Tất cả đều phải thay đổi lại hết, chị ấy đã nói thế.
Chị ấy định sẽ chỉnh đốn lại chi đội chúng tôi.
Được tin này, Pô-le rất phấn khởi. Cậu ta quên cả đau chân, lăn đi lăn lại trên giường, chân thì múa, mồm thì reo mãi những tiếng “à á a”.
Còn tôi, lúc này tôi đang ngồi một mình viết nhật kí ở đây.
Đó cũng là việc mà chị ấy bảo làm.
Chị ấy bảo chúng tôi nên viết nhật kí. Bấy giờ, bọn tôi có mấy đứa không thông. Chúng nó chối đây đẩy bảo là đi nghỉ hè thì ngoài cái việc gửi bưu ảnh thăm bạn ra, không phải làm gì sất.
Việc này chị ấy đã có hỏi ý Li-pu-li-pu, vì cậu ta lớn tuổi nhất.
Chị ấy bảo:
- Em có thể làm công tác ghi nhật kí cho chi đội được đấy.
Li-pu-li-pu liền nói luôn một thôi dài để từ chối. Chúng tôi ai cũng phải ngạc nhiên là ông tướng đó, không ngờ lại nói nhiều câu trống rỗng đến thế. Oan-tơ cũng không chịu làm, nó làm chi đội trưởng. Han-si nói là viết lách rất kém, không có khả năng, Pi-tơ cũng chối như thế một hồi. Thế là cả bốn cậu không ai chịu nhận. Biết tìm ai bây giờ? Li-pu-li-pu, Oan-tơ, Han-si và Pi-tơ là những cậu khá nhất trong lều chi đội chúng tôi. Còn những cậu khác tất nhiên là càng không làm gì được cả.
Thế là tôi đành phải xung phong nhận cái công việc đó. Bấy giờ, cả bọn đều đứng ngây ra mà nhìn tôi, chúng làm như không nhận ra tôi ấy.
Việc này làm cho chị Hai-ga rất ưng ý.
Viết đến đây, tôi cần phải giải thích lại cho rõ thì các bạn mới hiểu. Nguyên nhân là vì gần đây ở chi đội tôi mới xảy ra một chuyện bất ngờ: anh Mích rời bỏ chúng tôi.
Trước đây anh Mích là người phụ trách chi đội tôi. Khi chúng tôi mới tới trại hè, chính anh là người ra đón tiếp. Lúc đầu anh ở chung với chúng tôi. Như thế được vài ngày, chúng tôi nhận ra anh chỉ là một người hay nói suông, nên được đằng chân lân đằng đầu, chúng tôi càng bừa phứa thêm. Thế là anh đâm khó chịu, anh không nói rõ là chúng tôi sai lầm ra sao, và cũng không bảo chúng tôi phải làm thế nào cho đúng. Có khi chỉ một việc cỏn con, anh cũng gắt mãi không thôi.
Chúng tôi thật không hiểu anh ra sao.
Dù sao thì chúng tôi vẫn còn là trẻ con, mà hơn nữa lại đang vào kì nghỉ hè. Ấy thế mà hôm qua anh ấy lại cáu đấy. Chuyện này chỉ là tại Măm-phơ-lê thôi. Nó đánh đổ nước cà phê sôi vào chân Pô-le, làm cậu này kêu váng lên. Anh Mích cũng kêu lên ầm ĩ, và còn quát tháo mãi.
Sau đó, anh ấy đi hẳn. Trước khi đi, anh ấy óc càu nhàu nói là từ này trở đi anh ấy không bao giờ còn nhìn mặt chúng tôi nữa.
Anh ấy đi, chúng tôi đều mừng. Vì một người phụ trách mà chỉ quen hò hét quát tháo, không biết cách khắc phục khó khăn và giải quyết công việc như anh ấy, thì chúng tôi không cần.
Đó là chuyện hôm qua.
Tối nay, người phụ trách mới đã đến. Đó là một cô gái. Lúc đầu, chúng tôi còn cho là mình đoán sai, vì tất cả trại hè ai cũng biết là đến anh Mích cũng không kham nổi, nữa là bây giờ ở trên lại cho một cô gái về.
