Bên ngoài cổ miếu, cuộc chiến giữa quần hùng bạch đạo và hắc đạo vô cùng hỗn độn. Bên quần hùng bạch đạo có Lý vương nương, Thần Hành Dị Cái lão thâu nhi và đại sư Huệ Giác.
Bên hắc đạo có Đông Độc Âu Dung Thừa, Bắc Thần Thôi Kỳ Lân và cả Câu Hồn Bang chủ Tạ Ưng Long cùng năm gã Ngũ Long Sứ Giả. Cuộc hỗn chiến đó mới đầu còn bất phân thắng bại nhưng lần hồi hắc đạo chiếm dần ưu thế.
Lý vương nương thì không ngừng nghỉ tay đối phó với Bắc Thần Thôi Kỳ Lân. Với cái chiếc lưới bằng kim tơ, Thôi Kỳ Lân lúc tung ra, lúc biến hóa thành nhuyễn tiên công kích toàn diện Lý vương nương.
Mặc dù đối phó với một trong Ngũ Kiệt, nhưng Lý vương nương vẫn không hề nao núng.
Với những thế chỉ phong uyển chuyển phối hợp cùng bộ pháp Phi Yến Hành Vân, bà đúng là đối thủ ngang tài ngang sức với Bắc Thần Thôi Kỳ Lân.
Trong khi đó, đại sư Huệ Giác thì phải đối phó với Đông Độc Âu Dung Thừa. Mặc dù chỉ còn mỗi một cánh tay nhưng lão đại sư đã lâm chiến với Đông Độc trọn năm mươi hiệp mà lão độc vật chưa chiếm được thế thương phong.
Đông Độc đánh mãi mà không hại được đại sư Huệ Giác, tức giận đến độ mặt đỏ gấc.
Lão độc thét lớn:
− Lão trọc già, ngươi thật là ngoan cường đó.
Lão độc vừa nói vừa hoành thân hai tay giũ liên tục. Từ ống tay áo của lão từng luồng khói độc đen kịt phún ra trào đến Huệ Giác đại sư.
Biết Âu Dung Thừa dụng đến độc công, mà luồng khói độc kia chính là Hủy Cốt Tán nhưng đại sư Huệ Giác vẫn không hề hấn gì, bởi khi lão hòa thượng lâm trận thì Thần Y Kỳ Thân Lộc đã cho uống giải độc và bế khướu giác rồi.
Riêng về phía Thần Hành Dị Cái, một mình phải đối phó với Ngũ Long Sứ Giả xem chừng khá chật vật. Lão liên tục bị tập kích, nếu không có bí thuật Di Hình Cước Pháp thì có lẽ lão ăn mày khó bề đương cự với những thế công liên hoàn của Ngũ Long Sứ Giả. Nói như thế nhưng phần bất lợi càng lúc càng nghiêng về Thần Hành Dị Cái lão thâu nhi, bởi lão chỉ biết tránh né mà không sao phản kích lại được đối phương nên bị dồn dần về phía cổ mộ U Linh.
Thần Hành Dị Cái tức tối quát:
− Lũ ôn dịch năm người các ngươi có ngon thì một đấu một với lão phu.
Miệng nói, tay lão thâu nhi thì bất ngờ vỗ tới Hắc Long Sứ Giả Mã Thừa một trảo.
Nhưng lão chưa dụng hết chiêu thì đã nghe tiếng gió sau lưng, buộc bỏ dở chiêu thức thi thố bí thuật Di Hình tránh né trảo công của Huỳnh Long Sứ Giả.
Thần Hành Dị Cái quát:
− Đồ thối tha đánh lén.
Lý vương nương vừa đối phó với Bắc Thần Thôi Kỳ Lân vừa lo lắng nhìn về phía cổ mộ U Linh. Bà vẫn thấy ánh sáng xanh rờn bên trong cổ mộ mà bồn chồn lo lắng.
Lý vương nương nghĩ thầm:
− “Đến bây giờ mà Lệnh Thế Kiệt vẫn chưa hủy được hoàng thạch thì chắc có sự cố rồi.”.
