Đến Moskva sau lần gặp Roxtov, công tước tiểu thư Maria gặp đứa cháu trai cùng với ông gia sư và bắt được bức thư của công tước Andrey dặn nàng đến Voronez tìm dì Malvintxeva. Những nỗi lo âu về việc di chuyển, về bệnh trạng của anh, những công việc xếp đặt cho cuộc sống ở nhà mới, những nhân vật mới quen, việc dạy dỗ cho cháu - Tất cả những cái đó đã lấn át cái cảm giác hầu như cám dỗ đã từng giày vò nàng trong thời gian cha nàng lâm bệnh, sau khi cha nàng qua đời và nhất là sau cuộc gặp gỡ với Roxtov. Nàng buồn lắm. Trong tâm hồn nàng, cái chết của cha nàng thêm vào hoàn cảnh điêu vong của nước Nga gây nên một ấn tượng đau đớn, ấn tượng đó càng ngày càng da diết thêm. Lòng nàng bồn chồn lo lắng: nghĩ đến những nguy cơ đang đe doạ anh nàng, người thân duy nhất còn lại, nàng không giây phút nào khỏi bứt rứt. Nàng luôn lo việc dạy dỗ đứa cháu trai, một công việc mà nàng vẫn cảm thấy mình không đủ sức làm; nhưng trong thâm tâm nàng đã có sự thoả thuận với bản thân khi nghĩ rằng mình đã trấn áp được những mơ ước và hy vọng cá nhân đã chớm nở khi Roxtov xuất hiện.
Sau buổi tiếp tân ở nhà mình một hôm, bà tổng đốc đến nhà bà Malkintxeva và nói chuyện với bà dì về những dự định của mình (và có nói thêm rằng tuy trong hoàn cảnh hiện nay chưa thể nghĩ đến việc mối mai chính thức, nhưng vẫn có thể tìm cách cho hai trẻ gặp nhau và tìm hiểu cho rõ), và sau khi được bà dì tán đồng, bà tổng đốc chọn lúc có cả tiểu thư Maria ngồi đấy để khơi chuyện nói về Roxtov, khen ngợi chàng và kể lại rằng chàng đã đỏ mặt khi nghe nhắc đến công tước tiểu thư. Nghe bà ta nói, công tước tiểu thư Maria không thấy vui, mà lại có một cảm giác đau xót. Sự thoả thuận nội tâm của nàng không còn nữa, và trong lòng nàng lại dấy lên những nỗi ước mong, những mối nghi ngờ, những lời trách móc và những niềm hy vọng.
Trong khoảng hai hôm kể từ khi nhận được tin này cho tới khi Roxtov đến thăm, tiểu thư Maria không ngừng suy nghĩ không biết nên cư xử với Roxtov ra sao. Khi thì nàng quyết định rằng lúc chàng đến gặp bà bác mình sẽ không ra phòng khách, rằng trong khi có tang mà lại ra tiếp khách là một điều thất nghi, khi thì nàng nghĩ rằng, dối với một người đã cứu mình mà lại tránh mặt người ta là vô lễ; khi thì nàng lại nghĩ rằng dì nàng và bà tổng đốc đang cố ý nhăm nhe gì cho nàng và Roxtov (những cái nhìn và những lời lẽ của họ đôi khi hình như cũng xác nhận điều phỏng đoán này); khi thì nàng tự nhủ rằng chỉ vì tâm địa nàng bất chính nên mới gán cho họ những ý định đó: Họ không thể không nhớ rằng trong tình cảnh của nàng, khi nàng hãy còn mặc áo đại tang - thì mai mối như vậy là xúc phạm đến nàng và hương hồn cha nàng. Những lúc giả thiết rằng mình sẽ ra gặp chàng, công tước tiểu thư Maria tưởng tượng những lời chàng sẽ nói với nàng và những lời nàng sẽ nói với chàng; và khi thì nàng thấy những lời đó quá lạnh nhạt, khi thì lại thấy những lời đó có một ý nghĩ quá rõ rệt. Điều mà nàng sợ nhất là nàng biết chắc rằng hễ trông thấy Roxtov là nàng sẽ luống cuống và để lộ những cảm nghĩ thầm của mình.
