Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Dựa lưng nỗi chết

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 13119 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Dựa lưng nỗi chết
Phan Nhật Nam

Chương 1

Thuấn lái xe dọc theo con phố. Chiều thứ Bảy, người đông kín. Chiều thứ Bảy, thật lâu Thuấn không biết đến loại thời gian này. Thứ Bảy, Chủ nhật, thứ Hai, những ngày tháng phân biệt đó trôi đi không gợi lên sự chú ý. Sự nghỉ ngơi chỉ có được lúc đêm khuya, khi đại đội đã trả súng vào kho, lính đi ra cổng doanh trại để nghỉ phép sau cuộc hành quân… Nghỉ ngơi – Thuấn thật sự không có. Chỉ có những giờ ngồi trước ly rượu bên con sông, nhìn xuống khoảng sông đào chen chúc thuyền đậu. Những con đò xứ Huế, nặng nề, bề thế, chắc chắn cùng thú vui đẫm ướt dục tình được mở ra thoả thuê trong đêm. Thuấn, người lạ ở xa đến, người Bắc, quê hương xa khuất ở cuối trí nhớ, quê hương trên bát bún thang, chiếc ảnh hồ Hoàn Kiếm, cây cầu gỗ chênh vênh trên mặt nước lung linh vòng cây phượng. Quê hương được nhớ lại ở trang sách bất chợt trong đó nhắc đến dáng dấp của lão Tàu bán lạc rang, mụ Béo bán bánh tôm ở bờ hồ… Những hình ảnh thoáng qua như ngọn lửa đầu que diêm yếu ớt. Thuấn không nhớ nổi. Quê hương, một chốn không còn. Thuấn từ Sài Gòn đến đây theo chiến dịch, nửa đất nước đi qua, đi và đến từ hai tỉnh đối đầu của quê hương bị cắt. Thuấn đã khởi hành và đến hai cực điểm của một đau đớn vô hình.

Huế, thành phố không giống một nơi nào đã đi qua. Pha trộn giữa e thẹn câm nín và xôn xao đột khởi cơn lặng lẽ, bỗng chốc thành giông bão, thành phố của dịu dàng như cảnh giấc mơ và tồi tàn luộm thuộm của đời ẩn ức. Thành phố của lãng mạn và bi phẫn. Thuấn ở Huế được ba tháng, thời gian của những cuộc hành quân ngắn hạn. Từ Huế đi về hướng Bắc, qua chiếc phà, con nước xanh rêu không sông, bên kia bờ sông luỹ tre mờ mịt sương giăng, sáng mùa đông im lìm không mặt trời, con gà nhỏ lông sũng nước cố rít lên tiếng gáy, tiếng gáy của loài gà tre nghe the thé phiền muộn. Quân qua sông, đổ bộ lên bến, cợn đất sét màu vàng ứa ra từ phiến đá khi chân người lính giẫmlên tản theo dòng nước. Lính đi băng qua những khu rừng trống ẩm ướt, chuối, thanh trà, ổi chen chúc đứng khép vào nhau trong im lặng nặng trĩu. Một trái bom vừa nổ, mảnh gang trắng ghim vào thân cây chuối ứa mủ, đống bẹ chuối tươi non nằm hỗn độn trên lớp đất bu nhiều tung tóe, đất dính từng tảng nhỏ trên phiến đá bầm dập như những hạt máu khô đọng trên cánh tay gãy. Mảnh gang của quả bom theo đà bay phá vỡ khoảng tường vôi để lộ phiến gạch tươi, màu đỏ thớ thịt sau nhát dao chưa kịp ứa máu. Ba tháng hay chính xác hơn bảy mươi ngày, Thuấn đi qua những căn nhà kỳ quái, nhà không vách, không cột, không nền. Nhà là căn hầm sát xuống đất, sâu hun hút lạnh lùng, tối thăm thẳm. Nắp hầm được đắp cao bằng đất cứng, chắc chắn như nấm mồ, trên mặt mồ vĩ đại đó người dân úp cái mái bằng lá gồi hay tranh và người ta chui từ hầm lên nhà, bò từ nhà xuống hầm, không ai có thể ngồi thẳng lưng trong loại nhà hoang tàn kỳ lạ này. Người dân ngồi cong lưng đầu kẹp giữa hai gối, người dân ngồi im lìm, trẻ con cũng không khóc, đứa trẻ đã mất thói quen được khóc, khóc vì đói, vì lạnh hay ẩm ướt nước tiểu. Đứa trẻ đã quen với bóng tối, quen im lìm nặng trĩu. Tiếng động chỉ có ở những cánh quạt trực thăng chém gió lượn vòng trên cây cau, hay tiếng nổ của quả đạn súng trọng pháo. Tiếng nổ và sự im lặng trì trợm đã làm tê giác quan đứa trẻ. Không còn tiếng khóc trẻ thơ trong xóm làng Thuấn đi qua.

