Giang hai tay, áo saut trông rộng thùng thình che hết nửa người khép tay lại, Minh nhảy nhảy, chai rượu trong túi chuyển động lục cục… Cái áo rộng thế này hèn gì hồi xưa lính Tây không bắt gà cũng uổng. Minh nhét cây súng vào thắt lưng, đi xuống bếp lấy hai mươi chiếc nem lá bỏ vào túi dưới của chiếc áo còn rộng chỗ. Kiếm cái gì nữa bây giờ. Minh cắt một khoanh giò thật lớn gói vào túi nylon, mình như một ụ thức ăn di động. Ra khỏi nhà Minh hướng về phía khách sạn, lạnh, hai tay đút vào túi áo, lạnh không kém gì Đà Lạt. Tết này như vậy là mình đi lính được sáu năm. Minh nhớ đến Tết đầu tiên ở trường, doanh trại vắng hoe, các khoá đàn anh đi phép, nắng đầu xuân vàng rực gây gây lạnh. Minh vừa được gắn alfa, đầu húi cao trắng xoá, mặt loang lổ từng mảnh da bị tróc vì rám nắng… Những người cùng phòng đi vắng, Minh trùm chăn ngủ bù sau hai tháng tân khoá sinh, chiếc máy do sinh viên khoá đàn anh cho mượn chạy hoài bản nhạc độc nhất… "Greenfield… You never know what make you run away… How can I keep searching when the cloud hide the day…" bài hát của một người bị tình phụ, thê thiết khắc khoải vang vang trong căn phòng lạnh vắng. Minh chưa có một mối tình nào, Minh chỉ có một cuộc đời mới khởi đầu, nhưng Minh linh cảm được có một điều gì bất toàn, ngón tay dò kẽ nứt đầu tiên bắt đầu có dạng trên mặt da trắng bóng trơn láng. Dĩa hát chạy hết được đặt lại…” home… to the greenfield that we are once again…” Home, nhà, chốn hạnh phúc của những người yêu dấu, nhà, chốn Minh vừa xa rời chắc lâu lắm mới có ngày trở lại… Khóc, giọt nước mắt vô tình nào đã làm ướt mắt gã trai mười tám tuổi, Minh đứng dậy nhìn qua cửa kính, khu sân cỏ trước doanh trại lác đác vài người, trời đột nhiên âm u, phía rừng ùn ùn sương phủ, Minh khóc cho một duyên cớ vô hình…
Thối thật, Minh đá một cái vào khoảng không gian trống. Tiên sư, tự nhiên lại khóc… Minh nhìn quanh xem thử có người nào trông thấy, ừ lúc đó mình con nít thật, Minh rút ra một cái nem, lột lá, bỏ tọt vào mồm, kéo chai rượu Johny Walker. Nhãn đó là sang rồi đòi gì nữa… Minh đứng dưới cột đèn, rót rượu ra nắp nhôm… Ực, không đá uống cũng được, trời lạnh rượu thêm ngon. Minh rót thêm một lần nữa… Có bóng người đi qua mặt, khẽ liếc Minh.
"Uống không?"
Người kia lắc đầu, bước chân tránh đi xa xa…
"Không thì thôi, sĩ quan Nhảy dù mới nhận chức… à". Minh bỏ chai rượu trong túi, bước đi thật vui vẻ và nhanh nhẹn, Minh chợt nghe một thoáng u buồn phiền muộn nào nằm sẵn trong tim.
Cửa phòng Lạc hé mở sau tiếng gõ cửa đầu tiên. Minh cho chai rượu vào trước lắc mấy cái. Có tiếng hét lớn: "Vô đây! Vô đây! Tôi chưa đợi ai bằng đợi ông tối nay”. Lạc chạy ào ra cửa, cuống quít kéo Minh vào.
"Thủng thẳng bể bố chai rượu ra bây giờ…"
"Tiên sư, ngồi đợi ông muốn dài cả cổ, tôi mua mấy chai bia uống tạm, đêm giao thừa lạnh như cắt, ngồi uống bia một mình chi bằng uống thuốc độc chết sướng hơn”.
"Thôi đừng than van nữa ông già, chị với hai con đâu?”
"Phòng bên cạnh, tội nghiệp Tết nhất lại phải mò đi xa kiếm chồng, chồng lại cỡ tôi nữa thật là xứng đáng tuyên dương công trạng, mươi tám năm lấy chồng chỉ được thấy mặt chồng năm cái Tết, tiên sư đúng là bà ấy trúng số độc đắc hạng bét… Thôi mở rượu, ấy, sao ai uống trước rồi, ông thổi ở đâu?”
"Đừng nói bậy, tôi xin ông già tôi đấy, đi dọc đường tôi nhậu trước hai nắp”.
"À, vậy thì được, lần sau bảo ông già cho chai tốt hơn cỡ Courvoisier Martell…"
"Ừ, cái này phải nói qua bà già vì ông già về ở với Chúa rồi…"
"C… ông lúc này lại nhiễm tính ông Thuấn rồi…"
"Tính tốt thì phải học, học thầy không tày học bạn, ông Thuấn là bạn tốt, không học cũng phí. Bà chị tôi mới thấy Thuấn xạo mê ngay…"
"Vậy khỏi giữ, sợ chị ruột ông thì không được… Từ trước đến nay tôi vẫn nghĩ bà nào điên mới mê ông Thuấn, nhớ vụ ở Dakto có con đĩ nhất định theo nó về Sài Gòn, vui thật, nghe ông Thuấn ba hoa một hồi thế là con bé nghệt mặt ra… Tiên sư, mình nghe nó láo đến sốt cả ruột, thế mà vẫn có kẻ tin đến ngẩn người”.
"Ừ, cũng như mấy thằng nhà báo, toàn là những tay nói dóc thượng thặng thế mà khi nghe ông Thuấn nói chuyện tượng đồng ngồi ở nghĩa trang hoá thành ma đón xe xin quá giang, xin thuốc lá, một tụi ngồi đực mặt ra ghi chép phỏng vấn. ĐM… Tôi ngồi bên cạnh cười đến vãi đái… Ông thấy cảnh ông Thuấn diễn tả cảnh thằng tượng đồng đối thoại với ông ấy chắc ông cười đến chết, thế mà không hiểu sao mấy cha nhà báo tin được, cứ một điều Đại uý ghi rõ cảnh bức tượng đón xe… Đại uý cho biết cảm giác khi nghe bức tượng nói… Hà… hà… Ông có nghĩ cảnh ông Thuấn phịa không? Ông ta nói như thế này: Bức tượng đó tạc theo mẫu của hạ sĩ Côn đại đội tôi, nên khi nghe tiếng nói Quảng Trị của nó tôi lạnh người, tôi hỏi "Có phải em là Côn không?". "Dạ thưa Đại uý, em là Côn đây, thấy Đại uý lái xe qua nên em đón xe thăm Đại uý…”.