Nhưng hôm chủ nhật ấy, sau buổi xem lễ, khi người nô bộc vào phòng khách báo là có bá tước Roxtov đến, công tước tiểu thư không lộ vẻ gì luống cuống; má nàng chỉ hơi ửng hồng và mắt nàng bừng lên một ánh sáng mới mẻ, xán lạn.
- Dì đã gặp ông ấy chưa, thưa dì? - Công tước tiểu thư Maria nói, và chính nàng cũng không biết làm sao bề ngoài mình lại có thể bình thản và tự nhiên như vậy.
Khi Roxtov bước vào phòng, công tước tiểu thư cúi đầu một lát như để cho khách có đủ thì giờ chào hỏi mọi bà dì, và sau đó, ngay khi Roxtov quay sang phía nàng, nàng ngẩng đầu lên và đưa đôi mắt trong sáng nhìn vào mắt chàng. Với một động tác chững chạc và uyển chuyển, nàng đứng dậy mỉm cười vui vẻ, đưa bàn tay mảnh dẻ và mềm mại ra cho chàng và trong giọng nói của nàng lần đầu tiên đã vang lên một âm điệu thâm trầm của người đàn bà. Cô Burien bấy giờ cũng đang ở trong phòng khách, kinh ngạc và ngỡ ngàng nhìn nữ công tước Maria. Tuy vốn là người lơ trai lọc lõi, cô ta cũng không thể nào khéo léo hơn nàng khi muốn làm xiêu lòng một người mới gặp.
"Không biết vì màu đen của tang phục hợp với nước da tiểu thư đến thế, hay vì tiểu thư dạo này đẹp ra mà mình không để ý. Và cái chính là dáng điệu của tiểu thư thật là tế nhị và yểu điệu!". - cô Burien nghĩ.
Giả sử công tước tiểu thư Maria có đủ sức để suy nghĩ trong giây lát này, thì nàng sẽ còn ngạc nhiên về sự thay đổi đang diễn ra trong người nàng hơn cả cô Burien nữa. Từ cái phút nàng trông thấy khuôn mặt đáng yêu mà nàng yêu dấu ấy, một thứ sinh lực mới đã trào vào người nàng và buộc nàng phải nói, phải hành động vượt ra ngoài ý muốn của nàng. Từ khi Roxtov bước vào, gương mặt nàng chợt thay đổi hẳn. Khi thắp ngọn nến lên trong một chiếc đèn lồng, những nét chạm trổ tinh vi và trang hoàng mỹ thuật trước kia tưởng chừng thô sơ, tối tăm và vô nghĩa bỗng hiện lên lồng đèn với một vẻ đẹp lộng lẫy đến bất ngờ; gương mặt của công tước tiểu thư Maria cũng biến đổi như vậy; lần đầu tiên cuộc sống nội tâm thuần khiết của Maria từ trước đến nay bỗng lộ ra ngoài. Tất cả cái hoạt động tinh thần trước đây làm cho nàng luôn bất mãn với bản thân, những nỗi thơng khổ, ý muốn vươn lên cõi chí thiện, lòng thuận thảo, nhân ái. quên mình - tất cả những cái đó sáng bừng lên trong đôi mắt long lanh, trong nụ cười tế nhị, trong mỗi đường nét dịu dàng trên khuôn mặt nàng.
Roxtov trông thấy tất cả những điều đó một cách rõ ràng tưởng chừng như chàng đã biết rõ tất cả cuộc đời nàng. Chàng cảm thấy con người đang đứng trước mặt mình là một con người khác hẳn, tốt hơn nhiều so với tất cả những người chàng đã từng gặp trước đây và nhất là hơn cả bản thân chàng.
Câu chuyện giữa hai người hết sức đơn giản và bình thường. Họ nói đến chiến tranh, và cũng bất giác phóng đại như mọi người khác nỗi buồn của mình khi nghĩ đến biến cố này, họ nói đến cuộc gặp gỡ vừa rồi, và Nikolai cố lái câu chuyện sang hướng khác; họ nói đến bà tổng đốc tốt bụng, đến những người thân của Nikolai và công tước tiểu thư Maria. Công tước tiểu thư Maria không nhắc đến anh. Dì nàng vừa nói đến công tước Andrey thì nàng đã lái câu chuyện sang hướng khác.
