Sáng hôm nay, dưới ánh sáng ban mai tươi sáng chúng tôi cùng tập một buổi thể dục cuối cùng.
Tới giờ rửa mặt, chúng tôi lại cùng tắm với nhau dưới những vòi hương sen xoè ra như thùng tưới. Và sau đó là một bữa điểm tâm lần cuối mà chúng tôi cùng ăn với nhau ở sân lều.
Chúng tôi đã chào lá cờ Đội và đã hát chung một bài hát lành mạnh của tuổi xanh.
Tôi luôn luôn tự bảo hôm nay là ngày cuối cùng ở trại. Chúng tôi bắt đầu đi thu xếp hành lý. Cả buổi sáng hôm nay chỉ dùng vào mỗi một việc gói gém ba lô. Tiếng còi tàu ở ngoài hồ đã réo, chiếc tàu đón chúng tôi cập bến, các đội viên liên tục xuống tàu.
Cả khu trại hè như một đàn kiến vừa bị người ta cầm que chọc vào tổ.
Chừng khoảng một giờ chiều, chi đội chúng tôi mới bắt đầu xuất phát. Bây giờ còn những bốn tiếng nữa cơ. Chúng tôi không biết làm gì cho khỏi phí thì giờ.
Soát lại ba lô, nghỉ một lúc; lại soát lại ba lô, rồi nói tếu. Cứ như thế cho qua thì giờ.
Chị Hai-ga cũng ở đây.
Chiếc vali của Chích choè đóng thế nào cũng không kín nắp. Chả là vì nó xếp nhiều thứ quá, mà xếp thật lung tung; nào áo, nào giày, bạ cái gì cũng ấn vào mà không hề gập vuốt cho ngay ngắn. Ấy thế mà nó cứ ngồi đại trên nắp để cằn nhằn gắt gỏng đấy. Chị Hai-ga đi qua phải đứng lại giúp nó một tay:
- Ồ, em Chích choè à, em xếp cộm cả lên thế này thì làm sao mà đóng được.
Nói xong, chị Hai-ga ngồi ngay xuống, lôi hết các thứ trong vali ra và gập lại thật vuông vắn. Sau đó chị xếp từng thứ vào. Chích choè chỉ ngồi im mà chăm chú nhìn theo hai bàn tay chị. Li-pu-li-pu bị mất chiếc gương con, đang đi tìm. Hen-mu thì bị lạc mất một chiếc giày vải. Về sau chiếc gương con tìm thấy ở dưới rãnh, còn chiếc giày thì chính Hen-mu để quên dưới gầm giường.
Chúng tôi nhân thể giũ chăn, gối đi một lượt rồi gập cả lại, xếp vào một chỗ.
- Chúng ta phải thu dọn các thứ cho thật sạch sẽ gọn gàng. – Pô-le nói. – Vì rồi đây, còn có các đội viên khác đến đây ở.
- Thế thì chúng nó cũng được hưởng cái không khí trong trẻo này à? – Lô-ti hỏi có vẻ ngớ ngẩn.
- Mà không biết là những tướng nào sẽ tới cái lều của chúng ta nhỉ? – Pô-le nói.
- Thấy tớ về, nhất định mẹ tớ thích lắm đấy. – Éc-vin ngồi trên giường nói góp.
“Mẹ tôi cũng đang mong tôi về thì phải”. – tôi nghĩ thầm thế. Và tôi thấy Éc-vin lúc này quả là còn nhớ mẹ như con nít ấy.
Chúng tôi cứ mỗi người mỗi câu như thế mãi. Nghĩ tới đâu là nói tới đó. Thành ra câu chuyện đầu Ngô mình Sở không ra thế nào hết.
Chúng tôi hỏi địa chỉ của chị Hai-ga tại Bá-linh, định để về rồi sẽ lại thăm chị. Rồi chúng tôi lại ghi địa chỉ của nhau, vì về tới Bá-linh là thế nào cũng còn gặp nhau nhiều.
Chúng tôi ăn cơm trưa sớm hơn mọi ngày. Ăn xong, ai nấy đều tự đi rửa bát đĩa cho nhà bếp.
Đã có nhiều lều dọn đi sạch, trống toang. Còn các lều khác đều ngổn ngang những ba lô, vali xếp đống cả ở sân; các chi đội viên đều đứng quanh đấy sẵn sàng chờ đợi đến lượt lều mình đi.
Chúng tôi không đợi được nữa, ra cả ngoài bến.