Trước bữa cơm tối, quá nửa đội viên chúng tôi còn nằm ở trong lều. Một số ở ngoài xem bóng chuyền. Li-pu-li-pu và Pi-tơ đang đào một cái hố nuôi các động vật bò sát ở sau lều.
Pô-le nằm ngửa. Cậu ta vắt chiếc chân bị bỏng lên đầu gối chân kia rồi ngắm nghía bông băng một cách lo lắng. Mấu ngón chân cậu đã thò cả ra ngoài băng, ngọ ngoạy cho đỡ buồn. Lúc ấy, Hen-mu đang ngồi xổm ở cửa lều nhìn thấy Pô-le như vậy, liền lo lắng hỏi:
- Có còn đau không?
- Không. – Pô-le đáp.
Chính tên cậu ta là Pôn-man cơ, nhưng chúng tôi ở đây đều gọi là Pô-le. Cậu ta có đôi mắt nâu mở to tròn trông như hai hòn bi ve. Tóc trên đầu cậu ta không bao giờ chịu xẹp xuống, mà cứ dựng ngược lên.
- Đau gì mà đau. – Măm-phơ-lê từ sau lều nói vọng ra. – Có vài giọt cà phê thế mà đau à?
- Thế thử giội cho cậu bỏng xem nhé, để xem cậu kêu đến thế nào? – Pô-le bình tĩnh nói.
Măm-phơ-lê thò đầu ra, giơ tay lên vuốt lại mái tóc trắng như bạc của mình rồi nói:
- Tớ nhất định không kêu một tiếng nhỏ nào, cũng không xuýt xoa nữa, cậu có tin không?
Pô-le mỉm cười. Hen-mu hếch mũi lên nhìn cái thằng tóc bạch kim đó, rồi bảo:
- Thế thì chỉ có cậu thôi. Cậu có biết cậu là một thằng ngớ ngẩn nhất… nhất đấy không? – Ấy, cứ lúc nào nói vội là Hen-mu lại nói lắp mãi như thế.
Măm-phơ-lê chỉ cười nhạt đáp:
- Thì cũng ngớ ngẩn như cậu ấy chứ gì?
- Á à, giỏi! Cậu có cút… cút đi không! Cút đi! – Hen-mu không biết nói gì thêm.
Khơ-lao vẫn nằm im bên cạnh tôi, bây giờ cũng lên tiếng:
- Phải đấy. Thằng tóc trắng kia cút đi! Đã đánh đổ nước cà phê vào chân Pô-le rồi, giờ còn loé xoé cái gì?
- Hứ, ai đánh đổ cà phê? – Măm-phơ-lê cáu lên. – Nếu Li-pu-li-pu nó không vung tay chạm vào người ta thì việc gì mà đổ!
- Cậu nói thế mà Li-pu-li-pu nghe thấy, nó không để yên cho cậu đâu!
- Ha ha! – Măm-phơ-lê cười nhạt một tiếng. – Cậu tưởng tớ sợ nó đấy hẳn?
- Không sợ, nhưng mà… co… co cẳng chạy ấy chứ gì! – Hen-mu nói xong nhảy cỡn lên. – Để tao đi tìm Li-pu-li-pu, xem… xem thế nào?
Thật ra thì chẳng phải tìm đâu cả, vì ngay lúc đó có một cậu vén tấm vải bạt dày ở sau lều lên, một món tóc lởm chởm lộ ra, đứng sát ngay trươc mặt Măm-phơ-lê.
Kể ra thì Li-pu-li-pu cũng không cao lớn gì, song người nó chắc nịch. Cái tên Li-pu-li-pu của nó cũng là tự chúng tôi đặt cho nó, vì nó có một lối nói rất đặc biệt, uồm uồm mà lại rè rè như tiếng rửa cưa, thỉnh thoảng lại kêu lên kin kít.
Quả nhiên Măm-phơ-lê có vẻ sợ. Mặt nó tái nhợt đi, đứng đờ ra mà nhìn Li-pu-li-pu.