Có thể thấy rõ rằng về cơn hoạn nạn của nước Nga thì nàng còn có thể nói một cách vờ vĩnh được, chứ anh nàng là một đối tượng quá thân thiết đối với nàng, cho nên nàng không muốn và không thể nói đến chàng một cách hời hợt như vậy. Nikolai nhận thấy thế, và nói chung hôm ấy, trái với thường lệ, chàng tự dưng có được một năng lực quan sát sắc sảo cho phép chàng nhận thấy tất cả những sắc thái tinh vi trong nhân cách của công tước tiểu thư Maria. Tất cả những sắc thái ấy đều chỉ làm cho chàng tin chắc hơn nữa rằng nàng là một con người hoàn toàn đặc sắc và phi thường. Cũng đúng như công tước tiểu thư Maria, Nikolai đỏ mặt và luống cuống mỗi khi có ai nhắc đến nàng và ngay cả những khi nghĩ đến nàng nữa, nhưng trước mặl nàng thì chàng cảm thấy mình hoàn toàn thoải mái và nói năng khác hẳn những điều mà chàng đã chuẩn bị trước; chàng nói như những điều chợt hiện lên trong trí chàng ngay lúc ấy và bao giờ cũng hiện lên đúng lúc.
Trong một lát im lặng, Nikolai, cũng như người ta vẫn thường làm khi đến chơi một nhà có trẻ con, quay sang đứa con trai nhỏ của công tước Andrey cho đỡ lúng túng, vuốt ve và hỏi nó có muốn làm lính phiêu kỵ không. Chàng bế đứa bé lên, vui vẻ quay nó mấy vòng và đưa mắt nhìn công tước tiểu thư Maria. Đôi mắt nàng cảm động, sung sướng rụt rè nhìn theo đứa cháu trai cưng của nàng trên tay người đàn ông mà nàng yêu dấu. Nikolai nhận thấy cái nhìn này và dường như hiểu được ý nghĩ của nó, chàng đỏ mặt lên vì thích thú và hôn đứa bé một cách vui vẻ hồn hậu.
Vì đang có tang, công tước tiểu thư Maria không đi đâu cả, và Nikolai cũng thấy không nên lui tới nhà nàng; nhưng bà tổng đốc vẫn tlếp tục công việc mai mối, bà truyền đạt lại cho Nikolai rõ những lời lẽ của tiểu thư Maria khen ngợi chàng và ngược lại cũng nói với tiểu thư Maria những điều chàng nói về nàng, rồi khẩn khoản khuyên Nikolai ngỏ ý với công tước tiểu thư Maria. Để chàng có dịp ngỏ ý, bà dàn xếp một buổi gặp mặt ở nhà Đức Tổng giám mục trước buổi xem lễ.
Tuy Roxtov có nói với bà tổng đốc rằng chàng sẽ không ngỏ lời với công tước tiểu thư Maria, nhưng chàng cũng hứa là sẽ đến.
Nếu dạo ở Tilzit, Roxtov không cho phép mình nghi ngờ tự hỏi những điều mà mọi người đều thừa nhận là tốt có tốt thật không, thì bây giờ cũng vậy, sau một cuộc giằng co ngắn ngủi, nhưng thành thực giữa ý muốn thu xếp cuộc đời dúng như lý trí mình đòi hỏi và sự phục tùng hoàn cảnh, chàng đã chọn cách sau này và phó thác cho cái sức mạnh mà không sao cưỡng lại nổi mà chàng cảm thấy đang lôi cuốn chàng đến một nơi nào không rõ. Chàng biết rằng đã giao ước với Sonya mà lại còn bày tỏ tình cảm đối với tiểu thư Maria là làm một việc mà chàng vẫn gọi là ti tiện. Và chàng cũng biết (không những chàng biết, mà tự trong thâm tâm chàng cũng cảm thấy như vậy) rằng trong khi phó mình cho uy lực của hoàn cảnh và của những người hướng dẫn chàng, không những chàng không làm việc gì xấu xa, mà chàng lại còn làm một việc gì rất quan trọng, quan trọng hơn hết thảy mọi việc mà chàng đã từng làm trong đời.
