Từ ngày Piotr chia tay với gia đình Roxtov, và lòng còn vấn vương hình ảnh đôi mắt chan hoà cảm kích của Natasa, nhìn ngôi sao chổi lơ lửng trên bấu trời và cảm thấy có một cái gì mới mẻ đã được mở ra trong lòng mình, thì ý nghĩ về sự hư ảo và vô nghĩa của cả cuộc sống trần thế, ý nghĩa xưa vẫn luôn day dứt chàng, không còn hiện lên trong tâm trí chàng nữa. Cái câu nói khủng khiếp: "
Để làm gì? Đi đến đâu" trước kia vẫn bất chợt hiện ra trong khi chàng đang làm bất cứ việc gì, bây giờ đối với chàng đã được thay thế không phải bằng một câu hỏi khác hay bằng một một lời giải đáp cho câu hỏi trước kia, mà bằng hình ảnh của nàng. Dù là chàng đang nghe hay đang nói những câu chuyện vẩn vơ, dù là chàng đang đọc sách, hay nghe lời người ta nói đến cái hèn hạ và ngu xuẩn của con người, chàng cũng không hề hoảng sợ như trước kia nữa, cũng không tự hỏi xem sao người ta phải chạy ngược xuôi trong khi tất cả đều ngắn ngủi và chẳng ai biết việc gì sẽ đến; trái lại chàng hồi tưởng lại hình ảnh nàng như khi chàng gặp nàng lần cuối cùng, và tất cả những mối nghi ngờ của chàng đều tiêu tan, không phải vì nàng đã giải đáp được những câu hỏi ám ảnh chàng, mà là vì hình ảnh nàng chỉ trong khoảnh khắc đã đưa chàng sang một lĩnh vực khác, các lĩnh vực sáng sủa của sinh hoạt tinh thần, trong đó không thể có ai là phải, là trái, sang lĩnh vực của cái đẹp và tình yêu, một lĩnh vực đáng cho người ta sống vì nó. Dù có gặp một chuyện gì hèn hạ đến đâu trong cuộc sống, chàng cũng tự nhủ: "Cứ mặc cho ai kia bòn một, biển thủ của nhà nước Sa hoàng, mặc cho nhà nước và Sa hoàng trọng vọng kẻ đó; nhưng hôm qua nàng đã mỉm cười với ta và mời ta đến chơi, và ta yêu nàng, và sẽ không bao giờ có ai biết điều đó" - chàng thầm nghĩ.
Piotr vẫn đi lại giao du với những nơi hội họp thượng lưu như trước vẫn uống rượu nhiều và sống cuộc sống nhàn hạ và phóng túng trước kia, vì ngoài những giờ chàng ngồi chơi ở gia đình Roxtov ra, cũng phải kiếm cách sống cho qua thời gian còn lại, và những thói quen cũng như những người quen của chàng ở Moskva đã lôi cuốn chàng vào cuộc sống ấy một cách không sao cưỡng lại được. Nhưng thời gian gần đây, khi càng ngày càng có nhiều tin đồn kinh hoảng từ chiến trường đưa về, và cũng là khi sức khoẻ của Natasa bắt đầu bình phục và chàng không còn cảm thấy ái ngại thương xót nàng như trước nữa, một cảm giác lo âu mỗi lúc một thêm khó hiểu bắt đầu xâm chiếm lòng chàng. Chàng cảm thấy cách sống hiện nay của chàng không thể kéo dài thêm bao lâu nữa, rằng sẽ có một tai hoạ thảm khốc đến thay đổi cả cuộc đời của chàng, và trong việc gì chàng cũng sốt ruột tìm kiếm những dấu hiệu của mối tai hoạ sắp tới này. Một đạo huynh trong hội Tam điểm có cho Piotr biết một lời sấm như sau, trích trong thiên Apocalypxo của thánh Joan tông đồ.
Trong thiên Apocalypxo(1), chương mười ba, câu mười tám, có nói:
"Đây là trí tuệ; kẻ nào có óc thông minh hãy đếm số mục của con thú: vì đó chính là mục của con người. Số đó là sáu trăm sáu mươi sáư.