"ĐM… Láo thế là nhất rồi. Thuấn ơi là Thuấn ơi, vong linh ông ở đâu về uống với tôi chén rượu…” Lạc hớp ly rượu cười rung cả người… “Ấy thế mà ông Thuấn lại nói với tôi khác…"
"Khác làm sao?"
"Khác là thằng tượng đồng ngồi trên bệ đá tay ngoắt ngoắt. ĐM… cả sếp mình là Đại tá Lữ đoàn trưởng cũng tin luôn".
"Rồi bây giờ đi qua chỗ bức tượng ông ấy có chào không?"
"Có, thì hôm đó ông Thuấn lái xe, sếp ngồi một bên, tôi ngồi sau, gần đến chỗ bức tượng là ông bắt đầu gỡ mũ, tháo kính, lái chậm và chào thật nghiêm… Bây giờ mới biết Thuấn xạo…"
"Cái trò chào bức tượng cả Sư đoàn này đều bị lây ông Thuấn hết đấy”.
"Thuấn xạo thực, nhất ông ấy rồi…"
"Uống tiếp, chuyện Thuấn xạo biết đến bao giờ cho hết, uổng thật tối hôm nay nếu có ông Thuấn sẽ vui biết mấy, cũng như hôm ở Bồng Sơn ông Trung tá Khoa, chiến đoàn 3 sắp sửa lên trực thăng cũng phải nán lại để nghe ông Thuấn luận về gà Bình Định và vợ Quảng Ngãi. Tôi không hiểu thằng cha ấy nhặt những chuyện khỉ gió kia ở đâu, chuyện gì hắn cũng luận đều đều dài dài… Thiên hạ lần đầu tiên nghe Thuấn nói cứ tưởng thằng cha thông kim bác cổ…"
"Thì cũng phải có tài chứ, tài dựng chuyện và tưởng tượng rồi ráp những sự kiện rời rạc nhưng có thực xung quanh một cái trục bịa đặt, thế là thiên hạ tin như chết. Không kể người lạ, ngay cả ông với tôi khi nghe ông Thuấn nếu không được báo trước cũng vẫn tin, như hôm ông ấy ngồi phịa chuyện tướng ông Diệm và bà Nhu, cả bộ chỉ huy Tiên tri nghệt mặt ra nghe xong cứ chặc lưỡi khen ông Thuấn giỏi cho đến khi nó bị ông Ba phó vặn lại, cả làng mới biết bị xạo…"
"Chuyện thế nào?" Minh nhai một miếng nem, chất thịt vừa chín được ngấm thêm men rượu nồng tan trong cổ, nhắm mắt lại, một chút nước mắt ướt rèm mi… Rượu uống sao ngon nhưng mạnh quá, lúc đi ngoài trời lạnh uống thấy ngon hơn ở trong phòng.
"Uống đi, để tôi kể chuyện ông Thuấn luận ông Diệm. Ông ấy bảo: ông Diệm là tướng đại quý vì ông ấy thuộc loại ngũ đoản bát đại, cho nên mới bị cái chết bất đắc kỳ tử, nửa đường đi toong… Ôi chao, ông ta dẫn chứng cả cổ kim để làm bằng cớ, nào là ông Chu Văn An là tướng hầu, ông Án anh Án em gì đó ở bên Tàu… rồi ông ta luận luôn chuyện ông Nguyễn Khánh… ĐM… nói sướng cái miệng nhưng ông ta kể vung vít quá mới bị ông phó kê, hắn ta cứng họng nên mới thú nhận đang nói xạo…”
"Vậy là mấy ông thua rồi, tôi chỉ bị một lần là biết ngay…" Minh hớp thêm ngụm rượu. "Sao đắng quá, tôi phải đi kiếm cục nước đá”.
"Để tôi”.
"Đâu được, tôi sẵn áo quần tiện hơn ông. Minh đứng dậy bước ra khỏi phòng. Đợi tôi năm phút thôi…”
Lạc gật đầu, nhìn thẳng vào chai rượu màu vàng lóng lánh ánh đèn, Lạc cười nhẹ, đưa tay lên sờ cằm, những chiếc râu ngắn nhám nhám ở tay, Lạc liếc về phía cửa phòng vợ, có tiếng thở dài rất nhẹ, Lạc lắc đầu.
Thuấn dặn tên lính thân tín:
"Tao đi chơi loanh quanh đây, có gì mày chạy đi gọi”.
"Dạ". Binh nhất Thiên nhỏ nhẹ trả lời.
Ra khỏi chỗ đóng quân, bước lên mặt đường, đường số 1 đêm ba mươi Tết vắng lặng như một thỏi đá màu đen đắm chìm trong sóng trắng đục.
"9 giờ, còn ba tiếng nữa giao thừa", Thuấn cho tay vào trong túi áo, bước theo bề ngang của con đường…
Một hai ba, hai mươi bốn bước, xương sống mẹ Việt Nam rộng hai mươi bốn bước, đi ra phía này là tới Hà Nội, đi vô phía này tới Sài Gòn. Thuấn xoay mặt về hướng Nam, xung quanh sương trắng lớp lớp. Những ánh đèn le lói hai bên đường trông ốm yếu như sắp tắt.
Mình đâu có nghĩ cảnh giao thừa đứng trên quốc lộ như thế này… Buồn thật… Làm cái gì bây giờ… Điên à? Ông nói với ai hở ông? Thuấn ép tay vào người cúi đầu đi về phía Nam.
"Ai đó? Đứng lại”.
"Lính Nhảy dù đi du xuân”.
"Đi mô tối rứa?”
"Giao thừa đi chơi”. Trong bóng tối xám đặc lập lòe ánh lửa, Thuấn biết mình đã gần tới cầu, sương dày quá không thấy được thành cầu, dòng sông ở dưới xa chìm hẳn trong khói sương lạnh giá. Thuấn bước tới, đốt điếu thuốc.
"Có dây kẽm gai không?"
"Có, ép về phía trái… Coi chừng, thôi để tui mở cho mà đi”.
Thuấn đứng lại, lạnh quá, gió dưới sông thổi lên mang theo hơi nước ẩm ướt, sợi dây kẽm chắn ngang lối đi, ánh đèn bấm di dần về phía Thuấn. "A, Đại uý đi mô mà khuya khoắt ri? Mới chín giờ đã đi du xuân…” Thuấn tự nhiên thấy lòng vui vẻ. Người lính gặp hồi sáng không giấu vẻ mừng rỡ trong khi luống cuống mở dây kẽm gai.
"Đại uý thiệt là lạ, trời lạnh như cắt mà lại đi chơi, mà chơi chi ở đây… Tôi đứng chờ giờ đổi gác để chui vào mền làm một giấc đã… Bây giờ Đại uý định đi đâu?”
"Chẳng biết… Đi mỗi vòng rồi về, lạnh quá hả?" Thuấn chìa cho người lính điếu thuốc. “Trời lạnh hút thuốc ngon thiệt”, người lính xuýt xoa. Thuấn nhớ điếu thuốc đầu đời, một góc rừng Đà Lạt lạnh buốt, trời tối đen Thuấn với tên bạn cùng phiên gác chia nhau điếu thuốc có mùi bạc hà. Khu rừng đen thẫm trống trải, điếu thuốc lòe lên thấy rõ đường chỉ tay hồng.