Sau buổi gặp mặt công tước tiểu thư Maria: tuy bề ngoài nếp sống của chàng vẫn cứ như cũ, nhưng tất cả những thú vui trước kia của chàng đều mất hết thú vị. Chàng hay nghĩ đến công tước tiểu thư Maria, nhưng chàng không bao giờ nghĩ đến nàng như xưa nay chàng vẫn nghĩ đến tất cả các tiểu thư mà chàng đã gặp trong xã hội thượng lưu, không từ một ai, cũng không như chàng đã say sưa nghĩ đến Sonya trong một thời gian dài. Cũng như hầu hết những người thanh niên trung thực, mỗi khi nghĩ đến một vài người con gái nào chàng lại thử hình dung đó sẽ là vợ. Chàng và phác ra trong tưởng tượng tất cả những cảnh sống gia đình về sau: chiếc áo nội tấm trắng, người vợ ngồi bên ấm xamavar, lũ con nhỏ, mama và papa, cảnh sống mẹ con v.v… và những hình ảnh tương lai ấy làm cho chàng thích thú; nhưng khi chàng nghĩ đến công tước tiểu thư Maria, người mà họ làm mối cho chàng, chàng không lúc nào có thể hình dung được một nét gì trong cuộc sống vợ chồng sau này.
Dù chàng có cố hình dung chẳng nữa, thì cũng chỉ thấy được những hình ảnh rời rạc và ngang trái, khiến chàng thấy sợ hãi nhiều hơn.
7. Những tin tức khủng khiếp về trận Borodino, về những tổn thất, thương vong của quân ta, và cái tin khủng khiếp hơn nữa là Moskva đã thất thủ, được đưa đến Voronez vào trung tuần tháng chín. Công tước tiểu thư Maria chỉ biết tin anh bị thương qua các báo, ngoài ra chẳng được tin gì thêm nữa: nàng bèn sửa soạn lên đường đi tìm công tước Andrey. Nikolai nghe người ta nói lại như vậy, vì mấy lâu nay chàng không được gặp công tước tiểu thư. Được tin xảy ra trận Borodino và Moskva bị bỏ ngỏ, chàng nóng lòng phục thù, nhưng bỗng thấy chán và bực mình về cảnh sống ở Voronez, chàng cứ có một cảm giác ngượng nghịu và lúng túng thế nào ấy. Tất cả những chuyện trò mà chàng nghe thấy đều có vẻ vờ lĩnh; chàng không biết nên phán đoán như thế nào về tất cả những điều đó, và cảm thấy chỉ có ở trung đoàn mọi việc mới trở lại rõ ràng minh bạch như cũ. Chàng vội vã lo việc mua ngựa cho xong và thường hay cáu gắt người đầy tớ và người tào trưởng của chàng một cách vô lý.
Trước ngày Roxtov ra đi mấy hôm, ở nhà thờ có làm lê cầu nguyện tạ ơn Chúa nhân dịp Nga thắng trận. Nikolai đến xem lễ.
Chàng đứng ở phía sau ông tổng đốc một quãng, tư thế đĩnh đạc như đang làm một công vụ gì, tâm trí suy nghĩ lan man hết việc này đến việc nọ đến hết buổi lễ. Khi buổi lễ kết thúc; bà tổng đốc gọi chàng lại.
- Anh đã gặp công tước tiểu thư chưa? - bà nói, đoạn hất đầu chỉ một người đàn bà mặc áo đen đưng sau lễ đàn.
Nikolai lập tức nhận ra tiểu thư Maria, không phải vì chàng đã thoáng trông thấy những đường nét trông nghlêng của nàng dưới chiếc mũ, mà vì có một cảm giác trân trọng, sợ hãi và ái ngại lập tức tràn ngập lòng chàng. Công tước tiểu thư Maria, hẳn đang mái suy nghĩ miên man, làm dấu thánh giá vài lần cuối cùng trước khi ra khỏi nhà thờ.