Chiếc lưới của Bắc Thần lại được lão tung ra phủ lên đỉnh đầu Lý vương nương như lão ngư phủ quẳng lưới chụp cá. Lý vương nương điểm mũi giày dụng thuật Phi Yến Hành Vân bắn ngược về phía sau, đồng thời cách không phóng một đạo chỉ ngược trở lại đối phương.
Thủ pháp và bộ pháp của Lý vương nương quá linh diệu, khiến cho lão quỷ Bắc Thần không thể thừa tiên cơ liên hoàn tập kích mà phải đảo người vừa tránh chỉ vừa thu hồi tấm lưới sắt.
Lý vương nương vừa thoát ra khỏi mành lưới, lên tiếng nói:
− Thôi trưởng lão hãy nghĩ lại đi. Khi mặt trời lặn thì bao nhiêu sinh linh sẽ như thế nào?
Chúng ta phải cùng hợp lực vào cổ mộ U Linh.
Thôi Kỳ Lân nhướng mày cười khảy rồi nói:
− Lý vương nương tin vào gã tiểu tử Lệnh Thế Kiệt à? Có lẽ giờ đây y sắp biến thành Cương Thi rồi. Nếu Lý vương nương thuận ý thì để lão phu tóm gọn rồi đưa Vương nương về Tây Hạ cùng hưởng thụ những ngày êm ả có hay không?
Lão vừa nói vừa nhảy xổ tới, tiếp tục quăng tấm lưới sắt để chặn Lý vương nương.
Mặc dù tức giận Thôi Kỳ Lân nói ra những lời khiếm nhã đối với mình nhưng Lý vương nương vẫn bình tâm không tỏ lộ vẻ tức giận ra bên ngoài. Một mặt bà dụng thuật Phi Yến Hành Vân thoát khỏi tấm lưới sắt của Bắc Thần, còn ngọc thủ thì không ngừng điểm tới những đạo chỉ phong ôn nhu công kích đối phương.
Bắc Thần vừa tránh né chỉ phong của Lý vương nương, vừa thu lưới lần thứ ba, phi thân lên cao ba trượng, chiếm khoảng không để tung lưới. Lần này lão quyết bắt cho kỳ được Vương mẫu.
Lý vương nương như đã đoán biết được ý Thôi Kỳ Lân, khi lão vừa thoát lên cao ba thượng thì ba lại rùn tấn, ngọc thủ gác chéo từ từ đẩy ra hai đạo nhu kình ôn nhu.
Bắc Thần Thôi Kỳ Lân những tưởng như những lần trước, Lý vương nương chỉ dụng tới thuật Phi Yến Hành Vân mà thoát tránh tấm lưới của lão, nên dửng dưng quăng lưới.
Lưới vừa phủ trùm lên đỉnh đầu Lý vương nương thì hai đạo kình ôn nhu hòa quyện với nhau biến thành một con lốc cuồn cuộn hứng lấy tấm lưới của Bắc Thần.
Cơn lốc đó cuốn mành lưới lại và quất ngược trở lại Thôi Kỳ Lân. Sự biến đổi thần kỳ trong chưởng pháp của Lý vương nương khiến Bắc Thần lúng túng và bối rối. Nếu lão cứ tiếp tục giữ tấm lưới sắt thì nhất định sẽ bị trúng ngay chính đòn thế của mình.
Tình thế chẳng đặng đừng, Thôi Kỳ Lân buộc phải buông binh khí.
Cơn lốc nhuyễn kình Di Hoa Tiếp Ngọc của Lý vương nương cuốn băng tấm lưới sắt quẳng đi, vô hình trung tấm lưới sắt đó lại lao về phía Cáp Nhật Hồng, trong khi nàng đang dõi mắt nhìn vào trong cổ mộ U Linh ngong ngóng chờ Thế Kiệt mà chẳng phòng bị.