"Thuốc này là thuốc gì?"
"Oakland menthe, một bao hai chục đồng”.
"Mày hút một ngày mấy gói?"
"Hai, tao người Đà Lạt mà mày, ở đây không có thuốc chịu không nổi, tao hút Bastos nhưng mấy hôm nay ho nên xài tạm thứ này".
"Bastos là thuốc lá đen”.
"Ừ", tên bạn trầm giọng nghiêm trọng.
Thuấn cảm thấy thua sút, hít một hơi thật mạnh, khói bay đầy mồm muốn sặc…
"Thuốc này nhẹ quá", Thuấn phê bình ra vẻ thành thạo.
"Nhẹ đối với tao, nhưng mày mới tập hút nên hút nó".
Thuấn muốn cãi lại, thấy khó khăn, trong bóng đêm Thuấn có cảm giác như thằng bạn đang đưa mắt nhìn bàn tay vụng về của mình cầm điếu thuốc. Ngày hôm sau Thuấn bắt đầu hút thuốc, thuốc Mélia vàng… Vậy là bảy năm rồi, mau thật, mình chỉ có nước giỏi bắt chước. Thuấn tì tay vào thành cầu, thanh sắt đẫm sương lạnh cóng. Mặt sông dưới xa lóng lánh theo ánh đèn dưới chân cầu toả ra một ánh sáng vàng rực xôn xao, người lính đi đến gần Thuấn, gót giày nhà binh gõ từng tiếng động lạnh buốt trên sàn cầu. Chiếc bóng lầm lì nín lặng.
"Ông gác đến mấy giờ?”
"Dạ mười một giờ".
"Có buồn không?"
Người lính không trả lời, cười tiếng nhỏ, đốm lửa từ điếu thuốc và đèn ở thành cầu chiếu rõ một chiếc cằm lởm chởm râu…
"Hết gác về cạo râu ăn Tết nghe ông…”
"Dạ, mà tui không có dao cạo, già rồi làm đẹp chi nữa Đại uý?”
Già, Thuấn chợt hỏi, mình đã già chưa nhỉ? Thuấn miết cái cằm lên mu bàn tay, những sợi râu cứng, ngắn, chuyển động gây nên một cảm giác thú vị… "Ấy, nhột em!" Quỳnh Như ưỡn người lên vùng vẫy dưới nụ hôn trên phần ngực. Thuấn luồn tay dưới nách Quỳnh Như kéo hai vai nàng xuống, chiếc cằm miết nhẹ từ cổ theo luống thủng giữa đôi vú… Tiếng thở ngắt khoảng mê đắm, có giọng cười nhỏ dưới nụ hôn. Thuấn đứng thẳng người, nhìn mãi xuống dòng sông bốc khói tưởng như thấy rõ được chiếc bóng mình nở rộng theo cùng mênh mang của lớp sương mù. "Quỳnh Như", Thuấn gọi một tiếng nhỏ, đột nhiên nỗi nhớ thương như quả đạn bùng nổ trong cơ thể… Tại sao mình rung động? Tại sao mình đứng ngồi phiền muộn, sao hơi thuốc hít vào miệng nặng nề hiu hắt, trong giá rét trống vắng của một đêm trừ tịch trên quốc lộ tối đen, Thuấn thấy nỗi thê lương có hình khối nặng nề hơn bóng đêm, lạnh lẽo hơn gió chạy xôn xao trên mặt sông, luồn qua khối sương mù xoay chuyển ánh đèn vàng giá lạnh.
"Anh có xe gì không?"
"Dạ, tui có cái xe gắn máy".
"Lát nữa hết gác anh về đâu?”
"Nhà tui ở dưới trường học, tui về đó…”
"Anh cho tôi mượn cái xe, mười một giờ trả lại, nếu không kịp thì tôi mang đến nhà trả cho anh".
"Đại uý định đi mô?”
"Đi dọc dọc theo đây… Tự nhiên tôi muốn chạy một vòng".
"Dạ, Đại uý lấy, nếu chút nữa không có tui Đại uý đem xuống chỗ trường học, nhà tui bên trái".
"Xong, cám ơn anh trước, lát nữa tôi đem trả xông đất nhà anh luôn, số tôi hên ghê lắm, anh sẽ lên hạ sĩ nhất trong năm nay”.
Người lính cười không nói đứng nhìn Thuấn đang nổ máy xe.
Thuấn rú hết gaz, chiếc xe lồng lên, xốc mạnh trên đoạn đường lồi lõm, ánh sáng không đủ rọi xa. Thuấn ghì chặt tay lái, không bớt tốc độ… Gió thổi lạnh hai bên tai, răng nghiến chặt… Thuấn thấy thấp thoáng dưới ánh đèn khối không khí mù mờ chuyển động, xoắn lượn… Trước mặt Thuấn rừng cây thông chập chờn, con đường đỏ ướt sương, những ngọn đồi cỏ chuyển động ào ạt. Chỉ mới năm năm qua. Đêm một giờ sáng từ tỉnh B Thuấn theo xe đò lên Sài Gòn, chiếc xe bật đèn chạy qua Dĩ An, Thủ Đức, Bình Lợi, Bình Hoà… Cô bác cho tiền, cô bác cho tiền… Thuấn xuống xe ở Đakao đi bộ về Tân Định, đồng hồ chỉ hai giờ mười lăm, thành phố Sài Gòn ngủ kỹ, lũ chó hoang chạy vật vờ trên những đống rác, thành phố mệt mỏi như giấc ngủ trưa của con điếm miệt mài. Nhưng Thuấn thì không vậy, Thuấn nhảy chân chim trên lề đường loang nước, Thuấn chạy hân hoan trên Sài Gòn tàn tạ úa bẩn, Thuấn chạy vào đường Trần Quang Khải, rẽ tay mặt, chạy nhanh hơn nữa… Đây rồi, căn nhà Bích Trân kín cửa im lặng. Thuấn nhìn lên, một, hai, ba… Cửa sổ thứ hai là phòng khách, sau phòng khách là phòng ngủ của Bích Trân, có thể nàng ngủ ở phòng khách, trên canapé hay dưới sàn nhà, cuốn truyện úp trên mặt… Bích Trân khi lặng lẽ đau đớn như tuổi già, Bích Trân khi nói em, kể chuyện, khi coi sách, ngây thơ mãi mãi như trẻ con… Thuấn đứng trong bóng tối nhìn lên khung cửa im lặng, nghe đâu từ căn phòng tiếng thở nhẹ nhàng của người thiếu nữ mê thiếp, Bích Trân chuyển mạnh cánh tay ép sát vào ngực, thế nằm co quắp tội nghiệp, thế nằm sửa soạn chống đỡ cơn phong ba. Một giờ, hai giờ, Sài Gòn tỉnh giấc, động cơ xích lô máy vang động từng nhịp rồi tản dần trong không khí ấm mát của đêm còn vướng vất, ngọn đèn vọng úa nhợt nhạt, bầu trời chuyển thành màu xanh thẫm. Cánh cửa cuối cùng chợt mở, người u già bước ra…
"Kìa cậu Thuấn, làm gì sớm thế?"