Nikolai ngạc nhiên nhìn mặt nàng. Đó vẫn là khuôn mặt mà chàng đã tìm dạo trước, khuôn mặt ấy vẫn biểu hiện những đường nét tinh vi của hoạt động nội tâm, nhưng bây giờ nó hiện ra dưới một ánh sáng khác hẳn. Bây giờ trên khuôn mặt ấy có vẻ u buồn, cầu khẩn và hy vọng khiến người ta phải động lòng. Cũng như trước kia mỗi khi có nàng, Nikolai không đợi cho bà tổng đốc khuyên và cũng không tự hỏi xem ở đây, trong nhà thờ: mà đến hỏi thăm nàng thì có nên không, có đúng lễ nghi không, chàng đến bên nàng và nói rằng mình đã được nghe nàng có tin buồn và chàng chân thành chia sẻ nỗi buồn của nàng. Nàng vừa nghe giọng nói của chàng, thì một ánh sáng rực rỡ bỗng bừng lên gương mặt nàng, dọi sáng trong cùng một lúc nỗi buồn và niềm vui của nàng.
- Tôi chỉ xin nói với công tước tiểu thư một điều, - Roxtov nói, là giả sử công tước Andrey Nikolaievich không còn nữa, người ta đã công bố tin này trên các báo, vì công tước là một vị chỉ huy trung đoàn.
Công tước tiểu thư nhìn chàng, không hiểu câu nói của chàng nhưng vui sướng vì vẻ ái ngại trên gương mặt chàng.
- Vả lại tôi có biết nhiều trường hợp bị thương vì mảnh đạn như vậy (trên các báo có nói là bị thương vì tạc đạn): thường thường thì một là người bị đạn chết ngay, hai là ngược lại vết thương rất nhẹ, - Nikolai nói, - Phải hy vọng điều tốt lành, và tôi tin chắc rằng.
Công tước tiểu thư Maria ngắt lời chàng.
- Nhỡ ra có làm sao thì thật là khủng khiếp. - nàng mở đầu, nhưng rồi xúc động quá không nói hết được. Nàng cúi đầu với một động tác duyên dáng (như tất cả những gì nàng làm trước mặt chàng) và sau khi đưa mắt đầy lòng biết ơn nhìn chàng, nàng đi theo bà dì. Tối hôm ấy Nikolai không đi chơi đâu cả. Chàng ở nhà thanh toán cho xong những việc tiền nong với mấy người bán ngựa.
Khi công việc đã quá giờ đi chơi nhưng vẫn chưa đến giờ đi ngủ, nên Nikolai một mình đi đi lại lại hồi lâu trong phòng, suy nghĩ về đời mình, một việc rất ít khi thấy chàng làm.
Hôm ở gần Smolensk, công tước tiểu thư đã gây nên trong lòng chàng một ấn tượng dễ chịu. Chàng đã gặp nàng trong một hoàn cảnh khác thường, và nàng lại chính là người mà mẹ chàng đã có thời chỉ cho chàng đặc biệt chú ý đến nàng. Ở Voronez, hôm chàng đến thăm nàng, ấn tượng đó không những dễ chịu mà còn mãnh mẽ nữa. Nikolai đã có một ấn tượng rất mạnh trước vẻ đẹp đặc biệt, vẻ đẹp tinh thần mà lần này chàng mới nhận thấy ở nàng. Nhưng chàng vẫn sửa soạn ra đi, và không hề có ý tiếc rằng rời Voronez chàng sẽ không có dịp gặp lại công tước tiểu thư nữa.