- Nói đi, cậu thử nói lại cái câu nói lúc nãy xem! – Chích choè bô bô trêu tức.
Tuy Chích choè bé thì bé thật, nhưng nó nói đâu ra đấy. Vì thế chúng tôi mới gọi nó là Chích choè. Vậy mà mãi đến bây giờ nó mới lên tiếng, thật cũng không ngờ.
- Nói đi, hay là có Li-pu-li-pu ở đây mà cậu hoảng đấy?
Măm-phơ-lê cười nhạt nói:
- Cái thằng Chích choè nửa lạng này nữa, câm mồm đi!
Chích choè được thể, lại liến thoắng một hồi, khiếm Măm-phơ-lê phát cáu lên. Ngay lúc đó, nếu không có một cô gái lạ mặt bước tới cửa lều thì có lẽ hai cậu này đến phải choảng nhau mất. Cô này chắc đã đứng nghe hóng từ lâu, nên cười rất độ lượng. Cô chào chúng tôi: “Xin chào!”
Chúng tôi cũng chào lại hai tiếng: “Xin chào!”. Và ai nấy đều nhìn xem cô đến làm gì. Tới trước cái cột lều, cô đứng lại.
- Thế ra các em vẫn sống với nhau như thế à? – Cô hỏi chúng tôi, và vẫn tủm tỉm cười.
- Không. – Li-pu-li-pu đáp.
Hen-mu thì chỏng một ngón tay lên rồi nhón chân nhảy xoay một vòng trước mặt cô:
- Không, không, thưa cô, đó là vì… vì cái thằng tóc trắng này nó… nó…nó…
Cô ta bật cười lên và nắm lấy chỏm tóc hung hung của Hen-mu nói:
- Tên chị là Hai-ga.
Hen-mu bấy giờ mới đứng im và nhìn cô một lượt từ đầu đến chân.
- Ấy nó vẫn thế đấy. – Li-pu-li-pu vội vàng giải thích. – Cứ thấy người lớn, là bất kì ai, nó cũng “thưa cô” hay “thưa chú” cả.
- Sao? – Cô hỏi. – Các em thấy chị ra vẻ người lớn lắm à?
- Không, thật ra thì không giống. – Li-pu-li-pu vừa cười vừa trả lời.
Thật vậy, trông cô quả không có vẻ gì là người lớn. Có điều váy áo cô mặc, không phải như của trẻ con thôi. Chả trách mà Hen-mu không đoán được tuổi của cô. Chúng tôi cũng thấy thế. Bấy giờ cả bọn đều trố mắt ra nhìn, và thầm nghĩ: Cô này đến đây để làm gì nhỉ? Nếu bảo cô là nhà báo, thì phải hỏi liền tù tì một thôi một hồi chứ. Đằng này cô không đề nghị gì cả. Cô chỉ đứng bên cột lều nhìn kĩ từng đứa trong bọn tôi.
Pi-tơ đã vào hẳn trong lều. Cậu ta mở đôi mắt dịu dàng màu xam xám ra nhìn cô với một vẻ tò mò, rồi lách qua cạnh sườn Pô-le, nhảy tót lên giường.
- Em đừng giẫm chân bẩn lên chăn chiếu như thế. – Cô bảo Pi-tơ.
Pi-tơ trố mắt nhìn cô rồi đáp:
- Nhưng mà chúng em quen rồi, ai cũng thế hết.
Hen-mu từ nãy vẫn đứng trước mặt cô luôn luôn nhìn dán mắt vào cô, bấy giờ mới hỏi:
- Thưa cô, có phải cô đến tham quan không? – Cậu ta vừa hỏi vừa nghẹo đầu, nhìn chếch cô ta một cái.
- Lại cô rồi. – Li-pu-li-pu khẽ nhắc. – Tên chị ấy là Hai-ga.
- Phải, tao biết rồi, khỉ ạ. – Hen-mu vừa lắp bắp nói vừa khoát hai tay lên trên không như xua đuổi cái gì.
- Không, không phải chị đến tham quan đâu. Chị là người của trại hè. Chị là phụ trách thiếu niên tiền phong ở đây.