Thuấn đã đi qua một lần, hai lần, những lần sau không đếm được. Đi qua để thấy người dân vùng Thừa Thiên đâu đâu cũng chừng đó thế ngồi, cũng chừng đó lối hò, cũng những âm thanh rít lên khó nhọc, hiu hắt phiền phiền xô đẩy nhau trả lời khi người lính hỏi đến… "Da, dạ…" những tiếng dạ liên hồi mở đầu chen trong câu chuyện, nghe nhức nhối như vết thương nung mủ bị bóp vỡ giữa hai lưỡi dao kẹp chặt. Thế nhưng người dân vẫn tiếp tục sống. Thuấn cũng tiếp tục sống, tiếp tục sống để sau mỗi cuộc hành quân cùng với một lũ bạn chen chúc lên chiếc xe đi về thành phố như hôm nay…

"Đi đâu bây giờ?"

"Đi đâu?" Thuấn quay đầu sang nhìn Minh, kẻ vừa hỏi, giọng Huế phẳng lì như phiến lá mít. Thuấn ngừng xe, xoay hẳn người ra đằng sau "Đi đâu?" Sáu đôi mắt nhìn nhau không nói.

"Hay đi uống cà phê?" Đề nghị rụt rè không thành hình khối. Lạc nói nhỏ.

"Cà phê?" Minh hỏi cao giọng.

"Tao đã uống sáng nay hai lần cà phê rồi, nhưng thôi, cà phê phát nữa cũng được. Thuấn xoay người trở lại, quanh xe về quán cà phê giữa thành phố.

"Đến chỗ Lạc Sơn ngồi nhìn thiên hạ, chiều hôm nay thứ Bảy". Không có tiếng ai trả lời câu nói của Minh.

Ba người ngồi quanh chiếc bàn, ba bàn tay khuấy tròn những chiếc muỗng quanh vành ly gây tiếng động dễ chịu trong không khí cứng đặc.

"Tụi mình đi hành quân được ba tháng rồi".

"78 ngày".

"Sao mày nhớ kỹ vậy?"

"Nên tao thích ngồi ở đây, nhìn những người gánh củi đi qua, xúc động lúc nhỏ tự nhiên trở về như sống lại thời gian trước".

"Mày vớ vẩn thấy mẹ". Lạc vòng tay bó lấy đầu gối ngồi ưỡn người trên nệm xe. "Minh, mày leo lên ngồi với tao, ở đây đâu còn Quân Cảnh, ngồi đằng sau xe xóc, chết cái mông".

"Tao nói cho có chuyện". Thuấn hững hờ trả lời.

Xe ngừng ở nơi đóng quân. Đối nối tiếp nhau thành vòng tròn, lều của lính nằm rải rác trông như những khối đá xanh mềm nhão nhún nhảy theo cơn gió, từ đó những người lính lạ lùng đi ra. Người lính thời xưa được biểu tượng qua hình ảnh một người đội nón dấu, mang cây giáo; người lính cận đại có chiếc nón sắt cùng khẩu súng… Nhưng những người lính này khác hẳn, họ đội chiếc nón nhựa, chiếc nón loang lổ ngô nghê. Nón sắt có vẻ đẹp hung bạo riêng, nay ở nơi đóng quân, lớp nón sắt được hạ xuống để vo gạo, rửa rau. Hai chiếc nón sắt hai tay lỏng chỏng những cây cải xanh, nón nhựa che kín mặt, áo bỏ ngoài, quần lót, loại quần lót nhà binh Mỹ có xẻ một đường rãnh ở giữa, trong đó… Việt Nam di động theo bước chân người lính. Hai đôi chân đen đủi ốm yếu thảm bại trôi xuống từ hai ống quần úa bẩn; quần màu trắng để lâu vàng ố một cách tục tĩu… Những người lính mang đôi giày không vớ, giây không buộc, súng mang vai nặng nề đi xuống sườn đồi: Giờ làm cơm. Những người lính Nhảy dù, thiên thần nón đỏ trở thành sinh vật lạ lùng của một thời tiền sử một thời tiền sử xám.