Nhưng lần gặp tiểu thư Maria trong nhà thờ hôm nay (Nikolai cảm thấy như vậy) đã khắc vào lòng chàng sâu hơn là trước kia chàng vẫn tưởng, và sâu hơn là chàng muốn, vì nó đã có phương hại đến sự yên tĩnh của tâm hồn chàng. Khuôn mặt xanh xao, tế nhị, u buồn ấy cái nhìn trong sáng ấy, những động tác nhỏ nhẹ, uyển chuyển ấy và nhất là nỗi buồn sâu sắc và dịu dàng lộ rõ trên các nét mặt của nàng, đã khuấy động lòng chàng và đòi hỏi chàng phải chia sẻ những tình cảm của nàng. Ở những người đàn ông thì Roxtov không sao chịu nổi những dấu hiệu của một cuộc sống tinh thần cao cả (vì thế mà chàng không ưa công tước Andrey) chàng khinh bỉ gọi đó là triết 1ý, là mơ mộng; nhưng ở công tước tiểu thư Maria, chàng lại cảm thấy chính cái vẻ u buồn đó, một vẻ u buồn biểu lộ tất cả cái thuần tuý của một thế giới tinh thần xa lạ dối với Nikolai, có một sức hấp dẫn không sao cưỡng nổi.
"Thật là một thiếu nữ tuyệt vời; đúng là một vị thiên thần! - Nikolai tự nhủ. - Vì đâu ta không được tự do, vì sao ta lại vội vã hứa hẹn với Sonya?". Và chàng bất giác so sánh hai người: một đằng thì nghèo nàn, một đằng thì lại phong phú về những thiên bẩm tinh thần mà Nikolai không có và chính vì vậy mà chàng đánh giá rất cao. Chàng thử hình dung sự việc sẽ ra sao nếu chàng không bị ràng buộc. Chàng sẽ ngỏ lời cầu hôn ra sao và nàng sẽ trở thành vợ chàng như thế nào? Không, chàng không thể hình dung được điều đó Chàng bỗng thấy sờ sợ và không tưởng tượng ra được một hình ảnh nào cho rõ nét cả. Với Sonya thì từ lâu chàng đã dựng lên một bức tranh tương lai; và tất cả đều đơn giản và rõ lang chính vì tất cả đều do chàng nghĩ ra, và chàng biết rõ tất cả những gì có trong Sonya, nhưng với công tước tiểu thư Maria thì không sao hình dung được cuộc sống sau này, vì chàng không hiểu nàng, mà chỉ yêu nàng thôi.
Những ước mong về Sonya có một cái vẻ gì vui vẻ, giống như một trò chơi. Nhưng nghĩ đến công tước tiểu thư Maria thì bao giờ cũng thấy một cái khó khăn và đáng sợ.
"Nàng cầu nguyện chân thành quá. - Chàng nhớ lại. - Thật là nàng đem hết cả tâm hồn trút vào lời cầu nguyện. Phải, đó chính là lời cầu nguyện có sức chuyển núi dời sông, và ta tin chắc rằng lời cầu nguyện cho những điều mà ta cần có? - chàng nhớ lại. - Ta cần có gì? Cần tự do, cần đoạn tuyệt với Sonya. Bà ấy nói đúng, - chàng nhớ lại những lời lẽ của bà tổng đốc, - Ta mà lấy Sonya thì chỉ khổ thôi, chỉ thêm rối ren, mẹ sẽ buồn phiền… công việc… một tình trạng rối ren, rối ren ghê gớm! Vả chăng ta cũng không yêu Sonya. Phải, tình yêu ấy không phải là tình yêu thật sự. Lạy Chúa!
- Hãy đưa con ta khỏi cái tình cảnh đáng sợ, không có lối thoát này - Chàng bỗng bắt đầu cầu nguyện. - Phải, lời cầu nguyện có sức chuyển núi dời sông, nhưng phải tin, và phải cầu nguyện không phải như hồi còn nhỏ ta với Natasa cầu nguyện cho tuyết biến thành đường rồi chạy ra xem thử tuyết đã hoá thành đường chưa. Không, bây giờ ta không cầu nguyện vớ vẩn - Chàng nói đoạn đặt tẩu thuốc vào một góc và chắp tay đến đứng trước bức tượng thánh. Và lòng hồi hộp cảm động nhớ đến công tước tiểu thư Maria, chàng bắt đầu cầu nguyện. Đã lâu chàng không có lần nào cầu nguyện như thế.
Nước mắt rưng rưng trên mi và nghẹn ngào trong cổ chàng khi Luvruska cầm mấy tờ giấy gì không rõ bước vào phòng.