Lý vương nương nhác thấy tấm lưới sắt kia nhất định sẽ quất vào lưng Cáp Nhật Hồng.
Nếu như Nhật Hồng hứng trọn tấm lưới sắt của Bắc Thần Thôi Kỳ Lân thì khó bề giữ được mạng sống.
Lý vương nương hốt hoảng thét lên:
− Hồng nhi!
Cùng với tiếng thét cảnh báo đó, bà điểm mũi hài trổ thuật Phi Yến Hành Vân toan lướt theo thộp mành lưới lại. Trong lúc hốt hoảng như vậy Lý vương nương chẳng hề phòng bị đối với Bắc Thần.
Bắc Thần Thôi Kỳ Lân lợi dụng ngay thời cơ đó, liền búng ra hai hột xúc xắc bắn tới cước pháp của Lý vương nương.
Bốp... Bốp...
Vừa nhấc mình toan thi triển thuật Phi Yến Hành Vân, Lý vương nương cảm nhận chân mình đau buốt nơi đầu gối và nhũn hẳn ra. Bà té quỵ xuống đất nhưng mắt vẫn hướng về phía Cáp Nhật Hồng.
− Hồng nhi!
Lý vương nương mở to mắt hết cỡ bởi đoán chắc Cáp Nhật Hồng sẽ vong mạng bởi tình huống bất ngờ này. Cũng cùng lúc đó, đại sư Huệ Giác cũng kịp nhận định tình thế bất lợi của quần hào bạch đạo liền dồn nội gia chân khí phát tiếng Sư Tử Hống. Lão đại sư đâu biết rằng chính tiếng Sư Tử Hống của người đã đánh thức tâm trí của Thế Kiệt.
Trở lại Cáp Nhật Hồng.
Nàng mãi dõi mắt nhìn vào cổ mộ U Linh mà ngóng chờ Thế Kiệt, đâu ngờ được tấm lưới sắt đang trở thành lưỡi hái tử thần lướt đến sau lưng mình. Sinh mạng của nàng như chỉ mành treo chuông, nhưng thần trí thì cứ nghĩ đến Lệnh Thế Kiệt.
Khoảng khắc sau cùng trước khi tấm lưới sắt của Bắc Thần Thôi Kỳ Lân cướp sinh mạng của Cáp Nhật Hồng thì bất thình lình một nữ nhân vận bạch y như tiên cô từ trên cao với khinh pháp siêu quần lướt đến. Chỉ một cái phẩy tay, người đó đã thộp tấm lưới sắt gọn gàng và hạ thân xuống bên cạnh Cáp Nhật Hồng.
Sự xuất hiện của nữ nhân đó khiến cuộc đấu chợt ngưng hẳn lại. Thần Y Kỳ Thân Lộc vừa thấy nữ nhân kia đã reo lên:
− Giãn Hoa Tiên Tử Mộc Kiến Bình.
Mộc Kiến Bình nhìn Kỳ Thân Lộc rồi đảo đôi thu nhãn long lanh như hai vì sao rảo qua cục trường. Nàng từ từ nâng ống tiêu đặt vào chiếc miệng xinh xắn.
Tiếng tiêu trỗi lên một tấu khúc ai oán bi thương. Những tưởng nàng thổi tiêu để than thân trách phận mình, nhưng lạ lùng làm sao khi tiếng tiêu vừa cất lên thì tất cả mọi người đang giao chiến thoạt ngừng lại lắng nghe tấu khúc đó.
Kiến Bình vừa bước đi vừa thổi tiêu. Với dáng đi uyển chuyển như một tiên nữ, cùng với tiếng tiêu trầm bổng ngân nga, tác động vào tầm thức của từng người.
Cả hai phía hắc đạo lẫn bạch đạo tự dưng ngừng cuộc đấu và từ từ thu mình lại lắng nghe tấu khúc nhỉ non của Mộc Kiến Bình. Cục trường đang hỗn độn, bỗng chốc trở nên tĩnh lặng, không còn tiếng binh khí chạm nhau, mà thay vào đó là những tiếng thở dài não nề cùng với tiếng tiêu sáo thổn thức.
