừng rỡ hỏi:
_ Có hy vọng không ông?
_ Theo tôi là khả thi vì nó trái với hiến pháp mới của Liên Hiệp Pháp về quyền bình đẳng giữa các công dân của Liên Hiệp.
Người công nhân lộ vẻ ưu tư:
_ Đối với anh em công nhân chúng tôi họ có dùng pháp luật không hay dùng vũ lực để nói chuyện? Dù sao tôi rất hy vọng ở ông.
_ Không phải lúc nào bọn tư bản con buôn cũng làm áp lực được với chính quyền. Tôi đang hợp tác với phụ thẩm của toà Thượng Thẩm Noumea bây giờ là một đảng viên cộng sản Pháp. Với thái độ cứng rắn của ông, ông có thể đe doạ đưa vấn đề này về Paris, ông đã giúp đỡ tôi nhiều lần.
Người công nhân quên cả e dè nắm lấy tay Hưng lắc mạnh:
_ Trời ơi! Cám ơn đồng chí rất nhiều!
Hưng cải chính:
_ Tôi không phải là đảng viên cộng sản đâu!
_ Người nào giúp chúng tôi, ủng hộ chúng tôi đều là đồng chí cả!
Khi phái đoàn được công nhân mời vào trong thì mọi việc được giải quyết ổn thoả trước khi trời tối. Trên đường về Hưng lạnh cả người khi nhìn thấy các tàu chiến nhỏ đã được đưa đến để thị uy phòng cuộc thương lượng thất bại hay trở nên gay cấn vượt tầm kiểm soát. Hưng nhớ lại ánh mắt thân thiện tràn đầy nhiệt huyết, bàn tay cứng cáp của người lãnh đạo công nhân, lòng Hưng ấm lại thở ra một hơi nhẹ nhõm. Không hiểu sao cuộc tiếp xúc với các công nhân lại làm Hưng nghĩ đến cuộc kháng chiến gian khổ bấp bênh bên nhà, mong sao nó sớm kết thúc tốt đẹp. Hôm qua Hưng vừa nhìn thấy hình ảnh lãnh tụ Việt minh, chủ tịch Hồ Chí Minh thoáng qua trong một thước phim tài liệu của Pháp. Được biết trước khi thoái vị năm 1945, trong một cuộc họp nội các do vua Bảo Đại chủ toạ, có bàn cãi về một thông điệp kêu gọi Đồng Minh giúp đỡ bảo vệ nền độc lập nước nhà từ tay người Nhật. Bây giờ lại nghe phong phanh ông Hồ có gởi thư cho Truman và Stalin với cùng ý muốn như vậy chỉ khác là từ tay người Pháp mà thôi!
Thế giới có nhiều biến cố quan trọng nhưng đối với Hưng ngày đoàn tụ cùng Mơ ở Nouméa mới là điều đáng nhớ nhất.
Xa nhau mấy tháng trời nên ngày con tàu chở Mơ cập bến Nouméa, Hưng ra đón từ sáng sớm, đi đi lại lại trên cây cầu dài hàng trăm thước, đi hoài vẫn không thấy mỏi chân. Khi thấy những chiếc xuồng nhỏ đột nhiên chạy túa ra khơi chạy vòng vòng quanh con tàu lớn đang từ từ hiện rõ trong tầm mắt, như những vệ tinh, sẵn sàng tiếp nhận hành khách đưa vào bờ, không dằn được sự hồi hộp chờ đợi thay vì đứng trên bờ vẫy tay như mọi người Hưng mừng quá chạy ngay tới đầu cầu bước xuống những nấc thang xắn quần lội nước ngập hơn đầu gối căng mắt tìm hình bóng người vợ quá đỗi nhớ mong.
Khi thấy Mơ được xuồng đưa vào, Hưng giang rộng hai tay nhấc bổng vợ ra khỏi xuồng rồi cứ thế bế Mơ lên đến cầu quay tít vợ mấy vòng trước khi đặt xuống đất để tiếp nhận hành lý.