"U kêu cô Trân hộ tôi…"
"Cậu lên từ bao giờ?"
Thuấn mỉm cười không nói vò vò bao thuốc trong tay… Bích Trân chạy xuống, bước chân cuống quít nhảy vội, làn tóc rối, đôi mắt hốt hoảng…
"Có gì vậy Thuấn? Có gì xảy đến cho anh?”
"Không, anh nhớ em…"
"Anh đến lúc nào?"
"Lâu lắm. Cho anh hôn em, trời chưa sáng, không ai thấy".
"Coi chừng u già".
"U già đã vào nhà… Ôm anh…"
Cửa đóng, mái hiên rộng bóng tối đầy khoảng sâu. Thuấn khép chặt hai tay, đầu người thiếu nữ ép vào vai… "Anh đến từ lúc hai giờ, ngồi ở ngưỡng cửa này…"
"Anh kỳ quá!"
"Không, chỉ vì yêu em…"
Bao nhiêu lần như thế, bao nhiêu đêm trong cơn say, Thuấn sờ vào lớp tường đá lạnh tưởng như vuốt ve một bóng hình thân yêu. Năm năm, gã trẻ tuổi nồng nàn ngày xưa đã mất. Tối nay, Thuấn đang sống lại, chiếc xe chạy như một nỗi hân hoan tìm kiếm được hạnh phúc sau thời gian chết cứng. Quỳnh Như, giọng Huế thánh thót trong vắt, tiếng cá đớp mồi dưới bờ sen, cánh sen tàn trên mặt hồ đặc bèo, chiếc giường nệm nồng mùi thiếu nữ, Thuấn duỗi thẳng hai chân, hai ngón chân cái đan chặt vào trong cơn bão ngầm cảm giác thổi lướt qua. Quỳnh Như, giờ tỉnh giấc sau cơn mê phiền muộn. Anh đến cùng em… Thuấn qua một khúc quẹo, đèn lướt một đường vàng trên luỹ tre vệ đường. Sắp đến cầu An Hoà, Thuấn nghĩ, tăng thêm một chút tốc độ để đi được lượng khoảng cách tối đa… Có bóng người chạy thấp thoáng trước mặt… Thuấn thắng thật mạnh, chiếc xe chao bên trái lạng thêm một đường bên phải, bánh xe xiết trên đường ngã nghiêng. Thuấn nhảy vào vệ đường, kéo khẩu súng nhanh ra khỏi thắt lưng, lăn xuống đất nằm lên đống lá tre, họng súng hướng về phía hai bóng người đang đứng trong vùng ánh sáng.
"Ai? Đứng lại, nhúc nhích tôi bắn”. Thuấn hét thật lớn, át hẳn tiếng gió và động cơ chiếc xe đang giòn giã nổ…
"Dạ, tui tui…"
"Tiến tới, đưa tay lên khỏi đầu”.
Hai bóng người tiến tới lần lần, Thuấn kéo cơ bẩm khẩu súng, tiếng động lạnh vang như tiếng nổ, hai người giật nẩy, co rút lại…
"Hai anh ở đâu?”
"Dạ tụi em gác cầu, Việt Cộng về, tụi em chạy thoát".
"Việt Cộng?"
"Dạ tụi nó lấy cầu và đóng đầy trong làng Dốc Sơ, chắc ở Huế cũng có tụi nó… Em còn nghe súng nổ thiệt loạn ở chỗ cửa Chánh Tây…"
"Chắc không?"
"Dạ có, tụi đánh vô cầu nói toàn tiếng Quảng Bình".
Thuấn nhảy vội lên chiếc xe, gài khẩu súng vào thắt lưng.
"Hai anh chạy về cây số mười bảy đi, ở đó có nhiều lính mình".
"Dạ, tụi em cũng tính thế".
Thuấn quay xe về hướng An Lỗ, nhìn lại thành phố Huế, hình như có tiếng nổ khô của lựu đạn chen lẫn trong tiếng pháo… Quỳnh Như, Thuấn rú hết gaz, chiếc xe lao vút đi…
*
Minh đạp cửa ào vào như cơn lốc…
"Gì vậy?" Lạc nhổm dậy, tay còn cầm hộp bia.
"Xong rồi, Việt Cộng đứng đầy đường. Phải kêu bà chị với mấy ông nhỏ dậy…"
"Chạy đi đâu?”
"Vào trong tiền trạm của mình".
"Ông biết đường?”
"Kêu bà chị dậy đi, nhớ mang theo thức ăn”. Minh nói như ra lệnh, rút khẩu súng colt, lên đạn đặt khoá an toàn dắt vào thắt lưng ở vị thế dễ kéo ra nhất. Minh mở cửa bước ra hành lang, cong người trên lan can nhìn xuống đường, bên kia vườn hoa Nguyễn Hoàng leo lét ánh đèn thấp thoáng đầy những bóng người sau các gốc cây, phố chính người đi vội, hình như họ đang dồn thành từng nhóm. Minh liếc về phía phải, từng tổ tam tam di chuyển yểm trợ nhau dọc theo bờ tường. Minh chạy vào, vợ chồng Lạc và hai đứa con đã sẵn sàng, vợ Lạc tay xách chiếc valy nhỏ…
"Chị bỏ valy lại, mặc thêm áo vào mang chút thức ăn thôi, dưới đường đi không được nữa…”
"Tụi nó?" Lạc hỏi nhỏ. Minh gật đầu, tầng dưới vang tiếng nổ, đạn AK từng nhịp ba viên gọn gàng, tiếng nổ vang dội dọc theo hành lang, có tiếng người van lạy và bước chạy lên cầu thang.
Lạc rút khẩu súng ra khỏi lưng, mũi súng hướng về cửa phòng, đưa mắt nhìn Minh dò hỏi, Minh lắc đầu bước đến khoá cửa phòng…
"Ông kéo cái bàn đến đây cho tôi, chận cứng lại, nhớ khoá chặt hơn”. Lạc làm như cái máy, sự sáng suốt bình thản thường ngày mất hẳn, người vợ cùng hai đứa con như sợi dây trói chặt tay chân cùng phản ứng. Lạc nghe lời Minh không chút phản ứng ngần ngại.
Lạc đứng dạng chân, hai bàn tay bám vào thành cửa sổ. Minh trèo lên hai vai, lần tay theo thành tường.
"Ông nâng tôi lên chút nữa".
Lạc nhón chân lên, Minh bám được khung cửa trần nhà trổ lên mái, rán đu ngược người lên.
"Bây giờ ông đưa hai cháu lên". Hai thằng nhỏ được kéo lên trước, xong đến vợ Lạc, khi tất cả ở trong buồng tối, Lạc lấy lại bình tĩnh.