"Giờ này về lều chờ cơm tao chịu không nổi, lên nơi lăng Khải Định chơi". Thuấn đề nghị.

"Lên đó cũng được, nhưng phải có thứ gì uống". Lạc nói.

"Bắt buộc, tụi mày góp tiền vào đây… mỗi thằng hai trăm". Thuấn xòe tay, mấy ngón tay chuyển động trước mặt Lạc và Minh.

Chiếc xe chạy lồng lên đường dốc, bụi tung đỏ chạch trong ráng nắng chiều. Lăng gồm ba khối vuông vắn chồng lên nhau xám đặc lặng lẽ, hai hàng voi ngựa, văn võ quan chống gươm đứng im lặng nhìn nhau trong bóng nắng cuối cùng của ngày. Ba người bước lên những bậc thang xám, bóng đổ dài.

"Ngồi ở đây hay vào trong kia?" Lạc hỏi bâng quơ.

"Lên trên kia, nơi có bức tượng ông Khải Định, chỗ ấy cao hơn có thể nhìn thấy con sông".

Bia được uống trong im lặng, khối lượng nước màu vàng sóng sánh những tia nắng đỏ hiu hắt. "Lạnh". Có tiếng xuýt xoa nhỏ. "Gần Tết rồi không lạnh sao được, có thằng nào cho tao mượn hộp quẹt". Thuấn nói lãng đãng mắt không rời chiếc thuyền vừa hiện trên khói sông. Tiếng hò bất chợt vút lên đầu ngọn sóng. Sóng nhỏ li ti trôi dạt xua đuổi hai bờ lau..

"Này Minh, sao người Huế mày hò buồn đến như thế?"

"Buồn ở đâu, người Huế nào cũng hò như vậy, giã gạo, chèo thuyền, ru con, khi nào họ chẳng hò được, ông mới nghe lần đầu nên thấy lạ thế thôi".

"Không phải vậy, toàn thể không khí điệu hò đều chất chứa u uất, như mày thấy đấy, anh chàng chèo thuyền dưới kia đang làm một công việc lao lực, thay vì nó hò để tăng thêm sức mạnh, đằng này nó hò như thở không nổi, chỉ một tiếng "à ơi" kéo dài qua bốn nhịp, trôi hết một quãng sông. Tao không nghĩ nó hò như người ở vùng biển kéo lưới, nhưng đây là thói quen thở than, nhu cầu muốn được bày tỏ nỗi u uẩn ngàn đời của khối linh hồn tan nát dưới biến cố hằng hằng điêu linh".

"Thôi, luận như thế đủ rồi, thắc mắc thì xuống gọi nó lên mà hỏi".

Như không để ý đến lời Minh, dựa người vào bức tượng, sau một hớp bia, Thuấn tiếp: "Tiếng hò buồn thật, tao nhớ cách đây hai buổi trưa, đang nằm trên võng thiu thiu ngủ nghe bà già ở gần nơi đóng quân hò ru thằng cháu, người tao cứ mềm đi. Chắc thằng cháu dưới sức tê ma quái của câu hò khóc không nổi, nó nằm im hết cựa quậy. Buổi trưa nắng hanh vàng, trời yên không gió, có con gà tre ở đâu lâu lâu cất tiếng gáy. Cảnh vật nhỏ bé nhưng buồn thảm lạ lùng, không khí đọng cứng lại… Tao cứ nghĩ về tiếng hò từ hôm ấy".

"Hôm nào mày về nhà tao, nằm vào nôi, mẹ tao hò cho mày một lúc, chắc mày chạy đến mười năm không trở lại".

Được hơi men trợ lực, Minh nhảy xuống ngựa tiếp tục:

"Chúng mày đâu biết cái nhỏ nhặt của người Huế, như bà già tao, bà để ý soi mói từng lỗi nhỏ, không phải để cho tao hay cho bà nhưng vì người khác. Hôm tao hỏng tú tài, bà buồn phiền ra mặt, buồn vì con bé bên cạnh nhà tao đỗ bình thứ. Con xem đấy, nó là con gái mà lại đỗ cao. Cứ như thế bà làm tao phát điên luôn. Tao học như mê trong mấy tháng hè, thuộc bài không những chỉ nhớ đến nội dung nhưng thuộc lòng, nhớ như in từng trang sách, nơi nào có dấu mực lem, nét chữ ở chữ "khí métal" in đậm như thế nào. Mấy trang sách toán lý hoá đè hẳn lên mặt, trong đầu tưởng như không có não nhưng gồm những tờ giấy xếp ngay ngắn; não của những hàng chữ in xếp thứ tự, não của Nguyễn Văn Lâm, Nguyễn Văn Phú, não của giấy ba Tàu, chữ in từ Sài Gòn và Chợ Lớn trên đó chặn hòn đá khắc hình bà già".