Khi Kiến Bình hạ tiêu khỏi chiếc miệng xinh xắn thì mọi người như nhũn cả ra, chẳng một ai còn màng đến chuyện chém giết nữa. Huệ Giác đại sư phấn khích niệm phật hiệu:
− A di đà phật! Thiện tai, thiện tai...
Thần Y Kỳ Thân Lộc bước nhanh đến bên Mộc Kiến Bình:
− Tiên tử đến thật đúng lúc.
Lý vương nương gượng đứng lên. Bà nhìn Bắc Thần Thôi Kỳ Lân. Lão họ Thôi ngượng nghịu không dám nhìn Lý vương nương rồi thoạt trở bộ chạy như ma đuổi.
Lý vương nương bước đến Mộc Kiến Bình:
− Đa tạ cô nương đã cứu Hồng nhi.
− Kiến Bình chỉ làm tất cả những gì trong khả năng của mình thôi.
Lý vương nương lo lắng nhìn vào Thiếu Lâm cổ mộ:
− Cho đến bây giờ Thế Kiệt vẫn chưa trở ra và hoàng thạch cũng chưa bị hủy.
− Kiến Bình sẽ vào trong đó.
− Cô nương, nguy hiểm lắm.
− Kiến Bình có thể vào được.
Kiến Bình nói xong liền tay bấm khẩu quyết, tay cầm ngọc tiêu vận hóa huyền công.
Ngay lập tức toàn thân nàng như có một vầng khí huyền công hộ thể xuất hiện.
Nàng nhìn mọi người một lần nữa rồi rảo bước tiến thẳng vào U Linh cổ mộ.
Thần Hành Dị Cái nói:
− Giãn Hoa Tiên Tử Mộc Kiến Bình chắc đã gặp được kỳ tích nên khác hẳn trước kia.
Lão quay lại Thần Y Kỳ Thân Lộc:
− Lão lang băm chắc biết kỳ tích này?
− Mộc cô nương sau khi được Kỳ mỗ phục hồi thần thức thì may mắn gặp được Vô Vi bà bà đưa về Ngọc Cung. Bây giờ cô ấy là Ngọc Nữ của Vô Vi phái.
Lý vương nương mỉm cười:
− Vô Vi phái vốn đã thoát ly khỏi giang hồ, nhưng lần này Vô Vi bà bà vẫn cho Mộc cô nương đến trợ thủ chứng tỏ họ cũng biết kiếp nạn này của võ lâm.
− A di đà phật! Thiện tai... thiện tai. Lão nạp thường nghe đồn về thuật thổi tiêu khống chế thần thức của Vô Vi phái, hôm nay mới được chứng nghiệm, mắt thấy tai nghe, quả là danh bất hư truyền. Xem ra còn hơn cả tuyệt công Sư Tử hống của phật môn.
Mọi người kháo nhau xong lại dồn mắt nhìn vào cổ mộ U Linh. Trong lòng mọi người vẫn không yên mà bồn chồn hơn, bởi ánh sáng trong U Linh Chi Địa vẫn chưa tắt, và bóng dáng của Lệnh Thế Kiệt vẫn biền biệt trong chốn a tỳ.
Tất nhiên không nói ra nhưng ai cũng biết người bồn chồn lo lắng nhất chính là Cáp Nhật Hồng.
Nước mắt ràn rụa trên gương mặt điểm lệ, Nhật Hồng gượng nói với Lý vương nương:
− Mẫu thân, con phải vào cổ mộ U Linh.
Lý vương nương tròn mắt nạt ngang:
− Không được, con không thể vào đó được.
− Không, con phải vào đó. Nếu có chết thì con sẽ chết cùng với Thế Kiệt đại ca.
Nàng vừa khóc vừa nói:
− Con không thể bỏ chàng được.
Nàng nhìn vào trong cổ mộ:
− Tướng công, thiếp sẽ theo tướng công.