"Bây giờ mình phá mái nhà?"
"Phá nhẹ tay, đừng để ngói rơi xuống, để tôi lên trước định hướng, ông coi chừng cửa phòng mình, đừng để nó biết mình núp trên này". Lạc gật đầu tỏ vẻ hiểu, khi Minh bắt đầu gỡ từng tấm ngói Lạc thở nhẹ liếc mắt nhìn xuống lỗ hổng, căn phòng vắng, ngọn đèn mờ, chai rượu lăn lóc trên sàn nhà, ngoài hành lang có tiếng chân người chạy, những giọng hét ra lệnh chêm vào những âm thanh của cổ họng bị chặn lại. Tiếng nổ từng phát một gọn ghẽ, khô khan, khi viên đạn đi từ nòng súng xuyên qua mục tiêu, mục tiêu bằng xương bằng thịt ép sát vòng kim loại lạnh băng. Cửa phòng bị tống mạnh, chiếc ghế lung lay, chìa khoá rơi xuống. "Mở cửa, mở cửa", giọng miền Trung nặng tai, Quảng Bình hay Đồng Hới, tấm cửa bị rung dưới sức ép, một loạt đạn nổ giòn, ống khoá bị bắn tung từng mảnh nhỏ. Lạc nhắm vào bóng đèn, đoàng, bóng tối dày đặc, vừa lúc cửa phòng bị xô tung, chiếc bàn lật ngược đổ sầm trên nền nhà. Loạt đạn từ ngưỡng cửa sáng từng chập, Lạc bắn vào ngưỡng cửa hai viên. "Lùi, lùi, tui bị rồi đồng chí…” Căn phòng tối thâm. Lạc ngửng đầu lên, một luồng gió lạnh băng theo lỗ hổng thổi vào nhà, bầu trời lóng lánh sao. Trèo lên, Minh thò đầu vào lỗ hổng. Minh bò trước, hai đứa bé, Lạc bò sau cùng, thành phố Huế rộn rã tiếng pháo nổ, nhưng tai Lạc nghe rõ tiếng súng, không có viên nào rít trong không khí, viên đạn đã nằm trong một mục tiêu xương thịt nào đó. Trái với sự dự đoán, Lạc bình tĩnh trở lại, cảm giác như sắp sửa xua quân vào khi nghe mục tiêu đã bị phi pháo cày nát. Minh khôn ngoan thận trọng như đang dự trò chơi trốn bắt trong tuổi nhỏ. Chàng nhấn bàn tay trên mỗi khoảng gạch ngói trước khi trườn tới, dãy trường thành trước mặt đen thẫm bề thế gần tới từng tấc một.
"Bây giờ mình phải tìm cách vượt cái hào này".
"Lội qua?" Lạc hỏi với giọng e dè.
"Chuyện đó thì dễ cho ông với tôi, chỉ lo bà chị với hai thằng nhỏ".
"Ừ nhỉ". Lạc đưa tay lên gãi gãi trên mặt.
"Em biết lội, mình và anh Minh đừng ngại”. Vợ Lạc e dè cất tiếng, sự sợ hãi trên đoạn đường mái nhà đầy tiếng súng đã làm người đàn bà cứng lưỡi, bây giờ hạt đất dưới chân làm tĩnh trí. Có luôn mấy đứa nhỏ kia ở đây thì chắc dạ biết mấy, người đàn bà muốn nói với chồng câu nói cùng ý nghĩ.
"Ở Sài Gòn có đánh nhau không mình?" Không ai trả lời câu hỏi.
"Không cần, để tôi đi tìm chiếc xuồng, mấy người hái sen thường hay cột chùm ở đây, hơn nữa trời lạnh lắm”.
"Vậy thì tốt, ông có cần tôi đi cùng không?"
"Không, ông coi chừng đừng động đậy, tránh hết mọi thứ”.
Lạc gật đầu, kéo vợ con thụp xuống, hơi bùn và nước xông lên ẩm ướt. Minh rón rén dò từng bước chân, hào nước mắm nằm sau đám nhà dân chúng, những cột sàn nhà chông chênh đóng rêu trơn, mùi bùn non cống rãnh rác rưởi bốc lên nôn nao. Minh kéo cao cổ áo saut, rút khẩu súng cầm tay, bước chân hẳn xuống bờ hào. Đi thế này tránh người ta trông thấy, nếu bị bắt gặp? Minh nhủ thầm, phải áp đảo ngay, Việt cộng chắc tràn khắp thành phố chắc không thoát được, nhưng mình là người Huế, cởi áo saut này thì ai biết mình là ai? Minh yên dạ, bước tới vững vàng trong bóng đêm…
"Đây nhá, cái thành này chạy quanh khu nội thành, bên trái kia là cửa Thượng Tứ". Minh chỉ tay về hướng một khối đen nhô cao ở đàng trước xa xa…
"Tôi biết, chắc tụi nó ở đó rồi, ông tính đường nào về tiền trạm mình".
"Tiền trạm mình ở trong Mang Cá".
"Mang Cá là gì?"
"Nơi Bộ Tư lệnh Sư đoàn 1, bây giờ nếu chạy thẳng đường từ cổng thành này là đến, nhưng chắc không nổi… Tụi nó thế nào cũng giữ con đường này".
"Có thể tụi nó muốn nhào vô Sư đoàn 1".
"Suya, nên mình phải tìm con đường xa con đường này, cứ men theo mấy con đường nhỏ nhỏ là lọt, ông đi sau có gì thì dọt, chạy mẹ vào nhà dân chúng, thằng dân nào láng cháng là phơ".
"Sao kinh vậy ông? Toàn người Huế của ông cả đấy”.
"Khỏi bàn, ông thấy tụi trong khách sạn không là người Huế sao?… Chuyện đó tính sau, bây giờ cốt yếu là vào trong tiền trạm, có ăn, có sống, leo tàu bay về Sài Gòn là tốt".
"Còn gia đình ông nữa".