Bấy giờ vừa hay đã có một chiếc tàu mở máy chạy và chiếc chở chúng tôi thì đang từ từ tiến sát vào bờ Lúc mạn tàu chạm vào hàng cọc gỗ, cầu phao bị va mạnh, kêu lên những tiếng ken két.
Chúng tôi chạy thình thịch qua bến, nhảy lên tàu. Chúng tôi là toán lữ khách đầu tiên lên chiếc tàu này, nên đã chiếm được mấy hàng ghế ngồi ở đằng mũi. Đó là chỗ ngồi mơ ước nhất của mọi người trên một chiếc tàu.
Chị Hai-ga đưa chúng tôi lên tàu, ngồi với chúng tôi mãi cho tới lúc tàu đã chật ních những đội viên và đã kéo còi, chị mới xuống từ biệt trở lại trại.
Chị như có ý bịn rịn không nói gì; chúng tôi cũng như chị, càng gần tới phút chia ly, chúng tôi và chị càng yên lặng thêm. Lúc đầu, chúng tôi cứ nghĩ là chị cũng sẽ về Bá-linh với chúng tôi một chuyến; sau mới nhớ ra là trong các anh chị phụ trách chúng tôi vốn không có chị. Chị chỉ tạm thay anh Mích một thời gian thôi. Giờ chị còn phải ở lại tiếp tục công tác.
Lúc từ biệt, chị cười híp đôi mắt lại, bắt tay từng đứa chúng tôi. Tất cả đều như lưu luyến không muốn rời chị. Và lúc chị quay đi, chúng tôi cùng nhìn theo chị. Rồi chị đứng lại ở trên bến, nhìn chúng tôi. Khi máy tàu xình xịch nổ, chị giơ khăn tay lên vẫy, chúng tôi cũng giơ tay ra vẫy lại.
Một cảm giác bùi ngùi nửa như vui sướng, nửa như buồn rầu tràn ngập mọi người.
Chúng tôi nghĩ: Thôi được, sang năm sẽ lại gặp nhau. Ý nghĩ đó hiện giờ vẫn còn lởn vởn trong đầu tôi.
Tàu chạy theo tốc độ bình thường như mọi ngày. Sóng nước phun ra hai bên mạn tàu thành những đám bọt trắng như hoa mai. Toàn thân con tàu cứ rung rinh không một phút nào ngừng.
Không còn trông thấy trại hè nữa rồi. Nhưng vẫn thấy được cái tràn đất phẳng, cái bờ dốc ở ven hồ và những chòm thông chen chúc. Ba tuần vừa qua, chúng tôi đã từng qua lại mấy lần ở quanh bờ hồ đó.
- Chúng mình đã tắm một bận ở cái chỗ bên tay phải kia kìa! – Chích choè tự nhiên reo lên.
Lô-ti cũng se sẽ nói theo:
- Và chúng mình đã đóng bè ở chỗ ấy đấy.
Nói tới chuyện đóng bè, chúng tôi lại nhớ tới chị Hai-ga, vì đó là chuyện mở đầu cho mối quan hệ tốt đẹp giữa chị với chúng tôi. Giờ đây chị còn ở lại trại hè, còn chúng tôi đã ngồi cả trên tàu này để về với gia đình.
Tôi đã viết xong trang nhật ký hôm nay rồi.
“Sau khi về tới Bá-linh, chúng ta phải kiếm dịp gặp nhau để thảo luận qua về tập nhật ký này. Chúng ta phải xét xem nó sẽ có ích gì cho chúng ta”. Câu này là câu mà chị Hai-ga đã dặn chúng tôi lần cuối.
Tôi không hiểu chị nói như vậy là có ý gì. Thật ra tôi không định đưa quyển nhật ký này ra làm mất thì giờ của ai hết. Tôi muốn giữ nó lại, vì ở trong đó có ghi tất cả những hoạt động của mười lăm đứa chúng tôi và chị Hai-ga. Tôi định tới hôm nào có cuộc họp liên đội, sẽ chọn một hai đoạn đọc cho mọi người nghe thử.
Tôi cứ mải miết viết mãi không thôi, thành ra bỏ phí mất bao nhiêu cảnh đẹp không được xem. Bây giờ tôi phải gập nó lại.
Không mấy chốc, tàu đã tới bến Me-rô-sơ. Cả bọn cùng ngóng lên bờ lao xao bàn tán. Tôi cũng phải lên chơi một lát.