"Và kỳ thi đó mày đậu ưu?" Lạc nhìn hai con mắt to đen của Minh, hỏi nửa thành thực nữa giễu cợt.

"Không, hỏng mới đau. Đến ngày thi tao đổ ốm thật lạ lùng, không nóng không lạnh, không một lý do chính yếu gì cả, đột nhiên tao ăn không được, ngủ không được, những ngày trước tao có thể ngủ ngồi ngủ đứng, ngủ trong hai phút nhưng mê man, tưởng như vừa qua cả đêm dài. Tao đổ ốm lạ lùng, bao nhiêu ý chí phục thù tự nhiên tan biến, chán nản buông xuôi, muốn bóc hẳn phần đầu để ném đi, muốn rửa sạch hết trí não, không còn đạo hàm, quỹ tích, lượng giác, chỉ còn một khoảng trống như ruột của quả chuông trong đó cứ kêu hoài những tiếng vang. Năm sau tao thi ban văn chương, đậu bình và đi lính luôn".

"Sao vào trường mày học giỏi thế?" Thuấn hỏi, chai bia không rời môi.

"Đó chỉ là để vuốt ve tự ái, tao đem cái vốn liếng toán lý hoá ra dùng lại như thằng cha đánh kiếm hết thời, sau thời gian đằng đẵng rèn được cây gươm vô ích, không lẽ đem đi bửa củi nên đêm khuya mang gươm ra múa an ủi mình. Buồn cười là có kẻ đã khen nó múa hay, cũng như tao được mang tiếng là người giỏi toán nhất của trường Võ Bị. Khỉ thật, hình như suốt đời tao phải cố gắng làm những việc mà lòng không muốn".

"Ngay cả khi ra trường đi đơn vị tác chiến?"

"Có thể, mày xem đấy, lúc lựa binh chủng tao đã có chỗ Quân cảnh nhưng đổi lấy Nhảy dù… Có thể vì muốn hơn tên Trung uý Công binh đến chơi với con nhỏ cạnh nhà. Buồn cười thật, Nhảy dù, quần áo hoa, chiếc mũ đỏ, nhưng rồi tao thấy thích hợp và hãnh diện với bộ đồ này lắm".

"Sẽ kéo dài được bao lâu?"

"Không biết".