Minh không nói. Có một cái gì tàn bạo lạnh cứng trong lòng, trong cơn nguy biến Minh đã khôn khéo phát triển đến tối đa phản ứng tìm sống. Minh đã ích kỷ một cách thản nhiên cứng ngắc. Gia đình? Minh nghĩ đến mẹ và gia đình bên ngoại trong một thoáng hối hận, mẹ và gia đình bên ngoại không có gì với Việt Cộng, họ đứng ngoài cuộc biến động nguy hiểm này, cả nhà ngoại sẽ nấu những nồi cơm thật lớn và các dì mợ trổ tài chế biến những món ăn khô dè xẻn cho đám đông, thịt khô, cá chấy, muối sả, họ sẽ ăn những thức ăn khó khăn đó để đợi chờ biến cố đi qua trong bình yên. Trong khi Minh vượt từng thước đất trên sự sống chết đi về Tiểu đoàn, theo sau một người bạn, bạn lớn tuổi, bạn lính, bạn uống rượu… Minh cùng họ cố về tiền trạm nơi có những người lính thuộc Ban 4 Tiểu đoàn, những người lính không mang súng để vác gạo, bắp su, xách nước mắm từ trực thăng xuống vùng hành quân. Cơn nguy biến ném Minh vào trong một cuộc đấu tranh lạ lùng, cuộc chiến đấu không chiến hữu và không vinh quang. Nhưng Minh phải tới được tiền trạm, Minh phải thắng vì cả cuộc đời cụ thể của Thân Trọng Minh đặt trên cuộc đấu tranh này, nếu Minh thua, một nòng súng AK sẽ dí trước trán. "Lính Dù nguỵ hả?" Việt Cộng sẽ hỏi Minh bằng giọng Quảng Bình, Quảng Trị và có thể là giọng Huế… "ĐM, lính Dù nguỵ mà… hì hì…" Ngón tay của tên Việt Cộng sẽ co lại, cò súng sẽ co lại, Minh nghe được tiếng chuyển động của lò so hoàn lực chuyển để kéo cho búa đập vào chậu cơ bẩm, bốp, kim hoả sẽ đâm vào hạt nổ và đoành… Thân Trọng Minh giải thể thao của học sinh miền Trung niên khoá 1957-1958, cây toán học của Trường Võ Bị sẽ bị bắn ngược người ra đàng sau, một phần chất óc phọt ra ngoài, Minh ngã xuống, chân tay giãy giãy, sự sống cuối cùng giãy giụa vùng vẫy trước khi tắt ngúm. Chết, một sự chết toàn thể có kích thước ở tay chân lạnh giá cứng đơ, dòng máu chảy ra đẫm ướt thấm sâu trong đất, chết có mùi hôi ngai ngái… Chết thụ động và vĩnh viễn… Phải sống, phải về tiền trạm. Minh dự phần vào cuộc chiến không huy chương với hết sức mạnh con người.
"Này Minh, tụi mình phải kiếm cái áo quần gì để thay mới nói chuyện thoát”.
"Tôi cũng nghĩ vậy, hơn nữa cái quần tôi ướt nhẹp lạnh không chịu nổi… Mặc cái áo saut này chi bằng kêu Việt Cộng đến túm còn hơn".
"Lấy áo quần civil ở đâu bây giờ?”
"Vào đại nhà nào vắng người, để tôi đi kiếm”. Minh len lỏi trong khu vườn chuối ở trên mặt thành nên thấy được khu phố chính mờ mờ ánh đèn trong sương. Dưới kia chắc bắt đầu loạn, đã có những anh chết trong khi đang xỏ tay vào áo veston để đợi giao thừa xuất hành… Không hiểu đã giao thừa chưa. Minh thoáng cười với ý nghĩ rời rạc của mình. Khu vườn hết, Minh bắt đầu vào một khoảng sân đất nện cứng, có người đàn bà đang cúi đầu lạy trước mặt một bàn thờ nhỏ.
"Này, bà ngừng cho tôi hỏi một chút".
Người đàn bà nhìn lên hốt hoảng, những cây hương đang cầm ở tay lã chã rơi xuống. Có nhánh hương rơi trên chân nhưng người đàn bà không để ý, một động tác thật thuần thục, hai bàn tay xòe rông chắp vào nhau, người đàn bà xá hai ba cái liên tiếp, đôi môi nhăn nheo kéo xuống sửa soạn cho tiếng khóc… Ầm, ầm, tiếng nổ ở xa, miệt Gia Hội hay Đông Ba, không biết 105 của ta hay Việt Cộng vừa giật sập mất cái gì? Minh liếc thấy ngọn lửa lóe lên sáng rực trước tiếng nổ. Người đàn bà giật nẩy mình không kìm hãm nổi tiếng khóc đang ứ. “Lạy cậu tha cho tôi”, bà xá thêm mấy cái, đôi mắt không rời khẩu súng. Giữa tiếng nổ và khẩu súng của Minh có liên hệ với nhau… Những căn nhà bên cạnh xôn xao, người ta chạy vội ra sân đứng hướng mặt về phía có tiếng nổ. Minh đẩy người đàn bà vào trong nhà. "Bà vào trong này tôi có chuyện nói". Bà ta bước líu díu, những cây hương còn hững hờ trên tay xoay từng vòng sáng đỏ theo mỗi bước đi.
"Bà không phải sợ gì hết, ở nhà còn người đàn ông nào không?"
"Dạ có, thằng con trai tôi đi lính ngoài Quảng Trị, cậu thương tình tôi không làm gì nên tội".
"Nói hoài, tôi bảo bà đừng sợ, bà cho tôi hai bộ đồ civil, áo quần thế nào cũng được, có áo len thì tốt, còn bà cũng nên gói sẵn một gói đi, có gì chạy cho lẹ…"
"Chạy đi mô, vì cái chi mà chạy?"
"Đạn, súng, đánh nhau lớn, ở đây không yên mô".
"Nhưng có lính tráng đồn trại chi ở đây?” Người đàn bà nhìn lên bàn thờ, ánh nến chiếu vào giấy vàng mã trở nên lóng lánh, rực rỡ khói cây nhang bay là đà quyện vào nhành mai trước khi tan, người đàn bà quay lại nhìn Minh, đôi mắt bớt vẻ sợ hãi phảng phất buồn.
"Tui không đi, ông Việt Minh hay Quốc gia tui không biết, bàn thờ tui dọn rồi, đầu năm không ai bỏ nhà mà đi ”.
"Cậu định trốn đi mô?” Người đàn bà run run hỏi Minh.
"Đi trốn?” Minh khó chịu. Minh không muốn mang tâm trạng này. Minh thấy mình đang làm một công việc to lớn và quan trọng dù trong bóng tối.
"Tôi không trốn đâu hết, tôi đi Mang Cá”. Minh hơi bối rối trước câu nói của mình, ôm bộ áo quần, nương theo bóng tối đi về cuối khu vườn.
Người đàn bà ngồi lại nhìn lên bàn thờ, khói hương bình thản lặng lẽ bay, ánh nến chập chờn ấm áp. Thế giới của người đàn bà trong tối giao thừa là đây… Ngồi im trên chiếc ghế nhìn tàn hương rũ xuống dính vào đốm lửa một cách mong manh, chờ cơn gió yên lặng rơi xuống. Tàn hương lay động yếu ớt như thời gian vô hình chuyển đi giữa hai năm. Người đàn bà đợi hết tàn hương sẽ cúng đến phần đồ ngọt, chè đậu ngự nước trong vắt, hạt đậu vàng xanh nở một đường sung mãn như cành lộc mới… Giặc giã ở đâu cũng mặc, ba bốn lần chạy loạn rồi, loạn lần nào cũng quá lâu, trận Cùa, trận Nam Đông năm 63, 64 gì đó, thằng con thứ nhì bị gãy chân bó bột. Năm nay là Mậu Thân, hai thằng con lại đi biệt mặt không về? Giặc đã phá nhà nhiều lần, giặc đã vào trong nhà, đã làm mẹ con cách xa, đã đẩy tình thương về những chỗ tối tăm vô ích, thương con biết để trong lòng, người đàn bà ngồi như đã ngồi suốt hai mươi năm. Giặc kia chờ chồng, giặc này chờ con, còn tai ương nào để xảy ra? Người đàn bà ngồi chờ tàn nén hương.