Cũng ở chương ấy, câu năm: "Và cửa miệng hắn tuôn ra những lời kiêu căng và báng bổ; và hắn có sức chinh chiến trong vòng bốn mươi hai tháng trời". Các chữ cái của tiếng Pháp, nếu theo cách viết số của chữ Do Thái cổ cứ mười chữ đầu thì chỉ số chục, sẽ có ý nghĩa như sau:
A, b, c, d, e, g, h, i, k, l, m, o, p, q, r, s, t, u, v, n, x, v, z
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 20, 30, 40, 50, 80, 90, 100, 110, 120, 130, 140, 150, 160
Nếu viết bằng số theo cách trên đây chữ L Empereur Napoléon thì tổng số các con số đó sẽ bằng 666 và do đó Napoléon chính là con thú nói trong lời sấm truyền của thiên Apocalypxo. Ngoài ra, nếu vẫn dùng chữ số trên để viết chữ quarante deux (42)tức là thời hạn của sự kiêu căng và báng bổ của con thú nọ, thì tổng cộng những con số ấy lại bằng 666, do đó có thể thấy rằng giới hạn cầm quyền của Napoléon là năm 1982: đến năm nay Hoàng đế Pháp vừa tròn bốn mươi hai tuổi.
Lời sấm này kích thích trí tưởng tượng của Piotr rất mạnh, và chàng thường tự đặt cho mình câu hỏi là cái gì sẽ chấm dứt thời hạn quyền lực của cơn thú, tức là Napoléon, và cũng trên cơ sở cách biểu trưng chữ cái bằng chữ số và cách tính toán như vậy, chàng cố tìm ra cách giải đáp câu hỏi này, Piotr viết: L Empereur Alekxandr? Lanation resse? Chàng tính các chữ số, nhưng tổng cộng những con số đó hoặc lớn hơn hoặc nhỏ hơn 666. Có một lần ngồi tính toán như vậy, chàng viết tên mình ra - Comte Peirre Besouhoff tổng cộng các con số cũng rất xa 666. Chàng bèn thay đổi cách viết, dùng 3 thay cho s, thêm chữ de, thêm quán từ, nhưng vẫn không có kết quả mong muốn.
Đến đây, chàng chợt nghĩ ra rằng nếu tên họ chàng có thể giải đáp được câu hỏi này thì trước đó nhất định phải có quốc tịch của chàng.
Chàng liền viết Le Russ Besuhof và sau khi tính toán chàng có được số 671. Chỉ thừa có 5,5 tức là "e", chính chữ "e" bị bỏ bớt trong quán từ le trước chữ empereur. Sau khi bỏ "e" (tuy bỏ như vậy không hợp cách) trong tên mình, Piotr có được lời giải đáp đang tìm: "L Russe Besouhoff - bằng 666. Khi khám phá này khiến Piotr xúc động mạnh.
Chàng có dính líu đến cái sự kiện vĩ đại được tiên đoán trong thiên Apocalypxo như thế nào chàng không biết: nhưng chàng không có giây phút nào hồi nghi về mối liên quan này. Tình yêu của chàng đối với cô Roxtov, tên Ma vương quản Cơ đốc, cuộc xâm lãng của Napoléon, ngôi sao chổi, con số 666, L Emprieur Napoléon và L Russe Besuhof - Tất cả những cái đó phải cùng chín mùi, phải cùng mở tung ra cái kéo chàng khỏi cái thế giới mê muội, vô nghĩa của những thói quen Moskva trong đó chàng cảm thấy mình bị cầm tù, và đưa chàng đến một chiến công oanh liệt và một hạnh phúc lớn lao.
Trước ngày chủ nhật làm lễ cầu kinh một hôm, Piotr có hứa với gia đình Roxtov là sẽ đến gặp bá tước Roxtopsin mà chàng quen rất thân để xin một bản hiệu triệu nước Nga và hỏi thăm những tin cuối cùng từ quân đội đưa về.