Li-pu-li-pu “hừ” lên một tiếng, liếm liếm môi, hỏi:
- Ồ, vậy thế chị phụ trách chi đội nào ạ?
- Chi đội các em đấy.
Chúng tôi nghe đều sững sờ cả người. Trước hết chúng tôi nhìn lại cô ta, rồi quay nhìn nhau. Ồ, ra chị Hai-ga là người phụ trách mới của chi đội tôi. Thật là một chuyện làm ai cũng thấy phấn khởi!
Li-pu-li-pu nhíu đôi mày lại và giảu mồm ra, Pô-le thì trợn mắt lên không nói gì; Hen-mu đột nhiên vỗ tay reo:
- Hay lắm! Như thế mới ra ngô ra khoai chứ!
Chị Hai-ga cười và ngồi xuống giường. Hai bên lều đều có kê ván; ván kê suốt từ cửa lều đến tận cuối lều, mà chỉ kê cao hơn mặt đất có một cánh tay. Bên trên có trải chiếu và chăn dạ. Đó là giường nằm của chúng tôi. Pô-le, Pi-tơ, Măm-phơ-le, Oan-tơ, Li-pu-li-pu và hai cậu khác nữa nằm ở bên trái. Còn ở bên phải là Hen-mu, Han-si, Chích choè, Khơ-lao, tôi và ba cậu nữa. Ở giữa có một lối đi nhỏ. Bỗng cậu Éc-vin nằm ở bên dãy tôi, lôi cuốn nhật kí của mình ra. “Thật là một thằng ngốc”. Chúng tôi đều nghĩ thế. Éc-vin vốn kì cục xưa nay. Cậu ta nói năng thỏ thẻ, và chỉ hơi một tí đã nước mắt chạy quanh.
Chị Hai-ga cầm cuốn sổ mong mỏng đó lên xem một lúc lâu rồi chị hỏi chúng tôi có thường viết nhật kí không. Chuyện này ở trên tôi đã nói rồi.
Tiếp đó, chị bảo chúng tôi kể qua lai lịch từng người cho chị nghe. Chúng tôi từ Bá-linh tới đây, vốn không cùng một liên đội, mà ở nhiều liên đội của mấy trường khác nhau. Đến trại hè này chúng tôi họp thành một chi đội.
Chúng tôi kể xong, chị Hai-ga cũng nói ngay cho chúng tôi biết là ở Bá-linh chị phụ trách chi đội nào. Nghe chị nói, chúng tôi thấy thích lắm. Sau đó, chị nói đến việc dự định giúp đỡ chúng tôi trở thành một chi đội khá. Hầu hết chúng tôi đều cười sung sướng.
Han-si có vẻ im lìm nghĩ ngợi. Còn Oan-tơ thì nói:
- Chị Hai-ga ạ, việc này sợ chị làm không nổi đâu.
Chị nghe nói vậy chỉ mỉm cười, coi bộ chị đã tự tin là thế nào cũng làm được.
Thái độ đó làm chúng tôi hơi mếch lòng.
Có thể chị coi thường chúng tôi chăng?
Nào, để đến bữa tối nay xem chị có bị một vố thất bại không.
Nội quy ở trại hè là mỗi ngày mỗi chi đội cất lượt bốn người làm trực nhật, lo hai bữa ăn uống cho đội viên. Công tác của trực nhật là: xuống nhà bếp lĩnh bánh mì, bơ, mứt, nước sốt, lạp xường và phó mát, sau đó thì tách bánh mì ra quệt bơ và nước sốt vào rồi chia theo khẩu phần, xếp trên bàn.