"Xong rồi, bây giờ mình cứ tà tà mà đi, dân chúng hình như cũng vừa biết được có biến động, mình kiếm nơi nào đông nhập vào. Ông và bà chị đừng nói gì cả, xứ Huế ít người Bắc, có gì cứ để tôi. Bây giờ mình xuống đường”. Minh chỉ tay xuống con đường nhựa nằm dưới chân thành, ánh đèn vàng ấm soi rõ những lá cây khẽ rung động. Năm người bước chân xuống mặt nhựa.
"Đi ngã nào?" Lạc khẽ hỏi, liếc nhìn những con đường chằng chịt trước mặt.
"Phía này, cứ đi như người thường chạy loạn, đừng trốn tránh gì cả". Minh cho tay vào trong túi, cúi đầu rảo bước đi trước.
Một loạt đạn vang lên từ đầu đường, những ngọn đèn bị bắn vỡ nổ nghe gọn ghẽ, bóng tối đè lên một phần đường. Minh kéo hai đứa bé, Lạc kéo người vợ nhảy vào vệ đường, ẩn sau một gốc cây. Ba bóng người tiến đến …
"Các anh là ai? Làm gì?" Giọng Quảng Bình chát chúa, tên Việt Cộng thủ cây AK trước ngực ở thế sẵn sàng, hai tên kia bố trí về hướng chúng vừa đi đến.
"Dạ anh em tôi dạy học, mới đi chùa về".
"Dạy học lớp mấy?" Tên Việt Cộng nhíu mày ra vẻ suy nghĩ.
"Dạy nhiều lớp, tôi dạy vẽ, tôi là giáo sư hội hoạ của trường". Minh chọn thật nhanh một môn học vô thưởng vô phạt, anh tôi là thợ sửa đồng hồ…
Tên Việt Cộng im lặng, mắt vẫn nhìn vào Minh…
"Anh là lính gì mà có súng, súng này lạ quá, lần đầu tiên tôi thấy". Minh hỏi, giọng hoà hoãn vô tư. Tên Việt Cộng khẽ cười:
"Anh không biết gì cả, bây giờ mấy người tới đằng chỗ trường học để sinh hoạt”. Y chỉ tay về hướng trường Bồ Đề…
"Anh biết đường đi không?”
"Dạ biết". Minh lễ phép.
"Biết thì đi tới đó liền”. Gã đưa nòng súng lên trời bắn ngọn đèn đường kế tiếp.
Minh giả vờ kêu "Trời ơi!" sau tiếng nổ.
"Dạ thưa ông chúng tôi đi”. Minh dẫn hai đứa con, Lạc rẽ vào con đường trước Pháp đình. Hai tên Việt Cộng tiếp tục đi dọc đường dưới chân thành, họ đi đâu bóng tối đầy đến đó.
"Mình tới trường học đó sao?” Lạc hỏi.
"Đâu được, nhưng như vậy không những tụi nó đóng dọc từ đây đến Mang Cá, tụi nó còn bố trí cả chiều ngang thành nội rồi…"
"Để tôi kiếm xem có đường nào lọt được, thôi mình đi theo đường này thử". Minh dẫn bốn người đi vào con đường dọc theo hông toà án.
Một tràng tiếng nổ khô vang lên đều đặn. Minh và Lạc cùng nhìn lên trời, những khối lửa bay song song về phía Mang Cá.
"Tụi nó pháo kích, ít nhất cũng có 4 cây 82".
"Tao nghe cả hoả tiễn 122 ly nữa, có thấy khối lửa đỏ rực bay cao nhất không?”
Minh gật đầu đưa mắt nhìn Lạc hỏi ý kiến.
"Như vậy là hơn tiểu đoàn rồi, pháo bốn cây là phải tiểu đoàn trở lên".
"Có thể là bộ chỉ huy Trung đoàn của tụi nó".
Một tràng tiếng nổ khác, vợ Lạc xoắn xuýt ngồi bẹp xuống ôm lấy hai đứa con. “Mình! Mình! Làm sao bây giờ?"
"Không gì chị, đó là súng của Việt Cộng ở đây bắn đi”. Minh chợt mỉm cười vì câu nói của mình. Ở đây bắn đi, Minh cùng một phía với Việt Cộng. Một phía, Minh thấy lạ, một chút yên ổn ở vị trí sau súng địch, phân chia bạn thù hoá ra chỉ một giai đoạn, một giai đoạn ngắn và trống, qua khỏi khoảng trống vô hình đó con người được biến dạng như cây gậy lệch đi khi được nhìn qua màn nước. Súng cối và hoả tiễn Việt Cộng bắn đi tất nhiên có súng cối hoặc 105 của ta phản pháo lại, Minh mong muốn cuộc phản pháo chậm để tìm đường trốn.
"Không xong rồi Minh, tìm phía nào ra khỏi mấy cái ống nhổ này đã, ở gần không được”.
Minh gật đầu, rẽ về phía tay mặt. Ổ súng cối địch chắc đặt ở đường Hàm Nghi phía tay trái.
Người chạy hỗn loạn, người chạy ra khỏi nhà mang những vật dụng thật vô ích trong cơn hốt hoảng. Áo quần tạp nhạp được gói vào trong chăn cũ: ôm trước ngực bằng hai tay chéo lại, một chiếc ly được mang theo. Chiếc ly vô dụng, khôi hài lúng túng chuyển từ tay trái sang tay phải, cuối cùng được ném đi trong la hét thúc giục. “Trời ơi là trời. Súng của ai? Súng của ai? Chạy ngả mô đây?” Người nhào ra từ đường, đường trống trải lạnh cóng, nhìn lên trời đạn bay đỏ lưới. Tiếng nổ nghe thật gần do đạn súng cối départ hay hoả tiễn được phóng đi. Tiếng nổ, khối dân co rúm người như dưới một dịch động kinh. Dân chúng không phân biệt được tiếng nổ của kích hoả đập vào hạt nổ để đẩy viên đạn đi xa hay tiếng nổ của đầu nổ khi chạm phải mục tiêu. Người dân sợ bất cứ mọi tiếng nổ và ánh sáng, sợ mảnh gang nứt ra từ quả đạn, sợ viên đạn nhỏ bằng đồng bay vút trong không khí. Tai ương có hình dáng màu đỏ vạch trong trời đêm, tai ương có khoảng cách và tiếng nổ. Dân chúng chạy vào trong nhà, cảm thấy nhà mênh mông và mỏng manh họ nhìn hết vật dụng thân yêu… Chiếc giường vậy cũng được ba mươi năm khi ông nội còn làm Biện ở ngoài Hà Tĩnh, cái đồng hồ quả lắc vàng chóe úa màu đen chậm chạp đưa đẩy trong khối vỏ màu nâu khắc hình trái nho, đồng hồ mua từ năm 1949 sau khi lính rappel đầu tiên kể từ lúc hồi cư cuối năm 1946. Người gia chủ treo lên định mang xuống.