Nói cho đúng ra, tôi kết thúc quyển nhật ký này ở đây thật không được hay cho lắm; song tôi không biết nói gì hơn. Có thể là tôi lại xin nhắc lại một câu đã nói từ trước rằng:
- Không bao giờ tôi quên được những ngày đã sống ở bên hồ Cây gạo này. Những ngày ấy thật là những ngày rất vui, đẹp, nên thơ…
Thưa bạn đọc thân mến, tập nhật ký này tôi đã viết xong, tôi rất đỗi vui sướng, vì đối với tôi, nó là một công việc không phải dễ gì.
Tôi không hề nghĩ là lại có thể xuất bản nó thành sách. Sáng kiến này là do chị Hai-ga nêu lên trước. Còn tôi, tôi thật không dám nghĩ như thế. Tôi chỉ có ý định là sẽ đọc nó cho các đội viên trong chi đội chúng tôi nghe thôi.
Bây giờ, tôi xin nói thêm một vài chuyện về tình hình buổi họp mặt đầu tiên của chi đội chúng tôi từ khi rời Bá-linh:
Buổi họp mặt của chi đội lều số 13 sau khi về tới Bá-linh đã được tổ chức vào khoảng tháng 10, hai tháng sau ngày chúng tôi từ giã trại hè. Oan-tơ đã được bầu làm uỷ viên ban chỉ huy liên đội, trên cánh tay đã có đeo hai vạch đỏ. Li-pu-li-pu thì làm chi đội trưởng. Chích choè khoe là đã được chỉ định làm uỷ viên dự khuyết trong ban chỉ huy. Đó là một điều không ai ngờ tới.
Chị Hai-ga đến giữa tiếng cười chào đón náo nhiệt của chúng tôi. Chị hỏi thăm từng người và luôn luôn cười khi nghe mọi người kể lại thành tích. Nói chung là về tới đơn vị cũ, bạn nào cũng có tiến bộ rõ rệt.
Sau một chập hàn huyên náo loạn, tôi đem tập nhật ký ra đọc. Măm-phơ-lê có ý kiến gạch bỏ đoạn đánh đổ nước cà phê vào chân Pô-le. Nhưng Khơ-lao không đồng ý, bảo là việc đó có thật, thì cần phải để nguyên. Chị Hai-ga cũng cho như thế là phải. Măm-phơ-lê không biết nói sao chỉ ngồi cắn móng tay, mãi mới nói:
- Có điều là ghi chuyện đó vào nhật ký, thì người ta xem tới, sẽ cho là tớ chẳng ra gì!
Chúng tôi không nghĩ thế, vì nghĩ như cậu thì tập nhật ký này sẽ phải xoá hết một nửa mất.
Người đòi chữa nhật ký nữa là Chích choè:
- Tớ không đồng ý, cậu viết tớ chẳng khác gì nói một thằng hề trong chi đội.
Rồi Hen-mu cũng kêu là mình gọi chị Hai-ga là “cô” chẳng qua chỉ để đùa thôi chứ có gọi thật đâu. Và Lô-ti thì khăng khăng đòi gạch hẳn cái đoạn cướp bánh mì.
Những ý kiến trên đều bị tập thể gạt bỏ, vì như chị Hai-ga đã nói, nhật ký phải đúng sự thật mới là nhật ký.
Sau khi tôi đọc xong, tất cả mọi người đều vui vẻ, và hứa là cũng sẽ cố gắng viết nhật ký, vì nó là một việc làm vừa có lợi cho mặt luyện tập làm văn, vừa kiểm điểm được sâu sắc về mọi hoạt động hàng ngày của mình.
Cuối cùng, chúng tôi thấy cuộc họp mặt của chúng tôi hôm nay có môt ý nghĩa đoàn kết mạnh mẽ và là một dịp ít có; nên có đề nghị để Li-pu-li-pu chụp một tấm ảnh làm kỉ niệm.
Li-pu-li-pu làm đội viên trong tổ nghiên cứu nghệ thuật nhiếp ảnh. Cậu ta có mang máy ảnh theo. Khi nghe chúng tôi có ý kiến vậy thì cậu ta không từ chối gì, vui vẻ nhận lời ngay. Chúng tôi phải mất nhiều thì giờ để sửa soạn chỗ đứng và các dáng ngồi cho từng người một. Vì chụp một tấm ảnh đông tới mười lăm người, mà trong đó lại có những tướng hay cà khịa như Chích choè và Măm-phơ-lê thì không phải là chuyện dễ.
Hết