Công việc này nghen nói thì tưởng như dễ lắm, song thật ra không dễ gì, vì trong bốn cậu, thế nào cũng có một cậu ăn vụng. Trong lúc quệt bơ và nước sốt, cậu ta nhất định sẽ vừa quệt vừa đưa dao lên mồm. Những cậu trông thấy, có cậu thì kêu lên, nhưng có người lại bắt chước. Các cậu ấy không có dao thì cũng chẳng hề gì, cứ thò luôn ngón tay vào hộp mà mút chùn chụt, nghe đến sướng cả tai! Khi đã chia xong đâu đấy, toàn chi đội mới xúm lại quanh bàn. Trông cậu nào cũng như mèo đến bữa cả; chúng nhìn hau háu vào món ăn. Nếu thấy có chiếc bánh mì nào kẹp nhiều bơ, lạp xường, tưới nhiều nước sốt hơn một chút là “à” lên một tiếng, ba bốn cánh tay cùng vươn ra cướp. Cậu nào cướp được là chuồn thẳng một mạch. Hiện tượng này chỉ ở chi đội chúng tôi mới có. Các chi đội khác đều rất quy củ. Mọi người chờ nhau đến đủ, rồi mới cùng ngồi ăn với nhau.
Nhưng ở lều chúng tôi thì hoàn toàn khác hẳn.
Phần lớn chúng tôi đều mới được kết nạp vào Đội. Tất cả còn chưa rõ là một đội viên thiếu niên tiền phong thật ra cần làm việc gì và phải như thế nào.
Chiều nay đến lượt Li-pu-li-pu, Pi-tơ, Oan-tơ và tôi sửa soạn bữa ăn. Những cậu khác đều xúm quanh bàn đợi chén.
- Xê ra! – Li-pu-li-pu quát mắng chúng tôi đồng thời múa con dao lên trên đầu. Bỗng có người từ sau lưng cậu ta giơ tay lên năm lấy cổ tay cậu.
Thì ra là chị Hai-ga.
- Li-pu-li-pu! Giỏi nhỉ. – Chị nói.
- Hừ, nếu tất cả cứ đầu bò đầu bướu như thế thì còn làm thế nào được. – Cậu ta hậm hực đáp.
- Phải rồi, nhưng em phải bỏ dao ra đã; lỡ một cái thì khốn.
Giữa lúc chị Hai-ga đang nói với Li-pu-li-pu thì đã có chuyện ngay. Tôi đứng bên trông thấy rất rõ. Chả là Chích choè rất sợ bị chia phần ít, nên đã nhằm sẵn mấy cái bánh to nhất từ lâu. Cặp mắt ti hí của cậu ta cứ nhìn qua đôi mắt kính tròn mà đưa đi đưa lại cho tới khi tìm ra một chiếc có nhét nhiều bơ nhất thì dán mắt vào chiếc bánh ấy. Rình lúc chị Hai-ga không đẻ ý, cậu ta chộp luôn và chạy như bay. Măm-phơ-lê cũng thó một cái; thế là Phu-lân cũng thó luôn. Cậu này định chuồn thì bị Khơ-lao đưa chân ra ngáng vấp ngã sóng soài, chiếc bánh văng đi. Mọi người đều kêu váng cả lên. Chị Hai-ga tức quá tái mặt lại. Chị bặm môi không nói một tiếng, chạy tới nhặt chiếc bánh ở cạnh Phu-lân lên, đặt trên bàn một cách bực tức.
Chích choè và Măm-phơ-lê đứng lảng ra xa. Chúng đang nhai bánh.
- Hừ, thế để cho chúng nó ăn à? – Khơ-lao phản đối.
- Chứ không ư, tại sao lại không cho chúng tớ ăn?
- Phải đấy, tại sao không cho chúng mình ăn?
- Không công bằng tí nào sất.
- Giờ tao cũng phải lấy phần của tao mới được.
- Dù sao cũng phải đợi một lát nữa đã.
Mỗi người một câu, cứ la ồn cả lên. Chị Hai-ga không tỏ ý kiến gì, chỉ hỏi một câu:
- Có thật các em đói đến mức thế không đã?
Pô-le đáp thật to:
- Thật ạ.
Nhưng đa số vẫn không nói gì. Có thể là chúng đang nghĩ xem thật sự có đói đến nỗi phải tranh cướp nhau không. Còn Pô-le mà kêu thế, cũng không có gì lạ, vì nó cũng tham ăn như Chích choè. Ngoài ra, những cậu khác đều có thể đợi được. Sự thật là thế. Nhưng chúng tôi đã quen nết đi rồi, cứ lấy được bánh là mỗi đứa đi mỗi đằng ngay!