"Ba con Uyên muốn mang cái đồng hồ phải không?”
Người chồng nhìn vợ dò hỏi không trả lời.
"Trời ơi! Cái đồng hồ! Khai sinh giá thú giấy tờ đất cát mình không mang đi định mang gì của nợ đó”.
Người vợ chạy xuống bếp xếp chén dĩa kiểu vào tay nải… "Uyên, Uyên, giúp mẹ mang cái này". Người mẹ lắc lắc tay nải. Nặng quá không mang nổi. Cô gái chạy quanh chiếc bàn học, cuốn album, nhật ký, tập lưu niệm. Biết mang cái gì, Uyên xé vụn đống thư cột bởi sợi cao su, những lá thư của tình yêu thần thoại, khởi đầu tuổi thanh xuân, bị xé nát, vứt bỏ, nhoà tan trên sàn nhà. Lá thư tình cách đây hai ngày đã làm Uyên bấn loạn, Uyên đã đọc từng chữ, đã cắt từng câu, nghiến ngấu, ve vuốt từng dấu chấm tân kỳ hình ông sao, Uyên nhớ vạch chéo ngang tàng dũng mãnh. "Người ấy" như vậy đã yêu mình lâu lắm? Người ấy theo dõi mình với mối tình cay đắng trong bao ngày tháng qua… Uyên vung tay ném mạnh những cuốn sách ra khỏi chiếc valy con, xếp tấm áo len trắng vừa đan xong để mặc trong Tết này… Cả gia đình náo loạn một cách khó khăn, họ xoay quanh các đồ vật, nằm bẹp xuống sàn nhà sau mỗi tiếng nổ và nhổm dậy tiếp tục cào cấu la hét trên đống vật dụng bỗng chốc trở thành quá thân yêu và cần thiết…
"Chạy không nổi về Mang Cá được, trước mặt bên trái toàn người anh em, tay phải mình lại đụng cái thành, thôi chạy vào nhà bà chị tôi rồi tính sau". Vợ chồng Lạc cùng gật đầu một lượt theo Minh không ý kiến.
Ngày mồng Hai Tết, Thuấn dẫn đại đội chạy băng qua phi trường Tây Lộc, sắt PSP nhún nhún dưới chân, xóm nhà dân ở xa bốc khói, phòng đợi khách bị trúng đạn B.40 xám đen, cánh cửa bị thổi tung, đại đội bố trí trông về cửa An Hoà đợi lịnh, Thuấn đi vào phòng, có chiếc xe Jeep cháy ở ngưỡng cửa, hai người chết gục ở tay lái, Thuấn đi đến. À pilot L 19, Thuấn đứng sát gần xác chết để nhìn rõ mặt. Có thể là mấy cha pilot hay bay với red marker(), mình có thể biết nó, Thuấn đưa báng súng lật gã phi công chết trên tay lái.
"Thằng cha này lạ, mình không biết".
Gã phi công bị bốn năm viên đạn ở ngực, một viên vào đầu, hai con mắt mở cứng ngắc, màu từ vết thương trên đầu chảy xuống dính một bên mặt, đóng khô những sợi râu mép.
"Người anh em có bao giờ nghĩ rằng mình chết trên tay lái ô tô không nhỉ?" Thuấn mỉm cười với ý nghĩ mình. Ai làm sao biết được mình chết lúc nào và ở đâu như gã phi công đã ngồi chết trên tay lái. Một anh chàng người Huế cuối năm về quê hương? Không phải, mũi xe hướng về phi cơ chắc anh ta nghe súng nổ nên lái xe Jeep vào đây định vọt đi bằng máy bay, anh ta chết khi còn mặc đồ bay màu xám, huy hiệu con rồng bị một vết cháy, có thể thằng Việt Cộng dí súng thật sát để bắn… Thuấn muốn nghĩ tiếp thêm vài chi tiết về người chết, nhưng trí óc làm việc chỉ đến chừng đó. Thuấn bước vào phòng đợi, gạt máy điện thoại xuống đất. Giờ nay còn có ai gọi, chỉ gọi được Nước Chúa. Thuấn leo lên chiếc bàn gối đầu vào mũ sắt, nhắm mắt lại.
"Khi nào Tiểu đoàn gọi mày đưa máy tao, còn đụng hay không ở đâu cũng mặc, tao ngủ”. Gã lính truyền tin gật đầu không nói, ngồi dựa lưng vào tường sát dưới chân Thuấn. Gã không cởi chiếc máy trước khi nhắm mắt. "Tôi cũng buồn ngủ quá Đại uý…” Thuấn nghe từng tiếng động lịch kịch của chiếc nón sắt mỗi khi gã lính cong chân chạm phải cùng tiếng máy chạy sè sè. Thuấn không ngủ được, nhưng hai mí mắt sưng mọng chụp xuống mở không ra, cảm giác như đôi mắt khô cứng không thuộc về phần điều kiện của mình nữa. Bên trong mí mắt đã dậy, đôi mắt vẫn còn thức, nghe ngóng chờ đợi. Thuấn muốn ngủ, hai đêm, hai ngày căng thẳng và di chuyển tác chiến liên tiếp làm vỡ nát những khóm xương, trùng hết mọi đường gân nhưng đôi mắt vẫn tỉnh táo một cách khó chịu. Trong bóng tối của văn phòng, sau rèm mi Thuấn nghe đôi mắt mình chuyển động ngang dọc. Thuấn xoay người ra phía cửa, ánh nắng làm Thuấn mở mắt, sân bay vắng ngắt rải rác toán lính nằm dài bên kia phi đạo… Gã phi công chết vẫn mở mắt nhìn bầu trời xám đục. Thuấn ngồi nhỏm dậy. “Tốt, sống đến bữa này là tốt". Hình như Thuấn nói như thế.
"Dậy mày". Thuấn đá vào chân gã lính truyền tin. Dậy để xin lệnh kéo vào trong kia bố trí, ở đây trống quá, tao lại đói nữa, suốt giao thừa đến bây giờ không có một bữa ăn. Thuấn cầm máy truyền tin liên lạc với Tiểu đoàn trưởng. Gã lính truyền tin vẫn gục đầu ngủ kỹ, Thuấn ném ông liên hợp xuống đất sau tiếng chửi thề…
"Gì Đại uý?” Gã lính giật mình lồm cồm bò dậy.
"Trên Tiểu đoàn bắt mình chiếm cửa An Hoà!
"Lệnh đâu kỳ vậy? Cửa đó tụi Tiểu đoàn hơn 2 giữ rồi mà". "Mất lại rồi, mày kêu mấy ông Trung đội trưởng lại đây”.