Lạc ngửa người trên sàn đá, cong hai đầu gối lại. Hai chiếc gối gầy gò móp vào ở phía bên trong. Gối lỏng, ba mươi sáu tuổi, mười tám năm lính, Trung uý nhiệm chức, thâm niên cấp bậc được tám tháng, mười hai ngày quyền đại đội 3 tiểu đoàn 19 Nhảy dù. Nhảy dù, cái áo saut có chiếc đai đằng sau, khi nhảy kéo tới đằng trước che hạ bộ. Dù 17 nhảy đau đến ngất ngư, ba ngày sau còn vết thâm trên lưng. Mười tám năm lính, bao nhiêu cà men cơm đã khuấy vào đó, chiếc thìa có lỗ thủng ở cán; lỗ thủng buộc vào nút áo, áo tác chiến hoa Nhảy dù Pháp có túi dài hai mươi phân hỗn độn thìa, bao thuốc lá Gaulois, chai rượu Rhum hình con gấu… Lieutenant tối ngày, oui suốt ngày, hai gót giày chạm vào nhau cứng nhắc, le petit caporal, caporal Vũ Văn Lạc. Trung uý nhiệm chức Vũ Văn Lạc cong hai chiếc gối lên, hai điểm tựa hoan lạc. Dọc theo chiều dài của nước Việt Nam đã tựa lên bao nhiêu chiếc chiếu, bao nhiêu tấm nệm, đã tựa trên đất, tì vào gốc cây. Hai đầu gối công dụng và mệt nhọc… Lạy xếp, xếp tha cho con. Ngày đổ bộ ở Phát Diệm, hàm răng đen rít lên than vãn, Sergent chef Vũ Văn Lạc với khẩu sten trên vai đong đưa nhắc nhở một sức mạnh, sức mạnh có trọng lượng chiều dài, sức mạnh được đếm bằng số đạn ở trong băng, khoá an toàn đã mở. Hai bàn tay kẹp lấy một thân sườn cứng ngắc… Hà hà, ngon lành, xếp thương. Người đàn bà nhà quê ngồi bẹp xuống, lưng quần bị xé rách một miếng nhưng chiếc quần chưa kịp rơi, cái hoa lạc thú mới nhú một túm lông đen kích thích. Sergent chef Vũ Văn Lạc nuốt nước bọt, viên đạn bắn lên trời. Bạo lực ho một tiếng doạ nạt. Người đàn bà nín lặng, cái hoa tam giác đen tươi lốm đốm. Sergent Lạc cười thích chí: "Tốt, thẳng hai chân ra, giang rộng chút nữa, tốt, ném khẩu súng sang bên cạnh, hai đầu gối quỳ xuống trên nền cỏ…" Bây giờ chiếc gối vô ích, mệt mỏi. Chiến tranh này không còn Phát Diệm, Thất Khê, Cao Bằng, không còn B.M.C. đổ gái xuống ở Isabelle dưới tiếng nổ của sơn pháo 75 ly không giựt, 82 ly Trung Cộng. Không còn cảnh chạy theo giao thông hào, đưa tay kéo cái đàn ông ra, dính một chút đất ở đầu, teo lại nhăn nhó… "ĐM quá sợ teo lại sao mày? Allez, sờ mấy cái coi mày". Năm ngón tay xanh xao lạnh buốt loang lổ những ngón màu hồng đưa ra nắm lấy phần thịt gân đen đúa hâm hấp… "Merde, foutu không ra cái gì sất, không xong rồi, nó ra hết bố rồi…" Vũ Văn Lạc thót bụng lại, phần sự sống chảy ra nhão nhoẹt. "Merde, merde không được gì hết, et alors?" Vũ Văn Lạc thọc bàn tay vào phần dưới chiếc bụng, nơi thịt da thâm đen. "ĐM như miếng giẻ rách". Thôi xong, cái đàn ông mềm oặt được đặt vào lại. Chạy ra khỏi căn hầm, tên Tabor nhào vô như ánh chớp. "Tout fini, mon sergent? Oui, ĐM vào đi còn ấm ớ…" Chiến tranh này chỉ còn những chiếc chiếu bình yên, những tấm đệm bẩn thỉu nhưng từ tốn. Tiếng động của chân giường khoái lạc vang dội tạo nên một xúc cảm trợ lực cho phần cơ thể thấm đẫm mồ hôi, hai chiếc gối lách cách trăn trở. Trung uý nhiệm chức Vũ Văn Lạc quỳ giữa một cái bụng nhăn nheo sau bốn lần sinh nở… Sau cái liếc xéo và câu nói rít giữa hai hàm răng : "Chán cái l… già này rồi hả?" Không. Vũ Văn Lạc cúi xuống hùng hục một cách miễn cưỡng … Bà Vũ Văn Lạc hay cô bán hàng xén ở Chợ Dầu kẹp hai đầu gối lại, nhắm đôi mắt. Mình, mình ơi… Chiều hôm nay một chiều cuối năm, hai đầu gối của Trung uý Vũ Văn Lạc lại nhô lên một cách vô tích sự giữa bầu trời xám đặc.

"Nếu tôi được chỗ Quân cảnh là tôi đi gấp. Gắng làm đại đội trưởng thêm năm nữa, bắt cái Đại uý là tôi dọt. Có Đại uý chắc ăn ra ngoài không sợ ai ăn hiếp. Mụ vợ tôi than lúc này không đủ tiền chợ. Các ông thật là dại, từ trong trường có những chỗ thật tốt không đi, đi làm thứ gì Nhảy dù này, chỉ có được tiếng hão. Rồi các ông sẽ có gia đình, vợ con một đống, cả năm chỉ ở nhà không hơn một tháng, lúc ấy mới thấy cái tiếng kia vô ích".