- Đồ ngu! Người ta không gọi sao lại cứ dẫn xác vào! - Nikolai vừa nói vừa vội vàng thay đổi tư thế.
- Của quan tổng đốc, - Luvruska nói, giọng ngái ngủ, - Liên lạc vừa đưa đến, có thư gửi cho ông.
- Được cám ơn, chú ra đi.
Nikolai cầm lấy hai bức thư. Một bức là của mẹ chàng, bức kia là của Sonya. Chàng nhận ra nét chữ của hai người, và bóc phong bì của Sonya ra trước. Chàng mới đọc qua được mấy dòng thì mặt chàng bỗng tái đi và mắt chàng mở rộng lộ vẻ sợ hãi và vui mừng.
- Không, không có lẽ - Chàng nói to một mình.
Không sao ngồi yên được một chỗ, chàng cầm bức thư trong tay, vừa đi đi lại lại trong phòng vừa đọc. Chàng đọc qua một lượt thật nhanh, rồi đọc lại, xong lại đọc lại lần nữa, rồi so vai và dang tay ra, chàng dừng lại ở giữa phòng, mồm há hốc, mắt đờ đẫn. Điều mà chàng vừa cầu nguyện với lòng tin vững chắc rằng Chúa sẽ ưng chuẩn cho của chàng, nay đã được thực hiện; nhưng Nikolai lấy làm kinh ngạc dường như đó là một điều gì phi thường, và không bao giờ chàng ngờ đến. Điều đó đã được thực hiện một cách nhanh chóng đến nỗi chàng có cảm tưởng đó là một bằng chứng chứng tỏ ra rằng việc vừa xảy ra không phải vì Chúa đã chuẩn y lời cầu nguyện của chàng mà chỉ là do một sự ngẫu nhiên tầm thường.
Cái nút đang ràng buộc chàng và tưởng chừng như không thể nào gỡ ra được, cái nút ấy đã được bức thư đột ngột, vô cớ (Nikolai tưởng như vậy) của Sonya tháo tung ra. Trong thư nàng viết rằng vì những sự việc không mảy may xảy ra gần đây, vì gia đình Roxtov đã mất hết tài sản ở Moskva, vì Borodino, phu nhân đã mấy lần bày tỏ ước nguyện mong Nikolai lấy công tước tiểu thư Bolkonxkaya, và vì thời gian gần đây chàng có nhiều lạnh nhạt và không gởi thư gì cho nàng, cho nên nàng đành phải gạt bỏ lời hẹn ước cũ cho chàng và để chàng hoàn toàn tự do.
"Em quá khổ tâm khi nghĩ rằng mình có thể làm một nguyên nhân gây nên sự buồn phiền và xích mích trong gia đình những ân nhân của em, - Nàng viết, - Và tình yêu của em chỉ có một mục đích là hạnh phúc của những người mà em thương yêu; vì vậy em van anh, anh Nikolai, và xin anh tin rằng dù sao chăng nữa cũng không ai có thể yêu anh tha thiết như Sonya của anh". Cả hai bức thư đều gửi từ Troisk - bức thư kia là của bá tước phu nhân. Trong thư có kể lại những ngày cuối cùng ở Moskva lúc ra đi, trận hoả hoạn và việc cả gia sản bị tiêu vong. Trong thư, bá tước phu nhân cũng viết rằng công tước Andrey cùng đi với gia đình trong số những người thương binh. Tình trạng của chàng rất nguy kịch, nhưng hiện nay bác sĩ nói rằng đã có nhiều hy vọng hơn trước. Sonya và Natasa hiện đang săn sóc chàng như hai người hộ lý.
Ngày hôm sau Nikolai cầm bức thư này đến nhà công tước tiểu thư Maria. Nikolai cũng như tiểu thư Maria đều không nói gì về ý nghĩa của câu "Natasa săn sóc công tước Andrey" nhưng nhờ bức thư này Nikolai đã gần gũi thêm công tước tiểu thư và quan hệ của họ bấy giờ đã gần như quan hệ họ hàng.
Ngày hôm sau, Roxtov tiễn công tước tiểu thư Maria đi Yaroxlav và được ít hôm sau chàng cũng trở về trung đoàn.