Sáng hôm ấy, ghé qua nhà bá tước Roxtopsin, Piotr bắt gặp viên tin sứ vừa ở quân đội về. Viên tín sử đó là một người chuyên khiêu vũ trong các dạ hội mà Piotr vẫn quen.
- Tôi van ông, ông có thể giúp tôi một tay không? Viên tín sứ nói, - Tôi có cả một túi đầy những thư từ gửi về cho gia đình.
Trong số các thư từ đó bức thư của Nikolai Roxtov gửi cho cha.
Piotr lấy bức thư ấy. Bá tước Roxtopsin lại còn cho Piotr một bản hiệu triệu của hoàng đế gửi dân Moskva vừa in xong, những bản nhật lệnh mới trong quân đội và tờ tuyên cáo mới nhất của hoàng đế. Xem qua các bản nhật lệnh, Piotr thấy trong một bản, ở chỗ ghi tên những người tử trận, bị thương và được hưởng công có ghi tên Nikolai Roxtov, được hưởng huân chương George bậc bốn vì đã tỏ ra dũng cảm trong trận Otrovna, và cũng trong bản nhật lệnh ấy có ghi là công tước Andrey Bolkonxki, nhưng Piotr không thể cưỡng lại ý muốn đem tin con trai họ được hưởng cho họ mừng, cho nên chàng giữ bản hiệu triệu, tờ tuyên cáo và các tờ nhật lệnh khác lại, để đến bữa ăn chiều tự mình đem đến, bản nhật lệnh có nói đến Nikolai và bức thư của Nikolai thì Piotr gửi ngay đến cho ông bà Roxtov.
uộc nói chuyện với bá tước Roxtopsin, cái giọng lo âu và vội vã của ông ta, cuộc gặp gỡ với viên tín sứ ung dung kể lại tình hình bi quan trong quân đội, những tin đồn là vừa bắt được gián điệp ở Moskva, là có một tờ giấy lưu hành trong thành phố nói rằng Napoléon hẹn trước mùa thu này sẽ có mặt ở cả hai kinh đô, tin hoàng thượng sẽ trở về Moskva vào ngày mai - tất cả những thứ đó càng làm tăng thêm cái cảm giác khích động và đợi chờ luôn ám ảnh chàng từ khi ngôi sao chổi xuất hiện và nhất là từ khi khai chiến.
Đã từ lâu Piotr có ý tòng quân, và lẽ ra chàng đã thực hiện ý đó, nhưng trước hết chàng thuộc hội Tam điểm là hội truyền bá tư tưởng hoà bình vĩnh viễn và tiêu diệt chiến tranh, và chàng đã tuyên thệ sẽ trung thành với tư tưởng của hội, sau nữa khi trông thấy cái đám người Moskva đông đúc đua nhau mặc quân phục và rêu rao tuyên truyền lòng ái quốc, chẳng hiểu tại sao chàng cảm thấy ngượng nếu cũng làm như họ. Nhưng cái nguyên nhân chính khiến chàng không thực hiện ý định tòng quân là những ý nghĩ mơ hồ rằng chàng là LRussie Besouhoff, cùng có con số 666 như con thú kia, rằng việc chàng tham dự vào cái sự nghiệp vĩ đại sẽ chấm dứt quyền lực của con thú kiêu căng và báng bổ kia là đã được định sẵn từ trước, cho nên chàng không được mưu đồ một việc gì cả và phải chờ đợi những việc sẽ diễn ra.
Chú thích:
(1) Apocalypxo (tiếng Hy Lạp có nghĩa là "truyền báo"), - Thiên cuối trong sách Tân ước, có tính chất tượng trưng và thần bí, gồm những lời tuyên về lương lại đạo Cơ đốc, về sự toàn thắng của đạo Cơ đốc sau khi Ma vương phản Cơ đốc xuất hiện. Trong thiên này có nói nhiều đến một con thú quái đản, về sau được gọi là "con thú Apocalypxo". Tác giả thiên này là Thánh Joan một trong mười hai tông đồ của Jesus.