"Nhưng tụi này là sĩ quan nhà nghề, không lẽ đi lính để làm công chức nhà binh sao? Có nhiều nghề dẫn đến sự thành công, nhà binh có cái thành công đồng hạng của nó. Đi Nhảy dù như kiếm một cái ghế tốt trong rạp hát đồng hạng, thế thôi…" Minh cãi.

"À, ông muốn lên lon nhanh, thuở xưa tôi cũng vậy nhưng lúc ấy nhà binh nó có cái giá của nó. Chiều thứ Bảy, tôi lúc ấy chỉ là Trung sĩ nhưng đã hách ra gì, áo quần kaki thẳng nếp, vớ trắng cao tới đầu gối, mũ đỏ, chiếc ga lông có hình mỏ neo, ông đội bước ra phố, đi Godart chẳng kém ai. ĐM bây giờ anh nhóc con 18 tuổi, chỉ sau 8 tháng quân trường xong cũng thành ông quan, sĩ quan hồi này xuống giá rồi, các ông đã đi kiếm công danh muộn".

"À, như thế ông Lạc bảo mày với tao yếu giá rồi, Trung uý Nguyễn Khoa Minh cựu á khoa của khoá 18 trường Võ bị Quốc gia đã đấu vật với một cái bóng công danh muộn. Mày nghe chưa hở Minh, lính già nó nói thiêng lắm, 18 năm lính mòn gần năm mươi đôi giày, từ giày Tây qua giày Mỹ, cái gót chân "Bắc kỳ già" kia đã hiển thánh, đã được hun đúc bởi hai nền văn minh, đã thành tinh rồi huống gì đầu não. Lính già này nói đúng, và tao đang nuốt một thức ăn thừa". Thuấn vỗ vào gối để tăng cường độ khoái trá.

"Tôi cũng như các ông chứ khác gì, hơn nữa tôi không còn trẻ để đổi nghề. Bả thuốc phiện nhà binh đã ngấm vào máu, bỏ không được nữa".

"Thôi uống đi, nói quanh co hoài".

Uống, hình như người lính nào cũng biết uống rượu. Không những biết mà thích thú. Rượu, thứ thuốc tê ngắn ngủi có phân lượng, hình khối, có thể nuốt vào người, để nảy nở những phản ứng sôi nổi hạn chế. Chỉ mất ít tiền, mua được niềm choáng váng nhân tạo, cử chỉ bồng bềnh. Rẻ quá, không uống cũng uổng đi. Lý Bạch say rượu mà chết, lính thì không có được cái quên lãng tiêu sái đó, nhưng cũng chẳng cần. Uống để có được phút giây đưa cánh tay, nghiêng chất lỏng vàng rực óng ánh như khối mặt trời chảy nước. Đổ từ chai vào ly, từ ly chảy vào miệng… Uống, động tác si mê tội nghiệp, cách hành lễ tưởng chừng tha thiết nhưng cuối đáy thấp thoáng chút bệ rạc lang thang.

"Minh, lái xe xuống mua thêm mấy chai nữa. Còn tiền không?" Những bàn tay lùa vội trong túi, nắm giấy bạc nhàu nát được kéo ra, năm trăm, bảy trăm. Vừa rồi, mua thêm nửa két uống cho đã.

Minh lái xe xuống phía xa, nơi luỹ tre xanh có nhà cửa, sương lam bốc khói mịt mù.

"Này Lạc".

"Gì?"

"Thuở xưa tao có đóng một vở kịch vui, kịch có ba vai chính, ba anh ngốc: trong buổi hội họp, một anh được cử đi mua rượu, hai anh ở nhà giả vờ chết, anh chàng đi mua rượu nửa đường uống trộm hoá say… Khi về, tưởng hai anh kia chết thật, nó làm nhiều điều thật buồn cười".

"Ông muốn nói điều gì, nói rõ mẹ nó ra, đầu óc tôi đặc cứng chẳng hiểu được". Lạc lè nhè trong miệng.

"Năm xưa diễn kịch tôi nghĩ một đời sống thật như thế không có, nhưng bây giờ mình diễn lại cảnh ba thằng như trong vở kịch. Tôi buồn cười tự hỏi: không biết mình có phải là thằng ngu không".

"Ngu biết ngay, ngu không có thể nghĩ vớ vẩn, ngu có vẻ ù lì chắc chắn như cục gỗ mít, trông thì biết liền". Lạc cao giọng xác định.