- Chị Ha... Ha… Hai-ga, em muốn lấy phần… phần của em đấy. – Hen-mu lắp bắp.
- Không phải lấy đi đâu cả! Chị đã bảo là chúng ta cùng ngồi ăn với nhau ở đây mà.
- Úi chào, đợi lâu quá đi mất. – Pô-le nhếch mép nói, rồi co cái chân bị thương lên, lò cò tới chiếc ghế dài gần đó.
Phu-lân bước tới gần bàn. Chị Hai-ga lấy phần bánh đưa cho cậu ta và bảo đi đi.
Cậu ta ngạc nhiên nhìn chị. Chúng tôi cũng nhìn chị một cách khó hiểu.
- Bánh dính cả lá thông thế này à! – Phu-lân phụng phịu nói.
- Cái đó là tại em chứ.
Phu-lân nhìn lại chiếc bánh một lượt nữa, rồi lại ngước nhìn xem sắc mặt chị Hai-ga thế nào. Sau đó, nó len lén ra chỗ thằng Măm-phơ-lê và Chích choè đang đứng.
- Nó có thể lấy được, thì em cũng lấy được. – Khơ-lao vừa hục hặc nói vừa cướp lấy một phần chạy luôn.
Chị Hai-ga lặng đi, không nói được gì.
Sau đó, Pô-le cũng lấm lét nhìn chị một cái, rồi thó luôn một phần. Rồi đến Hen-mu, Lô-ti, Mai-ơ đều thế hết. Chúng cứ chuồn dần từng đứa. Chị Hai-ga trước sau vẫn không nói một tiếng.
Chỉ có Li-pu-li-pu bực tức nhìn chúng hằm hằm. Cậu ta quay nhìn vẻ mặt chị Hai-ga, rồi bảo:
- Chị lành quá, chúng nó làm như thế mà chị để yên!
Oan-tơ nói:
- Tớ nghĩ là từ nay sẽ khá lên, ai ngờ đâu vẫn hoàn đấy.
Chị Hai-ga chắp hai tay ra sau lưng, sắc mặt tái nhợt. Trông những lọ bơ và nước sốt im lìm ở trước mặt chị phụ trách cũng đang im lìm, thật ai cũng phải bực mình.
Oan-tơ nói đúng, tôi cũng định bảo chị thế. Gặp phải những cậu như Lô-ti, Mai-ơ, Phu-lân, Chích choè và Măm-phơ-lê này thì tôi chắc chị cũng đến phải đứng lặng đi mà nhìn thôi.
Còn lại bảy chúng tôi: Oan-tơ, Han-si, Pi-tơ, Li-pu-li-pu, Éc-vin, Đích-dơ và tôi bấy giờ mới ngồi vào bàn ăn. Lúc nãy Đích-dơ không hề cướp bánh, điều đó làm chúng tôi hơi ngạc nhiên, vì cậu ta vốn cùng một giuộc với Phu-lân xưa nay.
Bàn ăn không được sạch lắm. Chúng tôi chỉ lau qua một lượt, vì trực nhật hôm trước đã lau qua rồi.
Chị Hai-ga vẫn im.
Để làm trò cho chị vui, Li-pu-li-pu cố làm đủ kiểu nhăn nhó. Xưa nay nó vẫn có biệt tài ấy. Thấy thế, chị cũng gượng cười.
Chích choè và Măm-phơ-lê ngồi phệt xuống đất ở ngoài xa ăn bánh. Phu-lân, Lô-ti và mấy cậu nữa thì nằm ăn trong lều.
Ấy, tấn kịch tồi tệ đã mở màn như vậy. Tôi rất lo, không biết rồi đây sẽ còn thế nào.
Trong bọn tôi có độ bốn năm đứa đã đứng về phía chị Hai-ga, như Li-pu-li-pu, Pi-tơ, Oan-tơ, Han-si chẳng hạn. Các cậu ấy đều là Uỷ viên ban chỉ huy chi đội.