Hơi men giúp câu chuyện dễ dàng. Chuyện vô nghĩa níu kéo nhau theo nhịp độ liên tưởng, lãng đãng mù mờ như lớp men dậy lên theo lượng rượu căng phồng trong bao tử.

Lạc bày trò chơi: Lấy vỏ chai đặt lên đầu tượng ngựa đá, người bắn trật phải uống một hơi hết chai bia. Những viên đạn bay xuống đồi rít tiếng lạnh hơn hơi sương… Minh nâng súng lên. Đầu con ngựa nháng lửa. À, con ngựa tóe lửa. Bắt con ngựa ô… "Ngựa ô tôi bắt, tôi bắt cái con ngựa". Minh lẩm bẩm hát, mắt nheo lại nhắm theo nòng súng, đỉnh đầu ruồi chao động, bàn tay run, bóng ngựa chập chờn. Ngựa phi đường xa thật mau.

"Bắn đi mày, nhắm lâu quá vậy". Thuấn hét lớn.

"Cột con ngựa lại cho tao!"

"Con trai say rồi, bắn đi con ơi".

Đoành, hai viên đạn bay vút. Mày bắn trật rồi, uống thêm một chai nữa.

"Sao tao cứ bắn trật hoài, hay ông vua không bằng lòng vì tụi mình phá quấy".

"Này Minh, ông Khải Định hình như bị chứng phong nên chết sớm?"

"Phong gì, ông ta bị bệnh phong tình, mày không thấy Bảo Đại bị yếu mắt hay sao".

"Làm vua mà đi chơi bời sao?"

"Làm sao biết được, nhưng nhìn cái tượng thì ông ta chỉ khoảng thước rưỡi, người như thế chắc chơi không nổi. Dám "luý" thủ dâm hay làm nhiều màn kinh khiếp lắm. Đoành. Lạc bắn viên đạn thật chính xác, chai bia vỡ tan. A, ngựa vua Khải Định được uống bia lính Nhảy dù. Lạc đặt một vỏ chai khác lên đầu ngựa. Đến lượt thằng Thuấn bắn. Thuấn đưa nòng súng lên. "Tao thấy con ngựa khóc".

"Xạo, nước bia chảy xuống mắt nó đấy. Tao đố mày bắn trúng mắt con ngựa". Lạc thách.

"Thôi, để cho nó yên thân, suốt đời đã mang ông vua đi chơi bời, đến khi chết đứng nhìn núi trọc, đủ buồn cho thân ngựa đá rồi…" Viên đạn đi trượt thấp xuống trúng vào một nơi nào đó của tượng đá. Thuấn bắn thêm hai viên nữa, trật. "Ê, đừng gian, mày phải uống liên tiếp hai chai". Thuấn nắm hai cổ chai ngồi vắt vẻo lên yên một tượng voi… "Cỡi voi ra trận miệng uống bia, chúng mày thấy tao thế nào?… Hà hà mấy anh tướng xưa sướng thấy mẹ, cứ ngồi yên trên ngựa hoặc voi rồi tà tà ra trận. Tụi mình bây giờ vẫn lội bộ. Như lính có khác gì. Nếu thuở xưa như tao là cử nhân võ đấy, nhị khoa cử nhân võ. Chúa ơi, tao không hiểu tao học thế nào đến hai khoá mới xong chương trình của trường Đà Lạt, cứ mỗi lần đi vào sân bắn ngang qua tấm bảng có mũi tên chỉ lối vào xa trường, nơi có mấy cây thông con, tao cứ tưởng như có lời chế nhạo. Minh, mày nhớ tấm bảng đó không?"

"Nhớ quái gì tấm bảng ấy".

Những phát nổ liên tiếp chung quanh mắt con ngựa, lớp vôi vỡ tung tóe.

"Hay, lính già bắn hay thật". Thuấn và Minh cùng khen ngợi. Lạc không nói, bóp cò hết 6 viên đạn. Viên đạn chót bay đến chém vỡ chai bia.
Có tiếng gọi ở máy truyền tin trên xe Jeep - Lạc đi đến – "Lệnh gọi tụi mình về họp". Lạc la lớn gọi Minh và Thuấn. Thuấn đưa súng lên trời bắn hết những viên đạn còn lại… "Tiên sư, làm tướng tá không được, cao bồi Mỹ không xong, thôi ta về làm lính". Bóng hai người đi về phía xe, nòng súng chùi xuống đất.

<< Nhật ký tháng Mười | Chương 2 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 958

Return to top